Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Registered Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 5,668 Points: 25 Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
|
Nhân danh Đức Thế Tôn
Dương Thu Hương (Bài viết nhân ngày sinh của Phật tổ Như Lai năm Đinh Hợi), Aug 01, 2007
Người ta có quyền làm gì khi nhân danh Đức thế Tôn?
Tôi không rõ đã từng có ai đặt ra câu hỏi ấy hay chưa?....
Tôi cũng không hiểu các Phật tử chính thức có quan tâm đến vấn đề này hay nó chỉ làm băn khoăn những ai đứng bên ngoài cánh cửa nhà chùa và tìm hiểu đạo Phật theo cách thức không chuyên nghiệp?....
Tuy nhiên, tất thảy mọi nghi vấn đều chẳng mảy may quan trọng. Chúng ta, những con người tự do, có quyền biểu đạt suy nghĩ của mình một cách tự do....Tôi, một người viết văn, ngưỡng mộ đạo Phật và các đấng sáng tạo ra tôn giáo này theo cách thức riêng, ứng dụng các giáo lý cũng theo mục tiêu riêng, với một niềm tin riêng, một tình yêu riêng biệt, tôi tự thấy câu hỏi này là một trong những băn khoăn cốt lõi của nhân sinh, trước hết của những ai đang đứng chơ vơ giữa một bùng-binh, nơi giao thoa các ngả đường của các tôn giáo lớn.
Câu hỏi này không nảy sinh một cách ngẫu nhiên. Nó là hệ quả của một thời gian suy ngẫm trước các hiện tượng tôn giáo khác. Từ năm 1994, khi bắt gặp ngày hội “Bánh Mới” trên đất Pháp, tôi đã tự đặt ra một nghi vấn ảm đạm trước khái niệm: Niềm tin. Những ai có chung nghiệm sinh này ắt hẳn hiểu được tâm trạng hoang mang, bấn loạn của tôi khi thấy những người cùng thờ chung Đức Chúa có thể tiến hành một cuộc chiến tranh tàn khốc đến như thế, một hình thức nội chiến trong thế giới những người có đức tin.
Trước mắt chúng ta, hiển nhiên là cuộc sống của những người theo đạo Tin Lành thời đó không dễ dàng. Những kẻ bị dồn lên núi cao, sống trong những pháo đài hơn là những ngôi nhà với các bức tường dày một thước, cửa sổ hẹp chỉ vừa đủ để chĩa súng bắn trả đối phương, quanh năm ăn bánh mì khô vì các lò bánh mì không thể hoạt động thường xuyên trước sự tấn công của những người Catholic.Vì lý do ấy, năm một lần, người ta tự chúc mừng nhau khi được hưởng một thứ hạnh phúc hiếm hoi: Ăn bánh mới! Chỉ căn cứ vào chi tiết này, với phương pháp liên tưởng, chúng ta có thể hình dung ra phần còn lại trong cuộc sống của dân Tin lành. Họ phải kéo dài cuộc sinh tồn trong chiến tranh liên miên, cuộc chiến tranh ấy kéo dài hàng thế kỉ.
Không hiểu rằng Đức Jesus ở trên các tầng trời thăm thẳm có thấu cho cuộc huynh đệ tương tàn này chăng? Hoặc ngài thiếu phương tiện để truyền đạt những ý tưởng của mình tới đám con chiên, hoặc ngài tự thấy bất lực trước họ? Hoặc những người Tin lành và Catholic chỉ mượn ngài làm cớ để biện minh cho lòng hiếu thắng và các tham vọng trần tục khác giấu mặt che hình sau niềm tin tôn giáo? Hoặc là ý chí độc tôn “Chúa của tao xịn hơn Chúa của mày” khiến hai giáo phái khác nhau quyết làm cho máu chảy đầu rơi nhằm áp đặt “phương thức cắt nghĩa và tôn vinh Chúa” của họ lên những người đồng loại?
Dù lý do nào chăng nữa người ta cũng nhìn thấy một cảnh tượng đau lòng diễn ra dưới bóng cờ tôn giáo. Rằng nếu Chúa răn dậy các con chiên rằng họ phải thương yêu những người đồng loại như thương yêu chính bản thân mình thì những lời giáo huấn của ngài đã bị gió cuốn bay và trên cõi nhân sinh, xung quanh các nhà thờ mà hình ảnh ngài bị đóng đinh câu rút được treo ở vị trí quan trọng nhất như Người cứu rỗi bất tử và vĩnh cửu, các cuộc chém giết vẫn xảy ra dưới cái nhìn buồn thảm của ngài. Ban ngày và ban đêm, các cuộc truy kích, bắt cóc, hãm hiếp, cướp bóc, phóng hoả đốt trang trại và rừng cây, giết ngựa, đầu độc cừu bò, v.v... tất thảy những hành động man rợ đó xảy ra giữa những con chiên của hai giáo phái. Tất cả đều Nhân danh Chúa lòng lành...
Để có cái nhìn rành rẽ và đầy đủ hơn về vấn đề này, tôi không cần liệt kê những cuộc chiến tranh tôn giáo mà các vị mũ cao áo dài ở thành Rome đã tiến hành trong lịch sử. Tôi cũng không muốn nhắc lại sự kiện Giáo hội đã tra khảo, hù doạ, kết án để buộc Galilée phải khuất phục. Cũng chính Giáo hội đã thiêu sống Bruno, người đồng thời với Galilée, chỉ vì con người can đảm này khẳng định trên mạng sống của ông rằng trái đất hình cầu... Những sự kiện quan trọng ấy luôn luôn là những ngọn đèn pha rọi sáng đêm đen lịch sử khi con người hiện đại nhìn lại phía sau lưng. Chúng cũng là những bằng chứng thuyết phục khiến nhân loại khẳng định và tiếp tục khẳng định lại giá trị căn bản của nhà nước thế tục (lạque). Bởi có quá nhiều đầu rơi và máy chảy, có quá nhiều cuộc chém giết si cuồng đã được chế tạo bởi cỗ máy khổng lồ vận hành theo nguyên lý: Niềm tin.
Cái gì là niềm tin?....
Khó thay cho ai muốn trả lời câu hỏi oái oăm này...
Tôi quay lại với một nhận xét của Phật tổ Như Lai: Thế giới hiện diện theo cảm thức của con người. Con người tin ở những điều họ muốn tin. Thế kỉ XX là thế kỉ rõ ràng nhất minh chứng cho lý thuyết đó. Một nửa nhân loại đi dưới bóng cờ Karl Marx, người Cứu rỗi vĩ đại mới. Lần này, thay vì cuộc tranh chấp giữa Tin Lành và Catholic , là cuộc chiến tranh giữa hai ý thức hệ trái chiều. Hành tinh chia đôi. Những hoạt động gián điệp và lật đổ xuyên lục địa thay cho các cuộc đầu độc gia súc hoặc cướp phá. Vũ khí nguyên tử được sử dụng như phương tiện hăm doạ hiệu lực nhất thay cho giàn hoả thiêu của Giáo hội La mã thời xưa. Người ta không thể chọn vị thế trung dung trong cuộc Chiến tranh lạnh vĩ đại nhất lịch sử nhân loại, hoặc ở bên này hoặc ở bên kia, muốn hay không họ cũng buộc phải gia nhập cuộc chiến tàn khốc đó. Sau rốt, khi ông thánh rậm râu Karl Marx ngã ngựa cùng lúc bức tường Berlin sụp đổ, các nhà thống kê học có thể hoàn thành bản liệt kê vô tiền khoáng hậu: Số người bị tàn sát trong các trại tù Staline và quần đảo Goulag nhiều hơn tổng số người toàn thế giới chết trong đại chiến II. Riêng Trung Hoa, số người chết trong cuộc Cách mạng văn hoá lên đến gần bốn mươi triệu. Việt nam, tiểu quốc được dùng làm bình phong thịt cho hệ thống ưu việt Xã hội chủ nghĩa, đã tự nguyện nướng một chục triệu dân con của mình trong cuộc đối đầu với Đế quốc Mỹ, để làm vui lòng các đấng đàn anh, và để được vinh danh: Tiền đồn của chủ nghĩa cộng sản...
Bởi những trải nghiệm đau đớn và những mất mát trong tuổi thanh xuân của chính mình, tôi buộc phải nhìn cho rõ tấn kịch bi thảm của dân tộc Việt trộn lẫn trong tấn bi kịch chung nhân loại. Khi người ta nhân danh một Niềm tin, người ta không dừng tay trước bất cứ hành vi tàn nhẫn nào, người ta có thể chế tác mọi loại hình tội ác dưới ánh sáng huyền ảo của đền đài, nơi thờ phụng những ông thánh có da có thịt (như Karl Marx) hoặc các đấng toàn năng siêu hình. Nếu ông thánh vô hình hài, nhân diện của ông ta sẽ được chính các môn đồ sáng tạo. Theo nguyên lý chung, mọi tạo phẩm của nhân loại đều phản chiếu gương mặt lẫn tâm hồn của chính bản thân họ. Nếu ông thánh ấy có da có thịt, người ta sẽ cố quên đi phần người của ông để siêu phàm hoá phần giáo lý, bởi giáo lý là tiếng vang, là tấm gương phản chiếu những ước muốn thầm kín trong con tim họ. Đó là trường hợp đã xảy ra với Karl Marx. Tên tuổi ông thánh này được nối dài bởi tên tuổi những Lénine, Staline, Mao trạch đông, Hồ chí Minh... tuỳ theo sự khác biệt địa lý và những bức xúc của nòi giống. Chuỗi tên tuổi này, tới lượt chúng, được chế tác bởi muôn ngàn những nguỵ tạo, những lớp lang dối trá, những tấn tuồng lịch sử mà cho đến tận lúc này bóng tối dày đặc vẫn bao phủ hậu trường.
Chỉ cần lùi lại một quãng cách thời gian, chỉ cần suy ngẫm lại với đôi chút tinh thần khách quan những gì đã xẩy ra trong thế kỉ XX, chúng ta có thể lật đi lật lại vấn đề xung quanh danh từ đầy huyễn hoặc và có tính chất dối lừa định mệnh: Niềm tin!
Nhưng tiếc thay, điều đó có vẻ như quá khó khăn đối với đám đông. Nhu cầu có một niềm tin luôn luôn mạnh hơn tất thảy những nhu cầu khác trong kiếp người. Sức mạnh này, đôi khi dẫn đến sự đánh mất mình, sự u mê không thể cắt nghĩa, sự độc ác vô lý do... nói cách khác, một sự tàn hoại đạo đức vô ý thức vô trách nhiệm bởi nó được biện minh bởi niềm vui: Nhân danh Thượng đế! Để minh chứng cho Sự hoan hỉ tội lỗi này, tôi xin quay trở lại một sự kiện đã xảy ra trên đất Ấn Độ, một quốc gia lớn, dân chủ, phát triển mạnh sau ngày thoát khỏi chế độ thuộc địa Anh. Người ta cho rằng Ấn Độ là một cường quốc khả thể cạnh tranh với phương Tây cũng như với Trung quốc ngày nay.
Vào tháng 2 năm 2002, những người cuồng tín Hindou đã hãm hiếp và giết hàng nghìn người Muslim. Tổ chức quốc tế ONG (Internation initiative for Justice in Gujarat) đã liệt kê khoảng 2000 người chết. Tổ chức này, bất chấp những cản trở của chính quyền đương thời ở Gujarat đã gặp gỡ 180 người đàn bà và 136 người đàn ông theo đạo Hồi, trong bảy khu vực khác nhau, để có thể nhận biết được một cách thực sự những gì đã xảy ra trên một xứ sở được coi là văn minh và dân chủ.
Nhân loại kinh hoàng khi được biết rằng hàng nghìn người đàn bà Muslim đã bị hãm hiếp với phương thức thú vật không thể diễn tả bằng lời, các bộ phận sinh dục của họ bị cắt xẻo bằng các dụng cụ thô sơ nhất và với cách thức tàn độc chưa từng nghe thấy trong lịch sử nhân loại, rằng những đứa bé vừa sinh ra và những đứa trẻ khác buộc phải chứng kiến những màn hãm hiếp, tra tấn man rợ ấy và sau đó, đa phần những đứa bé ấy bị giết ngay trước mắt cha mẹ chúng. Trong lúc thực thi loại sân khấu bẩn thỉu khủng khiếp này, những người Hindou nhân danh “Một Thượng đế toàn năng – Au nom de Dieu tout-puisant”, và họ nhấn từng lời vào tai các nạn nhân: “Cút về Pakistan, vì cớ gì chúng mày ở trên đất của người Hindou?”. Tổ chức ONG cũng cho biết thêm: Vị thủ tướng Narendra Modi chính là kẻ kích động và bao che những người Hindou cực đoan, chính quyền của ông ta đã gây ra mọi ngăn trở cho các tổ chức quốc tế khi tiến hành điều tra tội ác này, trơ trẽn yêu cầu các nhà báo hãy quên đi và nhắm mắt lại....
Nhân danh một Thượng đế toàn năng để xẻo vú và băm nát cửa mình những người đàn bà?
Nhân danh Tính ưu việt và sự thiêng liêng của một Thượng đế để ném những đứa bé vào lửa hoặc bắt chúng phải chứng kiến những màn hãm hiếp tra tấn rùng rợn như vậy?
Có lẽ mọi trí tưởng tượng đều thua xa hiện thực. Và sự tàn khốc của cuộc sống luôn luôn vượt qua khả năng của các nhà văn. Trong trường hợp này, những người Mulsuman, một thiểu số phải chịu đựng sự đàn áp của một đa số Hindou. Luật pháp quay lưng đi đối với họ. Thượng đế, nếu có thật, không mỉm cười với kẻ yếu! Đáng buồn thay!
Tuy nhiên, không phải tất thảy những người Musulman đều có chung thân phận với các nạn nhân ở Gujarat. Cùng thời điểm đó, những người anh em Musulman của họ trên hành tinh cũng gây ra không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh, không biết bao nhiêu cuộc khủng bố, không biết bao nhiêu cuộc tra tấn tàn khốc và man rợ, những hành vi không thể diễn tả được bằng lời, mà nạn nhân là những kẻ ngoại đạo: Những kẻ ngoại đạo, phải giết chúng đi! Với chỉ thị này, mọi thứ tội ác đều được biện minh bởi quà tặng của Thánh Allah. Mọi hành vi man rợ nhất đều được phép bởi con người mong chờ những đền bù xứng đáng, những phần thưởng hậu hĩ trên thiên đường. Như thế, con đường dẫn đến nơi ấy quả là không sạch sẽ. Trong một cuộc điều tra do tổ chức Pew Global Atitudes Projectthực hiện năm 2002, 91% dân Nigéria và 76% dân Bangladesh mong muốn sự tham dự của các quan chức tôn giáo trong quyền lực chính trị. Cũng vậy, một cuộc điều tra khác năm 2004 cho biết tuyệt đại đa số hoặc một đa số tương đối người Marocains, Saoudiens, Jordaniens, Emirats arabes coi Islam như yếu tố đầu tiên trong nhân cách của họ. Nói một cách thành thực, những con số này quả là đáng lo ngại cho nền hoà bình của hành tinh. Quyền lực tôn giáo là thứ quyền lực vượt ra mọi khuôn khổ lý trí. Điều này đã được lịch sử chứng minh. Đa số những cuộc nội chiến ở phương tây đều bắt nguồn bởi nguyên nhân tôn giáo. Sự thiếu vắng một quyền lực tuyệt đối trong thế giới tâm linh của những người theo đạo Islam đã dẫn đến 34 cuộc nội chiến (trong số 42 cuộc nội chiến xảy ra trên toàn cầu kể từ năm 1940 – tài liệu của Courrier international- Hors série-avril-mai 2007). Trong số 34 cuộc chiến tranh này, có 9 cuộc chiến tranh ngay giữa những “Anh em Musulman”, những người cùng đứng dưới bóng cờ của Thánh Allah, cùng coi kinh Coran như bảng chỉ dẫn sinh tồn duy nhất. Khi đọc những con số này, tôi liên tưởng tới những năm đã lùi xa, những năm mà nửa phần nhân loại phất cao ngọn cờ hồng, bước lên đường thánh chiến vì chủ nghĩa Marx. Tôi hình dung lại cái nửa phần nhân loại mà tôi đã từng hiện diện ở trong đó, hiện diện một cách bắt buộc, bởi sinh ra trong một xứ nghèo nàn, bị nguyền rủa và đày đoạ. Tôi rùng mình khi nghĩ đến Niềm tin. Liệu có ích gì khi những niềm tin dẫn con người bước thẳng xuống địa ngục? Phải chăng, định mệnh con người là lầm tưởng, và mọi niềm tin chẳng qua chỉ là thứ trang sức đẹp đẽ để nguỵ tạo những gì người ta đòi hỏi cho chính bản thân họ, một thứ lợi ích hoặc vật chất hoặc tinh thần, hoặc cầm nắm đo đếm được tức khắc như những thoi vàng hay những xếp tiền hoặc được hứa hẹn bù trả vào một ngày nào đó trong tương lai? Cuối cùng, căn do của mọi niềm tin đều tựa trên hai yếu tố: Cung và Cầu. Nhân loại cầu xin, và Thượng đế hứa sẽ cung cấp cho họ thứ mà họ cần, với điều kiện là...
Đây mới là vấn đề cốt lõi: VỚI ĐIỀU KIỆN....
Thượng đế vô hình hài. Thánh thần ẩn hiện trong mây mù hoặc sương núi. Không ai nhìn rõ các vị ấy. Không ai có thể nghe rõ lời họ. Còn các điều kiện cụ thể lại được các quan chức trong các bộ máy tôn giáo quy định. Quyền lực trung gian này xô đẩy nhân loại vào bất cứ ngả đường nào họ muốn. Đó là kịch bản cổ xưa. Đó cũng vẫn là kịch bản bây giờ. Chỉ nhìn vào những cuộc tàn sát liên miên giữa người Chiites và người Sunnites ở Irak là đủ hiểu.
xxx
Bây giờ, trở lại với vấn đề của chúng ta: Nhân danh Đức Thế Tôn, chúng ta có thể làm được những gì?...
Dường như quá đỗi khó khăn để mà so sánh.
Bởi nếu như coi tôn giáo là một sức mạnh siêu tuyệt chinh phục con người, có thể điều khiển con người một cách vô điều kiện thì đạo Phật chắc chắn sẽ đứng bên lề của sự thông tục ấy. Bao nhiêu năm đã qua, nhưng những người theo phái Tiểu thừa không thể cầm gươm đao chống lại phái Đại thừa, bởi Như Lai cấm sát sinh. Cùng một nguyên lý, những người theo phái Mật Tông không thể chỉ trích hay bài bác phái Thiền Tông vì giáo lý nhà Phật coi Ngã mạn là một trong những duyên cớ gây ra đau khổ cho bản thân con người cũng như đồng loại, cần phải tiêu diệt. Có thể coi chính Như Lai là tấm gương triệt để về sự loại bỏ Ngã mạn này. Ngài không bao giờ đề cập đến một Thượng đế toàn năng siêu hình, hoặc sự Sáng thế. Ngài từ chối tự xưng là bậc Lãnh đạo tâm linh và chỉ định người nối ngôi sau khi qua đời cho dù có muôn vàn đệ tử. Ngài cũng không bao giờ yêu cầu các Phật tử phải giữ lòng “Trung thành với đấng bề trên – allégeance” của mình, điều mà các tôn giáo khác coi như điều kiện tiên quyết. Đức Thế Tôn cương quyết chống lại sự tư biện siêu hình về tâm linh con người cũng như về thế giới. Phải chăng ngài đã lường trước những tai hoạ có thể xảy ra khi con người nhân danh một vị thần vô hình vô diện để thực thi tất thảy những dục vọng thế tục ; cái thực tế buồn thảm suốt hai ngàn năm qua đã được chứng nghiệm trên hành tinh?
Như thế, chúng ta chẳng thể nhân danh Đức Thế tôn để hành hạ những người khác, để hãm hiếp họ, tàn sát họ... tóm lại, để thoả mãn cái bản năng hiếu chiến, thứ bản năng xa xưa từ thời hồng hoang đã tồn tại trong chúng ta và là kẻ đồng hành tiềm ẩn có thể thức dậy bất cứ lúc nào một khi chúng ta lơ là cảnh giác. Như thế, chúng ta cũng không thể nhân danh Đức Thế Tôn để thực thi cuộc ganh đua với các tôn giáo khác, để chứng tỏ tính ưu việt của đạo Phật, và qua sự tranh giành thắng bại ấy, thoả mãn cái Ngã mạn của chính bản thân mỗi chúng ta, bởi chúng ta thuộc về một “Tôn giáo xịn, một tôn giáo vượt bực...”. Bởi vì, mọi sự ganh đua đều xuất phát từ Ngã mạn hoặc Đố kị. Và Đố kị, theo giáo lý nhà Phật cũng là một trong các nguồn gốc gây đau khổ cho con người, cần loại bỏ.
Tóm lại, chúng ta chẳng thể nhân danh Như Lai để làm điều gì tổn hại đến tha nhân. Ngược lại, ngài yêu cầu chúng ta quay lại nhìn vào chính mình, nhìn một cách kiên trì, bình tĩnh, dùng phép thiền định để trợ giúp, nhìn một cách chăm chú, tận tâm tận lực cho đến thời khắc thấu hiểu thân phận của chính mình: Con người thường xuyên là tù nhân của các ảo giác. Con người là nạn nhân của mọi sự lầm tưởng. Thế giới vây quanh họ cũng như bản thân họ chỉ là những vật thể mong manh, quay đảo không ngừng, biến đổi vô hạn độ. Phía sau ngoại diện của những vật thể tưởng chừng như chắc chắn, vĩnh cửu chỉ là sự lắp ghép các hình bóng và tất thảy đều có thể tan rã trong giây phút như các quân bài trong trò chơi puzzle.
Đức Thế Tôn cũng dạy rằng nếu cần so sánh, chúng ta có thể tự ví như con ruồi khốn khổ mắc trong tấm lưới dục vọng, chúng ta giãy dụa trong bể tình ái, kiêu mạn, thù hận hay ghen tị. Những xúc cảm của chúng ta vô hình vô ảnh nhưng chúng nghiền nát chúng ta như tấm bê-tông của cỗ xe lăn nghiền nát những viên cuội nhỏ trên mặt đường. Rằng thế giới vật chất bao quanh con người cũng như con người tồn tại trong một dòng chảy triền miên, trong sự phụ thuộc ràng rịt lẫn nhau và trong sự đổi thay không ngưng nghỉ. Rằng con đường dẫn đến sự giải thoát (au détachement suprême – nirvana) của mỗi cá nhân phải do chính họ chọn lựa và thực thi, nhưng không ngoài nguyên tắc tự giải phóng khỏi những thứ cảm xúc và ý nghĩ tiêu cực như lòng tham, sự thù ghét và những ước vọng lừa dối. Một khi chúng ta thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực ấy, chúng ta cũng thoát khỏi sự thất vọng, sự sợ hãi, sự hờn oán, sự buồn tủi... tất thảy những chiều kích của khổ đau.
xxx
Để kết luận cho bài viết này, tôi cần nhắc lại rằng tôi không phải một Phật tử theo nghĩa cổ truyền hay chính thức. Tôi là người tranh đấu cho nền dân chủ của dân tộc. Tôi không từ bỏ mục đích ấy. Tôi không nương thân trong cửa chùa và không làm công việc tuyên truyền cho đạo Phật. Nhưng trên tư cách một nhà văn, tôi trình bày, cố gắng trình bày một cách khách quan nhất những gì quan sát được. (Cần phải cố gắng vì một khi yêu đạo Phật, tôi sẽ dễ dàng sa chân vào sự kì thị các đạo khác, có cái nhìn thiên lệch với các tôn giáo khác. Con người luôn luôn là kẻ thù của chính mình. Tôi tự nhắc để không quên nguyên lý đó !).
Điều lạ lùng là hơn một thập kỉ qua, dấn thân trong cuộc đấu tranh, tôi đã nương nhờ giáo lý nhà Phật để tự cứu mình, để có đủ sức mạnh bước trên con đường gai góc, để không ngã gục vì khiếp sợ hay cô đơn. Nói một cách chân thành, tôi là người chịu ơn Đức Thế Tôn cũng như các tông đồ của ngài cho dù tôi đi chệch khỏi con đường chính thống. Đức Phật dạy thiền chứ không khích lệ con người tranh đấu. Tôi luôn luôn là con người tranh đấu, nhưng tâm hồn tôi nương dưới bóng cây cờ phướn nhà chùa.
Cũng trên con đường tranh đấu ấy, tôi hiểu rằng Đức Thế Tôn chính là Người Đau khổ, một trong những người đau khổ nhất của lịch sử nhân loại. Đau khổ, không chỉ vì những khó khăn trên đường tìm chân lý, ví như giai đoạn tu khổ hạnh, khi ngài ở trần và chỉ ăn một lần mỗi tuần lễ, không cạo râu và không tắm, ngủ trong các nghĩa trang, nằm trên các bộ xương khô khiến thân thể queo quắt suy nhược, những đứa bé chăn bò nhổ lên mặt ngài, đái lên thân ngài, đẩy ngài ngã xuống đất và ngoáy các cọng cỏ cứng vào lỗ tai ngài...
Không! Không! Không! Tôi không đánh giá quá cao những đau đớn thân xác. Nhưng tôi tin rằng sức tàn phá ghê gớm nhất thuộc về những đau khổ tinh thần. Những giằng co, xung đột của suy tưởng, cuộc chiến không ngưng nghỉ của các ngờ vực, băn khoăn, day dứt. Các dòng ý nghĩ tuôn chảy như nước lũ, bốc cháy như lửa, xé rách óc não với thứ răng nhọn của loài sói... Những luồng suy tưởng ấy hành hạ ngài. Thứ đau đớn bất khả diễn đạt. Đức phật Như Lai, trong hành trình tìm đường cứu nhân loại thoát khỏi nỗi đau khổ, chắc chắn đã phải chịu muôn lần nỗi đau khổ ấy. Ngài là một trong những người đau khổ vĩ đại nhất của hành tinh. Thứ đau khổ siêu việt. Đau khổ vì nỗi đau của người khác!
xxx
Từ ngày sống trên đất Pháp, không biết bao lần tôi nghe nói câu này: “Ồ, đạo Phật hay ho thật nhưng đó không phải là tôn giáo. Nó chẳng mang lại những ích lợi cụ thể... Phải chăng đó là một thứ triết lý sống hoặc đạo đức?”
Triết lý hay đạo đức học? Quan trọng chi? Biên giới giữa các danh từ thường nhù nhoà bất khả phân định. Các danh từ không giống như những khu vườn trồng xoài hay trồng táo để chúng ta có thể dùng cột gỗ hay dây thép gai mà chia cắt rạch ròi. Một hệ thống tư tưởng, dù dưới hình thức nào cũng có sức mạnh trợ giúp con người nếu nó thực sự là nguồn sáng.
Có thể vào một ngày nào đó, có người sẽ nói với các bạn như họ đã từng nói với tôi: “Nếu đạo Phật là một tôn giáo, tôn giáo của các vị thuộc về thiểu số”.
Vâng, quả thực số tín đồ của đạo Phật chỉ là một thiểu số so với tín đồ các đạo khác. Theo thống kê gần nhất, số tín đồ Catholic chiếm 17% dân số hành tinh, Hindu là 13,3%, trong khi tín đồ đạo Phật chỉ là 5,9 %.
Nhưng nếu lấy số lượng để cân đong, đo đếm, tôi xin phép được đặt lại một câu hỏi: “Vào những năm đen tối của cuộc đại chiến II, khi nước Pháp bị quân Hitler xâm chiếm, một bộ phận người Pháp đã lập chiến khu kháng cự lại phát-xít, gương mặt tiêu biểu của những người trung kiên yêu nước này là tướng Charles de Gaulle. Vậy những người kháng chiến Pháp cộng với tướng De Gaulle chiếm thiểu số hay tuyệt đại đa số trên tổng số dân Pháp, nếu đơn thuần thực hiện phép thống kê?”
Không, tôi không ca ngợi đạo Phật để tìm vinh danh vì “bấu vào một tôn giáo xịn”, nhưng tôi hiểu căn nguyên khi những cái đầu vĩ đại của phương Tây như Nietsche, Schopenhaueur, Spinoza... quay nhìn Buddha với sự ngưỡng mộ. Tôi cũng không tin rằng vì buột miệng, vì một phút bốc đồng bất khả kiểm soát mà Albert Einstein tuyên bố rằng:
“Nếu có một tôn giáo xứng đáng với thế kỉ XXI, tôn giáo ấy là đạo Phật”.
Paris, ngày 21/05/2007 (Trích đăng lại từ DCVOnline)
|