Rank: Advanced Member
Groups: Registered, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,945 Points: 1,581 Location: Đông Bắc Gia Trang
Thanks: 1 times Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
|
Tôi chỉ muốn viết trong đây cái chuyện sửa chính tả lúc in sách. Tôi viết ở trong "Lỗi chính tả thường gặp" là không đúng, vì đó không phải là những lỗi thường gặp. Tôi đính chính, phân trần, cho cái lỗi của mình trong Một Cõi Thiền Nhàn về bài tôi viết trong Góp Nhặt Hương Sen là sai. Tôi viết những gì tôi nghĩ, lồng vào những câu chuyện trong Chuyện Viết Của Tôi, thì sẽ có một số người, đặc biệt là chị Linh Vang, kêu nghe hòai một giọng văn thấy chán. Thôi thì, hôm nay tôi mạo muội viết trong đây, với một mục đích là để trau giồi, học hỏi, và trao đổi những gì tôi biết, những gì bạn biết, trên tinh thần vui vẻ, học hỏi, không xách mé, không mỉa mai ai.
Có một số từ không rõ ràng cái nào là đúng, thì tôi, người được trao trọng trách sửa lỗi chính tả phải rất khéo léo, để vừa không làm mất lòng tác giả, vừa không làm mất lòng người đọc. Sẽ có một số bạn cho rằng: Ối, sửa chính tả dễ thấy mồ đi! Đúng, tôi không làm, thì cũng có những người khác làm được, điển hình là chị Tonka, chị Từ Thụy, chị Đức Trí Quế Anh, chị Ngô Đồng, Thi Hạnh, những người ít bị lỗi chính tả, và đọc bài rất kỹ, ai cũng làm được, và với họ, thì nó dễ thật! Những chữ chưa ngã ngũ ai đúng, ai sai, mà vì phải theo số đông mà chọn một, thì tôi để y nguyên chữ của tác giả. Ai viết "cứng ngắt" thì tôi để "cứng ngắt", ai viết "cứng ngắc" thì tôi để "cứng ngắc", mặc dù bản thân tôi lúc nào cũng viết là "cứng ngắc", nhưng tôi không lấy quyền được sửa chính tả mà tôi sửa của tác giả. Chữ "mắc cỡ", ai viết dấu ngã thì tôi để dấu ngã, vì bố tôi, người Bắc, nói như vậy, nhưng ai viết dấu hỏi thì tôi cũng để dấu hỏi, vì theo tôi được biết, đó là chữ của người Nam, và tôi được nghe như vậy từ xưa đến giờ. Thành ra, tác giả dùng chữ nào, thì tôi sẽ giữ y nguyên chữ đó, không dùng "quyền" của mình để sửa của tác giả theo ý mình.
Nhưng những chữ khó hiểu, mà gặp tác giả cẩn thận trong những bài viết, và không "phang" đại cái dấu khi viết, thì tôi phải đọc đi, đọc lại nhiều lần, để coi tác giả muốn nói chữ nào. Thí dụ, chữ "nổi" lúc thì dấu hỏi, việc làm nông nổi, làm không nổi; lúc thì dấu ngã, làm sao nên nỗi này, làm sao nên nông nỗi này. Những lúc như vậy thì phải vận nhiều "thành công lực" để đọc, để sửa, chứ không có "tơ lơ mơ" được, rất dễ làm sai ý tác giả. Người đọc, người Nam thường không khó tính như người Bắc, nhất là dấu hỏi ngã, vì người Nam nói tất cả là dấu hỏi, không phân biệt được cái tông nào, nhưng người Bắc thì rất nhạy bén, nghe sai, đọc sai là họ nhận ra ngay. Chưa chắc người Bắc hoàn toàn đúng, nhưng thường họ nói, người nghe phân biệt được, là họ dùng dấu nào. Độc giả người Bắc khó tính hơn là vì thế. In sách, thì sẽ có bao nhiêu độc giả người Nam, độc giả người Bắc? Thôi, cẩn thận vẫn hơn.
Chỉ có in sách, tôi mới khó tính như vậy, chứ còn trên internet, thiên hạ viết sai hà rầm, tôi làm lơ bỏ qua, không đọc nữa thôi, chứ không thắc mắc, hay chỉ bảo gì những điều mình biết cho họ nghe hết. Tôi thấy chữ "không", nhiều người viết như vầy, "ko", chữ "ông xã", nhiều người viết "ox", chắc là nhanh hơn nhiều lắm, ai đọc cũng hiểu, không hiểu đi hỏi một lần thì rồi sẽ hiểu, và viết trên net như vậy thật là nhanh, và tiện lợi. Tôi không có rỗi hơi, mà đi sửa của họ, kệ, đâu có sao, ai cũng hiểu, đâu phải chuyện của tôi? Nhưng khi người đó viết văn, viết truyện thì phải để ý coi người đó có viết như vậy hay không? Nếu người đó cũng viết như vậy trong truyện, trong văn của họ, thì tôi dĩ nhiên không đọc nữa, vì tôi cho rằng họ không tôn trọng người đọc, thì tại sao tôi phải đọc?
Hôm qua, tôi "phàn nàn" với chị Liêu Thái Thái về chữ "sá gì", "xá lạy", tôi nói, tôi chỉ viết một chữ "xá" trong nghĩa "xá lạy", nhưng sau thì tôi nhớ ra thêm một chữ "xá" nữa trong câu "Xá gì một cái tên?", chắc là chị Liêu đã đổi chữ "Xá" này thành "Sá gì một cái tên?" À, tôi thao thức, không muốn cãi nữa, cãi hòai mệt quá, vì tôi sợ cãi nhau lắm. Nhưng không nói thì bứt rứt, thiên hạ lại cho là tôi "nhát"! Câu đó là câu nói của một con nhỏ Bắc Kỳ, có dấu gạch đầu hàng đàng hoàng. Thứ nhất, chị Tonka đã không sửa của tôi, chắc chị cũng dùng chữ "xá" Bắc Kỳ. Thứ hai, tôi đi lật từ điển của ông Lê Bá Kông, cuốn sách phát hành năm 1979, lần thứ 33, lần đầu tiên là năm 1950, không có chữ "sá" trong phần Việt-Anh. Tôi ít dùng từ điển, nhưng phải dùng, thì tôi sẽ mở sách ra, chứ không dùng "kim từ điển". Tôi nghe lời chị Ngô Đồng, tìm đọc những cuốn sách có tiếng, ngay cả ông Lê Bá Kông cũng chỉ biết đến "ký túc xá", "xá miễn", "xá tội", thì một lần nữa, chữ "sá xá" này chưa chắc ai là đúng, ai là sai. Cho nên, tôi cũng lại tiếp tục làm người "ba phải" khi được sửa chính tả, nếu vẫn được "quyền" sửa, tác giả viết "xá", tôi để "xá", tác giả viết "sá", tôi để "sá", khi đọc, cái miệng hơi uốn éo một tí, nhưng mà tôi vẫn đọc được và vẫn hiểu được tác giả muốn gì.
Ái chà chà, hôm nay tôi nói quá nhiều, lại đem cả ông viết từ điển ra "hù" thiên hạ nữa! Nếu quý anh chị không đồng ý với những gì tôi viết, nói, hoặc cho rằng tôi cứ nói đi, nói lại mãi một vấn đề, thì xin cho tôi nói câu này: Các anh chị hãy đặt mình vào vị trí của người sửa chính tả, để xem tôi phải làm như thế nào, rồi xin cho tôi biết ý kiến. Các anh chị cũng biết là tôi rất sẵn sàng học hỏi, mong muốn các anh chị viết hay hơn, không bị cái lỗi nào, và điều quan trọng là tôi không muốn làm mất lòng người nào cả.
Bình Nguyên.
|