Những suy tư của VĂ N
Còn mấy ngày nữa là Sung và Mai lên nghỉ hè, hẹn sẽ ở trọn ba tháng, nghe mà vui. Cuộc đời sẽ bớt tẻ nhạt, cái tuồng hai vợ chồng ăn xong bữa cơm chiều, quẹt mỏ đứng lên đi ra hiên xỉa răng. Chẳng biết làm gì, nói gì với nhau, còn gì nữa đâu mà nói, cuộc đời như thế mà chưa cạo đầu đi tu cũng là một loại can đảm. Sự có mặt của người thứ ba là cứu tinh, là giải thoát.
Nhưng tôi có hơi tự dối mình không ? Tôi mừng vì gặp Sung hay vì biết rằng Mai sẽ cùng lên ? Mai sẽ lên để vẽ, để sửa soạn cuộc triển lãm vào mùa xuân sang năm. Niềm vui rất nhẹ nhưng mà kỳ lạ, từ ngày lấy vợ tôi chưa bao giờ được lắng nghe cái cảm giác ấy. Không phải tôi có ý định làm gì để buồn cho ai, cả Sung lẫn Mai, và ngay cả Thu cũng đều không đáng bị làm buồn. Tôi cũng không muốn có một hành động gì để người đời phải phê bình rằng phi lễ, rằng đạp đổ, phá hoại. Nhưng tôi muốn thành thật, tôi thành thật mà thú nhận rằng hình ảnh Mai đã gợi trong tâm tư tôi rất nhiều ý nghĩ tươi trẻ. Tôi thừa can đảm để kéo nốt cuộc sống từ nay…
Nếu loài người có trách tôi thì trách ở điểm nào thôi chứ không thể trách ở cái điểm chân thành. Tôi sẽ hỏi Mai có nhận tôi, cho tôi được mãi mãi là một người bạn lớn, chắc Mai sẽ không từ chối. Người ta hay nghi ngờ tình bạn… nhưng tôi tin rằng mỗi người, ngay cả một tên đao phủ, một tên tướng cướp, cũng vẫn giữ trong lòng một một cái góc để đặt bàn thờ. Kẻ đáng xấu hổ là kẻ có tội mà dấu kỹ không dám khai ra.
Mai không đẹp, như thế tránh được cái nạn bị Thu ghen, vì người đàn bà đẹp lúc nào cũng chỉ nơm nớp lo sợ người khác dành mất cái chức hoa khôi của mình. Nhưng theo tôi thì "cái thân hình lép kẹp như con mắm phơi khô" ấy, nói theo lời phê bình của Thu, Mai có một sức thu hút rất kỳ lạ. Nhưng chẳng phải ai cũng có cái đặc ân nhận thấy đâu. Nghe Mai nói chuyện về hội họa, về các đề tài thì tôi đố đấy, bụt ngồi tòa sen cũng từ bỏ tòa sen để xuống xin góp chuyện vối cô bé. Một thứ quả đắng, một thứ nấm tràm, nhiều người không biết ăn, nhất là những ai chuyên môn ngậm kẹo. Hiểu làm sao nổi cái thú vị của nấm tràm…
Họ lên. Hai người như hai chiến sĩ xung phong đi vào đời, những cái nhìn trao nhau, những nụ cười đồng ý, sao mà dễ thương thế. Tôi thèm cái hạnh phúc của họ, một thứ hạnh phúc chưa thành hình, như hộp kẹo còn nằm trong gói giấy bóng. Mai xưng bằng tên, gọi Sung cũng bằng tên, gọi tôi bằng anh Văn, nghe dễ thương như có một thứ tình cảm gì rất thiêng liêng đã buộc vào chúng tôi. Thu nhìn Mai với cái nhìn của bà mẹ chồng, xoi mói kiểm soát tuy cố làm ra vẻ kẻ cả, ta đây là vai chị. Tôi không dám tỏ ra một thái độ gì vì sợ dầu đổ thêm vào lửa. Thượng Đế khi tạo ra người đàn bà, ông đã vô tình tạo ra một thứ khí giới rất nguy hiểm, nếu biết xử dụng thì nó là thứ khí giới có thể mang lợi ích lại cho nhân loại, nhưng liệu chừng, không khéo xử dụng là nó nổ tung ra thì hại cả nước.
Mai đưa theo rất nhiều khung, lụa, mầu, với giá vẽ. Mai lên đây không phải để hưởng thụ như hầu hết mọi người lúc lên Đà Lạt, mà chỉ để sáng tác. Trời cũng khá công bằng, bắt xấu, không cho nhan sắc thì cho có tài và chịu khó. Tuy vậy tôi không cho là Mai xấu, có một tấm màn hồng che ngang qua mắt tôi rồi chăng ? Hai người tíu tít với nhau, có mấy tiếng đồng hồ mà nghe gọi Mai ơi Mai hỡi đến cả chục tiếng. Lần đầu tiên tôi thấy Sung tíu tít như thế trước một người đàn bà, nhưng Sung khôn và có lý.
Tôi chưa bao giờ quan sát những người yêu nhau, bây giờ tôi mới thấy, Sung có vẻ cuống quýt mỗi khi Mai gọi, Mai bình tĩnh hơn. Một là cô nàng chưa yêu Sung, hai là cô ta giữ ý, dầu sao tôi vẫn thấy như thế dễ chịu hơn. Tôi ghét những sự bộc lộ, nhất là với một người đàn bà. Vì thế mà tôi không lấy vợ Âu… một trong những lý do. Nếu Mai cũng có cái thái độ nồng nhiệt của những cô thiếu nữ mới biết yêu, mới bắt đầu yêu và bắt tất cả mọi người phải nghe tiếng gào thét của mình thì tôi chịu sao nổi. Nghệ thuật yêu cao độ là thế chăng. Mai sợ nhà chật, đòi đi thuê nhà nhưng cả tôi lẫn Thu đều phản đối. Lần đầu tiên hai vợ chồng tôi có một điểm đồng ý với nhau. Trong nhà đâm ra tưng bừng như một ngày đại hội, nhắc tôi nhớ đến những buổi giỗ tết ngày xưa. Mẹ tôi lo dọn dẹp sắm sửa từ mấy tháng trước, chùi nhà cửa, đánh bóng các thứ đồ thờ tự bằng đồng, làm các thứ mắm, thứ dưa cần để dọn khách, may mặc cho các con… Cuộc cách mạng và chiến tranh đã đạp đổ hết tất cả những thứ ấy rồi, tôi nói vậy không phải tôi phủ nhận cái ích lợi trong mỗi cuộc cách mạng đâu. Nhưng cách mạng mà không mang lại được một cái gì thay thế thì cũng chỉ là sự nối tiếp trong công cuộc người hành hạ người.
Gian phòng khách rộng rãi để dành cho Mai làm xưởng họa, cái tên xưởng hỏa dịch chữ atelier của Pháp. Không biết người Pháp có nghe rung cảm khi đọc lên chữ "atelier", có hình dung ra ngay được nơi làm việc của họa sĩ như tiếng Việt nhà tôi không ? Quyến rũ và gợi hứng, bày ra trước mắt những hình ảnh cùa mầu sắc, của khung lụa, khung vải và tác phẩm đang vẽ dở ở trên giá hay là đã hoàn thành, la liệt đầy tường, đợi ngày triển lãm. Thế giới của nghệ sĩ. Nếu thế giới chỉ có toàn nghệ sĩ, nếu một quốc gia mà tất cả dân chúng đều là nghệ sĩ thì sao nhỉ ? Có còn chiến tranh ? Mình sẽ đưa điểm này ra thảo luận với Mai hôm nào có dịp, xem ý kiến cô bé ra sao. Nếu tôi có hoàn cảnh xây nhà, tôi sẽ bắt kiến trúc sư biến ngôi nhà thành một cái xưởng họa, có ánh sáng tuôn tràn từ trên mái bằng kính xuống, có màn che ánh sáng… Dầu cho tôi có không là họa sĩ tôi cũng sẽ tìm thấy những cảm hứng mà kẻ sống trong một ngôi nhà bình thường không bao giờ tìm thấy. Trong lúc dọn dẹp nhà cửa, hùng hục khiêng bàn ghế, mỗi người chúng tôi theo đuổi một ý nghĩ riêng biệt nhưng hình như ai cũng hân hoan.
Tôi không đi làm việc một cách mừng rỡ như trước. Sự lìa bỏ ngôi nhà mỗi ngày mấy tiếng đồng hồ, bây giờ không mang lại cho tôi một thứ dưỡng khí cần thiết cho buồng phổi va tình thần để kéo nốt cái cày thường lệ nữa. Tôi mang ơn Sung, mang ơn Mai và mang ơn luôn cả Thu, tại sao, khó giải thích. Tôi cũng không muốn đòi hỏi gì thêm, không muốn có sự gì thay đổi. Như một bản nhạc hoàn hảo, đừng ai thêm bớt vào một thanh âm nào, dẫu thanh âm đó có hứa hẹn rằng sẽ đẹp tai hơn. Phải tự tìm lấy cho mình một lối thoát, không được trông cậy vào ai cả.
Bữa cơm chung đầu tiên, chưa bao giờ đời tôi có một buổi yến tiệc tưng bừng như thế, sự tưng bừng trong tâm tư. Tôi thầm cảm ơn Thu vì Thu đã cố gắng trổ hết cái tài cái khéo léo để giúp cho bữa cơm được thêm phần ngon lành. Vui thì mầm đá cũng ngon, nhưng đây không phải là mầm đá, Thu đã làm lại những thức ăn mà ngày xưa mẹ tôi thường nấu mỗi khi nhà có khách. Hai anh em tôi tha hồ chia nhau. Nhất là món cá hấp với tương gừng, ngày bé Sung mê nó nhất, món thịt nướng và cả món canh tần ô. Mai ăn và khen rối rít :
- Em chưa mấy khi được ăn ngon như thế này, chị Thu nuôi em đi !
Câu nói nghe chân thành và dễ thương lạ, Sung nhìn Thu bằng cái nhìn biết ơn. Tôi muốn hét lên "hạnh phúc quá đi mất trời ơi !". Tại sao người ta chỉ than khóc gào thét mỗi khi người ta có chuyện buồn mà không mấy ai gào thét khi có chuyện vui. Một sự bất công của loài người đối với Thượng Đế. Hôm nay được tôi khen chắc ông sẽ mừng lắm, ông sẽ gật gù, cũng như nhà đạo diễn sau khi hoàn thành tác phẩm ngồi đọc báo để nhận những lời phê bình ngợi khen.
Người Á Đông ăn bằng đũa và gắp chung vào một đĩa thức ăn, khác dân Âu Mỹ chỗ ấy và các anh Âu Mỹ không hiểu được cái nên thơ trong lúc hai đôi đũa gặp nhau trong một món ăn. Hai cái nhìn bẽn lẽn nhưng vui mừng vì tìm thấy một điểm hòa âm nhỏ. Cái đũa đưa thức ăn lên môi, một sự gặp gỡ gián tiếp của đôi môi…
Những suy tư của THU
Họ đã đến. Từ mấy tuần trước Sung viết thư lên hỏi ý kiến có nên thuê nhà riêng cho Mai hay là mời Mai ở chung với chúng tôi. Chỉ có thế mà tôi phải suy nghĩ mất mấy đêm. Ở chung ư, hai người sẽ có dịp gặp nhau, có dịp hiểu nhau, cố nhiên là sẽ có dịp để yêu nhau hoặc ghét nhau. Năm chục phần trăm của mỗi cái có thể. Sự sống cạnh nhau sẽ vạch rõ cho thằng đàn ông thấy cái tính xấu của người đàn bà, lúc bực bội, lúc cau có. Cái nét mặt nhầy mỡ lúc mới ngủ dậy, cô bé nhờ trời vắng nhan sắc và sự gò gẫm, hóa trang, đạo diễn cho mặt mày, cho thân thể lại càng thêm cần thiết. Để họ sống xa nhau, một là tôi sẽ ít được gặp mặt Sung, nhất định thế, hai là cô bé sẽ có thì giờ để đóng nốt vai trò; Còn năm chục phần trăm kia thì sao ? Họ có thể càng ngày càng thêm hợp ý… Nhưng có tôi bên cạnh, ngọn đèn điện và ngọn đèn dầu leo lét, có lý nào ngọn đèn dầu dám vượt sáng hơn.
Thế là tôi đề nghị họ ở chung với chúng tôi, mọi người đều hoan hỉ, nhất là ông Văn. Nhìn cái mặt ông ấy hí hửng mà phát ghét. Có người đàn bà nào nhìn mặt chồng mà buồn nôn không ? Chắc có chứ, tôi đâu phải là quái thai. Nếu tôi có như thế cũng không phải là lỗi ở tôi, xem người ta như đôi dép rách, đến một độ chịu đựng nào thôi, sau đó thì con chó mà đạp nó thì nó cắn cho là đáng đời. Mất vợ ráng chịu, thời đại này mà con xem người đàn bà là một vật, một món đồ nữa sao. Thảo nào mấy cô gái Việt có ăn học cũng đi tìm bạn ở các phương trời xa. Nhưng tôi không đổ thùng nước bẩn trong chậu tắm mà hắt luôn cả đứa bé đâu, trai Việt Nam còn có những người như Sung để cột chân gái Việt Nam…
Sung với Mai có vẻ rất tương đắc, tôi cố nén một tiếng thở dài mỗi khi nghĩ đến, hoặc bắt gặp một nụ cười, một cái nhìn họ dành cho nhau. Không sao, tôi sẽ cố gắng, tôi sẽ xem Mai như em gái, luân lý bảo thế, xã hội bảo thế, ông Khổng Tử bảo thế. Hừ, luân lý, đạo đức, toàn một thứ gỗ mục, còn chờ gì mà chưa sa thải đi. Tôi tưởng tượng đến cái nhìn nghiêm khắc của Sung sẽ đặt vào tôi, sẽ phê bình sao dám phi lễ, sao không đoan trang. Ông Khổng Tử ơi, nếu ông có sống dậy thì ông nên che mặt lại mỗi khi ra đường, hoặc là bỏ tiền ra mua hết tất cả các sách vở để viết lại, sửa đổi cho hợp với thời đại này… Sung sướng thay những con chim, con bướm, con hưu, con nai, chúng nó muốn làm gì thì làm, có phi lễ với nhau đến thế nào chăng nữa cũng chẳng sợ ai phê bình dè bỉu, khiển trách.
Mai ăn mặc thế nào trông cũng xấu, khách quan mà nhận định là thế, hình như cô nàng biết mình xấu nên vờ tạo thêm cho mình cái tác phong bất cần đời. Trái lại Văn của mấy hôm nay không còn là Văn của ngày trước, chẳng biết ông ta học đâu cái vẻ cuồng nhiệt yêu đời như vậy, ban đêm anh chàng lại còn đam mê hơn. Tôi chịu không thể nào hiểu nổi, không lẽ cái thân hình "cá khô sặc" ấy mà lại gợi hứng cho ông ta đến thế sao ? Thế thì chẳng hóa ra bao nhiêu sự tìm tòi trong nghệ thuật yêu đương từ cổ chí kim đều sai lệch cả ? Không cần, miễn Sung không thay đổi với tôi là đủ, lúc nào cũng dễ thương, âu yếm, đón ý chiều chuộng. Sự yêu chiều của Sung dẫn người đàn bà đến một cái mức độ ngà ngà say mà không dám nghĩ đến sự đòi hỏi xa xôi hơn. Uống rưọu đi rồi biết, sao tôi táo bạo quá vậy, chết thật !
Hai người ở hai gian phòng cạnh nhau nhưng không có cửa đi thông qua phòng nhau, muốn qua phòng nhau phải đi qua phòng tôi, như thế là tôi có thể kiểm soát được tất cả những hành động của họ. Nhưng sao lại kiểm soát, họ là người lớn, họ có quyền định đoạt cuộc đời của họ, can hệ gì đến tôi… Mà sao lại không can hệ, sao lại phải tự dối mình ngay cả trong những ý nghĩ riêng biệt… Nếu tôi là mẹ chồng, tôi không bao giờ công nhận cái thứ con dâu ấy, chưa gì đã thấy bừa bãi, đời bây giờ đâu có dễ nuôi người làm. Lấy cái thứ vợ đó về chắc phải nấu cơm cho bà ăn, giặt quần áo cho bà mặc, và nếu cần, chắc phải sinh con hộ cho bà nữa là khác. Cô ta bừa bãi một cách ghê sợ, góc nào cũng thấy quần áo, góc nào cũng thấy các thứ giẻ chùi tay, khung màu… Nói đến thì ông Văn bênh chầm chập bảo nghệ sĩ, chẳng hóa ra nghệ sĩ đồng nghĩa với chữ dơ dáy bẩn thỉu sao. Tôi chịu, không thể nào hiểu nổi.
Sáng hôm nay Sung gõ cửa sang phòng tôi nhờ giặt mớ quần áo, tôi sung sướng giang tay đón nhận những cái quần áo bẩn ấy, phải nói đó là một thứ bẩn thơm tho mà chỉ có người yêu nhau chấp nhận hoặc là người mẹ chấp nhận ở đứa con do mình tạo ra. Như thế tức là Sung vẫn còn cần đến tôi, không hắt bỏ tôi ra ngoài như hắt cốc nước uống thừa. Đây là một điểm may mắn, nếu Sung gặp cái loại đàn bà đảm đang, chỉ lo ôm lấy cái công việc hầu hạ chồng, cho đó là lẽ sống của cuộc đời thì Sung đâu có cần nhờ vả gì đến tôi nữa, và con chị dâu này, rồi đành phải chấp nhận cái mà xã hội ép buộc phải chấp nhận.
Vừa ăn xong buông đũa là cô ta sang phòng vẽ, không hề ngó ngàng đến chén bát, cái chăn ngủ dậy cũng không thèm gấp lại cho ngay ngắn. Tôi phải lấy giấy ny lông bọc lại bộ ghế xa lông chứ với chiếc áo bẩn của cô ta mà ngồi thì chẳng mấy chốc là phải vứt đi. Người đàn bà chỉ sung sướng ở cái địa vị đàn bà của mình, có một khoảng thời gian trong mỗi ngày, khác biệt với đàn ông có điểm ấy, thế mà cô ta không biết tận hưởng. Đàn ông sáng ngày dậy phải lo sửa soạn đi làm. Đàn bà đợi chồng ra khỏi nhà để được vào phòng tắm trang điểm, trau chuốc cái thân thể, cái nhan sắc. Để rồi lúc ra phòng ngoài còn nghe vang mùi thơm toát ra từ trong thân thể, trong da thịt của mình. Chọn một mầu áo hợp với mầu trời, với mầu hoa trong lọ. Sống như thế sao gọi là biết sống, cô này số vất vả, cái tướng hấp tấp vội vàng còn gian nan nhiều đấy con ạ.
Mấy ngày qua rồi nhỉ, một tuần chăng, sao thời gian qua nhanh đến thế. Ban đầu tôi tưởng khó thở, nhưng bây giờ thấy cũng không đến nỗi nào. Cô ta chỉ chúi đầu vào mấy bức tranh,, sau những buổi ăn thì ngồi nói chuyện chung, ông Văn nhất định đánh đeo theo mà hỏi han, làm cho Sung và cô ta chẳng mấy khi có dịp đi riêng. Càng hay chứ sao, con người ấy mà cũng có khi được việc. Những bức tranh mà mọi người lùi ra lùi vào nheo mắt nheo mũi để ngắm, tôi chẳng thấy nó nghĩa lý gì cả. Nghe đâu trong số tranh có bức Trúc Lâu là của Sung, chú em tôi dám bỏ ra một lần bốn chục nghìn để mua. Đàn ông thật dại, thời buổi nầy đồng tiền phải đi dạy học đến ho đến thổ huyết ra mới kiếm được bốn chục nghìn, thế mà dám bỏ tiền ra mua một bức tranh. Biết ngày mai ra sao, Cộng Sản nó mà kéo vào thì đến cái thân xác chạy cũng không kịp chứ lại tranh với chẳng tranh. Tôi vẫn cho Sung là khôn ngoan nhất, nhưng đàn ông, thì ra có khôn mấy cũng chẳng lại đàn bà.
Mai ở nhà làm việc, Sung đi chợ với tôi, hệt như ngày xưa, chúng tôi đi cạnh nhau. Thỉnh thoảng Sung đi sát vào tôi, không biết vô tình hay cố ý, qua đường Sung nắm tay tôi. Giá con đường từ nhà tới chợ có rất nhiểu chặng đèn đỏ đèn xanh để chúng tôi phải băng qua một cách vội vàng như thế mãi. Để Sung phải giữ lấy tay tôi, khi người ta nắm tay nhau tức là người ta muốn bảo vệ cho nhau, tức là người ta có thương yêu nhau. Sung theo tôi đi len lỏi vào tận chợ, nhìn tôi mua bán bằng đôi mắt âu yếm, tôi dùng chữ âu yếm này không biết có chủ quan chăng ? Nhưng tôi cứ dùng thì đã sao ? Sung thích ăn bún chả, tôi phải mua về làm lấy mới ngon, gọi mấy gánh hàng rong và họ làm với những thứ thịt rẻ tiền, họ ướp bằng thứ nước mắm thường, không bao giờ ngon bằng nhà làm. Nhất là khi người ta yêu, làm với hình ảnh người yêu hào quang trong tâm tư. Nghĩ đến lúc dọn lên, lúc người yêu đưa lên miệng… Chỉ thế thôi là đủ an ủi cho cả một ngày.
Tôi muốn mua hoa về chưng nhà nhưng Sung dành đi mua lấy, nhà độ này đầy cả phong lan, không biết hai anh em dở chứng thế nào mà mạnh anh nào anh nấy đi khiêng phong lan về. Hoa phong lan là thứ hoa người xưa treo trong phòng đẻ của các bà để dục cho cái thai chóng ra. Như thế tức là ô uế phàm tục. Tôi chỉ thích hoa hồng hay hoa huệ, những thứ hoa trang trọng người ta dâng Chúa dâng Phật. Hoa Phong Lan là thứ hoa gửi, hoa man rợ, chỉ hợp với tâm hồn các cô gái núi. Tôi là con đẻ của đô thị, của phấn son lụa là, tôi không thể nào trốn bỏ cái tính chất đô thị của tôi, mà sao lại phải trốn. Sung đón ý tôi nên đã mua cho tôi một bó hồng thật lớn, thứ hồng dài cuống, cánh hoa hệt như hoa nhung :
- Biết chị Thu thích hồng nên mua luôn cả bó cho chị Thu vui.
Người đàn bà nào được tặng hoa mà không run rẩy, không muốn ghì sát vào ngực cho cánh hoa chà xát lên da thịt mình. Mùi thơm của hoa làm tôi nghe rạo rực, cơ thể muốn đòi hỏi một sự gì khác nữa. Một sự gì cụ thể hơn, thiết thực hơn. Xác thịt ơi, bộ mi muốn phi lễ chăng ? Đâu có được. Còn cái hàng rào luân lý đó bỏ cho ai. Làm sao mà đốt nó đi, xé nó ra, băm nghiền nát nó đi cho mi được thỏa mãn… Chúng tôi đi cạnh nhau hệt như một đôi tình nhân chưa vượt vòng lễ giáo. Tôi thầm cám ơn khoa học và tất cả các thứ mỹ phẩm son phấn, các vị kỹ sư chuyên môn nghiên cứu các thứ dụng cụ để giúp người đàn bà giữ gìn nhan sắc. Ra đường đố ai biết tôi hơn Sung mấy tuổi. Trông Sung đạo mạo như một người anh lớn và tôi như một cô em gái bé bỏng cần được sự che chở. Trời không cho tôi được hưởng những gì tôi mơ ước, thì tôi phải tự tạo lấy cho tôi một lâu đài hạnh phúc riêng biệt. Tôi sung sướng khi được cầm chiếc áo sơ mi hoặc bộ áo ngủ của Sung nhúng dần vào chậu nước ấm. Cũng là một công việc mà sao không bao giờ tôi có cái cảm giác mơn man như thế khi tôi nhúng quần áo của Văn. Văn là một thứ mây đen, mỗi đêm tôi phải sang phòng Văn, làm cái bổn phận bẩn thỉu. Tình yêu, nhất là sự phối hợp thể xác mà không có sự hào hứng thì quả thật là bẩn thỉu. Tôi có cảm tưởng rằng tôi đang phản bội những lúc ấy, mà không biết phản bội ai ?
Thì ra vì cô họa sĩ thích phong lan mà cả hai thằng đàn ông đều vác giò lên vai chạy cuống chạy cuồng để đi kiếm cho đủ thứ. Tiền làm đổ mồ hôi mà cứ y như là tiền ốc tiền sò ngày trước. Sung vừa vác về một gốc phong lan hoa dài buông rũ xuống, làm như Sung sợ Mai ghen vì Sung mua hoa hồng hôm qua cho tôi. Sung không cho tôi sung sướng được trọn vẹn. Có những tình ý mà người đàn ông dầu thông minh mấy cũng không bằng người đàn bà. Sung có biết là Sung làm cho tôi buồn không ? Tôi cũng chẳng muốn đè nén, mặc cho cơn buồn dâng lên tự do. Sao Mai lại may mắn thế, không đẹp, xấu như mán như mọi, không có lấy một nét nào đáng gọi là dịu dàng hấp dẫn, thế mà bắt được cả hai anh em làm mọi cho mình. Hay là kiếp trước hai anh em nhà này có nợ nần gì với cô ta chăng, chỉ có một lời giải ấy là nghe xuôi thuận. Đã vậy mà họ lại còn như kiêu hãnh sung sướng được cô ta chấp nhận cho phép được phục dịch hầu hạ. Ngay cả đến nô lệ thật thụ, người ta bỏ tiền ra mua, nó cũng còn đòi đập phá, đòi tự do. Đằng này không, cả anh cả em đều như ăn phải bùa phải bả. Hay là cô ta có bùa chăng ? Chắc thế, để hôm nào chờ cô ta đi vắng tôi vào thử lục lọi trong phòng một buổi xem sao. Cô bé thế mà đáo để, nuôi ngải nuôi bùa mà khi nó bỏ nó đi là chết đấy con ạ.
Nhưng nói vậy chứ tôi không chắc, tôi buồn đâm ra nghĩ quẩn nghĩ quanh. Thương cho tôi, mang tiếng là hoa khôi, là trẻ, là xinh, mà trong tâm hồn không bao giờ dứt bỏ được những ý nghĩa quạnh hiu. Ngày chồng tôi mang trầu cau đến hỏi, ai cũng khen là tốt phúc .Mẹ tôi mừng rỡ đi Lăng Ông, đi đền đi chùa cúng tạ, hình như mẹ tôi có vái cầu cho con gái kiếm được tấm chồng cho rạng rỡ, thì đấy, bà luật sư, thứ luật sư ở bên Pháp về chứ không phải thứ luật sư nội hóa, "lô-can". Mẹ tôi cứ sợ cái nhan sắc làm cho nhiều người chạy theo để rồi chẳng ai dám rước Thật là thủ cựu, tội nghiệp. Không bằng một cô gái xấu xí khoác cái danh nghệ sĩ hão, nếu mẹ tôi biết….
(còn tiếp)