Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

2 Pages12>
Minh Đức Hòai Trinh
tienmacdoa
#1 Posted : Wednesday, October 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0



Tác giả vtmn
Gởi: Thu Jul 22, 2004 2:45 pm
Tiêu đề: Minh Đức Hòai Trinh

Các bút hiệu khác: Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử.

Tên thật Võ Thị Hoài Trinh. MDHT sinh ngày 15 tháng 10 năm 1930 tại Huế.

Sống ở Pháp từ năm 1953 đến 1964. Đến định cư tại quận Cam, Hoa Kỳ từ năm 1982.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

Lang Thang (1960)
Thư Sinh (1962)
Bơ Vơ (1964)
Hắn (1964)
Mơ (1964)
Thiên Nga (1965)
Hai Gốc Cây (1966)
Sám Hối (1967)
Tử Địa (1973)
Trà Thất (1974)
Bài Thơ Cho Ai (1974)
Dòng Mưa Trích Lịch (Thanh Long Bruxelles, 1976)
Bài Thơ Cho Quê Hương (Nguyễn Quang Paris 1976)
This Side The Other Side (Occidental Press USA 1980)
Bên Ni Bên Tê (truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985)
Niệm Thư 1 (tái bản 1987)
Biển Nghiệp (Nguyễn Quang USA, 1990)

Phố Mây
#2 Posted : Monday, February 21, 2005 12:22:40 AM(UTC)
Phố Mây

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 7
Points: 0



Cán Bút Lông Thỏ Mang Tên Tử Hào

Minh Đức Hòai Trinh



Tất cả những người cầm bút, từ bút sắt bút chì bút bíc, đến máy chữ, máy điện tử, ... hẳn không còn mấy ai biết, hay nghe, thấy hoặc từng được xử dụng cây bút lông mang tên Tử Hào.

Tử Hào, tử là màu tím. Chỉ chọn lông màu tím trên lưng một loại thỏ rừng ở một địa phương nào đó, một quãng thời gian nào đó.

Nói kỹ, để cùng nhận thấy cái giá trị, cái hiếm hoi, quí giá của một cây bút Tử Hào: Tử Hào là thứ lông tím mọc lơ thơ trên lưng giống thỏ, làm bút viết rất tốt nên giá tiền rất đắt, không phải ai mua cũng được. Chế được một cây bút Tử Hào rất công phu. Trước hết phải tìm bắt những con thỏ rừng về lột da lấy lông, mỗi con chỉ có mươi sợi ở ngay trên sống lưng là mang màu tím, vừa cứng vừa nhọn, đủ sức chịu đựng. Lại còn phải đợi vào dịp trung thu, lông mới đúng độ. Đầu thu trời còn nóng, còn chịu ảnh hưởng của mặt trời mùa hạ. Cuối thu trời bắt đầu chuyển lạnh, lông rụng bớt để thay lứa lông mới cho đủ ấm thân thỏ.

Nhà thơ Bạch Cư Dị đã ca tụng cây bút Tử Hào:
Tiêm như truy, hề lợi như đao
có nghĩa là ngọn như cái chùy, sắc bén như lưỡi dao.

Trên một bộ da thỏ mà chỉ có mấy sợi lông ở bối tích bộ phận là được dùng làm bút. Những sợi lông này nếu có màu tím đậm thì gọi là tử hào, nếu chỉ tím ở ngọn mà trắng ở thân thì gọi là hoa hào. Tuy thế dù tử hào hay hoa hào thì gốc sợi lông vẫn cùng một màu trắng và rất yếu. Vì sự hiếm hoi của lông thỏ tử hào nên người ta phải pha với lông dê, hoặc 3 phần lông thỏ 7 phần lông dê, hoặc 5 phần này 5 phần kia. Thế mà vẫn phải cần đến 10 bộ lông thỏ mới hoàn tất được một cây bút Tử Hào.

Muốn có một cây bút toàn tử hào không phải dễ. Lông tử hào dài hơn lông thường nên nổi rõ hẳn trên một tấm da thỏ rừng. Người Trung Hoa xưa đã nhập cảng loại thỏ trắng về nuôi để lấy lông nhưng không dùng được vì lông nó vừa yếu vừa ngắn, không thích hợp trong việc chế bút. Chỉ có những con thỏ rừng tạp sắc mới cho được những sợi lông tử hào. Sự khác nhau của các sợi lông thỏ này là do nơi cư trú của thỏ cũng như ở thời gian, thời tiết thu hoạch lông thỏ ...

Bà Vệ phu nhân đời Tấn, trong bài Bút trận đồ có câu: "Bút cần phải lấy lông của lũ thỏ rừng sống trên núi cao, vào lối tháng 8 hoặc tháng 9".

Vương Hy Chi, một người viết chữ đẹp nổi danh là Thư Thánh, học trò của Vệ phu nhân, trong tập Bút kinh , lại nói đến những sợi lông thỏ ở vùng bình nguyên nước Triệu. Thỏ sinh sống ở vùng không có tạp thảo này, nhờ được ăn cỏ mịn nên béo phì, lông dài và sắc.

Qua hai đoạn văn trên , chúng ta thấy Vệ phu nhân và Vương Hy Chi là hai thầy trò mà khác ý nhau. Vệ phu nhân chọn loại thỏ rừng ở trên núi cao, trong khi học trò lại cho giống thỏ ở bình nguyên, ăn thứ cỏ non mịn, mập phì nên nhờ đó mới có những sợi lông dài và cứng, sắc. Vệ phu nhân nói vặt lông thỏ vào tháng 8, tháng 9. Vương Hy Chi nói rõ hơn, mùa hạ lông còn non, cuối thu lông rụng, chỉ có tháng 8 sức nóng lạnh đều hòa, lúc này lông thỏ mới trung dung.

Thiên bút phú cho biết thêm: Vì văn tự mới sinh ra cụm lông ở loại thỏ rừng. Chúng tính khôn, hay lo sợ, thân thể mềm dẻo, chạy rất nhanh, gọi là giảo thố, nên bắt vào mùa đông.

Thỏ rừng sống ở vùng núi cao, so với vùng bình nguyên thì loại thỏ này cho thứ tử mao tốt hơn. Ở vùng rừng núi, thời thiết lạnh, lông phải dày để chịu nổi mùa đông, lúc này vặt lông chế bút là lý tưởng nhất.

Ngoài ra còn vấn đề địa dư. Thỏ phương nam và thỏ phương bắc đều có những ưu khuyết đie°? m khác nhau. Thỏ phương nam lông mềm, ngắn; trong khi thỏ phương bắc lông cứng và dài. Do đó lông thỏ phương bắc được chuộng hơn, đặc biệt là giống thỏ ở Tuyên Thành.

Ngày nay với ni-lông, người ta cũng chế được những cây bút lông sắc sảo, nhưng bút Tử Hào vẫn có giá và vẫn được quí trọng hơn.

Bút Tử Hào quí thì quí thật, nhưng chắc chắn chẳng có nhà sư nào dám dùng bút Tử Hào, một sản phẩm do sát sinh mang lại, để chép kinh. Nếu phải ra nghĩa trang để quán cái vô thường của cuộc đời trên những mớ xương trắng nổi trên mặt đất, thì với một cây bút Tử Hào trên tay, ta cũng quán được cái phi nhân, phi đạo của người dùng, cũng như của người sống bằng nghề giết thỏ lấy lông.

Nói lên điều đó, người viết mong quí độc giả biết mà dè đặt khi chọn nghề hay đi mua sắm đồ dùng.

Minh Đức Hòai Trinh
Trích Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại 1998, Trong Cơn Vật Vã
Phố Mây
#3 Posted : Monday, February 21, 2005 12:35:37 AM(UTC)
Phố Mây

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 7
Points: 0

Bên Ni, Bên Tê (trích)


................
- Bụi dậy chưa? Gà gáy từ khi hồi tới chừ mấy lần rồi đó, nghe không hay là điếc?

Giọng người mẹ nằm ở bên góc nhà nói vọng sang, cố ý bắt đứa con gái phải nghe, phải thức giấc, dầu biết hắn còn muốn ngủ. Không được, ngủ như thế là nhiều lắm rồi, nhà nghèo, hoàn cảnh không cho phép.
Có con để mà nhờ cậy, mà sai bảo, đó là quan niệm chung của nhà nghèo, con cái là cái vốn của mình. Tất cả mọi người đều nghĩ như thế, phải như thế mới đúng cương thường đạo lý, như thế là báo hiếu, mình đã báo hiếu cho cha mẹ thì bây giờ con cái cũng phải báo hiếu lại, có thế thôi, chẳng nên thay đổi.
Gọi xong, người mẹ yên tâm nằm chờ đợi, đợi nghe cái giường tre lên tiếng cót két. Tấm thân tròn, lẳn chắc ấy mà trở mình, bẻ xương sống thì cái giường cũng rên rỉ theo. Không phải thứ âm thanh vật chất của lọai giường Hồng Kông sang trọng, của những kẻ ăn chơi, mà là tiếng kêu của cái giường tre long mộng, gáy vạc, vứt ra đường cũng chẳng ai thèm nhặt về. Thêm vào cái thân hình vật voi của đứa con gái mười bảy, và cái thói quen đài các, trăn qua trở lại mấy chục lần rồi mới chịu ngồi dậy. Người ta dậy là vùng dậy, con gái mụ không thể, người mẹ biết cái tính xấu ấy của con gái mình nên sáng nào cũng phải thức để canh chừng. Lạ nhất là cái giường ấy vẫn chưa chịu gẫy.



Chờ mãi chẳng nghe tiếng giường kêu, người mẹ lên giọng gọi to hơn ban nãy.



- Bụi!



- Chi mạ ....



- Dậy chưa? Hay không tề!!!



- Dạ ....



Giọng người mẹ vượt hẳn tầm không gian của một ngôi nhà nhỏ bé, bốn bức tường đất, với hai tấm mái tranh che đơn sơ ở bên trên . Buổi sáng mờ hơi sương, chưa một âm thanh nào thức giấc để phá rối sự yên tĩnh. Giọng quát của người mẹ làm Bụi giật mình, hết dám ngủ gắng. Đứa con gái lên tiếng phân trần, nhà nghèo chỉ hơn đuợc nhà giàu ở cái điểm dân chủ ấy. Con nói với cha mẹ không phải e dè, thưa bẩm, như trong các gia đình quan liêu trưởng giả. Hẳn vì nhờ ở sự phân công rõ rệt, lớn bé đều có bổn phận của mình, chẳng ai ăn bám vào ai một cách tuyệt đối, ngoại trừ những đứa trẻ con, còn cần sự bồng ẳm.



- Còn sớm, con gà bên nớ khi mô cũng gáy trước nhà người ta. Không biết hắn ăn nhằm cái chi, bữa mô tui bắt, tui móc họng hắn ra coi thử .... dễ ghét!



- Bộ ngủ cả đêm chưa chán răng mà nói còn cãi, con gái lớn rồi mà hư ...



- Cả đêm mô mà cả đêm, khi hôm xay lúa cho ông Quản tới khuya.



Bụi bực mình giải thích rồi trở mình ra phiá song cửa, nhìn kỹ xem bên ngoài có thật là trrời sáng chưa, hay lỗi tại con gà gáy vội.



Tuy mấy tấm liếp đã được hạ xuống gài kỹ bằng một cái đòn tre, xỏ qua hai vòng thép cho gió sương khỏi hắt vào nhà, nhưng hai bên liếp có khe hở rộng, đủ chào đón cả ánh sáng lẫn gió sương. Mùa đông vẫn đủ chào đón cả ánh sáng lẫn gió sương. Mùa đông vẫn đủ lùa vào những làn gió lạnh, và mùa hè, những tia nắng chói của mặt trời.



Bên ngoài mờ mờ. Chưa biết rõ đó là ánh sáng gì, nhưng tính bướng bỉnh, Bụi vẫn nhất định cho đó là ánh sáng trăng. Đứa con gái lẩm nhẩm tính xem trăng đêm hôm hôm qua mọc hồi mấy giờ.



Mười tám nám bếp trấu



Mười chín nín hông xôi



Hai mươi tuất rốt



Hăm mốt nửa đêm ...



Tuất rốt là cuối giờ tuất, rõ ràng, lúc ấy Bụi chưa sàng xong thúng lúa cuối. Tắt đèn đi ngủ mà ánh trăng mới ở dưới thân tre, chưa qua khỏi ngọn. Giờ nớ mà trăng chưa qua khỏi ngọn thì chừ trăng đứng ngay giữa trời, sáng bừng là phải. Con gà ngủ no mắt thức dậy, thấy trời sáng là gáy, có biết ngày giờ chi.



Như thế thì Bụi còn có quyền nằm thêm một lúc nữa. Nhưng, trót tận dụng tất cả trí óc để tự bào chữa nên đứa con gái hết thấy buồn ngủ, mắt không còn cay nữa, hay là trời sáng thật rồi cũng nên.



Nhưng không buồn ngủ là một chuyện. Ở đời có gì sung sướng hơn là buổi sáng thức giấc rồi mà vẫn còn được nằm nán lại trên giường, nằm cho đến bao giờ hết thèm, giống như cuộc sống của các cô gái nhà giàu.



Đây là một trong những tật xấu của Bụi, mụ thợ nề biết từ khi hắn mới lên ba lên bốn tuổi, mụ cho đó là cái bệnh tiểu thư đài các, không thể có trong một gia đình nhà nghèo. Mụ cố sức hò hét la rầy cho đứa con gái phải chưà đi, nhưng trái lại, càng nghe mẹ bảo đây là cái bệnh của các cô tiểu thư, Bụi lại càng thích thú. Giá được sinh vào một gia đình quan sang thật sự để đuợc mọi người gọi mình bằng tiểu thư, chắc Bụi sẽ mãn nguyện, chẳng cầu mong gì hơn. Mụ thợ nề không cần phải chửi mắng, Bụi cũng biết rõ cái thân phận của mình, đã là con nhà thợ nề mà lại mồ côi, phải tự nuôi lấy thân, nuôi thêm cả mấy đứa em chứ không đuợc sống bằng số tiền trộn hồ xây gạch, mồ hôi nước mắt của người cha mỗi ngày.



Sáng nào cũng giống nhau, từ độ biết khôn, trên giường bước xuống là nghe tiếng ủn ỉn của lũ lợn đòi rong đòi cám. Vưà kêu vưà cựa quậy đào bới, làm xông lên nồng nặc mùi phân của chúng từ trong chuồng bay ra.



Để phụ họa với lũ heo, còn tiếng khóc lè nhè của thằng cu nhỏ và tiếng ngáp dài, ngáp ngắn, chờ ăn của mấy đứa lớn.



Bằm xong, xắt chuối, nấu ăn, giặt rửa quét dọn, vớt bèo, gánh nước, có ai gọi công thì đi cấy, đi gặt, hoặc tát cá, ngoài ra còn xay lúa, giã gạo thuê, để lấy chỗ cám rẻ về cho lũ lợn.



Công việc quanh quẩn của Bụi chỉ có thế mà không bao giờ xong. Ngày quá ngắn và đêm cũng quá ngắn đối với đứa con gái ấy ...



Gia đình ngày nay gồm có một người mẹ với năm đứa con, nhưng bốn đứa em nhỏ chỉ là bốn miệng ăn vô ích. Chưa đứa nào làm ra tiền, sự góp công của chúng nó chỉ đỡ đần tí chút, rửa chậu bát, quét cái sân, chứ những tờ giấy bạc, hay những đồng tiền kiếm được vẫn chỉ là do sức lực của Bụi và của người mẹ.



Đứa con gái nào ở hoàn cảnh Bụi, vào tuổi Bụi mà không có lúc chán nản, không mong chờ một sự thay đổi, mặc dầu chẳng biết để làm sao thay đổi được.



Cuộc sống tiểu thư của Bụi thường mang máng hình dung ra đây, là hình ảnh cuộc sống của hai cô gái nhà ông quận trưởng, lộng lẫn, xinh đẹp, ngồi trong chiếc xe màu vàng có tài xế lái. Mỗi khi xe chạy vụt qua làng, ngang trên đường cái quan mà Bụi trông thấy, là dẫu đang gánh nặng đến mấy cũng đứng ngẩn ra nhìn theo cho đến khi bóng xe vùn vụt, mịt mù, để lại đằng sau những lớp khói bụi tung trời.



Bụi chỉ còn một cách là tự tạo cho mình cái vai trò tiểu thư giàu sang ấy vào lúc mới thức giấc. Lúc tâm sự còn chơi vơi, chưa phân biệt đâu là mộng của đêm qua, và đâu là hiện tại, thực tế, lúc công việc hàng ngày chưa đến làm rối lọan đầu óc.



Giờ phút trăn qua trở lại trên giường, hoặc nằm yên lặng mở mắt nhìn mấy cái rui, cái mè, cái đòn tay bị máng nhện phủ chồng chất lên nhau, vẫn là những phút thần tiên nhất. Tha hồ nghĩ vẩn vơ, tha hồ xây mộng, nhà lầu xe hơi, lấy chồng, đám cưới. Giờ phút bổ khỏe nhất trong một ngày. Thiếu đi những giờ phút ấy thì làm sao Bụi có đủ can đảm mà tiếp tục, mà sống. Mẹ có mắng chửi cũng chỉ mất thì giờ, mỏi miệng, long hàm mà thôi.



Đang lơ mơ, Bụi bỗng giật mình vì tiếng chó tru, dài nghe nổi da gà, rởn tóc gáy. Mỗi khi đang đi ngoài đường, nhất là vào lúc chập tối, mà nghe tiếng tru ấy thì chỉ muốn chạy nhanh về nhà, trùm chăn, đóng chặt cửa, nhét tai. Tiếng tru thê thiết của con Mực nhà mụ Lú bán bún, ở cách một con đường mòn, bên tên một khỏang vườn khá rộng, mà nghe tưởng như cách chỉ một lớp dậu thưa.



Bụi định đưa tay lên kéo chiếu trùm kín đầu, nhưng lại thôi, biết rằng mình không có quyền nằm rán nữa. Nằm tới giờ phút này là đã quá lắm.



Lũ gà trong xóm đã thi nhau phành phạch đập cánh, gáy trước, gáy sau, như muốn bắt cả làng phải dậy. Ngay đến con gà của Lý là con Bùng Binh, vốn lười biếng, lúc nào cũng gáy sau mấy con gà khác mà cũng đã lên tiếng. Bụi thường nói đùa, bảo con Bùng Binh cũng lười, cũng bất cần đời giống Lý. Đặt con gà tên Bùng Binh vì xem nó như cái bùng binh, nuôi đến Tết mới bán lấy tiền sắm quần áo. Con gà này cũng vừa hùng dũng cất tiếng gáy thêm một lần nữa, nghe như tiếng còi thúc quân.



Bụi vưà cuộn chiếc chiếu xếp vào góc giường vưà càu nhàu, nhưng tại sao trong lòng Bụi cảm thấy vui vui. Có nhiều lý do làm hắn vui mà hắn không dám nhận, hay là chưa ý thức được rõ rệt.



- Đồ chó bệnh hoạn, chó mắc toi chi mô, đầu thai lầm chỗ chắc, răng mà không giết quách, hóa kiếp cho rồi.



- Nói vô duyên, người ta mang tội sát sinh ....



Mụ thợ nề trả lời giải thích. Cả hai mẹ con và khắp cả xóm đều không ai đồng ý, tin rằng chó hay tru là thứ chó đầu thai lầm kiếp, nên giải thóat cho nó, để nó còn được đi tìm kiếp khác, đúng với phần số của nó. Mụ Lú bán bún lại nghĩ khác, mụ nhất định không giết con Mực, ngay cả sự đem bán rẻ cho nhà bà Bắc lợp nón, hay ăn thịt chó, mụ cũng không chịu. Theo sự hiểu biết, tin tưởng của mụ Lú thì trong các thứ sát sinh, tội nặng nhất là sát trâu, chó và ngựa, ba con vật gần người nhất. Mụ Lú còn tin rằng, sau này khi chết, lúc đi qua cầu, lối vào âm phủ, ai đã từng giết chó, ăn thịt chó, thì sẽ bị lũ chó ấy đứng trên bờ mà sủa cho rơi xuống sông. Bên dưới sông là cả một lũ thuồng luồng đói đang nhe răng chờ mồi. Hết đầu thai kiếp khác.



- Sợ mình mang tội mà bắt cả xóm nổi da gà hoài, tưởng mô rứa thì khỏi mang tội chắc?



Bụi nói cho hả giận chứ sự thực nó cũng chẳng biết tội lỗi là thế nào, và nếu làm tội thì phải chịu những hình phạt gì, ai phạt. Tại cái tính nó nhát lại giàu tưởng tượng, mỗi lần nghe tiếng con chó ấy tru trong đêm khuya là đầu óc nó hình dung ra ngày từng đàn ma quái, từ đâu hiện về, dắt tay nhau đi kiếm chỗ ăn, chỗ ở .



Theo sự tưởng tượng của Bụi, và lũ bạn trong xóm thì nước Việt Nam, đánh nhau từ mấy chục năm nay, tức thị phải có hằng trăm nghìn con ma chết trẻ, chết oan, chết chưa phải số, không có chỗ đầu thai. Nào ma Pháp, ma thuộc điạ cuả Pháp, sau nầy còn ma Đồng Minh, ma Hoa Kỳ, ai chết đâu thì làm ma ở đó. Không sợ sao được, mỗi khi nghĩ đến, đấy là chưa nói đến ma đồng baò ba miền Nam, Trung, Bắc, thêm với ma Mọi, ma Mường, đếm sao cho hết.



Một phần khác, Bụi ghét mụ Lú vì mụ là thứ đạo đức giả. Mở miệng toàn là nói chuyện tu hành, ra chợ có thấy nấm tươi hay thức ăn gì ngon là dành mua cho được để đem vào cúng chùa. Ngày rằm mồng một nào cũng đến chùa lễ bái, thế mà mỗi khi chị em Bụi, hoặc những người nghèo trong xóm có mang gạo đến đổi lấy bún thì nhìn từng hạt gạo, hai mắt như cú vọ, mở trừng trừng coi có con sâu con mọt có sạn sỏi gì trộn thêm vào không. Làm như chỉ nhà nghèo mới biết gian dối. Sao không dám dòm kỹ gạo của nhà bà Cai, bà Chánh thử coi. Đã vậy lại không bao giờ thêm cho một con bún nhỏ. Như thế sao gọi là tu.



Đấy là chưa kể cái tội mỗi lần mụ xả bún, mà gặp hôm thuận gió thì cái mùi hôi chua, hôi nồng như quạt vào mũi từng người, bay tận vào các ngõ ngách buồng the từng nhà, không ghét sao được, nhất là thứ nhà tranh mỏng này.



Bụi thức dậy không phải sợ mẹ hét, con chó Mực tru hay con Bùng Binh gáy, mà vì biết còn nhiều việc làm đang chờ đợi.



Hai bếp lửa kê bằng ba viên gạch sát đất, bếp nào cũng cháy phừng phực, nhờ mấy dúm dăm bào khô vứt vào. Lửa cháy dễ dàng vì mỗi đêm trước khi đi ngủ, Bụi đều không quên đổ vào bếp cả một thúng trấu cho nó ủ lớp than hồng bên dưới. Ngày mai chỉ việc thổi lên là lửa bắt ngọn. Tro và trấu là hai thứ mà Bụi có quyền xa xỉ. Ánh lửa soi sáng chập chờn khắp nhà, gây ấm cúng, thứ ánh sáng dịu mắt, không làm chói chang như ánh đèn của đô thị.



Ánh lửa mỗi lúc một đậm đà hơn, nhờ mấy gộc tre già mà Bụi vưà bỏ vào, tre già là do lũ em đi nhặt nhạnh trong xóm để về nhà đun bếp, công tác của chúng nó quanh quẩn chỉ có thế.



Ngôi nhà vỏn vẹn gồm một căn rộng, ba hàng cột tre chống cho cả hai mái. Bên cạnh là một cái chái nhỏ, bên dưới nuôi heo, ở trên là cái gác, vưà để các thứ nong nia sàng dần, vưà là chỗ ngủ của con Bùng Binh. Trước mặt trái là cái cối xay lúa và cái chày đạp giã gạo. Cả mấy chị em đều lên đứng đạp mỗi khi Bụi có nhiều lúa mang về, nhưng chẳng bao giờ chúng đạp được lâu, rốt cuộc chỉ có mình Bụi và mẹ thay nhau.



Gian giữa là bàn thờ của lão thợ nề, một bát hương bằng đất nung, cắm đầy chân hương mầu đỏ, một vài que không cháy hết, tắt dở chừng, trồi cao hơn những que khác. Đoi chân đèn gỗ, ngày xưa cũng là loại được sơn son thếp vàng, nhưng bây giờ cả hai mầu, son với vàng đều bị thời gian làm phai tróc đi. Chỉ vào những ngày giỗ hoặc ngày ết mới thấy lung linh ánh nến. Ngoài ra, mỗi chiều chỉ có một đốm hương đỏ, tỏa chút khói, nhắc nhở đến người chết mà thôi. Đầu góc nhà, gian bên phải, là chỗ ngủ của người mẹ với thằng cu út, mới hơn hai tuổi. Một bộ ván gỗ, tuy không đáng bao nhiêu tiền, nhưng cùng với cái bàn thờ, là hai vật giá trị nhất trong nhà. Mụ thợ nề chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cầm bán cho ai, vì có mang ra mà cầm hay bán cũng chắc gì ai đã thèm. Bộ ván ngủ nầy sắm từ khi hai vợ chồng mới cưới nhau.



Bụi nằm ở gian trái, xa cách với mọi người. Đứa con gái nào cũng thèm được một chút riêng biệt mà cha mẹ chẳng mấy ai chịu hiểu. Chỗ ngủ của lũ em, còn là chỗ ngồi ăn cơm của cả nhà, nếu không ăn ngoài sân, cũng là chỗ chơi và chỗ học của chúng, những buổi trời mưa nắng.



Nhà lợp mái rạ, tường là đất bùn trộn lẫn với rơm trét dày lên mấy tấm phên tre. Tất cả đều mong manh, nếu xui xẻo có một trận bão lớn thì hẳn ngôi nhà sẽ được cuốn trôi đi trước nhất. May là ngôi nhà đuợc nằm vào một nơi khuất gió.



Bụi cầm chiếc đũa bếp quấy sàn sạt xuống cái chảo cám cho cám khỏi dính chảo, vưà quấy vưà nói chuyện với mẹ, những mẫu chuyện cần thiết, chương trình làm ăn trong ngày.



- Bữa ni bên ông Tổng tát cá, mai mốt tới phiên nhà bà Cai, ao bà Cai rộng, khi mô cũng kêu nhiều công.



Đứa con gái ngừng bặt, bỏ lững ý nghĩ của mình. Nếu cả hai người đàn bà cùng đến thì khỏi lo ăn cả tuần lễ, nhưng sợ ao nhỏ, người ta không mướn. Nếu đến mà người ta từ chối thì một người phải ra về, bẽ bàng! Và Bụi sợ nhất là cái cảm giác bẽ bàng ấy.



- Bữa ni mà đã tát cá rồi à? Răng họ không chờ vài bữa nữa cho cá lớn hơn, tát chi sớm!



- Sớm chi nữa mà sớm, họ nuôi thì ngày mô tháng mô họ biết. Nghe bà Cai nói con mô con nấy to bằng bắp chuối, nửa đêm dậy đi ra sau mà nghe hắn quẫy đuôi bắt giựt mình, không tát thì chờ đến răng chừ mới tát.



- Đi thì đi, mi lo dọn dẹp, kêu mấy đứa dậy cho hắn ăn uống mô vô nấy, để heo đó mạ cho ăn .....







Giọng nguời mẹ có vẻ lơ là, Bụi hơi ngạc nhiên, lệ thường nghe đuợc gọi đdi làm là người đàn bà mừng cuống lên, vồ lấy như kẻ khát nước đường xa gặp giếng trong. Hôm nay sao giọng nói nghe khác thường.



- Hay mạ mắc việc chi thì đừng tới, để tui đi một mình, mai mốt rồi qua nhà bà Cai.



- Nói vô duyên, tuần sau kỵ cha mi rồi đó, không đi thì lấy tiền mô mà cúng. Bà Cai với ông Tổng không tát cá thì mình phải lên cụ Quăng mà xin mượn, chưa chắc đã được.



- Răng lại không được, mình cong lưng ra mà trả tiền lời, mượn chi mà mượn.



- Ờ, thì cũng nói rứa, mà đã chắc chi người ta cho. May là hai nhà có tát cả .... thiệt là mệt, lo hoài không rồi. Một tiếng thở dài, chấm hết câu than. Thì ra vì thế, thảo nào mà mụ thợ nề có vẻ gắt gao với con gái từ khi gà gáy. Bụi lẩm bẩm riêng một mình không muốn cho mẹ nghe. Nó hơi xấu hổ vì đã quên mất, không nhớ đến ngày kỵ cha sắp tới.







Ngày ấy hai năm về trước là ngày đau đớn cho cả gia đình và Bụi cứ tưởng rằng mình sẽ không bao giờ có thể quên được.



- Rứa mà không ai nhắc, mắc nhiều công chuyện quá, nhớ mô cho hết, tội chết ....







Khỏi cần đợi mẹ giục, Bụi đã thuộc tất cả những bổn phận của mình, phải làm việc gì trước khi đi tát cá hoặc cấy thuê nhà khác. Mới có mười bảy tuổi, con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Bụi phải nói là bẻ cả ngà voi chứ không thèm bẻ gãy sừng trâu mà thôi. Tuy không muốn gì những cái công việc nặng nhọc ấy, và câu châm ngôn chưa chắc đã đúng hẳn. Có bao nhiêu đêm trước khi lên giường ngủ, hoă.c những buổi sáng thức giấc nghe chân tay rã rời, mỗi đốt xương, mỗi bắp thịt như muốn giã từ. Đấy là những hôm được người ta gọi xay lúa giã gạo gấp và nhiều. Năm sáu thúng lúa mà chỉ có một mình, từ lúc xay giã đến lúc sàng dần, kể cả sự gánh đi gánh về, đầu làng tới cuối làng giao cho chủ lúa. Có như thế mới khỏi chia công, số cám sẽ đủ nuôi mấy con heo trong tuần lễ, và số tiền công có thể đủ ăn cả nhà trong mấy ngày.



Nồi cám vưà chín, nồi cơm bên kia cũng vưà cạn, Bụi dùng hai miếng mo cau vẫn để sẵn, thay cho miếng giẻ, nhắc nồi cơm xuống, đặt cạnh bếp sau khi đã cời tro nóng ra, rồi bắc nồi nước chè lên bếp. Bên kia là trách cá kho ăn với cơm. Cá kho với xơ mít, không cần cho đường cũng đã chịu, đây là món thường xuyên của cả gia đình. Lâu lắm mới được ăn một bữa thịt, phải chờ ngày tết, hoặc ngày kỵ.....Thế là may lắm rồi. Bên tê, nghe nói có nhiều người không đủ cơm ăn, phải ăn cháo thì sao. Đây là lời an ủi cho cả nhà mà thỉnh thoảng người mẹ nói với các con, nhưng Bụi không bao giờ tin.



Chuối với rong đã băm sẵn từ hôm qua để hôm nay có thể rảnh rang mà đi làm thuê ở ngoài. Hoặc mụ thợ nề, hoặc Lý, có thể mang ra trộn với chỗ cám nấu, đổ vào máng cho lợn là xong.



Lũ em đã thức dậy, chúng nó kéo ra đằng sau chỗ đặt hai cái lu nước, giành nhau cái gáo, múc nước xối vào tay rồi quẹt lên mặt, sau đấy chùi khô bằng một cái khăn vải to mắc trên sợi dây kẽm phơi quần áo.



Phần vệ sinh như thế là xong, đứa nào cũng cảm thấy sạch sẽ và tỉnh táo, quay vào ngồi xúm quanh bếp chờ ăn. Những đôi mắt mở to, nhìn hau háu vào nồi cơm, nồi cá. Giờ nầy, với chúng nó, chỉ có hai thứ ấy là quan trọng.



Con Lý, còn được gọi là Lý lì, vì phải trông em nên khỏi làm việc, ngày nào thằng cu nhỏ biết đi, biết nói, đủ sức tự bảo vệ lấy mình thì con bé cũng sẽ phải gánh một phần trong việc gia đình cho đỡ mẹ, đỡ chị .



- Quý, Trọng, hai đứa làm chi mà ngồi đực ra, không đi lấy chén đũa sắp lên mâm rồi gắp cá dọn a)n.



Nghe lệnh của chị, hai thằng bé nhanh nhẹn đứng lên đi soạn bát đũa lên mâm, cái mâm cũ kỹ mầu mốc, đặt xuống chỗ chúng nó vưà ngủ ban nãy, sau khi đã cuộn vội mấy chiếc chiếu để dồn vào một góc nhà.



Lý đã lên mười ba mà vì có chị nên cái gì cũng giao cho chị, không dự vào những ưu tư của gia đình. Mẹ và chị cứ xem nó là trẻ con. Từ dạo cha chết, nó phải bỏ học, cả nhà đều bận, nó không muốn, nhưng phải nhường cho hai thằng em trai ít tuổi hơn nó đi học. Bụi vẫn thương em, cho rằng vì chúng nó sinh muộn, nên không hưởng đợc sự sung sướng lâu dài như mình trong thời kỳ còn cha.



Lão thợ nề lành nghề nhất quận, người ta kêu đi làm gần, làm xa, ban ngày và có khi cả ban đêm, những công sở cần xây cất gấp. Từ chối không hết việc. Độ ấy trong nhà lại còn thêm thằng Thương, đứa con đầu lòng của hai vợ chồng, ngày chưa bị bên tê bắt đi làm bổn phận công dân.



Trong nhà mà có những hai người đi làm ra tiề, cũng như hai cái máy đúc sự sung túc, thì bảo không sung sướng sao được.



Ngay cả mẹ Bụi cũng nhàn, Bụi thì được cắp sách đi học ở quận, học một buổi còn một buổi thì về nhà bế em. Người mẹ chỉ việc đẻ rồi để đấy, có Bụi và người bà con trông nom, sư, thật thì cứ thả chúng ra cho chúng bò lê la, chiều tối tắm rửa chút ít rồi đặt vào nôi ngủ là xong.



Năm nào mụ thợ nề cũng sản xuất đều đều, nuôi được hay không lại là một chuyện khác. Bụi thường so sánh mẹ với con gà mái, hai bên chẳng khác gì nhau là mấy, nhưng con gà khỏi cho con bú, khỏi giặt tã bẩn. Tiếng cục tác của con gà tuy có ầm ĩ nhưng dầu sao vẫn còn dễ chịu hơn tiếng rền rĩ âm thầm của mụ thợ nề khi bắt đầu lết đến nhà hộ sinh.



Sự sung sướng không kéo dài như lòng mong ước của con người. Bà con trong xóm an ủi, tại kiếp trước, chắc mụ thợ nề có làm nhiều điều tội lỗi, giết người, ăn trộm trâu hoặc đốt nhà của ai đó, nên kiếp này trời không cho hưởng lâu. Nghe nói như thế thì biết thế, nhưng Bụi không thể tưởng tượng ông Trời là một người tốt được. Chắc Trời phải là người đàn ông xấu, ác, chi li và chỉ chuyên đi rình mò từng gia đình, xem nơi nào có ai làm gì sai mà bắt tội.



Bụi không bao giờ quên được những kỷ niệm u ám trong đời. Kỷ niệm thứ nhất là ngày thằng Thương, anh hắn ra đi. Ngày ấy Bụi gần mười lăm tuổi, Thương lên mười tám, mới học xong nghề của cha, sau mấy năm lăn lóc đi làm tiểu công. Tiểu công thì chỉ có đi gánh, đi bưng các thứ vôi, gạch, cát và chờ mấy ông thợ cả có sai bảo gì thì chạy cho nhanh, kể cả những công việc thắp thuốc, pha nước, hoặc ra quán mua bao diêm.



Lão thợ nề không muốn con mình cứ đóng mãi cái vai tiểu công đó, nên chỉ dẫn cho thằng con trai tất cả mọi cách xây cất, đo lường, những bí quyết nhà nghề, kinh nghiệm bản thân. Cả những mưu mô gian dối trong nghề để lúc tính toán, dẫu mình không gian nhưng không ai qua mặt mình được.



Người cha có ý mong cho con sớm ra nghề, sớm kiếm được đồng tiền, cuộc sống sẽ thoải mái hơn. Trong gia đình có những hai tay thợ chính, chẳng mấy hồi mà sẽ cất được ngôi nhà gạch, chứ ai làm thợ nề mấy chục năm mà vẫn cứ chui rúc dưới một mái tranh tồi tàn. Nhà vườn ăn cau sâu, tuy câu ấy mang ra áp dụng vào gia đình này cũng chưa hẳn đã đúng.



Thế mà ông trời lại nghĩ khác, muốn khác. Ông Trời xui ra các đồng chí bên tê về tuyển thêm nhân công, và thêm phu phen để vận tải, khuân vác tiếp tế và những công tác cần thiết khác.



Hôm ấy, Bụi nhớ rõ như mới xảy ra ban nãy, cách năm mười phút trước. Bụi đang ở sau nhà rửa chén bát thì nghe có tiếng con Vàng sủa. Trời vưà chập tối, con chó sủa báo tin có khách đến thăm. Khách nào lại đến vào giờ này, mà tiếng con Vàng nghe cũng khác thường, không dòn dã như mọi khi.



Cánh liếp chưa chống lên thì có hai người, dáng dấp không dõng dạc như ông quận trưởng lúc đi kinh lý. Bụi chùi tay vào áo, lén nấp sau cửa nhìn trộm, nhận thấy sao cha mình lại có vẻ thắc mắc, sợ sệt, tại sao lại quá sợ như vậy?



Trong câu chuyện, Bụi rình nghe đại khái rằng:” Nước nhà đang cần trai thanh niên, khi mô thái bình độc lập đuổi hết lũ giặc đế quốc xâm lược Mỹ thì sẽ được trở về, khi nớ tha hồ mà sung sướng. Chính phủ sẽ tuyên dương công trạng”.



Các ông còn hứa hẹn rất nhiều chuyện, nào là nhà mình mình ở, đường mình mình đi, không chi sung sướng hơn làm dân một nước độc lập, chẳng còn sợ ai bóc lột, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Làm thì có giờ giấc mà hưởng thì rất nhiều vì cái chi cũng được chính phủ lo lắng cho, không có sự bất công, kẻ sang người hèn nữa. Con cái có chính phủ nuôi ....Nhưng trước hết là phải quét sạch cái tụi đế quốc, thực dân. Răng chừ Mỹ ngụy chịu cuốn gói ra đi thì nước mình sẽ rạng rỡ, chen vai thích cánh với các nước xã hội bạn, tha hồ mà no ấm.



Giọng các ông nói thật lưu lóat như kẻ biết ăn ói ngay từ trong bụng mẹ. Người bên tê có khác, chắc ở bên tê ai cũng biết ăn nói như vậy chăng.



- Mà các đồng chí không cho đi cũng không được, vì quốc gia đang cần sự hy sinh, tinh thần xung phong, sức lực của thằng con trai, nợ nước là trai gái chi cũng phải trả.....



Câu sau chót nghe chặt chẽ nghiêm nghị, như sợi dây lạt cuối cùng buộc vào trên mấy cái sườn nhà ...... Lời nói như một bản án tuyên lên, một mệnh lệnh ....



Suốt buổi Bụi chỉ thấy cha gãi đầu, gãi tai dạ dạ, tưởng các đồng chí nói dạm vậy thôi, rồi cũng để cho thư thả vài ba ngày, không ngờ các đồng chí về bắt đi liền, ngay đêm hôm đó. Bụi vẫn còn như đang nghe giọng nói trang trọng của cha hắn, biết không thể trốn tránh đằng nào được, lão thợ nề đành phải cho là các đồng chí nói đúng.



- Dạ, các đồng chí đã cần tới sức lực của hắn để ra giúp nước thì vợ chồng tui mô dám tiếc chi, bởi vì có độc lập mới có giàu sang hạnh phúc ...







Bụi không biết cha hắn đã đọc đâu ra mà thuộc lòng những câu ấy. Ngày thường không hề nghe nói mà hôm nay trước mặt các ông này, lại tuôn ra như cái vòi phun nước, như con chim sáo được người ta bóc lưỡi cho nói. Độc lập hạnh phúc chưa thấy, chỉ thấy thằng con trai học xong nghề, có thể kiếm ra đồng tiền, cả nhà có thể trông cậy vào nó thì bị đưa đi. Gia đình như cái mái nhà xiêu vẹo, vừa đặt được một cái cột để chống đỡ thì có kẻ đến nhổ mất. Hết hy vọng xây nhà xây cửa.



Bụi chỉ nghe được có đến thế, sau đó, thấy đứa con gái thập thò, mụ thợ nề trừng mắt ra hiệu cho hắn đi chỗ khác, chỉ sợ các đồng chí cao hứng bắt luôn. Nuôi một đứa con cho đến tuổi nhờ cậy tốn bao nhiêu mồ hôi nước mắt, các đồng chí cũng có con, chắc các đồng chí phải biết.



Chỉ riêng thằng Thương là cái mặt vênh váo như sắp được mời vào uống trà ăn bánh nhà ông quận trưởng. Ra đi không có một giọt nước mắt thương cha, thương mẹ, thương em. Cái máu bên tê của hắn, chẳng biết thâm nhiễm từ khi mô? Chưa bao giờ nghe hắn nói, lầm lì vậy mà ai ngờ.
.........................

Minh Đức Hoài Trinh

(Trích trong Bên Ni, Bên Tê - NXB Nguyên Quang)
PC gõ lại từ báo Saigon Nhỏ số 644 ra ngày 26 tháng 3 năm 2004




Phượng Các
#4 Posted : Friday, August 19, 2005 9:21:37 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Minh Ðức Hoài Trinh, cuộc đời qua 130 trang giấy


Cô nữ phóng viên chiến trường Minh Ðức Hoài Trinh trong chiến tranh Việt Nam.
(Hình: trích trong cuốn “Văn nghiệp và cuộc đời Minh Ðức Hoài Trinh”)



Westminster (CA) - Một bạn trẻ trong Nhóm Thư Viện VN trên Net tại San Diego vừa trao cho chúng tôi một cuốn sưu khảo về nhà văn Minh Ðức Hoài Trinh do Nguyễn Quang thực hiện.

Sách khổ 10.30x11.30 bìa cứng, dầy 130 trang giấy láng quý gồm nhiều hình ảnh và bài viết của nhiều người về văn nghiệp và cuộc đời của nhà văn Minh Ðức Hoài Trinh mà chúng ta đã biết là Sáng Lập Viên Văn Bút VN Hải Ngoại.

Ðộc giả của nhật báo Người Việt chắc cũng đã từng nhiều lần đọc và biết về Minh Ðức Hoài Trinh, nhưng có lẽ cũng chưa được biết tường tận về nhà văn phái nữ đã từng đóng góp nhiều công sức của mình trên văn đàn báo chí thế giới và văn học Việt Nam. Thì, đây là một cơ hội để chúng ta được biết nhiều hơn về một người viết sách làm báo nặng lòng với đất nước và dân tộc.

Trong một bài viết về nhà văn phái nữ này, nhà văn Sơn Tùng trong Văn Bút VN hải ngoại đã viết rằng: “Tôi thực kinh sợ trước những gì chị đã sống qua, đã làm cho văn học, văn hóa và cho chân lý trong hơn 50 năm vừa qua.”

Quả thật, đọc trong tiểu sử của bà qua những bài viết của nhiều người thì Minh Ðức Hoài Trinh ngay từ khi đất nước thoát khỏi tay thực dân Pháp và quân phiệt Nhật, bà đã tham gia phong trào Giải Phóng Dân Tộc, nhưng đã sớm nhận ra được phong trào ấy đã bị hướng vào cuộc đấu tranh cho một ý thức hệ ngoại lai. Bà đã bỏ sang Pháp để theo học ngành báo chí và sau đó, khi tốt nghiệp vào năm 1967, bà trở thành phóng viên cho Ðài Truyền Hình ORTF của Pháp tại các chiến trường Bắc Phi và chiến trường Việt Nam, Trung Ðông, cũng như được cử theo dõi tiến trình hòa đàm Paris về chiến tranh VN. Năm 1973 bà về nước dạy ngành báo chí tại Ðại Học Vạn Hạnh từ 1974 cho đến khi miền Nam bị CS xâm chiếm.

Nhưng điều mà văn giới cũng như cộng đồng người Việt hải ngoại biết đến nhiều hơn cả là nỗ lực của bà trong việc vận động thành công với tổ chức Văn Bút Quốc Tế thừa nhận Văn Bút VN hải ngoại là thành viên vào năm 1979 để từ đó bà đã vận động dư luận thế giới tranh đấu cho văn giới VN trong nước đang bị chính quyền Cộng Sản giam giữ, triệt hạ.

Bà Julie Sa, cựu Thị Trưởng của thành phố Fullerton, California viết rằng: “Nữ Sĩ Minh Ðức Hoài Trinh đã tranh đấu cho các ký giả và nhà văn bị cầm tù được trả tự do ở Ðại Hội các nhà văn thế giới.”

Ðó là Ðại hội Văn Bút Quốc Tế vào năm 1977 họp ở Sydney, Úc Châu. Trong Ðại Hội này, trong tư cách một thành viên của Văn Bút Pháp, bà đã yêu cầu Văn Bút Quốc Tế đòi hỏi nhà cầm quyền CS Hà Nội phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả các nhà văn, nhà báo và các nhà trí thức miền Nam mà CS đang giam giữ, sau khi CS đã chiếm trọn VN vào năm 1975.

Văn Bút VN hải ngoại từ khi được Văn Bút Quốc Tế thừa nhận là hội viên chính thức đã quy tụ được khá nhiều các nhà văn, nhà báo VN tại hải ngoại. Nhưng việc quy tụ ấy đã phát sinh những tranh chấp nên một thời gian sau đó, Văn Bút Quốc Tế đã phải tạm ngưng vai trò hội viên chính thức của Văn Bút VN hải ngoại. Rất may là với uy tín của mình, Minh Ðức Hoài Trinh một mặt hàn gắn những rạn nứt trong Văn Bút VN hải ngoại, một mặt nỗ lực vận động trở lại với Văn Bút Quốc Tế nên năm 2003, Văn Bút VN hải ngoại đã trở lại vị trí trong tổ chức quốc tế duy nhất còn công nhận một tổ chức trong thể chế VNCH trước 1975.

Nói về văn nghiệp của Minh Ðức Hoài Trinh, người ta được biết ngoài những bài viết trong vai trò phóng viên chiến trường, Minh Ðức Hoài Trinh có đến 25 tác phẩm đã xuất bản. Những cựu chiến binh VNCH chắc nhiều người còn nhớ đến mục “Bức Thư Hậu Phương“trên nhật báo Ðông Phương tại VNCH trước năm 1975 do Minh Ðức Hoài Trinh phụ trách. Trên mục này Minh Ðức Hoài Trinh đã đem tâm tình của mình làm nổi bật được những hy sinh đóng góp của cả một thế hệ thanh niên trước cuộc xâm lăng của Cộng Sản Quốc Tế được ẩn dấu dưới lớp vỏ chiến tranh giải phóng dân tộc mà những người CSVN thừa hành.

Nay với tuổi ngoài 70, nhà văn Minh Ðức Hoài Trinh đã rút về trong “Ngõ Trúc” của mình và không bao giờ có ý định viết “hồi ký” mặc dù cuộc đời của bà đã đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam rất nhiều.(NH)

nguoiviet online
Chôm Chôm
#5 Posted : Saturday, September 24, 2005 9:56:05 AM(UTC)
Chôm Chôm

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 353
Points: 15
Woman

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)

MINH ĐỨC HOÀI TRINH
Và SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI CẦM BÚT


Sơn Tùng

Ngày 17/9/2005, tôi được mời tham dư và nói đôi lời trong buổi lễ ra mắt cuốn “Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh”, tại Hội trường nhật báo Người Việt ở Quân Cam, Nam Cali.

Đây là một buổi ra mắt sách long trọng, không phải chỉ vì ngoài sự có mặt của nhiều văn nghệ sĩ tại nơi được gọi là “Thủ đô của người Việt tị nạn” còn có sự hiện diện của một số nhân vật trong giới quân sự và chính trị VNCH và cả hai ông Tướng Đại Hàn, mà còn vì chính tác phẩm được ra mắt.

Thật vậy, đây là một cuốn sách đồ sộ lộng lẫy về hình thức và rất nặng về nội dung, được viết bằng hai ngôn ngữ Việt – Anh, với đầy ắp hình ảnh in màu của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh sau gần cả một đời đóng góp cho văn học và văn hoá Việt Nam.

Tác giả, hay đúng hơn, soạn giả cuốn sách là Nguyễn Quang, người bạn đời của chị Minh Đức Hoài Trinh, mà tôi đã nói đến trong phần lời tựa với tư cách một người nhuận sắc cho cuốn sách: “Tôi không có nhiều việc phải làm với tập bản thảo, vì đây không phải là một tác phẩm có mục đích thêu hoa dệt gấm cho một cuộc đời trống rỗng. Cuốn sách, với đầy ắp hình ảnh và sự kiện, đã mang giá trị đặc biệt của nó. Ngoài ra, đây còn là một công trình tim óc của soạn giả để dâng hiến cho người bạn đời, một món quà tinh thần thanh cao của tình yêu.”

Và dưới đây là một phần trích trong bài nói của tôi trong buổi lễ ra mắt cuốn “Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh”:

Nói về MĐHT, có một đề tài mà tôi nghĩ rất thích hợp, là “sứ mạng của người cầm bút”. Đây là một đề tài lớn và đã được tranh luận qua nhiều thời đại, nhưng dường như vấn đề vẫn còn y nguyên. Nền văn học thế giới vẫn là hai con đường song song, với một bên là những người chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, và bên kia là những người tin tưởng rằng nghệ thuật phải phục vụ nhân sinh, hay nói cụ thể hơn với một nhà văn, ngòi bút có một sứ mạng.

MĐHT đã chọn con đường thứ hai. Khi chị viết văn, làm thơ, hay khi lặn lội tới nhiều nơi trên đất nước VN và trên thế giới với tư cách là một ký giả, hay khi dạy đàn tranh, cắm hoa, hay làm việc Văn Bút, MĐHT luôn luôn trung thành với một sứ mạng.

Cuốn sách mà quý vị đang có trong tay đã nói lên điều ấy. MĐHT có một lý tưởng, có một niềm tin, một hoài bão, và có một sứ mạng. Trong suốt hơn 50 năm, dù ở trong nước hay ở ngoài nước, dù ở trong lãnh vực nào, chị cũng tận tụy với sứ mạng ấy, bằng tài năng đa dạng, bằng trái tim nhiệt thành, và bằng năng lực phi thường của chị.

Cùng đi trên con đường với chị còn có nhiều người khác. Có những người bị đàn áp, bị tù tội, kể cả bị giết chết, nhưng vẫn không quy hàng bạo lực và không từ bỏ sứ mạng của họ: nói lên sự thật và tuyên dương nhân bản.

Nói đến sự can đảm của những nhà văn VN, tôi muốn nhắc tới nhà văn Nga Alexandr Solzhenitsyn. Ông đã bị lưu đày nhiều năm trong các trại tù gulag ở Liên-Xô vào thập niên 1940 và 1950, và những sáng tác của ông bị cấm lưu hành. Nhưng vài tác phẩm của ông được đưa thoát ra ngoài và được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có hai cuốn nổi tiếng nhất là “Quần đảo Gulag” và “Một ngày trong đời Ivan Denisovich” là những kiệt tác đã phơi bày tội ác của Cộng sản Sô-viết trước mắt thế giới. Do những tác phẩm này, năm 1970 Solzhenitsyn được trao tặng Giải Nobel Văn chương.

Do áp lực quốc tế, nhà nước Cộng sản Sô-viết phải mở bức màn sắt cho Solzhenitsyn đi nhận giải, nhưng đã cấm ông trở về Nga. Khi ấy, Solzhenitsyn nói rằng trong những năm bị lưu đày ông đinh ninh trong cả đời mình, ông sẽ không bao giờ được nhìn thấy một dòng chữ của mình được in trên sách. Thật kinh khủng! Nhưng ông cũng không từ bỏ sứ mạng của nhà văn để tiếp tục viết ra những gì ông chứng kiến và thể nghiệm. Sau khi Cộng sản Sô-viết sụp đổ, ông đã trở về Nga như một con người tự do trong một đất nước tự do.

Nhà xuất bản Vremia ở Nga hiện đang in toàn bộ những tác phẩm của Solzhenitsyn gồm 30 cuốn lần đầu tiên bằng tiếng Nga. Boris Pasternak, tác giả “Doctor Jivago”, người cũng từng bị đàn áp vì ngòi bút và cũng đoạt Giải Nobel văn chương, hiện là Trưởng Ban Biên Tập của NXB Vremia, nói về bộ sách của Solzhenitsyn: “Nước Nga đang trải qua một giai đoạn quyết định cuả lịch sử, và những ai muốn tìm kiếm những dấu mốc sẽ thấy những dấu mốc ấy trong Solzhenitsyn.”

Thưa quý vị. Sở dĩ tôi nhắc đến Solzhenitsyn vì 2 lý do:
- Solzhenitsyn và văn nghiệp cuả ông là một thí dụ sáng chói về sứ mạng của người cầm bút.
- Solzhenitsyn đoạt Giải Nobel văn chương về những tác phẩm chống cộng. Đó cũng là một thí dụ rạng ngời để đánh đổ luận điệu cho rằng văn chương chống cộng là vô giá trị.

Ước mong một ngày nào sẽ có một nhà văn VN đoạt Giải Nobel văn chương với những tác phẩm phơi bày tội ác của cộng sản trên đất nước VN trong hơn nửa thế 20 và vẫn còn tiếp tục trong thế kỷ 21.

Tôi nghĩ rằng đó là sứ mạng lớn nhất của nhà văn VN trong thời đại này, dù ở trong nước hay ở ngoài nước.

Trong tâm thức ấy, tôi xin được tỏ lòng ngưỡng mộ nhà văn MĐHT, nhà thơ MĐHT, nhà báo MĐHT, nữ sĩ MĐHT, đã tận tụy với sứ mạng ấy trong gần suốt cuộc đời của chị. Hôm nay, chị có quyền dừng chân, nghỉ ngơi, và tự hào nhìn lại những đoạn đường đã đi qua.

Tôi cũng xin được ca ngợi anh Nguyễn Quang đã dành nhiều tim óc để thực hiện tập sách này, vì đây không chỉ là món quà thanh khiết của tình yêu mà còn là một tác phẩm quý cho những người nghiên cứu văn học Việt Nam.

Sơn Tùng
lá xếp
#6 Posted : Saturday, March 8, 2008 4:45:26 AM(UTC)
lá xếp

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 34
Points: 0

PHI LỄ

Truyện dài của Minh Đức Hoài Trinh

Những suy tư của VĂN

Vô nghĩa. Ngạt thở. Sống để làm gì và sống cho ai đây ? Tại sao tôi lại là tôi ? Trong đám nhân loại lúc nhúc này tại sao lại có cái thằng tôi chen vào ? Cái thằng tôi tầm thường, không danh vọng, không đặc biệt, không đứng vào trang bìa trên các báo trong nước và ngoài nước. Những đứa kia, chúng nó hơn gì tôi ? Hình thức, nội dung, học vấn, tài cán, chúng nó khác tôi ở chỗ nào ? Có phải ở cái tài nịnh bợ, lừa gạt, phản bội nhanh chóng của chúng chăng ? Làm sao tôi có thể hành động như chúng được ?
Ngày xưa bố mẹ tôi vẫn gào vào tai cái chữ tín, bảo có mất gì thì mất nhưng phải giữ chữ tín, liệu các bậc thánh hiền có cần phải xét lại tất cả những lý thuyết của họ chăng ?
Một vài người quen đã nghiêm khắc lên án rằng tôi mang chứng yếm thế chỉ vì có một cuộc sống quá dễ dãi. Trong khi nước nhà trải qua bao nhiên biến cố tang tóc mà gia đình tôi vẫn trót lọt, không tù đày, không thương tích, không mất mát của cải. Tôi lại được may mắn ra du học ở nước nogài rồi trở về lập gia đình xây dựng sự nghiệp. Nhưng nói làm gì đến hai cái chữ to lớn ấy cho thêm xấu hổ, sự nghiệp đây chỉ là cái chức luật sư bé nhỏ không tham vọng, không hy vọng, chẳng ai tìm đến mà cũng chẳng tìm đến ai. Mà tìm làm gì mới được chứ ?
Các bạn bè ganh với tôi vì tôi có bà vợ đẹp, ai cũng khen đẹp, nhưng người ta có biết rằng sự bắt buộc phải chịu đựng nhau suốt ngày đêm, thì cái đẹp sẽ trở nên ngấy như bát nước béo của anh hàng phở không lành nghề. Thu, vợ tôi, lại không được mười hai bà mụ dạy cho cái thiên chức làm mẹ, chúng tôi vô dụng cho tổ quốc nên không cung cấp nổi một tên binh nhì.
Đứa con là hàng rào kẽm gai, là một sư đoàn để bảo vệ cho cái tiền đồn hạnh phúc. Thiếu cái sư đoàn ấy thì có là Tây Thi cũng phải tàn theo thời gian. Mà đẹp là thế nào, đẹp ở thể xác thì hệt như cái nhan sắc của bông hoa đu đủ đực không ban trái ngọt cho nhân loại, mà chỉ làm mệt mỏi cho thân cây, như thế chưa thể gọi là đẹp.
Tôi không trách Thu, mà chỉ trách cái xã hội ngột ngạt giả trá, cần có một sự đạp đổ, một sự giày xéo lên tất cả những nếp cũ, gọi là nếp cũ đâu có đúng, phải gọi là một cái xã hội hẩu lốn. Âu chẳng ra Âu mà Á thì ôi thôi, phải vào tận trong các hang chuột, thâm sơn cùng cốc may ra…
Tiền bạc đã ngự trị vào lòng người và đã đạp đổ ba ngôi quân, sư, phụ từ thuở nào. Một thứ xã hội gượng ép, trái với ý muốn của thiên nhiên.
Hay tại tôi là đứa con của giao thời, ngày bé mỗi ngày ông nội tôi bắt mài mực đến mỏi tay cho ông chép kinh, ngồi nghe giảng đạo lý đến gục lăn xuống sàn nhà. Roi quất vào mông có lằn ngang lằn dọc, mẹ tôi xuýt xoa mỗi khi mang đi tắm mà không dám than thở, vì ai cũng muốn cho thằng bé sau này "ra gì"… Mà thằng bé chỉ muốn chạy đi rong chơi với lũ bạn cùng tuổi. Đỗ xong Tú Tài cha tôi lại bắt sang Pháp du học cho thằng bé khỏi đi vào chiến khu.
Những kỷ niệm của tuổi trẻ chồng chất lên nhau mà chẳng có kỷ niệm nào giống nhau… Những cánh đồng mênh mông của Hà Nam, Chợ Đại mà mỗi lần đi qua nếu phải chạy bom thì chẳng biết trốn vào đâu. Nơi nào cũng lộ thiên và lão phi công ác nghiệt, thiếu kinh nghiệm ngồi trên cao với cái ống viễn kính có thể nhìn thấy rất rõ. Độ ấy đã làm gì có hỏa tiễn "Sam" để phòng ngự… Để rồi sau đó cái thằng con trai căm thù giặc Pháp đã khăn gói sang Pháp mà ăn học, mà tìm đường mở mang trí thức, tầm hiểu biết… Vườn Trianon vào mùa sang thu lá đỏ, lá vàng, lá nâu, chen chúc nhau tô màu lên không gian, cặp tay cô da trắng dẫm lên lá khô xào xạc nghe cô nói lời yêu đương vào tai bằng thổ ngữ của nước thù…
Mâu thuẫn, sách Nghi Lễ chép rằng có Thất Xuất, tức là bảy lý do để ly dị vợ, mà cái lý do đầu tiên được nêu lên là không có con. Thời buổi này, không con thì vợ chồng ăn xong đưa nhau đến sắp hàng tại phòng mạch mấy ông bác sĩ chuyên khoa đàn bà để đóng tiền cho các ông xài và nghe các ông nói dóc.
Tôi học xong trở về cưới vợ vì trót bị những bài học cũ kỹ của ông nội đã ấn nhét vào đầu. Không dám lấy vợ ngoại quốc sợ bất hiếu, sợ các bà không biết hương khói, sợ phải hầu cà phê tận giường cho bà mỗi sáng, bạn bè dọa như thế. Chúng nó bảo nhau rằng các cô ấy khi bắt được chồng rồi là đổi ngay chiến thuật, không cần phải ngoan nữa, đã có pháp luật bảo vệ cho họ.
Mẹ tôi vui mừng lo đi kén cho được của báu trên trần gian, con trai nhờ đức mẹ, mà cái đức của mẹ tôi chỉ đến thế. Tình yêu chết sau vài năm sống chung, khi hai người không còn gì để kể với nhau nữa, bông hoa đu đủ đực không biết sinh ra trái và sự sống bên nhau đã trở thành một thứ hình phạt có trộn đường. Cả hai đều trở nên lì lợm với nhau. Thu trở thành một cái máy nước đá, cái máy đông lạnh.
Nếu có trời nhỉ, nhưng làm gì có trời, đấy cũng chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng, một số người đã khôn ngoan đặt ra để dọa một số người khác, đứa nào yếu bóng vía thì đầu hàng.
Sao hôm nay tôi điên cuồng thế này ? Nói ra cho ai nghe mà vẫn cứ nói, nhưng thỉnh thoảng con người cũng nên đi nghỉ hè ở nhà thương điên một vài hôm để xả hơi. Vào đấy ta có thể làm bất cứ mọi hành động, nói bất cứ lời lẽ nào, chửi bới van xin, chẳng sợ ai lập biên bản.
Chiến tranh, chiến tranh bao giờ chấm dứt ? Câu hỏi đến là ngu xuẩn. Phải hỏi đến bao giờ loài người quen thuộc với bom súng, với mìn, với lựu đạn, rốc kết… Nhưng đấy là cái thứ loài người ở xứ nào kia chứ xứ Việt Nam này thì quen thuộc lắm rồi. Sinh mạng con người Việt Nam còn kém thua con gà con vịt. Gà vịt chết thì được người ta cho vào nồi nấu, cho vào miệng ăn một cách ngon lành không gớm ghiếc, không bị nôn oẹ. Còn con người thì chẳng ai thèm đến. Tôi nhớ cái hồi tết Mậu Thân ở Huế, các bạn tôi kể lại vì heo ăn thịt người, báo hại làm cho mấy hàng bún bò giò heo bị ế vì người hết muốn ăn. Tết Mậu Thân Đà Lạt bị tấn công, tôi về Sài Gòn.
Nghĩ mà xấu hổ, làm trai thời loạn mà không cầm súng ra trận, nhưng ra trận nào, đứng bên nào khi biết rằng người thù của tôi (sao lại thù chứ ?) không hề quen biết tôi, không hề gặp mặt tôi và nghe nhắc đến tên tôi. Sao lại bắt chúng tôi phải giết nhau, bảo rằng nếu tôi không bắn họ thì họ sẽ bắn tôi ư, ngụy thuyết ! Các anh ơi đừng tin những lời tuyên truyền nhảm nhí của chúng nó ! Nếu để cho mỗi thằng chúng ta ra nói chuyện với nhau, thì chúng ta sẽ mỉm cười làm quen với nhau, sẽ hỏi thăm quê quán của nhau. Anh từ miền nào tới, tôi từ đâu ra đi. Chúng ta sẽ hỏi thăm tin tức gia đình xem ai còn ai mất, sẽ đưa nhau đi thăm những nơi đồng ruộng đã bị bom mìn làm rách nát, những hầm hố cá nhân lỗm chỗm. Chúng ta sẽ thở dài, sẽ khóc, thương cho những anh em đã chết, chúng ta sẽ đi viếng những ngôi nghĩa trang chiến sĩ. Nhìn những cành cây khô cằn lá non lá già đều cong queo mụn nhọt vì hơi bom, hơi thuốc súng. Người trai thời loạn có quyền khóc quê hương đổ vỡ.
Nhưng ai để cho chúng tôi gặp nhau, cho chúng tôi thương nhau, họ sợ mất chỗ ngồi cao quý của mình nếu chúng tôi thương nhau. Họ bắt chúng tôi đóng thuế bằng sự căm thù, không đóng, làm gì nào ?
Trong sách binh thư của Tôn Tử đã nói rằng :"đánh giặc giỏi là bắt đối phương khuất phục mà không phải đánh". Clausewitz cũng nói rằng :"Vị tướng giỏi không muốn đánh giặc mà chỉ muốn vào thành một cách nhẹ nhàng". Chứ cái thứ sẵn người bất đi chết đó thì ai làm không được. Nhưng nói chuyện binh thư với mấy ông nội thời buổi này thì cũng như về nói với cái cột nhà, cái đầu gối, nói cho nôm na hơn nữa…

Những suy tư của THU :

Tôi lại vừa đi khám bác sĩ, ông này nổi tiếng nhất Sài Gòn, đã từng đi nghiên cứu nhiều nơi, chữa cho hằng vạn bà vợ bị bạc đãi vì không có con. Một điểm hy vọng mới, một ánh nắng chiếu vào ngục thất. Ông bác sĩ bảo rằng tôi không có một triệu chứng gì bất thường cả, tôi vẫn có thể sinh đẻ như tất cả mọi người đàn bà khác. Có thể là cả Văn cũng không có lỗi, nhưng tại hai chúng tôi không phải làm ra để cho nhau. Ngày xưa người ta đi cưới vợ bé cho chồng, nhưng đó là vì người đàn bà quá yêu chồng, lo đến sự nối giòng, thời buổi bây giờ không có con thì thôi chứ hơi sức đâu mà đi chuốc nợ.
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện ông vua không có con của xứ ta, mà người miền Trung vẫn thầm thì với nhau. Cả một đường lối chính trị ! Thế mới biết người đàn bà đã đóng một vai quan trọng bí mật hay công khai trong lịch sử mà không ai biết.
"Nếu ngài không có kẻ nối dõi thì tôi sẽ bỏ ngài vào sọt rác, tìm người khác lên thay". May quá trong đám cung tần có những cô thông minh và bạo dạn đã giải quyết hộ cho ngài một cách êm đẹp, ngài chỉ việc công bố lên, ký tên vào tác phẩm của người khác. Chắc ông vua nghĩ đến Tần Thủy Hoàng nên cũng chẳng lấy gì làm buồn.
Bác sĩ bảo tôi có thể đẻ nếu gặp một người đàn ông khác… Ý nghĩ làm tôi ngượng ngùng, trót bị ràng buộc trong cái vòng luân lý lễ giáo cổ lỗ. Tôi không dám nói thẳng với Văn, cũng không dám nài chồng tôi đi khám bác sĩ cho anh ấy biết rằng lỗi không ở tôi. Ngày mới lấy nhau Văn còn chịu khó nhưng sau đấy Văn quy tội cho tôi, và trở nên gắt gỏng hay nói những lời làm tổn thương đến tự ái của tôi.
Từ đó tôi im lặng, chúng tôi sống bên nhau như hai kẻ du mục khác bộ lạc, khác thổ ngữ nhưng cùng đi trên một con đường mòn của sa mạc bao la. Con đường bé nhỏ chật hẹp bắt buộc phải nhường lối cho nhau một vài khi, nhưng chẳng có gì để nói với nhau, cuộc sống lầm lũi, tôi thương hại cho tôi và thương hại cả cho Văn.
Bức tranh hạnh phúc của tôi là như thế đó, nhưng người ngoài mỗi khi nhìn chúng tôi đi ra đường ai cũng khen là đẹp đôi, "nhìn mà mơ". Mỉa mai hơn nữa là có những cái đám cưới cứ nằng nặc mời cho được hai chúng tôi đi dự, đi bưng trầu rượu để lấy hên.
Làm sao nói cho họ biết thế nào là hên. Có phải tại láng giềng không nghe chúng tôi cãi nhau lớn tiếng, thế là hên chăng ? Hạnh phúc chỉ cần có thế thôi chăng ? Chúng tôi thuận hoà thật nhưng chỉ vì không buồn cãi nhau, không thèm trái ý nhau, xem đối phương như một con số không, một đám sương xám, dày đặc. Vợ chồng mà còn cãi nhau, còn giận hờn để xin lỗi để tha thứ là còn đáng cho người đời nói đến. Hai chúng tôi như hai thế giới, nhưng nói mãi đến chúng tôi làm gì. Cái yếu tố giúp tôi đủ can đảm sống là Sung, người em chồng lý tưởng, người bạn đời lý tưởng. Cô nào sau này được làm vợ, làm mẹ của những đứa con của Sung thì cô ấy có thể tự hào là chín kiếp trước có tu hành, hay là mả nhà nó chôn đúng hàm rồng. Tại sao tôi lại cứ phải trốn vào sau lưng Sung nhỉ, tôi chỉ xem Sung như là em trai của tôi. Sung kém tôi vài tuổi, tôi lại là chị dâu.
Người chị dâu đối với em chồng chẳng được quyền thân mật như chị ruột, nếu không còn cha mẹ chồng mà em còn nhỏ thì phải đóng cả vai mẹ, lễ giáo bảo thế. Thật là gay cấn, bàn tay của người chị dâu với chú em chồng không được ấp ủ nhau lâu hơn cái bắt tay của tây phương.
Ngày chúng tôi mới lấy nhau, Sung hay tránh đi riêng cho chúng tôi nói chuyện, trông dáng điệu của chú bé thật thảm thương, có khi tôi hối hận như chính tôi đã đến chia rẽ hai anh em nhà này. Tôi hay đùa mở bản nhạc Trầu Cau hát ghẹo Sung…"Ôi ta buồn ta đi lang thang cũng vì ai, ôi ta buồn ta đi xi nê cũng vì ai"…
Có phải đó là cái tiền tấu khúc cho một bản nhạc nào chưa thành hình chăng. Theo với ngày tháng, tình của vợ chồng tôi cũng trở nên tẻ nhạt, nghe nhè nhè như cái đĩa hát cũ chỉ muốn đập vỡ cho bớt cáu. Văn trở nên gay gắt âm thầm, đi làm về thì đóng cửa giam mình vào phòng riêng để đọc hồ sơ, xem nhà mình như cái quán trọ, xem vợ như chiếc áo cũ, quá tầm thường không thèm ngó ngàng đến.
May mà có Sung, chú em chồng bắt đầu bớt lảng tránh, chịu ngồi nói chuyện, con gấu chịu cho người thợ săn đến gần. Con chồn và chú bé hoàng tử của Saint Exupéry, nhưng ai là chồn, ai là chú bé hoàng tử ? Thôi để tôi là con chồn cho, dẫu sao Sung cũng là kẻ mới bước vào cửa đời có một chân. Chưa lập gia đình tức là chưa bị những sự dằn vặt giày xéo tâm tư, chưa bị những câu hỏi đặt ra để tự hành hạ ban đêm. Ban đêm là quãng thời gian quý hóa và ngắn ngủi mà thiên nhiên đã tặng riêng cho muôn loài, ngay cả những kẻ nô lệ, đêm xuống cũng được yên ngủ, hoặc suy tư, hoặc ước mơ. Người có gia đình đã bị gia đình cướp mất…
Có trời làm chứng, hai chị em tôi tuy rất quý nhau, thường pha cà phê đêm uống để ngồi nói dóc đến khuya, nhưng không bao giờ có một cử chỉ hoặc một thoáng ý nghĩ nào để loài người có thể lên án cho là phi lễ. Tôi ghét cái chữ ấy lạ lùng, nhưng tại Sung hay dùng nên cũng đâm quen tai.
Sung bảo ở Hồng Kông, mỗi khi các chàng trai có một cử chỉ nào với cô gái để các cô kêu lên hai tiếng phi lễ là cảnh sát đến ngay. Sung kể cho tôi nghe những sự nghịch ngợm phi lễ giữa học trò với giáo sư, cũng như những cái nhìn phi lễ giữa giáo sư với học trò…
Chúng tôi thảo luận về tình yêu, về hôn nhân, về gia đình, nói đến cả người vợ tương lai của Sung. Cô ấy phải thế nào ?
- Sung có thích vợ đẹp không ?
- Có chứ, ai mà chẳng thích ?
- Đẹp cỡ nào ?
Sung nhìn tôi rồi cắn môi không nói, tôi nghe như có một luồng điện đang chạy qua thân thể, nhưng sợ phi lễ nên chúng tôi lại tiếp tục nói chuyện. Lạy trời cho tôi đừng có chủ quan.
- Ngoài cái điều kiện nhan sắc ra, Sung còn đòi thêm những điều kiện gì nữa nào, Sung nói để chị đi kiếm cho.
Mỗi lần xưng chị tôi nghe hơi ngượng ngùng, nhưng luân lý bắt thế, biết sao !
- Đẹp rồi còn phải dễ thương, phải thông minh, không được nhõng nhẽo, phải kính trọng sự suy tư của thằng chồng dầu cho sự suy tư đó không mang lại lợi ích gì.
- Sao đòi nhiều thế ?
- Chưa hết, còn phải độc đáo, phải có một công việc gì để say mê ngoài việc nhà hằng ngày ra, nếu không thì nhàn cư, mà nhàn cư thì rất có thể đưa đến sự vi bất thiện.
Nói đến đây tôi hơi cảm thấy nhột nhạt, chỉ muốn hỏi thế có phải Sung chê trách tôi đó chăng, nhưng lại không dám.
- Sung bảo độc đáo là phải thế nào kia ?
- Là không giống mọi người, nếu không thì nhàm chết.
- Nhưng Sung đòi hỏi nhiều thế thì Sung trả lại cho người ta những gì nào ? Chứ chị đưa những điều kiện từ nãy đến giờ của Sung đề ra, chắc Sung sẽ bị ế mất.
- Em sẽ xem vợ em như cô em gái, tha thứ trước khi lầm lỗi và hai người sẽ ký giấy cam kết tuyệt đối tôn trọng tự do của nhau, không ỷ lại vào cái giấy giá thú đó.
Hoài của, giá tôi có em gái, tôi sẽ gả cho Sung. Nói lên với Sung câu ấy nhưng rồi tôi cảm thấy ngượng. Hình như Sung biết tôi nói dối. Quả thật tôi đã nói dối, tôi cầu mong cho Sung không bao giờ gặp con người đàn bà ấy, để hai chị em tôi mãi mãi được đậm đà bên nhau. Để mỗi khi Sung có dịp đi đâu thì lúc về có mỗi mình tôi nhận quà.
Tất cả mọi sự mua sắm Sung đều giao cho tôi, chờ hỏi ý kiến tôi, ngay cả quần áo mặc trong cũng do tay tôi chọn. Người đàn bà nào chen vào đây để chia rẽ chị em tôi sẽ bị quỷ thần bắt tội thì chịu lấy.
Nhưng thế này có gọi là ích kỷ không, Sung cần có một mái gia đình, có vợ, có con để ấp ủ, để thương yêu… Tôi nhắm mắt, không muốn nghĩ thêm, sợ… mà cũng không biết sợ gì.
lá xếp
#7 Posted : Friday, March 14, 2008 10:23:48 PM(UTC)
lá xếp

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 34
Points: 0

Những suy tư của MAI :

Sáng tác kém sút, tranh bán cũng không bằng năm ngoái, có phải vì sự cạnh tranh vì số nghệ sĩ mỗi năm một tăng lên hay tại con người thiếu cảm hứng, thiếu đề tài, còn mấy bức tranh mà vẽ mãi không xong. Làm người yêu của nghệ thuật không phải dễ, nhất là khi trót sinh vào làm dân Việt Nam, một xứ nhỏ bé mà chở trên lưng không biết bao nhiêu là tang tóc, lại còn mang nặng thành kiến. Chiến tranh dày xéo không cho ngủ, không cho ăn.
Nếu có ai nghịch mang tất cả xác chết từ hai mươi năm nay ra trải lên khắp đất đai từ Ải Nam Quan tới mũi Cà Mâu cũng chưa chắc đã đủ chỗ.
Sóng gió tạm qua, phải trở về làm việc chứ. Đến một tuổi nào đó, người đàn bà không được quyền ngập ngừng, mà phải dứt khoát giữa hai lối đi. Hoặc là lối đi quanh co gồ ghề, đi một mình, hay là một lối đi nhàn nhã hơn, tuy không hẳn đã hoàn toàn vô ưu tư.
Tôi còn phân vân, có nên khuất phục xã hội để được mang tiếng hiền và ngoan, lệ thuộc vào một người đàn ông, biến mình thành cái máy để hòa nhịp với người ta, một thứ phụ tùng xe hơi. Đền bù lại mỗi tháng khỏi thắc mắc về vấn đề tiền nhà tiền điện tiền nước. Đêm hôm ốm đau có người đi gọi bác sĩ…
Không chịu thế thì phải làm việc nhiều hơn, nhiều hơn nữa, hoặc là bớt tất cả mọi sự xa hoa…
Nhưng tôi đâu có đến nỗi lười, tôi đang sửa soạn một cuộc triển lãm với đề tài là "Những thanh kiếm lịch sử".
Tại sao lại chọn cái tên ấy và cái đề tài ấy ? Có phải tại sinh ra quá muộn màng, cái gì cũng đã có kẻ làm rồi, nghĩ rồi, nói rồi ? Người đến sau chỉ là nhai lại bã cũ, làm sao trong cái bã cũ ấy mà tìm được một chút âm hưởng thừa bỏ quên. Ở Âu Châu có những họa sĩ đã tìm máy móc để cho kịp thời đại, vẽ tranh bằng cái máy sơn xe. Chắc rồi họ sẽ thành công, cũng như cái anh chàng nghệ sĩ già ở Thụy Sĩ, suốt đời đi nhặt áo cũ, len cũ, về rút ra chải chuốt lại, dán lên khung, tạo thành một loại tranh huyễn hoặc của tầm mắt người khi lên cơn loạn hoặc cơn sốt. Rồi cũng sẽ thành công, cũng sẽ có người tìm đến xin mua, xin chưng bày.
Khi con người đã trèo lên Mặt Trăng và cắm vào một ngọn cờ chủ nhân ông rồi thì ai cũng có quyền nuôi hy vọng, nhất là nghệ sĩ.
Những cái tên kiếm như Long Tuyền, Trúc Lâu, Mạc Gia, Can Tương, Bàn Dĩnh, Như Trường v.v…, mỗi thanh kiếm đều có mang một tâm sự u uất mà chưa được cởi mở cho đúng tầm quan trọng, chưa ai đưa lên thành mầu sắc, liệu tôi có đủ tài không ?
Sự cách biệt giữa các dân tộc khác với dân tộc Việt Nam là ở chỗ ấy. Ngoài cái ngôn ngữ phải bỏ cả chục năm ra để học mà làm phương tiện giao dịch, con người còn phải tranh đấu với đủ mọi thứ. Dân tộc Việt Nam sinh ra để trả những tội lỗi của các dân tộc khác làm nên chăng ? Cũng như trong mỗi gia đình có đứa con thông minh, có đứa con đần độn, tật nguyền. Đã thế lại còn thêm sự chia rẽ nhau, không bao giờ một người Việt Nam chịu công nhận người đồng bào của mình xuất sắc hơn mình.
Cuộc triển lãm của tôi rồi chưa chắc đã mang lại kết quả gì nhưng kệ chứ, đã vạch chương trình ra thì làm. Có những nghệ sĩ suốt đời không bày một tấm tranh, không in một quyển sách. Nhưng hãy tự an ủi rằng sự nổi tiếng cấp kỳ lắm khi không phải là thực tài mà là do sự sa sút của người xung quanh, của thời đại…
Mùi kiến cánh bồng bế nhau đi trốn nước lụt thoảng đâu đây, nghệ sĩ và kiến chắc phải có liên hệ với nhau, muốn thành công phải bắt chước cái đức tính kiên nhẫn của lũ kiến. Cái xã hội kiến đặc biệt trong vấn đề yêu đương để bao vệ giống nòi. Lũ kiến đực chỉ có làm mỗi một việc đó. Loài người thì sao ? Đang tiến đến chỗ ấy hay đã từ chỗ ấy vượt qua ? Hoạt động chính trị, bị vào tù, quá khứ tối om như cái hang đá không thắp đèn, tương lai sẽ ra sao ? Muốn làm chính trị phải học thuộc lòng tác phẩm của Machiaveli hoặc cái đường lối bá đạo của Vệ Ưởng lúc đưa ra trình bày với Tần Hiến Công.
Không theo được những bậc thầy ấy thì nên về chăn bò còn sung sướng hơn, nhưng cái gì qua là qua rồi, những sự tù đày tra tấn ! May mà trời tặng cho con người cái khả năng quên !
Mấy con kiến thế mà khôn, chúng nó biết tin bão lụt trước cả những nhà thiên văn có nhiều dụng cụ tối tân. Tại sao các nhà thiên văn không nuôi ngay lấy mỗi ông một cái ổ kiến, có phải khoẻ không ? Tội gì mà vất vả, hay là để chứng tỏ rằng ta hơn lũ kiến ở mấy cái dụng cụ nặng nề. Miền Trung lại bị lụt, năm nào cũng bị lụt, tội nghiệp dân miền Trung không bao giờ được bỏ quên, mỗi khi có thiên tai. Có người giải thích rằng đất miền Trung là đất thiêng mà người miền Trung đã phản bội nên mới bị trời hành như thế. Sự phản bội ấy, theo lời giải thích của người nói, là sự a dua xu thời cái thời dân miền Trung đã đứng lên đạp đổ các đền đài, nơi thờ tự lăng miếu. Nhưng có cuộc cách mạng nào mà chẳng có những sự đổ vỡ như thế ? Nếu quả thật có các đấng thiêng liêng, có Thượng Đế, thì sao không trừng phạt những kẻ đứng lên hô hào, xúi dục, hưởng thụ, còn dân miền Trung thì lại phải cong lưng ra gánh vác. Vô lý, tôi không tin đâu.
Nên phạt tội ai ? Ông quan tòa ký bản án hay tên đao phủ cầm dao chặt đầu ? Người chế tạo khí giới hay người xử dụng khí giới ?
Ông bạn nói với tôi cái ý kiến ấy là cháu của một vị Tổng Trưởng ở bên kia Bến Hải, một kẻ nổi danh là duy vật, là không tin tưởng gì về những thần thuyết, thế mới là hay. Nhưng theo ý tôi thì người miền Trung không phản bội mà lại là bị lừa. Tưởng thay đổi một chính thể để đi đến một chính thể khác cho con người được no đủ hơn, rốt cuộc cũng chỉ là một sự "mầy tránh chỗ cho tao ngồi vào". Có thế thôi chăng ?
Các bạn đề nghị hùn tranh mở một cuộc triển lãm giúp miền Trung, chưa chắc gì đã thu được bao nhiêu nhưng không phải vì thế mà có quyền nằm nhà. Cái khó khăn khi nhận trọng trách làm người là phải biết cưu mang đồng loại và ngay cả khác loại. Chỉ mỗi một điểm ấy là cho phép con người được kiêu hãnh, nếu không làm trọn thì chẳng còn gì nữa.
Tôi chọn hai bức tranh Trúc Lâu và Long Tuyền để đóng góp vào buổi triển lãm, không bày lần này thì bày lần khác cũng vậy. May ra bán được còn có cái cảm giác giúp ích cho quê hương, dầu sự ích lợi rất bé nhỏ.
Người Việt Nam còn phải lo ăn mặc trước đã, chưa nói đến chuyện bỏ tiền ra mua tranh. Ngoài các quan lớn dư dả tiền và có cái mặc cảm giàu quá, vì họ tự biết mình, biết cái gia tài đó ở đâu ra… các quan mới dám bỏ ra tí tiền mua tranh, tuy được treo lên tường, trang hoàng cho ngôi nhà một anh trọc phú thì cũng chẳng hân hạnh gì cho bức tranh… Nhưng nghệ sĩ cũng phải ăn và cũng phải sống như tất cả mọi người, không kể cái sự xét đoán nông cạn của người đời, sự dư dã là biểu hiệu của sự thành công… chưa chắc.
Một vài người bạn hỏi sao Trúc Lâu là hình ảnh của sự phản bội lại không mang mầu vàng ? Vô lý, mầu vàng không thể nào bị hàm oan mãi thế được, đấy là do các ông bà âu tây đặt ra một cách hàm hồ. Chưa nói đến cái định nghĩa của mầu vàng trong cổ thư Trung Hoa : mầu vàng là chính sắc, mầu của đất đai, của trời đất, mầu của áo bào, áo lễ, ác mặc bên trên. Không ai đi may quần mầu vàng, trừ những sự điên cuồng đảo loạn. Mầu phản bội phải là một thứ mầu sắc lẫn lộn, pha trộn.
Long Tuyền theo sách Tấn Thư là một thanh gươm quý, chôn xuống đất mà khí xông đến sao tinh đẩu. Không chắc rằng người đời có thể nhìn nhận qua bức tranh, đâu là khí của bảo kiếm, và đâu là chòm sao tinh đẩu.
Có hề chi, Thượng Đế cho nghệ sĩ có quyền tưởng tượng, và có bổn phận dìu người đời ra khỏi sự trần tục của hằng ngày.
Chưa chắc sẽ có ai thèm nhìn đến hai bức tranh của tôi, nhưng người mẹ nào chẳng thấy con mình là xuất sắc, ông láng giềng không nhìn thấy, đó lại là chuyện khác. Cầu mong cho cả hai bức tranh đừng bị rơi vào tay những phường tục tử, nhưng tục tử thì làm gì có dư tiền mua tranh, khỏi lo. Tuy cũng có kẻ dư tiền muốn khoác chiếc áo mượn, mua nhạc mua sách mua tranh để dọa láng giềng. Biết đâu, cũng có thể nó sẽ rơi vào tay một chú G.I., mang sang tận Hoa Kỳ treo lên nhà để thỉnh thoảng tay cầm cốc uých ky ngồi lim dim thả hồn nhớ tới mấy cô bán ba trên con đường Tự Do.
Bức tranh cũng gặp mười hai bến nước, chẳng biết bến nào đục bến nào trong, hệt như đời một cô con gái…

Những suy tư của SUNG :

Làm nghề giáo sự ở cái nước Việt Nam bị thu hẹp này thật chẳng có gì đáng say mê. Xã hội bắt mỗi người phải mang một chức nghiệp gì mới chịu. Mục đích chỉ để ghi vào danh thiếp, lại một hình thức bịp bợm, dọa dẫm nhau. Một lần sực bắc gặp được những tấm thiệp dài giòng đầy chức vị in bằng ngoại ngữ của các đồng nghiệp, tôi chỉ muốn cười lên thật to. Nhưng sao lại cười, người ta xây nhà cao cửa rộng, đi đâu cũng được nể nang trọng vọng, là chỉ nhờ mấy giòng chức vị giám đốc, chủ tịch, tổng thư ký đó mà thôi.
Cơm gạo cả, sao lại chế diễu người ta, nếu mình không làm được là lỗi tại mình kém thua trong nghệ thuật trơ và lì. Tôi chọn cái nghề này với hy vọng mỗi năm có những ba tháng rỗi rãi để đi đó đi đây. Rốt cuộc chừng nầy tuổi rồi mà mới biết được có mấy nơi, trong nước và ngoài nước. Biết cũng biết một cách vội vàng, chụp giật, đến đâu cũng phải lo nhìn, lo xem, kẻo sợ giấy phép hết hạn, sợ hết ngoại tệ v.v… Đi du lịch như thế đâu có sướng, nhưng trót sinh vào làm con dân một nước nghèo thì phải chịu vậy, chứ than với ai. Đã thế còn thêm sự ham hố của mấy ông giám đốc các tư thục, nếu chính phủ cho phép chắc họ sẽ mở cửa trường quanh năm suốt tháng để bắt học trò đóng tiền không ngừng.
Đến đêm nào cho hỏa châu thôi chiếu sáng lên không gian, cho người dân Việt Nam được ngủ thẳng giấc và trong cơm mơ không còn thấy cảnh bom đạn hãi hùng vì mãi bị chứng kiến, bị đọc, bị nghe hằng ngày. Bao giờ cho hai người Việt Nam không quen biết, gặp nhau mà khỏi bị một áng mây ngờ vực lo lắng, mật vụ chăng ? Việt Cộng chăng ? Ký giả Tổng Nha chăng ? C.I.A. chăng ? Ngay cả những người Việt Nam đã được cái may và không may ra sống ở ngoại quốc cũng không thoát khỏi bầu không khí ngờ vực lẫn nhau ấy. Hai người Việt gặp nhau không dám cười, không dám nhìn, vì không biết đường lối chính trị của người kia ra sao.
Đó là một trong những phát kiến ghê sợ nhất, đáng lên án nhất. Sự gieo căm thù vào lòng người, nhất là những kẻ cùng chung một lịch sử, một giống nòi, một quê hương. Có người tự hào rằng đây là khúc quanh lịch sử, và lịch sử thế giới đang ghi lại trên xác người dân Việt Nam, lấy máu của dân Việt Nam làm mực, một thứ mực không bao giờ phai.
Nhìn những nét mặt thơ ngây của các chú học sinh ngồi trong lớp, tôi thường lo ngại mỗi khi nhận thấy chú nào lơ đãng, hoặc kém sút. Hết hạn tuổi là không được miễn dịch nữa, là phải đi lính, phải mặc bộ quân phục lên mình, phải ra trận, nếu không là con ông cháu cha, không phải là con hoặc em gì của một người đẹp, nhân tình ông lớn.
Ra trận, rồi sẽ bị thương nếu không là chết trận, thây quẳng vào nhà xác từ mấy hôm gia đình mới được tin. Tuy vẫn còn hơn những kẻ chết mà chẳng hay biết đến, thân thể tan nát thành bùn hoà lẫn với sình lầy trong mấy đám ruộng không tên. May mắn là những kẻ được đồng đội đưa ra nghĩa trang, nấm mộ mang tấm ảnh mà nét mặt còn đầy vẻ thơ ngây. Các chú học trò hỏi tôi, thằng con trai Việt Nam phải làm gì ? Nên đặt lý tưởng vào đâu ? Tôi biết trả lời thế nào ? Đi lính ư, ra mà bắn đồng bào ? Trốn lính sống chui sống nhủi, ra đường phải đi lối tắt quanh co, ban đêm phải trèo lên trần nhà nằm ngủ, xanh xao vì thiếu mặt trời, vì không dám rời gian phòng xép thiếu ánh nắng. Trốn ra ngoại quốc làm nghề rửa bát, gác nhà ngủ cho ngoại nhân ?... Nói thế nào, hình ảnh những nấm mồ với giòng chữ "Tổ Quốc ghi ơn" rồi cũng phai mờ với năm tháng… Liệu tổ quốc có ghi ơn thật chăng, hay là tổ quốc quên ngay sau khi hòn đất đầu tiên vừa vứt xuống phủ nấm mộ ?
Chính tôi cũng là đứa trốn lính, trốn một cách công khai lại càng nhục nhã hơn, nhưng có bao giờ ai dại gì mà không lợi dụng sự có thể của mình. Cái nghệ thuật trốn lính của nước Việt Nam chắc sau này phải mang ra công bố để dạy thế giới. Mua cả xác chết để khỏi phải đi trình diện, đố ai dám hiểu nếu không được cắt nghĩa tường tận, và thấy chính người ấy. Có người đi tìm an ủi trong cánh tay một cô gái, cũng là một đường lối trốn cô độc, trốn ưu tư, nhưng nếu không gặp được một tâm hồn bạn mà gặp phải cái máy nói, cái máy nhõng nhẽo, máy ghen thì nguy hơn. Tạo thêm dân để cho các ông bắt đi chết thì tạo làm gì. Anh Văn với chị Thu là một cái chứng cớ, một bài học cho tôi. Sự đẹp đôi bề ngoài chưa đủ, phải là sự đẹp đôi tinh thần mới chống chọi lại với sức tàn phá của thời gian. Xứ Việt Nam quả đã đặc biệt, tại chiến tranh chăng ? Hay bị hai ba nền văn minh đến đô hộ, chụp lên đầu người những mâu thuẫn phức tạp ?
Có lắm gia đình mới thoạt nhìn tưởng chừng như gia đình của chính ông bà Khổng Tử, mà bên trong thì con chửi mẹ, cháu mắng bà. Các cô gái thì lai căng, da vàng, mũi gẫy mà cứ nhất định chạy theo bắt chước những thứ nhan sắc Âu Mỹ. Các cậu trai, thấy người ta mặc áo dài cũng mặc áo dài, người ta để tóc dài cũng bắt chước để tóc dài mà quên nhìn vào gương xem có hợp, hay nó trở nên bệnh hoạn. Đấy mới là tự do, nếu ngày mai tôi muốn nhồng nhộng đánh trần đi đến trường cũng phải để cho tôi làm, không được cản. Như thế mới là kính trọng sự tự do của tôi. Phải vậy chăng ?
Một lý thuyết cần được mang ra để đối chất, phối kiểm lại chăng ? Buồn cười nhất là ngay trong giai đoạn này cũng còn có những xứ gửi nhân viên đến Việt Nam để nhờ chiến tranh giải quyết hộ. Ngày xưa người ta nhờ sốt rét với dịch tả, ngày nay khoa học có tiến bộ, tiêm thuốc và kiêng đừng uống nước bậy bạ thì tránh khỏi. Mấy chú GI chở nước từ xứ nào sang mà thần sốt rét vớ được là quật ngay. Nghĩ mà thương mấy chú lính viễn chinh ấy, giàu cũng là một cái vạ, giá Hoa Kỳ không giàu, không cho ai vay mượn gì, không giúp đỡ ai cả thì hẳn sẽ bớt bị thế giới ghét bỏ.
Nhìn tương lai chỉ thấy màu đỏ của máu và mùi thuốc súng. Quá khứ là một sự đàn áp. Không ở vào giai đoạn náo trong lịch sử mà người Việt bỏ xứ ra đi nhiều như thế, sung sướng được ra đi. Ông nào cũng có một lần thú nhận rằng lúc máy bay cất cánh rồi mới dám tin là ra đi. Cho sự ra đi là một giải thoát ghê gớm lắm. Quy lỗi này về ai ? Ra đi để rồi kêu nhớ nhà nhớ nước, quanh năm vui cái vui của người ta, buồn cái buồn của người ta. Xứ người ta bầu cử tổng thống mình cũng thắc mắc, chỉ sợ ông nào lên mà đổi đường lối chính trị phải đóng thêm thuế thì buồn. Trong khi nước mình có bao nhiêu vấn đề, cần bao nhiêu là cán bộ !
Lại còn cái ý kiến nữa, hôm nay đã đưa lên bàn mổ xẻ thì mổ hết một lần, "gái thời loạn", xứ Việt Nam gái thời loạn được hưởng bao nhiêu là ưu tiên. Du học ngoại quốc cũng dành cho cac cô, khỏi đi lính tức là khỏi chết trẻ. Các cô bán ba thì xe hơi nhà lầu, các bà tướng tá thì đi du lịch ngoại quốc như chị ba chị bảy đi chợ Sài gòn.
Thời loạn mà như thế, không biết sau nầy thời bình các cô còn đi đến đâu ? Mình nói lên các cô các bà lại bảo rằng ganh, mà ganh là phải, tôi ganh hộ cho nam giới thì đã sao ?
Chưa hết, các cô còn xinh đẹp, báo hại cho con người ta say mê để rồi sau đó buông rơi, bắt buộc thằng con trai phải đi biệt kích Hoa Kỳ một cách gián tiếp. Lãnh số tiền tử để an ủi vậy. Có sao, trước sau gì chẳng chết !

(Còn tiếp)
lá xếp
#8 Posted : Monday, March 24, 2008 4:35:42 AM(UTC)
lá xếp

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 34
Points: 0

Những suy tư của VĂN

Có khách từ Sài gòn lên, mang quà của Sung cho Thu và tôi, cô ta tên là Mai, toàn người cũng gầy guộc hơi giống cành Mai. Vừa xuống máy bay mà đến ngay nhà chúng tôi để quà khỏi hỏng thì cái tình bạn cũng phải đậm đà lắm chứ chẳng chơi.
Nhưng bạn là thế nào ? Chỉ bạn thôi ư ? Hay còn gì nữa ? Trong bức thư Sung viết "Em xin giới thiệu với anh chị, Mai là họa sĩ, bạn của em, nếu Mai có cần gì xin anh chị giúp Mai…" Đại khái như thế. Cô bạn cắt tóc hệt như con trai, không diêm dúa, không tô trét, làm giàu cho mấy gian hàng bán son phấn ở chợ Bến Thành, nhưng không có vẻ nam giới như những kẻ có bệnh thừa hormones đực. Cũng may, nếu không thì ra đường sẽ bị cảnh sát thổi còi bắt ngừng để xét giấy xem có hợp lệ quân dịch.
Sung cũng lạ đấy chứ. Cô bạn vừa ra khỏi nhà là bà vợ tôi đánh một tiếng thở dài nghe não nuột đến đứt ruột gan.
- Bộ trong xứ Việt Nam này chết hết đàn bà con gái rồi sao mà đi rơi vào cô này ?
Thu bảo thế. Đúng là giọng ác ôn ghen tị của đàn bà. Người ta đẹp hơn mình thì ghen cũng phải đi, người ta xấu thua mà cũng chẳng tiếc lời. Tôi không đồng ý với Thu nhưng có bao giờ chúng tôi đồng ý với nhau ở một điểm nào đâu. Mai có hai bàn tay rất nghệ sĩ, nhưng Thu lại cho đó là bàn tay của người lười không chịu làm việc nhà. Lâu lắm, vợ chồng tôi mới tìm ra được một đề tài để cãi, ngấy nhau đến nỗi không buồn cãi. Thu chê Mai lập dị, lẳng ngầm, người như thế sau này ai cưới về thì mạt.
Tự nhiên tôi cho sự bênh vực Mai là vui, Thu có nói gì tôi cũng cãi lại, tôi hỏi chỗ nào mà Thu cho là lẳng đâu.
- Cái miệng này, và con mắt mở thao láo, đấy mà không lẳng thì cho anh cứa đầu tôi đi !
Mình chẳng nhận thấy gì cả, đôi mắt hơi lạ, Thu nói tôi mới nhận thấy hôm sau lúc cô ta đến lấy quà về, Thu gửi cho Sung. Cô ta không nhắc đến Sung một cách bồng bột, Thu cũng cho là làm cao.
- Con gái thời buổi này thiếu đàn ông nên gặp đám nào tử tế là bố bảo cũng không nhả ra lại còn làm bộ không cần thiết, thấy mà gai mắt ! Thứ con gái gì mà quá hơn đàn ông, chẳng thùy mị tí nào !
Kể ra thì Mai bạo dạn thật, tôi chưa gặp cô nào tự nhiên và bạo dạn hơn, nhưng có phải cuộc sống ngày nay nên như thế chăng ? Tôi nhận thấy đó là một lối sống mới, cần nghiên cứu. Giản dị và giúp người đối thoại khỏi ngỡ ngàng. Không còn cái lối khách sáo giả dối của hồi trước.
Mình vừa chìa bao thuốc ra Mai đã đưa tay đón nhận, cử chỉ tự nhiên như khi đứa trẻ con thấy người lớn cầm chiếc kẹo. Không một lời nói thừa, hút thuốc cũng như trẻ con ăn kẹo. Lúc vào bàn ăn cơm cũng thế, tự nhiên giản dị mà không suồng sã, tuy biết rằng bên cạnh mình có con hổ cái đang ngồi rình để chỉ trích. Làm như Mai không cần chú ý đến những sự vặt vãnh.
Tôi hỏi sao Mai không chọn nghề nào khác mà lại chọn gì cái nghề ốm đói này. Nói rồi mới nhận thấy mình hớ hênh nhưng Mai không hề giận, còn giải thích một cách rất bình tĩnh :
- Không đến nỗi ốm đói đâu, bây giờ báo chí ra nhiều, nếu chịu khó vẽ mấy cái bìa hoặc chuyện ngắn nhăng nhít cũng đủ sống. Ngoài ra để dành thì giờ cho nghệ thuật.
Rồi Mai giảng cho tôi nghe cuộc sống cuồng nhiệt của nghệ sĩ khi đứng trước một tác phẩm của mình. Mai còn bảo rằng đây cũng là một thứ gia tài của bố để lại. Người con gái này nếu chỉ gặp đi ngoài đường thì chẳng ai chú ý - "chẳng ma nào thèm ngó tới", nói theo lời nhận xét của Thu. Nhưng khi nói chuyện với Mai rồi thì tất cả ma nào cũng muốn gặp lại. Tôi bắt đầu nhận thấy sự khôn ngoan của Sung.
Bên cạnh bà vợ tôi kiều diễm như cô tượng đứng chưng áo bày ở các tủ kính, cái đẹp của Thu nó hệt như tất cả các cô gái tên thế giới ngày nay, ai muốn tưởng tượng chỉ cần mở bất cứ một tờ báo thời trang hoặc báo phụ nữ ở bất cứ một nước nào… Cái môi em dày, con mắt em cong, cái mũi em thẳng, cái thân hình em tròn, mái tóc em dài… chỉ vài nét kỷ hà học là tả xong cái tấm nhan sắc ấy. Dầu cho nhà văn nhà thơ có tài hoa đến mấy cũng không đẻ ra thêm được một giòng nào. Hồi mới cưới nhau mỗi lúc ra đường được những cái nhìn chiêm ngưỡng đần độn của những kẻ kém thông minh tôi cũng thấy thơm lây mới dơ chứ ! Bây giờ thì hết rồi, con người mỗi ngày một tiến bộ hơn.
Giá Sung yêu Mai nhỉ, rồi hai người cưới nhau, tôi sẽ có một cô em gái độc đáo, ngày trước bố mẹ tôi sinh ra Sung mà chẳng hỏi ý kiến tôi, nếu hỏi thì tôi sẽ "còm măng" một đứa em gái. Sung thế mà coi bộ khôn hơn anh. Rút kinh nghiệm của anh, không thèm chạy theo nhan sắc.
Tôi hỏi Mai có tham vọng ra triển lãm ở ngoại quốc không ? Mai chỉ cười trả lời đùa lại :
- Nếu Mai đi ngoại quốc triển lãm thì sẽ cho anh đi theo làm nghề đóng đinh lên tường để treo tranh !
Chúng tôi cùng cười, Thu nguýt một cái, ý muốn nói sao mày dám láo với chồng bà. Thế đấy, thương yêu nhau thì không thương chứ ai động đến là có át xít vào mặt ngay. Đàn bà gì mà ghê !
Tôi hỏi thăm cô họa sĩ thích hoa gì ở Đà Lạt của chúng tôi, Mai bảo hoa phong lan, cô bé còn nói thêm rằng không phải vì bắt chước bố con ông Chamberlain của Anh Quốc đâu nhé, coi bộ Mai chịu khó sưu tẩm. Theo Thu thì tại nhờ trời bắt xấu nên mới có thì giờ ngồi nhà đọc sách. Tôi không nghĩ thế, yêu hoa mà tìm biết cả những người đồng chí với mình. Tự dưng tôi cũng đâm ra cảm thứ hoa ấy và nhận thấy mình quả là đần, sống ở Đà Lạt mà không yêu phong lan, phí của. Dân Sài gòn mua về chờ đợi cả năm không được nhìn thấy hoa nở một lần. Nhưng dàn ông khôn hay đần đều tại vợ, Thu không bao giờ mua phong lan về, kêu là hoa dại, hoa rừng. Từ nay tôi cố sưu tầm thật nhiều giống phong lan mới được, Mai sẽ hoan nghênh cái ý kiến này cho mà xem. Có những người mình giao thiệp hằng năm trời mà rồi chẳng mang lại một chất gì bổ ích cho cơ thể, cho tinh thần, trái lại…
Mai hẹn hè này sẽ lên Đà Lạt ở vài tháng để sửa soạn cuộc triển lãm, nghe mà vui. Sung cũng hẹn hè này lên với chúng tôi, nhà sẽ nhộn nhịp và cuộc sống bớt tẻ nhạt. Đời như được mở đèn, tôi không bi quan nữa. Đối với Thu tôi cũng bớt bực tức, hình như Thu cũng nhận thấy. Thu là đàn bà một nghìn phần trăm, tầm thường, chỉ được cái nhậy cảm, đánh hơi như chó săn. Nhõng nhẽo, lúc nào cũng tưởng là mình mang cái nhan sắc vào là như một vị thiên sứ xuống trần để ban phước lành và tất cả mọi người đều phải biết ơn. Thảo nào trong chữ Hán bất cứ cái tĩnh từ gì xấu như : hiềm nghi, gian xảo, mưu mô, nịnh hót, lười biếng, ganh ghét đều có mang bộ nữ. Tôi muốn thêm, nữ này là thứ nữ có tí nhan sắc mới đúng… Cái hạnh phúc lành mạnh của Sung đã giúp tôi trở nên lành mạnh theo rồi chăng ? Tôi có cảm giác như thế, cuộc sống rồi sẽ thay đổi…
Tội lỗi là gì ? Người ta nói nihều đến hai chữ ấy, nhưng thế nào là tội lỗi ? Theo tôi giải thích với tôi, thì tội lỗi là khi ta làm một việc gì trái với luân lý, trái với luật pháp… Nếu vậy thì tôi chưa bao giờ sa chân vào tội lỗi, tự hào như thế, nhưng phải ráng giữ gìn… Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, theo phái cổ, ông nội tôi là người vác cái nghiên cái bút chạy sau cùng trong cuộc rút binh của phái cổ. Hình ảnh ông đồ già mang búi tó trên đầu lom khom cúi xuống mảnh giấy hồng viết lên những giòng câu đối, ngày nay chỉ còn ở trong tưởng tượng của một số người mà thôi. Nhưng có phải tôi là kẻ còn lại được trông thấy cái hình ảnh ấy, cái giáng dấp ấy nên con người mới đâm ra lừng khừng đó chăng ? Mỗi ngày nghe mãi một câu "Hoàng kim mãnh doanh bất như giáo tử nhất kinh", đấy là một trong những câu mà ông nội tôi vẫn gào vào tai mẹ tôi. Theo thôi thì sách Hán thư viết cho cái thời buổi ấy chứ thời buổi này mà có hoàng kim mãnh doanh thì người ta đi một vòng thế giới về học được bao nhiêu là thứ. Trái lại giáo tử nhất kinh thì đời bây giờ sẽ trở nên vô dụng. Ngày xưa chỉ có tứ thư với ngũ kinh, ngày nay có bao nhiêu là sách phải đọc, phải hiểu biết… Điên đầu lên mất vì những phát kiến mới không theo kịp ấy chứ…

Những suy tư của THU

Nhưng từ một năm nay, từ hồi Sung về nghỉ kỳ hè trước tôi nhận thấy có một sự thay đổi rõ rệt. Những cuộc nói chuyện, những buổi đi chợ chung, Sung xách hộ giỏ cho tôi, cũng hành động ấy sao trước kia chẳng thấy gì lạ, gia đình nào chẳng thế, vì người làm không nuôi được thì chú em chồng đi chợ, giúp bà chị dâu mang giỏ thức ăn sáng là thường, nhất là đối với một đôi vợ chồng trẻ, có gì đâu. Vợ chồng trẻ, sao nghĩ đến chữ ấy tôi lạ nghe một cảm giác hồi hộp khó tả, tôi hơi xấu hổ, mà tôi bừng nóng… Có gì đâu, Sung vẫn là Sung… Nhưng trong cử chỉ của Sung chứa chất một niềm xót xa. Chỉ một cái nhìn nhau, một nụ cười hoặc một cái cau mặt rất nhẹ là tôi hiểu ngay, mỗi khi anh Văn gắt gỏng. Nhìn Sung là tôi không cần bực tức nữa, có Sung chia sẻ với tôi rồi.
Mỗi lần ba chúng tôi đi chơi, bao giờ tôi cũng được Sung săn sóc như người anh lớn săn sóc cô em gái bé, không còn gì êm dịu hơn. Trong khi đó thì Văn lầm lì đi trước một mình, không thèm nhìn ngoái lại một lần xem tôi có theo kịp, chân có dẫm phải gai hoặc vấp ngã vào bụi vào bờ nào không.
May có Sung đi cạnh, chúng tôi không cần và cũng không thấy đường dài hay ngắn, tôi biết vì lần nào Sung cũng bảo "đến nơi rồi sao" ? Chỉ có mấy chữ ấy đủ nói lên sự hòa âm của hai tâm hồn. Rừng thông thỉnh thoảng lại vang lên giọng cười của hai chúng tôi, Văn quay lại nhìn bằng đôi mắt ngạc nhiên lạnh lẽo.
Có lắm khi đi hơi xa thành thị, tôi chỉ mong được lạc đường, được rơi vào tay Việt Cộng, được họ bắt giữ vài hôm để nếm cái cuộc sống mới lạ. Nhưng liệu họ bắt chúng tôi rồi họ có cho chúng tôi ở chung một chỗ không ? Hay là mang Sung ra mà tra khảo. Cả hai bên đều bô bô lên rằng ta đây nhân đạo, ta đây vì dân, ta làm theo ý dân, sự thực hỏi họ xem mấy khi thằng dân nó được bàn góp ý vào. Tôi không muốn nói đến chính trị nhưng cứ ở đâu mà cuộc sống được đi lại tự do, đừng có canh gác, hầm, mìn, chó săn, giây kẽm gai, ở đâu cho con người được thấy mình là người thì tôi theo, đừng ngăn cấm sự yêu thương và sự suy tư, đó là tiến bộ.
Liều, người ta sao mình vậy, có những mười sáu, mười bảy triệu người dân chứ đâu phải mình tôi mà lo. Tôi nhắm mắt để khỏi nghĩ thêm.
Giọng nói của hai anh em thật là khác hẳn nhau. Giọng Văn bao giờ cũng gay gắt, lạnh lùng, làm như tôi không xứng đáng được nghe một lời nào cho êm dịu. Mà tôi có lỗi gì ? Lắm khi Sung đã phê bình ngay Văn ở trước mặt tôi, để bênh vực tôi. Những lúc ấy tôi chỉ muốn chạy đến ôm lấy Sung, gục vào lòng Sung mà khóc như thuở bé chạy đến ôm chân mẹ mỗi khi bị bố mắng. Nhưng Văn ngồi ngay đấy, sừng sững như ông thần giữ của, thứ thần bằng đồng đen nặng nề, lúc nào cũng chỉ chực nhảy bổ vào kẻ có tội để ăn tươi nuốt sống... Nhưng tôi đâu phải là kẻ có tội ? Văn nén sự bực tức, ngồi trơ ra một lúc rồi đi vào phòng đóng cửa lại như bước qua một thế giới riêng biệt khác. Trái lại, giọng nói của Sung là thứ giọng dỗ dành ngọt ngào, thảo nào mà dạy học hay. Giá tôi được trẻ lại để mỗi ngày cắp sách đến trường, tôi sẽ chọn trường nào hoặc giờ học nào mà giáo sư có giọng nói thật ngọt như Sung.
Nghĩ mà giận, ngày bé học xong cái tú tài là mẹ tôi bắt về lấy chồng, giá mẹ tôi để cho tôi học tiếp thì có phải bây giờ tôi được một cuộc sống khác hơn không ? Mẹ tôi cho rằng không nấu chữ lên mà ăn được. Quan niệm lỗi thời, hai thế hệ mà xa nhau như hai thế kỷ, mẹ tôi cho rằng đàn bà phải kém chồng thì mới bảo toàn được hạnh phúc. Bà già lại còn đưa ra những thí dụ của bà này bà nọ có học hành gì bao nhiêu mà cũng theo chồng nay đi xứ này, mai đi xứ khác, lên voi xuống ngựa tiền hô hậu ủng. Đi ôm ví lẽo đẽo như thế tôi không ham đâu, cái thời ngựa anh đi trước võng nàng đi sau ấy đã chết, bây giờ là thời mà cả anh lẫn nàng đều phải cưỡi ngựa.
Sung vẫn phàn nàn rằng nước Việt Nam đổ vỡ vì bỏ mất căn bản cũ mà chưa có cái gì mới để thay thế vào, chưa tạo ra, chưa tìm thấy. Có phải tôi là thứ người điển hình cho sự đổ vỡ đó chăng, trong tôi luôn luôn có hai mối giây giằng co nhau.
Giá Văn là người chồng biết thương yêu vợ, biết dậy dỗ huấn luyện cho vợ thì chắc tôi có thể tiến bộ rất nhiều. Sau này cô nào may mắn được làm vợ Sung chắc chắn sẽ tránh được những giây phút bị dằn vặt ray rứt như tôi, dẫu cho cô ta có không sinh đẻ được như tôi.
Mà đã chắc gì tôi không thể sinh đẻ, ông bác sĩ hôm nọ bảo thế. Nghĩ đến ngày Sung cưới vợ tôi nghe như có ai nhen lửa trong tim gan. Tôi hay hình dung ra những buổi tiệc trà có các giáo sư với các cô học trò tinh quái đi học với mục đích để bẫy thầy giáo, bắt giáo sư phải chú ý đến cái nhan sắc của mình.
Loạn. Thời buổi loạn sinh ra cái gì cũng loạn. Mà tôi đang tự mâu thuẫn với tôi đây chăng. Thật quả là phi lễ, phi luân lý. Thôi, tôi chẳng dám nghĩ thêm nữa đâu. May quá, độ ấy tìm cho Sung đám nào Sung cũng chê, bây giờ thì thôi không tìm nữa, tôi muốn chân thành với tôi.
Kỳ hè này Sung hẹn sẽ lên Đà Lạt sống trọn cả ba tháng, chỉ làm khổ tôi khi mãn hè, khi tiễn Sung lên sân bay. Đà Lạt sẽ mưa, chắc thế, mưa để nhấn mạnh thêm chút nữa sự não nề trong tâm tư của ai đi tiễn nhau. Những rừng thông sẽ tiếp tục sũng nước, từ đọt xuống gốc cây.
Nước mưa sẽ theo từng khe nhỏ chảy dài xuống chân đồi, gieo thanh âm thê lương vào không gian. Tiếng gió thổi qua lá ướt lại còn nghẹn ngào hơn khi rừng cây khô khan. Rồi sao nữa nhỉ ? Mầu trời đè lên tâm tư, không một bông hoa nào muốn nở, không một giọng chim nào muốn ca.
Từ Liên Khàng về, ngồi trên xe ca mà chỉ nhìn thấy có mỗi một hình ảnh, một nụ cười, cái vẫy tay chào lần cuối. Người đi bao giờ cũng tưng bừng mà người ở lại chỉ có gian phòng trống trải để làm bạn. Kỷ niệm, kỷ niệm bao giờ cũng mang màu tím… tại sao ?
Ngày ấy thế nào cũng đến thì hôm nay nó đến, cô ta bấm chuông mang thư và quà của Sung, tự giới thiệu là bạn. Tôi nhìn cô ta từ đầu tới chân, một cái nhìn rất vô tư, nói ra chắc không ai tin nhưng tôi là chị, tôi có quyền lo lắng đến cái hạnh phúc của Sung. Nếu người đàn bà ấy nuôi tham vọng làm vợ của Sung, tức là em dâu của tôi, thì tôi cần phải xét đoán hộ cho Sung. Đàn ông bao giờ cũng mù quáng, dễ bị mắc bẫy, mà đàn bà thời buổi này thì có hơn một nghìn lẻ một thứ khí giới.
Tên cô ta là Mai, cô ta làm thợ vẽ. Văn mời cô ta ở lại ăn cơm, không hỏi ý kiến tôi. Thôi cũng được, như thế cho tôi dễ nhận xét. Cô ta xấu một cách tội nghiệp, tóc cắt ngắn cũn như đàn ông, như thứ đồ đau thương hàn mới khỏi, gầy còm xương xẩu, chẳng có gì lôi cuốn trong con người ấy cả. Ngực lép kẹp, tay chân thòng lọng, mắt ốc, trán vồ. Loại đàn bà này sinh ra để ăn hiếp chồng con, chứ không phải thứ đàn bà hiền lành tần tảo. Tôi đọc bức thư giới thiệu nồng nàn của Sung mà nghẹn họng, nuốt cơm không muốn xuống.
Thời đại bây giờ chẳng biết tại sao mà lại sinh ra cái thứ đàn bà quái thai nửa trai nửa gái đó. Đàn bà gì mà không có lấy một nét nào dịu dàng thùy mỵ coi cho được con mắt.
Nhưng chưa bao giờ Sung giới thiệu ai với chúng tôi bằng cái giọng tin tưởng đanh thép như vậy. Tôi hỏi cô ta :
- Tại sao cô quen với Sung ?
Cô ta đanh đá trả lời lại :
- Tại sao lại không quen ?
Ông Văn phá lên cười một cách vô duyên trơ trẽn, tôi chỉ muốn xô ghế đứng dậy vào phòng không thèm tiếp nữa, nhưng chợt nghĩ đến Sung nên tôi phải dằn xuống.
Cô ta cũng chẳng có vẻ gì là say mê tha thiết đến Sung lắm, hay là cô ta giả bộ vậy chăng ? Tại sao Sung không để cho tôi cái quyền chọn vợ cho Sung, nhưng để cho tôi thì chắc suốt đời Sung sẽ không bao giờ có bạn, có vợ. Mà Sung cần gì phải có vợ, người đàn ông lấy vợ là để được yêu chiều, để có người săn sóc. Mình tôi săn sóc chưa đủ hay sao ? Kim đâu như đang đâm vào gan phổi, cảm giác quái dị, mầu sắc đang nhẩy múa trong đầu óc. Tôi ghen chăng, sao lại ghen, quyền gì mà ghen ?

(còn tiếp)
PC
#9 Posted : Tuesday, March 25, 2008 1:34:58 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Chào lá xếp, Rose
Không biết lá xếp là người nhà hay độc giả hâm mộ của nhà văn Minh Đức Hòai Trinh? Trước đây nhóm PNV có in tuyển tập, đã không liên lạc được với nhà văn để xin bài của bà.

chungsinh
#10 Posted : Thursday, March 27, 2008 12:41:02 AM(UTC)
chungsinh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1
Points: 0

[
lá xếp
#11 Posted : Thursday, March 27, 2008 1:02:41 AM(UTC)
lá xếp

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 34
Points: 0

quote:
Gởi bởi PC

Chào lá xếp, Rose
Không biết lá xếp là người nhà hay độc giả hâm mộ của nhà văn Minh Đức Hòai Trinh? Trước đây nhóm PNV có in tuyển tập, đã không liên lạc được với nhà văn để xin bài của bà.





Kính chào chị PC
Trước hết lx xin cám ơn tất cả những ai đã thành lập và đóng góp vào PNV, với những bài viết và sưu tầm có giá trị. lx thích đọc những gì các chị viết, cả những trao đổi hàn huyên của các chị với nhau nữa.
lx là người nhà của nhà văn MDHT.
Phi Lễ là một tác phẩm của bà, nhưng chưa bao giờ được in thành sách, chỉ được đăng trên báo Thời Nay ngày xưa, và được chụp lại đóng thành tập. Nay chữ trên tập sách ấy đã mờ nên lx "phát tâm" đánh máy lại cho bà, với sự đồng ý của bà, dĩ nhiên.
Nếu chị có muốn liên lạc với bà, xin cho lx biết.
thân mến
lx
PC
#12 Posted : Thursday, March 27, 2008 5:51:41 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Chào lá xếp,

PC nhớ là có đọc Phi Lễ rồi, chỉ không nhớ đọc ở đâu. Vậy ra là PC đọc ở Thời Nay à.

Nếu lá xếp là người nhà của nhà văn thì thật là hân hạnh. Vậy lá xếp có thể xem giùm lại bản tiểu sử trên coi có cần bổ túc hay không? Lá xếp có thêm hình ảnh của nhà văn và có những kỷ niệm, những tin tức liên quan đến đời sống của nhà văn cần ghi chép lại không?. Tất cả điều này sẽ vô cùng hữu ích cho việc sưu tập tiểu sử và văn nghiệp của Minh Đức Hòai Trinh.

Thân ái,



oc huong
#13 Posted : Thursday, March 27, 2008 6:06:23 PM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

Ốc Hương cảm phục và cám ơn tấm lòng vì văn chương của Lá Xếp.
Lòng kính yêu của OH đối với nhà văn cũng như phóng viên Minh Đức Hòai Trinh luôn tràn đầy từ 40 năm nay.
Cho OH gởi đến bà những lời chúc an vui.
OH
ductriqueanh
#14 Posted : Thursday, March 27, 2008 6:27:29 PM(UTC)
ductriqueanh

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,295
Points: 345
Location: Westminster, CA

Was thanked: 10 time(s) in 9 post(s)
Chào chị lx
Chị lx cho dtqa gửi lời kính thăm nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, đã lâu lắm lắm rồi không có dịp giữ liên lạc. Nhớ hồi đó... (coi vậy mà đã gần 10 năm), dtqa ra mắt sách lần đầu tiên năm 1999, qua sự giới thiệu của nhà văn Quyên Di đã được nhà văn MĐHT nói cho vài lời, dtqa lúc nào cũng nhớ và cảm kích điều này.
lá xếp
#15 Posted : Friday, March 28, 2008 3:41:52 AM(UTC)
lá xếp

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 34
Points: 0

lx rất vui và cám ơn các chị PC, Ốc Hương và ductriqueanh đã viết thư cho lx và nhớ đến bà MDHT. Để lx nói cho bà MDHT biết lòng ưu ái của các chị đối với bà, chắc chắn là bà sẽ rất cảm động và rất vui. lx thấy phụ nữ chúng ta bây giờ nhiều người viết văn và viết rất hay, nên tự hỏi không biết các vị đi trước có còn được "ái mộ" nữa không?

Chị PC ơi, những gì viết trong quyển sách “Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh” đã khá đầy đủ... vả lại, tuy hình đăng trên diễn đàn xưa thật đấy, nhưng...

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
bất hứa nhân gian kiến bạch đầu,

phải không chị...

lx
linhvang
#16 Posted : Friday, March 28, 2008 5:09:46 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
RMS:
VĂN NGHIỆP và CUỘC ĐỜI
MINH ĐỨC HOÀI TRINH


Tổ chức tại: TRUNG TÂM SINH HOẠT VI VO Số 2260 Quimby Rd., San Jose, CA 95122
Tel: 408-532-7755, Chủ Nhật, ngày 6-4-2008, từ 1 giờ trưa đến 5 giờ chiều.
Sự hiện diện của quý vị là niềm vinh dự và khích lệ lớn lao cho tác giả và ban tổ chức.
Trân trọng kính mời.
Xin bấm vào link dưới đây để biết thêm chi tiết của buổi RMS này:
http://www.phunuviet.org...ge=2&TOPIC_ID=3040#73787
PC
#17 Posted : Friday, March 28, 2008 5:30:50 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
THIỆP MỜI
VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI
KHU VỰC TÂY BẮC HOA KỲ

Trân trọng kính mời:................................................
..................................................................................
..................................................................................
Vui lòng đến tham dự Buổi Ra Mắt tuyển tập thơ văn:
BÚT HOA 4
Gồm 35 tác giả và
VĂN NGHIỆP và CUỘC ĐỜI
MIMH ĐỨC HOÀI TRINH

Tổ chức tại: TRUNG TÂM SINH HOAT VI VO Số 2260 Quimby Rd., San Jose, CA 95122
Tel: 408-532-7755, Chủ Nhật, ngày 6-4-2008, từ 1 giờ trưa đến 5 giờ chiều.
Sự hiện diện của quý vị là niềm vinh dự và khích lệ lớn lao cho tác giả và ban tổ chức.
Trân trọng kính mời.
TM Ban Đại Diện Khu Vực Tây Bắc Hoa Kỳ

Chủ tịch Hoàng Xuyên Anh
Điện thoại liên lạc:
- Hoàng Xuyên Anh 925-685-9553
- Vũ Gia Sắc: 408-554-2578
- Đoàn Bỉnh Viên: 408-956-0225
- Võ Thạnh Văn: 408-504-7273
- Du Sơn Lảng Tữ: 415-810-2192
CHƯƠNG TRÌNH

1:00 PM
- Chào đón quan khách
- Nghi thức chào quốc kỳ, mặc niệm
- Giới thiệu quan khách
- Lời chào mừng và tuyên bố lý do của Ban tổ chức: Nhà thơ Hoàng Xuyên Anh.
- Giới thiệu tác phẩm Bút Hoa 4: Nhà văn Nguyễn Thiếu Nhẫn.
- Giới thiệu Tác Phẩm Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh: Nhà thơ Cao Mỵ Nhân.
- Giới Thiệu Minh Đức Hoài Trinh: Nhà văn Nguyễn Quang
- Giới thiệu 35 tác giả: Nhà thơ Trường Giang
- Phát biểu cảm tưởng: Nhà báo Huỳnh Lương Thiện.
- VĂN NGHỆ : Ban nhạc Nguyễn Hữu Tân, nhạc sĩ Vân Trang cùng các nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ miền Bắc California trình diễn.
- MC: Bích Ty, Võ Thạnh Văn


Chị LV,
Đọc thư mời trên đây PC không rõ tác phẩm "Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức Hòai Trinh" do ai biên soạn?





oc huong
#18 Posted : Friday, March 28, 2008 7:01:44 PM(UTC)
oc huong

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,180
Points: 0

Nếu OH nhớ không lầm thì tác phẩm Văn Nghiệp và Cuộc Đời MĐHT là do chồng bà biên soạn.
lá xếp
#19 Posted : Friday, March 28, 2008 11:00:28 PM(UTC)
lá xếp

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 34
Points: 0

Chị PC, chị OH ơi
Dạ phải, còn ai trồng khoai đất này !!!
lx
PC
#20 Posted : Saturday, March 29, 2008 7:11:21 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
Gởi bởi lá xếp
lx thấy phụ nữ chúng ta bây giờ nhiều người viết văn và viết rất hay, nên tự hỏi không biết các vị đi trước có còn được "ái mộ" nữa không?


Không biết ai khác thì sao chớ PC thì lúc nào cũng có cảm tình với các người viết văn, những người yêu mến văn chương và tận tụy với chữ nghĩa. Nếu không có các bậc tiền bối thì kẻ hậu sinh làm sao có kinh nghiệm để tiếp tục con đường cầm bút (bây giờ thì gõ keyboard). Chắc lá xếp cũng thuộc trong giới bút nghiên?





Users browsing this topic
Guest
2 Pages12>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.