Cám ơn anh QT, PC cũng muốn đi theo kiểu bụi đời như các sinh viên anh nói trên. Sau đây là một bài kể khác về chuyến hành hương. Mỗi tác giả có kinh nghiệm khác nhau, thật thú vị vô cùng.
http://www.art2all.net/a...huong_bodedaotrang.html
Chào thaonguyen.
LÁ THƯ HÀNH HƯƠNG
DHARAMSALA
Tâm Quảng
Bạn mến,
Từ rất lâu, trong tâm thức tôi, Dharamsala là một điểm hẹn phải đến, nhưng rồi ngày tháng trôi đi, tôi vẫn chưa thực hiện được ước mơ đó, cho đến cách đây hơn một tháng, cơ duyên được đi Dharamsala chợt đến với tôi như một sự tình cờ. Nhưng chuyện đó dông dài lắm, tôi sẽ kể với bạn trong lá thư sau. Bây giờ tôi xin kể với bạn về chuyến hành hương Dharamsala, được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đức Karmapa cùng vài cảm nghĩ sau chuyến đi.
Thứ Hai, ngày 17 và thứ ba, ngày 18 tháng 11 năm 2008
Từ Surajkund đi Dharamsala là đoạn đường dài nhất trong chuyến hành hương Ấn Độ, chúng tôi chia làm hai chặng. Ngày đầu đi từ Surajkund đến Chandigarh. Đoạn đường này tương đối tốt, cho nên nói chung là thoải mái. Ngày thứ hai, từ Chandigarh đến Dharamsala chưa đầy 200 cây số mà chúng tôi phải đi từ 7 giờ sáng đến 8 giờ đêm mới đến nơi vì đường đèo quanh co, hiểm trở với rất nhiều khúc quanh rất gấp (Hình 1). Cảnh vật ở vùng cao rất đẹp với những rừng thông bạt ngàn (Hình 2). Nơi đây đặc biệt có một loại cây thuộc họ thông gọi là Tuyết Tùng Hy Mã Lạp Sơn (Himalayan Cedar, tên khoa học là Cedrus Deodara). Deodara theo tiếng Sanskrit devadāru nghĩa là "cây của các vị Trời" hay là “cây linh thiêng”. Người ta cũng có thể thấy họ hàng loại cây này ở châu Âu, vùng Địa Trung Hải hay bờ Tây Bắc Mỹ.
Sau khi nhận phòng khách sạn và ăn tối xong, đêm đã khuya. Không như những thành phố, thị trấn khác ở Ấn Độ ngày đêm rầm rì bởi âm thanh của xe cộ và sinh hoạt, đêm Dharamsala yên tỉnh khác thường. Đó là sự yên lặng đặc biệt của những vùng cao tách biệt với những đô hội. Nó làm tôi nhớ đến những đêm Đà Lạt trong những năm 60-70 của thế kỷ trước khi cuộc sống không đến nổi quá xô bồ như hiện nay.
Thứ Tư, ngày 19 tháng 11 năm 2008
Buổi sáng đầu tiên tại Dharamsala, một buổi sáng tuyệt vời. Khí hậu mát lạnh cho ta một cảm giác sảng khoái. Lắng nghe tiếng chim hót, một điều khó có được ở những nơi đoàn đã đi qua ngoại trừ ở Bồ Đề Đạo Tràng. Phía bên kia sườn đồi nắng lên rực rỡ. Những ngôi nhà nhiều tầng, nhà này như sắp lên phía trên nhà khác, một quang cảnh thường thấy ở những vùng cao (Hình 3). Phía xa ở một hướng khác là dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ (Hình 4). Lẫn khuất trong đám lá cây là một ngôi chùa mới xây (Hình 5).
Nơi các Phật tử háo hức đến viếng đầu tiên là ngôi chùa nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đang cư ngụ. Những ai đã đến Dharamsala, đã viếng ngôi chùa này, chắc hẳn rất quan tâm đến tình cảnh nhân dân Tây Tạng bị Trung Cọng đàn áp. Nơi cổng vào chùa, khách hành hương càng cảm thấy ái ngại khi đọc lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân Tây Tạng (Hình 6) như sau:
Ngài Lạt Ma Panchen là vị lãnh đạo thứ hai của nhân dân Tây Tạng. Ngài có trách nhiệm bảo vệ, giải phóng và giác ngộ nhân dân Tây Tạng. Vào ngày 14 tháng 5 năm 1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma xác nhận Gendhen Choekyi Nyima khi đó được 6 tuổi là Lạt Ma Panchen thứ 11. Tuy nhiên, vào ngày 17 tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã bắt cóc Ngài và cho đến nay không ai trong chúng tôi được biết Ngài ở đâu. Vì vậy chúng tôi kêu gọi các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân ủng hộ việc thả ngay lập tức Ngài Lạt Ma Panchen.
Hôm nay, các vị tu sỹ tụng kinh cầu an cho Đức Đạt Lai Lạt Ma. Khách hành hương vào chùa dự thời kinh cầu an theo nghi thức Phật giáo Tây Tạng. Tiếng tụng kinh ở cung bậc thấp nhất của giọng nam trầm hòa với tiếng cồng, tiếng trống cùng với những nhạc cụ khác tạo nên một không khí linh thiêng, huyền bí khác thường.
Một số người khác đi xuống phố. Đường phố ở đây chật hẹp nhưng tương đối sạch sẽ. Học sinh đi học, áo quần tươm tất. Các em hồn nhiên vui đùa như bao trẻ em khác trên thế giới (Hình 7). Chen lẫn giữa dòng người đi lại trên đường phố là bóng dáng quen thuộc của những nhà sư Tây Tạng (Hình 8). Hàng quán bán rau quả, thực phẩm và đồ lưu niệm cũng giống như các hàng quán ở những nơi khác trên xứ Ấn. Điều khác biệt là những người bán hàng trong khi chờ đợi khách hàng vẫn liên tục lần tràng hạt và không ngớt tụng kinh, hay niệm Phật, nét mặt an vui, thanh thản (Hình 9).
Cuối một con đường chính của thị trấn, một đoàn người xếp hàng dài với những bình gaz để chờ mua gaz trong trật tự và yên lặng (Hình 10). Ở những nơi khác, người ta chất cát, đá trên lưng những con lừa và thả cho chúng tự mang đến nơi mà chúng đã quen đường đi nước bước (Hình 11).
Đôi khi khách hành hương bắt gặp vài em bé người Tây phương (Hình 12). Các em bé này trông rất vui vẻ, hạnh phúc và hòa nhập với cuộc sống ở một vùng xa xôi không có những tiện nghi mà các em có ở đất nước của các em. Người ta đoán chừng các em là con cái của những người Tây phương đến đây tu tập hay làm việc thiện nguyện.
*
Cảnh trí ở Dharamsala rất đẹp. Một trong những thắng cảnh là Hồ Thiêng (Hình 13). Trên cao độ 1900 mét, hồ được bao quanh bởi những cây Tuyết Tùng Hy Mã Lạp Sơn. Hằng năm vào tháng 9, người dân tổ chức hội chợ và người sùng đạo có tục lệ đến tắm ở Hồ Thiêng này .
Dharamsala có một cảnh đẹp tuyệt vời mà khách hành hương không thể nào bỏ qua được, đó là cảnh mặt trời lặn trên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Hình 14).
Cảm tưởng chung sau ngày đầu tiên ở Dharamsala: thủ đô của chính phủ Tây Tạng lưu vong vẫn còn nghèo nàn nhưng không quá lạc hậu và đây là một xứ sở thanh bình, mặc dù ở quê nhà, đất nước này còn chịu những áp bức vô cùng nặng nề của đảng cộng sản và nhà cầm quyền Trung Cọng muốn đồng hóa dân tộc và tiêu diệt nền văn hóa, tín ngưỡng của người Tây Tạng bất kể bị cả Thế giới phản đối.
Ngày 20 tháng 11 năm 2008
Theo chương trình, phái đoàn hành hương đi đến Dhara Chakra Centre để đãnh lễ Đức Karmapa thứ 17 (The 17th Gyalwang Karmapa).
Xe bắt đầu lăn bánh lúc 9:30 sáng. Đường đi quanh co khúc khuỷu, chật hẹp và rất dốc nhưng đoàn cũng đã đến nơi an toàn và đúng giờ. Trên đường đi, chúng tôi thấy dân chúng xếp hàng dài, nhiều người cầm những dải lụa màu để chào mừng Đức Đạt Lại Lạt Ma hôm nay xuống núi để chủ trì một cuộc họp đặc biệt của người Tây Tạng. Trong thời gian chúng tôi ở đây, có một cuộc họp kéo dài một tuần lễ của khoảng 500 người đại diện cho người Tây Tạng lưu vong trên thế giới về đây để thảo luận về phương cách đấu tranh chống sự đàn áp của Trung Cọng tại Tây Tạng trong tình thế mới và khi không ai còn có thể tin vào thiện chí của những người lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc trong các cuộc thương thảo với những người đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma
Nơi cư ngụ của Đức Karmapa thứ 17 là một trong những trung tâm đào tạo tăng sĩ lớn nhất của người Tây Tạng (Hình 15). Đây còn là nơi ở và tu học của khoảng 500 nhà sư Tây Tạng. (Hình 16)
Phái đoàn hành hương được văn phòng Đức Karmapa tiếp đón chu đáo. Sau một tuần trà và bánh ngọt, mọi người được hướng dẫn vào chánh điện sắp xếp chỗ ngồi trước khi Đức Karmapa tiếp đoàn.
Đúng 11:00 sáng, Đức Karmapa quang lâm chánh điện. Thầy trưởng đoàn tác bạch nhân duyên đoàn đến đãnh lễ Ngài. Đức Karmapa bày tỏ Ngài rất hoan hỷ tiếp đoàn Phật tử Việt Nam từ các nước Úc, Mỹ, Canada, Việt Nam đến Dharamsala. Ngài cho biết Ngài rất quan tâm đến truyền thống Phật giáo, triết học và văn học Việt Nam và hy vọng sẽ phát triển sự quan hệ giữa Phật giáo Tây Tạng và Việt Nam trong thời gian tới. Đức Karmapa tặng cho mỗi người trong đoàn một bì thư, trong đó có ba bì thư nhỏ đựng những viên thuốc điều chế theo y học Tây Tạng và Ngài đã chú nguyện.
Sau đó đoàn được chụp hình lưu niệm với Ngài. Buổi tiếp kiến của Karmapa chấm dứt, mọi người hoan hỷ ra về.
Một ngày qua trọn vẹn.
Vài dòng về Đức Karmapa thứ 17:
Đức Karmapa thứ 17, tên thật là Apo Gaga, sinh năm 1985 trong một gia đình du cư ở Lhatok, phía Đông Tây Tạng. Năm 1992, các đệ tử của Đức Karmapa thứ 16 theo chỉ dẩn mật trong Lá Thư Tiên Tri đã tìm ra Apo Gaga là Đức Karmapa thứ 17, hiệu Ogyen Drodul Trinley Dorje. Cùng năm đó, Đức Karmapa thứ 17 trở về Tu Viện Tolung Tsurphu ở Miền Trung Tây Tạng. Ngài là Lạt Ma cao cấp duy nhất được cả Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính quyền Trung Quốc công nhận là hóa thân của Đức Karmapa thứ 16, người lãnh đạo của phái Hắc Mạo (Karma Kagyu) Phật Giáo Tây Tạng.
Sau nhiều tháng chuẩn bị kỹ lưỡng, vào ngày 28 tháng 12 năm 1999, Vị Karmapa 14 tuổi nại cớ nhập thất, đã bí mật rời tu viện Tsurphu cùng vài người cận sự. Ngài bắt đầu một cuộc hành trình táo bạo bằng xe hơi, ngựa, trực thăng, tàu lửa và taxi. Ngày mồng 5 tháng Giêng năm 2000, Ngài đến Dharamsala, nơi đây Ngài đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài nhận được quy chế tỵ nạn của chính phủ Ấn Độ vào năm 2001.[i]
Ngày 21 tháng 11 năm 2008
Hôm nay là ngày trọng đại nhất đối với đoàn: chúng tôi được Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp kiến.
10:45 sáng, đoàn hành hương ăn mặc chỉnh tề xếp hàng một, thiền hành đến chùa Đức Đạt Lai Lạt Ma. Từ nhiều năm nay, Trung Cọng đã cho đặc công giả dạng tu sĩ Phật Giáo Tây Tạng lẻn vào khu vực này để ám sát Đức Đạt Lai Lạt Ma. Mặc dù chúng không thành công trong âm mưu này nhưng chúng cũng đã sát hại vài vị Lạt Ma cao cấp của Tây Tạng, vì vậy việc kiểm tra an ninh rất cẩn thận. Sau đó, chúng tôi được đưa vào một hành lang rộng đủ cho một trăm người ngồi. 12:30 trưa Đức Đạt Lai Lạt Ma bước vào phòng, lặng lẽ, hoàn toàn không có một nghi thức nào cả. Giản dị và chân tình như người nhà gặp người nhà, nụ cười hoan hỷ, Ngài vui vẻ chào đón đoàn. Chúng tôi đứng dậy chào Ngài và Ngài ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Thầy trưởng đoàn tác bạch nhân duyên đoàn đến thăm Ngài. Mở đầu cho phần nói chuyện của Ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi:
- Hầu hết các vị đều biết tiếng Anh phải không?
- Thưa vâng.
- Tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của các vị, và cũng không phải là tiếng mẹ đẻ của tôi. Vậy một việc dễ dàng là chúng ta sẽ “chat” (trò chuyện) với nhau bằng “broken English” (thứ tiếng Anh không chuẩn.)
Lời nói đùa hóm hình của Ngài làm cho không khí buổi tiếp kiến bớt vẻ nghiêm trang và trở nên thân tình hơn. Ngài nói tiếp:
- Các vị là Phật tử phải không? Phật tử nghĩa là gì? Phật tử nghĩa là học trò của Phật. Tôi cũng là Phật tử, cũng là học trò của Phật. Vậy chúng ta là học trò của cùng một vị Thầy. Chúng ta học giáo lý của Phật. Trong giáo lý của Phật có một bài kinh quan trọng, đó là bài Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Các vị có thuộc bài này không? Tôi muốn được các vị tụng cho tôi nghe bài kinh này bằng tiếng của các vị.
Bài kinh này mỗi ngày trên xe chúng tôi thường đọc tụng và chúng tôi cũng đã được Thầy trưởng đoàn cho biết thế nào Ngài cũng bảo chúng tôi tụng bài này, cho nên sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma yêu cầu và Thầy trưởng đoàn xướng, chúng tôi đã tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh rất nhịp nhàng. Nghe chúng tôi tụng bài kinh này một cách thông suốt, Đức Đạt Lai Lạt Ma tỏ vẻ hoan hỷ. Ngài nói tiếp rằng bản thân Ngài đã suốt đời học giáo lý của Phật từ lúc còn nhỏ nhưng Ngài vẫn tiếp tục học kinh Phật bởi vì trong đó có nhiều ý nghĩa thâm sâu không thể suy nghĩ mà biết được. Ngài dạy rằng mỗi người chúng ta đều có tánh Phật. Tánh Phật cũng ví như một cây hoa, muốn cây hoa có cành, có lá và trổ hoa, người trồng phải siêng năng chăm sóc, tưới nước, bón phân... Cũng vậy, người đệ tử Phật muốn cho tánh Phật được hiển lộ, phải siêng năng tu tập, thiền quán, niệm Phật, tụng Kinh, trì Chú. Phải làm công việc đó mỗi ngày không dừng nghỉ, mới mong có ngày giải thoát và giác ngộ. Do vậy quý vị nhớ chăm sóc và tưới nước cho mãnh đất tâm của mình nhé.
Ngài nhấn mạnh đến lời Phật dạy về lòng từ bi, rồi chia sẻ rằng Ngài rất thích đọc lịch sử Việt Nam, nhất là sự phát triển của Phật Giáo qua ngã Bắc tông.
Liên quan đến tình hình Tây Tạng hiện nay, Ngài nói:
- Các nhà cầm quyền cộng sản dùng cách thức chia để trị. Họ chia rẻ cha mẹ với con cái, anh với em, bạn bè với nhau. Bằng cách đó họ làm cho người dân sợ hãi và dựa vào đó để thống trị người dân. Vậy chúng ta phải vượt lên trên nổi sợ hãi. Đó là đức tánh Vô Úy của những người con Phật.
Trả lời câu hỏi “Ngài có dự định đến Việt Nam hay không”, Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:
- Hiện nay thì tôi không có dự định đến Việt Nam vì Việt Nam hiện là một nước cộng sản và đến đó thì tôi sẽ bị bắt ngay. Nhưng chừng nào Việt Nam không còn là cộng sản nữa, tôi là người ngoại quốc đầu tiên đến Việt Nam như tôi đã từng là người ngoại quốc đầu tiên đến Slovakia khi nước này không còn là cộng sản. (Vỗ tay). Nhưng nhớ mua vé máy bay cho tôi nhé!
Ngài mĩm cười và căn dặn tiếp:
- Theo tôi điều rất quan trọng là chúng ta cần làm cho mọi người trong nước biết về tự do ngôn luận, báo chí, và đặc biệt quý vị đang sống xa quê mẹ, nên cố gắng gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam. Tất cả những điều này phải được bảo tồn trên xứ người.
Sau lời phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng tôi được mời ra sân để chụp ảnh chung với Ngài. Buổi tiếp kiến của Ngài Đạt Lai Lạt Ma chấm dứt lúc 1:00 trưa. Phái đoàn hành hương hoan hỷ ra về, trong lòng không ngớt quyến luyến. Ai nấy đều muốn kéo dài thêm giây phút quý báu được nhìn, được nghe, được ở gần Đức Phật Sống ở thế kỷ 21 này.
Ghi nhận sau chuyến hành hương:
Sau khi chuyến hành hương kết thúc và khi về đến nhà, chúng tôi mới biết rằng khoảng hai tuần sau khi tiếp kiến chúng tôi, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đi công du châu Âu để gặp gỡ các nhà lãnh đạo khối liên minh các nước châu Âu và những người được giải thưởng Nobel Hòa Bình tại Ba Lan. Bận rộn như vậy mà Ngài vẫn sẵn sàng dành thì giờ cho phái đoàn Phật tử Việt Nam. Điều này làm cho chúng tôi vô cùng cảm động.
Nói đến Đức Đạt Lai Lạt Ma là nói đến Tây Tạng. Nói đến Tây Tạng, tôi liên tưởng đến những tương đồng giữa số phận dân tộc này với Việt Nam. Năm 1950, Trung Cọng đã xua quân chiếm cứ đất nước này và giết hại trên một triệu người dân vô tội. Gần ba mươi năm sau, Trung Cọng lại xua quân xâm chiếm Việt Nam. May mắn hơn, Việt Nam đã đẩy lui cuộc xâm lăng này. Tuy nhiên, từ bấy đến nay, với sự tiếp tay của những người lãnh đạo đảng cọng sản Việt Nam, Trung Cọng đã từng bước lấn đất, lấn biển Việt Nam. Điều đáng hổ thẹn là trong khi nhà cầm quyền Việt Nam để mặc cho thanh niên Trung quốc biểu tình ngay ở trung tâm Sài Gòn thì chính họ lại thẳng tay đàn áp nhân dân, thanh niên Việt Nam biểu tình lên án việc Trung Cọng xâm lấn Hoàng Sa và Trường Sa, việc mà ngoài miệng người phát ngôn của chính quyền Hà Nội cũng lên án!
Trong lịch sử Việt Nam từ ngày lập quốc cho đến nay có thể có những ông vua, ông quan, những cá nhân bán nước cầu vinh, nhưng chưa bao giờ có trường hợp cả một triều đình, cả một tập thể lãnh đạo đất nước lại đi dâng đất, dâng biển cho nước ngoài như đảng cọng sản Việt Nam hiện nay!
Trước nỗi ô nhục này, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã phải thốt lên:
- Tổ Quốc có bao giờ nhục thế này chăng?[ii]
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói trong buổi tiếp kiến phái đoàn hành hương: “chúng ta phải phải vượt lên trên sự sợ hãi.” Đó là lời căn dặn nhân dân Tây Tạng và Việt Nam.
Tương tự như vậy, trong Thông điệp Xuân Đinh Hợi, 2007, Hòa Thượng Thích Quảng Độ Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã kêu gọi Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước: “Bằng đức tính Vô Úy - không sợ hãi - mà thực hiện tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo và công bình xã hội, ... hoàn thành chí nguyện phục vụ dân tộc và nhân loại.” [iii]
Đức Đạt Lai Lạt Ma căn dặn chúng tôi: cần làm cho mọi người trong nước biết về tự do ngôn luận, báo chí, và đặc biệt quý vị đang sống xa quê mẹ, nên cố gắng gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam. Tất cả những điều này phải được bảo tồn trên xứ người.
Cũng cùng mục tiêu đó, Cố Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã suốt đời đấu tranh cho nhân quyền, quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, vì vậy mà các Ngài đã trải qua không biết bao nhiêu năm tù tội và cho đến nay, Hòa Thượng Thích Quảng Độ vẫn còn bị quản thúc tại Thanh Minh thiền viện.
Hôm nay ôn lại những lời dặn dò của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nghĩ đến sự giống nhau giữa hai dân tộc, tôi ý thức rằng nếu người dân Việt không sớm đoàn kết đấu tranh giành lấy quyền làm chủ đất nước mình, để đòi cho bằng được công lý, dân chủ, nhân quyền thì trong tương lai không xa, người dân Việt Nam cũng sẽ phải chịu số phận của người Tây Tạng hiện nay.
Cầu mong Chư Phật gia hộ cho nhân dân Tây Tạng và Việt Nam sớm thoát khỏi tai ương gây ra bởi những tham lam vô bờ bến, bởi những dục vọng ích kỷ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bởi tham vọng bá quyền Trung Quốc, hầu mong cho người dân ở hai đất nước này cũng như nhân dân thế giới được sống trong tự do và thanh bình.
Cuối thư, chúc bạn mến thân tâm thường An Lạc.
Surrey - Canada, thứ Sáu, ngày 19 tháng 12 năm 2008
Tâm Quảng