Đừng ăn Sầu Riêng ở Việt Nam
Theo cái link của NSNM, đọc được tin động trời này đây :
Chất gây ung thư : Sầu riêng cũng "dính chàm"
07:01' 01/06/2007 (GMT+7)
Sự cố hàng loạt đại gia nước tương bị phanh phui "dính" chất 3 - MCPD đang làm "nóng" dư luận, thì mới đây, người ta lại phát hiện trái sầu riêng cũng "dính" loại hoá chất gây ung thư, làm quái thai...
Sầu riêng được quét hoá chất trắng. Nguồn: LĐ
Chống thối sầu riêng phải dùng thuốc trừ nấm
Vào mùa sầu riêng đang chín rộ không ít người tiêu dùng (NTD) đã tỏ ra lo lắng, khi nghe được thông tin trong trái sầu riêng có dư lượng hoá chất gây ung thư. Ông Nguyễn Thành Nhung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) - cho biết: "Các nhà vườn đã dùng thuốc trừ nấm Carbendazim ở dạng đậm đặc, quét trực tiếp lên vết cắt phần cuống của trái sầu riêng, nhằm chống thối".
Có mặt tại xã Ngũ Hiệp, chúng tôi thấy nhiều người đang dùng thuốc trừ nấm bôi lên vết cắt phần cuống trái sầu riêng. Nông dân Huỳnh Văn Phải hồn nhiên cho biết: "Tốn khoảng 100.000 đồng, mua một lít thuốc sền sệt này, có thể quét được cỡ 10.000 trái sầu riêng. Nhờ vậy, sầu riêng mới không bị kiến ăn, không bị hư hỏng... và bán được giá hơn. Gia đình tui trét sầu riêng kiểu này đã mấy năm rồi, có ai cấm đoán gì đâu ?".
Tại TPHCM, dạo qua một số điểm bán sầu riêng khu vực chợ Tân Định, Trần Quang Khải... thuộc quận 1, hoặc các điểm bán sầu riêng trên đường Lê Quang Định, thuộc 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp, chúng tôi nhận thấy, có rất nhiều trái sầu riêng bày bán đều "dính" chất trắng chết người kia. Song, hầu như không một người mua nào chú ý, trái sầu riêng mà họ mua, mang theo cái vệt trắng là hoá chất độc hại...
Mầm mống gây ung thư, quái thai...
Theo TS Nguyễn Văn Hoà - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật - Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam: "Carbendazim là thuốc trừ nấm, tuy ít độc; nhưng với cách quét trực tiếp thuốc, dạng đậm đặc lên cuống trái sầu riêng như vậy, chắc chắn sẽ tồn dư lượng, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ NTD".
Tài liệu "Cẩm nang thuốc bảo vệ thực vật" (BVTV), xuất bản năm 2005, xác định Carbendazim thuộc nhóm hoá học carbamate, có khả năng nội hấp, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp ở nhóm độc 3. TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp - Viện KHKTNN Miền Nam - cho rằng: "Carbendazim mang tính độc của kim loại (kẽm), nên khó phân huỷ.
Nếu sầu riêng thường xuyên "dính" chất này, dư lượng thuốc rất dễ gây ngộ độc mãn tính với người ăn. Chất độc tích luỹ dần trong cơ thể, tới lúc nào đó, sẽ gây đột biến tế bào, kích thích tế bào khối u phát triển, ảnh hưởng đến bào thai và dị dạng cho thế hệ sau. Đáng ngại, quá trình gây hại cho con người của chất này lại rất chậm, biểu hiện nhiễm độc lúc đầu chỉ là mệt mỏi, nhức đầu, ăn ngủ bất thường... Không ai ngờ được".
(Theo Lao Động)