Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,643 Points: 1,524
Thanks: 95 times Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
|
quote: Gởi bởi Anh Ba
Buổi chiều, về nhà sớm hơn mọi ngày. Ghé tạt qua chợ mua một ký nhãn xuồng, vài trái táo, vài trái lê. Người bán thật khéo léo khi tết những cành nhãn lại thành một bó, điểm thêm vài cành lá nhãn xanh mướt . Và bán nó cho những người muốn mua về để cúng, như tôi, với một cái giá cao hơn nhưng người ta vẫn vui lòng vì nó mang vẻ trang trọng, thành kính. Như sực nhớ, tôi mua thêm cái bình cắm hoa và bó cúc vàng . Cứ phân vân mãi khi chọn bó cúc vàng. Thường thì người ta mua bông vạn thọ, cũng màu vàng, về để cúng . Tôi nghĩ thế vì thường thấy cô mình ngày xưa mỗi lần giỗ tết, vẫn mua bông vạn thọ trước đó một hôm, sai chúng tôi ngâm vào cái lu lưng nước và nhắc rảy nước thường xuyên để hôm sau bà cắt tỉa cẩn thận chưng lên bàn thờ. Cái bàn thờ nằm khuất ở gian phòng sau trên lầu. Tôi cẩn thận thay giấy lót, lau sạch những bụi bám trên tấm hình Mẹ, nhìn nụ cười trên môi Mẹ, lòng chợt rưng rưng nhớ về một thời thơ ấu, những ngày còn thơ ngây sống bên Người. Khi bồng thằng con còn đỏ hỏn từ Sài Gòn về cái thôn Mỹ Lược bên dòng sông Thu Bồn khi xưa, Mẹ đã thề không bước chân vào cái xứ Sài Gòn nhiều bạc bẽo, cam chịu làm lụng vất vả để nuôi nó và thằng em nuôi lượm được bên vạt khoai lang ngày nào, thằng em mà theo bà, nuôi nó để mi có người bầu bạn. Mẹ có nghề bà mụ, bà mụ vườn đi đở đẻ cho mọi người cần đến, khắp làng, khắp xóm, bất kể giờ giấc, để lại hai thằng con cun cút chơi đùa với nhau rồi chiều chiều ra ngõ ngóng Mẹ về, có khi mong chờ trong tuyệt vọng, nức khóc đến khi mõi mệt ngủ gục bên hàng hiên nhà, người hàng xóm lại có dịp kể công cùng Mẹ khi bồng hai đứa vào nhà. Tạ ơn người khi đồng bạc, khi vài củ khoai, Mẹ lại ôm con vào lòng chặt hơn như một bù đắp cho thời gian đã mất . Những lúc ấy chúng tôi sung sướng lắm. Tôi thích coi đi coi lại cái phim Forrest Gump, nhất là thời gian khi Gump còn trẻ. Khi người mẹ dẫn Gump lần đầu tiên đi học, tay Hiệu trưởng lắc đầu khi nhìn cậu bé ngờ nghệch của bà, cuối cùng cũng đồng ý sau khi bà chấp nhận một sự đánh đổi. Tôi đã đồng cảm với Gump khi nhìn khuôn mặt tưởng như vô tình của Gump khi một mình ngồi chờ cho mọi việc qua đi . Đừng bao giờ nghĩ con nít không hiểu biết về những gì xảy ra chung quanh nó, đôi khi dấu ấn tuổi thơ luôn hằn khắc trong đầu chúng tựa như những vết khắc trên gỗ đá, không phai mờ. Quê tôi ngày xưa là vùng xôi đậu . Ngày ta đêm địch . Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in căn hầm mà mẹ tôi cho đào dưới gầm gường ngủ ngày nào, được tấn chặt bằng những tấm gỗ cứng chung quanh, để mỗi khi có báo động, Mẹ là người xua hai thằng con xuống trước rồi cẩn thận đậy nắp hầm, chờ cho mọi việc qua đi, Mẹ lại mò mẩm, thận trọng, dáo dác bước lên trước như muốn một mình gánh vác cái nguy hiểm cho hai thằng con mình. Trong cái bóng tối tù mù đó, để dổ cho thằng em nín khóc, Mẹ khe khẽ kể cho con mình nghe những câu chuyện đời thường mà Người từng gặp, mong cho chúng nó quên đi cái sợ. Nhưng vẫn không thể nào khiến cho thằng lớn quên đi nỗi uất nhục khi một tối nào đó, nắp hầm được mở tung lên, người Mẹ riu ríu bước lên bên thằng con cứ níu chân Mẹ không rời. Nó cứ quay lưng ôm chân Mẹ như thế cho đến khi sự giao ước đã thành lời, khi ấy nó bị hắt ra bởi một bàn tay thô bạo, ngã dúi vào nền nhà và nằm khóc rưng rức. Cho đến khi ấy, tuổi thơ tôi đã biết thế nào là căm hờn . Cơn lụt năm Thìn đã chia cắt tôi và Mẹ. Choáng ngợp trước tấm chân tình của người Cha như muốn bù đắp cho những mất mát của con mình, của ánh đèn thị thành, tôi đã quên đi hình bóng của Người . Cuối những năm 70, tôi lại tìm về quê Mẹ . Cuộc sống khó khăn khiến Người bạc tóc. Ba Mẹ con chúng tôi lại quây quần bên nhau, tôi lại được chơi với thằng em nuôi ngày nào. Khi ấy Mẹ làm tạp vụ cho một cái khách sạn mà ông chủ, vốn là người quen cũ, thương tình cho hai Mẹ con ở nhờ trong một gian phòng vốn là cái kho chứa đồ cũ. Mẹ lại còng lưng ra lau nhà, dọn phòng, có khi lãnh áo quần dơ của khách trú mang về giặt thêm, kiếm tiền nuôi con. Lắm khi ba người gặm lương khô qua ngày, cái món lương khô cứng như đá nghe đồn là ăn rất bổ dưỡng, lâu đói, ăn vào cứ anh ách bụng cả ngày . Thời gian ấy cũng qua mau, tôi không ở với Mẹ thường xuyên, phải xa người để đi tìm cái tương lai riêng cho mình với ước mơ được thành tài về đền đáp công ơn của Người. Mãi đến những năm cuối 90, tôi mới có dịp về quê thường hơn. Thằng em giờ đã có gia đình riêng, ngày ngày cùng vợ và cháu qua qua thăm Bà sát vách. Đấy là những năm tôi thấy Người hạnh phúc nhất. Cơm nước đã có hai vợ chồng nó lo liệu, Người chỉ việc làm thơ, xướng họa với mấy ông bà bạn già tri kỷ. Và đi lo chuyện quan, hôn, tang, tế …của những người thân quen . Xa mấy cũng đi, không mời cũng đến . Đó là niềm vui của Người, một người không thích cái không khí tẻ nhạt, cô độc. Bà thường làm thơ đường luật, lấy hẳn một bút hiệu là Thanh Tâm. Mỗi khi tôi về thăm, Mẹ lại dấm dúi cho vài trang giấy ghi bài thơ mới làm, có khi dành tiền in hẳn một tập thơ, tặng cho con cùng lời đề tặng. Mẹ thường dắt con đi, hãnh diện giới thiệu với bà con trên quê đây là con trai tôi, nó là… Thời gian còn lại, tôi thích nằm cạnh Mẹ, tìm cách chọc cho Mẹ tức lên bằng cách nói ngược những suy nghĩ của mình về một vấn đề gì, khi ấy bà nói liên tu bất tận, mi nóa rứa chứ..., tổ choa mi..., tao không thèm nóa với cát mẹt mi nữa… Thực ra tôi ghiền nghe cái giọng của Người khi mắng yêu tôi, muốn cho Mẹ mắng để mình được nghe lại và nhớ mãi, có khi ngủ quên luôn trên giường và khi thức dậy vào một buổi sáng mát lạnh, cảm nhận được cái ấm áp tấm mền Mẹ đắp, an toàn nơi cái mùng Mẹ giăng… Lý ra một người đàn ông trưởng thành như tôi phải tự mình làm những công việc ấy, và hơn thế nữa phải lo cho Mẹ mình từng miếng ăn, giấc ngủ. Tôi không nghĩ thế. Với nhiều bà Mẹ, dù con mình có bao nhiêu tuổi đi chăng nữa, có làm đến chức gì đi chăng nữa, nó vẫn là thằng con nít khờ dại mà Người bồng bế ngày nào. Hạnh phúc cuả Người là được tự tay chăm sóc cho con mình, tất cả những việc làm mà Người có thể làm cho con, kể cả cái việc giăng mùng cho nó ngủ, đắp cái mềm cho nó ấm, chỉ khi con mình yên giấc nồng Người mới lo cho thân mình. Những giọt nước mắt vui mừng hay buồn khổ luôn chảy xuống, ngàn đời sau vẫn thế. Hãy cho Người có cơ hội làm những việc nhỏ nhặt ấy khi ta có thể, ít nhất là trước ngày Mẹ ta đi xa…
Những dòng viết vội nhân ngày đầu giỗ Mẹ . Ba năm ngày mất, đây là ngày đầu, năm giỗ Mẹ . Theo phong tục người ta tính thế. Năm đầu giỗ giáp năm, năm thứ hai giỗ mãn tang, năm thứ ba mới được tính là giỗ đầu . Lần đầu giỗ Mẹ đã cho tôi cái ý thức làm một người có trách nhiệm với tổ tiên, ông bà mình. Chỉ là một đĩa trái cây, một bó hoa…cùng tấm lòng thành. Nhưng tôi biết ở suối vàng, Mẹ tôi luôn hiểu rằng, với riêng tôi, Mẹ là người Đàn Bà mà tôi kính trọng và yêu thương nhất trên đời này ./.
Lấy bài này làm chuẩn cho tuyển tập chủ đề "Mẹ và Con"  Lại còn bài "Tình Cha" của chị ViHoang nữa, ai chưa đọc thì đi tìm đọc nha 
|