Phép hành văn.
Thưa các bạn.
Từ lâu Meta có ý định biên khảo về thuật viết văn. Không phải chỉ riêng Anh Văn mà chung cho cả Việt Văn nữa. Mặc dù hầu hết những tài liệu giáo khoa được rút ra từ trường đại học Oxford và cuốn Business English ấn bản thứ tư của giáo sư Keith Slocum và một số tài liệu khác trên liên mạng, bài biên khảo này không chỉ đơn thuần dịch thuật.
Đã có rất nhiều tác phẩm dịch thuật hiện bày bán trên các tiệm sách Việt Ngữ viết về thuật viết văn, trong đó có đủ các phần quen thuộc như văn phạm, phép đặt câu và sau cùng là thuật hành văn. Tại sao Meta lại phải làm một việc xét ra có vẻ vô ích vì trong kho tàng sách báo trong và ngoài nước, chúng ta đâu có thiếu những tác phẩm loại này, và Meta đâu có tài giỏi gì hơn những dịch giả khác mà hy vọng rằng sẽ có sự vuợt trội?
Thưa các bạn. Nếu các bạn có quen một văn gia Anh Ngữ gốc Việt, đặt câu hỏi rằng: Thưa ông hay thưa bà, ông hay bà có rút đuợc chút kinh nghiệm, kiến thức gì về qua các sách vở dịch thuật từ các cuốn sách giáo khoa dạy Anh Văn của ngoại quốc hay không? Chắc chắn họ sẽ trả lời rằng không. Tất cả vốn liếng Anh Văn họ có đuợc qua những công trình học hỏi từ trường học, vốn rất khó khăn ngay cả với những người Anh, Mỹ mà vốn là người Việt Nam, họ gặp biết bao trở ngại về nghe, hiểu bài giảng và làm quen với nếp suy tưởng xa lạ, cách diễn tả tư tuởng ấy bằng những quy tắc, bằng những thói tục lại còn xa lạ hơn nữa: Anh ngữ. Ta không lấy làm lạ rằng những cuốn sách dịch thuật không giúp gì được cho những người Việt Nam học Anh Văn mà cũng chẳng lấy làm lạ khi thấy rằng không có mấy độc giả Việt Nam chịu bỏ tiền mua những loại sách đó .
Bài viết này không nhằm mục đích giúp những người sinh đẻ tại Mỹ, đã từng theo học các lớp từ mẫu giáo lên đến trung học theo chương trình giáo dục chính thức tại các cơ sở giáo dục Mỹ mà chỉ dành riêng cho những người đã có trình độ trung học tại Việt nam, biết đọc, biết viết những nhật ký, những lá thư cá nhân, những bài luận văn đơn giản giống như Meta thuở mới qua Mỹ.
Đã là người Việt Nam không có năng khiếu ngoại ngữ, Meta mất 5 năm trời ở bên Mỹ mới có thể mở miệng bập bẹ đuợc một câu đủ để cho người Mỹ hiểu và thêm 5 năm nữa mới có thể viết được một câu văn ngắn đủ được đánh giá là không sai về mẹo luật, Meta biết những người Việt Nam chúng ta cần gì và không cần gì trên con đường học hỏi về Anh ngữ. Đã từng đặt bút viết một câu văn đơn giản như: “ Kính thưa cha mẹ, kể từ khi lên đường ra nước ngoài, cho đến bây giờ con mới thu xếp được chút ít thì giờ viết vài dòng, trước là để vấn an sức khỏe, sau là bộc bạch tất cả nỗi nhớ thương của một người con, không có được diễm phúc kề cận, hầu hạ, chăm nom cho cha mẹ trong lúc tuổi già sức yếu ....”, bạn đã am hiểu thế nào là các loại từ như danh từ, tĩnh từ, túc từ, trạng từ v.v... và các chức năng, cách vận dụng nó trong một câu văn. Các cuốn sách Việt Ngữ dịch thuật từ các tài liệu giáo dục ngoại quốc không hiểu như thế. Họ nhắm vào các em học sinh hay ít ra họ thiết tưởng rằng những người như chúng ta, phải bỏ tất cả mọi kiến thức về Việt Văn, để có thể học Anh ngữ. Họ bắt đầu từ những điều chúng ta đã biết rồi như định nghĩa loại từ (words), chức năng và cách dùng trong câu và thế là, mất kiên nhẫn, chúng ta gập sách lại, lắc đầu : “Chẳng có gì mới lạ!”
Meta đã từng đọc được một câu ở đâu đó, nói rằng: “ Sự thông thái bắt đầu từ khi loài người bắt đầu biết gán cho mỗi sự việc, sự vật một cái tên.” Thật thế, hãy tưởng tượng khi loài người còn ăn lông ở lỗ, ta đã có tiếng nói để trao đổi thông tin. Để mô tả nơi mỗi đêm cả gia đình hay bộ lạc quây quần bên đống lửa nằm ngủ, hẳn ta phải nói rất lâu để cho người nghe có thể hiểu đấy là cái nhà trước khi con người ta đặt tên cho cái chỗ hằng đêm nằm ngủ ấy là cái nhà. Lâu dần, người ta đặt tên cho thực phẩm, cho cuộc đi săn, cho con mồi, cho bất cứ những gì liên hệ đến đời sống. Danh từ, động từ, tĩnh từ, trạng từ v.v... lần lượt ra đời và được sử dụng hàng ngày trong tiếng nói trước khi có chữ viết. Khi dòng nhân văn ngày càng sinh động, văn minh phát triển cùng với khoa học, kỹ thuật, những từ ngữ mới cũng lũ luợt ra đời để đáp ứng nhu cầu truyền đạt, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức, văn phạm hình thành và ngày càng uyển chuyển, phức tạp ngõ hầu quán triệt mọi sự vật, nhất là những sự vật có tính cách trừu tượng . Cầm một sản phẩm thô sơ như đôi đũa tre trong tay, ta không thấy bao nhiêu từ dùng mô tả về nó ngoại trừ tre, vót, dài, thô và cùng lắm, đẹp, xấu, xơ, nhẵn v.v... Nếu bạn là người thợ làm đũa, bạn biết rằng bạn cần có nhiều, rất nhiều từ hơn để truyền nghề cho những kẻ mới học việc, đặc biệt những từ chuyên môn nói về những công đoạn khó khăn nhất, dễ bị hư hỏng nhất trong nghề như : cật tre, lõi tre, mối mọt, dằm đâm vào tay, cong, vô bao, nhãn hiệu dán lệch v.v... Mỗi khó khăn như thế đều phải trả giá nên bạn cần có tiếng lóng nghề nghiệp để gọi nó, ví dụ đũa dài ngắn không bằng nhau gọi là đũa xi cà que(giả dụ thế), đũa cong gọi là đũa lé ... Từ ngữ phát triển và văn phạm cũng phát triển theo. Việc diễn đạt tư tưởng, kiến thức, kinh nghiệm ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Văn minh, nhờ vào đôi hia bảy dặm của ngôn ngữ, ngày càng tiến xa hơn.
Hiểu được như thế, việc đầu tiên khi đặt bút viết bài này, Meta phải xây dựng một hệ thống tên gọi sao cho không phải chỉ là cái tên đại diện cho sự vật muốn nhắc nhở, lại càng không phải cái tên dịch ra từ tiếng ngoại quốc, vừa lạ tai vừa khó nhớ vì tên mới của khái niệm mới luôn khó nhớ, mà là cái tên hàm chứa một ý nghĩa rất Việt Nam, vừa ngắn gọn để được mệnh danh là cái tên, vừa nói lên ít nhiều về bản chất của nó, do đó, dễ quen tai, quen trí.
Trong văn chương Việt Nam, học về mỹ từ pháp, nói về các phép hoa mỹ trong văn chương, ta cũng có tên gọi như điệp ngữ, điển cố, tỷ giảo, ẩn dụ, thậm xưng v.v... thì trong Anh Văn, cũng có những phép tương đương để gọi. Điều này vốn giản dị nhưng ngoài ra, có những thủ thuật hành văn trong Anh Ngữ cần có một tên gọi, và có rất nhiều thuật như thế, đáng để cho chúng ta sắp xếp thành một hệ thống tên gọi để tiện khảo sát. Các tên Meta đặt ra chỉ được dùng trong bài này và không được dùng chính thức trong các học liệu từ trước đến nay . Để tiện đối chiếu, các tên gọi ấy đều được đóng ngoặc bằng nguyên văn Anh Ngữ. Nếu các bạn nào không bằng lòng với tên gọi ấy, xin tùy tiện đặt tên khác. Tuy vậy, đặt tên khác đi rất dễ làm toàn bài bị xáo trộn vì nó là cả một hệ thống tên gọi, được nhắc lại nhiều lần trong bài. Cách hay nhất vẫn là tạm bằng lòng những tên gọi Meta đặt, đọc xong và hiểu nó đã trước khi tự các bạn đặt những cái tên mới và có thể, phải viết lại toàn bài bằng những cái tên tự các bạn sáng chế. Hoặc giả, tốt nhất, chấp nhận hoàn toàn hệ thống tên gọi Meta đặt.
Thuật viết văn trong bài này được chia thành 3 phần chính là Ngữ pháp (tức là văn phạm), Cú pháp (tức là cách đặt câu) và văn pháp (phép hành văn dùng ngữ pháp và cú pháp).
Nếu chúng ta thường thấy cùng là xe nhưng có loại mắc tiền, có loại rẻ; nếu chúng ta thấy dù cố gắng cách mấy, đôi khi chúng ta hát rất hay nhưng cũng có lúc hát dở; nếu văn chúng ta thường viết mỗi ngày, dù đã vận dụng văn phạm, mỹ từ pháp giống như những văn sĩ lão luyện, vẫn không thể nào bì kịp họ… chắc chắn nó có nguyên do của nó. Nhưng thường thường chúng ta không nhận ra cái nguyên do ấy, và bằng lòng với cái tình trạng trung bình khó giải thích ấy.
Trong trường hợp chiếc xe, dĩ nhiên, xe nào cũng để chuyên chở, và xe nào cũng đẹp khi còn mới, nhưng cái thế ngồi (ergonomics), cái giàn nhún, tiếng nổ, cái nệm xe, ngay cả giàn âm thanh stereo v.v… tạo nên sự khác biệt. Trong thuật viết văn cũng vậy, chúng ta chú trọng ngữ pháp (văn phạm nhưng xin gọi là ngữ pháp trong bài này), mỹ từ pháp (ẩn dụ, lập thừa, tỷ giảo, thậm xưng, nghịch hợp v.v…Chính mỹ từ pháp quá nhiều sinh sáo ngữ hay nghèo ý tưởng) và chỉ nhiêu đó thôi, chúng ta tưởng là đủ để viết văn. Chúng ta quên một điều quan trọng, đó là cú pháp hay gọi là phép lập câu, tạo sắc thái cho mỗi đoạn văn thích hợp. Không thể tả một buổi chia ly não lòng giống như tả một lễ hội tưng bừng, không thể lột được cái uất hận của kẻ bị áp bức bằng giọng văn …tường thuật bóng đá được. Một bài văn có nhiều đoạn, mỗi đoạn nói về một khung cảnh không gian, thời gian, sự việc, nhân vật khác nhau, cần đổi những giọng khác nhau trong văn pháp. Cái đó gọi là cú pháp. Nó tạo sắc thái cho mỗi chương. Cái sắc thái khác nhau của mỗi đoạn văn tạo sinh động mà ta hay gọi là sự lôi cuốn. Nó khiến độc giả đọc ngấu nghiến, đọc xong mà còn tiếc vì quá ngắn.
Bài này phân tích về cú pháp. Chỉ riêng cú pháp mà thôi. Xin đừng quên, mỗi văn sĩ nổi tiếng còn tạo cho mình một bút pháp riêng, nhưng đó là chuyện khác không bàn ở đây.
Như đã nói ở trên, đã học qua bậc tiểu học, chúng ta không xa lạ gì với loại từ như danh từ, động từ, tĩnh từ, trạng từ ... nên Meta không nhắc đến. Điều này rút ngắn việc học Anh Văn rất nhiều. Tuy nhiên, người Việt chúng ta hay lẫn lộn giữa giới từ và liên từ nên Meta xin nói qua về nó, bảo đảm các bạn nắm vững nó trước khi bước qua phần khảo sát về ngữ pháp, cú pháp và văn pháp. Các thí dụ được in nghiêng và đôi khi được tô đậm cho dễ phân biệt với bài viết.
Giới từ (Prepositions):
Những từ như at, in, on và between là giới từ. Một giới từ là chữ nối một danh từ hay đại danh từ với toàn câu (hay nối một câu với một danh từ, đại danh từ.) Nó chỉ sự liên hệ giữa danh từ hay đại danh từ với chữ khác trong câu. Danh từ hay đại danh từ mà giới từ làm trung gian để nối với chữ khác được gọi là túc từ (object) của giới từ ấy:
of Ohio – Ohio là túc từ của giới từ of.
at the time – Time là túc từ của giới từ at.
in the room – room là túc từ của giới từ in.
on the way – way là túc từ của giới từ on.
between you and me – you and me là túc từ của giới từ between.
Lưu ý rằng danh từ không đổi từ chủ từ sang túc từ nhưng đại danh từ khi đóng vai trò túc từ phải ở thể túc từ. Trong câu thí dụ cuối, you and me chứ không phải you and I vì nó là túc từ chứ không phải chủ từ. Vài thí dụ viết thành câu văn đầy đủ:
The folder are in the desk.
The folder are behind the desk.
The folder are under the desk.
The folder are near the desk.
The folder are across the desk.
Dưới đây là liệt kê một số các giới từ thông dụng. Đừng học thuộc lòng nhưng học cách nhận dạng nó là giới từ:
about, above, across, after, against, along, around, at, before, behind, below, beneath, beside, besides, between, beyond, but, by, concerning, down, during, except, for, from, in, inside, into, like, near, of, off, on, over, regarding, respecting, since, through, throughout, till, to, toward, under, underneath, until, up, upon, with, within, without.
Thêm vào đó có những từ gồm nhiều chữ được gộp thành 1 nhóm dùng như giới từ như:
apart from, as for, as regards, as to, by way of, contrary to, devoid of, from beyond, from out, in addition to, in place of, in reference to, in regard to, in spite of, instead of, on account of, to the extent of, with respect to.
Tóm lược, để phân biệt giới từ khác với liên từ ra sao, ta chỉ cần biết rằng nó luôn đứng trước túc từ vì nó làm nhiệm vụ kết nối câu văn với túc từ. Bây giờ qua phần liên từ vì người Việt chúng ta hay lẫn lộn liên từ với giới từ.
Liên từ (Conjunctions):
Một liên từ cũng dùng để nối một chữ hay một tư tưởng với một chữ hay tư tưởng khác. Trong phần giới từ, Meta đã định nghĩa : Một giới từ là chữ nối một danh từ hay đại danh từ với toàn câu. Vậy thì nó khác gì với liên từ? Nó khác nhiều lắm.
Một liên từ không chỉ nối 2 hay nhiều ý tưởng; nó còn chỉ sự liên hệ giữa những ý tưởng. Ví dụ:
I applied for a loan, (and, but) my application was turned down.
I applied for a loan, (and, but) my application was approved.
Một cách rõ ràng, để diễn tả đúng ý nghĩa câu 1, ta phải dùng chữ but, vì nó ở thể phủ định, trái ngược hẳn với mệnh đề I applied for a loan ở thể xác định. Trong câu 2 ta phải dùng chữ and vì cả 2 mệnh đề đều ở thể xác định. But dùng cho sự trái ngược, and dùng cho sự đồng thuận.
Cách dùng trong câu văn đơn (simple sentences):
Liên từ không những nối 2 mệnh đề mà còn nối hai từ nữa . Đây là có chủ từ tập hợp (compound subject), nó nối 2 danh từ:
Snow and sleet fell.
và đây là câu văn có động từ tập hợp (compound verb), nó nối 2 động từ:
Snow fell and froze.
Cách dùng trong câu văn tập hợp (compound sentences):
Bây giờ khảo sát kỹ câu này :
Snow fell and sleet froze.
Nó là câu văn tập hợp vì có 2 mệnh đề nối với nhau bằng liên từ and. Trong câu văn tập hợp, liên từ nối 2 hay nhiều mệnh đề độc lập (trọn nghĩa) gọi là liên từ đẳng lập (coordinate conjunction) vì nó ngụ ý những mệnh đề nối với nhau đó có tầm quan trọng ngang nhau. Những liên từ đẳng lập thông dụng:
and, but, for, in case, so, yet
và đi thành cặp như :
either ..... or : Either you work harder, or you leave.
if ..... then: If you want then you can go.
neither ..... nor: We want neither sympathy nor charity.
both ..... and: The true leader is both self-confident and humble.
not only ..... but also: We want you not only to visit our office but also to inspect our plant.
whether ..... or: Whether you act now or wait is a matter of great concern.
as ..... as: he is as tall as his father.
so ..... as: She is not so tall as I had thought.
Cách dùng trong câu văn kép (complex sentences):
Hãy khảo sát câu thí dụ dưới đây:
We have received no shipments since the snow fell.
Since nối mệnh đề chính với mệnh đề phụ. Không những kết nối, nó còn diễn tả mệnh đề phụ lệ thuộc vào mệnh đề chính như thế nào . Xem thêm 3 thí dụ nữa làm sáng tỏ mối liên hệ này:
The principle decided to close the school because the road conditions were hazadous.
I must complete this report before I can go home.
Patti intends to continue working until the project is finished.
Trong 3 thí dụ trên, những liên từ được dùng thuộc loại liên từ hạ thuộc (subordinate conjunction) vì khi thêm vào mệnh đề chính, nó biến mệnh đề trọn nghĩa thành mệnh đề không trọn nghĩa, cần có một mệnh đề chính để nương vào cho đủ nghĩa. Ví dụ:
Snow falls là mệnh đề trọn nghĩa nhưng:
If snow falls ...
When snow falls ...
Although snow falls ...
In case snow falls ...
đều cần thêm một mệnh đề nữa cho trọn nghĩa.
Các liên từ hạ thuộc thông dụng gồm:
after, although, as, as if, as soon as, because, before, even if, even though, except, if, in order that, notwithstanding, on condition that, otherwise, provided, since, so that, supposing, than, that, though, unless, until, when, whenever, where, whereas, wherever, whether, while, why ...
Tới đây ta có đủ căn bản cần thiết bước qua phần ngữ pháp mà ở Việt nam, ta quen gọi là văn phạm.
Ngữ pháp (Grammar):
Định nghĩa câu văn:
Câu văn hay là cốt lõi của văn phong. Chúng tạo sức đẩy, sự linh động, sức mạnh và nhịp điệu tinh xảo cho bài văn xuôi tẻ nhạt. Tính chủ yếu của những câu văn này là sự trong sáng, sự nhấn mạnh, sự xác đáng và đa dang. Vậy thì làm sao để đạt đuợc những phẩm tính này sẽ là sự quan tâm chính của phần này . Đầu tiên, chúng ta phải hiểu, trong một cách tóm gọn và thô sơ, câu văn là gì?
Không dễ nói đâu các bạn. Thực ra, không thể định nghĩa một câu văn mà ai cũng thỏa mãn. Trên mực độ đơn giản nhất, nó có thể đuợc mô tả là một nhóm chữ độc lập, bắt đầu bằng một mẫu tự viết hoa và kết thúc bằng một chấm câu, một dấu hỏi hay chấm than. Trong văn nói, sự ngắt câu đuợc diễn tả qua cách lên, xuống giọng hay tạm ngưng truớc khi sang câu khác.
Đó là một câu văn thông thuờng. Một câu văn tinh xảo còn bao gồm nhiều hơn là chỉ bắt đầu bằng viết hoa một mẫu tự và chấm dứt bằng một dấu chấm câu. Từ hay nhóm từ phải hữu lý, diễn tả một ý tuởng, nhận thức hay cảm xúc một cách rõ ràng, một cách đầy đủ để tự nó có thể đứng một mình mà không nhờ một vài câu khác hỗ trợ. Hãy xem xét 2 câu duới đây:
The package arrived. Finally.
Câu đầu : The package arrived gồm chủ từ và động từ . Câu thứ hai vỏn vẹn một trạng từ đuợc tách ra từ một động từ (arrived). Ý tuởng câu này có thể đuợc diễn tả trong 1 câu bằng nhiều cách như sau :
-The package finally arrived.
-The package arrived, finally.
-Finally, the package arrived.
Nhưng hãy tuởng tuợng tình trạng một diễn giả, một sọan giả muốn nhấn mạnh sự nghiêm trọng, cảm thấy “finally” nên là 1 câu riêng biệt.
Thí dụ đó cho thấy rằng có những câu chứa đựng chủ từ và động từ và những câu không có . Loại đầu “The package arrived” là loại văn phạm đầy đủ và thuộc về câu văn có dạng quy uớc trong phép đặt câu. Loại thứ hai “finally” không có chủ từ và động từ đuợc gọi là một câu thiếu (fragment). Câu thiếu thuờng gặp trong văn nói hơn văn viết nhưng ngay cả trong phép đặt câu chính thức, chúng cũng có một vị trí của nó, sẽ đuợc nói trong chuơng kế.
Câu văn đầy đủ:
Một câu văn đầy đủ là một câu trọn nghĩa (xin hiểu nghĩa độc lập là đứng một mình cũng đủ nghĩa), gồm một chủ từ và một thuộc từ và đuợc xây dựng hợp cách. Định nghĩa này hơi có vẻ ghê gớm vì khó hiểu nhưng thực ra thì không. Hãy luợc qua 3 tiêu chuẩn của nó.
1- Trọn nghĩa :
Một câu văn trọn nghĩa có nghĩa là những từ trong câu không đóng vai trò như danh từ, bổ từ (modifier, bổ nghĩa cho danh từ, gồm mạo từ, tĩnh từ, động danh từ …) hay động từ kết nối với bất cứ từ hay nhóm từ khác. Ví dụ , Harry was late là câu văn trọn nghĩa . Because Harry was late thì không trọn nghĩa. Because biến cả nhóm từ thành trạng từ (nói cho đúng hơn, một mệnh đề trạng từ) vì nó đuợc dùng để bổ nghĩa cho một mệnh đề khác. Ví dụ:
The men were delayed in starting because Harry was late .
(Thực ra, Because Harry was late không phải là câu văn trọn nghĩa không có nghĩa nó không thể đuợc coi như là một câu văn. Trong một ngữ cảnh nào đó, nó có thể đứng một mình. Nhưng nó sẽ là một câu thiếu (fragment).
Thêm một truờng hợp nữa. They failed to agree là một câu trọn nghĩa. That they failed to agree thì không. Nó là mệnh đề danh từ và có thể có chức năng như chủ từ của một động từ:
That they failed to agree was unfortunate.
Hoặc mang chức năng một túc từ như:
We know that they failed to agree.
2- Chủ từ và thuộc từ (subject and predicate):
Trái tim của một câu văn trọn nghĩa là chủ từ và thuộc từ. Theo nghĩa hẹp thì chủ từ là từ hay cụm từ giúp nhận ra câu văn nói về ai hay thuộc về cái gì và thuộc từ là động từ, diễn tả điều gì đó về chủ từ. Theo nghĩa rộng hơn, chủ từ bao gồm cả chủ từ lẫn bổ từ (modifiers) và thuộc từ gồm động từ, túc từ và các bổ từ . Ví dụ :
The man who lives next door decided last week to sell his house.
Theo nghĩa hẹp thì chủ từ là man và thuộc từ là decided nhưng theo nghĩa rộng thì chủ từ gồm The man who lives next door và thuộc từ gồm decided last week to sell his house.
Động từ trong một câu văn trọn nghĩa phải được xác định, đó là hạn chế trong khung cảnh thời gian, nguời hay số. Anh văn có vài dạng động từ không xác định gọi là phân từ (động từ đuợc chia, ví dụ being trong động từ to be) và bất định (ví dụ to be, động từ ở nguyên thể). Những động từ không xác định này có thể quy vào bất kỳ khỏang thời gian nào và có thể đuợc dùng với bất cứ ai hoặc với con số nào. Nhưng theo quy uớc những dạng không xác định này không thể tự chúng làm thành một câu. Vì thế, Harry was late là một câu có ngữ pháp đầy đủ, nhưng Harry being late thì không vì nó chứa đựng chỉ phân từ being thay vì một dạng xác định như was.
3- Đặt câu chính xác :
Mặc dù một nhóm từ trọn nghĩa (trọn nghĩa, không đóng vai trò mệnh đề phụ bổ nghĩa cho mệnh đề khác) chứa đựng một chủ từ và một động từ xác định, nó vẫn chưa đủ trở thành một câu văn đầy đủ ngữ pháp trừ khi nó đuợc ghép với nhau theo những quy luật. Quy luật ở đây không có nghĩa những điều lệ đuợc các chuyên gia tự ý đặt ra. Nó có nghĩa là chúng ta, tất cả chúng ta sử dụng Anh văn ra sao. Vì thế Harry late was không phải là câu văn đúng. Chúng ta không ghép chữ theo thứ tự đó. Duới đây là một thí dụ nữa về cách đặt câu sai mẹo luật:
Harry was late, and although he was sorry.
And chỉ có thể kết hợp các thành phần có ngữ pháp tuơng đuơng – Hai hoặc hơn các chủ từ của cùng một động từ. Truờng hợp này and nối kết hai cấu trúc bất tuơng xứng – Mệnh đề trọn nghĩa (chính) Harry was late và mệnh đề không trọn nghĩa (phụ) although he was sorry. Cách đặt câu có thể biến thành một câu văn hợp ngữ pháp bằng 2 cách duới đây:
Harry was late, although he was sorry (complex sentense, câu văn kép).
Harry was late, and he was sorry (compound sentense, câu văn đa hợp).
Nguyên liệu kiến trúc:
Những mảnh căn bản của một câu văn đúng ngữ pháp - Đó là chủ từ, động từ, túc từ và bổ từ (modifier, từ bổ nghĩa cho danh từ, gồm mạo từ, động danh từ, tĩnh từ, túc từ …). Những chỗ trống căn bản của một câu văn theo ngữ pháp - Đó là chủ từ, động từ, túc từ và bổ danh từ - và có thể đuợc điền thêm vào bằng nhiều loại từ, cụm từ(phrases) và những mệnh đề phụ, là những đơn vị kiến trúc của câu văn.
Cả hai cụm từ và những mệnh đề phụ là nhóm từ có chức năng (functional word groups) – hai từ hoặc nhiều hơn hai giữ vai trò một cách tập thể trong một chức năng ngữ pháp, như một chủ từ, cho ví dụ, hay túc từ trực tiếp hay trạng từ, vân vân . Nhóm từ có chức năng tối quan trọng. Chúng làm cho ta đối xử những ý tuởng quá phức tạp qua những từ ngắn gọn như thể chúng chỉ là một từ đơn lẻ. Hãy xem 2 câu này:
I know Susan.
I know that you won’t like that movie.
Susan là túc từ trực tiếp của know và “that you won’t like that movie” cũng là túc từ trực tiếp của know. Vì mục đích của ngữ pháp, 6 chữ trong ngoặc kép trên có chức năng như một danh từ riêng. Sự có thể sử dụng tột mức của nhóm từ có chức năng sẵn có trong Anh Văn rất thiết yếu trong thuật viết văn. Đây là một toát yếu:
Cụm từ (phrases):
Cụm từ là một nhóm từ không chứa một tập hợp gồm chủ từ, động từ xác định dù vài nhóm từ dùng những dạng động từ vô định. Ta có thể phân biệt 5 loại từ tổ hợp: động từ, giới từ, phân từ, động danh từ và vô định.
1- Cụm từ động từ là động từ chính cộng với bất cứ động từ phụ. Ví dụ:
They have been calling all day.
2- Một cụm từ giới từ gồm một giới từ (in, of, to và v.v…) cộng với một túc từ, cộng với một bổ từ của túc từ(thuờng là thế dù có biệt lệ):
Three people were sitting on the beautiful green lawn.
3- Chức năng chính của cụm từ giới từ là để bổ nghĩa như chức năng của tĩnh từ hay trạng từ . Một cụm từ phân từ đuợc cấu tạo quanh một phân từ, luôn trong dạng hiện tại (seeing, ví dụ) hay quá khứ phân từ (seen, không phải saw). Nó đóng vai một tĩnh từ :
The man running down the street seemed suspicious.
4- Cụm từ phân từ bổ nghĩa cho man. Một cụm từ động danh từ cũng dùng hiện tại phân từ (thêm ing) nhưng mang chức năng một danh từ, không bổ nghĩa cho từ nào cả. Trong thí dụ sau đây, cụm từ động danh từ của cụm từ động từ can be :
Running for political office can be very expensive.
5- Cuối cùng, một cụm từ vô định đuợc cấu tạo quanh một động từ nguyên thể (động từ chưa chia như to look, to smile). Cụm từ vô định có thể giữ vai trò như túc từ hay bổ từ. Sau đây cụm từ là túc từ trực tiếp của động từ, một chức năng danh từ:
They want me to go to medical school.
Đây là một tĩnh từ bổ nghĩa cho time:
We have plenty of time to get there and back.
Mệnh đề (clause):
Là một nhóm từ có chức năng chứa đựng một chủ từ và một động từ xác định (đã chia, không ở nguyên thể) Có 2 lọai mệnh đề căn bản - mệnh đề chính (độc lập) và mệnh đề phụ (phụ thuộc). Mệnh đề chính có thể đứng một mình thành câu. Thực ra một câu văn đơn giản như We saw you coming in là một mệnh đề độc lập. Nhưng luôn luôn, chuyên ngữ này đuợc dành riêng cho kiến trúc này khi nó xẩy ra như một phần trong một câu lớn hơn. Câu duới đây, thí dụ, gồm 2 mệnh đề độc lập:
We saw you coming, and we were glad.
Một mệnh đề phụ thuộc không thể đứng một mình thành một câu trọn nghĩa, xét theo ngữ pháp . Nó phục dịch như một phần của câu – như chủ từ, túc từ, tĩnh từ hay trạng từ . nếu chúng ta phải đặt when đằng truớc chỗ mở đầu mệnh đề trong thí dụ trên, ta biến nó thành một mệnh đề phụ thuộc (adverbial, mệnh đề trạng từ, bổ nghĩa mệnh đề chính).
When we saw you coming we were glad.
Nhóm từ “When we saw you coming” là mệnh đề trạng từ, nó bổ nghĩa cho mệnh đề “we were glad.”
Mệnh đề phụ thuộc cũng có thể giữ vai trò như một danh từ, hoặc là mệnh đề chủ từ như:
Why he went at all is a mystery to me.
Ở đây, Why he went at all đóng vai chủ từ của toàn câu.
Hoặc là mệnh đề túc từ như:
We know that she would be pleased.
Nhóm từ “that she would be pleased” làm túc từ cho mệnh đề chính “We know.”
Và như mệnh đề tĩnh từ:
The point that you’re trying to make just isn’t very clear.
Là mệnh đề tĩnh từ vì that you’re trying to make bổ nghĩa cho The point.
Câu phi ngữ pháp (Absolute):
Một câu phi ngữ pháp ý vị hơn một nhóm từ có chức năng nhưng không đầy đủ bằng một câu. Nó kết nối ý tuởng chứ không kết nối qua ngữ pháp, với mọi phần còn lại trong câu:
She flew down the stairs, her children tumbling after her.
Câu phi ngữ pháp này không có động từ (tumbling là động danh từ, không phải động từ) nên không thành câu xét theo ngữ pháp. Nó kể cho chúng ta tình trạng cùng xảy ra lúc nguời phụ nữ tất tả xuống lầu, nhưng nó không bổ nghĩa cho mệnh đề chính. Nó giản dị không phải một phần ngữ pháp thuộc về mệnh đề đó. (Chuyên từ absolute tiếng La Tinh có nghĩa “tự do”, “không hạn chế”).
Những loại câu văn cơ bản theo ngữ pháp:
Tùy vào số luợng và lọai mệnh đề chứa đựng, Câu văn ngữ pháp gồm 3 dạng:
Câu văn đơn:
Chứa đựng một quan hệ chủ từ - động từ (ví dụ: The children laughed). Luôn luôn một câu văn đơn chỉ có 1 chủ từ và 1 động từ, nhưng nó có thể có nhiều hơn mà vẫn là câu văn đơn nếu những chủ từ hay những động từ ấy bao gồm một nối kết duy nhất như trong câu :
The children and their parents laughed and we glad.
Trong câu này ta thấy các chủ từ đều hành động giống nhau trong các động từ .
Câu văn tập hợp (The compound sentence):
Câu văn đẳng lập gồm ít nhất 2 tập hợp chủ từ - động từ độc lập:
The children laughed, and their parents were glad.
Câu văn tập hợp thuờng có 3 mệnh đề, có khi 4, 5 mệnh đề độc lập. Theo lý thuyết thì không giới hạn. Trong thực tế, tuy nhiên, tất cả câu văn tập hợp chứa đựng chỉ 2 mệnh đề. Kết chuỗi một số nhiều mệnh đề độc lập với nhau chỉ làm cho câu văn thêm rắc rối.
Hai hay nhiều mệnh đề độc lập trong một câu văn tập hợp có thể nối kết với nhau bằng 2 cách : Một là Đẳng lập (coordination), nối kết mệnh đề bằng liên từ đẳng lập (nghĩa là đứng ngang hàng, coordination conjunction, liên từ nối các mệnh đề độc lập) – and, but, for, either … or, neither … nor, not only … but also, both … and:
The sea was dark and rough, and the wind was strong from the east.
Hai là Lân lập (parataxis, đứng bên cạnh) tức là nối kết các mệnh đề không dùng liên từ mà dùng dấu chấm phết (;) thay vào đó:
The sea was dark and rough; the wind was strong from the east.
Trong phần tiếp theo, chuơng Cú pháp, ta sẽ thấy 2 cách nối kết mệnh đề này không nhất thiết có thể tuơng đuơng với nhau . Đôi khi chấm phết đắc thế hơn dùng liên từ và đôi khi liên từ lại đạt hơn dấu chấm phết.
Câu văn kép (The complex sentence):
Một câu văn kép chứa đựng một mệnh đề chính và ít nhất một mệnh đề phụ thuộc. Thí dụ :
1- We saw that you were tired.
We saw là mệnh đề chính. That you were tired là mệnh đề phụ, bổ nghĩa cho mệnh đề chính.
2- Because the day was cloudy, they put off the picnic.
Câu truớc dấu phết là mệnh đề phụ, nó bổ nghĩa cho mệnh đề chính theo sau dấu phết.
3- I like the people who live next door.
Câu truớc dấu phết là mệnh đề chính, mệnh đề phụ theo sau dấu phết bổ nghĩa cho câu truớc dấu phết.
Trong một câu văn kép, mệnh đề độc lập đuợc gọi là mệnh đề chính và mệnh đề phụ thuộc - luôn đóng vai như một danh từ, trạng từ hay tĩnh từ - đuợc gọi là mệnh đề phụ . Dĩ nhiên một câu văn kép có thể chứa đựng nhiều mệnh đề phụ nhưng luôn luôn chỉ có 1 mệnh đề chính . Nhắc lại, chỉ 1 mệnh đề chính mà thôi. Loại mệnh đề này rất quan trọng trong phép hành văn, sẽ nói kỹ hơn trong chuơng kế tiếp, cú pháp (sentence styles).
Câu văn hỗn hợp (The compound – complex sentence):
Một câu văn hỗn hợp gồm có ít nhất 2 mệnh đề độc lập và ít nhất 1 mệnh đề phụ thuộc:
We thought that we would go, but we decied not to.
We thought và we decied not to là 2 mệnh đề chính của 2 ý tuởng riêng rẽ. That we would go là mệnh đề phụ bổ nghĩa cho mệnh đề we thought.
Tóm lược :
1- Một câu văn là một nhóm từ (đôi khi chỉ độc nhất 1 từ) mà tự mình nó trọn nghĩa.
2- Có những câu văn đầy đủ và cũng có những câu văn thiếu gọi là fragments.
3- Câu văn đầy đủ hay trọn nghĩa phải thỏa đáng 3 tiêu chuẩn: Chúng phải độc lập (trọn nghĩa) một cách hợp ngữ pháp, phải có chủ từ và động từ và phải đuợc ghép câu hợp ngữ pháp.
4- Những phần của một câu gồm: chủ từ, động từ, túc từ và bổ từ (modifier). Những phần này có thể là những từ đơn lẻ hay nhóm từ có chức năng (functional word groups).
5- Cụm từ có chức năng, theo ngữ pháp đóng vai như một chữ độc nhất. Chúng gồm tổ hợp từ (phrase) và mệnh đề phụ.
6- Một cụm từ (phrase) không chứa đựng một động từ xác định chủ từ, dù nó có thể có 1 chủ từ và 1 động từ ở dạng không xác định, hoặc phân từ( động từ đã chia) hoặc vô định (động từ nguyên thể).
7- Có vài loại cụm từ - Cụm từ động từ (verb phrases), cụm từ giới từ (prepositional), Cụm từ phân từ (participial), cụm từ động danh từ (gerundive) và cụm từ vô định (infinitive).
8- Mệnh đề có thể độc lập hay phụ thuộc. Chỉ mệnh đề phụ giữ vai trò các nhóm từ có chức năng.
9- Mệnh đề phụ đuợc phân loại theo vai trò ngữ pháp của chúng như mệnh đề phụ danh từ, mệnh đề phụ trạng từ hay mệnh đề phụ tĩnh từ.
10- Một câu phi ngữ pháp (absolute) nhiều ý nghĩa hơn nhóm từ có chức năng nhưng kém nghĩa hơn một câu trọn nghĩa. Nó có liên hệ đến ý tuởng nhưng không liên hệ theo ngữ pháp với tất cả phần còn lại trong câu.
11- Câu văn ngữ pháp có 3 loại cơ bản: đơn (simple), tập hợp (compound) và kép (complex).
Bây giờ ta sang phần thú vị hơn : Cú pháp.
Cú Pháp (Sentence Styles):
Chuơng vừa rồi ta xác định 3 loại câu văn ngữ pháp – đơn, tập hợp và kép – Thêm vào đó là câu văn thiếu (fragment), dù thiếu nó vẫn có thể là một câu văn. Từ những loại này, ta rút ra đuợc 7 loại cú pháp: Phép biệt lập pháp (The segregating style), Phép đa lập ( The freight-train style), Phép tích lũy (The cumulative style), Phép cộng lập (The parallel style), Phép cân đối (The balanced style), Phép hạ thuộc (Subordinating style) và một lần nữa – Câu văn cộc (Fragment style).
Bởi vì chuơng này có thể ứng dụng vào văn chương Việt Nam, Meta xin phép dùng song ngữ trong các thí dụ cho tiện đối chiếu.
Ta cần biết một cách rõ ràng 2 điểm truớc khi bắt đầu: Thứ nhất, không cú pháp nào tự chúng trội hơn hoặc tệ hơn cái nào. Mỗi phép tạo vài tác dụng tốt nhưng kém đi trong những vài tác dụng khác. Thứ hai, những cú pháp này không tuơng phản nhau, nghĩa là có thể dùng lẫn lộn. Thực ra một văn sĩ có tài vận dụng tất cả mọi cú pháp.
1- Phép biệt lập (The segregating style):
Đúng nghĩa nhất, biệt lập cú là một câu có ngữ pháp đơn giản, diễn tả một ý tuởng độc nhất. Phép biệt lập gồm một chuỗi liên tục các câu đơn giản. Trong thực tế phép này hiếm khi giam hãm vào phát biểu gồm chỉ một ý tuởng đơn giản vì nó gây đơn điệu, nhàm chán. Thay vào đó, phép biệt lập bao gồm những câu ngắn, dễ hiểu mặc dầu có vài truờng hợp không đơn giản mặt ngữ pháp. Đây là 1 bài phê bình mô tả công việc của một văn sĩ:
He writes, at most, 750 words a day. He writes and rewrites. He polishes and repolishes. He works in solitude. He works with agony. He works with sweat. And that is the only way to work at all.
Beverly Nichols.
Dịch :
Ông viết, ở tột điểm, 750 chữ một ngày. Ông viết và viết nữa. Ông gọt và giũa . Ông làm việc với đơn độc. Ông làm việc với thống khổ. Ông làm việc với mồ hôi. Và đó là cách duy nhất để làm việc không còn cách nào khác.
Đoạn văn trên cho thấy câu văn dùng phép biệt lập rất đắc dụng. Những câu ngắn rất mạnh và đuợc lập lại, những phẩm tính phù hợp một cách chính xác cho chủ đích của Nichols. Ông ta muốn nhấn mạnh rằng viết văn thuờng...