Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 5,031 Points: 2,424 Location: Thung Lũng Lá Rơi Thanks: 231 times Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)
|
Nữ sĩ từ bến sông Thương
Năm 1957, sau một thời gian dài được giới văn chương mối mai và kiên trì theo đuổi, bác sĩ khoa thần kinh Bùi Viên Dinh đã chinh phục được trái tim nữ sĩ Anh Thơ. Đôi vợ chồng son trên dưới tứ tuần đưa nhau về hưởng hạnh phúc ở gian chòi riêng biệt trên gara ô-tô nhà số 5 phố Hòa Mã, Hà Nội. Hơn bốn mươi năm qua, theo dòng thời cuộc đổi dời, địa chỉ hạnh phúc của họ cũng nhiều lần dời đổi. Bây giờ là một căn phòng ở ngõ Văn Chương.
Khẽ cầm tập thơ " Lệ sương" , nữ sĩ ngậm ngùi bảo: " Đây là tập thơ tôi làm tặng riêng nhà tôi sau khi ông mất cách nay bốn năm. " Lệ sương" lấy ý từ câu thơ " Tuổi già giọt lệ như sương" . Cứ ngỡ hạnh phúc là bất biến nên khi ông còn sống, tôi không tận hưởng hạnh phúc gia đình mà chỉ lo sự nghiệp thơ ca. Giờ sống một mình, tôi mới thấm thía tầm quan trọng của đời sống gia đình, mới biết hạnh phúc gia đình có ý nghĩa gắn liền với sự nghiệp. Từ khi nhà tôi mất, tôi cũng ít viết!" . Tâm sự đầy xúc động của nữ sĩ Anh Thơ đã mở đầu cuộc trò chuyện. Trong giọng nói nhỏ nhẹ, chân tình của bà, trong cái dáng khoan thai, mực thước của bà vẫn lấp lánh hình ảnh cô gái chân quê bên bến sông Thương yêu thơ cuồng nhiệt đến mức luôn tìm cách vượt khỏi rào cản " lễ giáo gia phong" khắc nghiệt, hình ảnh làm phấp phỏng con tim bao chàng trai cùng thế hệ, trong đó có hai " ông hoàng" thơ tình Việt Nam.
Nữ sĩ Anh Thơ tên thật Vương Kiều Ân, cất tiếng khóc chào đời ngày 25-1-1921 tại thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Mùa thi năm mười hai tuổi, Anh Thơ được bố đưa về quê nội ở thị xã Bắc Giang thuộc tỉnh Bắc Giang, bên bờ con sông Thương hiền hòa, thơ mộng, sống với bà nội, tiếp tục đi học trường nữ học của tỉnh. Từ đây, con đường thi ca của người đẹp sông Thương bắt đầu kết nhụy đơm hoa. Bà nhớ lại:
- Tuổi thơ tôi may mắn gắn liền với ruộng đồng, sông nước quê hương, lại được nuôi dưỡng trong gia đình yêu thi phú, âm nhạc. Người mà tôi chịu ảnh hưởng đầu tiên là ông ngoại. Vốn là một Phó bảng gốc Sơn Tây, ông được bổ làm đốc học Bắc Giang. Cụ yêu quý một cậu học trò nghèo có chí ở địa phương, đem gả con gái cho. Đó chính là bố mẹ tôi. Vì ghét Tây, cụ xin về hưu, đi lập ấp ở làng Lát thuộc huyện Việt Ngàn, tỉnh Bắc Giang. Bề ngoài mộ dân lập ấp khai hoang, nhưng bên trong mưu đồ làm hậu cần cho nghĩa quân Đề Thám. Sau vụ đánh thuốc độc sĩ quan Pháp ở Hà Nội bị lộ, cụ Đề Thám lánh về ấp Lát một đêm. Ông ngoại tôi có làm thơ an ủi Đề Thám. Ông cụ cũng làm nhiều thơ bày tỏ nỗi lòng của mình trước vận nước, thơ về đạo làm người.
* Bà có còn nhớ hay lưu giữ những bài thơ của ông ngoại?
- Có. Tôi còn giữ truyện thơ Tỳ bà của ông viết theo lối cổ, rất hay. Truyện nói về một cô con dâu, chồng đi thi, ở nhà nuôi bố mẹ chồng hết mực hiếu nghĩa. Mất mùa, nàng phải đi xin phát chẩn, về giã lấy gạo nuôi bố mẹ, còn mình chỉ ăn trấu cám. Mẹ chồng nghi ngờ, rình xem con dâu ăn gì. Biết được sự tình, bà quá xúc động, ngất chết. Tang lễ mẹ chồng xong, vì đói kém, nàng phải cắt tóc đem bán để nuôi bố chồng, đợi chồng ứng thi trở về...
Bà ngoại tôi hay ru Tỳ bà cho con cháu. Bà con đàn rất hay, từng được vua nhà Nguyễn mời vào cung dạy đàn cho phi tần. Sau bà mất, để lại cây đàn thập lục quý cho bố tôi. Bố tôi cũng là người rất mê thi phú, hay ngâm vịnh đối đáp với bạn bè. Tôi chịu ảnh hưởng nhiều ở bố. Cuộc đời ông là chuỗi dài thất vọng. Ông không có dịp trổ tài thám bảng, khi nhà nước bỏ khoa thi chữ Hán. Rồi phong trào Văn thân tan rã, ông mất hy vọng sống trong một đất nước độc lập tự do. Ông cũng chán chường khi thấy những đồng môn xuất thân khoa bảng lại phải nhún nhường, lép vế trước bọn mật thám, bồi bếp có thế lực, chức vị. Trong gia đình, ông cũng buồn phiền khi mẹ tôi sinh toàn con gái, không có con trai nối dõi tông đường. Khi tôi lớn lên, bố đặt nhiều hy vọng ở tôi, vì cho rằng tôi thông minh bẩm sinh, nhưng rồi ông cũng thất vọng khi tôi không chịu tiếp tục học trường nữ Bắc Giang.
* Bà bắt đầu sáng tác vào lúc nào?
- Năm mười hai tuổi. Sau khi nghỉ học, tôi ở nhà phụ giúp mẹ chăm sóc đàn em. Hầu như mẹ tôi luôn bụng mang dạ chửa, tôi là chị lớn nên lo mọi việc. Tôi thích nhất mỗi sáng đi chợ, qua đường cái quan trải đá, có hoa phù dung nở trắng tường gạch, rồi những hàng tre và một cánh đồng thẳng tắp trước khi dẫn đến chợ. Tôi có người cô có chồng vốn là lính khố xanh Pháp, sống cùng gia đình. Cô tôi đẹp người, học lớp nhì, biết tiếng Pháp, thích đánh đàn và làm thơ. Lúc rỗi rãi tôi hay lục sách của cô ra đọc. Từ " Tái sinh duyên" , " Đông Chu liệt quốc" , " Song phượng kỳ duyên" ..., đến " Kiều" , " Lục Vân Tiên" , " Chinh phụ ngâm" , thơ Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan và nhất là thơ tả cảnh của Nguyễn Khuyến. Tôi cũng trộm đọc của bố tôi tập " Văn đàn bảo giám" , thuộc lòng từ thơ Lê Thánh Tôn đến các nhà thơ Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Tôi chú ý đến bảng luật bằng, trắc và cách bố cục của bài thơ bát cú Đường luật. Và những bài thơ đầu tiên tôi viết bắt chước theo thể này. Nội dung thì thật lung tung. Hết làm thơ " nói chí" theo cách của bố, đến viết trường ca về chuyện con vua Hùng dong buồn gấm rong ruổi đầu non cuối bể hoặc chuyện chàng Trương Chi bị Mỵ Nương chê xấu...
* Bà tiếp cận với Thơ Mới lúc nào, thưa bà?
- Vào khoảng năm 16-17 tuổi. Tôi nhớ một hôm bố tôi mua về tờ báo " Phong hóa" có đăng bài thơ của Thế Lữ:
Tiếng ve ran trong bóng cây râm mát. Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời. Gió nồng gieo trên hồ sen rào rạt. Mùa xuân còn, hết? Khách đa tình ơi!..."
Càng đọc tôi càng thích cái âm điệu thiết tha, cái không khí náo nức, mà tự nhiên, trong sáng, khác với cái nghiêm trang, nặng nề của thơ Đường luật. Rồi đến những bài thơ tình nồng nàn, cháy bỏng của Xuân Diệu, thơ tả cảnh của Huy Cận, thơ về xứ Hời đau xót của Chế Lan Viên, thơ về cảnh xưa người cũ của Nguyễn Nhược Pháp... Tôi chuyển sang làm " Thơ mới" từ đó. Nhưng viết gì để khỏi trùng lặp các nhà thơ trên? Lúc đầu cũng bắt chước lung tung (cười), rồi dần ý thức lối đi riêng cho mình bằng những bài thơ tả cảnh về bộ tranh tứ quý trong phòng mẹ tôi, đến cảnh làng mạc, ruộng đồng, sông nước quê hương.
* Phụ nữ dấn thân vào con đường văn chương ở Việt Nam ngày xưa rất hiếm. Cả đến cái thời của bà bắt đầu cầm bút. Riêng trường hợp bà, có gặp phản ứng gì từ người thân không?
- Ôi, khổ lắm anh ạ! Lần thứ nhất phát hiện tập thơ tôi, bố tôi gọi cả mẹ và tôi ra. La mẹ xong, ông nhìn tôi nghiêm giọng: " Tao học năm xe kinh sử, già nửa đời người mà chưa dám làm thơ. Con một chữ Hán bẻ đôi không biết, quốc ngữ thì bỏ dở dang, làm thơ thế nào được? Chỉ tổ lăng nhăng, lít nhít! Cấm! Nghe chưa?" . Vừa nói ông vừa đốt cả tập thơ. Nhờ phép nhà xưa, bố không được vào buồng con gái nên tôi vẫn còn nơi ẩn náu tự do làm thơ (cười hồn nhiên). Lần thứ hai vớ được những bài thơ của tôi, bố nọc tôi ra giữa nhà đánh. May có người giúp việc là chị Sen lăn vào đè lên người tôi đỡ đòn. Bố tôi giam lỏng tôi trong nhà, không cho vào buồng làm thơ nữa, trừ khi đi ngủ. Dù vậy, nhờ sự nuông chiều của mẹ và chị em trong nhà, tôi vẫn... tranh thủ mọi cách để làm thơ (cười).
* Trong hoàn cảnh như vậy, làm sao bà có thể hoàn thành tập Bức tranh quê gởi dự thi và đoạt giải Tự lực văn đoàn năm 1939?
- Tôi biết tin cuộc thi qua báo " Ngày nay" khi hạn nộp bài chỉ còn một tháng. Để canh chừng bố tôi, chị Hai phân công các em tôi mỗi đứa canh mỗi bậc thang vào lúc bố ngủ trưa trên gác. Hễ nghe tiếng động là báo ngay. Tôi viết bằng bút chì với quyển sổ nhỏ để dễ giấu. Mỗi buổi trưa tôi làm một bài. Chưa biết yêu nên tôi không thể làm thơ tình như Xuân Diệu, hoặc làm thơ Bạch Nga mười hai chân như Nguyễn Vỹ, mà chỉ làm thơ tả cảnh quê hương mình đang sống. Nghĩ đến đâu, thích cảnh gì, tôi làm thơ về cảnh ấy. Làm rất nhanh. Đúng ngày hết hạn nộp, tôi viết xong 30 bài.
* Tâm trạng của bà khi hay tin...
- Ôi đầy sung sướng, tự hào. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ cảm xúc hân hoan của mình lúc ấy. Vừa tự hào vừa lo sợ. Vì từ bé, tôi có bao giờ rời bến sông Thương để đến chốn Hà Thành đô hội, giờ lại được mời lên tòa báo " Ngày nay" nhận giải thưởng, được gặp các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Như từ dưới đất chợt bay bổng lên mây vậy. Giải thưởng năm đó, về văn trao cho Kim Hà và Mạnh Phú Tư. Về thơ không có giải nhất, giải nhì mà chỉ có giải khuyến khích và tôi được mời lên tòa báo lĩnh thưởng, dự tiệc trà.
* Bà còn nhớ số tiền thưởng nhận được?
- 30 đồng. Mà gạo lúc đó 3 đồng/1 tạ. Tức trị giá một tấn gạo. Nhận số tiền ấy về, tôi nhờ bà chị mua cho mỗi người trong gia đình một bộ quần áo. Riêng bố thì mua cái cặp. Không nói ra, nhưng bố tôi có vẻ ân hận...
* Tính đến tập " Lệ sương" in năm 1995, bà đã có mười bốn tác phẩm. Trong số này bà cảm thấy ưng ý đứa con tinh thần nào nhất, thưa bà?
- Đứa con đầu tiên, " Bức tranh quê" . Đó là tất cả vốn liếng tuổi thơ của tôi. Viết vội vàng, chưa nắm kỹ thuật nhưng nó là xúc cảm trung thực, hồn nhiên như cảnh vật tôi đã sống. Cảnh vật vui, tôi vui. Cảnh vật buồn, tôi buồn. Tôi với cảnh vật là một.
* Theo bà, đâu là điểm mạnh của phụ nữ trong sáng tác?
- Họ tinh tế và sâu sắc trong phản ánh tâm tư, tình cảm gia đình. Ngược lại, những vấn đề lớn của xã hội, đất nước thì họ chưa từng trải và ít có vốn sống.
* Gần tuổi 80 mà trông bà vẫn còn nhanh nhẹn, cuốn hút, chẳng trách ngày xưa hai bậc tiền bối Nguyễn Bính mê rồi Xuân Diệu quý bà?
- (Cười rất trẻ trung) Tôi mê thơ Nguyễn Bính, rồi yêu nhau qua thư từ, thơ ca. Tuy nhiên, khi gặp trực diện ông ấy lần đầu ở Bắc Giang, tôi thấy không hợp. Khi còn là cô gái chân quê, tôi chơi với nhóm bạn thơ nữ " Sông Thương" gồm Thanh Ngà, Lệ Hoa, Mộng Lan và tôi, đứa nào cũng hứa quyết tâm lấy chồng thi sĩ. Trong mắt các cô gái trẻ, thi sĩ là hình ảnh thiêng liêng lắm. Tôi yêu Nguyễn Bính, nhiều đứa rất ghen. Vì ông ấy đang nổi tiếng.
* Vậy còn Xuân Diệu thì sao?
- Ông Xuân Diệu tôi đặc biệt quý. " Ông hoàng" thơ tình đẹp trai này là hình ảnh lý tưởng của các cô gái. Sau khi hòa bình lập lại ở miền bắc, anh Xuân Diệu và tôi sinh hoạt cùng chi bộ. Chúng tôi thực sự quý nhau. Anh vẫn thường xuyên đến để chồng tôi chữa bệnh cho anh, ăn cơm với vợ chồng tôi. Anh rất thèm không khí gia đình. Có khi anh ngồi mãi ở nơi tôi nấu nướng, xem tôi nhặt rau, thái thịt. Anh với nhà tôi cũng hết sức quý nhau!
Tôi với anh có tình thân như đôi bạn thơ tri kỷ.
... Hồi ức của nữ sĩ Anh Thơ về nhà thơ Xuân Diệu và người bạn đời quá cố của bà hết sức sâu sắc, xúc động. Tôi cảm tưởng bà kể bằng con tim chứ không phải bằng ngôn từ nữa! Trước khi tạm biệt, chúng tôi còn được nữ sĩ lý giải khá thú vị về xuất xứ cái tên sông Thương theo lời người xưa, mà từ đó bà bắt đầu giấc mộng tang bồng thi ca: Bến sông này vốn là cánh rừng bạt ngàn hoang vắng. Khi những người vợ tiễn chồng đi thú ngoài biên ải, họ đến bến sông này thì bị rừng rậm ngăn lại. Đứng bên này bờ, dõi theo bóng chồng dần xa hút, nước mắt những người vợ trẻ tuôn trào như mưa. Cái tên sông Thương cất lên từ sự chia cắt ấy. Rồi nó lặng lẽ nhập vào hồn thơ cô gái chân quê năm nào...
Phan Hoàng
Kiến thức ngày nay - 1999
|