Huệ có được đi nghỉ hè một lần ở tiểu bang Massachusetts cùng với sư tỷ, để hai mẹ con tâm tình với nhau trước khi con rời xa gia đình vào nội trú ở đại học xa. Huệ lái xe từ Virginia sáng sớm, con gái ngồi kế bên. Xe đi ngang qua Baltimore, thành phố cảng của tiểu bang Delaware, không dừng lại vì ỷ gần nhà. Ngang qua New Jersey thì Huệ chỉ trả tiền mãi lộ cho mấy cái trạm dọc đường, rồi lái qua New York ăn trưa. Sau đó hai mẹ con lái dọc theo đường biển để đến thành phố du lịch Mystic của Connecticut, được xem hải học viện, rồi ghé mua sắm miễn thuế tiêu thụ của tiểu bang này. Connecticut là tiểu bang nhỏ, nhưng là nơi cư ngụ của nhiều nhà giàu hàng ngày làm ăn ở New York, nên lợi tức đầu người được coi là cao nhất Hoa Kỳ. Nhà cửa của họ đẹp đẽ, to lớn, chắc thuế đánh vào lợi tức và bất động sản của Connecticut cũng đã đủ nhiều để chi phí cho việc hành chánh và quản trị của tiểu bang nên thuế tiêu thụ được miễn (những năm đó). Từ Mystic, hai mẹ con lái dọc theo bờ biển tiểu bang Rhode Island, qua một vài hải cảng, chỗ đóng tàu, qua những chiếc cầu dài, những chiếc cầu cao, qua thủ phủ Providence của tiểu bang, rồi bỗng thấy mình đã đến Massachusetts. Nhưng điểm đến không phải là thành phố Boston, mà là một vùng biển nhỏ có tên là Hyannis. Hẹn Boston trên đường về.
Khách sạn nằm ở gần bờ biển Hyannis, trồng đầy hoa cẩm tú cầu. Khách sạn này là nơi thiên hạ thường đến trong dịp trăng mật nên khung cảnh rất hữu tình. Hai mẹ con nghỉ ở đây với những người chẳng chú ý đến mình cũng thấy yên tâm. Hôm sau, Huệ và sư tỷ lái xe ra bến tàu, đậu xe rồi lấy vé đi thăm đảo Martha's Vineyard. Trên đường ra đảo, dọc theo bờ biển là những dinh thự khổng lồ của giới nhà giàu tên tuổi Hoa Kỳ, nhà nghỉ hè của gia đình Kennedy cũng là một. Đảo Martha's Vineyard nhỏ, dân ít, chỉ sống để hưởng thú thanh nhàn, vui những năm hưu trí, hay nghỉ mát mùa hè, nên tất cả các việc làm ăn đều tập trung vào ngành phục vụ khách du lịch. Khi tàu tấp vào và neo lại, mọi người bước xuống cầu tàu là thấy ngay các tiệm ăn lớn nhỏ đợi sẵn, hải sản là chính, tôm hùm, tôm, cua, sò...bắp trồng ở đâu mà rất ngọt, rất ngon. Tiệm ăn nào cũng đông khách lạ lùng. Đi chơi quanh phố nhỏ, quanh đảo, leo lên những vùng đá chồng, nhìn thiên hạ lái xe trượt nước, mình thì hưởng làn gió biển mơn man...
Hôm sau, Huệ và sư tỷ lái xe từ Hyannis đi thăm cái mũi đất của Massachusetts, gọi là Provincetown. Dọc đường đếm mãi mà không nhớ là đã đi qua mười mấy hai hai mươi mấy ngọn hải đăng, hai bên đường là những ngôi nhà kiểu Cap Code, nhà riêng của cư dân, nhà nghỉ mát bỏ trống chờ người, và vô cùng là nhiều những khách sạn nhỏ, những quán trọ, những nhà có đề bảng Bed and Breakfast. Có những đoạn đường đi mà mất hồn, tự nhiên thấy hai bên đường đều là nước biển, nhưng đó chẳng qua là ngẫu nhiên đoạn đường đó rơi vào chỗ được biển ưu ái cho nằm vào một rẻo đất hẹp cạnh biển mà thôi (Newport Beach của California cũng có một đoạn như vậy, một bên đường là marina, một bên kia là bãi biển).
Provincetown là một phố biển và thật sự đây chính là một vùng biển lịch sử. Nhưng để nói chuyện thành phố du lịch trước rồi nói chuyện lích sử sau. Provincetown có dân số khoảng 3,500 người thường trú, nhưng đến mùa nghỉ hè có thể hấp dẫn du khách đến đây, nâng số người cư ngụ và vãng lai tất cả lên đến 30,000. Vùng đất rộng hơn 17 dặm vuông, nhưng chỉ có gần 10 dặm vuông là đất. Huệ lái xe đi quanh các con đường. Khung cảnh ở đây tương tự như ở vùng biển Dana Point của nam California, nhưng với nhiều nét hoang dã hơn. Nhà cửa rất đẹp, nhỏ nhưng gọn gàng, có vườn hoa, cây cảnh chung quanh, thường là bỏ trống. Về phố, đi bộ một vòng để kiếm chỗ ăn trưa và vào các cửa tiệm để xem qua cho biết sự tình. Huệ còn nhớ, trên đường phố có một cái quán trước sân có trồng cây honeysucker trắng. Cây này chắc trồng đã nhiều năm, vì honeysucker là loài dây leo, nhưng ai đó nhiều năm trước đã kiên nhẫn nuôi cho thành cây đứng, thân mập ra, các dây leo được uốn theo nề nếp, xòe ra như một cái dù phía trên ngọn, hoa trắng vẫn nở, vừa thơm, vừa đẹp. Hai mẹ con bước vào một tiệm sách, trong ngoài trang hoàng rất đẹp. Đập vào mắt là những món hàng bày trên tường, trên kệ, trên quầy với rất nhiều màu tím hoa cà hay những vầng cầu vồng. Ủa, tấm các này lại ghi “Tôi có hai bà mẹ.” Vậy là sao ta? Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình ngớ ngẩn, lọt vào một tiệm sách của nhưng người phụ nữ đồng tính luyến ái mà không biết. Tiệm sách này là của những người đồng tính, lập ra để hổ trợ cho người đồng tính, mà Provincetown đã nổi tiếng là thủ phủ của những người đồng tính, bấy giờ Huệ mới biết. Những người bán hàng trong tiệm sách rất tử tế, lịch sự và nhã nhặn, có lẽ là còn hơn những tiệm kế bên. Huệ không phán xét họ, chỉ tôn trọng, nên mua một vài cái mug xinh xắn về làm kỷ niệm. Buổi chiều Huệ và sư tỷ ra biển, tháo giầy đi dọc bờ cát, lội nước, leo vào những chiếc thuyền thúng bỏ ngửa trên bãi mà chụp hình...hề. Đã gọi điện thoại để đặt phòng từ trước chuyến đi, nhưng họ bảo phải đặt phòng trước ba bốn tháng mới có chỗ, nên hai mẹ con không ở lại đêm tại Provincetown được, lại lái xe về Hyannis. Hôm sau trở lại Provincetown, hình như đường xa quãng bốn năm chục miles, không nhớ rõ, chỉ biết là lái xe cả giờ vả qua rất nhiều trạm hải đăng.
Hôm sau, đến khu phố Provincetown lần nữa, Huệ thử lái xa hơn chỗ cũ để xem thử cái mũi cà mau của nó nằm ở đâu thì càng đi càng thấy...không tới. Đi mãi, đi mãi...a đây rồi, đúng là mũi cà mau (tĩnh từ). Mũi này gọi là Provincetown Harbor, nơi tàu thuyền về. Đứng đây một lúc thì làm như thấy hình ảnh của con tàu Mayflower của những người Pilgrim năm xưa thấp thoáng. Những người Anh vì khó khăn tôn giáo đã từ Hòa Lan vượt trùng dương, thoát hiểm khỏi bệnh hoạn trên tàu và lừa gạt được tử thần bủa vây sau đó, may mắn hơn những bạn đồng thuyền quá nhiều, đã đến được đây, Provincetown, vào năm 1620. Họ neo tàu, mon men lên bộ, gặp người Da Đỏ bản xứ, được giúp đỡ và bắt đầu tạo dựng cuộc sống tha hương. Từ những ngày đầu phải đi tìm nước ngọt, phải cử người thám hiểm vào xa hơn, trải qua bao thất bại, thăng trầm, họ đã vượt thắng và tạo được miền đất hứa. Điều đáng khâm phục nữa là khi cùng nhau chia sự sống, từ buổi ban sơ, những người Pilgrim này đã hội ý với nhau, soạn thảo và ký kết một hợp đồng xã hội đầu tiên, gọi là The Mayflower Compact. Họ đã ghi chú sự chia xẻ trách nhiệm và quyền lợi một cách dân chủ, minh bạch và rõ ràng. Huệ được viếng thăm Nhà Cứu Hỏa và Viện Bảo Tàng, có chụp hình với tượng của cô giáo thời xưa (năm đó không chụp được máy digital) và mua thêm sách về lịch sử miền đât Provincetown đem về đọc tiếp. Có đến mũi đất này rồi mới thấy, ngày xưa, ngoài nghề chài lưới thì cũng khó mà tìm cách khác để sinh nhai, canh tác thì không được, sinh sống thì gặp nước lợ, mạch nước ngọt không biết ở đâu. Hiện nay dân Provincetown sinh sống bằng ngành chiêu đãi khách du lịch, nuôi dưỡng văn hóa, hội họa và nghệ thuật. Tháng sáu năm 2008 Provincetown đã là nơi tổ chức Đại Hội Phim Ảnh Quốc Tế.
Chiều hôm đó, trên đường về Hyannis từ Provincetown, Huệ và sư tỷ dừng xe xuống thăm hai ngọn hải đăng và một bờ biển khá đông người. Về tới khách sạn đã 9 giờ tối, mẹ con ăn tối trễ rồi đi nghỉ để hôm sau lên đường đi Plymouth, cách Boston 40 miles về phía nam.
Plymouth có nghĩa là cửa sông Plym. Plymouth là tên một thành phố của vùng Devon bên Anh, sau được dùng đặt tên cho vùng định cư của nhóm người Pilgrim đầu tiên đến Hoa Kỳ. Thật tiếc là Huệ không đủ giờ để thăm viếng Plymouth Plantation để xem những cảnh sống thời xưa diễn lại, hay đi thăm những nơi thu gặt trái cranberry hàng bè đỏ trên sông nước, chỉ thấy được trong hình. Đến Plymouth sớm quá, viện bảo tàng Pilgrim Hall Museum chưa mở cửa, Huệ và sư tỷ đi ngắm cửa kiếng các tiệm trong phố chính, nơi văn hóa cổ truyền của New England hiện rõ. Những người phụ nữ Pilgrim thật là công dung ngôn hạnh, biết làm đẹp, khéo tay, quán xuyến gia đình, kim chỉ và giữ gìn được truyền thống của cố hương. Dán mũi tủ kính xong thì mẹ con lại ra bờ sông xem tảng đá nổi tiếng Plymouth Rock, nơi những người Pilgrim đặt bước chân lên đầu tiên khi thuyền đến Plymouth. Tảng đá này, mặc dầu không còn nguyên kích thước lúc ban đầu vì người xưa cứ đến gọt một miếng đem về làm của hay để bán lấy tiền, nay đã được trang trọng bảo lưu làm vật báu của quốc gia trong một đài kỷ niệm. Tảng đá nguyên thủy có lẽ nặng cỡ 20,000 cân Anh (pounds), nhưng nay chỉ độ một phần ba là còn lại.
Viện bảo tàng Pilgrim Hall Museum, thành lập năm 1824, là viện bảo tàng xưa cổ nhất mà vẫn còn mở cửa cho công chúng của Hoa Kỳ. Nơi đây lưu giữ và trưng bày những kỷ vật và lịch sử của tàu Mayflower, cùng những di tích của thời định cư sơ khai sau đó, tất nhiên là cả giai đoạn đương đầu và nghịch với người Da Đỏ. Sau khi ngắm nghía những cổ vật, đọc các lời chú dẫn, suy gẫm về những khám phá mới lạ, bất ngờ, cả thế giới cũ trong đầu Huệ bỗng nhiên xoay chuyển. Nhìn những dấu vết của thời hoang sơ gần bốn trăm năm trước và ngó ra bên ngoài viện bảo tàng là đời sống đã biến đổi cực kỳ, Huệ khâm phục biết bao ý chí và sự cần mẫn của người xưa. Điều này cũng khích lệ Huệ, một người vừa ngoi ngóp tìm ra đất mới với hai bàn tay trắng, nhưng với những điều kiện thuận lợi có sẵn, may mắn hơn người xưa gấp trăm lần. Mặt khác, Huệ bâng khuâng nghĩ đến những người Da Đỏ chơn chất, nghĩ đến những nghiệt ngã của cuộc đời mà lòng đau.
Rời viện bảo tàng, Huệ và sư tỷ lại tiếp tục cuộc hành trình, hướng về phía bắc, lái xe lên thăm vùng núi và hồ của tiểu bang New Hamshire. Từ New Hamshire, mẹ con quay xe lại, xuôi nam trở về. Hôm sau, Huệ và sư tỷ đến Boston, thăm căn nhà thời thơ ấu của tổng thống John F. Kennedy, thư viện và viện bảo tàng Kennedy, trường đại học Havard và một người bạn gái. Hôm sau nữa lại thấy mình đến ở lại New Haven, Connecticut, hai ngày để viếng trường đại học Yale, cách khách sạn vài đoạn đường bách bộ, trước khi thẳng đường lái xe trở về Virginia.
Chuyến nghỉ hè để tâm tình với con gái thật là vui vẻ, thú vị và đầy ý nghĩa. Khà khà, đó là cách duy nhất để có thể ở bên con mỗi ngày 24 tiếng, trọn mười ngày. Tuy nhiên, New England vẫn còn nhiều điều kỳ thú khác cần khám phá và Massachusetts quá tuyệt vời, anh Hai không nên bỏ qua. Vài năm sau, Huệ rủ anh Hai làm một chuyến nghỉ hè ở Hyannis và Maine. Tình cờ, chuyến đi trùm qua ngày July 04, sẽ kể trong bài mới.
Cảnh biển Provincetown, đằng xa là tháp Pilgrim Monument.
Kiểu nhà đặc thù của Provincetown.
Phía sau của những hàng quán ven bờ biển, trên đường phố chính, chụp từ bãi cát.
Từ mặt đường là phố thương mại nhà cửa san sát, có những lối đi đẹp để ra biển.