CON CHUỘT
Linh Bảo
Trich trong Tuyển tập Mây Tần
Nếu câu “chuột sa chĩnh gạo” là để tả sự sung sướng giàu sang bất ngờ của loài người, thì có khi lại đúng vào hoàn cảnh của bé chuột.
Không hiểu nhằm giờ Hoàng đạo may mắn nào đó, một con chuột Nhắt tí hon đã lọt được vào nhà bà Bình. Hôm ấy trời nóng, mấy người khách đàn ông hút thuốc lá thả khói mênh mông đầy nhà. Lúc khách ra về bà Bình phải mở cửa lớn một lúc lâu, để gió vào lọc không khí trong nhà cho hết mùi khói thuốc.
Những lúc khác, nếu cần thoáng, bà chỉ mở cửa sổ. Các cửa này đều có lưới, chỉ gió ra vào được, ngoài ra, một con phù du cũng không lọt.
Hôm ấy, Nhắt đang lang thang tìm nơi định cư sau mấy ngày lưu lạc từ vườn này sang vườn khác. Vườn nào cũng có hoa có cỏ. Hoa thơm ngát đến mê ly, và cỏ xanh mơn mởn, cắt đều như một tấm thảm. Phong cảnh đẹp đến như thế, chỉ phải cái tội là thùng rác nhà nào cũng chắc chắn, và có nắp đậy kín đến nỗi mùi thơm quen thuộc của rác cũng không bay ra được.
Đấy là ngoài vườn, còn trong nhà thì cửa lớn lúc nào cũng đóng chặt, tường cứng như đá, cửa sổ có màn lưới bao kỷ. Cũng có lần nó vào được một vài nhà, nhưng nhà nào cũng giống nhau, cứ sạch bóng cả lên.
Trong bếp, những gì ăn được, người ta đều bỏ vào hộp đậy kín. Thức ăn thừa cho vào tủ lạnh, cặn bã xay vụn theo nước chảy ra cống. Như thế thì còn sống làm sao được. . . Bây giờ Nhắt mới biết, thì ra ở đời không có gì tuyệt đối cả. Nhà như thế, vườn như thế, ai cũng khen là đẹp, là sang trọng, nhưng trong con mắt của Nhắt thì thực đúng là thế giới của đói và chết.
Đã có lần Nhắt thấy oán giận mà không biết oán giận ai. Cả gia đình nó, mới cách đây không lâu, còn đang sống yên lành trong một gian nhà gỗ cũ kỷ, nhưng rất ấm no đầy đủ. Căn nhà èo ọp gần sập, mái thủng, vách long lở, cột lung lay, nền đổ nát. Căn nhà, ai trông thấy cũng e sợ xa lánh. Thế nhưng nơi ấy ấy chính là Thiên đường của gia đình Nhắt. Gỗ mềm dễ gặm, đồ đạc vật liệu càng cũ càng thơm. Nhưng phải có cái mũi của chuột mới biết thưởng thức mùi mốc meo nó tuyệt diệu làm sao!
Ngoài ra, bọn trẻ con lúc ăn, hay ném đổ vung vãi ra đất, nào bánh, nào trứng, nào phó mát... đủ cả, gần như chúng ăn thức gì, gia đình Nhắt ăn thức ấy. Người và chuột chung hưởng lợi ích, giống như dân anh chị sống trong thế giới xô bồ hỗn tạp. Càng vô trật tự càng là đất dụng võ lý-tưởng.
Chúng tha hồ leo trèo phá phách, đạp đổ bằng thích. Có ai nhìn thấy một vết bẩn lẫn vào trăm ngàn vết bẩn đã có sẵn đâu! Nếu sống trong cái nhà được dọn dẹp sạch sẽ, có ngăn nắp thứ tự, thì phải biết! Một vết bẩn nhẹ cũng nổi bật lên ngay, đâu có thể tự do hạnh phúc trong bừa bãi như thế này!
Nhưng ở đời, lắm khi may mắn không dừng chân lâu lâu hay mãi mãi như người ta tưởng. Một hôm, Nhắt nghe lén được câu chuyện của chủ nhân bàn tán với nhau. Họ định bán đất này cho một cho một công ty địa ốc, chủ nhà sẽ có đủ tiền để mua một căn nhà nhỏ khác, xa hơn, nhưng mới hơn, và tính mệnh cũng sẽ được an toàn hơn.
Từ ngày não ngày nào, cả nhà Nhắt tự coi mình như một thành phần của gia đình này, nên cứ thản nhiên vui đùa, cứ tưởng là ta với chủ nhân sẽ sống chết, vui buồn, sướng khổ có nhau, trên đường đời cùng đi chung cho đến nơi sơn cùng thủy tận... Theo lý luận mà nói, thì với tính nết của bọn trẻ con, dù họ dọn nhà mới cũng phải có thầy có tớ, cũng phải có kẻ nhặt nhạnh hạt cơm, miếng bánh rơi vãi chứ !
Thế nhưng, không ngờ, đây là lần đầu tiên Nhắt học đến chữ “ngờ”. Một sáng thức dậy, gia đình Nhắt thấy gian nhà bỗng dưng rộng mênh mông: người ta đã dọn đồ đạc đi đâu mất hết!
Một chiếc xe ủi đất đến, và cứ thế húc bừa vào nhà. Chỉ vài giờ sau, cái Thiên đường của Nhắt chỉ còn là một đống gỗ mục đổ nát. Nhắt và cả làng chuột nấp dưới đống gỗ, chửi rủa bọn trẻ con tệ bạc, ra đi không đem gia đình Nhắt đi, không báo cho Nhắt biết, mà cũng không một lời từ giã.
Nhưng nào phải chỉ có thế thôi đâu! Hôm sau, một bọn người khác đến dọn đống gỗ, họ xốc xáo khắp mọi nơi, rồi đổ nền, dựng nhà mới.
Trong lúc hoảng hốt, gia đình Nhắt chạy tán loạn cả lên, và Nhắt bỗng dưng thành một con chuột bơ vơ cô độc nhất trên đời.
Sau bao nhiêu ngày thất thểu lang thang, Nhắt tưởng đã đến bước đường cùng. Trong lúc gần như tuyệt vọng, thấy nhà bà Bình mở cửa, nó len lén chạy tọt ngay vào.
Trong nhà không có một ai, chắc chủ nhân đang làm việc ngoài vườn. Nhắt lợi dụng cơ hội hiếm có, quan sát khắp nơi. Phòng khách rộng rãi sạch sẽ, hai phòng ngủ hơi bừa bãi nhưng không có gì lạ. Trong phòng khăn tắm, áo sạch, áo dơ , báo hàng ngày, giày dép vương vãi là sự thường. Phòng tắm có mùi thuốc sát trùng, không thích hợp cho bộ phổi tinh khiết. Nhắt vào thẳng nhà bếp, nấp dưới một cái lò ga rất lớn để dò động tĩnh.
Ngước mắt nhìn lên, nó thấy nhà bếp nhiều tủ đựng đồ quá. Chủ nhân chắc là người có tính rộng rãi hào phóng, hay nói một cách khác, bừa bãi cẩu thả cũng được, vì bà chủ không đóng chặt các cửa tủ như tất cả các nhà khác. Cũng có thể là nhà này có trẻ con, chúng không bao giờ nhớ đóng cửa tủ hay ngăn kéo sau khi lấy đồ xong.
Nhắt thử đi du lịch thám hiểm một vài nơi. Từng thứ nhứt để đồ hộp, nhiều loại rau đậu, hoa quả khác nhau. Từng thứ hai cũng đồ hộp, toàn xúp đủ thứ. Từng thứ ba: chén bát. Một tủ khác đựng nhiều loại giấy: giấy khăn ăn, khăn tay, giấy vệ sinh, khăn lau bàn, khăn lau bát. Một tủ khác đựng toàn đồ đạc thuốc men để tẩy độc, lau chùi nhà cửa, các thứ phấn, thuốc bột, thuốc nước, chai lọ, bao hộp chồng chất ngổn ngang. Những chai lọ này tuy đậy kín, cũng bốc ra một thứ mùi hôi nặng khó tả. Ngửi thêm một lúc nữa sợ chết ngạt, Nhắt chạy vội ra ngoài.
Trong chốc lát, Nhắt thấy thất vọng tràn trề. Thì ra người ta ai cũng giống nhau cả. Cánh cửa tủ mở rộng, Nhắt tưởng đó là dấu hiệu của sự bao dung, hào phóng, rộng lượng, nhưng thực ra không phải. Họ có mất mát gì đâu! Chỉ có mùi thuốc sát trùng bay ra, còn mùi thực phẩm thì vẫn giữ nguyên vẹn ở trong hộp.
Nhắt lê cái bụng xẹp lép, thong thả tìm đến căn phòng xép. Phòng này để rửa bát, và cũng có một cái tủ lớn. Từng cao nhất không có gì ăn được. Trong lúc Nhắt đang hếch mắt lên nhìn một cách đau khổ tuyệt vọng, bỗng nghe thấy tiếng động. Nhắt nhanh nhẹn nhảy biến ngay vào cái tủ thấp, cũng mở cửa sẵn. Và thế là cuộc đời “chuột sa chĩnh gạo” của Nhắt bắt đầu từ đây.
Trong tủ hơi tối, nhưng vốn rất tinh mắt. Nhắt thấy vô số là chai không, lọ không, xoong, nồi, chảo, mới cũ lớn nhỏ . Tất cả đều sạch sẽ, khô ráo, sắp đặt gọn gàng. Trong góc tủ có một cái thùng giấy. Nhắt tò mò nhảy vào và nhận ra ngay bên trong nằm chình ình... Trời đất ơi!... một bao gạo to tổ bố.
Ban đầu Nhắt ngơ ngác không tin, tưởng là mình nằm mơ. Nhưng sự thực sờ sờ ra đấy: miệng bao gạo mở rộng như quyến rũ, như mời chào, như khuyến khích. Trời! Mùi gạo sau bao nhiêu ngày lang thang đói rét mới thơm ngon hấp dẫn làm sao! Thế là ngày hạnh phúc nhất đời của Nhắt bắt đầu. Gạo Nhật bản nhập cảng, toàn chọn những hạt mập tròn, béo bùi tuyệt vời! Ngoài bao viết rõ ràng: ”Gạo số một, ngon nhất, 25 cân Anh”. Nó ngơ ngẩn tự nhìn mình, rồi nhìn bao gạo. Cái núi gạo này thì có mà ăn đến suốt đời cũng không hết!
Sau một tuần lễ, Nhắt tự coi như đã định cư ở đây. Ngày ngày, Nhắt leo lên núi gạo, nhấm nháp vài hột, suy ngẫm chuyện đời. Nhắt nhận ra rằng Trời quả thực chẳng đóng cửa ai bao giờ. Trong lúc gần đến bước đường cùng, thế nào cũng tìm được lối thoát. Đôi khi nhớ cha mẹ và đàn em, giờ đây đang lang thang đói rét không biết ở nơi nào, nó muốn tìm đem về để cùng hưởng cái sung sướng hạnh phúc “chuột sa chỉnh gạo” nghìn năm một thuở.
Nhưng nó cũng biết, nếu ra khỏi nhà này, có thể là không bao giờ còn trở vào lại được nữa! Cơ hội tốt, có khi không đến hai lần trong một đời người. Anh nào nắm được hạnh phúc mà còn nghĩ quanh nghĩ quẩn bỏ rơi mất là dại. Nhắt không bao giờ dám tin rằng bà Bình có thể để cửa mở toang cho nó ra, rồi lại vào một lần nữa, cũng như nó không dám tin rằng gia đình nó còn sống đến ngày nay ở trong cái thế giới sạch sẽ thơm tho, nhà cao cửa rộng, mà đầy những thuốc sát trùng như thế này.
Nó tự kết luận là nếu còn sống, thì gia đình hẳn cũng đã tấp vào một nơi nào yên thân được, nếu không thì đã chết rồi! Đằng nào bỏ đi tìm cũng vô ích, nhà cửa san sát như thế, biết anh em ở cái xó tối hang hốc nào? Nó đành tự an ủi là ai cũng phải nhận cái số phận Trời dành riêng cho mình...
Bây giờ Nhắt biết giờ giấc của nhà này lắm rồi. Bà Bình độc thân, làm nữ khán hộ cho một bệnh viện tư. Mỗi ngày, bà đi từ 8 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều mới về. Suốt cả thời gian ấy, Nhắt là chúa tể tất cả giang sơn này. Nhắt chạy tung tăng, chơi đùa hết phòng khách, phòng ngủ, đến phòng tắm, nhảy lên nhảy xuống hết tủ này đến ngăn kéo khác một cách vô tư. Nó tha về tủ nó một ít giấy, thỉnh thoảng buồn miệng cắn nát chơi, và dành ra một ít để làm tổ nằm cho êm.
Chơi đùa suốt ngày, đói ăn khát uống cho đến 5 giờ chiều, khi Nhắt nghe tiếng chìa khóa lách cách mở cửa, thì nó biết giờ nghỉ ngơi đã đến.
Nhắt chui ngay vào tổ. Đây là “giang sơn gấm vóc” của nó được làm bằng khăn tay giấy, thứ mềm dịu nhất màu vàng nhạt, bà Bình vẫn thường dùng. Nhắt nằm yên, lắng nghe tiếng chân đi vào.
Trước hết, bà bỏ đôi giầy cao gót, đi chân không, thở phào ra một cách nhẹ nhõm thảnh thơi. Xong rồi, bà mở sưởi lên, đứng trước lò sưởi thay quần áo. Thay xong bà vào bếp sửa soạn cơm chiều. Có khi bà nấu cơm, có khi ăn mì, phở hay bánh, rau quả, không nhất định. Dù sao, bà ở trong phòng bếp không lâu. Cả nấu và ăn chỉ mất độ một tiếng đồng hồ mà thôi.
Bao gạo vơi dần, nhưng khi nào thực hết thì lại có bao mới, Nhắt không phải lo lắng gì cả. Mỗi ngày, Nhắt nằm trong tổ lắng tai nghe tiếng bà Bình xả nước rửa rau như một điệu nhạc du dương. Nó cảm thấy cuộc sống thực là đầy đủ. Có lương thực, có tổ ấm, giá có một bạn đồng loại để chia xẻ cảnh phong lưu sung túc này thì thực không còn gì hơn!
Có một điều Nhắt không dám nghĩ đến, là không biết bà Bình có bằng lòng cho Nhắt ở trong nhà của bà không. Bọn trẻ con ngày xưa chấp nhận gia đình Nhắt một cách công khai, nhưng bà Bình thì chưa chắc.
Không biết rõ ý chủ nhân ra sao, Nhắt định cố giấu sự có mặt của mình. Nhưng cây kim ở trong túi lâu ngày cũng phải lòi ra! Dù mắt bà Bình hơi kém, bà cũng trông thấy những vết đen nho nhỏ trong bao gạo. Những chấm đen này chứng tỏ có một con vật gì đã ăn vụng gạo và để sự tiêu hóa lại. Phản ứng trước nhất của bà Bình là thắt chặt miệng bao. Hôm sau, bà không thấy có vết đen trong bao lẫn với gạo nữa, nhưng cái bao bị rách một lỗ nhỏ, và bây giờ, những chấm đen kia ở ngoài bao gạo.
Như thế nghĩa là con vật đã cắn thủng bao, thò mõm vào ăn gạo rồi để vật tiêu hóa ở ngoài. Trông thấy thế bà Bình nghĩ ngay đến Chuột, vì chỉ chuột mới hay lén sống chung với người và có bộ răng sắc bén cắn thủng được bao thôi.
Ngày thứ bảy tuần ấy không phải đi làm, bà Bình lấy hết đồ vật trong tủ ra, dùng xà phòng và thuốc sát trùng lau khắp tủ, sắp lại mọi thứ vào và đóng chặt cửa lại. Cứ thế, bà Bình thanh toán từng tủ một. Khi tất cả đều sạch sẽ, và cửa đã đóng chặt rồi, bà soạn đến cái tủ cuối cùng, nơi đã là ”Thế giới thần tiên” của Nhắt. Những ngày hạnh phúc nhất trên đời bây giờ mới thấy ngắn ngủi làm sao!
Bà Bình xách bao gạo, cho vào một cái hộp lớn khác có nắp và đậy kín lại. Bà moi ra một đống giấy nát, cái tổ ấm “giang sơn gấm vóc ” của Nhắt, bị vứt vào xọt rác không tiếc thương. Bà cẩn thận lau chùi kỹ hơn vì nơi đây đã là “Tổng hành dinh” của “địch”, Nhắt cố thu gọn mình vào góc tủ, nhưng mùi thuốc sát trùng nồng nặc làm Nhắt không chịu nổi phải nhảy vọt ra, rồi nhanh như cắt biến ngay vào dưới cái lò ga.
Bây giờ bà Bình được yên trí ít nhất con Chuột tai hại đã ra ngoài, từ nay, mỗi lần mở tủ lấy đồ, bà chỉ cần nhớ đóng chặt cửa lại để nó không có lối vào rồi sau sẽ liệu.
Quét dọn xong, bà Bình mệt lả. Ngày thường, bà chỉ quen làm những việc nhẹ nhàng, nếu cần quét dọn, bà làm dần dần, nhưng hôm nay khác hẳn, phải cúi xuống và quì gối, với tay, dọn ra xếp vào hàng nửa ngày, bà thấy sống lưng đau mỏi tê cứng.
Tuy thân thể mệt nhọc, nhưng trí óc bà làm việc rất mạnh. Ngả lưng trên giường, bà nghĩ đến cách bắt chuột. Lối bắt chuột cổ điển nhất, là dùng mèo . Nhưng phải là một con mèo thiện chiến nghĩa là loại mèo biết và chịu bắt chuột, chứ không phải thứ mèo để vuốt ve bồng bế, làm cảnh. Kiếm cho được một chàng Mèo “ chiến sĩ” không phải dễ mà mục đích chỉ để bắt một con chuột tí hon độc nhất, thì cũng giống như “Ăn một bát cháo chạy 300 quãng đồng”. Không đáng công tí nào.
Mượn thì chung quanh đám bạn bè, hàng xóm, không ai nuôi mèo cả. Bà có thể mua một con biết bắt chuột, nhưng sau khi “ đại công cáo thành” rồi, bà sẽ dùng con mèo kia để làm gì? Nó sẽ cào rách nệm ghế, leo lên nóc tủ nhảy vờn, đồ chơi để trên ấy sẽ rơi vỡ. Hơn nữa, ngày hai bữa, bà sẽ phải lo nghĩ đến thức ăn cho mèo, phải săn sóc hầu hạ như hầu một đứa bé con, lại còn phải đem đi thú y tiêm ngừa bệnh tật. Bất cứ giờ nào, mèo cào cửa muốn ra ngoài, là bà phải dậy mở cửa, rồi cứ thế mà mở cửa, đóng cửa, đêm cũng như ngày...
Nếu là một con mèo dậy thì, đến thời kỳ cảm thấy cô đơn, nó sẽ leo lên mái nhà, máng xối mà gào, thì cả hai dãy hàng xóm phải thức dậy hết. Ai không thích cũng phải nghe bản nhạc “Ô mê lý mê ly...” của các ca sĩ nhạc sĩ mèo lúc nửa đêm.
Bà cũng sẽ mất rất nhiều tự do vì phải nghĩ đến bữa cơm, có kẻ đang chờ đợi ở nhà không dám về muộn, dù cho bận đến bao nhiêu cũng vội vã về như nhà có con mọn. Lý do mạnh hơn nữa, là bà không chịu được lông mèo. Mỗi lần rùng mình, mèo sẽ tung ra vô khối bụi, bọ chét và lông rụng. Bà ngửi phải, lập tức hắt hơi không ngừng.
Giải pháp Mèo, nhất định là không xong rồi. Phải đánh bẫy. Mua bẫy chuột thì quá dễ, đâu cũng có bán. Đủ các thứ bẫy lớn nhỏ và có ngay lập tức. Nhưng bà Bình là người khó tính, bà không muốn con Chuột chết bất đắc kỳ tử trong nhà bà một cách ghê gớm. Nghĩ đến cái vòng sắt bật lên nghiến nát nó, máu đỏ loang ra... Không được, bà phải cho nó chết toàn thây và vẫn xinh đẹp trong con mắt của loài chuột. Chính bà phải tự sáng chế ra cái bẫy nếu bà mở cửa mà nó không chịu trốn đi.
Trước hết, bà nghĩ đến một cái hộp có cửa sập lại theo lối cổ điển. Bà còn tưởng tượng thêm vài cái bẫy hình dáng khác nhau nữa, nhưng tất cả đều không ổn. Những vật liệu, dụng cụ để làm, bà không có, mà dù có, bà cũng không biết làm thế nào cho thành hình.
Đêm ngủ chập chờn vì mệt mỏi, suy nghĩ, trong giấc mơ, hình ảnh những cái bẫy không thành vẫn kế tiếp nhảy múa, thay đổi, ẩn hiện lẫn lộn.
Sáng hôm sau, bà Bình khóa chặt các tủ trước khi đi làm, yên trí là thùng gạo của bà không bị phá phách. Nhưng chỉ vắng nhà được nửa buổi, bà bỗng bị một ám ảnh khác. Ngày thường, con chuột có gạo ăn, bây giờ không có gạo nữa, nó sẽ ăn gì? Cái tủ bị đóng kín nó sẽ ở đâu? Mất tổ rồi, nó chạy khắp nhà, nhất là có thể vào trong phòng ngủ của bà. Phòng ấy có nhiều xó kẹt, nhiều quần áo giăng mắc, nó sẽ nhấm gặm quần áo, giày vớ, hay cắn mấy bộ sách quí bà vẫn để quanh quẩn ở đầu giường.
Nếu như thế, thì sự tai hại còn to gấp trăm lần để nó ăn gạo trong nhà bếp. Bà nghĩ lại, thấy tất cả đồ vật gì của bà cũng có thể làm món nhấm gặm chơi cho con chuột cả, bất cứ món gì cũng ngon lành với bộ răng chuột sắc như dao. Càng nghĩ bà càng mong đợi đến giờ xong việc. Bà chỉ muốn chạy vội về nhà lấy ngay ít cơm nguội để vào góc tủ.
Trong khi chờ đợi hoàn thành kế hoạch bẫy chuột, ngày ngày bà Bình để một nắm gạo cho chuột, như một phần ăn. Sau khi đi làm về, bà vào ngay bếp xem hôm ấy chuột có ăn không, có đủ gạo không, còn thừa hay ăn hết.
Suốt cả một tuần lễ ngày đêm suy nghĩ, vừa cho ăn vừa tìm cách đánh bẫy như thế, chuột và người hình như đã bắt đầu quen chương trình mới và giờ giấc của nhau.
Con chuột bắt đầu ăn những hạt gạo của bà một cách đầy tín nhiệm, và bà Bình một hôm ngủ dậy với hình ảnh cái bẫy chuột trong đầu. Không biết tác phẩm này đã thành hình khi bà mơ hay tỉnh, nhưng đối với bà, nó gần như toàn thiện, nghĩa là dễ làm, không cần đến vật liệu khó khăn gì hết, và con Chuột sẽ được mồ yên mã đẹp như ai vậy..
Đã có ý niệm về cái bẫy rồi, bà Bình nghĩ đến mồi. Bà không biết làm mồi gì cho hấp dẫn: thịt nướng, cá mực nướng, cơm hay tôm..., có lẽ chuột Mỹ phải cho mồi bằng phó mát cũng nên!
Nghĩ đến mồi và cái bẫy, bà Bình chợt nhớ đến một truyện ngắn ngoại quốc, bà đọc từ lâu nên quên mất tên. Chuyện tả một lão già rất nghèo khổ, chuyên nghề làm bẫy chuột. Ngày ngày, lão đi từ làng này sang làng khác, vừa đi vừa rao bán bẫy. Cái nghề đạm bạc này, không được lời lãi bao nhiêu, nên thỉnh thoảng lão phải ăn cắp vặt thêm để sống.
Một hôm, mãi đi lang thang trên đồng vắng, bụng đói miệng khát, lão bỗng chợt nãy ra ý nghĩ rằng cái thế giới mà tất cả mọi người đang sống này, chẳng qua cũng như một cái bẫy chuột rất lớn mà thôi. Tình, Tiền, Nhan sắc, Danh vọng, Bằng cấp v.v... tất cả đều giống như miếng thịt nướng thơm phức trong bẫy, để nhử những con mồi háu ăn. Và một khi ai đó bị mắc bẫy rồi, thì than ôi, tiêu tan cuộc đời!
Ý tưởng so sánh này làm lão thú vị lắm, cố tìm tòi moi móc trong trí óc, nghĩ đến người này người kia trong đám bạn bè, quen biết, xem ai đã bị mắc bẫy rồi mà không ngờ, ai biết thân mình bị mắc bẫy, an phận đợi giờ chết, ai đang vùng vẫy cuống cuồng tìm lối thoát, ai chưa biết, còn đang gặm nhấm mồi một cách say sưa, và những ai còn ngây thơ, mắt la mày lét nhìn mồi thèm thuồng chạy quanh tìm lối chui vào bẫy...
Lão thấy mình cao quí hơn những người khác, vì lão tự coi mình là kẻ đứng từ xa, từ trên cao nhìn xuống đám người mà lão xem như một bầy chuột đang chạy quanh miếng mồi. Lão cứ cười người ta và độc diễn niềm vui như thế cho đến một hôm, lão vào ngủ trọ nhà một nông phu.
Chủ nhà cho lão ăn uống tắm rửa tiếp đãi như một quí khách. Trong lúc ngồi nói chuyện gẫu trước khi đi ngủ, nông phu còn tin cậy sung sướng đem mấy đồng tiền vàng ra khoe. Đó là tất cả gia tài suốt đời dành dụm được để dưỡng già . Sáng hôm sau, lão dậy sớm chào và cảm ơn chủ nhà, rồi giả vờ lên đường nhưng kỳ thực lão nấp vào một chỗ, chờ cho nông phu ra đồng, lén trở vào nhà ăn cắp mấy đồng tiền vàng.
Lão không dám đi trên đường cái, sợ bị đuổi theo, phải băng qua rừng. Lão đi từ sáng đến chiều, vào sâu trong vùng núi non bí hiểm lạ lùng. Lão cố tìm phương hướng, cố lướt qua mệt mỏi đói rét, gắng gượng gần như nửa bò nửa lết, đến đêm thì phong cảnh càng đi càng như quen thuộc.
Thì ra lão đã bị lạc, vòng quanh mãi trong rừng, và bây giờ lại trở về chỗ cũ. Rừng thật là âm u ghê rợn, tiếng chân thú dữ như lẩn quất bên mình. Đeo một xâu bẫy chuột nặng trên lưng bây giờ lão thấy mình không cười ai được nữa, vì bản thân lão cũng đã thành một con chuột mắc bẫy, mà miếng mồi là mấy đồng tiền vàng...
Bà Bình bỗng cười thầm nghĩ trên đời đã có lắm anh tham mồi mắc bẫy lắm rồi, và cũng sẽ còn lắm anh nữa, tiếp tục chết vì mồi. Chỉ cần tìm được miếng mồi đúng với khẩu vị là anh nào cũng chết cả! Con chuột này, dù quắt quéo tinh khôn đến đâu, tìm được đúng mồi thì nó cũng chết như ai vậy!
Con chuột của bà, nhất định là không thích vàng, phó mát cũng chưa chắc đúng khẩu vị, nhưng gạo thì có lẽ được. Nó không hề ăn thức gì khác của bà, nó sẽ thích món ăn quen thuộc.
Bà Bình lấy một cái thau, đổ nước vào độ nửa thau. Bà lấy giấy báo bao miệng thau lại, cột giây chằng thật chặt. Ngay chính giữa, bà cắt một lỗ tròn nhỏ, trên miệng lấp một miếng giấy bóng, thứ thật nhẹ và mỏng, trên tấm giấy bóng, bà để vài hạt gạo.
Sắp đặt xong xuôi, bà đặt thau nước vào chỗ của bao gạo hàng ngày. Mỗi chiều đi làm về bà nhìn vào tủ xem nhúm gạo có còn nguyên không. Hai ngày đầu, gạo mất nhưng miếng giấy bóng vẫn còn nằm yên bất động. Ngày thứ ba, cả giấy lẫn gạo đều lọt qua cái lỗ con, nhưng chuột thoát nạn. Bà Bình đã tưởng con Nhắt bị một vố xuýt chết thế, chắc không còn dám léo hánh đến gần cái thau nữa. Bà không tin mình sẽ thành công, nhưng cũng cắt mảnh giấy bóng khác che cái lỗ con, và lại để một ít gạo lên.
Chiều hôm ấy đi làm về, bà Bình thấy cả giấy lẫn gạo và con chuột đều ở trong thau nước. Con chuột bé tí chỉ bằng ngón tay, mặt mũi trông ngây thơ lương thiện quá, làm bà Bình đâm ra hối hận đã giết nó. Giá bà bắt được nó, chắc bà đem thả ra cánh đồng xa, cho nó tìm đường sống. Nhưng khốn nỗi, con chuột bé nhỏ khôn lanh quá, chỉ chạy quanh quẩn trong các xó kẹt, không chịu để bị bắt, cũng không chịu chạy ra khỏi nhà, tuy cửa đã mở sẵn cho nó.
Bà Bình bùi ngùi vớt con chuột ra, đem chôn dưới gốc cây hồng, trên mả nó, bà chọn những viên đá cuội sạch sẽ, làm thành một nấm mộ xinh xinh.
Giải quyết xong vấn đề con chuột, bà Bình quét dọn nhà lại một lần nữa. Nhưng lần này, địch thủ bị hạ rồi, bà thấy buồn buồn, không còn hăng hái như lần đầu.
Căn nhà hình như vắng lạnh hơn, bà hình như cô đơn hơn. Có lẽ niềm cô đơn thì không hơn không kém, nhưng trước kia, vì bà không nghĩ đến nên không nhận thấy. Bây giờ con chuột chết rồi, mới vỡ lẽ ra giữa bà và nó đã có một mối cảm tình quấn quít nhau từ hồi nào bà không hay. Có lẽ từ khi bà bắt đầu ngày ngày để gạo cho nó ăn, lo lắng cho nó, không biết nó ăn có đủ no không, có nghịch ngợm phá phách gì không. Tuy sự lo lắng này phát xuất từ chỗ sợ nó đói, cắn quần áo hay sách vở, nhưng lần lần thành một thói quen săn sóc, lo cho nó như lo cho một con vật được chăn nuôi, trong tiềm thức bà, tình thương đến lúc nào bà không biết.
Bà nhớ nó và đâm ra hồi tưởng lại những lúc nó còn sống, bà đi vắng thì nó giữ nhà, làm cho căn nhà có sinh khí, bà về, nó biết thân sống bất hợp pháp, trả lại giang sơn cho bà. Nó sống khiêm nhường và chịu an phận. Mấy hạt gạo nhỏ bé, một mảnh khăn giấy, đấy là tất cả mơ ước. Nó chưa hề phá hại một cái gì khác của bà cả. Thế mà bà nỡ xem nó như thù địch. Bây giờ, kẻ thù chết rồi, bà chẳng sung sướng gì hơn, trái lại chỉ thấy tâm hồn trống rỗng.
Nghĩ kỷ thì sự thiệt hại khi kẻ thù còn sống không bằng lúc nó đã chết. Bây giờ, ai trông nhà cho bà khi bà đi vắng? Bà vào bếp nấu cơm, ai bầu bạn? Bà cao hứng ngâm nga, có ai nghe? Lắm lúc bà nói chuyện với nó, chuyện trong sở, chuyện bà thấy trên đường về, điều bà nghĩ, kể cả những giấc mộng lành, mộng dữ. Bà không biết nó đang ở trong xó kẹt nào, nhưng bà biết là nó lẩn quất đâu đó trong nhà, nhất định đang vểnh tai lên nghe chuyện bà nói...
Bà càng nghĩ càng hối, càng tự giận mình. Ngó lui lại dĩ vãng, bà thấy đầy mình nhầm lẫn, nhầm lẫn này chồng chất lên nhầm lẫn khác, không còn phân biệt được đâu vào đâu nữa. Ngay cả trong khi tranh luận với các bạn thân, bà cũng luôn luôn nhầm lẫn dù thắng cuộc. Bà thắng vì lý luận sắc bén hơn, khôn ngoan hơn, cũng có khi vì già miệng hơn, nhưng sau cuộc thắng vẻ vang, bà mất một người bạn. Tính lại thì thắng lợi không đem lại một niềm vui gì hết. Bà Bình thấy ghét trí thông minh vặt của mình trong việc phát minh ra cái bẫy chuột tuyệt diệu.
Nằm gác tay lên trán suy nghĩ, bà Bình thấy chỉ có hai cách: một là cứ lơ mơ chìm đắm trong cô đơn, trong nhớ tiếc buồn thương, hai là dọn nhà đi nơi khác, quên tất cả để bắt đầu bận rộn lao mình vào những nhầm lẫn mới. Hai con đường, bà nhất định phải chọn một.
Tuần lễ sau, người ta thấy trước nhà có để biển “NHÀ CHO THUÊ”.
Thế là trong đời lại có một con chuột nữa rơi vào bẫy...
Linh Bảo
Monterey 1969
GHI CHÚ: Truyện này, khi xuất bản lần đầu trong Tuyển tập Những Cánh Diều năm 1971 có đề “tặng một chính khách lưu vong”, nhưng nhà xuất bản đã tự ý bỏ đi để khỏi bị khó khăn với Sở Kiểm Duyệt. Lý do: ”Sợ đụng chạm về chính trị”.