Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Để Mất Hoàng – Trường Sa và Tại Sao Tam Sa??CSVN làm nô lệ cho Tầu Cộng từ khi nào?Vĩnh Phúc
Để mất Hoàng – Trường Sa, Cộng sản Việt Nam cam tâm làm nô lệ cho Tầu cộng từ bao giờ
Trong mấy tuần vừa qua, dư luận người Việt hải ngoại và giới trí thức, thanh niên, sinh viên, học sinh trong nước đã bừng bừng sôi sục vì sự kiện Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn dự luật thành lập huyện Tam Sa để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn từ xưa người Việt vẫn coi là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Tại nhiều nơi trên thế giới, người Việt đã tổ chức những cuộc biểu tình phản đối gay gắt trước các tòa Ðại sứ và Tổng lãnh sự của cả Trung quốc lẫn Việt Nam cộng sản. Một số nơi có cả sự tham dự của các du học sinh do chế độ ở Việt Nam cho đi học. Riêng trong nước, đã có ít nhất 3 cuộc biểu tình diễn ra tại Hà Nội và Sài Gòn. Nhưng các cuộc biểu tình này đã bị nhà cầm quyền cộng sản giải tán ngay trong khi tất cả các cơ quan truyền thông trong nước đều câm như hến vì được lệnh tuyệt đối không được hó hé loan tin. Vì thế, ngoại trừ những người có cơ hội lén lút nghe tin hoặc vào mạng internet thì mới biết được các diễn biến này, còn tuyệt đại đa số dân trong nước vẫn mù tịt chẳng biết gì về việc nước “đàn anh môi hở răng lạnh” đã ngang nhiên lấn chiếm lãnh thổ nước mình.
Người ta cũng chẳng lạ trước thái độ đớn hèn nhục nhã của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam trước hành động trịch thượng đầy tính chất bá quyền của Trung quốc, vì từ trước tới nay họ đã từng gục mặt như vậy rồi. Chỉ trong vòng ba năm vừa qua, người Tầu đã không ngớt khiêu khích Việt Nam:
– Ngày 27 tháng 12 năm 2004 hải quân Trung quốc lấy cớ các thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam xâm phạm hải phận của ho bất hợp pháp, họ bắt giữ 80 dân chài Việt, dùng tàu tuần duyên húc vào các thuyền đánh cá nhỏ bé và mong manh của dân Việt, làm thiệt mạng 23 người, bị thương 6 người, và 10 chiếc tàu đánh cá bị hư hại.
– Chỉ một tháng sau, ngày 8 tháng 1 năm 2005, các tầu của Trung quốc vào Vịnh Bắc Bộ bắn phá các tàu đánh cá Việt Nam, làm chết 9 ngư dân tỉnh Thanh Hóa, làm bị thương 7 người, và còn bắt đi 8 người nữa. Ðến ngày 28 tháng 2 năm 2007 họ bắt 12 ngư dân đang đánh cá ở vùng biển gần Hoàng Sa, và ngày 27 tháng 6 năm 2007, họ bắn phá và cướp mất tầu của 13 dân chài tỉnh Quảng Ngãi ghé vào tránh bão gần Hoàng Sa.
– Tới ngày 9 tháng 7 năm 2007, tàu chiến Trung quốc lại bắn các thuyền người Việt gần vùng Trường Sa khiến một thuyền chìm, một ngư dân thiệt mạng, 5 người bị thong trước sự hiện diện của tầu BPS500 của hải quân Việt Nam.
Ðiều khốn nạn và nhục nhã là trước những sự khiêu khích trắng trợn đó, trước cảnh mạng sống và tài sản của con dân Việt bị xâm phạm, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ phản đối chiếu lệ hoặc làm ngơ, thậm chí còn không cho báo chí và các đài truyền thanh truyền hình trong nước loan tin. Rồi những việc như Trung quốc cho lập phi trường, lập căn cứ , đóng quân ở Hoàng Sa, và mới đây nhất là việc họ lập huyện Tam Sa để bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa (mà theo các văn bản và tài liệu của Trung quốc, gọi là Tây Sa và Nam Sa ) thì giới truyền thông Việt Nam vốn là công cụ tuyên truyền của đảng và nhà nước cộng sản , được lệnh phải giữ im lặng. Nếu có ai dám lên tiếng nhân danh lòng yêu nước và việc bảo vệ chủ quyền quốc gia – dù nhẹ nhàng – cũng bị trừng trị ngay. Ðiển hình là ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập báo điện tử VietNam Net đã bị mất chức vì báo này đăng một bài mang tựa đề “Sức mạnh đồng thuận Viết Nam: Nhìn từ Hoàng Sa Trường Sa” ngày 10/12/2007 trên internet. Chỉ mấy giờ đồng hồ sau, bài báo bị rút khỏi mạng và tờ báo bị phạt 30 triệu đồng VN. Còn bà Hồ Thu Hồng, Phó Tổng biên tập bộ phận Thể thao – Văn hóa của Thông tấn xã Việt Nam, thì bị sa thải vì tham gia cuộc biểu tình của sinh viên học sinh để phản đối Trung quốc.
Tinh thần nô lệ của lãnh đạo cộng sản Việt Nam đối với quan thầy Trung Quốc
Khi bị Trung quốc uy hiếp, giới lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã ngậm tăm cúi đầu khuất phục không hề ho he. Cảm thấy nhục nhã quá, giới sinh viên học sinh đã tổ chức biểu tình phản đối ở Sài Gòn và Hà Nội. Nhưng nhà cầm quyền đã vội vàng đàn áp ngay. Họ gọi các cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước và ý chí bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia là “những cuộc tụ tập làm mất trật tự “ và cho công an thẳng tay đàn áp giải tán. Trong khi đó, quan thầy Trung quốc lại lên giọng trịch thượng khi cho phát ngôn nhân Tần Cương tuyên bố: “Chúng tôi thực sự quan ngại về những diễn biến mới đây ở Việt Nam. Ðiều đó sẽ làm tổn hại quan hệ tốt đẹp giữa hai nước… Chúng tôi hy vọng là chính phủ Việt Nam sẽ có thái độ trách nhiệm, đồng thời có những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn những sự việc gây phương hại đến mối quan hệ song phương như vậy…” . Bị quan thầy mắng mỏ, giới lãnh đạo cộng sản VN đã bày tỏ thái độ ra sao? Ngày 20/12, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Dũng tuyên bố: “Chính phủ yêu cầu nhân dân chấm dứt loại hành động này (tức là biểu tình - VP)… Việt Nam theo đuổi chính sách dàn xếp các tranh chấp qua đàm phán …”. Theo Thông tấn xã AFP, phía Việt Nam còn “…bảo đảm với Bắc Kinh là nhà cầm quyền đã thi hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho phái bộ ngoại giao nước ngoài và duy trì trậ tự xã hội”. Nói khác đi và nôm na là: một mặt giới lãnh đạo VN qua lời Lê Dũng “trừng mắt nạt nộ nhân dân yêu nước, cấm không được biểu tình” một mặt chính phủ “khấu đầu trình với các quan thầy TQ rằng chúng con xin thề đã có những biện pháp cứng rắn để đập tan biểu tinh và đảm bảo sự an toàn, không dám để cho bọn sinh viên hỗn láo động đến một sợi lông chân của các quan Ngoại giao Trung quốc”.
Không phải chỉ bây giờ giới lãnh đạo cộng sản VN mới tỏ ra “dễ dạy” trước quan thầy TQ. Như nhiều người đã biết, ngay từ khi lãnh tụ tối cao của họ là ông Hồ Chí Minh còn sống, họ đã trên dưới một lòng chấp nhận sự điều khiển và cam tâm làm nô lệ cho Trung quốc. Chỉ cần dẫn chứng một vài thí dụ:
1. Suốt thời kỳ chiến tranh khi đất nước bị chia đôi, vì Miền Bắc nghèo đói nên toàn dân phải sống trong hoàn cảnh cực kỳ khốn khó, thiếu thốn. Thế nhưng trong khi dân Việt phải ăn độn triền miên, thì những người dân gốc Hoa lại được ưu đãi: họ vẫn được mua lương thực tương đối đầy đủ và không phải ăn độn. Chỉ mãi tới khi cộng sản chiếm được Miền Nam va Trung quốc sắp sửa “dạy cho một bài học” thì đám người Hoa này mới bắt đầu bị “hành hạ”, để khởi đầu một phong trào vượt biển ào ạt từ thành phố Hải Phòng (vốn đa số là người gốc Hoa) khiến cho thành phố này vắng hẳn. Những người này sau được định cư ở Anh quốc, đều xác nhận chuyện đó.
2. Ngày 15 tháng 6 năm 1956 Ngoại trưởng Bắc Việt Ung Văn Khiêm tuyên bố rằng “Việt Nam nhìn nhận chủ quyền của Trung quốc tại Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa)”. Ngày 4 tháng 9 năm 1958 Trung quốc tuyên bố chủ quyền về lãnh hải, thì chỉ 10 ngày sau, tức là ngày 14/9/1958, Thủ tướng của cộng sản VN Phạm Văn Ðồng thừa lệnh Hồ Chí Minh, gửi công hàm cho Thủ tướng Trung cộng lúc đó là Chu Ân Lai, công nhận chủ quyền của Trung quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và dĩ nhiên trong trận hải chiến giữa Trung cộng và Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa, cộng sản Miền Bắc đã làm thinh với thái độ đồng tình với sự xâm lăng của quan thầy. Rồi trong một bài trên báo Sài Gòn Giải Phóng ra tháng 05/1976, đã viết: “Trung quốc vĩ đại đối với chúng ta, không phải chỉ là người đồng chí, mà còn là người thầy tin cẩn đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày nay. Vì vậy chủ quyền Hoàng Sa thuộc về Việt Nam hay thuộc Trung quốc cũng vậy mà thôi”! (trích Làm Thân Cỏ Cú của Lê Minh Nguyên).
3. Nhưng tinh thần nô lệ ô nhục không chỉ ngưng lại ở đó, mà cũng không phải đợi tới khi có lời tuyên bố của Ung Văn Khiêm năm 1956, tới khi có công hàm của Phạm Văn Ðồng năm 1958, hay tới khi có bài báo như trên tờ Sài Gòn Giải Phóng năm 1976. Ngay từ năm 1951, trong chức vụ Tổng thư ký đảng Lao Ðộng Việt Nam – tức là đảng cộng sản VN – Trường Chinh đã cho tung ra tờ truyền đơn hô hào nhân dân Việt Nam hãy “bỏ chữ quốc ngữ để học chữ Tầu, bỏ bệnh viện, nhà bảo sanh và cách chữa bệnh theo Tây phương để theo thuốc Tầu danh tiếng khắp thế giới…”. Sau đây là bằng chứng:
Tờ nhật báo Tiếng Dội số 462, năm thứ 3, đề ngày Thứ Sáu 24 Aout 1951, Âm lịch 22 tháng Bảy (Thiếu) năm Tân Mão, giá bán 1 đồng, của Chủ nhiệm Trần Chí Thành tự Trần Tấn Quốc, Tòa soạn, Quản lý 216 đ. Gia Long Saigon, có bài mang tựa đề “Việt Minh vận động cho Việt Nam làm chư hầu Trung Quốc”, cho in nguyên văn một tờ truyền đơn do Trường Chinh ký như sau:
ỦY BAN HÀNH CHÁNH KHÁNG CHIẾN VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA NĂM THỨ VII
TỔNG THƯ KÝ ÐẢNG LAO ÐỘNG VN
SỐ: 284/ LÐ ÐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC
Hỡi đồng bào thân mến!
Tại sao lại nhận vào trong nước Việt Nam yêu mến của chúng ta, là một nước biết bao lâu làm chư hầu cho Trung quốc, cái thứ chữ kỳ quặc của bọn da trắng Tư Bản đem vào!
Tại sao ta lại truyền bá trong dân chúng từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, cách viết chữ dị kỳ của tên thực dân Alexandre de Rhodes đã đem qua xứ mình như thế ?
Không, đồng bào của ta nên loại hẳn cách viết theo lối âu tây ấy – một cách viết rõ ràng có mau thật đấy – và ta hãy trở về với thứ chữ của ông bà ta ngày trước, là thứ chữ nho của Trung Quốc.
Vả chăng, người Trung Hoa, bạn của ta – mà có lẽ là thầy của chúng ta nữa, ta không hổ thẹn mà nhìn nhận như thế – có phải là dân tộc văn minh trước nhất hoàn cầu không?
Trường Chinh trong áo đại cán: “Người Trung Hoa, bạn của ta – mà có lẽ là thầy của chúng ta nữa, ta không hổ thẹn mà nhìn nhận như thế – có phải là dân tộc văn minh trước nhất hoàn cầu không?” Nguồn ảnh: qdnd.vn
Còn nói gì đến y khoa của Âu Mỹ: Chúng chỉ cắt, đục, khoét, nạo! Có thế thôi!
Hỡi đồng bào yêu mến! Chúng ta hãy gạt bỏ cách chữa bệnh của bọn Ðế quốc phương Tây đem qua xứ ta!
Ta hãy bỏ nhà bảo sinh của chúng, bỏ bệnh viện của chúng, ta hãy dùng thuốc dán của ông cha ta để lại và nhất là dùng thuốc Tàu danh tiếng khắp cả hoàn cầu.
Ta hãy trở về phương pháp này, trước nữa để ủng hộ các bạn Trung Hoa, sau nữa để loại ra khỏi nước Việt Nam yêu mến của ta bao nhiêu những đồ nhập cảng thực dân như là khoa hoc, phát minh v.v…
Ta hãy quét sạch lũ “trí thức” đã xuất thân ở các trường Âu Mỹ, đế quốc và thực dân!
Chúc “Tổng phản công” và “Thi hành mọiphương pháp bài trừ thực dân”.
Trường Chinh
Tổng thư ký đảng Lao Ðộng
Số báo Tiếng Dội này nằm trong Thư Viện tiếng Việt thuộc Bảo Tàng Viện Anh Quốc (British Museum – London).
Chuyện gì đã xảy ra sau trận chiến 1979 và trước vụ Tam Sa?
Việc Trung Quốc “đánh phá” Việt Nam không phải chỉ đơn thuần có trận chiến biên giới năm 1979, mà thực sự họ đá “đánh” Việt Nam trên cả hai mặt trận quân sự lẫn kinh tế:
1. Trên mặt trận thuần túy quân sự, không phải chỉ có một “bài học” mà Ðặng Tiểu Bình đã day Việt Nam năm 1979. Trái lại, sau đó còn lai rai có những cuộc tràn quân của Trung Quốc vào những năm 1981, vào năm 1984 và năm 1989. Nhưng phía Việt Nam đã giữ rất kín những chuyện này, nên dân chúng và thế giới bên ngoài không biết đến. Mới đây mạng website Việt NamExodus tiết lộ các tài liệu của Bộ Quốc phòng Trung Quốc (1), với các bản đồ và hình chụp, người ta mới được biết rằng từ năm 1981 đến 1989, đã có những trận giao tranh ở vùng biên giới, vì quân Trung Quốc đã tràn qua nhiều lần ở các vùng núi thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, gây nhiều tổn thất cho Việt Nam. Việt Nam đã bị mất núi Faka, giải bình độ 400 thuộc tỉnh Lạng Sơn, và Núi Bạc năm 1981. Có cả hình chụp cho thấy Hồ Diệu Bang đi thăm chiến hào núi Faka vào tháng 1 năm 1981. Tài liệu của Trung Quốc cũng cho biết họ đã chiếm được của Việt Nam núi Lão Sơn (Việt Nam gọi là Núi Ðất) năm 1984, núi Fa Hán năm 1985, và hình Triệu Tử Dương đứng từ núi Faka dùng ống nhòm quan sát phòng tuyến quân Việt Nam tháng 12 năm 1987. Ngoài ra, còn có một tờ Thông Báo của đạo quân Vân Nam, với nội dung cho phép phía quân Việt Nam đưa người sang phòng tuyến của họ để thu hồi xác các bộ đội biên phòng Việt Nam, mỗi lần số người qua không được quá 50, và không được mang vũ khí.
2. Trên mặt trận kinh tế thì suốt khoảng 20 năm qua, Trung Quốc không ngừng phá nền kinh tế của Việt Nam bằng cách đổ qua biên giới phía Bắc đủ mọi mặt hàng. Những loại hàng này được bán với giá rẻ hơn nhiều so với hàng nội địa. Lý do chính là vì chúng được nhập cảng lậu vào Việt Nam, vì các nhân viên quan thuế biên cảnh đã ăn chịu với bọn buôn lậu nên nhắm mắt làm ngơ cho họ đem hàng lậu thuế qua biên giới. Năm 1995 người viết bài này đã đến chợ biên giới Lạng Sơn để được thấy tận mắt từng đoàn dân cửu vạn – những người được mướn chuyên chở hàng lậu xuyên rừng núi, tránh những trạm kiểm soát quan thuế. Họ gánh, vác, hay dùng xe đạp, xe Honda thồ hàng đi lũ lượt từng đoàn! Còn công an quan thuế? Bọn này đã từng tuyên bố “chỉ cần làm 6 tháng rồi bị tù vì tham nhũng cũng còn sướng, vì đã kiếm đủ nhà ngói, xe Honda, đài truyền hình, đồng hồ đeo tay Seiko”! (những tiêu chuẩn thời đó ở Bắc, dĩ nhiên bây giờ cao hơn rồi). Dân chúng trong nước ham mua hàng Trung Quốc, vì giá rẻ mà chất lượng lại cao hơn hàng nội hóa. Lấy thí dụ nhỏ: một cái trứng vịt mang từ Long An hay Mỹ Tho lên Saigon, đã nhỏ mà bán tới 8000 đồng, trong khi một cái trứng từ Trung Quốc lớn gấp rưỡi mà chỉ bán có 5000 đồng. Tất nhiên dân nghèo chọn cái trứng của Trung Quốc, không cần biết nó có thể có chất độc hại ra sao. Thường thường các loại thực phẩm, rau trái từ Trung Quốc đều chứa chất độc hại. Chẳng hạn có lần tại Hà Nội người ta khám phá thấy hơn 500kg lòng và tim gan heo và bò mang từ Trung Quốc sang, có ngâm foóc-môn (Formal hay Formalin từ khí H2CO ở dạng ngậm nước, 37% formaldehyde (hydrate H2C(OH)2), và 10-15% methanol dùng làm thuốc tẩy trùng, giết vi khuẩn – DCV ). Sau nay con buôn vô lương tâm Việt Nam cũng bắt chước mà cho hóa chất độc vào thức ăn, để bán cho đắt hàng. Thậm chí mới đây theo báo chí trong nước, còn có cả tiền giả từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam chắc chắn biết rõ dã tâm phá hoại kinh tế của Trung Quốc, nhưng không ngăn chặn nổi. Vả lại, với tình trạng tham nhũng đã “hết thuốc chữa” như ở Việt Nam, thì còn làm gì được?
Tại sao có vụ Tam Sa?
Có hai nguyên nhân khiến đưa đến chuyện Trung Quốc cho lập huyện Tam Sa vào lúc này.
1. Về mặt quân sự, Trung Quốc rất cần kiểm soát vùng vịnh Bắc Bộ và Biển Ðông (mà họ gọi là Nam Hải). Mặc dù giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã cắn răng chịu nhục, cắt đất, cắt vùng biển đem dâng để mong làm vừa lòng quan thầy, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, cốt chỉ muốn giữ vững địa vị và quyền lợi của bè phái tập quyền lãnh đạo. Nhưng với tham vọng bá quyền, người Trung Quốc vẫn chưa hài lòng. Họ cũng nhận thấy tầm mức vô cùng quan trọng về mặt quân sự của vùng Nam Hải, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Kiểm soát được vùng này, Trung Quốc mới có thể thoát ra eo biển Malacca và thông thương với thế giới bên ngoài. Nếu bị chặn thì Trung Quốc bị tắc nghẽn như nằm trong rọ. Vì phía trên thì bị Ðài Loan và Nhật Bản ngăn chặn khu vực Hoàng Hải, Ðông Trung Quốc Hải., mà phía ngoài nữa là rải rác các đảo của Hoa Kỳ trong Thái Bình Dương. Về mặt chiến lược, Trung Quốc cần phải kiểm soát vùng Nam Hải để lấy lối thoát, để có lối cho hải quân hoạt động. Nhất là các tầu ngầm của họ có nơi trú ẩn và hoạt động. Nếu để đối phương kiểm soát vùng này, một khi có chiến tranh, Trung Quốc sẽ lâm vào thế thọ địch rất nguy hiểm. Giả sử Hoa Kỳ đặt chân được lên Hoàng Sa, Trường Sa, hay căn cứ Cam Ranh, hoặc họ đưa tầu ngầm vào vùng Nam Hải, thì từ những nơi này, việc tấn công nội địa Trung Quốc rất dễ dàng.
Thế cho nên, nhân vào lúc này Hoa Kỳ và Việt Nam chưa kịp đi đến một hiệp ước hỗ tương hay hợp tác hải quân, đồng thời Hoa Kỳ đang mệt mỏi với những cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, lại còn các vấn đề rắc rối ở Iran, Bắc Hàn. Hoa Kỳ sẽ không thể can thiệp trực tiếp mà chỉ phản đối lấy lệ thôi. Nhật Bản cũng sẽ chỉ phản đối thôi chứ không nhẩy vào vòng chiến. Còn Ðài Loan không đáng ngại. Bởi vậy Trung Quốc ra tay vào lúc này là tạo một sự đã rồi. Một mình Việt Nam không đủ sức chống lại Trung Quốc. Hải lực Việt Nam quá yếu không thể chống chọi được với Trung Quốc. Phần khác, Việt Nam đã từng phải đối phó với Trung Quốc trên bộ ở biên giới phía Bắc cũng đã đủ thấm mệt rồi. Chắc chằn Việt Nam không dám gây chiến với Trung Quốc, vì nếu có chiến tranh, nền kinh tế của Việt Nam sẽ suy xụp và đất nước sẽ tan hoang. Do đó Trung Quốc cảm thấy vững bụng để ra tay tao một sự đã rồi. Họa chăng họ có sợ thì chỉ sợ sự tẩy chay của Hoa Kỳ và thế giới đối với hàng hóa của họ mà thôi. Nhưng chuyện này chưa chắc sẽ xảy ra. Có lẽ cũng thấy được cái tư thế chênh vênh của Việt Nam, mà một lân quốc vốn vẫn lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc và vẫn thỉnh thoảng có đụng độ biên giới với nước này, là An Ðộ, mới đây đã vội vàng giúp cho Việt Nam 5000 món trang bị hải quân. Phải chăng hành động này cũng đã có sự đồng tình ngấm ngầm của Mỹ? Cũng dễ hiểu sự lo ngại của thế giới trước viễn tượng con rồng Trung Quốc vùng dậy, mà Việt Nam có thể là nạn nhân chịu cú quật đuôi đầu tiên vậy.
2. Về mặt kinh tế, vùng Biển Ðông đem lại rất nhiều lợi lộc, mà trước mắt là việc khai thác dầu hỏa. Chính vì đã để mắt vào trữ lượng dầu trong vùng này, mà Trung Quốc cách đây mấy tháng đã cố tình bắn tiếng gây khó khăn để cho công ty dầu BP của Anh quốc đang thực hiện khế ước khai thác dầu mỏ ở Hoàng Sa với Việt Nam phải bỏ chạy. Ngoài ra, cũng nhờ nếu kiểm soát được vùng Biển Ðông, thì các thương thuyền của Trung Quốc mới có thể thoát ra vùng eo biển Malacca để giao thương với thế giới.
Việt Nam cần làm gì?
Như đã nói, trước hành động lấn áp trắng trợn của Trung Quốc, chắc chắn giới lãnh đao cộng sản Việt Nam chẳng dám làm gì cả! Một vài nhà nhận định thời cuộc thế giới mới đây cho rằng các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh trong nước đã được giới lãnh đạo bật đèn xanh. Có thể có một phần sự thật như thế. Nhưng ngay sau đó, trước những lời “nhắn nhủ” nghiêm khắc của quan thầy, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã một lần nữa cam chịu sự ô nhục mà quay 180 độ, cúp đuôi ra lệnh cho công an đàn áp và dẹp ngay cuộc biểu tình thứ 3 ở Saigon, trước khi các sinh viên có đủ thời giờ tụ tập lại, trong khi Lê Dũng đã phải lên tiếng “trình” với quan thầy về sự đảm bảo an ninh cho phái đoàn ngoại giao Trung Quốc và cấm dân biểu tình.
Thực ra, mối lo trong gan ruột của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay, chính là các cuộc biểu tình. Họ chỉ sợ các cuộc biểu tình biến thành cuộc cách mạng nhung để quật cổ họ xuống, như cuộc cách mạng nhung ở Tiệp Khắc cách đây gần 20 năm lật đổ chế độ cộng sản, đem lại không khí dân chủ cho dân nước này. Tuy rằng giới thanh niên, sinh viên, học sinh ở Việt Nam đã bị thuần hóa từ lâu rồi, nên ý chí tranh đấu cho tự do dân chủ gần như bị thui chột. Rồi đến khi có cái gọi là “đổi mới, mở cửa” thì đại đa số lại chỉ lo kiếm tiền và chạy theo sự hưởng thụ, nhưng cũng vẫn còn những người với bầu nhiệt huyết hừng hực. Bây giờ, trước mối nhục chung của dân tộc bị lân cường lấn hiếp, những bạn trẻ này đã đứng lên. Họ kêu gọi nhau dậy mà đi! Và nhà cầm quyền lo sợ! Cho nên họ bị đàn áp, bị dẹp ngay không được biểu lộ lòng yêu nước. Nghĩa là trước mắt những người cầm quyền cộng sản ở Việt Nam, bây giờ mối lo sợ không phải là việc Trung Quốc chiếm mất Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi vì chính họ – từ ông Hồ Chí Minh trở xuống – đã dâng hai quần đảo này cho người Tầu từ cách đây nửa thế kỷ rồi mà! Mối lo lớn của họ, chính là các cuộc biểu tình của giới trẻ trong nước.
Có lẽ mọi người nay đều đang trông chờ xem giới trẻ trong nước có thực sự làm được gì không. Họ đã ngồi yên quá lâu rồi. Bây giờ là lúc họ cần chứng tỏ cho toàn dân biết rằng hậu duệ của những Trần Quốc Toản, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ, Lý Thường Kiệt , Bà Trưng, Bà Triệu v.v... không còn cam tâm chịu đựng sự thống trị của đám người cộng sản vô lương tri nữa. Họ cần phải được thở hít bầu không khí tự do dân chủ, cần có đầy đủ những quyền làm người căn bản mà bất cứ người trẻ tuổi nào trong bất cứ vùng đất tự do nào cũng đương nhiên được hưởng. Và đây là lúc tuổi trẻ Việt Nam phải cùng nhau vùng lên mà giành lấy các quyền đó.
Một khi đất nước đã có giới lãnh đạo mới thực tâm yêu quê hương, thực tâm yêu dân tộc, thì toàn thể người Việt Nam, bất kể ở nơi đâu, sẽ sẵn lòng nắm tay nhau, xây dựng lại đất nước. Với chất xám của người Việt hiện nay rải ra khắp năm châu, nếu đem về xây dựng quê hương, thì chảng bao lâu Việt Nam sẽ cất cánh. Khi đã có đủ khả năng, đủ thực lực như các dân tộc Do Thái, Nhật Bản kia, thì lo gì việc lấy lại những phần đất đã bị ngoại bang chiếm mất.
© DCVOnlinehttp://www.danchimviet.c...ws&file=article&sid=4455
DCVOnline: (1) Một số bài viết về “trận Lão Sơn” đã dùng thông tin từ bài “The Battle of Mountain Laoshan, Second Sino-Vietnamese War” trên trang web www.china-defense.com và gọi là “Bộ Quốc phòng Trung Quốc”. a. Theo thông tin từ trang web của Bộ Thương Mại nước CHND Trung Hoa (TQ) tại http://english.mofcom.gov.cn/organization.shtml thì Bộ Quốc phòng CHNDTH (TQ) không có website. b. Trang web www.china-defense.com khó có thể gọi là trang web của “Bộ Quốc phòng Trung Quốc” vì nhiều lý do. Một trong những lý do đó là máy chủ của www.china-defense.com hiện đặt tại 29 Airpark Road, Princeton, NJ 08540, USA thuộc công ty cung cấp dịch vụ internet Digital Providers, LLC ở địa chỉ IP 208.68.175.58.
|