Tặng bà hàng xóm mấy mẫu chuyện này....Cũng là một trong muôn ngàn nỗi khổ của con người...
"Nhắm mắt" lấy chồng xa. Đó là những câu chuyện xung quanh tôi…
Chuyện thứ nhất :
Một Việt kiều ở Mỹ đã có vợ con đàng hoàng, tuổi đời cũng không còn trẻ. Nhân dịp về thăm quê ở TP Hồ Chí Minh, anh ta đến Vĩnh Long tìm và cặp một cô gái còn rất trẻ. Hứa hẹn về bên đó anh ta sẽ ly hôn vợ và thời gian không lâu nữa sẽ đem cô qua đó. "Em hãy cố gắng đợi chờ, trong ít năm nữa thôi, mình sẽ được gần nhau".
Trong khi đó ở quê, cô gái đang có người yêu, mẹ cô buộc phải đoạn tuyệt với người yêu để theo chàng rể Việt kiều tương lai. Mặc dù không biết tương lai như thế nào, song trước viễn cảnh được mở ra, cô gái chấp nhận chờ đợi. Cứ mỗi năm vài ba tháng về nghỉ đông hoặc về tìm cơ hội làm ăn gì đó, anh ta có điều kiện gặp gỡ đi lại với cô gái - với danh nghĩa là vợ sắp cưới. Trong thời gian ấy cô gái không dám đòi hỏi một sự trợ giúp nào về tài chính từ anh ta cả. Cô gái đâu biết rằng, lâu lâu anh ta gửi cho cô chút đỉnh có thể gọi là để giữ... "mối". Đến lúc không thể lừa gạt được nữa thì anh ta mới bộc lộ: "Anh mà ly dị vợ thì sẽ không còn gì hết, còn nếu ra Tòa đại sứ Mỹ mà làm lời tuyên thệ giả dối độc thân để được lấy em, nếu bị phát hiện anh sẽ ở tù mục xương". Thế là bye!
Chuyện thứ hai:
Anh ta là một người thất nghiệp dài hạn ở Cali, lãnh tiền trợ cấp được 500 USD/tháng. Ăn tạm ở nhờ với bạn bè, bà con thì mỗi tháng chi tiêu khoảng 300 USD, còn lại 200 USD, sau nửa năm để dành cũng được 1.200 USD. Số tiền này dùng để mua vé về Việt Nam làm... "mác" Việt kiều. Anh ta dễ dàng kiếm một cô gái trẻ, đối tượng con nhà không quá gọi là nghèo. Anh ta hứa nay mai cưới cô xong sẽ đem sang Mỹ. "Sang đó em sẽ làm nghề cắt móng tay, ít nhất cũng được 3.000 USD/tháng (thật ra không phải vậy)". Trong thời gian anh ta sống ở Việt Nam, anh ta được gia đình cô gái chi phí từ A đến Z, mặc dù họ gái đâu có dư dật gì. Phải nói gia đình cô gái đã thắt lưng buộc bụng để chờ cơ hội đổi đời. Anh ta "ở rể" từ tháng này qua tháng khác mà không có sự đóng góp nào đáng kể. Khi bà mẹ sinh nghi, anh ta bảo: "Sang bên đó, em làm nghề sơn cắt móng tay, mỗi tháng 3.000 USD thì gửi về giúp mẹ, còn tiền lương của anh đủ sống cho hai đứa mình; 3.000 USD tính ra tiền Việt đã 48 triệu, lúc đó mẹ làm gì cho hết"... Sau chuyến đó, anh ta "dọt" luôn và không để lại tông tích.
Những câu chuyện kể trên hoàn toàn không mới nhưng cứ lặp đi lặp lại. Quả đúng là hôn nhân không xuất phát từ tình yêu muôn thuở sẽ gặt nhiều quả đắng.
Bích Liên.
Nguồn : thanhnien.com.vn
Một phản hồi khác....Cũng là một chuyện không vui.

Cảm nghĩ từ bài "Lấy chồng xa"
Đọc bài báo "Lấy chồng xa", tôi cảm thấy buồn. Với ước muốn có một cuộc sống sung túc mà không phải lao động vất vả, rất nhiều người đã bị mờ mắt trước sự hào nhoáng giả tạo mà tự đưa mình vào ngõ cụt. Không chỉ vậy, cũng vì ước muốn thiếu thực tế này mà cũng rất nhiều người lợi dụng tình cảm cũng như vật chất của người khác, đánh mất giá trị của bản thân mình...
Tôi có cô bạn gái trong một lần về thăm gia đình đã gặp lại một người bạn trai thuở còn trẻ, cả hai đều đã trung niên, anh là một người trí thức và đang trong tình trạng gia đình ly tán. Với tất cả điều kiện có thể làm được, chị đã mang anh sang Mỹ không vì lý do nào khác ngoài tình nghĩa hai người đã có với nhau 20 năm, với hy vọng ít ra họ cũng có thể vui vẻ với nhau và xây dựng hạnh phúc sau những trắc trở của cuộc đời.
Sang đến Mỹ, vì trình độ tiếng Anh chỉ có giới hạn, chị đồng ý để anh đi học. Ngoài thời gian đi học, anh chỉ ở nhà khi thì điện thoại cho bạn bè ở VN, khi thì e-mail online, và ngủ. Còn chị, làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Có lẽ vì anh là người trí thức, nên ngoài việc đọc sách, học hành, đọc báo điện tử, anh không biết làm việc gì kể cả việc nấu nướng cho chính bản thân mình. Sau giờ làm việc, chị về nhà dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho buổi chiều đó và cả để dành thức ăn cho ngày hôm sau, có nghĩa là sau khi đi học về anh sẽ chỉ việc hâm nóng lại thức ăn, ăn xong lại ngủ trưa từ 1 giờ đến 3 giờ chiều, và lại tiếp tục với sách vở, thư điện tử, điện thoại. Chưa kể một tuần vài lần, phải đưa anh đi đánh tennis, trong khi anh đánh banh thì chị đợi ở ngoài để đưa anh về.
Cuộc sống như thế cứ tiếp tục hơn một năm, anh không nói gì đến việc đi làm, vì anh cũng có đem theo một ít tiền để xài riêng cho bản thân mình. Anh không hề đóng góp gì trong cuộc sống hàng ngày, dù hai người đã chính thức kết hôn.
Đến lúc này chị mới vỡ lẽ ra rằng, thì ra anh tưởng sang Mỹ là để được ăn chơi mà không cần phải làm gì, anh cũng tưởng tiếng Anh chỉ cần học vài tháng là biết nói. Trong khi thực tế, mọi người đều phải làm việc để trả tiền nhà, lo mọi sinh hoạt cho cuộc sống, cạnh đó người ta còn phải đóng thuế cũng như thực hiện mọi nghĩa vụ của một người dân; không ai có thì giờ ngồi quán cà phê trong khi làm việc, không ai có thì giờ nhậu nhẹt mỗi khi tan sở, cũng như không ai có thể lợi dụng tiền của công ty nơi mình làm việc để ăn chơi.
Chị vẫn tiếp tục chịu đựng vì nghĩ anh cần thời gian để điều chỉnh cuộc sống mới.
Nhân mùa hè, anh bảo với chị là muốn về VN để thăm hai đứa con từ cuộc hôn nhân trước, chị đồng ý và có chuyển một ít tiền vào thẻ để anh có thể xài ở VN khi cần thiết.
Khi về tới VN, trong vòng 2 tuần anh đã rút hết số tiền trong tài khoản. Khi được thông báo của ngân hàng thì chị mới biết việc này.
Tiền trong tài khoản đã hết, anh gởi thư điện tử và báo cho vợ biết là anh không trở lại Mỹ nữa, vì anh muốn ở lại VN làm việc. Lý do anh đưa ra là anh không thích hợp với cuộc sống ở nước ngoài, anh không thể làm những công việc lao động bình thường, anh muốn làm công việc văn phòng như khi ở VN. Anh cần có bạn bè để nhậu nhẹt mỗi khi tan sở. Cuộc sống ở nước ngoài cực nhọc quá, không như ở VN. Vì ở VN, anh cũng là người có chức quyền, đi làm thì có tài xế đưa đón, đi công tác thì có tiền nhà nước chi, kể cả các khoản ăn và chơi.
Người dân ở nước Mỹ họ có tự do, nhưng họ bị bắt buộc phải tôn trọng pháp luật, đó là điều mà dân Việt còn rất nhiều người chưa biết hoặc vẫn chưa nhận ra.
Hôm nay tôi viết tóm tắt câu chuyện này gửi đến báo, hy vọng qua đây, những người đang có ý định hoặc đang chuẩn bị một cuộc sống mới ở nước ngoài có sự chuẩn bị cần thiết về cả tâm lý lẫn cơ sở vật chất - kiến thức, sức khỏe và một tinh thần lao động nghiêm túc; không thể mang những thói quen "ở nhà" sang sống ở nước người được đâu.
Tôi là người VN, tôi yêu đất nước tôi, nhưng tôi cũng không thể không nói một điều: ý thức trách nhiệm với bản thân và với cộng động của dân mình còn là vấn đề cần xem xét lại. Phần lớn những người trẻ bây giờ quá ích kỷ, thiếu ý thức xây dựng đất nước, họ thích hưởng thụ hơn là làm việc, cống hiến. Vấn đề này có được nhìn nhận là đáng báo động?
Nguyễn Trâm Anh (Hoa Kỳ).
Nguồn : thanhnien.com.vn