Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

2 Pages12>
Dương Thu Hương
tienmacdoa
#1 Posted : Wednesday, October 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0



DƯƠNG THU HƯƠNG



sinh năm 1947
tại Thái Bình Bắc Việt
hiện sống tại Việt Nam
tốt nghiệp khóa 1 trường viết văn Nguyễn Du
cùng với Xuân Quỳnh, Nguyễn Duy, Bằng Việt...
Giải nhất truyện ngắn của báo Văn Nghệ Hà Nội

tác phẩm :

Chân Dung Người Hàng Xóm (truyện đầu tay)
Bên Kia Bờ Ảo Vọng (truyện dài)
Những Thiên Ðường Mù (truyện dài)
Tiểu Thuyết Vô Ðề

tienmacdoa
#2 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:16:50 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 2:47 am

http://www.phunuviet.org...acpham.asp?articleid=290
tienmacdoa
#3 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:18:09 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 2:53 am
Tiêu đề: Tiểu luận Dương Thu Hương

Bài này Ai muốn đọc xin vào đây:
http://calitoday.com/new...c6f7ab648fda4cc427486727
tienmacdoa
#4 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:19:25 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 2:59 am
Tiêu đề: Phỏng Vấn Dương-Thu-Hương

Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn do biên tập viên Ðinh quang anh Thái thực hiện:

- Kicon: Với tính cách là một người dân đang sống tại Hà Nội, và hơn thế nữa là một nhà văn, bà nghĩ gì về chuyến viếng thăm của tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton vào tháng ngày thứ Sáu 16 tháng 11/2000 này ?

- Nhà văn Dương Thu Hương: Tôi là người đang sống ở Hà Nội, nhưng tôi lại là người đang sống ngoài xã hội này, vì tôi là một người phản kháng chứ không phải là một nhà văn bình thường. Từ năm 1991 đến nay, sách của tôi bị cấm in và tôi bị cấm làm việc ở xứ sở của tôi. Nói cách khác, tôi là kẻ bị lưu đầy tại chỗ. Thế cho nên, khi hỏi cảm tưởng của tôi thì có lẽ nó hơi riêng biệt, không giống như những nhà văn đang hành nghề và sống trong guồng máy của nhà nước. Còn nếu như muốn hỏi tâm trạng của một người phản kháng, một người sống ngoài lề xã hội này, sống ngoài lề guồng máy của chính phủ này, nhưng vẫn quan tâm đến dân tộc và đất nước thì tôi phải nói rằng, việc ông Clinton sang đây là một cơ hội hết sức thuận lợi cho đất nước này. Trước tiên là cho nhân dân, cho sự phát triển kinh tế và các mối bang giao với thế giới.

Giữa nước Mỹ và nước Việt Nam có một trang sử hết sức đau buồn. Trang sử đó, tôi nghĩ rằng, về cả hai phía đều có những nhầm lẫn, đều có những điều chưa được thấu hiểu. Bên ngoài, khi nhìn vào cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi nghĩ rằng có nhiều điều thực sự chưa được thấu hiểu một cách rõ ràng và chuẩn xác. Bản thân nhân dân Việt Nam là những người sống trong xã hội cộng sản, bị thống trị dai dẳng bởi chính sách ngu dân và bưng bít thông tin, nên càng không hiểu tính cách đa chiều hoặc những suy nghĩ của nhân loại, nhất là những góc cạnh khác để nhìn về cuộc chiến tranh đã qua.

Tôi nghĩ rằng, ông Clinton qua đây, ngoài cái dịp như ông tuyên bố là phát triển kinh tế và nhân quyền, là hai điểm hết sức căn bản với người dân Việt Nam, tôi nghĩ rằng đây cũng là một dịp để người Mỹ và người Việt Nam nhìn lại cuộc chiến một cách chuẩn xác hơn, và nhìn lại trách nhiệm của mình, nhìn lại sự đưa đẩy của lịch sử cũng như sự dấn thân của họ trong trò chơi đẫm máu và buồn thảm đó. Hai bên đều có phần đáng buồn, đáng tiếc và để tìm ra chân lý thì đây là một cơ hội tốt để những người Việt Nam nào còn suy nghĩ một cách chính xác về tương lai của dân tộc thì sẽ nhìn lại quá khứ để mà soi rọi lại, đánh giá lại tất cả những giá trị mà vẫn đinh ninh là đúng. Bởi vì tôi vẫn nghĩ rằng tất cả mọi sự đinh ninh đều mang sẵn những sự nhầm lẫn.

- Hỏi: Trong trường hợp có sự gặp gỡ giữa bà và nhân vật lãnh đạo Hoa Kỳ, bà sẽ nói gì với tổng thống Bill Clinton ?

- Nhà văn Dương Thu Hương: Tôi sẽ nói với ông Clinton đúng như những gì tôi đã từng nói với các nhà báo quốc tế. Bởi vì tôi là người không có tham vọng chính trị, có nghĩa là không bao giờ tôi mơ ước làm một chức sắc gì cả, cho nên các chức sắc đối với tôi thì họ cũng bình thường thôi. Tôi không thấy gì quan trọng cả.

- Hỏi: Về phương diện nhân quyền tại Việt Nam, nếu gặp tổng thống Bill Clinon, bà sẽ phát biểu như thế nào ?

- Nhà văn Dương Thu Hương: Tôi sẽ phát biểu đúng như tôi đã nói với các nhà báo quốc tế rằng, vấn đề nhân quyền là vấn đề số một của Việt Nam hiện giờ. Tình trạng tăm tối mùa lòa về thông tin, rồi cái quá trình sống mà chưa bao giờ được trải nghiệm bài học về dân chủ, rồi một cái lịch sử dài tăm tối bị những cái gọi là "chân lý", tức là những cái ý kiến, những quan niệm do nhà nước áp đặt, tất cả những cái đó đã trở thành một hệ thống tư tưởng, một hệ thống nhận định tăm tối và lệch lạc. Phải có một cơ hội rõ ràng và chuẩn xác để cho người ta nhìn lại. Mà muốn như thế thì phải có dân chủ và dân quyền. Vì vậy, tôi nghĩ chuyến đi của ông Clinton mà ông ấy đã nói với các nhà báo là có hai mục tiêu (nếu tôi không lầm) là thứ nhất là phát triển kinh tế và thứ hai là củng cố cho một dân tộc chưa hiểu nhân quyền, chưa được hưởng nhân quyền có cơ hội hiểu biết và đòi nhân quyền, chuyến đi này rất là quan trọng, vì nó sẽ là cơ hội rất tốt để cho nhiều người Việt Nam so sánh giữa một người lãnh đạo ở một nước tự do với những nhà lãnh đạo của một hệ thống cộng sản. Cộng sản là sự pha trộn giữa một chế độ độc tài và chế độ phong kiến.

(Courtesy of Kicon.com)
tienmacdoa
#5 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:20:31 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 3:03 am
Tiêu đề: Tự Do Ảo - Khoảng Sinh Tồn Của Ngòi Bút

Dương Thu Hương
Tự do là ngọn lửa đầu tiên thổi bùng những đám cháy cách mạng. Cũng là cơn hồng thủy cuối cùng dìm tắt những đám cháy ấy. Trong tất thảy những khát vọng của nhân loại, không khát vọng nào tập hợp được một đám đông vĩ đại như khát vọng tự do. Từ Spartacus tới Ghandi, từ những hình thức đối lập với những chiều kích đa dạng nhất của cuộc đấu tranh cho quyền sống con người đều vang vọng bài ca tự do. Trong vang vọng ấy người ta thấy bụi cát mịt mù cuốn theo con đường dài dặc của lịch sử, thấy diện mạo một nhân loại nhọc nhằn đau khổ lo âu sợ hãi khắc khoải phẫn nộ tha thiết điên cuồng tàn ác và sau rốt mệt mỏi u sầu vào những hoàng hôn trống vắng.

Không khát vọng nào phải trả giá đau đớn hơn tự do. Không thách đố nào khắc nghiệt hơn tự do. Người ta vừa thèm khát vừa khiếp sợ nó.

Phải chăng tôi đã lặp lại ở đây những ý tưởng cũ mèm ?... Chắc hẳn với phương tây, tự do như một mệnh đề sẵn có, như cây cột đèn, như bảng hiệu ở góc phố, không ai còn chú ý tới. Tôi nói đây lời mê sảng của cõi bùn lầy. Nơi tự do còn là giấc mơ chính ngọ. Ám ảnh. Không buông tha. Xin hãy cho tôi lặp lại tiếng gọi của tự do âm vang trong những tâm hồn đói khát.

Với chúng tôi, tự do như kiếp nhân sinh có lịch sử riêng. Nó không hiện diện thường trực cùng nhân loại như kẻ đồng hành. Hạt giống tự do gieo rắc khắp nơi, nhưng không đồng đều và đồng nhất. Ở nơi này, nó mọc thành rừng rậm, nơi kia là những bụi gai cằn lụi hay đám cỏ leo. Với dân tộc này tự do cuồn cuộn chảy trong huyết mạch. Với dân tộc khác nó chỉ là cơn mưa thoáng qua trong khung trời tù đọng. Phải chăng lòng khát khao tự do cũng là một tố chất quan trọng cấu tạo nên các nền văn hóa và các bản sắc dân tộc ?... Cho dù chưa hẳn như thế, người ta vẫn tìm trong các trang sử bóng dáng ngọn cờ tự do như một tiêu chí không thể lảng tránh để định vị sự hình thành phẩm chất người và tính cách quốc gia.

Trong bất cứ xã hội nào, loại người cần tới tự do trước tiên là những người làm văn chương nghệ thuật. Không phải vô cớ người ta định nghĩa văn chương nghệ thuật là con đẻ của ba bà đỡ : Tự do - Xa xỉ - Nhàn rỗi. Điều này là sự thật hiển nhiên ở các xứ văn minh. Nhưng trên địa cầu chỉ một phần ba đất đai được mặt trời văn minh chiếu sáng. Phần còn lại là những mảnh đất chìm trong bóng tối hoặc ở khoảng mập mờ. Chúng tôi, những cư dân của miền đất vắng mặt trời tự do, chúng tôi sẽ làm gì với ngòi bút của mình ?... Chúng tôi bắt văn chương biến hình như con kỳ nhông hay luồn lách qua kẽ đá sống lắt lay như loài rêu núi ?... Hoặc chúng tôi chấp nhận tác phẩm của mình hiện diện như những đứa bé sứt môi sứt mũi hoặc khuyết hãm chân tay ? Có lẽ... Và có lẽ... Sự chấp nhận một bản diện méo mó què cụt là phương thức an nhiên, thường xuyên của các văn nhân sống dưới chế độ độc tài. Họ phải tự nguyện thổi tắt đi ngọn lửa tự do cháy trong tâm hồn chăng ?... Vâng, phải thế... Nhưng Tự do lại là bản tính tiên thiên của văn chương nghệ thuật. Thổi tắt đi ngọn lửa Tự do là tắt đi chính phần cốt lõi của văn học và xóa đi thiên chức nhà văn. Như vậy tốt hơn cả là kiếm lấy một chiếc ghế trong hàng ngũ quan lại hoặc viên chức và mưu sinh một cách an bình. Cũng không thể... Bởi văn chương đôi khi như bùa ngải, như quỷ ám như món nợ tiền định, như tình duyên tiền kiếp không thể chạy trốn, không thể cởi bỏ. Nhà văn không thể từ giả giấc mơ sáng tạo để sống cuộc sống bình thường. Và như thế, họ giống kẻ tội đồ thời trung cổ, bị giằng xé giữa hai cỗ xe ngựa, một bên là nỗi sợ quyền lực và sự trói buộc của mưu sinh, bên kia là lòng đam mê văn chương nghệ thuật. Trong cảnh huống đó, tự do tàng trữ như mỏ than, dưới đáy biển bùn. Lúc này và lúc khác, nơi nọ và nơi kia, nó vụt lên những đốm lửa rồi vụt tắt. Trong khí quyển sặc mùi sình lầy và dưới khung trời u ám, những đốm lửa vụt loé lên trong vài ba giây rồi lụi tắt. Vừa kích thích sự ham muốn vừa khiến con người thêm khiếp sợ. Sự khiếp sợ và lòng khao khát tự do thầm lén là hai con sói đói thường xuyên cắn xé trái tim các văn nhân. Mặc cảm tự tôn, đôi khi vĩ cuồng tự đại trong những giấc mơ lộng lẫy huy hoàng nhưng vụng lén, về văn chương cũng như về chính bản thân, vật lộn và hòa quyện cùng mặc cảm tự ti về thân phận hèn mọn trong cuộc đời thực là thứ cường toan ngày ngày gặm nhấm tâm hồn họ. Trong ánh mắt họ cùng một lúc thấy những mưu toan và khiếp nhược, phẫn nộ và khuất phục, những giọt lệ nhục nhã trộn với bóng mây giông.

Cuộc sống chảy trôi và con người mòn mỏi ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm trong cuộc vật lộn nội tâm bất phân thắng bại. Với não trạng đó, văn chương chỉ có thể đẻ ra những kiệt tác của lối nói vòng vo, ám dụ. Một phong cách hết sức mẫn cảm nhưng cũng để rơi vào phản cảm vì khó tránh sự lạm dụng thủ pháp. Những điển tích, trích dẫn, những ẩn dụ, lối dùng hình dung từ bóng gió lập lờ, phép hoán chuyển ngôn từ... Tất cả, không nhằm làm văn phong thêm súc tích hấp dẫn mà chủ yếu để che đậy các thâm ý và lưỡi kéo kiểm duyệt. Nhà văn phải tự kiểm duyệt mình trong khi viết. Thay vì tính toán kết cấu, diễn tiến của các nhân vật, liều lượng các uyển ngữ trong câu văn... anh ta phải sắp đặt sẵn những lời biện hộ trước các cấp thẩm quyền một khi tác phẩm bị tố giác. Những biện hộ ấy nhằm xóa đi các thâm ý, các tư tưởng cốt lõi mà anh ta muốn đem lại cho độc giả. Như thế dù muốn hay không, nhà văn cũng buộc bị trở thành kẻ ngụy biện chuyên nghiệp, kẻ dối trá thường trực. Sự dối trá là yếu lĩnh của con người sống dưới các chế độ độc tài, điều đó tự nhiên như nước trong khe ắt phải đổ xuống dòng suối.

Có một số người dù cố gắng tới đâu cũng không thích ứng được với môi trường. Không may mắn, tôi nằm trong số đó. Không thể và không biết dối trá, ấy là khiếm khuyết lớn nhất của bản thân tôi khi đã sinh ra trên mảnh đất sình lầy. Một mảnh đất cỏn con nhiều binh đao và bão gió. Những người sống quanh tôi vừa quen vừa lạ, dầu sống với đồng bào của mình, tôi vẫn không hiểu vì sao ở nơi họ cùng một lúc người anh hùng và kẻ tôi mọn cùng song hành tồn tại. Cũng nhiều năm tôi không hiểu các bạn đồng nghiệp của mình. Và sau rốt, khi đã hiểu, tôi rời xa họ... Tôi là kẻ bất tài trong nghề quỷ biện. Tôi thấy xấu hổ nếu phải chối bỏ những gì tôi viết, cho dù tôi hiểu rất rõ sự chối bỏ bản thân là lối ứng xử châu Á khôn ngoan và hữu hiệu, vừa giữ được sĩ diện cho các bậc cầm quyền, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và ngòi bút, bởi các vua chúa và trưởng tộc phương đông rất khoái thứ chủ nghĩa duy cảm cải lương. Họ thích nhìn những kẻ tôi tớ cúi đầu run rẩy nước mắt lã chã hai hàng trước mặt họ. Đã từ lâu phương Đông có truyền thống trị nước bằng hứng cảm chứ không bằng luật pháp... Trước tôi, đồng thời với tôi, và cả thế hệ sau chúng tôi, đâu đâu cũng diễn ra những màn cải lương duy cảm như thế. Chúng gợi cho tôi cái cảm giác mà Jean Paul Sartre đã gọi chính xác trong tác phẩm của ông : La Nausée. Tôi quyết định đo cuộc sống bằng chiều cao của hạnh phúc chứ không bằng chiều dài năm tháng. Tôi quyết định sống như một người tự do. Tôi tự tạo cho mình một mặt trời tự do ngay trên mảnh đất sình lầy. Và vào khoảnh khắc quyết định ấy, tôi tự thấy tôi hoàn toàn thay đổi : Hạnh phúc. Hoàn toàn hạnh phúc trong cô đơn tuyệt đối và cùng cực.

Tôi điên chăng ?... Hay tôi là kẻ khoác lác cố nặn ra những ảo giác để tự an ủi, tự huyễn hoặc ?... Nhiều người cho là thế. Họ không tin tôi có thể tự do. Ai có thể tự do khi hết thảy những bạn bè xung quanh đều được gọi đến giao nhiệm vụ giám sát và dù muốn hay không họ cũng buộc phải trở thành các mouchards theo dõi anh ? Ai có thể tự do khi bước chân đến tiệm cà phê nào lần thứ ba là tức khắc có kẻ ngồi áp sát lưng mình ?... Ai có thể tự do khi thư từ và mọi liên lạc với thân nhân bị kiểm soát, tịch biên vô điều kiện ?... Thế đấy !

Nhưng tôi vẫn thấy tôi là người tự do. Tôi nói điều tôi muốn nói, tôi viết những gì tôi muốn viết, cho dù những trang viết ấy không được phép in. Vào năm 1991, những tháng người ta giam tôi vào tù, tôi vẫn có nguyên cảm giác tự do như thế. Tôi nghĩ những gì tôi muốn nghĩ. Tôi rung cảm với những gì chìm lắng trong tim tôi và khiến tôi lay động. Những cuộc hỏi cung và ba người đàn ông trước mặt tôi thuộc về một thế giới khác. Thế giới đó không liên quan tới cuộc sống nội tâm - cuộc sống chính của tôi.

Phòng tù vô số muỗi, quơ tay là tóm dược. Tôi bắt rất nhiều muỗi. Tôi cũng bắt những con bọ màu đen nhung nhúc trong tấm chăn bông cũ nát người ta phát cho tôi, tấm chăn đầy những đám máu khô của tù nhân nào trước đó bị kiết lị để lại. Tôi bắt rệp trong các kẽ giường. Với xác đám bọ, tôi dàn lại cảnh vượt sông Elbe trong cuốn phim "Giải Phóng" của Boldartchuk và cảnh trận Watterloo trong phim Napoléon bé tí. Tôi so sánh cách dàn cảnh của người Nga với người Pháp bởi tôi vốn mê điện ảnh, dầu rằng ở nơi bùn lầy nghèo đói này điện ảnh là giấc mơ quá xa xôi và xa xỉ. Nhưng tôi vẫn mơ. Tiếp tục mơ. Với xác rệp thay cho các chiến xa hoặc đại bác, xác muỗi và bọ thay cho các binh đoàn, tôi hồi tưởng những cuốn phim xưa làm tôi mê mẩn. Và, tôi nhớ cha tôi. Người cha tôi yêu một cách cáu giận, ấm ức. Một người cha vừa quá đỗi ấm áp vừa khắc nghiệt bất công. Ông yêu tôi nhưng ông không thể vượt qua được những nguyên tắc cứng rắn của giáo lý phong kiến. Tôi yêu ông nhưng tôi không thể không là đứa con bất tuân lệnh. Vào lúc đó, tôi thiếu vắng ông và hình ảnh ông luôn hiện lên xâm chiếm tâm hồn tôi, ngoài những cơn mơ nghệ thuật. Tôi giải bày với ông, cãi cọ với ông, trách móc ông, ấm ức khóc cùng ông... Điều này đôi khi xảy ra ngay giữa các cuộc hỏi cung, trong lúc tai tôi vẫn nghe và miệng tôi vẫn trả lời như cuốn băng ghi âm được mở lại...

Nhờ kinh nghiệm của những ngày ấy, tôi hiểu vì sao Servantes đã viết được cuốn Don Quichote trong tù. Chắc chắn Servantes cũng tự do trong khung trời riêng của ông. Ông tự do ngay giữa chốn ngục tù. Và cái tự do ảo đó mạnh mẽ đến mức ngoại cảnh trở nên mờ nhạt, yếu ớt, hư vô. Ngoại cảm bất lực chẳng còn mảy may tác động đến tâm tư tình cảm của nhà văn. Tự do ấy do chính ông tạo ra. Tự do ảo. Cái tự do nảy sinh trong thách thức với nghịch cảnh. Cái tự do tồn tại như một mặt trời thần tiên vì chỉ riêng một người nhìn thấy, một người được chiếu sáng và sưởi ấm.

Tự do ấy là quyền năng tối thượng của nhà văn, là hành vi thiêng liêng ăn cắp lửa. Không ai có thể đem lại cho anh ta điều đó, ngoại trừ chính anh ta.

Tự do đó là khoảng sinh tồn của ngòi bút.

Dại khờ quá chăng, điên rồ quá chăng, để tìm kiếm một tự do như thế ?... Có lẽ... Hoặc anh chối, hoặc anh tự do như thế để viết những gì xứng đáng. Tài năng ư ?... Cái đó thượng đế cho. Còn tự do, lòng tự tin và nhân cách sẽ được kiến tạo. Trên mặt đất có hằng hà sa số lối đi. Tôi không ngu ngốc và đồi bại tới mức cho con đường tôi đi là duy nhất đúng. Nhưng tôi biết mọi sự trên đời đều có giá và con người là kẻ tạo tác nên số phận của mình vừa lãnh nhận mọi phản hồi của chính số phận ấy. Khi bức tường Berlin sụp đổ, vũ trụ tưởng vỡ tung vì tiếng gào thét sung sướng của mấy đổ. Nền chuyên chính vô sản sụp đổ... Người ta ngỡ ngàng khi thấy chân trời xanh màu xanh xa xôi hằng mong ước. Màu xanh của tự do. Khoảng khắc ấy hàng vạn văn nghệ sĩ của Liên Xô cũ và các nước Đông Ấu khóc vì sung sướng. Tiền đồ của văn chương nghệ thuật mở ra trước mắt họ. Cùng với tự do... Nhưng những giọt nước mắt sung sướng chưa kịp khô, những giọt lệ khổ đau đã bắt đầu tuôn chảy. Một khoảng lặng im kéo dài, bối rối thẹn thùng. Rồi lẻ tẻ vài người mạnh dạn thổ lộ nỗi boăn khoăn bứt rứt, và sau cùng cả đám đông công khai thú nhận sự bất lực của bản thân. Họ không viết được nữa.

Tôi nhớ câu nói của nữ thi sĩ Bungarie nổi tiếng :

"... Bao nhiêu năm trước đây, chúng tôi đã mơ ước được viết tự do. Bây giờ, tự do đến rồi và chúng tôi không còn gì để viết..."

Nhà thơ này đã sang Việt Nam nhiều lần. Một người đàn bà thông minh xinh đẹp. Lời thổ lộ của bà làm tim tôi se sắt. Nhưng tôi biết tôi không thể làm gì được cho bà, cho bà và cho những người cùng cảnh ngộ như bà. Bởi tự do không phải là một thứ châu báu cất trong hoàng cung, ba ngàn năm sau lấy ra vẫn còn nguyên giá trị. Tự do như kiếp nhân sinh. Như kẻ đồng hành. Ta phải học cách sống có nó và xứng đáng với nó.

Thời xưa có một hoàng đế Trung Hoa chỉ thích ăn thịt một loại chim rừng. Quần thần sai người đi bắt loài chim ấy về nuôi trong vườn cấm có lưới quây. Khi chim non vừa mở mắt, họ liền bắt chúng nhét vào những ống nứa khoét lỗ chỉ để thò mỏ và chắn ra ngoài. Chim được nuôi bằng ngũ cốc quý và các loại quả tinh khiết. Khi lớn lên, chúng có thân hình đúc khuôn như ống nứa, thịt nung núc nhưng cánh và chân teo lại, lúc nhà bếp chẻ ống nứa lấy chim ra thịt, lũ chim béo ục ịch chỉ nhảy được vài bước ngắn rồi lăn kềnh xuống sàn... Đó, nguyên tắc thích ứng. Hàng vạn văn nghệ sĩ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đã được nuôi như lũ chim đó... Đau xót thay, tiếc nuối thay, bao nhiêu tài năng đã hư hao tàn lụi ?!...

Tuy nhiên bất luận hoàn cảnh nào cũng tồn tại những con chim tự do. Loài chim quen với những đỉnh cao chóng mặt và tìm thấy hạnh phúc khi bay qua những đỉnh cao ấy. Trong mưa bão. Trong đơn độc. Kiêu hãnh ngay giữa khổ đau và đơn độc. Tôi có thể kể tên một người trong số đó : Bulgakov. Không chọn con đường biệt xứ như Soljénitsyn, như Pasternak, ông ở lại nước Nga, chịu đầy đọa nhiều năm dài, bị cô lập, bị rình mò, đi đóng gạch và làm những việc thổ mộc nhọc nhằn khác để tồn tại. Nhưng ông đã sống như một người tự do, ông đã viết như một người tự do. Những tác phẩm của ông : "Trái tim chó", "Nàng Marguerite và Nghệ nhân" đã được viết dưới ánh sáng của mặt trời tự do. Mặt trời ấy, chính ông, một tâm hồn Nga cao thượng và mãnh liệt đã tạo tác.

Lịch sử loài người tính theo lịch Thiên chúa sắp trọn hai ngàn năm. 20 thế kỷ. Nhưng trước công lịch, phương Đông đã có Xuân Thu chiến quốc, phương Tây đã có Thập Tự chinh, nhân loại đã buồn vui, đau khổ, sung sướng... Nhân loại đã suy nghĩ. Các dã sử, huyền sử đã được truyền tụng, dồn tích như các lớp phù sa lắng đọng trong tiềm thức con người. Chúng là một phần tài sản của ta hòa trộn cùng những mầm mống tài năng và bệnh tật mà tổ tiên, dòng tộc gieo cấy vào huyết mạch. Đối với nhà văn, thứ tài sản tinh thần đó quan trọng hơn tài sản theo nghĩa đen của cuộc đời thế tục. Những năm còn trẻ, không biết do run rủi nào tôi được đọc vở kịch Esope. Ngay tức khắc hình ảnh người nô lệ này chinh phục tôi. Nhờ anh ta, tôi hiểu Tự do là khát vọng mãnh liệt nhất, thách thức khắc nghiệt nhất đối với con người. Tự do, ấy là thước đo chiều cao nhân cách.

Lời cuối của Esope, trước khi nhảy xuống vực như sau :

"...Với tình yêu, ta còn xanh quá. Nhưng với Tự do ta đã chín rồi. Vực sâu đâu, con đường ta đã chọn. Ta sẽ chết, bởi cái chết ta trở thành người tự do..."

Chế độ nô lệ đã qua từ lâu, nhưng khát vọng tự do vẫn đang còn mới. Đối với người viết văn sống trong những vùng đất sình lầy, hình ảnh người nô lệ Esope hẳn còn có ích cho họ, một khi họ muốn cầm bút một cách xứng đáng. Cái tự do hiện tồn của Esope chính là cái tự do ảo của nhà văn là tiền để cho tự do đích thực của đám đông xung quanh họ.

Vậy thì, xin các văn nhân, các anh có thể chịu hành hạ, sống khổ nhục tù đầy, thậm chí có thể chết. Nhưng chớ bao giờ đánh mất nó.

Hà Nội 25-8-1999
Dương Thu Hương
Ðiạ Chỉ: Phòng 308, số nhà A8 khu tập thể Khương Thượng Hà Nội, Việt Nam
tienmacdoa
#6 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:23:10 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 3:30 am
Tiêu đề: Truyện đầu tay của Dương-Thu-Hương: CHÂN DUNG NG



Dương Thu Hương

sinh năm 1947 tại Thái Bình
tốt nghiệp khóa 1 trường viết văn Nguyễn Du
Giải nhất truyện ngắn của báo Văn Nghệ Hà Nội

Tác phẩm :
• Chân dung người hàng xóm (truyện đầu tay)
• Bên Kia Bờ Ảo Vọng (truyện dài)
• Những Thiên Ðường Mù (truyện dài)
• Tiểu Thuyết Vô Ðề



CHÂN DUNG NGƯỜI HÀNG XÓM

Dương Thu Hương

http://www.phunuviet.org...cpham.asp?articleid=293


tienmacdoa
#7 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:24:35 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 3:35 am
Tiêu đề: LOÀI HOA BIẾN SẮC

Loài hoa biến sắc
Dương Thu Hương

" Tôi khóa cửa cẩn thận, móc thêm mấy cái móc sắt và thả những tấm rèm xuống. Xong xuôi, tôi mở sắc lấy ra thỏi son Nữ hoàng E-li-da-bét. Ống son mạ vàng in hình đầu một người đàn bà đẹp mê hồn. Tôi đặt thỏi son lên môi, hồi hộp và náo nức. Trong tấm gương, một khuôn mặt ai lạ nhìn tôi: Đôi mắt, đường cong, lông mày, món tóc lưa thưa sau cơn sốt phủ xuống trán, làn da tái xanh với những chấm tàn nhang lờ mờ hai bên má. Những thứ đó chẳng ăn nhập gì với cặp môi tô son nhem nhuốc.Đôi mắt trong gương nhìn tôi với vẻ lạ lùng.Và một đôi mắt khác, một đôi mắt vô hình nhìn tôi với cái nhìn nóng bỏng.Tôi đặt thỏi son xuống. Cơn gió đi qua thổi lật những trang sách trên bàn. Đó là cuốn "Làm đẹp", một cuốn sách dày ngót sáu trăm trang mà tôi mới tìm mua được ngày Chủ Nhật trước. Những dòng chữ in nghiêng nổi lên: "Trang điểm xong, bạn hãy ngồi trước quạt dăm phút cho khô kem rồi hãy sang phòng chọn áo. Mùa hè nên chọn hàng mỏng, thứ bóng hay mờ tùy theo người gầy hay béo. Màu thanh niên, hoàng yến, lòng tôm lợt hay màu hoa cà là những màu thường được ưa dùng..."



Những người đàn bà ở đây mới sung sướng làm sao?Một sự thèm muốn xâm chiếm lòng tôi, từ từ và đau rát như một dòng chì lỏng tưới vào.Sau những năm tháng ở rừng, cuộc sống ở nơi đây làm tôi choáng váng. Phố phường, nhà cửa, lầu gác, hàng hóa, ánh đèn chất ngất, tiếng ồn ào vô tận như dòng suối chảy trên bờ phố, nhịp điệu của tiếng đàn ghi ta trong những tiệm cà phê thắp đèn hồng... Nhưng điều lôi cuốn hơn cả vẫn là những người đàn bà ở đây. Họ mở ra trước mắt tôi một thế giới của cuộc sống phồn hoa, một thế giới chúng tôi chưa từng thấy, chưa từng nghĩ đến, một thế giới choáng lộn màu sắc và ngào ngạt hương thơm của các mỹ phẩm. Mỗi người đàn bà ở đây có hàng tá áo dài, áo len đủ màu và đủ kiểu. Những hộp nữ trang đồ sộ, các loại phấn son, các thứ chì kẻ mắt... Chỉ những đồ dùng vặt vãnh của họ cũng đủ làm cho tôi mê mẩn.Tuổi thanh xuân đi qua trên những cánh rừng ngút ngàn của giải Trường Sơn. Những năm ấy làn da đã trôi mất màu hồng tươi thắm vì sốt rét. Mái tóc óng ả đã trút dần trên những con suối độc ngấm đầy lá lim. Bàn tay quen với choòng cuốc gần chai cứng.



Và chúng tôi trở về thành phố với chiếc ba lô sau lưng, tấm khăn dù quấn quanh cổ và với vẻ vụng về ngơ ngác của những người quen ở miệt núi non. Đoàn quân chiến thắng đổ về các thành phố. Chúng tôi đã sống những ngày đầy tự hào, những ngày vui sướng đến ngây ngất. Nhưng rồi sau đó chỉ những người con trai vô tư là giữ được trọn vẹn niềm hân hoan đó. Tôi thì có khác, bên hạnh phúc của người chiến thắng, tôi còn có những nỗi xao xuyến khác, một thứ tâm sự rất đàn bà. Tôi thường nhìn những người con gái đi qua mặt mình, những người con gái được trang điểm lộng lẫy, áo quần sang trọng, dáng điệu đài các. Họ đi đến đâu, không gian sực nức mùi nước hoa quyến rũ. Rồi tôi cũng lại tự ngắm mình trong gương, trong các tấm kính cửa, và tôi thấy một cô gái đen đủi, ăn vận xoàng xĩnh. Có một cảm giác gần như ghen tị, và bên dưới sự ghen tị đó là một nỗi tủi buồn mờ nhạt, không rõ nét nhưng dai dẳng xâm chiếm tâm hồn. Mỗi khi có người đàn bà nào đó đi qua không thèm ngoái lại, ném sang một cái nhìn chế diễu hoặc khinh mạn, lòng tôi cộm lên và nỗi uất ức làm nóng ran đầu óc...



Tôi nhìn vào tấm gương. Một khuôn mặt khác vẫn còn trong đó, với đôi môi đỏ chót.Gian phòng thênh thang vắng lặng. Trên bàn chiếc máy ghi âm đang phát ra một đoạn nhạc không lời, một giai điệu nhợt nhạt buồn bã nhưng tiếng đệm của bộ gõ lại quá chát chúa và rậm rịch. Đoạn nhạc kéo dài, rồi nó chợt tắt đi và tiếng đọc thơ vang lên, một giọng nam trầm ấm áp:"Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn Hai đứa ở hai đầu xa thẳm..." Bài thơ thân thiết, như một cơn gió đột ngột ùa đến, nó tràn đầy trong tôi, xóa sạch những nỗi buồn bực, day dứt.Tôi nhắm mắt lại, không còn nhìn thấy khuôn mặt ngơ ngác có cặp môi tô son, không còn nhìn thấy bóng dáng những người đàn bà thành phố, không còn cái đầu mê hồn của nữ hoàng Ê-li-da-bet mạ vàng. Không còn những ao ước, những khát khao mới lạ...Những cánh rừng rung lá trên đầu tôi. Những cánh rừng xanh rì, dây leo nở đầy hoa, những tán cây xum xuê như chiếc dù thần bí. Trảng cỏ non bốc lên làn khói màu lam...Rồi đường 20, con đường lầy như cháo đổ, những con ngầm nước réo. Đèo Phu-la-nhic trong sương. Làn khói vòng vèo trên mái nứa binh trạm. Tôi cùng đồng đội đứng làm cọc tiêu trong mưa. Trận bom bên kia đèo. Trong cái hang Cóc Chúa sặc sụa khói, chúng tôi ngồi gác chân bên đống than hồng, vắt mái tóc ướt sũng nước mưa và gào lên những câu hát tinh nghịch:"Hết xuân rồi, anh có lấy em không?..."



Những ngày gian truân và vui sướng.Tôi chìm sâu trong những hồi ức chiến tranh, lòng mát mẻ êm dịu và thấm đẫm những giọt sương mai, những giọt sương của một cánh rừng tiền duyên, chúng nối nhau rơi xuống từ những chiếc lá hình thoi, màu xanh sáng. Trên chót những vòm lá một chùm hoa tím đung đưa.Những giọt sương rơi lộp độp, tiếng vang động như tiếng nứt của những quả thông khô...



Ai gõ cửa rất lâu và dồn dập. Tôi sực tỉnh. Việc đầu tiên là lấy khăn ướt lau cho sạch son trên môi rồi chạy ra mở khóa. Chiếc chìa khóa vừa xoay một vòng thì hai cánh cửa đã bật tung ra và Khánh đứng trước mặt tôi với nụ cười hết cỡ:



- Nhóc con, ngủ hay sao mà lâu thế?



Tôi chưa kịp trả lời thì anh ta đã mắng té tát luôn:



- Coi chừng đó, về thành phố là đâm lười ra, chưa tối đã lên giường ngủ.



Tôi cười chống đỡ và vội vàng đứng tựa lưng vào chiếc bàn trang điểm để che đi hộp son còn nằm lăn lóc. Nhưng Khánh không để ý đến điều đó, anh giục tôi:



- Chải đầu rồi đi ăn cơm với anh.



- Em ăn cơm chiều rồi.



- Đi chơi, ăn bánh trái là chủ yếu chứ ai bắt ăn cơm. Con gái ở rừng về có khác, ngốc thật.



Tôi ngại ngùng:



- Thôi để khi khác.



Khánh nhìn quanh phòng, anh cười trìu mến:



- Này, đây có phải cái đền đâu mà em làm ông từ coi bàn thờ Phật.



Khánh cùng cơ quan với tôi nhưng ở khác bộ phận. Tôi được vào làm phóng viên báo là do anh. Hồi trước tôi ở C bảy. Trong một đợt đi công tác dọc đường 20 Khánh đã đến đơn vị tôi. Anh đọc báo liếp chi đoàn rồi cứ nằng nặc đòi tôi cho xem nhật ký. Anh đi được nửa tháng thì có lệnh gọi tôi lên ban chỉ huy. Ở đó người làm thủ tục chuyển tôi sang tòa báo và chỉ nói một câu cụt ngủn:- Đồng chí sang bên đó hợp với khả năng hơn.Đeo ba lô đến cơ quan mới, tôi vẫn cứ tấm tức không hiểu vì sao có người lại cho tôi ra đi một cách vội vàng đến thế. Tụi bạn gái khóc sướt mướt, chúng dúi vào ba lô tôi từ chiếc khăn mùi xoa, cây kim móc đến mấy sợi chỉ thêu và chiếc hộp đựng xà phòng gõ bằng ống pháo sáng. Đến nơi mới thấy Khánh đứng cười ha hả, tay cầm phong lương khô đem làm quà cho nữ phóng viên mới. Khánh đã có vợ con và hơn tôi bảy tuổi. Anh đối với tôi và những người bạn đồng nghiệp khác có cái săn sóc của người gia trưởng. Trong con mắt anh, tôi là một con bé tỉnh lẻ, lớn xác mà ngốc nghếch, vì thế anh hay để ý chăm chút hơn.



Tôi chải tóc và lấy chiếc túi nhựa bỏ vài thứ lặt vặt vào. Khánh đã khởi động chiếc honda ngoài sân. Tiếng máy nổ lục bục, tắt nghẹn rồi lại ròn rã.- Nào, ngồi lên, ôm cho chắc kẻo ngã vỡ đầu đấy.Khánh ra lệnh, anh chờ tôi ngồi yên rồi mới dận ga. Chiếc xe lao đi. Đường phố buổi tối rất đông. Tuy bớt đi vẻ ồn ào nóng bức ban ngày nhưng lại thêm cái chói chang, lấp lóe của bao nhiêu thứ điện. Mùi mồ hôi, mùi gió mặn, mùi nước hoa, mùi rác rưởi, vỏ cây lá bánh ngoài cửa chợ và mùi xào nấu trong các tiệm ăn bốc lên.Khánh đưa tôi đến một tiệm ăn Hoa Kiều. Một thanh niên chờ sẵn ở đó, chạy ra nắm lấy tay Khánh tươi cười.



- Sao lâu vậy, làm mình chờ hoài.



Anh ta quay sang tôi:



- Chào chị.



Tôi gật đầu chào lại. Khánh giới thiệu:



- Đây là cô Sửu, em út trong cơ quan tôi. Còn đây là anh Hoàn, vừa là anh con bác, vừa là bạn của anh.



Tôi cười, Hoàn nhã nhặn chìa tay ra dáng điệu lịch thiệp và duyên dáng. Anh bận áo ny lông cát trắng và chiếc quần vải mềm màu xám nhẹ. Hoàn có nụ cười tươi, môi mỏng và hồng, nó làm người ta quên đi nước da nhợt rất khó ngó với khuôn mặt quá dài, nhất là chiếc cằm giống hệt một chiếc bánh mì chưa nướng.Hoàn là anh con chú bác ruột với Khánh, nhưng hai người ngoài mối quan hệ ruột thịt còn gắn bó với nhau bằng tình bạn hữu. Cả hai cùng ở phố Trần Xuân Soạn Hà Nội. Năm 54 họ còn là những chú bé tám tuổi sáng sáng xin mẹ hai trăm rưởi ra ngõ I Hàm Long ăn phở Tầu, đến trường chia nhau từng quả táo dầm muối ớt. Sau đó gia đình Hoàn di cư. Hai người đứng trong xó tối buồng tắm khóc thút thít. Khánh đã dốc vào túi tất cả số tiền anh lấy trộm được của mẹ với một gói ô mai. Ngày ấy cách đây đã hai mươi năm rồi...Cả hai người đã lớn và khác xưa.Nhưng Hoàn vẫn nhớ Khánh rất thích ăn phở Tàu và tối nay anh đã đặt cơm tại đây, một tiệm ăn Hoa Kiều nổi tiếng.



Trên chiếc bàn gỗ mun cổ lỗ trải khăn trắng, món ăn, đồ nhắm, bia rượu và nước ngọt bày la liệt. Chúng tôi ngồi vào bàn. Nhưng bữa ăn vẫn chưa bắt đầu vì còn phải chờ một vị khách nữa, theo như Hoàn giới thiệu thì đó là bồ của anh.Tôi dựa lưng vào tường, lơ đãng nhìn những cánh quạt đang xoay tít trên trần nhà. Những người bồi mặc áo trắng đi lại, mấy tấm gương đục ố nước thủy tinh bầu dục phản chiếu bóng người và xe cộ ngoài đường phố, Các bàn ăn chặt ních, có những người hình như đã ngồi đó từ sáng đến giờ và còn có thể ngồi đó cho đến nửa đêm. Một cặp trai gái cắm chiếc nĩa lên lưng một con gà quay và cứ ngồi chuyện rì rầm mãi. Ở đây người ta sẵn thì giờ thật. Thì giờ ở những tiệm ăn, tiệm giải khát, những phòng uốn tóc và những mỹ viện, những chiếc ghế xích đu và những đi văng. Không hiểu vì sao tôi lại theo đuổi những ý nghĩ tản mạn và thấy buồn. Cái âm hưởng của những câu thơ quen thuộc vẫn còn ngân nga trong tôi. Nó ngân lên những âm thanh trong suốt, âm thanh của những ngọn suối trên non cao.



Hoàn bỗng đứng dậy và phác một cử chỉ như vẫy gọi. Ngoài cửa, một cô gái đang lách giữa đám khách ăn chật ních tìm lối đi vào. Hoàn ra hiệu cho cô ta lần thứ hai. Cô gái nhận ra anh và cười. Phải chăng cô chính là người chúng tôi chờ đợi?Cô gái chừng mười chín, hai mươi tuổi. Nhưng mặc dù cô gái còn rất trẻ, tôi không thấy cô có dáng dấp của một cô gái mà lại có vẻ từng trải của một người đàn bà sớm biết lo toan. Người cô gầy, dáng mảnh dẻ, cô bận chiếc áo dài hở cổ màu ca ra men in hoa chuỗi, quần bằng thứ sa tanh mỏng, nổi lấm tấm những hạt dâu bóng. Cô xách chiếc xắc giả da cá sấu, khóa mạ vàng hình tròn, kiểu rất lạ.Hoàn đứng dậy giới thiệu.



Chúng tôi chào nhau rồi cô gái kéo ghế ngồi xuống, ngay cạnh tôi. Vạt áo dài cô rơi xuống chạm vào chân tôi mát lạnh, êm ái đến nỗi ta hình dung ra ngay sự mịn màng của chất lụa. Cái cảm giác ấy lại gợi cho tôi sự thèm muốn đã bị dập tắt. Từ áo quần cô gái tỏa ra mùi nước hoa mát mẻ, mùi nước hoa kêu gọi người ta đến gần.



Hoàn đứng dậy nói vài lời trước bữa ăn. Tôi nhân dịp đó mà ngắm nghía cô gái. Cô không đẹp nhưng cũng dễ coi. Nét mặt đều đặn, cặp môi tròn và chiếc mũi thanh. Còn đôi mắt đờ đẫn và cặp lông mày tỉa nhỏ trông có phần tẻ nhạt. Cô dùng phấn son khá hợp màu da, mắt kẻ chì nâu và chải lông mi bằng thứ gôm tốt. Sự trang điểm đã tôn nhan sắc của cô lên khá nhiều nếu không cô cũng chỉ có một khuôn mặt như bất cứ khuôn mặt của một cô gái nào mà ta có thể gặp ngoài đường. Bàn tay cô nhỏ, mềm mại, đeo nhẫn bạch kim có gắn những mảnh đá li ti. Mỗi khi giơ tay kéo áo hoặc vén mớ tóc lòa xòa trước trán, những mảnh đá phản chiếu ánh đèn sáng óng ánh khiến cô giống một nàng công chúa trong màn cải lương.Bằng sự tò mò đặc biệt của đàn bà với đàn bà, tôi nhận ra là sau mấy phút dè dặt ban đầu cô ăn uống rất ngon lành, thậm chí còn hơn thế nữa. Rượu uống cạn từng chén đầy, mặt không hề biến sắc. Tôi đã từng gặp những bà nạ giòng có thể uống hết hàng lít rượu, nhưng chưa hề gặp người con gái nào ung dung uống hết cốc rượu này đến cốc khác tựa hồ ta uống nước lạnh trong mùa hè. Kinh ngạc, tôi ngồi im thầm lén theo dõi. Bên kia bàn, Khánh và Hoàn đang sôi nổi chuyện trò. Câu chuyện đã chuyển qua vấn đề màu sắc trang phục. Tôi thấy Hoàn đặt tay lên bàn ngắm nghía, hai bàn tay anh ta trắng như tờ giấy, và nhướng cao đôi mày lên:



- Không hiểu vì sao mà mấy anh mấy chị ngoài Bắc vô ưng màu blơ marin và màu boóc đô thế. Đi đâu cứ gặp người mua len, mua áo hai màu đó là biết liền.



Cô gái góp chuyện:


- Hai màu đó quê quá hà!


Rồi lại cúi xuống đĩa thịt vằm bọc tôm chiên.


Khánh cười, anh ngẩng cao mái đầu chớm bạc:- Vì chúng tôi ở rừng lâu quá mà. Ở rừng lâu quá hóa mê rừng. Màu blơ marin gợi nhớ núi non.



Hàm răng Khánh ngời lên dưới ánh điện đều đặn và trẻ trung.Biết mình lỡ lời, Hoàn khéo léo lái câu chuyện sang hướng khác:


- Anh có biết ai ngày xưa hay mặc màu đó không?- Vân tóc đuôi mèo.


Cả hai cùng cười và cùng lắng lại. Đôi mắt Hoàn trở nên xa xăm:


- Vân đẹp thật - anh nói - Hồi đó chúng mình còn nhỏ xíu mà tôi vẫn nhớ như ngày hôm qua. Vân có đôi mắt nhung, miệng cười rất tươi có một chiếc răng khểnh. Vân hay mặc áo len màu blơ marin cài hoa trắng và tóc thắt một chiếc nơ đỏ rất to... Anh có nhớ chúng mình đã chặn đường cướp của cô aấy mấy quả nhót không?...


- Tôi vẫn nhớ.Khánh trả lời thong thả.- Ngày ấy đúng là tôi yêu Vân. Mê thì đúng hơn. Buổi học nào vắng cô ấy là mình không ngồi yên được. Đúng là tình yêu thời con trẻ nó không bao giờ thành công và cũng không bao giờ chấm dứt.


- Anh vẫn còn yêu Vân chứ?


Khánh hỏi và cười, đuôi mắt anh nheo lại diễu cợt.Hoàn cũng cười, anh lấy kính xuống lau và trầm ngâm:


- Không. Cũng không phải là không mà cũng không hẳn là có. Anh biết đấy, chúng ta đã trưởng thành. Tôi có nhiều người đàn bà, nhiều cô gái, tôi kiếm họ chẳng khó khăn gì, nhưng chưa ai làm tôi phải hồi hộp như Vân ngày ấy.


Anh ta mơ màng một giây rồi hỏi Khánh, giọng thấp xuống:


- Vân còn không anh?


- Còn, chị ấy bây giờ là phó tiến sĩ hóa học, vẫn ở ngõ Huyện thôi.


- Cô ấy có chồng chưa?


Hoàn hỏi tiếp, hấp tấp nâng cặp kính, chăm chú vào miệng Khánh.


- Chị ấy hai cháu rồi.


- Thế à.


Hoàn bật ra một tiếng thở dài, anh co cẳng chân dưới gầm bàn lại, nhún vai:


- Ai cũng yên bề gia thất rồi, chỉ còn mình là chưa nên tấm nên đẫn gì cả.


- Sao cơ?


Khánh giả bộ hỏi lại, anh cười rất to và lúc sau, anh liếc nhìn cô gái một cách trêu cợt, vui vẻ nói:


- Thì anh cũng sắp nên tấm nên đẫn rồi, có gì mà phải than thở.


Tôi cũng cười hưởng ứng và nhìn cả hai người. Nhưng trước thái độ của chúng tôi, Hoàn không nói gì cả. Đang bần thần nghĩ ngợi anh ta bỗng "hả".... một tiếng.Rồi lại im lặng suy nghĩ điều gì đó, nét mặt dửng dưng, hoàn toàn không chú ý gì đến chuyện của chúng tôi. Tôi và Khánh sững sờ. Chúng tôi nhìn nhau, và nhìn cô gái. Ở địa vị của cô, có lẽ tôi phải thăng thiên hay độn thổ vì ngượng ngùng. Nhưng trái với mọi sự lo ngại, cô vẫn điềm nhiên lấy nĩa chọc vào một miếng bánh bơ.Bây giờ thì chính thái độ của cô lại làm chúng tôi kinh ngạc.Tôi nhìn Khánh dò hỏi. Nhưng anh lắc đầu. Anh cũng không hiểu biết gì hơn tôi. Sự im lặng kéo dài một lúc lâu, Hoàn mới sực nhớ ra bữa tiệc đã xong, đến phần ăn đồ ngọt và uống nước. Anh đứng dậy kêu người bồi dọn bàn và châm trà. Ngồi xuống, Hoàn đưa tay lên túi lấy thuốc theo thói quen. Thuốc đã hết. Anh rút tờ giấy bạc một ngàn và bảo cô gái:


- Mỹ Dung mua hộ anh bao thuốc, chịu khó nghe cưng.


Cô gái đứng dậy đi ra. Chờ cho cô đi khuất Khánh mới trách Hoàn:


- Tại sao anh lại có thái độ như vậy?


- Tôi làm sao cơ chứ?


Hoàn hỏi lại, cặp lông mày nhướng lên theo thói quen.Khánh nhắc lại câu nói đùa ban nãy và thái độ hờ hững của Hoàn, nhất là khi cô gái ngồi ngay đó.


- À, xin lỗi, xin lỗi...Hoàn cười ngất và gật đầu lia lịa:


- Tôi hiểu rồi, hiểu rồi, nhưng các bạn đã phải để tôi nói cho hết đã. Mỹ Dung là bồ của tôi, nhưng tôi không có ý định cưới cô làm vợ. Trước tôi, cô ấy cặp bồ với người khác. Tôi cũng vậy. Mỗi tháng tôi chi cho Mỹ Dung hai mươi ngàn, cô ấy chỉ đòi hỏi tôi có vậy thôi. Ngoài ra không cần gì hơn nữa. Tôi không muốn Dung ràng buộc gì với tôi. Cả hai chúng tôi đều tự do...


Ngừng lại một chút Hoàn tiếp:


- Mỹ Dung làm bồ cho tôi là trúng số. Dẫu sao tôi cũng biết điều và rộng rãi. Còn nếu đi dạy học thì cùng lắm cỡ giáo viên tiểu học như cô ấy một tháng chỉ được tám chín ngàn là hết sức. Ông bà già cô ấy nghèo, không buôn bán chi hết. Tôi bao Mỹ Dung mới được gần một năm nay, so với những người trước cặp bồ với Dung tôi bận bịu nhiều công việc, nên mỗi tháng cô ấy chỉ mất với tôi trên dưới một tuần thôi. Các bạn cứ hỏi mà xem, cô ấy nói cặp bồ với tôi là dễ chịu nhất...



Hoàn ngừng lại. Và để minh họa cho cái quan hệ sòng phẳng giữa hai người, anh ta rút ra một xấp giấy bạc đã đếm sẵn, được chằng lại bằng một sợi dây nịt. Chiếc ví của cô gái vẫn để trên bàn, Hoàn kéo lại, mở khóa để xếp tiền vào trong. Nhưng đúng lúc anh ta xách ngược chiếc ví đã mở nắp thì cô gái bước vào, cùng lúc đó mấy đồng tiền xu lăn ra cùng với một vật gì đó.Cô gái kêu một tiếng rồi đứng sững. Mặt cô như tái đi dưới làn phấn mỏng. Tôi cúi xuống nhặt mấy đồng xu. Cô gái hấp tấp xô mấy chiếc ghế sang một bên để lượm gói đồ đã nằm giữa lối đi sáng trưng ánh điện. Trong lúc luống cuống, cô đã làm tuột lần giấy bọc ngoài, một vật rơi ra. Đó là một mẩu bánh mì nhỏ vẫn bán trong những quầy bánh ven đường. Cô gái cuộn tờ giấy bọc một cách vội vã và giấu giếm. Tôi biết cô đang run vì mặt đá chiếc nhẫn bạch kim cứ lóng lánh rất bất thường. Mái tóc cô rũ xuống bên vai, hở ra một khoảng gáy rất sâu, màu xanh tái.Tôi kéo cô ngồi xuống. Khánh im lặng. Hoàn cũng lặng thinh, nhưng anh ta có vẻ ý tứ hơn khi xếp tiền vào trong ví cho Mỹ Dung. Xung quanh người qua lại, ăn uống vẫn nhộn nhịp, không ai hay biết tấn kịch vừa xảy ra. Chỉ riêng chúng tôi là chứng kiến nỗi ê chề của cô gái. Cô ngồi bên tôi, thỉnh thoảng lại giơ tay vén tóc. Nhưng cử chỉ của cô không còn vẻ duyên dáng, đàng hoàng nữa, nó có gì tội nghiệp. Tôi xóc một miếng bánh bơ đưa cho cô. Cô khẽ cúi đầu:


- Cám ơn chị.Từ lúc đó về sau tôi không nhìn ai nữa. Tôi không nỡ nhìn thẳng vào mặt cô gái. Tôi cũng không muốn nhìn Hoàn, điều đó lúc này rất khó chịu. Tôi cứ ngửa cổ nhìn lên bức tường quét vôi vàng, qua những làn khói thuốc dày đặc, tôi thấy bóng những chiếc cánh quạt in lên những vệt đen dài, gẫy khúc. Một cảm giác nóng ran lan trên mặt tôi. Tôi nhận ra mình đang ngượng ngùng. Không phải riêng biệt nỗi ngượng ngùng của cô gái bị mất thể diện, mà là nỗi ngượng chung, thay vì cho cả hai người đó, hai kẻ gọi là bồ của nhau.Bên kia bàn Khánh và Hoàn vẫn đang chuyện trò. Hình như họ nói đến những kiểu áo dài cách tân ở miền Nam, về thời trang của thế giới. Hai người đàn ông trao đổi những nhận xét về một thiếu phụ đẹp lộng lẫy đi qua. Rồi họ tiếp tục uống trà và hẹn gặp nhau vào một ngày trong tuần.



Khi chia tay, cô gái vội vàng chào tôi rồi đứng nép vào một bên cửa chờ Hoàn, đôi mi tô chì cụp xuống.Hoàn ôm lấy Khánh cao giọng:


- Tuần sau nhé.


Họ nói với nhau một tràng tiếng Pháp. Rồi Hoàn nhã nhặn chìa tay cho tôi, miệng nở nụ cười tươi tắn. Nhưng với tôi lúc đó, nụ cười của anh đã nhạt nhẽo và cái cằm dài thượt ra trông thật vô duyên. Tôi lặng lẽ đáp lễ và quay đi.Khánh đưa tôi về nhà. Chiếc xe honda lách giữa dòng người hai chiều đông nghịt. Thành phố càng về đêm càng đông hơn, tiếng động làm nhức óc và mệt mỏi. Tôi bảo Khánh rẽ sang đường bờ sông cho mát mẻ. Anh đồng tình ngay. Chúng tôi đi dọc sông Hàn và trở về đường Lê Thánh Tôn vào lúc chín giờ tối. Khánh đưa tôi vào cửa rồi về ngay, anh còn có bài phải sửa cho số báo sắp tới.Còn mình tôi ngồi với cái bóng của mình. Căn phòng vắng. Không làm sao mà ngủ được. Chiếc quạt vẫn xoay, gió vẫn thổi những trang sách bay bay loạt soạt và hộp son vẫn nằm lăn lóc trên bàn. Chiếc đầu nữ hoàng E-li-da-bet trông như một hạt ngô bóng loáng.Tôi nhìn ra ngoài: thành phố chất ngất ánh đèn, có một cái gì tự tan vỡ ra nơi đó. Một lớp giấy trên chiếc rọ làm hình nhân bị xé rách. Một lớp váng dầu ngũ sắc bị khuấy tan trên mặt nước tù.Và trong tôi, một tình yêu, một niềm kiêu hãnh lớn lên, vững vàng, cứng cáp, với một sức mạnh khôn cùng.Ngoài sân, những cây trứng cá đang lắc lư chùm lá. Những bóng lá chợt sáng chợt tối giao nhau in lên ô cửa kính giống như những bộ mặt đổi hình. Hiện tại, quá khứ. Quá khứ, hiện tại... cuộc sống ùa đến tôi trong cùng một lúc. Xa kia là một con đường thăm thẳm, một con đường đầy bóng xanh che phủ. Có người con gái nào đang đi đến với tôi và hát.Người con gái ấy là tôi.



Dương Thu Hương


Tháng 8/75 "
tienmacdoa
#8 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:26:04 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 3:41 am
Tiêu đề: MIỀN CỎ TƠ

Miền cỏ tơ

Dương Thu Hương.- MIỀN CỎ TƠ
Trân bỏ thêm một cành củi khô vào đống lửa. Một nhành trầm bầu còn dính những chiếc lá lăn tăn khô xác. Ngọn lửa liếm vào cành trầm bầu, hực lên liền. Thứ cây này đốt thiệt dư. Xung quanh anh, trên cái nền nhà trống, trên lối cát và miệt vườn hoang đằng kia còn rải rác nhiều củi. Có thể đốt suốt đêm nay cũng không hết. Trận bom cuối cùng trước ngày hoà bình đã phạt trụi những rặng trầm bầu. Cành lá chúng rơi xuống, gió thổi khô đi, còn mãi cho đến giờ.
Trân biết rõ những cây trầm bầu đó từ hồi thơ ấu, anh cúi nhặt chiếc que sắt dưới chân, cời lửa: đó là chiếc que thông nòng đã cong queo, không biết ai bỏ lại. Lòng tro rỗng thành một khoảng trống, gió lùa vào và ngọn lửa bốc lên. ánh lửa soi lên mặt anh, ánh lửa lay động trên khoảng đất làm trống trải, trên những lùm lá sòi dại và vài ngọn rau dừa còn sống sót. Cuối cùng, ngoài xa kia - nơi luồng ánh sáng rực rỡ chỉ còn là những làn sóng mờ run rẩy là một mái nhà tranh nằm im lặng, mảnh tôn ghép tường chốc chốc lại rạng lên một lằn trắng chập chờn.
Từ căn nhà ấy một đứa bé tí tơi phía anh, tay nó cầm cây đèn sắt.
- Thưa chú, cho con xin chút lửa.- Lại đây.Thằng bé đến gần, chìa cây đèn ra. Trân châm lửa cho nó.
Gió dữ quá, ngọn lửa tắt mấy lần. Ðèn cháy rồi, thằng bé lễ phép chào anh:- Con xin cảm ơn chú.Một tay khum khum che cổ đèn, nó thận trọng đi về phía nhà mình. Trân nhìn theo, anh nhận thấy dáng điệu của đứa bé thật cẩn trọng và khôn ngoan. Nó gầy, mặc chiếc quần đùi ngắn cũn cỡn. Hình như nó có một mụn ruồi nơi đuôi mắt trái, anh thoáng nhận ra điều đó khi ngẩng lên đưa lại cây đèn... Một đứa con trai! Trân bóp cánh tay cụt và nhìn ngọn lửa nhảy nhót.

Một đứa con trai! Anh đã từng có một đứa con trai đứa con trai lanh lợi, có làn môi đỏ au và một mụn ruồi nơi đuôi mắt phải. Nó thường mặc quần cụt màu mận tím và chiếc áo thun xanh kẻ sọc.

Khi vợ Trân còn chung tình với anh, đứa con nhỏ thường đeo lấy cổ bố và nói những lời ngọt ngào. Gian nhà nhỏ tối om vì tắt hết đèn chỉ có tiếng đứa con nhỏ và lời thầm thì của người vợ vang lên. Chốc lát người mẹ lại bảo đứa con:


- Khẽ chứ, khẽ chứ, ông kẹ bắt bây giờ...


Nhưng ông kẹ cũng không làm cho đứa trẻ sợ hãi, nó ôm chặt lấy cổ bố ríu ran. Thật là một điều lạ lùng, những đứa con sớm xa bố thường ít chịu nhìn nhận hoặc bày tỏ tình cảm với cha chúng. Nhưng con anh càng xa cách nhiều lại càng nồng nhiệt trong những giây phút gặp gỡ hiếm hoi. Phải chăng trong đầu óc non nớt của nó, đã sớm có những ý thức về tình phụ tử. Cũng có thể ngay từ buổi ban đầu, giữa hai cha con đã nảy sinh một mối tương giao khó giải thích. Trân thường ôm con vào lòng, sờ nắn chân tay, áp khuôn mặt nhỏ bé vào mặt mình, ngửi mùi thơm da thịt, hít hơi thở thân quen của đứa trẻ. Ðôi lúc ánh đèn bên ngoài lại lọt qua khe cửa soi vào mặt thằng bé và Trân lại nhìn thấy đôi mắt long lanh của nó với mụn ruồi, mụn ruồi xinh xẻo nơi đuôi mắt phải.


- Ba ơi, bao giờ ba lại về?...


Thằng nhỏ áp miệng vào cổ anh nói thầm, tay nó lùa lên tóc cha gỡ những mảnh đất khô. Trân ôm con, xoa tấm lưng gầy của thằng nhỏ. Tay anh lần từng đốt xương sống rồi vuốt ve mãi cặp mông bé tí teo...


Vợ Trân đã bỏ anh. Ðó là một người đàn bà xinh đẹp mà suốt thời trai trẻ anh say mê. Cô ta tuy gốc gác là gái quê nhưng rất trắng. Khuôn mặt khả ái, cặp mắt một mí có làn mi cong, đôi môi chín mọng lúc nào cũng như he hé mở. Hồi còn con gái, cô cũng yêu Trân đắm đuối. Hai người sung sướng mà lấy nhau, không một chút đắn đo, như mọi lứa đôi khác ở cái tuổi hai mươi và nghĩ rằng tình chồng vợ sẽ bền chặt đến chọn đời.


Mấy năm đầu tiên khi Trân đi hoạt động, mọi sự vẫn như thường. Một hai tháng anh lại tạt về nhà, cô vợ chuẩn bị sẵn cho chồng dăm tút thuốc với nửa cân đường phèn. Lúc chia tay hai người bịn rịn đến cả giờ đồng hồ không thể rời nhau. Nhưng rồi Trân phải đi xa. Và cuộc sống có nhiều biến động mới. Thôn làng anh đã thành thị hoá. Ðất đai, vườn tược biến mất, chỉ còn một vành cát trắng trơ trụi. Dân làng, những người không đi theo cách mạng lên xanh hoặc không bị bắt lính đều bạt ra các thị trấn làm ăn. Vợ anh xin được môn bài bàn hàng tạp hoá, cô mở tiệm và dần dần khá giả. Ðầy đủ, an nhàn, cô trẻ đẹp lên nhiều, có phần còn mỡ màng hơn hồi con gái. Vợ Trân để kiểu tóc khác xưa, mặc những bộ quần áo tân kỳ. Tụi sĩ quan và lính tráng Ðông Hà gọi cô chủ tiệm đồ tạp hoá là: Nàng búp bê Nhật Bổn. Chúng lượn quanh nàng như những vệ tinh.


Thế rồi, việc gì đến nó sẽ tự đến. Tên thiếu tá an ninh mê vợ Trân. Y ba mươi hai tuổi, gốc người Huế, đẹp trai và lịch lãm. Cô vợ Trâm chống cự không nhiều nhặn gì lắm và thực tâm cũng có ưng thuận y. Một bên, là người chồng đi biền biệt hàng năm không thấy về, mặt mày hốc hác, áo quần đầy bụi đất hôi hám. Một bên, là người tình trẻ đẹp, lịch sự hào hoa, đầu tóc mượt mà thơm nức, luôn luôn đến và đem theo mọi thứ chiêu đãi vật chất cũng như tinh thần. Một bên, là những kỷ niệm của tình đầu trong trắng, tuy êm đềm đẹp đẽ nhưng đã lùi vào quá khứ xa xôi. Một bên, là những đam mê sôi sục, đầy ma lực gắn liền với những đòi hỏi cấp thiết trong đời sống hiện tại...


Ngọn lửa đã thôi reo phần phật, nó chỉ còn cháy lom đom. Những cục than hồng phủ một lớp tàn trắng mịn. Trân đứng dậy lượm vài cành củi khô xếp lên và thổi cho bếp lửa bùng cháy. Anh rất thích nhìn ngọn lửa đỏ rừng rực, hắt lên một quầng sáng ấm áp và vui tươi. Những năm ở rừng anh đã quen đốt lửa vào những đêm đông và cả những đêm hè. Từng thân gỗ to một người ôm chụm lại, chúng cháy từ chập tối tới mờ sáng tinh mơ mới hết. Trân thường ngồi một bên, lâu lâu lại đẩy củi vào, ngọn lửa nhảy múa trước mặt anh, tạo thành những hình ảnh và màu sắc kỳ lạ, Khi thì nó có màu đỏ, khi vàng, khi gần như trắng. Ðôi khi ngọn lửa có cái lõi màu lam. Lúc đó anh biết rằng trong đám tro có lẫn một chiếc vỏ đạn đồng.


Kể từ ngày giải phóng đến hôm nay anh mới lại được ngồi trước một đống lửa, trong cái đêm yên ả như thế này.


CÓ người nào đó đang đi tới từ phía căn nhà nhỏ trước mặt Trân. Một người đàn bà. Trong ánh lửa chập chờn trông thân hình chị như bị vuốt dài ra. Những nếp áo dưới luồng ánh sáng mờ rung rinh vây phủ trở nên óng ánh như may bằng một thứ nhung tơ. Người đàn bà thon thả bước, mỗi lúc nhìn chị một rõ hơn. Ðó là một phụ nữ trạc ba mươi tuổi, dáng mảnh dẻ nhưng rắn chắc. Chị mặc một chiếc áo xanh, màu xanh lá khiến Trân có cảm giác như chị bước ra từ một khu rừng chứ không phải từ một thôn đã bị tàn phá trơ màu cát trắng.


Người đàn bà bước đến trước mặt Trân, cúi đầu lư phép nói:


- Xin anh châm giùm chút lửa.


Chị chìa cây đèn sắt nơi tay ra. Ðúng là cây đèn của thằng nhỏ mặc quần cụt. Như đoán được ý nghĩ của Trân chị nói thêm:


- Trời gió dữ quá, cháu nó mang đèn về đặt vội lên bàn thiên nên tắt rụi ngay.


Giọng người đàn bà êm dịu, và cách nói của chị thật dư nghe. Trân cười tự nhiên, cầm lấy cây đèn:- Có sao đâu, chị đưa tôi châm cho.


Anh lấy cái vỏ mía khô quắt châm lửa vào tim đèn. Sợi bấc bén cháy ngay nhưng ngọn lửa bị gió thổi bạt đi, lắt lay như muốn tắt. Trân khum khum bàn tay che gió, chờ cho ngọn lửa bốc thật to mới đưa cây đèn cho người đàn bà.Lúc ngẩng lên anh thoáng đưa mắt nhìn chị. Một gương mặt xương gầy nhưng rạng rỡ, cặp mày dài và đen. Những sợi lông tơ trên má rung động khi chị cười.- Cảm ơn anh nghe, không có anh, lại phải xách đèn bão lên xóm trên xin lửa.Trân cười xoà, qua hạt lửa vàng thắm của ngọn đèn anh thấy đôi mi người đàn bà hạ thấp, chị chưa dám một lần nhìn thẳng vào mặt anh. Người đàn bà chào Trân và quay đi. Bóng chị mỗi lúc một nhỏ dần trên lối cát. ánh lửa như một đợt sóng lan mãi ra xa rọi lên làn áo xanh và những nếp lụa bay phần phật trên tấm thân rắn chắc của chị.Trân khơi chiếc que thông nòng vào đống lửa. Mấy vành củi khô bén nổ lép bép, ngọn lửa vụt bốc cao soi rõ bóng của người đàn bà trước khi chị rẽ ngoặt vào ngôi nhà tranh. Ngọn lửa soi vào mặt kính chiếc đồng hồ đeo tay của Trân: đã tám giờ mười lăm rồi. Trân bỗng thấy mệt mỏi, anh rút tấm ni lông trong ba lô ra trải và nằm xuống. Trời trong suốt, đầy sao. Những ngôi sao toả ra một thứ ánh sáng tương phản với màu lửa đỏ, một thứ ánh sáng sắc nhọn lấp láy, có màu xanh như lá mạ non. Trân không thuộc hết tên sao. Hồi bé, có đôi lần cha anh chỉ cho biết những chòm sao tua rua, sao thần nông, con vịt trời... và dạy cách đoán thời tiết. Những điều cha anh bảo Trân đã quên rồi, lớn lên là anh đi đánh giặc. Những kinh nghiệm chiến đấu đã thay thế cho những kinh nghiệm mùa màng. Bây giờ, anh nằm nhìn vòm trời rờ rỡ ngàn vạn ngôi sao. Những vì sao. Những vì sao. Chúng ở xa con người đến thế. Nào ai có thể biết được ngôi sao nào nuôi sự sống và ngôi sao nào mang luồng khí độc của tử thần. Ðến con người, con người ở một bên ta mà... Trân bỗng thở dài, anh chợt nhận ra mình đang quay lại với nỗi bi thảm riêng tư. Vợ anh đã phản bội anh. Ðứa con trai của Trân hiện giờ ở đâu?... Một người cùng phố kể rằng nó không chịu gọi tên thiếu tá nguỵ là ba, nó cũng không khi nào nói chuyện với mẹ. Vợ Trân phải gửi nó cho một trường nuôi trẻ lưu trú ở Huế. Ngay sau ngày giải phóng anh đã đi tìm con, suốt ba tháng ròng không ra manh mối... Vợ anh đã bỏ đi Mỹ với tên thiếu tá nguỵ đẹp trai. Bỏ đi không một lời. Ðôi lúc Trân nhớ lại những hình ảnh sinh động của cuộc sống trước kia, anh vẫn tự hỏi mình: Vì sao anh yêu cô ta đến thế? ... Một người bạn gái cùng quê hương, một thiếu nữ xinh đẹp có sức hấp dẫn bất cứ chàng trai nào đến tuổi yêu đương, một người đàn bà thân thể đầy sinh lực và sự khêu gợi... Có thể là như thế... Nhưng còn một điều ngoài tất cả những yếu tố đó, một điều lớn lao trọng đại mà ở tuổi hai mươi và ở trong hoàn cảnh sống bình thường anh không thể nào biết được. Ðiều lớn lao nhất trong mỗi người đàn bà, chỉ có qua cuộc chiến tranh này ta mới hiểu được mà thôi.


Trân nghiêng mình lại, anh đẩy mấy cành củi vào đống lửa cho khỏi tắt. Xung quanh anh, những mảnh vườn trống, những nền gạch vỡ lô nhô, bóng vài bụi trâm bầu thấp lè tè như những chiếc nấm. Một chiếc lon đồ hộp lăn lóc giữa lối đi, thỉnh thoảng lại sáng loé lên vì ngọn lửa hắt vào. Xóm làng bây giờ còn có vậy. Mảnh đất mà anh đang nằm đây ngày xưa là ngôi nhà bà gian của cha mẹ anh. Phía trước nó có một vườn đào tiên với hai dãy cau chạy dọc theo hai bên cổng. Giờ đây cây cối đã cháy rụi, chỉ còn trơ cái nền gạch bị nạy loang lổ với khúc đà gỗ cháy sót đen sì. Dân làng tan tác đi các ngả giờ mới lác đác rủ nhau về. Ngoài gian nhà tranh của mẹ con người đàn bà mặc áo xanh còn dăm bảy nóc nhà đó hắt ra le lói. Nhà riêng của vợ chồng Trân trước cũng ở xóm đó, bây giờ có lẽ cũng chỉ còn lại cái nền, nhưng Trân không muốn đến thăm, có lẽ vì nó sẽ lại nhắc cho anh những kỷ niệm đắng cay.


Ðêm chợt vang lên những âm thanh lao xao, nhè nhẹ. Rồi có tiếng chân bước. Trân ngẩng đâu lên anh thấy thằng bé bận quần cụt đang đi đến, tay nó ôm một bọc gì đó trước bụng. Thằng bé đến bên Trân, nhoẻn miệng cười, nó quỳ xuống và thả hai vạt áo. Một mớ khoai rơi xuống, lăn lóc trên mặt đất. Những củ khoan của miền quê Quảng Trị, tròn và có lần vỏ dày màu tím đỏ. Trân ngồi nhỏm dậy, kéo thằng nhỏ lại. Nó ngồi xuống một bên bẽn lẽn nói: - Má con nhủ đem mấy củ khoai sang, chú lùi ăn cho vui.


Trân thoáng ngỡ ngàng một chút, rồi anh gật đầu:


- Cháu ở đây với chú, tai lùi khoan cùng ăn chơi.


- Dạ, nhưng má con dặn đem khoai sang cho chú rồi về.


- Nếu vậy chú không nhận đâu, ăm một mình buồn lắm.


Thằng nhỏ ngồi im, chần chừ. Trân nói thêm:


- Rồi chú nói với má cho, má không la đâu.


- Dạ...


Ðứa bé vừa cười vưa thở một hơi dài nhè nhẹ. Nó yên tâm co chân ngồi bệt xuống cát, hai tay ôm vòng lấy đầu gối.


Trân lấy que sắt cời than ra dàn thành một lớp mỏng, anh phủ tro lên rồi xếp khoai trên đó, những củ khoai đặt so le rục đầu vào nhau rất khít. Xong xuôi Trân lại rải tro và than lên. Lớp than và tro nòng vun cao như một đống nấm nhỏ.


- Giờ thì xong rồi đấy, ta chỉ cần ngồi chờ khoai chín thôi.


Trâu bảo chú bé. Anh móc bao thuốc trong túi áo ra ngửi, mùi thuốc thơm nồng bốc lên dư chịu. Bao thuốc để trong người, lúc nào cũng âm ầm. Trân rút điếu thuốc, anh không đưa lên miệng ngay mà châm vào một hòn than đang cháy. ống tay áo bên trái vẫn gài vào túi bỗng rơi thõng ra. Chú bé theo dõi Trân, mặt nó hiện lên sự sửng sốt. Có lẽ bây giờ nó mới nhận thấy anh chỉ còn có một cánh tay. Trân không để ý đến điều đó, anh rít một hơi thuốc, khoan khoái thở ra những làn khói trắng. Gió ngoài mạn biển thổi vào càng về đêm càng mát lạnh, nó làm dịu đi những nỗi đau và thức dậy những hy vọng xa vời.


- Này, cháu lên mấy tuổi?


- Cháu lên bảy.


- Cháu đi học chưa?


- Dạ, cháu học ở nhà thôi, má cháu bày...


Chú bé trả lời Trân và liếc nhìn anh với cái vẻ mỗi lúc mỗi ái ngại và tò mò. Thấy Trân duỗi dài chân, lăn mình trên mảnh nilông nó ấp úng hỏi:


- Chú... chú định ngủ ở đây sao?


- Ừ, chú ngủ ở đây.


- Chú không có nhà à?


- Không, chú không có nhà.


Trân thong thả trả lời.


Chú bé xây mặt đi. ánh lửa in lên cái cổ mềm mại của nó một vệt hồng hồng. Xưa kia, ánh trăng đã từng lọt qua khe cửa và in lên gáy đữa con trai anh những vế sáng màu ngà... Những vệt sáng in lên làn da non nớt của trẻ thơ, sao dịu dàng, sao rụng động trái tim con người đến thế?


Chú bé vẫn đăm đăm nhìn đống lửa, nét mặt trở nên trang nghiêm. Chợt nó quay lại:


- Chú không sợ cảm hay sao? Má cháu bảo ngủ ngoài trời dư bệnh lắm.


- Không, chú không sợ, chú quen rồi.


Trân trả lời, giọng khàn khàn. Anh bỗng cảm thấy một cái gì đó, gần như sự mủi lòng, làm cay sống mũi. Ðã từ lâu rồi, anh chưa được nghe lời hỏi han chằm bặp của một đứa trẻ.


Thằng bé ngồi nhỏm dậy, nhìn anh:


- Ðừng, không quen được đâu. Ba cháu đó, khoẻ gấp năm lần chú mà cũng đau chết, má cháu bảo chết vì ngủ rừng nhiều.


Nó hạ giọng thầm thì:


- Ðêm. Ở ngoài trời có con ma mặc áo trắng đi lang thang, nó tìm bắt những người không nhà cửa...


Trân kéo thằng bé lại bên mình, dịu dàng xoa tóc nó:


- Ai nói chuyện tầm bậy đó, má cháu hả?...


Cháu bé lắc đầu quả quyết:


- Không tầm bậy đâu, thiệt đó mà... Chú không nghe rồi chú lại chết mất như ba cháu thôi.


Rồi nó nhìn anh với vẻ lo ngại chân thành. Ðôi mắt nhỏ phản chiếu ánh lửa ngời lên như nước, những sợi mi thưa, mảnh in bóng lên bờ mắt khiến gương mặt thon thon của đứa bé càng giống hình ảnh của một ông hoàng tý hon nào đó lạc trong những cuốn truyện thần tiên.


Ðống lửa vẫn cháy rừng rực, thỉnh thoảng những tàn lửa vụt bay lên như những vì sao đỏ, chúng vội vã cháy rồi vội vã tắt trước khi rơi xuống. Trân liếc nhìn mụn ruồi nơi đuôi mắt phải của chú bé. Anh hỏi:


- Ba cháu đâu?


- Ba cháu chết rồi mà, cháu vừa kể cho chú nghe thôi.


Chú bé trả lời anh, giọng trách móc.


- Ừ... à à, thế mà chú quên - Trân cười xí xoá - Ba cháu làm gì?


- Ba cháu lên Xanh - Thằng bé nói rành rọt - Ba cháu đi đánh Mỹ bị chết vì sốt rét. Má cháu bảo tại bà ngủ rừng nhiều. Ba cháu chết hồi cháu mới được hai tháng, cháu chưa biết mặt ba đâu.


- Thế má chau khi đó làm chi?


- Má cháu làm cấp dưỡng cho đơn vị của chú Sáu. Giải phóng rồi nội nhủ má con cháu về đây.


- Thế trước nhà cháu ở đâu?


- Ở Quảng Nam, ở đó quế nhiều lắm chú à. Dưới biển họ đem khô cá chuồn lên đổi quế.


- Ba cháu quê ở đây hả?


- Dạ, ba cháu quê đây.


Ra thế, ba chú bé là người đồng hương với anh, còn mẹ chú là người Quảng Nam, giọng nói của chú bé pha trộn âm hưởng của cả hai xứ sở. Chú bé đã theo mẹ trở về quê cha.


Trân thoáng bâng khuâng. Anh biết rằng rất ít người đàn bà chồng chết rồi mà còn đưa con về quê nội. Nhất là quê anh, một vùng đất dữ dằn, gió nóng, cát bụi, đất đai cằn cỗi. Người đàn bà áo xanh phải có một tình yêu thuỷ chung và sâu sắc lắm mới có thể quyết định như vậy. Chị đưa con về đây, cho nó sống trên mảnh đất này, ăn củ khoai cha nó đã từng ăn, uống ngụm nước cha nó đã từng uống, dưới bầu trời đầy sao của miền quê Quảng Trị. Có một người vợ như vậy thật hạnh phúc. Hạnh phúc... Trong cuộc đời riêng mọi ngươi đều may mắn hơn ta... Trân chợt nhận ra anh có một thoáng ghen tị với người đồng chí chưa quen biết đã hy sinh và với bao nhiêu bạn bè quen thuộc.


Ngọn gió bỗng xoay chiều thổi tạt khói vào mặt Trân. Anh nhắm mắt. Trong đầu lại chờn vờn những hình ảnh cũ: Cái cổ mảnh khảnh của đứa con trai in một vệt sáng màu ngà. Hình ảnh của chính anh lang thang trên những con đường Huế, và Ðà Nẵng hết cô nhi viện này đến trường mồ côi khác, những trưa nóng nực, chói chang và ồn ào đến chóng mặt, những chiều mưa ướt, đám mây xám nặng trĩu dồn tụ nơi chân trời, anh đứng cô đơn trên hè phố, nhìn đám người giường ô đi qua...


- Sao chú im lặng thế? Chú ngủ rồi à?


Ðứa bé cao giọng hỏi làm Trân giật mình. Anh mở mắt. Ðống lửa vẫn cháy rất to, đỏ hồng. Còn chú bé đang chăm chú nhìn anh, môi nó tươi như màu bông trang.


- Chú buồn ngủ chưa? Cháu bới khoai ăn nghe! Trân vùng dậy, anh ngồi tựa lưng vào chiếc ba lô con cóc:


- Phải đấy, cháu bới khoai ăn đi.


Chú bé nhanh nhẹn lấy cây que sắt gạt lớp tro bên trên, nó gạt rất nhẹ những hòn than đã cháy hết, chỉ còn tro tàn trắng vẫn lả tả bay lên, xộc vào mũi. Ðứa bé quay đi, hắt hơi liền hai cái rồi nhón từng củ khoai, đập nhẹ cho bụi tro bay đi, xếp lên mảng lá chuối héo mà ban chiều Trân gói đồ ăn mang theo.


- Chú ăn khoai ạ!


Thằng bé mời Trân, còn nó thì phủi tay vào nhau và ngồi bó gói, khuôn mặt nhò trang trọng như mặt một cụ già.


Trân bóc khoai, anh thổi cho những ngón tay bớt nóng:


- Cháu nghĩ gì vậy?


- Cháu nghĩ đến chú.


- Sao cơ?


- Chú không có nhà, mà má con cháu thì có những hai cái nhà: Một nhà ông bà nội ở xóm Côi - Nó giơ tau chỉ cụm nhà mới dựng, đèn le lối - Một nhà ở đây.


Thằng bé ngưng lại một chút rồi nó nói tiếp, giọng quả quyết:


- Này, hay chú vào ngủ nhà cháu đi. Nhà cháu chỉ có hai má con, sợ lắm, đêm nào cũng phải thắp đèn.


- Hả?...


Trân bối rối - anh chưa biết trả lời đứa bé ra sao. Nó vẫn nhìn anh chờ đợi, cặp mắt đen mở rộng, long lanh.


- Chú ngủ ngoài này đau bệnh chết đây. Trong nhà cháu có giường, có cả mùng vuông, thứ thiệt đẹp...


Nó nói, như dỗ dành, Trân nhìn ngôi nhà heo hút chìm trong khoảng tối mờ với dăm bóng cây, anh bỗng cảm thông với nỗi quạnh hiu của chú bé. Nó có mẹ rồi, nhưng nó vẫn cô đơn và như anh, nó cũng cần người bầu bạn.


- Kìa, chú?


Ðứa bé giục giã, mắt nó dán vào miệng Trân, nôn nóng chờ đợi. Trân lúng túng, anh chưa biết tìm cách nào nói cho phải.


- ừ, à, để chú xem đã.


Nói xong, mặt Trân nóng lên, máu chảy giần giật hai bên tai. Chính anh cũng ngạc nhiên vì thấy mình dao động như vậy. Câu chuyện của chú bé làm xao xuyến tâm hồn Trân, nơi mà anh đã tưởng chừng nguôi lạnh mãi mãi.


Ðứa bé vụt đứng dậy:


- Cháu vào bảo má nghe.


- Khoan, khoan, nghe chú nói đã.


Trân hốt hoảng níu tay đứa bé, hốt hoảng đến líu cả lưỡi.


Người đàn bà xa lạ kia sẽ nghĩ gì khi đứa con tự nhiên nói lên những đề nghị kỳ quặc như thế.


Trong thâm tâm, Trân kính trọng chị, anh rất sợ chị hiểu lầm, nhất là đối với vợ của một người đồng chí đã hy sinh.


- Chú nói điều này nghe...


Ðứa bé đứng lại, chờ đợi. Trâu kéo nó ngối xuống, anh tìm cách hoãn binh. - Hãy còn sớm, cháu ăn khoai với chú cho hết đã.


- Dạ!


Thằng bé ngoan ngoãn nhặt một củ khoai, nhưng trước khi bóc nó lại giao hẹn:


- Chặp nữa chú phải sang ngủ nhà cháu nghe!


Trân không trả lời, anh cắn một miếng khoai thật to, thở hà hà làn hơi nóng:


- Chà, ngon thiệt!


Ðúng lúc đó vang lên tiếng gọi của người đàn bà:


- Lâm ơi, về ngủ con...


Tiếng gọi lặp lại lần thứ hai và người mẹ đi tới. Vẫn dáng đi đẹp đẽ làm Trân sửng sốt lúc đầu, vẫn tà áo xanh trong ánh lửa soi rọi, lấp láy những ánh vàng tươi thắm.


Trân vứt mảnh vỏ khoan vào đống lửa, luống cuống xoa tay vào đâu gói. Người đàn bà đến gần và nói:


- Xin phép anh cho cháu về kẻo khuya.


- Dạ, chị cho cháu về.


Trân trả lời, anh thầm mong đứa bé theo mẹ về ngay và quên đi câu chuyện ban nãy. Nhưng nó đã hấp tấp nói:


- Khi hồi chú bảo về nhà cháu mà?


Tim Trân đập thình thịch, anh chưa kịp thanh minh thì thằng nhỏ tiếp luôn:


- Má ơi, chú ấy không có nhà, con nhủ chú về nhà mình ngủ cho khỏi đau má nghe!


Người đàn bà cúi đầu xuống, môi mấp máy nhưng không thành tiếng, có lẽ cũng bàng hoàng và ngượng ngập. Trân thấy mặt mình nóng ran, anh sượng sùng cười, nửa như phân trần, nửa như chữa thẹn:


- Thằng nhỏ ký quá.


Hai người cùng im lặng. Và đêm vang lên tiếng gió, tiếng lửa reo phần phật, tiếng nỉ non êm dịu của những côn trùng ngoài đám ruộng khoai mới trồng.


Lâu rồi người đàn bà cũng nói:


- Anh định ngủ ngoài này sao? Hồi trước đánh giặc ngủ bụi ngủ bờ chi cũng được. Chứ nước nhà thống nhất rồi...


- Không , tôi quen rồi. Vả lại đốt lửa cả đêm hơi giá cũng tan hết... Trân nói hấp tấp, anh nghe tiếng mình nói và nhận thấy nó biến đổi. Có chi ấm áp bao phủ khắp người Trân, dịu dàng và thuần khiết hơn cả hơi ấm của ngọn lửa, nó khiến anh vừa muốn chìm xuống một cơn mơ màng lại vừa nô nức và xao xuyến.


Người đàn bà vẫn đăm đăm nhìn ngọn lửa, chị nói, giọng nhỏ và trầm, gần như tiếng thầm thì:


- Tôi biết anh...


Lưỡng lự một chút chị ta nói tiếp, rành rẽ hơn:


- Tôi biết hoàn cảnh của anh, ông nội cháu kể...


Trân cắn môi, anh nhìn chị với vẻ biết ơn và không nói gì thêm.


Thằng nhỏ đứng lên, phủi những hạt cát bám ở đũng quần:


- Chú về nhà cháu chứ?


- Bữa khác, bữa khác, - Trân vội vã trả lời - Ðêm nay chú còn bận, đêm nay chú phải gác.


Thằng bé không chịu:


- Giải phóng rồi còn Mỹ, nguỵ đâu mà gác?


- Còn, còn chứ, không có người gác là chúng quay lại ngay.


Người đàn bà cúi xuống kéo tay con:


- Cứ nói lôi thôi mãi, Lâm!


Rồi chị quay sang Trân:


- Tôi nhủ cháu đem mảnh tăng sang cho anh che sương ngủ tạm.


- Thôi, tôi ngủ như vầy cũng được mà...


Trân từ chối, nhưng người đàn bà đã cao giọng nói với đứa bé:


- Về con, đem cho chú mượn mảnh tăng rồi đi ngủ. Sáng mai còn đi vun khoan sớm.


Chị xoay lưng đi rất nhanh, trước khi đó ánh mắt chị lướt qua như một lời chào. Trân chưa kịp có một cử chỉ đáp lư thì hai mẹ con chị đã bước đi. Thằng nhỏ níu lấy áo mẹ, chạy gấp gấp. Còn người đàn bà bước đi với dáng điệu thanh thoát nhẹ nhàng. Ánh lửa nhóng nhánh trên lần lụa xanh, biến thành một thứ màu sáng rạng rỡ, tươi non. Trân nheo mắt, ngọn lửa nhảy nhót trước mặt anh, lan toả trên đôi vai tròn trặn của người đàn bà và làm màu áo chị rực lên như một miền cỏ dậy, một miền cỏ tơ với những sợi cỏ xanh óng ánh trơn mượt - Một miền cỏ đang mọc rờ rỡ trên những vùng đai trắng quê anh.


10 - 1976
tienmacdoa
#9 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:27:05 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 4:31 am
Tiêu đề: HOA TẦM XUÂN CỦA MÙA THU

http://dactrung.net/truy...mvoqKzZREc1kRPaEdA%3d%3d
tienmacdoa
#10 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:28:02 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 4:32 am
Tiêu đề: Chuyện tình kể trước lúc rạng đông

http://dactrung.net/truy...zqiSbwXUDHdgs%2bmA%3d%3d
tienmacdoa
#11 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:30:06 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 4:33 am
Tiêu đề: Các Vĩ Nhân Tỉnh Lẻ

http://dactrung.net/truy...sVo6P6gZAs6qC%2bg%3d%3d

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 4:36 am
Tiêu đề: Những thiên đường mù

http://dactrung.net/truy...MeS%2f5myCvn4uUuA%3d%3d


tienmacdoa
#12 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:31:27 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 4:42 am
Tiêu đề: Phỏng Vấn Nhà Văn DƯƠNG-THU HƯƠNG về ngày 30/4

Nhà văn Dương thu Hương ở Hà Nội nghĩ gì về biến cố 30 tháng 4?

LITTLE SAIGON (30/4/2001) ? Nhà văn Dương Thu Hương đã có lần công khai bầy tỏ rằng, tháng Tư năm 1975, bà đã ngồi trên lề đường của Sàigòn ôm mặt khóc vì khám phá ra rằng, chế độ chiến thắng cuộc chiến chẳng qua chỉ là một thể chế man rợ. Từ đó, bà chọn cho mình một hướng đi riêng, là đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do dân chủ.

Nhà văn Dương thu Hương, nổi tiếng không những về những tác phẩm như "Thiên Ðường Mù", "Bên Kia Bờ Ảo Vọng", "Khải Hoàn Môn", mà còn do thái độ can đảm và thẳng thắn phê bình giới lãnh đạo Hà Nội. Bà từng bị chế độ giam giữ gần một năm. Hiện nay, bà Dương Thu Hương sống đơn độc tại Hà Nội, hầu như không giao du với ai, và bị công an theo dõi thường xuyên. Bà không được phép xuất ngoại, và mọi giao tiếp của bà đều bị kiểm soát gắt gao.

Nhân dịp kỷ niệm 26 năm, ngày đất nước bị những người cộng sản quy về một mối, và cũng là dịp Ðảng Cộng Sản Việt Nam khai mạc Ðại Hội 9, nhà văn Dương Thu Hương dành cho Little Saigon Radio cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây và do biên tập viên Ðinh quang anh Thái thực hiện:

Little Saigon Radio: Ðảng Cộng sản Việt Nam sẽ chính thức khai mạc Ðại Hội 9 vào ngày 19 tháng Tư (2001) này tại Hà Nội, là một người sống ngay tại thủ đô và là người luôn trăn trở đối với tình hình của đất nước, bà có nhận xét gì về Ðại hội này?

Dương Thu Hương: Nếu bảo rằng nhận xét thì tôi không dám nhận xét, bởi vì mấy năm nay tôi không theo dõi sinh hoạt của đảng Cộng sản, mà tôi cũng không đọc báo. Nói chung, hoạt động của đảng Cộng sản thì nó rất nhàm chán nên tôi không theo dõi. Nhiều người cũng thờ ơ nhưng người ta không dám nói như tôi (cười ......). Tính tôi vốn dĩ nghĩ gì nói nấy nên thành thật thưa với quý Ðài là tôi không chú ý tới Ðại hội của họ. Nhưng mà tôi biết có một số người chú tâm tới những cuộc đấu đá giữa những phe phái trong đảng Cộng sản, xem là kẻ nào ngã ngựa, kẻ nào thì lên ngựa ... đại khái như thế.

Little Saigon Radio: Lý do nào khiến cho một người như bà, một người đã có thời hết mực tận tụy với đảng Cộng sản Việt Nam và tự nhận là "thuộc thế hệ xẻ Trường Sơn đánh Mỹ", để rồi bây giờ hoàn toàn không chú ý tới sinh hoạt của đảng Cộng sản, mặc dù bà đang sinh sống ngay tại lòng của thủ đô Hà Nội?

Dương Thu Hương: Chuyện này thì ông lầm đấy. Thứ nhất là chưa bao giờ tôi tận tụy với đảng Cộng sản. Tôi vào chiến trường năm 1968 là vì lòng yêu nước truyền thống. Lúc ấy đó tôi tưởng rằng đó là cuộc chiến tranh chống xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam. Cho nên giống như cha ông chúng ta, hễ quân Minh, quân Thanh đến là đánh thế thôi. Khi vào trong Nam, năm 1969, họ có nhã ý kết nạp tôi vào đảng, nhưng tôi đã thẳng thắn trả lời với chi bộ Văn Hóa Quảng Bình nơi tôi phục vụ là "cái chi bộ này đảng viên đàn ông còn có người tư cách khả dĩ, chứ còn đảng viên đàn bà thì toàn những đồ ăn mày ăn nhặt, toàn những con đĩ thì tôi vào làm gì cho nó bẩn người tôi ra". Cho nên tôi không vào đảng. Ðến năm 1977, khi tôi chuyển vào Xưởng Phim Giải Phóng, thì chính những anh em ngoài đảng cứ tha thiết nói tôi phải vào đảng để đấu tranh cho mọi người. Vì thế tôi vào đảng với tinh thần rất thực dụng. Lúc bấy giờ, tất cả lương bổng, tất cả những chuyến đi nước ngoài béo bở, có thể buôn bán kiếm tiền để đạt một cái thiên đường vật chất nhỏ bé nào đó, tất tật những bổng lộc ấy đều tùy thuộc vào các chi bộ quyết định, vì vậy, anh em ngoài đảng bảo tôi vào để đấu tranh với họ chống lại những tệ nhũng lạm, cửa quyền, đút lót xẩy ra trong đảng. Và tôi vào và đã làm được việc ấy. Tính tôi có lẽ vì không tham và thẳng thắn nên thứ trưởng, bộ trưởng, gặp thằng nào tôi chửi thằng ấy nên họ phải im thôi. Huống hồ các cấp lãnh đạo đối với tôi (cười) thì tôi thấy cái gót chân Achille của họ có tới bẩy, tám, chín gót cơ, bản thân họ mềm yếu có lẽ vì họ có nhiều dục vọng quá.

Tôi nói lại với ông rằng tôi vào đảng không vì tận tụy với đảng, mà lúc đấy tôi thấy đảng thối lắm rồi và tôi vào để làm những việc cụ thể là đấu tranh cho anh em, là những người thấp cổ bé họng. Khi tôi bộc lộ một cách rõ ràng quan điểm của tôi chống lại cái nhà nước độc quyền và đấu tranh cho một chế độ dân chủ, một chế độ đa đảng, một chế độ nhất thiết phải có đối trọng thì lúc bấy giờ tôi có làm một bản kiểm điểm mà tôi nghĩ là nó thành công, vì tôi đứng trong đảng, như người ta nói trong chăn mới biết chăn có rận, cho nên với tính cách đảng viên, tôi nói được quan điểm của mình và tôi đã làm được việc đó.

Little Saigon Radio: Mặc dù bà nói rằng không hề chú tâm đến các hoạt động của đảng Cộng sản Việt Nam, tuy nhiên, chúng tôi nhớ không lầm thì trong một bài viết của bà cách đây khoảng 10 năm, bà phát biểu rằng không có gương mặt nào của Bộ Chính Trị Ðảng Cộng sản Việt Nam tiêu biểu cho nguyện vọng của dân tộc, vậy thì bà nhận định ra sao nếu như trong Ðại hội 9 này, ông Nông Ðức Mạnh sẽ lên thay ông Lê Khả Phiêu trong chức vụ Tổng Bí Thư đảng?

Dương Thu Hương: Những nhân vật mà ông vừa đề cập đến, tôi chưa hề trực tiếp gặp họ, tôi chỉ nhìn ảnh của họ, mà cũng hãn hữu thôi tôi mới ném một cái nhìn vào ảnh của họ. Theo tôi, giữa những cái mặt của những người đó, thì cái mặt của ông Nông Ðức Mạnh còn có vẻ là sáng sủa hơn. Ðôi khi tôi thấy ông ta có cái nhìn buồn rầu, có lẽ vì ông ta thấy nước non thối tha quá, và đảng của ông ta thối tha quá. Có lẽ cái nhìn buồn rầu ấy chứng tỏ người ta còn một chút lương tâm, chứ nó không phải là những bộ mặt nham nhở, lúc nào cũng nhăn nhở cười hềnh hệch, xin lỗi phải nói lời của các cụ ngày xưa là "sằng sằng như ...cái gì phải nước sôi ấy". Tóm lại, những người do đảng cử ra đại đa số là họ tự bầu cho nhau, nhân dân không bầu họ. Cho nên cái mặt của họ trông tăm tối lắm, ăn nói thì nham nhở, ngu độn, nói chung là câu nọ chửi bố câu kia, chẳng ra cái thể thống gì cả. Nó ngớ ngẩn đến mức độ tất cả những người dân Việt Nam, dù người mù chữ đi nữa cũng xấu hổ vì vua chúa sao mà tối tăm ngu dốt đến thế. Tôi cũng chẳng biết ông Nông Ðức Mạnh có lên cầm quyền được không nhưng vấn đề là ngay cả trường hợp ông Nông Ðức Mạnh nắm quyền đi chăng nữa thì cơ chế này vẫn cứ phải thay đổi. Không một cá nhân nào có thể tử tế được. Vấn đề phải có cơ chế để buộc con người phải tử tế. Trước sau tôi vẫn nghĩ phải có một chế độ để cho dân chúng được quyền bầu lên những người đại biểu của mình. Có nhứ thế thì bản thân những người đại biểu ấy khi họ được bầu, họ cũng có cái sự tự tin của họ. Bởi vì họ được đảm bảo bởi lá phiếu của người dân, do đó, mặt họ dù có xấu xí chăng nữa thì ánh sáng của lòng tự tin cũng làm họ khá hơn. Ngoài ra, trí tuệ của 80 triệu dân cũng không ngu dốt gì mà lại đi bầu cho những khuôn mặt tối tăm quá, hoặc những kẻ ngu dốt quá. Cho nên, đất nước Việt Nam muốn tiến bộ thì phải xóa bỏ chế độ độc đảng và người dân phải có quyền bầu cử thực sự. Lúc ấy giờ thì tôi mới có thì giờ nhìn lại những khuôn mặt lãnh đạo, chứ bây giờ thì tôi không có thì giờ nhìn mặt những người lãnh đạo hiện nay.

Little Saigon Radio: Bà là người mang nhiều trăn trở về tình trạng tụt hậu hiện nay của đất nước và con người Việt Nam, theo nhận định của bà, làm sao để có được một bước đột phá nhằm đưa đất nước đến một cơ chế dân chủ tự do như ước vọng chung của mọi người, khi mà giới lãnh đạo tại Hà Nội lúc nào cũng khăng khăng là Việt Nam phải nhất quyết tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa, phải đeo đuổi chủ nghĩa Mác'Lênin và tư tưởng ....?

Dương Thu Hương: Tất cả những lời lẽ của giới lãnh đạo vừa ngu xuẩn vừa dối trá. Bản thân họ biết sự dối trá đó. Tất cả những kẻ mở mồm nói Xã Hội Chủ Nghĩa thì con cái chúng nó đều buôn bán, đều làm mọi cách tận thu, tận dụng, ăn cắp thật là nhiều tiền và trở thành những thằng tư bản. Chúng nó phát huy tối đa khả năng ăn cắp, ăn cướp, biến tất cả tiền tài, của cải của nhân dân trở thành vốn liếng riêng của chúng nó, hoặc là gởi tiền ra nước ngoài để sau này họ chuồn, hoặc là nếu tình hình còn thuận tiện thì họ sẽ ở lại trong nước để giữ một vốn liếng to lớn trực tiếp lấy từ xương máu của dân chúng. Như thế có nghĩa là không biết bao thế hệ nữa của con cháu chúng tôi, nhất là con cháu của hơn 60 triệu nông dân, phải trả nợ cho hành động nhũng lạm của bọn chúng. Còn về Xã Hội Chủ Nghĩa thì những người nào không ngu lắm thì họ cũng đều biết rằng chủ nghĩa này chỉ là câu nói đầu lưỡi. Tại sao giới lãnh đạo đảng nói thế? Họ nói thế vì họ dựa vào sự hèn hạ, sự hèn nhát của dân chúng. Dân chúng sợ hãi họ vì bản thân của chế độ này là chế độ dựa trên nòng súng theo đúng nguyên tắc của Lênin, cho nên người dân vì sợ hãi mà phải hèn nhát cúi đầu, cho dù dân chúng biết rằng, cả người nói và người nghe đều biết những điều ấy là những điều giả dối. Người nói thì trơ tráo vô liêm sỉ, còn người nghe thì vì sợ hãi nên đành nuốt nước bọt thôi. Tôi nghĩ rằng ai cũng biết, toàn thành phố Hà Nội này người ta biết từng con cái đám lãnh đạo, con "thằng" Phan Văn Khải thì thế nào, con rể "thằng" Ðỗ Mười thì như thế nào.v.v ... dân chúng người ta biết từng chi tiết một. Tóm lại, không có gì đáng bàn về cái thứ Chủ Nghĩa Xã Hội, tất cả chỉ là trò lừa bịp của danh từ và sự lừa bịp này còn tồn tại vì nó dựa trên hai vế. Vế thứ nhất, kẻ cầm quyền thì dùng sức mạnh và bạo lực đàn áp dân chúng, còn vế thứ hai là dân chúng cam phận, hèn nhát vì sợ bạo lực và vì tinh thần nô lệ nó đã tẩm nhiễm quá lâu rồi.

Little Saigon Radio: Hình ảnh đất nước và con người Việt Nam như bà vừa phát biểu ảm đảm và u tối quá. Bản thân bà, bà có tin tưởng vào tương lai của Việt Nam không?

Dương Thu Hương: Có lẽ nếu không có một chút niềm tin nào thì chẳng ai sống nổị Theo tôi, dân tộc ta là dân tộc nhỏ, nên năng động hơn những nước lớn như nước Tầu. Nhưng mà tôi không biết đến hết năm nay, dân tộc ta đã hết vận số tận cùng dưới đáy chưa. Còn những năm vừa qua thì quá tăm tối. Cứ nhìn mặt những người lãnh đạo thì cũng đủ thấy nhục nhã và đau đớn như thế nào cho 80 triệu dân. Tôi không phải là nhà tiên tri nên tôi không biết bao giờ thì cuộc hạnh ngộ với tương lai mới đến với dân tộc chúng ta. Nếu chúng ta có sự thay đổi thì tôi cho rằng vì là dân tộc nhỏ nên chúng ta sẽ thoát khỏi quá khứ một cách gọn nhẹ hơn. Ðó là điều hy vọng của tôi cho tương lai.

Little Saigon Radio: Chúng ta đang ở thời điểm tháng Tư năm 2001. Hai mươi sáu năm trước, khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt ngày 30 tháng Tư năm 1975, lúc đó bà ở đâu, đang làm gì và có cảm tưởng gì?

Dương Thu Hương: Lúc đó tôi ở Quảng Bình, và một vài tuần sau đó thì tôi tìm cách vượt qua cầu Hiền Lương để vào Sàigon với mục đích thăm những người thân và tìm hiểu xem người dân miền Nam sống như thế nào. Trong suốt một tuần lễ đi đường, tâm trạng của tôi là cả một mớ hỗn độn. Bởi vì một khi thông tin có quá nhiều thì nó trở thành hiện tượng bị nhiễu trắng. Còn về cảm tưởng khi nghe chiến tranh chấm dứt thì khó nói vắn tắt lắm, nhất là cuộc chiến quá dàị Nhưng khi tham dự cuộc chiến chống Mỹ, tôi nghĩ rằng đây là cuộc chiến chống xâm lược, tôi đã từ bỏ cuộc sống ở hậu phương mà tôi cho là hèn hạ, hoặc đi ra nước ngoài là hèn hạ, để rồi tôi dấn thân vào chốn chông gai như thế. Nhưng mà sau khi vào Sàigòn, thì tôi biết rằng một cuộc chiến tranh khác lại nẩy nở trong tôi. Tôi nghĩ là cuộc chiến tranh trong lòng tôi nó lâu dài và khốc liệt hơn, vì lúc bấy giờ, khi người khác vui sướng nhất thì tôi hiểu rằng tôi hoàn toàn lầm lạc. Theo tôi, đây là cuộc chiến tranh giữa hai phe và người Việt Nam đã chia ra thành hai đội quân đánh thuê cho hai phe và dù gì chăng nữa thì cái mô hình xã hội của cái miền đất bại trận mới chính là mô hình của nền văn minh, và chúng tôi là người trong đội ngũ chiến thắng thì thực ra chúng tôi đã chiến đấu cho một mô hình xã hội man rợ. Và điều đó khiến tôi hết sức cay đắng. Tất nhiên ngay lúc ấy cảm tưởng nó còn mù mờ, nhưng sau này, càng ngày thì sự hồ nghi của tôi nó càng rõ rệt hơn, cho nên tôi phải nói thật là trong ngày 30 tháng Tư, cái khoảnh khắc vui sướng như mọi người qua đi rất nhanh, nhưng đối với tôi thì trong nội tâm đã xẩy ra một chiến mới và nó đã kéo dài mãi cho đến 10 năm sau đó thì nó mới biến chuyển hoàn toàn và khiến tôi trở thành một người "dissident" quyết liệt như vậy.

Little Saigon Radio: Tâm trạng của bà có phổ biến trong hàng ngũ những người chiến thắng không ạ?

Dương Thu Hương: Tôi chắc là nếu tâm lý của tôi mà phổ biến quá trong hàng ngũ đó thì chế độ này đã bị lật đổ từ lâu rồi. Vì họ cũng nhìn rõ như tôi thì không thể tồn tại mãi cái chính quyền dựa trên nòng súng như thế này được. Tôi không khinh bỉ con người đâu, có điều là con người ta nói chung, thường an phận và có lẽ bản chất con người bao giờ cũng nương theo phe mạnh, bản chất con người bao giờ cũng tìm những lý lẽ để bào chữa cho mình để được sống còn. Cho nên không phải là ít người đã nhìn ra cái khía cạnh phi lý của cuộc chiến tranh, không phải là ít người đã khám phá ra chế độ cộng sản là chế độ man rợ và phi nhân đâu, nhưng nói chung con người là hèn yếu, gió chiều nào che chiều ấy. Cho nên để nói ra miệng thì cũng khó, nhất là người Việt Nam hay nghĩ vụng, nghĩ lén, chứ bảo họ nghĩ thẳng thắn thì cũng khó.

Little Saigon Radio: Cũng vào dịp 30 tháng Tư năm 1999, bà viết một bài tựa đề là Tiếng Vỗ Cánh Của Bầy Quạ Ðen, bà nhận địng rằng các nhà Việt Nam học thường băn khoăn trước một nghịch lý là tại sao một dân tộc dũng cảm biết bao trong chiến tranh như dân tộc Việt Nam mà lại tỏ ra hèn mọn như thế trong cuộc sống thời bình. Bà có lý giải được hiện tượng này không?

Dương Thu Hương: Ðiều thứ nhất, cuộc chiến tranh vừa rồi nó quá khốc liệt, người chết quá nhiều, chết vì bom đạn, vì đói ăn, chết vì căn bệnh tâm thần ..v.v..Khi nó quá khốc liệt thì nó như một cái lò làm cho nhiều thế hệ tan chẩy trong đó. Con người là hữu hạn, cuộc đời là hữu hạn và sức lực của con người cũng hữu hạn, lòng can đảm của con người cũng hữu hạn. Tóm lại, con người là một thực thể rất dễ dao động, vì thế khi đã ra khỏi lò lửa chiến tranh thì rất dễ nẩy sinh ra tâm lý dầu sao thì sống vẫn hơn chết. Người Việt Nam mình, nghĩa là cả tôi lẫn cả ông nữa, dũng cảm bao nhiêu trong chiến tranh thì hèn nhất bấy nhiêu khi hòa bình, đó cũng là tâm lý dễ hiểụ Là vì họ đã khổ đau, họ đã lội qua địa ngục rồi nên thà họ cam chịu sự thống trị của một chính quyền hà khắc để còn được tồn tại, còn ăn được miếng cơm với nước mắm hơn là chết. Người Việt Nam dễ hài lòng, và vẫn chưa ý thức được quyền sống, chưa ý thức về nhân phẩm, chúng ta không thể đòi hỏi những người quá nghèo khổ có ý thức được về quyền tự do, một thứ quyền xả xỉ phẩm mà phải ở cấp độ nào đó người ta mới yêu được tự do, còn khi người ta đói quá thì người ta chỉ cần một bát cơm chan nước mắm cua hoặc một tý muối ớt, một tý mỡ ngoáy vào cơm là đủ qua ngày rồi. Người Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh đã sống cùng khổ như thế cho nên là khi đã lội qua địa ngục thì phải rất lâu người ta mới phục hồi lại cuộc sống bình thường như là các dân tộc khác. Ðấy là mặt tâm lý.

Ðiều thứ hai, đất nước chúng ta chịu chiến tranh liên miên nên nó sản sinh ra hai loại tâm lý con người. Tâm lý của lớp tướng và tâm lý của lớp quân sĩ. Chiến tranh dạy cho con người ta tâm lý tuân lệnh. Thái độ tuân lệnh là một gông cùm đào tạo ra phẩm chất nô lệ. Cho nên sau khi hòa bình, lập tức người lính rất ngoan cường trong chiến tranh đã trở thành những công dân hèn nhát. Họ chưa có khái niệm về quyền công dân, chưa có tri thức để làm một công dân như công dân của các nước tự do.

Ðiều thứ ba là thói quen tuân lệnh, tuân lệnh và tuân lệnh đã tẩm nhiễm vào tâm hồn họ rồi cho nên họ chỉ trở thành những người lính trong thời bình, nghĩa là những kẻ hèn, chỉ biết cúi đầu tuân lệnh mà thôi. Những người lính này sẽ lại ra lệnh cho con cái của họ, hoặc những kẻ yếu thế hơn họ. Nói cách khác, tâm lý đó là, hoặc là làm xếp của những người bên dưới, hoặc là làm con ở, đầy tớ cho những thằng bên trên. Một dân tộc mà mang cái tâm lý song trùng đó thì rất là khó trở thành một dân tộc có tự do dân chủ, bởi vì muốn có tự do dân chủ thì xã hội phải hình thành được những người công dân tự do, biết quyền của mình, biết mình được được hưởng những gì và như thế họ phải có ý thức về quyền công dân đã. Và lúc đó họ mới khao khát làm công dân.

Little Saigon Radio: Trong một bài viết khác của bà tựa đề là Tự Do Ảo Khoảng Sinh Tồn Của Ngòi Bút, bà thiết tha cho rằng không có khát vọng nào phải trả giá đau đớn cho bằng khát vọng tự do, cũng như không có thách thức nào khắc nghiệt hơn là tự do. Cho tới nay đã 26 năm kể từ ngày 30 tháng Tư năm 1975, bà có lạc quan về tương lai tự do của dân tộc mình không?

Dương Thu Hương: Tôi cũng không dám lạc quan lắm. Bởi vì dân tộc ta gần 90% là dân cầy, cho nên không thể đòi hỏi những người nông dân một sớm một chiều có ý thức về quyền công dân được. Tất cả mọi việc đều phải cần thời gian. Những người nông dân chỉ đòi hỏi một lãnh chúa, một minh chúa thôi. Còn muốn dân chủ thì cần có tri thức về xã hội, về quyền sống của con người và tri thức về quyền công dân. Chúng ta phải tập, phải chờ đợi. Tất nhiên tôi cũng không đến nỗi tuyệt vọng. Tôi nghĩ bây giờ với phương tiện của văn minh tràn vào Việt Nam, dù muốn hay không muốn thì cộng sản không thể giữ được cái chế độ ngu dân tuyệt đối như trước nữa. Bây giờ đã có TV, có radio, bây giờ nhân dân người ta đã nghe đài của các ông, đài VOA, đài RFI, RFA .v.v.. cũng nhiều rồi, không đến nỗi người ta bị chọc mù mắt, bị bịt tai như ngày xưa đâu. Thành ra người dân cũng tỉnh ra, nhưng cũng cần phải có thời gian, không thể đốt cháy giai đoạn được.

Little Saigon Radio: Câu chót xin phỏng vấn bà Dương Thu Hương. Mỗi năm, cứ đến dịp 30 tháng Tư, nhà nước Hà Nội lại tổ chức những lễ hội kỷ niệm biến cố lịch sử này, tâm trạng của bà về những ngày này như thế nào, và ngày 30 tháng Tư liệu còn mang ý nghĩa nào trong lòng bà hay không ạ?

Dương Thu Hương: Ngày 30 tháng Tư là một ngày mà tôi nhìn thấy sự trớ trêu của số phận đất nước Việt Nam. Ngày 30 tháng Tư là một kỷ niệm nặng nhọc và buồn phiền bởi vì ngày ấy tôi hiểu rằng chẳng có gì vinh dự gì, vì một nửa nước làm tay sai cho phe xã hội chủ nghĩa, và nửa nước làm tay sai cho tư bản chủ nghĩa, hai bên đánh nhau và cuối cùng thì một nửa nước chiến thắng vênh váo. Tôi nghĩ rằng sau này lịch sử sẽ nhìn lại ngày 30 tháng Tự Ðó là một ngày đau khổ và cuộc chiến tranh bấy giờ là một cuộc chiến tranh tồi tệ nhất của người dân Việt Nam. Những người Việt Nam có lương tri, dù là chống cộng hay dù là cộng sản, sau này họ chết đi, họ cũng nên lội qua vạc dầu một lần để hiểu thế nào là chân lý.
tienmacdoa
#13 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:35:38 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 4:45 am
Tiêu đề: Tiểu Thuyết Vô Đề

http://vnthuquan.net/tru...n31n343tq83a3q3m3237nvn

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 4:52 am
Tiêu đề: Tiếng Quang Quác Của Bầy Quạ Ðen

http://www.canhen.de/noi...baiviet/ngonhandung.htm

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 8:35 am
Tiêu đề: Những tên tôi tớ cho ngoại bang

http://www.digital-info....giavn/1pics/dthuong.jpg
Những tên tôi tớ cho ngoại bang - để trả lời Bộ Nội vụ và báo công an TP ....

Nhà văn Dương Thu Hương
Từ khoảng hơn một tháng nay, khởi đầu là báo Công An
Thành phố ...., sau đó là một vài báo khác dấy
lên một chiến dịch thoá mạ chửi rủa tôi, nhà văn Dương
Thu Hương.
Với tôi, không có gì mới la Từ hơn một thập kỷ
trước, tháng 4 năm 1991, khi họ bắt tôi; họ cũng đã
chẳng tuyên bố trịnh trọng trên mọi phương tiện truyền
thông, báo, radio, télévision... rằng tôi là gián điệp,
bán tài liệu bí mật của quốc gia cho ngoại quốc, sống
đồi truỵ, làm tình trên cạn dưới nước với Việt
kiều Bùi Duy Tâm... Lần này, sự vu khống và bôi nhọ
cũng không có gì mới lạ hơn, nó vẫn là những thủ
thuật quen thuộc của Nhà Nước Cộng Sản. Vả chăng, trong
lịch sử bốn ngàn năm (Cứ tạm cho là điều đó có
thật) hoặc cứ giả định một con số khiêm tốn hơn: Ba
ngàn sáu trăm năm chẳng hạn, triều đình Cộng sản là
triều đình duy nhất cho tới nay, dạy cho con gái con dâu vu
khống bố hiếp dâm, dạy con trai chỉ vào mặt bố "đả
đảo thằng bóc lột", dạy cho láng giềng tố cáo điêu
chác, đâm chém, dày xéo mồ mả của nhaụ vào những năm
1953, 1954 và kéo tới mùa Xuân năm 1955. Tất cả những ai
chưa hoàn toàn quên lãng, hẳn hiểu rõ điều đọ Khi con
người đã đủ can đảm vu khống, nhục mạ ngay bố mẹ đẻ
của mình thì họ thừa sự nhẫn tâm để làm những điều
ác gấp ngàn lần như thế với tha nhân, huống chi với
tôi, người đấu tranh cho chế độ dân chủ, đương nhiên
tôi là kẻ thù nằm ngay trên bia ngắm của ho Một số
người hỏi tôi:
- Tại sao bài báo "Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen" đã
được phát tán trong nước, đưa lên internet, in ở báo
ngoại kiều từ ba năm trước mà bây giờ chúng nó mới
đánh cô
Xin thưa:
- Tôi không phải là kẻ cầm quyền nên tôi không thể trả
lời đích xác động cơ hành động của họ. Nhưng theo suy
đoán, việc này nhằm hai mục đích. Thứ nhất, sau đám
tang Tướng quân Trần Ðộ, dư luận dấy lên một làn
sóng bất bình, làn sóng này càng lan truyền rộng lớn
đến cả những người còn đang bảo vệ Ðảng Cộng Sản,
còn giơ tay tán thành kỷ luật anh Trần Ðộ, cũng phải
lên tiếng chửi rủa nhà cầm quyền là kẻ đểu cáng,
táng tận lương tâm. Vì thế, việc tạo ra một cái bia
mới để chuyển mục tiêu công luận, lái sự chú ý của
đám đông sang hướng khác là việc họ tính đến trước
tiên. Thứ hai là, sau vụ bắt Nguyễn Vũ Bình, dư luận
xôn xao vì những người đấu tranh cho dân chủ ngày càng
trẻ (Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn đều
thuộc những thế hệ đi sau thế hệ của tôi). Ðặc
biệt là khả năng phê phán quá khứ một cách triệt để
của họ (Nguyễn Vũ Bình vốn là nhà báo, biên tập viên,
làm việc tại tạp chí Ðỏ nhất Việt Nam: Tạp chí Cộng
Sản (Sự Thật cũ), chắc hẳn nhà cầm quyền cảm thấy
những đợt sóng rung rinh xung quanh họ, họ thấy nhất
thiết phải biểu thị uy thế như một hình thức Răn Ðe
và họ chọn tôi để Dương oai diễu võ (chứ không Diễu
võ dương oai như thông lệ ).

Bài "Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen", lẽ ra, họ phải

đăng lên một cách đàng hoàng, đầy đủ rồi sau đó

muốn mổ xẻ, băm vằm, chửi rủa kiểu gì cũng được...

Nhưng theo thói quen trùm chăn đánh lén của chính quyền

Cộng sản, họ trích đoạn, xào xáo xiêu vẹo, theo kiểu tay

kéo của người dựng phim nhằm tạo nên một hiệu quả theo

chủ ỵ Nhưng thôi, đòi hỏi Nhà Nước CHXHCN Việt Nam chơi

đàng hoàng đúng luật biết tự trọng và liêm sỉ thì

cũng hoang tưởng như tin chủ nghĩa cộng sản khoa học của

ông Lênin vậỵ Bây giờ, tôi xin trở lại vấn đề chính:

Ai Họ là aịNhững tên tôi tớ cho ngoại bang?...


Trước hết chúng ta phải thẩm định danh từ: Tôi tớ Có

hàng chục danh từ họ hàng gần gũi với quan niệm này,

nhưng tựu trung, một ý nghĩa giản đơn mà mọi người

đều hiểu rằng tôi tớ là lớp người phải thực hiện

những công việc mà người trả tiền cho họ yêu cầụ

Thế nên tôi tớ của chủ đất thì phải cày bừa gặt

hái; ô-sin chốn thị thành phải quét dọn, cơm nước, chợ

búa; bồi phòng thì phải thay ga, trải đệm, lau giường...

Ðó là một lớp người cần phải kiếm sống bằng những

lao động chân tay giản đơn, họ cần xã hội và xã hội

cũng cần tới họ. Theo nghĩa thứ hai, có tính tiêu cực

(négatif) tôi tớ là loại người không được quyền nghĩ,

không được quyền nói theo ý mình, nhất nhất mọi thứ

phải xử sự theo ý chủ, và vì sống trong tương quan đó,

họ thường có thói quen săn đón ý chủ, nịnh bợ ton hót

chủ và dèm pha những đồng nghiệp - những người cạnh

tranh miếng cơm với ho Nói vắn tắt: Ðối với những

kẻ có tâm hồn tôi tớ, chủ là Thượng đế. Bởi

Thượng đế ban phát cho họ chức tước hoặc tiền và

tất thảy những thiết yếu có thể mua bán được với

hai giá trị cá cược ấỵ


Theo kiểu nhào trộn cả hai ý nghĩa trên, và cố lùa ghép

cho vừa lòng những kẻ đã gọi tôi là Tôi tớ, thì rất

có thể tôi sẽ là tôi tớ cho hai người. Một người

Việt. Một người Áo. Cả hai đều đã chết. Vậy tôi là

tôi tớ của hai hồn mạ



Hồn ma thứ nhất, ông Dương Ðình Châu, bố tôị Bố tôi

dạy tôi là: "Con người có thể mất hết mọi thứ, kể

cả mạng sống, trừ danh dự. Danh dự bao gồm tinh thần

trách nhiệm, lòng chung thuỷ và sự trung thực". Bố tôi

cho tôi vào cõi người năm Bính Tuất, năm nay gần sáu

mươi tuổi, tôi vẫn sống trong quỹ đạo của nguyên tắc

ấỵ Chỉ có điều tiêu chí của nó đã được tôi thay

đổị Xưa kia, bố tôi cho rằng: "Bỏ chồng là điểm nhục

gia phong..." thế nên bằng mọi cách ông bắt ép tôi phải

quay về với người chồng cụ Và dù tôi đã thành nhân,

đã có hai đứa con, đã thành người viết văn, đã kiếm

được tiền để thêm vào nuôi ông và gia đình, bởi

lương hưu của ông rất thấp, bố tôi vẫn bắt tôi quỳ

gối quay mặt vào tường, rồi làm kiểm thảo đọc trước

mặt ông và họ hàng... những cuộc kiểm thảo kéo dài hơn

hai năm, liên miên, không mệt mỏị Phải qua một thời gian

tranh đấu quyết liệt với tất cả mọi người, tôi mới

tìm thấy tiêu chí của tôi: "Sống dưới một chế độ

bạo tàn ngu muội mà cam tâm ngậm miệng ăn tiền cúi

đầu quỳ gối là điểm nhục gia phong, là kéo lê một sinh

tồn vô nghĩạ"



Như vậy, tôi giữ nguyên nguyên tắc chỉ đạo (principe

directeur) và thay đổi tiêu chí (devise). Tôi là tôi tớ 2/3

hay Ỏ theo nghĩa tôi tớ đối với bố tôị



Hồn ma thứ hai, Karl Raimund Popper. Tôi chưa có điều kiện

để đọc toàn bộ tác phẩm của ông. Tôi mới chỉ đọc

hai cuốn:

- Tương lai rộng mở (L'avenir est ouvert - Conversation au coin

du feu entre Konrad Lorenz et Kert Raimund Popper) - Bản tiếng

Pháp

- Biện chứng là gỉ - Tiếng Việt, dịch từ bản tiếng
Nga.

Và mới đọc gần đây, nhưng ngay lập tức, tôi hiểu

chúng đã cho tôi những tư tưởng cốt lõi mà bất cứ

muốn làm khoa học hay nghệ thuật đều phải coi như điểm

tựa:

Popper viết:

"... Chúng ta cần phải hiểu rằng chúng ta hầu như chưa

biết gì hết về thế giới và về con ngườị"

Và:

"... Không một lý thuyết nào có thể đóng vai trò thiết

lập trật tự thế giới, chuẩn bị cho con người đi tới

những sự kiện tương lai hoặc thu hút sự chú ý của

chúng ta vào những sự kiện mà nếu không có lý thuyết

ấy, chúng ta không thể nào học được cách quan sát chúng

cả"

Ngay tức khắc, các ý tưởng trên cho tôi thấy thảm hoạ

của những ý thức hệ gieo rắc cho loài ngườị Ở nơi

nào, những hệ tư tưởng tự cho phép chúng là kim chỉ nam

cho tương lai nhân loại, là thứ duy nhất đúng để dẫn

dắt "con người tới một ngày mai tươi sáng "... ở đó,

cuộc sống đích thực của con người phải diệt vong.

Vậy, tôi có thể tự nhận là tôi rất sùng bái các ý

tưởng trên. Bởi tôi nghĩ các ý tưởng đó phải xuất

phát từ một ý thức trách nhiệm cao cả trước sinh mệnh

của nhân quần. Và tính thận trọng, sự khiêm nhường

trong các tư tưởng ấy phản chiếu một tâm hồn thánh

thiện...

Thôi được, cứ cho tôi là tôi tớ của Popper, vậy những

người đặt cho tôi cái biệt danh Tôi tớ ấy, đã có

lúc nào tôi hỏi: Liệu họ có phải là Tôi tớ cho kẻ ngoại

bang nào đó, cũng mắt xanh mũi lõ như Popper nhưng còn

rậm râu hơn. Và họ đã tự nguyện làm Tôi tớ cho ngoại

bang từ trước tôi rất lâu, đám Tôi tớ ngu ngơ hoặc

láu cá trung thành với ông chủ râu xồm đã hơn một nửa

thế kỷ, mở mồm ra là phun đầy ông Các, ông Lê nhưng

trong thực tiễn thì chẳng hiểu hai ông thánh tông đồ

râu xồm trán hói ấy viết gì cả (Tiện đây, xin nói

rằng ông Kiến Giang cùng Tướng quân Trần Ðộ đã

nhiều lần nói chuyện với tôi về thứ Chủ nghĩa

Mác-Lênin nhãn bò Levis ấỵ Cả miền Bắc XHCN may lắm có

chừng 5 hay 6 người đủ kiên trì và đầu óc để đọc

trọn bộ các tác giả đó - trong đó, ông Kiến Giang là

một. Bởi ông là một trong những người say mê CNCS và

lại lãnh đạo một nhà xuất bản của Ðảng. Còn tất thảy

những bộ sách đã in ra là để trang trí cho thư viện và

tủ sách của các quan lớn. Xin cứ thử kiểm tra Nhiều

cuốn còn chưa rọc).

Nền văn minh chung của nhân loại là một đại lộ mênh

mông, không ngừng xáo động. Bất cứ dân tộc nào không

muốn bị rớt lại phía sau cũng phải tìm cách hội nhập

vào đó Tích hợp với nền văn minh chung và đồng thời

gìn giữ sắc thái riêng của văn hoá dân tộc mình, ấy

là hành trình tất yếu của mọi quốc giạ Tôi chỉ e rằng,

có những xứ sở mà kẻ lãnh đạo cố tìm mọi cách trấn

ải những lối rẽ vào đại lộ của nền văn minh chung,

để giam cầm dân chúng trong sự ngu dốt lẻ loi, để nhét

vào đầu họ những thứ lý thuyết lỗi thời đã bị thải

vào bãi rác quá khứ, duy trì dân chúng trong sự sợ hãi,

và tình trạng cô lập tinh thần, và với tất cả những

yếu tố ấy, để chúng mặc sức bóc lột họ và tàn phá

tài nguyên quốc giạ Không phải ngẫu nhiên mà người ta

đã thống kê: ở những xứ nghèo đói, dưới các thể

chế độc tài, những hầm mỏ, rừng rú, thềm đại

dương... là những nơi tiềm chứa tài nguyên thường bị

phá huỷ một cách có tính toán và thành hệ thống để

cướp bóc vội vã những khoản tiền lớn chuyển ra nước

ngoàị


Bây giờ, tôi xin trở lại chủ đề chính: Những kẻ tôi tớ
Ðể minh hoạ cho đề tài này, tôi xin kể vắn tắt một

sự kiện, bởi người Việt không ưa tư duy trừu tượng,

họ thích những hình ảnh cụ thể, những chi tiết có thể

cảm nhận dễ dàng

Năm 1989, Ðại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 4 diễn ra

tại Hội trường Ba Ðình. Trước khi họp chính thức, có

hai ngày họp thự Ngày thứ nhất họp đảng viên. Ngày

thứ 2, các nhà văn ngồi nghe huấn thi Trong các bậc

rường cột quốc gia lên dạy dỗ đám trí thức mặt mũi

xanh xao kia, có Trung tướng Dương Thông. Như nhiều người

biết ông Dương Thông là biểu tượng của quyền lực

Cộng sản, của một Nhà nước công an tri Một tay ông

Dương Thông tống bao nhiêu nhân mạng vào trại tù (cho cả 2

phong trào: Nhân văn giai phẩm và Xét lại cũng như những

nhóm nhỏ lẻ bị tình nghi là: Không trung thành...). Một tay

ông Dương Thông lên danh sách bao nhiêu văn nhân tài tử

làm mouchard làm chỉ điểm cho Tổng cục 1, từ loại nhận

quà hàng năm tới loại được cấp lương theo tháng và

theo quỵ Chỉ Trời mới biết. Vào ngày đó, ông lên

dạy bảo các văn nhân rất nhiều điều: Tình hình thế

giới, tình hình trong nước, tinh thần cảnh giác cách

mạng, sau rốt ông răn đe: Ðã có nhiều biểu hiện tha

hoá trong đám văn nghệ sĩ, và chúng tôi biết đã có kẻ

nhận tiền của Việt kiềụ Lực lượng an ninh sẽ không

dung thứ .v.v... Tới đó tai tôi ù lên vì tức giận. Tôi

bảo mấy người ngồi cạnh:

- Ðứng lên hỏi lão ta xem đích danh ai là kẻ nhận tiền

của Việt Kiềụ Lão không thể đứng trên bục mà xỉa

xói cả 500 con người như vậỵ Nếu không trả lời

được thì anh em ném guốc dép lên.

Tất cả đám lắc đầu quầy quậỵ

Sẽ có người hỏi:

- Tại sao chính bà không đứng lên hỏi mà lại ngồi dưới

xui kẻ khác?

Tôi xin đáp:

- Nếu vậy, hẳn là mọi sự đã kết thúc chóng vánh dễ

dàng. Tôi sẽ đứng lên chất vấn đối đáp và trả lại

miếng đòn xỉ nhục tức khắc rồi hạ hồi ra sao thì sẽ

tính saụ Nhưng tiếc thay lúc ấy tôi đang ăn bánh gateaụ

Tôi đóị Chúng tôi rủ nhau tán gấu qua bữa cơm trưạ Và

thế là tôi đành mang bánh ngọt vào hội trường... Lúc

ấy xui mọi người không được, tôi chạy ra phía sau nơi

đặt thùng nước uống để chiêu miếng bánh. Xong việc

chạy vào, Tướng Dương Thông đã xuống bục, lui vào phía

sau hội trường.

Giờ giải lao, những nhà văn già ứa nước mắt bảo tôi:

- Chúng tôi đã đánh mất cả cuộc đời đi đánh Pháp.

Ðánh bọn thực dân da trắng mũi lõ để rồi để bọn

thực dân nội địa, da vàng mũi tẹt nó nhục mạ bây giờ

Những nhà văn già héo hắt ấy tôi nhớ nguyên dáng vẻ

và những khuôn mặt vừa đau đớn, vừa khiếp nhược

của họ tới tận bây giờ

Sau hội nghị Nhà văn, tôi tìm cách báo thù. Vô cùng khổ

Tôi không biết đánh nhau, không biết bắn súng, không

được dạy dỗ để trở thành thích khách. Năm 1990, tôi

gặp ông Bùi Duy Tâm, do một sự tình cờ như trời xui

đất khiến. Ông Tâm nói với ông Trần Văn Thuỷ rằng

vào ngày hai người có hẹn, ông sẽ phải tới nhà ông

Dương Thông để ăn cơm, rằng gia đình ông đi Ðồ Sơn

tắm biển và ông Dương Thông sẽ cho xe riêng đón họ trở

về, bởi thế cái hẹn đành hoãn lạị Trong giây lát tôi

hiểu ông Bùi Duy Tâm là cơ hội trời cho tôi, giúp tôi

trả thù cho một đám đông bị nhục mạ - và những người

gọi là trí thức XHCN thường được nếm sự nhục mạ như

thế dưới mọi dạng thức, trong một chế độ mà dù

tuyên bố hay lặng im họ cũng chỉ coi Trí thức như Cục

cứt - theo định nghĩa của người cầm lái vĩ đại họ Maọ

Ðoạn sau là:

Trời đã giúp tôi thành công. Trong chuyến đi chơi Sông

Ðà với các ông Bùi Duy Tâm và Bùi Duy Tuấn, tôi đã

mất 3 cuốn băng ghi toàn những chuyện ba hoa, hươu

vượn. Nhưng vào đoạn chót của cuốn băng thứ 4 ông Tâm

đã thú nhận:

... Ồ, Anh đã cho Dương Thông rất nhiều tiền. Anh đã

cho Dương Thông rất, rất nhiều tiền...

Sau chuyến đi đó chừng vài ngày, họ bắt tôị Trong thời

gian ấy tôi đã kịp sao băng ghi âm ra vài bản, gửi ra 3

nước: Pháp, Tiệp và Mỹ

Do sự can thiệp của chính phủ Pháp, đặc biệt là bà

Daniel Mitterand và phong trào nhân quyền thế giới, ngày

20/11 họ buộc phải thả tôi ra, sau gần 8 tháng giam giữ

không xét xự Lúc đó ông Bùi Thiện Ngộ là Bộ trưởng

Bộ Nội vu Ông Ngộ cử thiếu tá Sơn tới gặp tôi:

- Theo đúng pháp luật thì chị có quyền kiện Nhà nước.

Nhưng Bộ trưởng muốn tìm một khả năng mềm dẻo hơn có

lợi cho cả 2 bên.

Tôi cườị Tôi hiểu cái sự kiện tụng ở xứ sở này ra

saọ Tôi yêu cầu cuộc thanh toán với Dương Thông. Bộ

Nội vụ chấp thuận.

Vào mùa Xuân năm 1992, đại diện của Bộ Nội vụ là ông

Bùi Quốc Huy (tức Năm Huy) - Tổng cục trưởng Tổng cục

An ninh, tiếp tôi có sự tham gia của Ðại tá Nguyễn Công

Nhuận, người ký lệnh bắt và phụ trách nhóm người tra

hỏi tôi trong nhà giam. Trong cuộc gặp này, tôi nói: - Tôi hiểu rất rành rọt tôi đang chơi trò trứng chọi

đạ Bởi thế, lúc nào tôi cũng chuẩn bị cho cái chết

của tôị Tuy nhiên, tôi lại không ưa chết một mình. Nên

tôi cũng trù liệu để sau cái chết của tôi, ít nhất

cũng phải có dăm bảy đứa khác phải chết theo để tiếp

tục chiến đấu dưới âm phủ, nếu không dưới đó rất

buồn. Tôi có vũ khí của tôị Trong tay tôi có 2 cuộn băng

ghi âm. Cuộn thứ nhất liên quan tới một trong những kẻ

tạo dựng ra Nhà nước này, sư tổ của những người như

ông. Nó tố cáo nhân cách một trong các bậc lương đống

của triều đình chỉ là loài đểu giả, tâm tính hiểm ác,

vô luân. Cuốn thứ 2, chắc ông cũng đoán được, ghi lại

cuộc nói chuyện của ông Bùi Duy Tâm với tôi, trong đó

ông Tâm khẳng định là đã cho ông Dương Thông rất, rất

nhiều tiền. Ấy hẳn là món thù lao cho việc ông Dương

Thông đã 2 lần cứu ông Tâm ra khỏi trại giam, thêm nữa,

đón rước ông Tâm đi tới tất thảy những lầu cao thềm

rộng từ dinh cơ bà Tướng Nguyễn Thị Ðịnh tới Bộ

Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng, từ nhà riêng các vị chóp

bu Nhà nước xuống tới đám quan chức kề cận, để bàn

định những đại sự như bán kho vũ khí Long Bình, bán

dầu thô và những nguyên liệu khác... Như vậy tôi có

trong tay bằng chứng về người tiền nhiệm của ông,

gương mặt tiêu biểu cho quyền lực của chế độ nàỵ

Hai băng ghi âm đó đã được chuyển tới 3 nước: Pháp,

Tiệp, Mỹ Nếu các ông đủ lực xin cứ việc truy tìm.

Nhưng tôi không tin điều ấỵ Các ông không có tiền.

Nhân viên sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đơn thuần là

bọn buôn lậu, quay cuồng trong cơn lốc cóp nhặt đô lạ

Ở nước ngoài, các ông bất lực. Còn ở đây, các ông

có thệ Giờ các ông có thể tiếp tục tổ chức tai nạn

xe máy để kẹp chết tôi, có thể đầu độc tôi, có

thể làm bất cứ một điều gì khác nữa nhưng vào thời

điểm tôi chết, chắc chắn phải có kẻ đồng hành. Không

tức thời, nhưng sớm hay muộn cũng sẽ có Và thêm nữa,

những người thân của tôi ngoài biên giới sẽ lần lượt

công bố các cuốn băng kia

Cả 2 người đàn ông lặng thinh rồi một người mở chai

nước, một người mời tôi ăn nho Họ hỏi tôi về sức

khoẻ, con cái, nhà cửạ làm như là một cuộc tán gẫu

giữa mấy người hàng xóm. Tuy nhiên, tôi chẳng phải là

một đứa bé nên tôi hiểu cái thái độ người thường

gọi là: đánh trống lảng... ấỵ Bất cứ kẻ đạo đức

giả nào cũng sợ sự thật. Tất thảy mọi quốc gia, mọi

thể chế đều có bọn đạo đức giả Nhưng chắc chắn,

không ở đâu con người buộc phải trở thành đạo đức

giả như ở đây, một xứ sở mang xiềng xích của 2 thể

chế: Phong kiến và Cộng sản.

Trước khi về, tôi nói thêm:

- Xin nhắc lại rằng, tôi đứng trước guồng máy của các

ông chỉ là trứng chọi đá Nhưng vì đã dấn thân vào

cuộc chơi này, tôi bắt buộc phải học lấy vài món nghề

của các ông. Vậy, các ông theo rõi tôi, tôi cũng theo rõi

lại các ông. Tôi biết ông (Năm Huy) thường uống rượu

ở đâu, chơi gái ở đâụ Trong hội Quý Mùi (những

người sinh năm 1943) ông vẫn tụ họp với những ai và đem

theo loại rượu nàọ Thành thực mà nói, trên phương diện

này, đôi khi trứng còn mạnh hơn đá Các ông rất nhiều

tiền, các ông thèm khát sống, thèm uống rượu Tây, thèm

chơi gái, thèm xây nhà lầụ Tôi là kẻ phá sản, tôi

không uống rượu cũng không chơi điếm, tôi có thứ sức

mạnh mà sư tổ của các ông thường vẫn gọi "sức mạnh

của giai cấp vô sản". Riêng về luận điểm này, tôi

thấy Mác đúng. Bởi vì, nói một cách sòng phẳng, với

tất cả những thèm muốn ấy các ông sợ chết hơn tôị

Ðó cũng là lời giã biệt. Sau đấy, tới cuộc gặp mặt

giữa tôi và Dương Thông. Họ không xuất hiện nữạ Chỉ

có người phục vụ mang tới một đĩa nho và mấy chai

nước. Vẫn trong căn phòng 15 Trần Bình Trọng...

Tôi không kể lại cuộc thanh toán giữa tôi với Trung

tướng Dương Thông. Thực chất, đó chỉ là một trận

nhục mạ kẻ vốn thường quen nhục mạ nhiều đám đông

khác, một cơn giải toả tâm lý Với tôi, thế là ổn. Tuy

nhiên, tôi ghi băng cuộc gặp gỡ đó, đem về cho vợ

chồng ông Kiến Giang nghẹ Ông Kiến Giang là một trong

những nạn nhân của chế độ, đã ngồi tù hơn một thập

kỷ vì Xét Lạị Ông ấy cần được nghe để xoa dịu

phần nào những năm tháng đau khộ Vợ ông ấy cũng cần

nghe để bớt chút căm hận vào những năm tháng nuôi con

một mình. Ông Dương Thông là thủ phạm trực tiếp của

hàng trăm gia đình như thế, nhưng tôi không có khả năng

làm công tác tuyên truyền. Sự việc dừng ở đó, vào

mùa Xuân năm 1992.

Từ đó tới nay hơn một thập kỷ đã qua Tôi vẫn

được bình yên, phải chăng nhờ ơn phước của hai cuốn

băng ghi âm kiạ Dẫu sao người ta cũng phải cố vá víu

tấm màn che sân khấụ

Giờ đây, thời gian đã đủ hiệu lực. Nhân dịp người

ta thoá mạ tôi, gọi tôi là kẻ tự nguyện làm tôi tớ cho

ngoại bang, tôi công bố sự thật thứ nhất, tôi cung cấp

cho công luận một ví dụ hết sức tiêu biểu cho cái hình

ảnh tôi tớ cho ngoại bang: Ông Bùi Duy Tâm tuy không mắt

xanh, mũi lõ nhưng là công dân Mỹ, sống ở nước Mỹ,

tiêu tiền Mỵ Với những nắm đô-la, ông Tâm đã sai

khiến được Trung tướng Dương Thông làm những việc

khó khăn hơn ngàn lần những công việc tôi tớ như giặt

ga giường, cọ toilettes... Ông Tâm rất biết làm ông chủ

và Trung tướng Dương Thông cũng là kẻ làm tôi tớ cho

ngoại bang một cách hào hứng và xuất sắc.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, không chỉ có những tên tôi tớ

đơn độc, tôi tớ trên danh nghĩa cá nhân. Còn có những

đám tôi tớ, thứ tôi tớ tập thể, tôi tớ bầy đàn,

một thứ tôi tớ chung lưng đấu cật để làm những

trọng trách tôi tợ Vì là một số đông nên những tên

tuổi chen chúc trong sự chật trội, nhù nhoà, những

gương mặt chồng chéo lên nhau để tạo ra một mớ hỗn

độn, những hình ảnh chập trùng, xáo trộn, để tạo ra

một mù mờ khối lớn - vừa hù doạ người khác vì thể

tích kềnh kàng, vừa bất khả duy danh.

Lãnh đạo tập thể, làm chủ tập thể và tập thể làm

chủ

Thật đúng là trò chơi chữ, đánh tráo khái niệm của kẻ

gian manh.

Người dân Việt Nam hẳn đã quá đủ trải nghiệm để

hiểu rằng: tập thể làm chủ có nghĩa rằng không ai làm

chủ thực sự hết, không một cá nhân nào chịu trách

nhiệm thực sự trước toàn thể dân chúng cũng như

trước lịch sử mai saụ Bởi thế, người ta có thể nhân

danh làm chủ tập thể để tàn phá tài sản quốc gia, để

bán đất đai mồ mả của xứ sở, để đẻ ra những công

trình vô hiệu lực nhằm hớt lấy những món tiền khổng

lồ rót vào những tài khoản riêng ở các ngân hàng ngoài

nước. Rồi sau đó, để cho cái tập thể làm chủ kia

chịu hầu toạ Nhưng cả cái làm chủ tập thể lẫn cái

tập thể làm chủ kia đều vô danh vô tính vô dạng vô

hình. Chúng chỉ là thứ trò chơi chữ để đánh tráo các

khái niệm, tạo ra một thứ mê cung để hù doạ đám

người có chữ và lừa mị dân đen.

Vì vậy, tôi xin trở lại với lối nói dân gian, với một

tính cách đậm đà bản sắc dân tộc. Người nhà quê xứ

Việt có câu: "Ăn cơm muối, sờ đầu gối, nói thật "

Tôi không hay ăn muối mà ăn nước mắm và không cần

phải làm dấu phép sờ đầu gối, tôi cũng có thể dễ

dàng nói lên một sự thật. Một sự thật hiện diện

từ 3 năm nay, khoảng trên dưới một ngàn ngày, ngự trị

trong đời sống tinh thần của hơn 70 triệu người dân

Việt Nam như một cơn ác mộng kéo dài, như một nỗi đau

không giải thoát, như căn bệnh hiểm ác không phương cứu

chữạ Ðó là cơn ác mộng - là nỗi đau phải che giấu -

là nỗi nhục nhã phải ghìm nén - là mối căm thù phải

nguỵ trang - của một dân tộc bị tước đoạt, một dân

tộc một lần nữa chấp nhận thân phận chư hầu dâng

cống đất đai cùng lãnh hải cho Vương triều phương

Bắc.

Có những cái tên giờ đây vang lên trong lòng người dân

như tiếng tù và âm u xa xôi của lịch sử, như tiếng

gươm khua giáo động ngàn năm vọng lại: thác Bản Giốc,

suối Phi Khanh, hang Pắc-bó và hàng trăm các địa danh các

bản làng chạy dọc theo biên thuỳ Tổ Quốc. Bản Dốc, ấy

là một danh lam. Nước Việt mai sau muốn mở mang du lịch

thì phải có các danh lam. Suối Phi Khanh, ấy là con suối

huyền thoại vì tương truyền nó khởi nguồn từ những

dòng nước mắt ly biệt của cha con Phi Khanh - Nguyễn Trãi,

một kỷ niệm được biểu tượng hoá củng cố cái lâu

đài ký ức về tinh thần yêu nước của người Việt.

Bây giờ, nói như ông Trần Dũng Tiến, một trong những

người lính già Quyết tử quân giữ thành Hà Nội trong

cuộc chiến tranh chống Pháp năm 1946: Bây giờ muốn nhìn

thấy suối Phi Khanh thì phải sang Tàụ

Vậy thì, kẻ Tôi tớ cho ngoại bang nào đã cắt đất,

cắt biển của non sông (không gấm vóc mà nghèo khổ lầm

than nhưng là non sông của chúng ta, xương cốt của Tổ

Tiên ta đắp lên bao nhiêu tầng trên mỗi tấc đất biên

thuỳ). Kẻ Tôi tớ nào đã cắt đất đai, lãnh hải để

dâng lên Vương triều phương Bắc?...

Cái tập thể làm chủ nào vậỷ

Cái tập thể làm chủ ấy bao gồm 11 hay 13 nhân mạng, 11

hay 13 súc thịt khoác complet và thắt cravate, 11 hay 13 đôi

giầy đen bóng nhoáng dưới chân, 11 hay 13 khuôn mặt vuông

tròn, dài ngắn, nhăn nheo hay bự mỡ, lưỡi cày hay quả

trám, 11 hay 13 cái đầu đen, bạc hay hoa râm...

Một khối hình ảnh nhập nhoạng mù mờ, một khối nói

cười nham nhở, một khối quan dạng lấm lét...

Một tập thể Tôi tớ cho ngoại bang.

Người Việt vốn ưa sự cụ thể, vì chưa có thói quen tư

duy trừu tượng. Tôi đã làm một việc cụ thể là cung

cấp cho bạn đọc 2 ví dụ về khái niệm Tôi tớ cho ngoại

bang. Mai sau khi dạy dỗ con cháu chúng ta về tinh thần yêu

nước, sách giáo khoa có thể cho thêm 2 ví dụ điển hình

cho thời đại này:

- Một kẻ có danh tính rõ ràng là Trung tướng Dương

Thông.

- Một Tập thể tôi tớ được gộp chung trong cái danh

từ mơ hồ này: Bộ Chính trị - Vì những kẻ bán mình

cũng phải có thứ chính trị của nọ

Người đọc có thể sẽ hỏi tôi:

- Còn cuốn băng ghi âm thứ 2, cái sự thật thứ 2?

Tôi xin trả lời:

- Theo quy luật chương hồi, nó còn phải ẩn mình trong

bóng tốị

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2002.


tienmacdoa
#14 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:59:17 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 8:56 am
Tiêu đề: Gửi Ông Nguyên Khả Phạm Thanh Chương

http://phamthanhchuong.t...m/tailieu/guichidth.htm

Thư Hà Nội, ngày 14-11-2002

Kính gửi ông Nguyên Khả Phạm Thanh Chương.

Hôm nay,do tình cờ tôi được đọc bài viết của ông: Lại thêm một bản cáo trạng về tính man rợ trong sự ngu đần phá hoại dân tộc của chế độ CSVN, viết ngày 4-11-2002. Tôi xin được bày tỏ sự cảm mến trước một ngòi bút cứng rắn và trung thực.Trước hết,là sự trung thực trong cách biểu đạt ý nghĩ ấy trực tiếp, không lượn lờ uốn éo,không ẩn dụ ví von…Đã từ lâu, tôi nghĩ rằng ngườI Việt phải học lại cách nói thẳng thắn, chính xác, trực tiếp.

Bởi đã từ lâu, một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng của chúng ta quen nói dối! Nói dối như hít thở như bài tiết. Từ Thủ tướng xuống kẻ ăn mày đều quen với thao tác dối trá như nhau. Nếu không nói dối thì họ nói quanh co, mập mờ, nói nước đôi để có thể dễ dàng phủ nhận lời nói của mình khi cần thiết. Vì lẽ ấy, tôi rất mừng khi đọc bài viết của ông. Nếu có được nhiều người đủ can đảm nghĩ và viết như ông, hẳn tương lai của dân Việt Nam sắp lại gần.

Tuy nhiên, có một điều, tôi xin ông bình tĩnh nhìn lại. Trang 2, ông viết:

“…Cùng là đồng bào, cùng đấu tranh cho dân chủ, nhưng chẳng mấy ai ở đất Bắc thắc mắc những trường hợp của người trong Nam như thầy Tuệ Sĩ, Nguyễn Đan Quế, cụ bà Thu, Hồ Tấn Anh…và bây giờ là Nguyễn Vũ Việt, Nguyễn Trực Cường, Nguyễn thị Hoa. Chẳng mấy các cụ cách mạng lão thành nào hoặc các chiến sĩ dân chủ nào phân tích lý giải bênh vực biện hộ cho những nạn nhân, đồng bào chiến hữu dân chủ thuộc đất Nam bộ này cả…”

Tôi không dám tự nhận là chiến sĩ dân chủ, nhưng là một người viết văn đấu tranh cho dân chủ,và tiêu chí đó không thay đổi vì là kẻ độc hành, lại không hề có tham vọng chiếm lĩnh vũ đài chính trị nên từ lâu nay tôi vẫn nghĩ mỗi người mỗi phận tuỳ lương tâm tuỳ tài trí mà góp phần vào cuộc đấu tranh chung thế là đủ. Nay đọc bài viết của ông, tôi bỗng giật mình. Đúng là có những ngộ nhận hiển nhiên. Đúng là có những kẽ nứt lớn trong nhận thức chung của cộng đồng. Đất nước ta dài dặc, hai đầu sơn thuỷ, cỏ cây, khí hậu, tập tục, thậm chí tính khí không nhiều thì ít có khác biệt nhau. Nếu không thật bình tĩnh thận trọng trong suy tư thì sự cách trở của quan san dễ đưa tới lòng người cách trở. Có lẽ ông cũng biết rằng mọi sự bắt bớ của chế độ cộng sản đều diễn ra trong bóng tối, và với cung cách sao cho dân chúng không hề hay biết, hoặc giá có hay biết thoảng qua thì họ cũng bị những tiếng ồn ào của các cuộc đấu tranh, các cuộc thi hoa hậu (nào hoa hậu thời trang, hoa hậu thể thao, hoa hậu sinh viên, hoa hậu áo dài…) hoặc tiếng rao kích thích của những vụ sát nhân:(nào là giết người dùng dao phay chặt ra ba khúc, nào là giết người bằng thuốc trừ sâu, nào là giết người bằng tạt axit…).

Một lý do nghiêm trọng hơn: Sự sợ hãi chế độc tài buộc họ phải giả câm giả điếc. Chúng ta cũng chẳng thể trách họ, bởivì: “đừng trách móc những kẻ hèn nhát, hãy lên án cái chế độ đã biến con người thành hèn nhát”. Về phía những người đấu tranh cho dân chủ, tôi không có cơ hội để quen biết nhiều, tôi không thuộc nhóm cách mạng lão thành,cũng không phải nhóm các chiến sĩ dân chủ. Tôi là kẻ chiến đấu đơn độc. Theo tôi biết, hiện nay mới chỉ có các nhóm nhỏ và một số cá nhân.

Muốn liên kết chặt chẽ, muốn có thông tin chính xác và đầy đủ về một phong trào, muốn có mối liên hệ rộng rãi giữa các thành viên, nhất thiết phải có Đảng Dân chủ, Đảng Tự do hoặc một tổ chức chính thức hợp pháp.

Mục tiêu này, tất cả những ai có khát vọng với tương lai đất nước, đã và đang đấu tranh, dù là người ở trong tù hay ngoài tù. Như ông biết, đây là cuộc đấu tranh cam go bởi những kẻ đang cắn chặt đặc lợi đặc quyền không dễ dàng nhả ra cho một hình thức xã hội phổ thông đầu phiếu và đa đảng, bởi chúng đủ thông minh để hiểu toàn bộ sức mạnh của chúng là đàn áp. Một chính quyền xây nên từ nòng súng sẽ không bao giờ đủ nội lực và duyên cớ nội sinh để chuyển sang hình thức dân chủ. Trong giai đoạn hiện hành, những người đấu tranh cho dân chủ vẫn chỉ là những cá nhân bột phát,những nhóm tự khởi, tản mạn khắp đất nước.Trước khi lịch sử cho phép hội đủ các yếu tố để có thể lập được những đảng đối lập hợp pháp có tôn chỉ hoạt động rõ ràng chúng ta chỉ có thể làm giảm thiểu những sự hiểu lầm vô cớ, những thông tin lệch lạc (hoặc do kẻ cầm quyền tung ra để gây chia rẽ, hoặc do những thiên kiến xui bẩy) bằng cách bình tĩnh suy ngẫm và cố gắng khoan dung lẫn nhau. Tôi không rõ liệu ai đó có “Tư tưởng chính thống kẻ cả” hay không, nhưng bản thân tôi, và tôi cũng tin rằng đa số những người có lương tri ở đất Bắc không ai có cái ý tưởng kỳ cục đó cả. Việc thiếu thông tin giữa các cá nhân đấu tranh cho dân chủ là lẽ đương nhiên, bởi đa phần những người này cũng đang còn cắm cổ lo mưu sinh. Bọn quan chức phè phởn sống đế vương thì còn lo tìm quán nhậu chân gấu, đầu khỉ, tinh hoàn bò rừng, dê núi, chẳng đứa nào lao vào con đường này cả. Cá nhân tôi,tivi không có, báo không đọc, computeur cũng không sử dụng, cắt đứt toàn bộ các mối giao lưu với xã hội, nhờ ông Trần Dũng Tiến mới biết được Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình. Nay nhờ ông, biết thêm được Nguyễn Vũ Việt, Nguyễn Trực Cường, Nguyễn thị Hoa. Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng đó là do sự hữu hạn của hoàn cảnh.

Tôi xin bày tỏ sự ân hận của mình bằng cách đề nghị tất cả các vị có trong tay bài viết của tôi:

NHỮNG TÊN TÔI TỚ CHO NGOẠI BANG.
Nhà văn Dương thu Hương trả lời Bộ CA và báo CA.T.P......

Xin quý vị ghi dùm tôi tên của những người thanh niên phương Nam đang tranh đấu cho nền dân chủ: Nguyễn Vũ Việt,Nguyễn Trực Cường, Nguyễn thị Hoa, Hồ Tấn Anh trên cùng bảng danh sách của những thanh niên đất Bắc, bắt đầu bằng Lê Chí Quang.

Và xin quý vị xem đó như lời xin lỗi chân thành của tôi với những sơ xuất ngoài ý muốn. Tôi cũng hy vọng rằng trong tuơng lai, những người đang đấu tranh cho tương lai của dân tộc sẽ có điều kiện để hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn, và cho dù quan san cách trở hay chính sách chia để trị cũng không thể lung lạc được ý chí của họ.

Hà Nội 14-11-2002

Dương Thu Hương.


tienmacdoa
#15 Posted : Thursday, October 28, 2004 4:01:16 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 9:23 am
Tiêu đề: Thụy Khê trả lời Dương Thu Hương

Thụy Khuê

trả lời dương thu hương

Ngày 22.4.1991 ba ngày sau khi Dương Thu Hương bị bắt được các hãng thông tấn loan đi, tôi được một anh bạn, anh X, cũng là bạn của Dương Thu Hương, trao cho tập bản thảo "Tiểu Thuyết Vô Đề", nhờ tôi viết tựa và tìm cách xuất bản với lời yêu cầu: trong bất cứ hoàn cảnh nào, xin chị đừng tiết lộ vì đâu và vì ai mà chị có tập bản thảo này (trong hoàn cảnh lúc đó, tôi chấp nhận điều kiện này)

Cần nhắc lại rằng khi Dương Thu Hương bị bắt, không khí rất căng thẳng, những người theo dõi tình hình Việt Nam và ủng hộ việc đấu tranh dân chủ hóa đất nước của Dương Thu Hương, ai cũng muốn làm việc gì đó cho bà. Mọi quyết định phải nhanh.

Tôi đã nhận lời anh X trong không khí sôi nổi và khẩn thiết -việc mà trong trường hợp bình thường tôi sẽ từ chối- vì tôi không quen Dương Thu Hương, không đồng chính kiến với Dương Thu Hương và Dương Thu Hương không trực tiếp nhờ tôi in ấn gì cả (cơ sở duy nhất mà tôi dựa vào là bản sao một lá thư Dương Thu Hương viết cho hai người bạn -anh Giao và anh Đường -, nội dung ngỏ ý muốn xuất bản Tiểu Thuyết Vô Đề tại hải ngoại). Nhưng cuối cùng tôi cũng đã nhận lời anh X, với nhiều lý do và trăn trở:

- Một trong những chủ đích của việc xuất bản sách ngay là để gióng một tiếng vang trong dư luận, khiến chính quyền cộng sản phải e dè trước mọi quyết định đàn áp Dương Thu Hương. Chủ đích ấy có thể tác dụng ngược lại - nghĩa là nhà cầm quyền căn cứ vào đó mà buộc tội Dương Thu Hương một cách gay gắt hơn.

Một mặt khác, tôi tin rằng:

- Điều cần thiết cho văn học là tác phẩm đến tay người đọc, còn vì đâu mà đến, do ai mà đến, không quan trọng.

- Về những tác phẩm viết trong nước mà tôi được đọc cho tới nay: Tiểu Thuyết Vô Đề có giá trị tiên phong trong việc nhìn nhận lại cuộc chiến một cách sáng suốt và mạnh dạn. Ngoài ra, Tiểu Thuyết Vô Đề còn có giá trị nghệ thuật nhất định. Tuy nhiên, vì lo ngại phản ứng của chính quyền mà trong bài tựa tôi khẳng định: không biết bản thảo từ đâu tới để xác quyết việc Dương Thu Hương không nhờ tôi làm bất cứ việc gì, do đó chính quyền Việt Nam không thể căn cứ vào đó mà buộc tội Dương Thu Hương chuyển bản thảo sang Mỹ.



Tôi đã giao phó tác phẩm cho nhà xuất bản Văn Nghệ của thầy Từ Mẫn Võ Thắng Tiết vì hai lý do:

- Qua những đóng góp vào văn học nước nhà từ trên mười năm nay, Văn Nghệ là nhà xuất bản uy tín tại hải ngoại hiện giờ.

- Giữa thầy Từ Mẫn và tôi đã có hợp tác và tin cậy.

Mặc dù phản ứng chống đối việc in sách trong nước lúc đó còn mạnh, thầy Từ Mẫn đã nhận lời. Đó là một cố gắng của nhà xuất bản Văn Nghệ cần được ghi nhận mà thầy Từ Mẫn, bây giờ, đã phải trả giá khá đắt.





Về một vài điểm trong bài Tự Bạch của DƯƠNG THU HƯƠNG

Có nhiều mức độ để đọc một tác phẩm hay một văn bản:

- Độc giả, một số -rất ít- thẩm xét cái hay cái dở để đánh giá và phân định giới hạn tác phẩm và tác giả. Lớp độc giả này chắt lọc những điều hay trong tác phẩm lưu lại cho mình và sa thải hoặc quên đi những cái dở trong tác phẩm - đó cũng là chủ đích của những bài tựa.

- Một số đông, có nhận xét chung chung tương đối đúng.

- Và một số khác hiểu lầm hoặc ngộ nhận, thậm chí đi đến chỗ xuyên tạc vô căn cứ.

Tự Bạch đề ngày viết trong tù, nhưng lời lẽ hoàn toàn tự do, đã được gởi ra ngoại quốc mới đây, vậy vẫn phù hợp với tâm trạng của tác giả. Độc giả sẽ thẩm xét Tự Bạch. Tôi không đi sâu vào nội dung bài viết, vì không phải là chủ đích của bài này. Chỉ đưa ra vài nhận xét:

Sau mười sáu năm thống nhất đất nước, mọi định danh, phân giới đội ngũ những người cộng sản / hàng ngũ những người chống cộng: tôi ở bên này / anh ở bên kia -ở thời điểm này- dường như đã lỗi thời, lạc hậu.

Một khi thắng trận, viết về những nhầm lẫn của mình, đã là khó. Một khi thắng trận, viết về những nhầm lẫn của đối phương lại càng khó hơn. Không mấy ai thành công trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm ấy, cho dù viết với mục đích "để những ai thua trận không thể còn tiếp tục thù hận".

Ngôn ngữ văn học là một con dao hai lưỡi: nếu "Tiểu Thuyết Vô Đề" -qua sự kiểm nghiệm lại dĩ vãng- giải tỏa được một số vấn đề trong sự chia rẽ sâu xa của dân tộc và có một giá trị nhân bản cao, thì bài Tự Bạch Về Tiểu Thuyết Vô Đề, với những tố cáo "tội ác" của đối phương, giới hạn mọi giải tỏa chia rẽ và triệt tiêu giá trị nhân bản.



*



Chủ đích của bài này là nhìn nhận một vài khía cạnh nhỏ liên quan đến việc in ấn Tiểu Thuyết Vô Đề mà tôi có phần trách nhiệm. Dương Thu Hương muốn chọn một nhà xuất bản thuần tuý văn hóa và phi chính trị tại Pháp: khó đấy! Ở hải ngoại, kiếm một nhà xuất bản thứ nhì - không dây dưa với chính trị - và có uy tín lớn như nhà xuất bản Văn Nghệ, không phải chuyện dễ. Xác quyết trong sự thiếu thông tin cũng là một giới hạn nữa, đáng ghi nhận của Tự Bạch.

Tránh dài dòng, tôi xin vắn tắt trả lời hai điểm có liên quan trực tiếp đến tôi trong bài viết:

1. Về câu "Tiểu Thuyết Vô Đề nhắm vào cốt tủy của huyền thoại "chống Mỹ cứu nước", vạch trần mặt trái của những lý tưởng cao đẹp, mặt sau của những Khải Hoàn Môn, mặt nạ của những mỹ từ đã trở nên những khẩu hiệu trống rỗng: Tổ Quốc - Nhân Dân - Chính Nghĩa - Tự Do - Quốc Gia - Dân Tộc... Vì người ta đã lạm dụng và dày xéo quá nhiều lần" trong bài tựa Tiểu Thuyết Vô Đề.

Câu văn trên, cũng như chủ ý toàn bài tựa của tôi - cần được hiểu trên hai mức độ:

1) Vì viết về Tiểu Thuyết Vô Đề -một cuốn tiểu thuyết chống chiến tranh, nhìn từ phía Bắc- nên tôi đề cập đến huyền thoại "chống Mỹ cứu nước". Nếu viết về một tác phẩm chống lại cuộc "chiến tranh chống cộng sản", nhìn từ phía Nam, tất nhiên tôi sẽ đề cập đến huyền thoại "chống cộng".

2) Khi nêu lên ý tưởng: những danh từ như tổ quốc, nhân dân, chính nghĩa, tự do, quốc gia, dân tộc... đã được người ta lạm dụng và dày xéo quá nhiều, tôi viết với tâm cảm hòa hợp Nam Bắc:

a) qua cách dùng chữ: người ta có nghĩa là một số người nào đó, không nhất thiết Nam hay Bắc (Nếu không, tôi đã viết rõ: chính quyền miền Bắc)

b) qua cách pha trộn danh từ thông dụng (Tổ quốc... dân tộc...) của cả hai miền, vì đối với tôi, sáu danh từ trên đều là tiếng... Việt cả. Ngoài ra, tôi không nghĩ: vì miền Nam hay dùng chữ quốc gia, miền Bắc hay dùng chữ nước hay đất nước mà những từ đó thành độc quyền ngôn ngữ Nam Bắc, lại càng không thể là độc quyền ngôn ngữ của chính quyền Nam Bắc.

c) Theo Dương Thu Hương, "Chính quyền miền Bắc không bao giờ sử dụng những danh từ: Quốc Gia - Tự Do - Dân Tộc trong các khẩu hiệu được coi là tôn chỉ của cuộc chiến". Vậy thì những khẩu hiệu "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi", "Không có gì quý hơn độc lập, tự do, "Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào"... những khẩu hiệu ấy ở đâu ra? Nhắc lại những khẩu hiệu ấy ở đây không phải để phủ nhận chân lý nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, nhưng để cùng nhau tự hỏi: có chân lý nào đáng giá hơn hai mươi năm cốt nhục tương tàn, với những đau thương, chia rẽ, hận thù... mà ngày nay dân tộc vẫn còn phải trả? Kể cả chân lý nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.

Vì viết vội, nên tôi viết vụng chăng? (Tôi đã đọc Tiểu Thuyết Vô Đề và viết Tựa trong năm ngày, từ 22 đến 27.4.1991. Cùng trong tuần lễ đó, thực hiện một chương trình phát thanh về Dương Thu Hương trên RFI dài 24 phút và viết hai bài về đề tài Dương Thu Hương để kịp đi trên Thông Luận số ra ngày 1.5.1991) Khiến Dương Thu Hương không thấy dụng ý hòa hợp của tôi, khiến Dương Thu Hương phải vất vả, mất nhiều thì giờ giảng giải về những điều tôi muốn nói và đã viết?



2. Khi viết: "Dương Thu Hương là một hiện tượng hiếm có, một viên ngọc trong đám sìnmh lầy đang ô nhiễm quê hương."

Trong mạch văn và trong bối cảnh bài viết, thiết tưởng không một người Việt nào đọc câu trên lại có thể gán cho nó ý nghĩa mạ lỵ dân tộc. Có cần phải giải thích: viên ngọc ở đây chỉ là những hình ảnh tượng trưng cho những thái độ quả cảm, đã trồi lên và sẽ còn trồi lên trên đất nước, mà Dương Thu Hương là một trường hợp, và sình lầy tượng trưng cho sự độc tài, chuyên chế, than nhũng gian dối, đàn áp tư tưởng... hay không?

Không nhận lời khen là quyền của mọi người. Nhưng xuyên tạc lời viết lại là chuyện khác.

Tóm lại, việc xuất bản Tiểu Thuyết Vô Đề đã xảy ra là do lòng tin tưởng vào một việc chung và tốt giữa ba người: anh X, tôi và thầy Từ Mẫn.

Trách nhiệm và Thương tổn. Tôi nhận. Nếu tôi có sai lầm trong sự nhiệt tình thì tôi đã được trả giá đúng mức.

Ngày nay thẩm định lại: Thử hỏi việc xuất bản ấy có hại hay có lợi cho tác phẩm?

Dù sao chăng nữa, đây cũng là một dịp đối thoại. "Khôn không qua lẽ, khỏe không qua lời", biết vậy mà lễ độ trí thức và cái chừng mực của con người vẫn không không cho phép tôi đẩy lời lẽ đến cùng.

© Copyright Thuy Khue 1992

tienmacdoa
#16 Posted : Thursday, October 28, 2004 4:02:17 AM(UTC)
tienmacdoa

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 189
Points: 0

Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 9:33 am
Tiêu đề: Thơ Dương Thu Hương?

Có Một Ngày

-thơ Dương Thu Hương-

Biển xanh rờn

Cát trắng dịu êm

Đã có một ngày em yêu anh như thế

Ngọt mía lau và nồng hương quế

Em yêu anh như những tín đồ thấm giọng Thánh Kinh

Với Maria và nhịp dương cầm

Như kẻ tìm vàng ngất ngây bên suối cát

Như đứa trẻ say mê chùm pháo tết

Và nhấp nhô trong làn áo biếc

Biển làm mê những trái tim non

Những ai lần đầu tiên đến với đại dương.



Nhưng em làm sao giữ được

Cái ngày xưa đã quá xa xôi

Em như kẻ chài

Sống mòn tay với biển

Biển ấm nồng âu yếm

Biển dạt dào cơn sóng yêu đương

Và biển hung tàn ngạo nghễ cuồng điên

Biển bọt bèo và cát bờ dơ dáy

Những lưỡi đá ngầm giương dao dưới đáy

Những con sứa lầy trong đám rêu rong

Xác cá trôi nát rữa với cát ròng



Có một ngày

Và phải có một ngày như thế

Chẳng ai hối tiếc vì một thời thơ trẻ

Chẳng nên đau buồn vì khoảnh khắc ngây ngô

Dẫu sao thì ta cũng đã sống qua

Dẫu sao, ta cũng từng nếm trải



Và ngày ấy sẽ còn điên đảo mãi

Những lứa tuổi dại khờ đang bước sau ta.
Phượng Các
#17 Posted : Saturday, February 12, 2005 12:52:40 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Tác giả Chiếu Cạp Ðiều
Gởi: Mon Jul 05, 2004 2:41 am


TIẾNG VỖ CÁNH CỦA BẦY QUẠ ĐEN

Dương Thu Hương



http://www.phunuviet.org...cpham.asp?articleid=295
Phượng Các
#18 Posted : Tuesday, July 12, 2005 8:40:51 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)




nhà văn Dương Thu Hương




Không ai bịt miệng được nhà văn Dương Thu Hương

Monday, July 11, 2005
nguoi-viet.com


Tác giả: Alan Riding, New York Time, July 11, 2005

Người dịch: Nguyễn Quốc Khải, Vietnam Review.


Paris, 09.07 - Khoác bên ngoài một chiếc áo vét tông sần sùi và nhấm nháp nước trái cây trong một quán cà phê ở bên tả ngạn [sông Seine], nhà văn Dương Thu Hương không có vẻ gì là một khuôn mặt dọa nạt được ai. Nhưng bà Hương, 58 tuổi, hiển nhiên là như vậy tại quê hương Việt Nam của bà, nơi bà đã bị giam cầm, sách của bà bị cấm và bà bị từ chối không cho giấy thông hành để xuất ngoại trong 11 năm.

Trong 11 năm, Dương Thu Hương đã không được phép xuất ngoại.

Có vẻ là bà có nhiều tội. Những cuốn tiểu thuyết của bà mổ xẻ đời sống dưới một trong những chế độ cộng sản cuối cùng được xuất bản và đón nhận niềm nở tại thế giới Tây Phương. Bà là một cựu đảng viên Cộng Sản bị trục ra khỏi đảng vì tội phản bội. Và trên hết, bà là một nhân vật chống đối - một lãnh tụ cao cấp của đảng gọi bà là một “con điếm chống đối” (dissident whore) - đã không chịu ngậm miệng ngay cả sau khi đã bị nhốt trong tù tám tháng vào năm 1991.

Ngày nay, lần thứ hai, bà được phép qua Âu Châu. Nhưng trong một nghĩa, nước Việt Nam cùng đi theo với bà. Bà vui lòng nói về đời của mình và năm cuốn tiểu thuyết, gồm cả cuốn mới nhất, “No Man's Land” (Trốn Vắng), xuất bản tại Hoa Kỳ vào Tháng Tư vừa qua. Nhưng ưu tiên của bà là công khai kết án chính phủ tham nhũng và lạm quyền Hà Nội.

Bà nói lưu loát tiếng Pháp nhưng với một cách phát âm nặng: “Ðây là nhiệm vụ phải làm của tôi nhân danh những người đã chết dưới chế độ đáng hổ thẹn này. Vì tôi có một chút tiếng tăm ở nước ngoài, tôi phải nói về những vấn đề này. Tôi phải nói ra những gì trong con người của tôi để lương tâm của tôi được trong sáng. Dân chúng đã mất sức mạnh để phản ứng, để suy tư, để nghĩ. Có lẽ tôi sẽ cho họ can đảm.”

Bà cảm thấy rằng lời nhắn nhủ của bà khẩn trương hơn bao giờ hết. Ba mươi năm sau chiến tranh Việt Nam, bà thấy chế độ được chấp nhận ở nước ngoài bằng cách mở rộng kinh tế cho người ngoại quốc trong một chiến lược hỗn hợp cộng sản tư bản. Bà cũng nhận thấy với sự lo sợ rằng thủ tướng của Việt Nam, Phan Văn Khải, đã được tiếp đón tại Tòa Bạch Cung vào tháng trước.

“Ðây là một chề độ tàn bạo và đê tiện. Nó làm nhiều thứ để lừa phỉnh những người ngoại quốc,” bà nói trong một buổi mạn đàm lâu dài. “Nếu Bush ủng hộ chế độ này, nó sẽ bắt đầu dấn thân vào một cuộc chiến khác, và sẽ đưa dân chúng xuống đất đen. Lần này những kẻ phản bội địa phương, thay vì phi cơ thả bom B-52, sẽ được sử dụng.”

Cho đến nay, bà tiếp tục nói, chiến tranh Việt Nam được sử dụng để biện minh cho việc duy trì quyền lực trong tay của nhà nước.

“Tất cả tuyên truyền của nhà nước chỉ nhắm tạo một huyền thoại về chiến tranh, để tâng bốc và đe dọa dân chúng,” bà nói. “Dân được bảo rằng: “Dân tộc ta anh hùng. Chúng ta nên kiêu hãnh về lịch sử của chúng ta. Nhưng đừng bao giờ quên rằng, đảng đã lãnh đạo dân tộc đến thành công.” Nhà nước lừa dối dân chúng bằng một niềm kiêu hãnh mù quáng.”

Cuộc đời của bà Hương cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của chiến tranh.

Bà nói, khi còn một đứa trẻ con bà không được học trường tốt vì bà không thuộc vài giai cấp nông dân hoặc vô sản: Bà ngoại của bà địa chủ đã di cư vào Nam vào giữa thập niên 1950. [1] Nhưng đến tuổi 16, Dương Thu Hương được cho phép gia nhập đoàn diễn kịch lưu động và chứng tỏ có tài, nên được gửi đi học trường đào tạo diễn viên, nghệ sĩ múa, và ca sĩ để giúp vui quần chúng.

Ở đó bà một lần nữa làm khá và được cấp cho cơ hội để đi học tại Liên Xô, Ðông Ðức hoặc Bulgaria. Bà nói: “Tôi chọn ra tiền tuyến bởi vì nước chúng tôi đang có chiến tranh và tổ tiên tôi luôn luôn chiến đấu cho đất nước... Tôi gia nhập một đoàn nghệ sĩ trẻ lo trình diễn cho bộ đội và nạn nhân chiến tranh. Khẩu hiệu là: “Những tiếng hát của chúng ta to hơn tiếng bom.” Chúng ta có thể làm in những tiếng gào thét bằng những bài hát.”

Bà nhớ lại, bà nhận thấy ngay lúc đó những đảng viên có những đặc quyền. Sau đó bà có một xúc động khác mạnh hơn khi tù binh của miền Nam đến khu vực của bà. Bà nói: “Tôi khám phá ra sự thật là chúng tôi cũng chiến đấu chống lại người Việt Nam... Vâng, chúng tôi luôn luôn bị Mỹ giội bom, nhưng họ ở trên trời cao và tôi không bao giờ được thấy họ. Tôi chỉ thấy người Việt.”

Bà giữ những ý nghĩ đó cho riêng mình, và cũng làm như vậy sau chiến tranh khi bà gập lại bà con ở thành phố Hồ Chí Minh (như Sài Gòn đã được đổi tên) và bà nhận biết rằng kẻ bại trận khá hơn kẻ thắng trận. Trong khoảng thời gian đó, bà tổ chức những sinh hoạt nghệ thuật ở thành phố Huế. Khi 30 tuổi, bà trở về Hà Nội để làm việc cho kỹ nghệ điện ảnh của chính phủ. “Bà nói “Tôi viết năm kịch bản. Chúng được làm thành những phim dở... Nhưng lương tôi không đủ sống.”

Một việc làm bất chợt ngắn hạn mở ra một cơ hội mới. Làm việc cho một nhóm tướng lãnh quân đội, bà viết cho họ về lịch sử chiến tranh Việt Nam. “Những ông tướng này thảo luận với nhau làm thế nào để thay đổi bài viết của tôi để cho phù hợp với quyền lợi của họ... Các ông này muốn tăng số người Việt chết để chứng tỏ rằng không có sự hy sinh nào quá to lớn cho nhân dân.”

Bà Hương nói rằng bà được mời gia nhập Ðảng Cộng Sản Việt Nam vào năm 1979 và miễn cưỡng chấp nhận với sự thúc đẩy của bạn bè vì họ hi vọng bà có thể giúp họ. Cũng trong năm đó cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bà “Bên Kia Bờ ảo Vọng” được xuất bản tại Việt Nam bán được 100,000 bản. Nhưng hai năm sau, bà nói, với sự ra đời của “Thiên Ðường Mù”, một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khác, bà bắt đầu gập nhiều vấn đề.

“Ông Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí Thư của Ðảng Cộng Sản Việt Nam hứa cấp cho bà một căn nhà dành cho cấp bộ trưởng nếu tôi giữ yên lặng,” bà nói. “Tôi nói với ông, “tôi tranh đấu cho dân chủ, tôi đặt tôi về phía nhân dân và không bao giờ đồng ý như là một bộ trưởng.” Nguyên tắc của tôi là ông có thể mất tất cả, kể cả mạng sống của ông, nhưng không bao giờ nên để mất danh dự của mình.”

Ngay sau đó, bà nói, bà đã thoát hai âm mưu ám sát. Bà viết một bài diễn văn cho Nghị Hội Những Nhà Văn Việt Nam vào năm 1989, tựa đề là “Ðảng Nên Cám Ơn Nhân Dân” và tức thì bị trục xuất ngay ra khỏi Ðảng. Vào năm 1991, bà bị tù vì bán tài liệu mật cho ngoại bang. Ðó là những bản thảo viết tay. Không có gì đáng ngạc nhiên cả, ba cuốn sách tiếp theo của bà - “Tiểu thuyết vô đề”, “Memories of a Pure Spring” và “No Man's Land” - chưa được xuất bản tại Việt Nam. [2]

Nhưng tất cả những tiểu thuyết của bà đã được dịch sang một số ngoại ngữ. Nhờ Will Schwalbe, lúc đó làm việc tại Willam Morrow và bây giờ là chủ bút tại Hyperion, những cuốn sách này được dịch sang Anh ngữ. Ông Schwalbe nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại “Lần đầu tiên tôi được nghe về bà là khi bà bị giam trong nhà tù... Tôi đọc 30 hay 40 trang của “Thiên Ðường Mù” và tôi đã xúc động. Ðây là cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên được dịch và xuất bản tại Hoa Kỳ.

Những tiểu thuyết của bà Hương không có màu sắc chính trị rõ rệt, nhưng chủ đề của những cuốn sách này là sự vỡ mộng của những người bị kẹt bởi số mệnh ngoài sự kiểm soát của họ. Khi điểm sách cuốn “Memories of a Pure Spring” trên tờ New York Times vào năm 2000, Richard Bernstein viết: “Người ta đọc cuốn sách này vì quan điểm chính trị của nó, nhưng hơn thế nữa là vì chiều sâu và sự phức tạp của những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết. Họ phấn đấu để định nghĩa chính mình trong một thế giới mà mỗi sự vật và mỗi người đều bị xếp vào một trong những hệ tư tưởng và khát vọng đất nước.”

Vào năm 1994, với sự can thiệp của Ðệ Nhất Phu Nhân của Pháp, Danielle Mitterand, bà Hương đã được đến Pháp để nhận giải thưởng. Bà được hứa cấp cho quy chế tị nạn chính trị. “Tôi nói, “Cám ơn, nhưng tại nước tôi, sư sợ hãi đã nghiền nát mọi thứ, chiến sĩ can đảm trở thành dân chính hèn nhát.” Bà nhớ lại. “Do đó tôi phải trở về. Tôi trở về để làm một việc: Nhổ vào mặt chế độ.”

Lần này, Tòa Ðại Sứ Ý tại Việt Nam đã lấy được hộ chiếu cho bà, nhưng sau vài tuần ở Ý và Pháp, một lần nữa bà muốn trở về Hà Nội, nơi hai đứa con và bốn đứa cháu đang sống. (Bà Hương đã ly dị vào năm 1982.) Và một khi về nước, nếu chính phủ không có một kế hoạch nào khác, bà nói bà sẽ tiếp tục viết. “Tôi là một người có lý tưởng cao, “Bà nói, trước khi thêm một nụ cười tinh quái, “và cũng là một người đần độn”.


Chú thích:

[1] Theo GS Nguyễn Ngọc Bích, nhà văn Dương Thu Hương có bà ngoại là địa chủ. Do đó chúng tôi dịch từ chữ “grandmother” ra là bà ngoại.

[2]: GS Nguyễn Ngọc Bích cho biết tên Việt của cuốn “No Man's Land” là “Trốn Vắng.” Nhưng tên Việt của cuốn “Memories of a Pure Spring,” chưa biết. Các nhà sách ở Hoa Kỳ đều không có cả hai cuốn này bằng tiếng Việt.


Phượng Các
#19 Posted : Monday, August 22, 2005 12:48:42 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Lettre à Dương Thu Hương

Mme Duong Thu Huong

Hanoi

New York, le 22 avril 2005

Chère Madame,

Je voulais vous dire que j’ai eu l’honneur et l’émotion de lire un extrait de votre nouveau livre qui paraît aux Etats-Unis sous le titre « No Man’s Land », lors d’une soirée organisée dans le cadre du festival de littérature internationale organisée par le PEN club de New York et dont le thème s’intitulait : « Voix bannies ». Je me suis également permis de lire un extrait de la lettre que vous aviez envoyée pour expliquer pourquoi vous ne pouviez pas vous rendre à l’invitation des organisateurs. Chaque personne présente, je crois, a entendu votre voix ce soir-là. Quelques articles de presse en témoignent également.



Madame, cela serait une trop longue histoire de vous dire comment j’en suis venu à vous rencontrer et à vous admirer à travers vos œuvres. Je vous en dirai quelques mots seulement. Mon père était né au Vietnam en 1914 car son père était dans l’armée coloniale… Il l’avait quitté à l’âge de un an pour cause de guerre mondiale. Moi-même, né en 1956, je ne savais presque rien de ce passé presque mythologique lorsque je suis venu au Vietnam pour la première fois, il y a une dizaine d’années. Romancier, j’ai été pris d’un désir puissant, profond, de comprendre ce qui avait pu se passer entre nos deux pays, de plonger au cœur de la honte du mien, de la tristesse du vôtre. J’ai voyagé au Vietnam, rencontré des anciens, lu des livres… C’est ainsi que j’ai découvert vos romans et votre histoire. Comme je l’ai dit à la soirée du PEN, je ne crois pas que les écrivains sont grands parce qu’on les envoie en prison ou qu’on les interdit ; je crois, au contraire, que c’est parce qu’ils sont grands qu’on les persécute. J’ai entendu votre voix résonner, de livre en livre, et j’ai ressenti ce que l’on a seulement devant les œuvres d’une grande portée. Ce que vous racontez est profondément, tragiquement vietnamien, et en même temps, grâce à votre art, réellement universel. Il appartient à votre peuple – car au-delà des persécutions il lui appartient déjà – et l’aide à entrer dans la complexité et la souffrance de son histoire, dont on essaie de le priver. Mais il résonne au-delà de vos frontières : il parle à l’être humain, il pénètre dans l’intimité de chacun d’entre nous. Je connais vos personnages pour des êtres amis et proches que j’ai suivis jusque dans leurs terreurs, dans leurs morts tragiques, dans leurs solitudes et leurs moments de grâce ; j’ai parfois eu l’impression d’être entré dans un de vos livres et d’être un de ces esprits intermédiaires, qui flottent entre les vivants et les morts. La beauté noire de ce que vous faites – et c’est ce qu’il y a de plus rare – est de nous aider à entrer dans la complexité, dans l’ambivalence, dans l’intimité de destins ballottés par l’histoire.



Avec le temps qui passe je crois de moins [en moins] aux généralités et aux grands mots, même ceux qui sont à la mode, comme « droits de l’homme », « progrès de la liberté », etc. J’ai plutôt l’impression d’entendre derrière ces platitudes des grondements annonçant pour les générations à venir des monstruosités encore inimaginables. (Elles le sont toujours, avant ; et quand le mal est fait, l’on reste un temps stupéfait, silencieux.) Mais je crois encore aux individus, à ce lien qui peut s’établir par-dessus les montagnes ou, comme dans votre belle légende vietnamienne de l’étoile du soir et de l’étoile du matin, par-dessus la voie lactée, par un « pont d’oiseaux » (c’est ainsi que j’ai intitulé mon roman, presque achevé, et qui se passe au Vietnam). Peut-être au bout du compte cela ne change-t-il rien, peut-être en effet les tragédies se produisent-elles et les souffrances existent ; et bien sûr, la mort est au bout. Il y aurait pourtant quelque chose d’insupportable, d’impossible à cette condition humaine si, de temps à autre, les corbeaux ne nous montraient pas la voie et ne nous réunissaient pas, même fugitivement, par l’amour, par l’amitié, à d’autres êtres. Je n’appelle pas cela une consolation mais cela nous permet d’entrer dans une dimension secrète, presque au bord du silence, où nous sentons la force de la vie en nous – au-delà de notre condition fugitive, au-delà même de notre espèce. Etre réunis avec quelqu’un nous réunit plus profondément au monde, nous met dans la continuité de cette longue histoire qui a eu un début et qui aura une fin.



Pardon de ces développements peut-être trop généraux, peut-être trop personnels, mais c’est là où vous m’avez emmené par vos livres, c’est là que ma relation avec vous s’est fondée. Vous connaissez peut-être une nouvelle de Joseph Conrad intitulée « le compagnon secret » dans laquelle un jeune capitaine de navire recueille à bord et cache dans sa cabine, dans l’ignorance de tout l’équipage, un homme qu’il a trouvé en fuite, pourchassé pour un meurtre. Entre ces deux êtres qui se ressemblent, un lien s’établit et, en quelque sorte, le clandestin offre au marin son miroir, sa matrice peut-être pour devenir un homme. Je crois qu’à chaque étape de notre vie, nous sommes amenés à jouer les deux rôles, parfois en même temps : tour à tour pourchassés et honorés (et parfois les deux en même temps), criminels et reconnus, invisibles et trop visibles. Cette double nature de notre condition nous hante tant que nous n’en comprenons pas l’ambivalence profonde, et la nécessité. De ce point de vue, si l’on accepte la comparaison des nations à des êtres vivants, je crois que le Vietnam est un « compagnon secret » de la France et réciproquement, et que l’intimité parfois atroce des souffrances des uns et des autres ne rompt pas ce lien, qui se réincarne à travers les générations.



Il est pour moi presque impensable de revenir au Vietnam, ce dont j’ai le projet cette année, sans trouver le moyen de vous saluer. Mon ami, votre éditeur américain Will Schwalbe, dont la fidélité à votre œuvre est merveilleuse, m’a dit que ce n’était pas facile mais j’espère que cela serait possible. J’espère aussi pouvoir, d’une façon ou d’une autre, aller au-delà de cette soirée de lecture et participer, à mon tour, à ces interventions pour vous. Même si elles n’ont pas été couronnées de succès jusqu’ici, je crois, j’espère que cela changera pour vous.



C’est un honneur pour moi d’avoir pu vous écrire et d’être lu par vous. Je vous serre les mains, respectueusement et fraternellement.



Antoine Audouard

http://amvc.free.fr/Damv...d/AudouardLettreADTH.htm
Phượng Các
#20 Posted : Wednesday, August 24, 2005 11:54:36 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Đọc "No Man's Land" (Chốn Vắng): Dương Thu Hương đã có cái nhìn mới về chiến tranh Việt Nam

Tuesday, August 23, 2005
Người Việt


Nhà Văn Dương Thu Hương


LTS - Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên cũng là một bác sĩ, trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách.

Việt Nguyên

*Xu thế tính dục trong văn chương Việt Nam ngày nay

HOUSTON (NN) – Trong không khí oi bức mùa hè năm nay của Houston, tôi được đọc cuốn tiểu thuyết nóng của nhà văn Dương Thu Hương, cuốn “Chốn Vắng”, ấn bản tiếng Mỹ “No man's land”, xuất bản tháng 4 năm 2005, bản tiếng Việt bị cấm in ở Việt Nam. Tôi đọc với một tâm hồn của một người Việt sống ở Mỹ lâu năm, cố gắng hiểu tâm cảm của các nhân vật chánh qua lời dịch của Phan Huy Đường và Nina Mc Pherson.
Lần đầu tôi đọc Dương Thu Hương với “Những Thiên Đường Mù” năm 1989, sau đó Ngô Ngọc Bội với “Ac Mộng” năm 1990, những nhà văn đầu tiên có can đảm vạch trần quá khứ tội ác của đảng CS Việt Nam qua những vụ đấu tố trong phong trào Cải Cách Ruộng Đất năm 1954; những gia đình đã bị chia rẽ tan nát cha tố con vợ tố chồng, vì đảng Cộng Sản với ảo tưởng mù quáng của quá khứ và vinh quang phù phiếm của tương lai. Qua đến “Tiểu Thuyết Vô Đề” Dương Thu Hương đã mất kiên nhẫn với đảng CSVN qua những chiêu bài tuyên truyền xây dựng xã hội chuyên chính vô sản đầy dẫy bất công tham nhũng. Với giọng văn phẫn nộ như William Faulkner trong “Âm Thanh và Cuồng Nộ”, nhà văn Dương Thu Hương chánh thức phản kháng chánh quyền qua nhân vật chánh, Quân, bất bình chứng kiến những hàng hóa, tài sản, thuốc men bị tịch thu sau ngày chiến thắng đến thẳng vào tay các lãnh tụ đảng thay vì đến tay nhân dân. Nhưng cái nhìn về chiến tranh của Dương Thu Hương trong “Tiểu Thuyết Vô Đề” vẫn là một cái nhìn thiên lệch với “Bọn lính Mỹ khốn nạn” và những cảnh như “sáu xác chết đàn bà trần truồng bị lính Cộng Hòa giết sau khi bị hiếp”. Những giọng điệu căm thù Mỹ Ngụy với những cường điệu của chiến tranh chống Mỹ cứu nước tương tự như nhà văn Bảo Ninh trong “Nỗi Buồn Chiến Tranh” không nói lên được sự vô nghĩa của chiến tranh như những truyện của Erich Maria Remarque hay như Frederich Manning với “Chiến tranh chỉ là một hành động kỳ quặc của loài người” đã làm tôi ngưng đọc những tiểu thuyết của Dương Thu Hương và các nhà văn phản kháng khác.
Đọc “No mans land” tôi cảm thấy như Rip Van Winkle của Washington Irving, thức dậy sau giấc ngủ 20 năm trên núi Catskill, râu trắng tóc bạc, cách mạng Hoa Kỳ đến rồi đi, bầu trời vẫn xanh, chim vẫn hót trên cành nhưng thế giới đổi thay nhanh chóng không còn là thế giới của Van Winkle. Cách mạng thay đổi. Nga, Mỹ, Trung Cộng, Việt Nam thay đổi. Bạn thù thay đổi. Những con người trong xã hội VN 30 năm qua đổi thay và cái nhìn về chiến tranh VN của Dương Thu Hương cũng không còn giống như những năm đầu.

Cốt truyện Chốn Vắng

Con người CS của Dương Thu Hương hoàn toàn biến mất. Trong toàn cuốn tiểu thuyết, mỗi chương đều có “Thượng đế, Trời, Phật”, dân làng Thôn Sơn tin mọi chuyện có Trời Phật sắp đặt; mỗi nhân vật chính trong truyền đều tin có Trời và Thượng Đế. Chiến tranh chống Mỹ cứu nước bây giờ là trận “nội chiến Nam Bắc”, chữ Ngụy biến mất. Từ đầu đến cuối truyện thành phố Saigon là Saigon, chữ TP Hồ Chí Minh không hiện hữu, Saigon - Huế - Hà Nội; Saigon - Đà Lạt - Nha Trang; Saigon - Đà Nẵng – Huế, một Saigon muôn thuở của Việt Nam.
“Chốn Vắng” với cốt chuyện được cấu thành ở một thôn xóm vùng quê Trung Phần giống như các truyện khác của Dương Thu Hương, Thôn Sơn (Mountain Hamlet) cạnh bờ sông Nhật Lệ. Chuyện xẩy ra ngay ngày chiến tranh kết thúc năm 1975 với Miên, nhân vật nữ chánh, đẹp, ngoài 30, sống hạnh phúc với Hoan, người chồng chủ trại giầu có trong chế độ Hợp tác xã và Hạnh người con trai. Một ngày từ rừng trở về nhà, Miên gặp đám đông tụ tập trước cửa, biết tin người chồng lấy nhau 14 năm trước sống chung hơn một tháng đã trở về. Người chiến sĩ anh hùng, Bôn, hân hoan “Anh đã về”, “anh đã về”. Người chồng đầu tiên nay đã trở về sau 14 năm được giấy báo tử trận. Dưới áp lực của đảng và chủ tịch ủy ban hành chánh Trung ương, Miên đồng ý bỏ Hoan và con để trở về với người chồng cũ, sống trong căn chòi nghèo nàn với tiền trợ cấp của Hoan. Miên phải đối diện với những dằn vặt nội tâm, những áp lực của Đảng bộ, cùng những tục lệ ngàn năm “phép vua thua lệ làng”, không tìm thấy tình yêu với Bôn, cố tránh Bôn mỗi đêm như tránh một người hoàn toàn xa lạ. Bôn trở về, cố sống một đời sống bình thường, giành lại người vợ cũ nhưng chịu thua vì sự thiếu cộng tác của Miên cùng chứng bệnh bất lực vì chất Da Cam, như nhân vật Quân trong chuyện “Tiểu Thuyết Vô Đề”, “dương cờ tấn công quân thù nơi chiến trường” nhưng thua trên giường “không dựng được cờ” cộng thêm chứng bệnh hôi miệng dù tiêu hết tiền cấp dưỡng của Hoan dành cho Miên. Trong khi Bôn không lấy lại được tình yêu đầu thì Hoan dù bị bắt buộc xa Miên vẫn yêu vợ tha thiết. Bỏ Thôn Sơn, Hoan không tìm thấy hạnh phúc ở những thú vui thành thị, trở thành thương gia giầu có nhưng Hoan vẫn muốn trở về sống hạnh phúc ở thôn xưa dù hôn nhân đã bị ép buộc đổ vỡ sau 13 năm như “mây qua đỉnh núi”. Miên cố tránh cảnh chung sống với Bôn nhưng cuối cùng thọ thai sau đêm bạo hành khi Bôn chữa được bệnh bất lực. Không yêu Bôn, Miên tìm cách phá thai. Một hôm nàng nhẩy bổ đập bụng vào cánh cửa trước mặt Bôn. Thai không sảy, nhưng sau đó chết trong bụng mẹ, hài nhi là một quái thai do chất Da cam phải giải phẫu lấy ra. Cuối cùng, bất chấp dư luận Miên trở về với Hoan và con, sống ở trang trại của Hoan nhưng vì lòng thương hại nuôi Bôn trong nhà qua người đầy tớ trung thành của Hoan, ông Lư và dì Huyến. Nhờ thế lực tiền bạc, lòng người ở Thôn Sơn thay đổi nghiêng về với Hoan. Người chiến sĩ anh hùng trong trận chiến chống Mỹ cứu nước trở nên quẫn trí, tìm cách ám sát Hoan trong một cuộc đi săn. Miên ngăn được cò súng, bị thương, mất hai ngón tay. Bôn trở thành người điên, nhìn về làng thôn, đồi núi, những mảnh vườn, đồng ruộng và bãi biển ở hướng Đông, tất cả như cảnh sa mạc, một thế giới không người.

Xu thế tình dục

Nhà văn Dương Thu Hương đã bị các nhà lãnh đạo CSVN gọi là “con đĩ phản kháng”. Văn chương “Chốn Vắng” quả thật chứa đựng đầy đủ hai đặc tính ấy, một dục tính của xã hội miền Bắc trước năm 1975 và Việt Nam quá đô xã hội chủ nghĩa sau 1975 lẫn trong văn chương chính trị phản kháng. Bên cạnh những đoạn văn đẹp tả cảnh và tình người là những bùng nổ về tình dục và dục tính của một xã hội bị đàn áp và đè nén. Văn chương Dương Thu Hương phá vỡ huyền thoại xã hội lành mạnh của chủ nghĩa CS ở miền Bắc thường được rêu rao tuyên truyền bởi Đảng và Nhà Nước trong những năm chiến tranh hầu nêu rõ sự cách biệt với văn hóa bị gọi là đồi trụy Mỹ Ngụy của miền Nam. Dương Thu Hương không tránh khỏi xu thế văn chương thời đại của những nhà văn VN cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 với Sex, dục tình sống sượng, từ thủ dâm đến những cách làm tình khác nhau ở khắp nơi với những ngôn ngữ chữ nghĩa diễn tả cơ quan sinh dục không cần che giấu. Từ những mối tình nên thơ như Xạ và Soan, lấy nhau vì tình yêu, Soan cố tránh mối tình môn đăng hộ đối gán ép của cha mẹ, yêu Xạ bên bờ suối, trong rừng mang thai sớm để tiến đến hôn nhân cho đến những mối tình chua chát và gán ép của Đảng sau cách mạng với những thương binh.
Những cuộc hôn nhân được thần thoại hóa bởi mầu sắc hy sinh cho Đảng và Chủ Nghĩa. Đám cưới rầm rộ như xổ số, dưới lá cờ Đảng và những hàng biểu ngữ sắp đặt cho cô Đào Thị Hiền 19 tuổi phó bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh, bạn của Miên. Chú rể được đặt trên xe che khắp người chỉ chừa khuôn mặt, cô dâu khám phá ra “thương binh tròn” trong đêm tân hôn cụt cả hai tay lẫn hai chân nhưng Đào Thị Hiền ngây thơ khoe với Miên một cách hồn nhiên: Bác sĩ dân tộc của Hợp Tác Xã cho biết cơ quan sinh dục của chú rể còn nguyên vẹn, một ngày Hiền “sẽ có con”.
Những đám cưới tập thể trong quân đội được tổ chức cho chiến sĩ mới vừa 17 tuổi trước khi lên đường phục vụ.
Tình dục của Bôn, một chiến sĩ anh hùng trở về nhưng bất lực, một chiến sĩ vinh quang với quá khứ ngày 17 tuổi làm tình với Miên không ngừng nghĩ mỗi đêm, với cô thôn nữ người Lào tên Thoong sau lần trung đội bị dội bom tan tành trong trận Hạ Lào. Người chiến sĩ không thể “dương cờ” trong thời bình đã chạy chữa bằng tiền cấp dưỡng của Hoan với những toa thuốc Bắc, những toa thuốc Nam cho đến toa Minh Mạng “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử”, toa thuốc dê lấy từ máu, nước tiểu, xương dê hầm thành cao đều thất bại chỉ vì thiếu sự cộng tác của Miên đêm nằm quay lưng, gác tay lên trán. Đêm bạo hành, Bôn thành công nhờ lão Phiên chỉ dẫn “café đen đậm pha muối” nhưng phải chịu hậu quả tác dụng phụ liệt giường trong hơn một tháng! Văn chương khôi hài của Dương Thu Hương đối với người chiến sĩ anh hùng đổi sang chua chát với Hoan. Trước khi yêu Miên với mối tình chân thật và say đắm, Hoan là nạn nhân của mẹ Lan, phó chủ tịch Hợp tác xã. Cô con gái 15 tuổi đã có thai được mẹ dàn cảnh chuốc rượu để làm tình trong một đêm say khướt cho đến những mối tình qua đường với những cô gái điếm sau khi tan vỡ với Miên. Mặt trái xã hội được phơi bày trắng trợn qua những đêm ở thành phố với Cang người bạn thân của Hoan, ngươì đã “sống như con cá trong bùn và cỏ dại ngay cả lúc mơ về một dòng nước trong”, tự tay thế thiên hành đạo trong xã hội đầy dẫy tham nhũng bẩn thỉu “cảnh sát chia tiền với những bọn mặt heo”. Cang sống không ngày mai trong xã hội đen với những hằn học khi hỏi Hoan: “Mày biết em gái tao phải bán thân với giá bao nhiêu không?” “Nó đẹp, vừa 16 tuổi, còn trinh, đúng ngày sinh nhật phải bán thân mua thuốc chữa bệnh cho cha đúng 1/2 chỉ vàng, khách hàng là người buôn trâu bằng tuổi cha tao”.
Hoan thành công buôn bán ở thành thị, nhìn thấy “những đoàn quân nô lệ sống nhờ những đống rác, bán lông gà lông vịt, giấy, lon cũ, xã hội với những người như Thu Cúc tốt nghiệp đại học luật phải bỏ đi làm tú bà sau ngày giải phóng. Xã hội với anh hùng như Cang “yêu tiền và sung sướng khi kiếm tiền” bằng mọi cách với “Công lý là sự khác biệt giữa hai giá trị của đồng tiền”.
Cái nhìn mới về chiến tranh

“Chốn Vắng” đã đánh bại huyền thoại chiến tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước, trình bày cho người đọc một bộ mặt thật thứ hai, bộ mặt như Nguyễn Huy Thiệp đã viết “Vinh quang nào mà không xây trên điếm nhục”. Trận Hạ Lào thường được xem là một thất bại của Mỹ và VNCH với cuộc hành quân bí mật đã được Dương Thu Hương tả lại bộ mặt phía CS “sĩ quan và binh sĩ chỉ hiểu sơ về mục đích qua những cuộc huấn luyẹn khác nhau, những lớp học chính trị, ngắn và căng thẳng. Ban ngày ngủ trong bộ quân phục với vũ khí bên cạnh, cây lá nghi trang trên mũ và quần. Khi đêm vừa buông xuống, các đơn vị lên đường ngay không kèn không trống, không cả những chỉ thị rõ ràng.”
Trung đoàn của Bôn, trên ngọn đồi 327 bị bom Mỹ đánh tan tành, 880 người chỉ còn 80 sống sót. Ngọn đồi 327 trở thành một ngọn đồi trọc với xác người và diều hâu. Bôn đã trốn thoát, sống sót trong chương 14, một chương sách đầy tình người, tình đồng đội và không thù hận. Một Bôn sống sót kéo lê xác người trung sĩ chỉ huy qua cánh rừng và những ngọn đồi ở Lào. Tương tự như những truyện chiến tranh của những tác giả miền Nam VNCH, Bôn sống sót bằng cách uống nước mưa trên lá, uống bằng nước tiểu của chính mình. Chương 14 là một chương sách đẹp hùng tráng về chiến tranh, như “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” như “gĩa từ vũ khí”. Ở đây, chủ nghĩa biến mất. Con người trong cảnh khốn cùng và sắp chết chỉ thấy Trời và Thượng Đế. Hồn người trung sĩ chỉ huy của Bôn lìa khỏi xác, thành một làn khói bay lên cao, thân thể từ từ lạnh, cảnh tượng như trong cuốn phim “Ghost”.
Đoạn đối thoại giữa Bôn và hồn ma người lính VNCH cụt ngón tay trỏ là đoạn cho thấy Dương Thu Hương đã thay đổi, trở về với sự vô lý của chiến tranh. “Anh lính ơi, anh không ngủ được đêm nay, dù anh cố đếm đến một triệu. Đêm nay anh sẽ thức và nói chuyện với tôi. Tôi đợi anh ở đây lâu rồi.”
Hồn ma nói lớn “Hãy mở mắt ra, nghĩ đến chúng ta đã gặp nhau ở đâu trước đây?”... Hồn ma cười. “Sao anh quên dễ dàng - Có nhớ đồi Sao Trắng?” Hồn ma là người lính VNCH cầm mảnh vải trắng làm cờ đầu hàng nhưng vẫn bị Bôn nã súng. Bôn biện luận “chiến tranh là chiến tranh. Không ai làm chủ được mình khi viên đạn bay qua. Tôi không cảm thấy thù oán anh, nhưng Trời Đất đã bỏ quên anh ở nơi nào ở đồn canh đồi Sao Trắng. Tôi đã đối xử với anh như kẻ thù.” Hai kẻ thù tranh luận:
“Tôi không được giúp đỡ của người Mỹ. Tôi không được tiếp tế thực phẩm khô, thịt, sữa và thuốc lá, thuốc men như anh,.”
“Nhưng về vũ khí anh có nhiều lựa chọn.”
“Đúng, nhưng nhiều khi không đủ... Đôi khi chúng tôi phải rút lui vì không đủ đạn dược. Nhất là đạn B40 và B41.
“Nhưng anh được đạn dược cả từ Nga và Trung Quốc. Làm sao thiếu?”
“Tôi không biết từ đâu đến nữa... Tôi không còn cảm thấy muốn nói chuyện về những thứ này nữa.”
Hồn ma vẫn ám ảnh và cuối cùng Bôn phải la lớn: “đi đi, tôi không ghét anh, nhưng tôi không muốn nhìn anh nữa. Đi đi, hay tôi sẽ bắn!”
Hồn ma cười: “Đạn không thể làm thương tổn linh hồn người đã chết...”
Cuốn tiểu thuyết “Chốn Vắng” đã bị cấm đúng vào thời điểm Hà Nội đang tiến vào bước ngoại giao mới với kẻ thù cũ, chính quyền Hà Nội được những người Việt hải ngoại trở về ca tụng sự cởi mở và tự do và ông Phan Văn Khải kêu gọi đóng cửa qúa khứ nhìn về tương lai.
30 năm, đã đến lúc những nhà lãnh đạo CSVN cần thay đổi thật lòng như nhà văn Dương Thu Hương.
Việt Nguyên
(6/8/05)


Users browsing this topic
Guest
2 Pages12>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.