Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Anh Thơ (1919 - 2005)
Niem Nhien
#1 Posted : Wednesday, October 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Niem Nhien

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 34
Points: 0

Anh Thơ



Tên thật là Vương Kiều Ân (Vuơng là họ cha, Kiêù họ mẹ).
Sinh năm 1919 tại Ninh Giang (Bắc Việt).

Ông thân sinh là nhà nho, đậu tú tài, làm trợ tá. Vì ông là công chức, thuyên chuyển nay đây mai đó nên con cái thường phaỉ đôỉ trường luôn. Do đó, Anh Thơ thay đôỉ tơí ba trường (Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang) mà vẫn chưa qua bậc tiểu học. Rất thích văn chuơng, tập làm thơ từ nhỏ. Thoạt đâù, lâý bút hiệu Hồng Anh, sau mơí đôỉ thành Anh Thơ.

Từng đăng thơ trên các tuần báo:

Hà Nội báo, Tiểu Thứ Năm, Ngày Nay, Phụ Nữ, Bạn Đường.

Được giaỉ thưởng khuyến khích về thơ của Tự Lực Văn Đoàn năm 1939 vơí thi phẩm Bức Tranh Quê.

Đã xuất bản:

Bức Tranh Quê (Đời Nay 1941);

Xưa (hợp tác với Bàng Bá Lân - Sông Thuơng, 1941);

Răng Đen, tiêủ thuyết (Nguyễn Du, 1942).

Nguồn: Đặc Trưng (www.dactrung.com)
Hạt Cát
#2 Posted : Thursday, October 28, 2004 1:19:57 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Sat May 29, 2004 5:45 pm

Nữ sĩ Anh Thơ - 80 tuổi vẫn viết thơ tình

Số phận đã an bài cho bà danh hiệu nữ sĩ ngay từ khi mới 17 tuổi. Cái danh ấy xuất hiện quá sớm và quá lớn nên cuộc đời bà là một chuỗi những tìm kiếm rụt rè và vô vọng. Năm nay, bà đã vào độ tuổi da mồi tóc sương nhưng vẫn còn minh mẫn.

- Sự thật những chuyện đồn thổi về một cô nữ sĩ xinh đẹp nổi tiếng đất Kinh Bắc, 17 tuổi đã đoạt giải thưởng Tự lực văn đoàn, làm điên đảo những văn tài thời đó như Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Bính, Tú Mỡ... ra sao, thưa bà?

- Xinh đẹp hay không là do người ta nói, tôi chỉ biết ai gặp tôi hồi đó cũng phải công nhận là tôi duyên dáng. Tôi còn nhớ hôm nhận giải Tự lực văn đoàn cho tập Bức tranh quê (1939), tôi mặc một chiếc áo dài trắng, cổ đeo kiềng vàng nên ông Nhất Linh nói với ông Tú Mỡ bằng tiếng Pháp: "Mình chiếu cố phụ nữ cũng đúng, cô Anh Thơ không chỉ thơ đẹp mà mắt cũng đẹp".

- Trong hồi ký "Từ bến sông Thương", bà đã vẽ chân dung của cố thi sĩ Nguyễn Bính rất buồn cười, liệu có phải vì yêu quá hóa ghét không?

- Những chuyện tôi nói về Nguyễn Bính là hoàn toàn sự thật. Lúc chưa gặp mặt, tôi rất mê thơ ông ấy. Tôi hình dung ông ấy hào hoa, phong nhã và ga lăng với phụ nữ lắm, thế nhưng đến lúc giáp mặt thì tôi thất vọng hoàn toàn. Ông ấy hơi thô bạo và sỗ sàng. Ông ấy làm tôi sợ. Lần đầu tiên đến tìm hiểu tôi, ông ấy đã rủ rê: "Việc gì phải cưới hỏi, bỏ nhà theo anh đi". Lần thứ hai, thấy tôi trên tàu điện, ông ấy đi từ đầu toa tới cuối toa đọc thơ oang oang. Thấy không lay động được tôi, ông ấy liền quát: "Không yêu thì giả thơ, giả ảnh cho tao".

- Được tiếng là nhiều người si mê, thế mà sao mãi tới tận năm 36 tuổi, bà mới lập gia đình?

- Tôi mất lòng tin vào đàn ông một thời gian dài. Từ bỏ cuộc đính hôn với ông Cẩm Văn, chủ NXB Nguyễn Du vì mỗi lý do ông ấy mê cô đầu. Khi thấy Cẩm Văn nhìn cô đầu rất say đắm, tôi đã ngất đi vì nhục nhã. Tôi nhất quyết đoạn tình, ông ấy cứ chạy theo thanh minh rằng: "Anh chỉ yêu cái bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện qua cái áo tứ thân của cô ấy chứ không yêu gì cô ta. Anh chỉ yêu em thôi". Sau này nghĩ lại tôi cũng thấy thương ông ấy một chút nhưng rồi nghe tin là tôi bỏ đi, cô đầu ấy dọn luôn đến nhà Cẩm Văn ở, thế là tan một nhà xuất bản danh tiếng.

- Cơ duyên nào khiến bà gặp được ông chồng bây giờ?

- Ở hiền thì lại gặp lành, hồi tôi đi Liên Xô về, các chị Vân Đài, Hằng Phương sợ tôi ế chồng nên cứ dắt hết anh này đến anh khác đến cho tôi tìm hiểu. Tiếp khách nhiều quá tôi phát chán, sau cùng đành quyết định chọn bác sĩ Bùi Viên Dinh, do bà Trường, vợ nhà văn Nguyễn Đình Thi giới thiệu. Anh ấy là bác sĩ khoa Thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy, rất lành tính và cái chính là rất chung thủy. Cưới nhau 2 năm, tôi bị bệnh phải cắt bỏ dạ con, không thể sinh con, thế mà anh ấy vẫn chịu đựng. Tôi đã viết hẳn một tập thơ có tên Lệ sương để tặng anh ấy.

- Bà vẫn còn sáng tác thơ chứ?

- Sáng tác nhiều chứ. Ngày thơ VN vừa rồi, tôi định đọc một bài thơ tình nhưng sợ người ta bảo già quá rồi nên không dám đọc nữa. Ngày 8/3, tôi cũng làm một bài thơ nói về tình yêu của người phụ nữ. Tôi thấy thơ bây giờ nhiều triết lý quá, thơ câu dài, câu ngắn chẳng có vần điệu gì cả.

(Theo Nông Thôn Ngày Nay)
Vũ Thị Thiên Thư
#3 Posted : Friday, February 4, 2005 10:15:41 AM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,031
Points: 2,424
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)
Nữ sĩ từ bến sông Thương


Năm 1957, sau một thời gian dài được giới văn chương mối mai và kiên trì theo đuổi, bác sĩ khoa thần kinh Bùi Viên Dinh đã chinh phục được trái tim nữ sĩ Anh Thơ. Đôi vợ chồng son trên dưới tứ tuần đưa nhau về hưởng hạnh phúc ở gian chòi riêng biệt trên gara ô-tô nhà số 5 phố Hòa Mã, Hà Nội. Hơn bốn mươi năm qua, theo dòng thời cuộc đổi dời, địa chỉ hạnh phúc của họ cũng nhiều lần dời đổi. Bây giờ là một căn phòng ở ngõ Văn Chương.

Khẽ cầm tập thơ " Lệ sương" , nữ sĩ ngậm ngùi bảo: " Đây là tập thơ tôi làm tặng riêng nhà tôi sau khi ông mất cách nay bốn năm. " Lệ sương" lấy ý từ câu thơ " Tuổi già giọt lệ như sương" . Cứ ngỡ hạnh phúc là bất biến nên khi ông còn sống, tôi không tận hưởng hạnh phúc gia đình mà chỉ lo sự nghiệp thơ ca. Giờ sống một mình, tôi mới thấm thía tầm quan trọng của đời sống gia đình, mới biết hạnh phúc gia đình có ý nghĩa gắn liền với sự nghiệp. Từ khi nhà tôi mất, tôi cũng ít viết!" . Tâm sự đầy xúc động của nữ sĩ Anh Thơ đã mở đầu cuộc trò chuyện. Trong giọng nói nhỏ nhẹ, chân tình của bà, trong cái dáng khoan thai, mực thước của bà vẫn lấp lánh hình ảnh cô gái chân quê bên bến sông Thương yêu thơ cuồng nhiệt đến mức luôn tìm cách vượt khỏi rào cản " lễ giáo gia phong" khắc nghiệt, hình ảnh làm phấp phỏng con tim bao chàng trai cùng thế hệ, trong đó có hai " ông hoàng" thơ tình Việt Nam.

Nữ sĩ Anh Thơ tên thật Vương Kiều Ân, cất tiếng khóc chào đời ngày 25-1-1921 tại thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Mùa thi năm mười hai tuổi, Anh Thơ được bố đưa về quê nội ở thị xã Bắc Giang thuộc tỉnh Bắc Giang, bên bờ con sông Thương hiền hòa, thơ mộng, sống với bà nội, tiếp tục đi học trường nữ học của tỉnh. Từ đây, con đường thi ca của người đẹp sông Thương bắt đầu kết nhụy đơm hoa. Bà nhớ lại:

- Tuổi thơ tôi may mắn gắn liền với ruộng đồng, sông nước quê hương, lại được nuôi dưỡng trong gia đình yêu thi phú, âm nhạc. Người mà tôi chịu ảnh hưởng đầu tiên là ông ngoại. Vốn là một Phó bảng gốc Sơn Tây, ông được bổ làm đốc học Bắc Giang. Cụ yêu quý một cậu học trò nghèo có chí ở địa phương, đem gả con gái cho. Đó chính là bố mẹ tôi. Vì ghét Tây, cụ xin về hưu, đi lập ấp ở làng Lát thuộc huyện Việt Ngàn, tỉnh Bắc Giang. Bề ngoài mộ dân lập ấp khai hoang, nhưng bên trong mưu đồ làm hậu cần cho nghĩa quân Đề Thám. Sau vụ đánh thuốc độc sĩ quan Pháp ở Hà Nội bị lộ, cụ Đề Thám lánh về ấp Lát một đêm. Ông ngoại tôi có làm thơ an ủi Đề Thám. Ông cụ cũng làm nhiều thơ bày tỏ nỗi lòng của mình trước vận nước, thơ về đạo làm người.

* Bà có còn nhớ hay lưu giữ những bài thơ của ông ngoại?

- Có. Tôi còn giữ truyện thơ Tỳ bà của ông viết theo lối cổ, rất hay. Truyện nói về một cô con dâu, chồng đi thi, ở nhà nuôi bố mẹ chồng hết mực hiếu nghĩa. Mất mùa, nàng phải đi xin phát chẩn, về giã lấy gạo nuôi bố mẹ, còn mình chỉ ăn trấu cám. Mẹ chồng nghi ngờ, rình xem con dâu ăn gì. Biết được sự tình, bà quá xúc động, ngất chết. Tang lễ mẹ chồng xong, vì đói kém, nàng phải cắt tóc đem bán để nuôi bố chồng, đợi chồng ứng thi trở về...

Bà ngoại tôi hay ru Tỳ bà cho con cháu. Bà con đàn rất hay, từng được vua nhà Nguyễn mời vào cung dạy đàn cho phi tần. Sau bà mất, để lại cây đàn thập lục quý cho bố tôi. Bố tôi cũng là người rất mê thi phú, hay ngâm vịnh đối đáp với bạn bè. Tôi chịu ảnh hưởng nhiều ở bố. Cuộc đời ông là chuỗi dài thất vọng. Ông không có dịp trổ tài thám bảng, khi nhà nước bỏ khoa thi chữ Hán. Rồi phong trào Văn thân tan rã, ông mất hy vọng sống trong một đất nước độc lập tự do. Ông cũng chán chường khi thấy những đồng môn xuất thân khoa bảng lại phải nhún nhường, lép vế trước bọn mật thám, bồi bếp có thế lực, chức vị. Trong gia đình, ông cũng buồn phiền khi mẹ tôi sinh toàn con gái, không có con trai nối dõi tông đường. Khi tôi lớn lên, bố đặt nhiều hy vọng ở tôi, vì cho rằng tôi thông minh bẩm sinh, nhưng rồi ông cũng thất vọng khi tôi không chịu tiếp tục học trường nữ Bắc Giang.

* Bà bắt đầu sáng tác vào lúc nào?

- Năm mười hai tuổi. Sau khi nghỉ học, tôi ở nhà phụ giúp mẹ chăm sóc đàn em. Hầu như mẹ tôi luôn bụng mang dạ chửa, tôi là chị lớn nên lo mọi việc. Tôi thích nhất mỗi sáng đi chợ, qua đường cái quan trải đá, có hoa phù dung nở trắng tường gạch, rồi những hàng tre và một cánh đồng thẳng tắp trước khi dẫn đến chợ. Tôi có người cô có chồng vốn là lính khố xanh Pháp, sống cùng gia đình. Cô tôi đẹp người, học lớp nhì, biết tiếng Pháp, thích đánh đàn và làm thơ. Lúc rỗi rãi tôi hay lục sách của cô ra đọc. Từ " Tái sinh duyên" , " Đông Chu liệt quốc" , " Song phượng kỳ duyên" ..., đến " Kiều" , " Lục Vân Tiên" , " Chinh phụ ngâm" , thơ Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan và nhất là thơ tả cảnh của Nguyễn Khuyến. Tôi cũng trộm đọc của bố tôi tập " Văn đàn bảo giám" , thuộc lòng từ thơ Lê Thánh Tôn đến các nhà thơ Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Tôi chú ý đến bảng luật bằng, trắc và cách bố cục của bài thơ bát cú Đường luật. Và những bài thơ đầu tiên tôi viết bắt chước theo thể này. Nội dung thì thật lung tung. Hết làm thơ " nói chí" theo cách của bố, đến viết trường ca về chuyện con vua Hùng dong buồn gấm rong ruổi đầu non cuối bể hoặc chuyện chàng Trương Chi bị Mỵ Nương chê xấu...

* Bà tiếp cận với Thơ Mới lúc nào, thưa bà?

- Vào khoảng năm 16-17 tuổi. Tôi nhớ một hôm bố tôi mua về tờ báo " Phong hóa" có đăng bài thơ của Thế Lữ:

Tiếng ve ran trong bóng cây râm mát.
Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời.
Gió nồng gieo trên hồ sen rào rạt.
Mùa xuân còn, hết? Khách đa tình ơi!..."


Càng đọc tôi càng thích cái âm điệu thiết tha, cái không khí náo nức, mà tự nhiên, trong sáng, khác với cái nghiêm trang, nặng nề của thơ Đường luật. Rồi đến những bài thơ tình nồng nàn, cháy bỏng của Xuân Diệu, thơ tả cảnh của Huy Cận, thơ về xứ Hời đau xót của Chế Lan Viên, thơ về cảnh xưa người cũ của Nguyễn Nhược Pháp... Tôi chuyển sang làm " Thơ mới" từ đó. Nhưng viết gì để khỏi trùng lặp các nhà thơ trên? Lúc đầu cũng bắt chước lung tung (cười), rồi dần ý thức lối đi riêng cho mình bằng những bài thơ tả cảnh về bộ tranh tứ quý trong phòng mẹ tôi, đến cảnh làng mạc, ruộng đồng, sông nước quê hương.

* Phụ nữ dấn thân vào con đường văn chương ở Việt Nam ngày xưa rất hiếm. Cả đến cái thời của bà bắt đầu cầm bút. Riêng trường hợp bà, có gặp phản ứng gì từ người thân không?

- Ôi, khổ lắm anh ạ! Lần thứ nhất phát hiện tập thơ tôi, bố tôi gọi cả mẹ và tôi ra. La mẹ xong, ông nhìn tôi nghiêm giọng: " Tao học năm xe kinh sử, già nửa đời người mà chưa dám làm thơ. Con một chữ Hán bẻ đôi không biết, quốc ngữ thì bỏ dở dang, làm thơ thế nào được? Chỉ tổ lăng nhăng, lít nhít! Cấm! Nghe chưa?" . Vừa nói ông vừa đốt cả tập thơ. Nhờ phép nhà xưa, bố không được vào buồng con gái nên tôi vẫn còn nơi ẩn náu tự do làm thơ (cười hồn nhiên). Lần thứ hai vớ được những bài thơ của tôi, bố nọc tôi ra giữa nhà đánh. May có người giúp việc là chị Sen lăn vào đè lên người tôi đỡ đòn. Bố tôi giam lỏng tôi trong nhà, không cho vào buồng làm thơ nữa, trừ khi đi ngủ. Dù vậy, nhờ sự nuông chiều của mẹ và chị em trong nhà, tôi vẫn... tranh thủ mọi cách để làm thơ (cười).

* Trong hoàn cảnh như vậy, làm sao bà có thể hoàn thành tập Bức tranh quê gởi dự thi và đoạt giải Tự lực văn đoàn năm 1939?

- Tôi biết tin cuộc thi qua báo " Ngày nay" khi hạn nộp bài chỉ còn một tháng. Để canh chừng bố tôi, chị Hai phân công các em tôi mỗi đứa canh mỗi bậc thang vào lúc bố ngủ trưa trên gác. Hễ nghe tiếng động là báo ngay. Tôi viết bằng bút chì với quyển sổ nhỏ để dễ giấu. Mỗi buổi trưa tôi làm một bài. Chưa biết yêu nên tôi không thể làm thơ tình như Xuân Diệu, hoặc làm thơ Bạch Nga mười hai chân như Nguyễn Vỹ, mà chỉ làm thơ tả cảnh quê hương mình đang sống. Nghĩ đến đâu, thích cảnh gì, tôi làm thơ về cảnh ấy. Làm rất nhanh. Đúng ngày hết hạn nộp, tôi viết xong 30 bài.

* Tâm trạng của bà khi hay tin...

- Ôi đầy sung sướng, tự hào. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ cảm xúc hân hoan của mình lúc ấy. Vừa tự hào vừa lo sợ. Vì từ bé, tôi có bao giờ rời bến sông Thương để đến chốn Hà Thành đô hội, giờ lại được mời lên tòa báo " Ngày nay" nhận giải thưởng, được gặp các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Như từ dưới đất chợt bay bổng lên mây vậy. Giải thưởng năm đó, về văn trao cho Kim Hà và Mạnh Phú Tư. Về thơ không có giải nhất, giải nhì mà chỉ có giải khuyến khích và tôi được mời lên tòa báo lĩnh thưởng, dự tiệc trà.

* Bà còn nhớ số tiền thưởng nhận được?

- 30 đồng. Mà gạo lúc đó 3 đồng/1 tạ. Tức trị giá một tấn gạo. Nhận số tiền ấy về, tôi nhờ bà chị mua cho mỗi người trong gia đình một bộ quần áo. Riêng bố thì mua cái cặp. Không nói ra, nhưng bố tôi có vẻ ân hận...

* Tính đến tập " Lệ sương" in năm 1995, bà đã có mười bốn tác phẩm. Trong số này bà cảm thấy ưng ý đứa con tinh thần nào nhất, thưa bà?

- Đứa con đầu tiên, " Bức tranh quê" . Đó là tất cả vốn liếng tuổi thơ của tôi. Viết vội vàng, chưa nắm kỹ thuật nhưng nó là xúc cảm trung thực, hồn nhiên như cảnh vật tôi đã sống. Cảnh vật vui, tôi vui. Cảnh vật buồn, tôi buồn. Tôi với cảnh vật là một.

* Theo bà, đâu là điểm mạnh của phụ nữ trong sáng tác?

- Họ tinh tế và sâu sắc trong phản ánh tâm tư, tình cảm gia đình. Ngược lại, những vấn đề lớn của xã hội, đất nước thì họ chưa từng trải và ít có vốn sống.

* Gần tuổi 80 mà trông bà vẫn còn nhanh nhẹn, cuốn hút, chẳng trách ngày xưa hai bậc tiền bối Nguyễn Bính mê rồi Xuân Diệu quý bà?

- (Cười rất trẻ trung) Tôi mê thơ Nguyễn Bính, rồi yêu nhau qua thư từ, thơ ca. Tuy nhiên, khi gặp trực diện ông ấy lần đầu ở Bắc Giang, tôi thấy không hợp. Khi còn là cô gái chân quê, tôi chơi với nhóm bạn thơ nữ " Sông Thương" gồm Thanh Ngà, Lệ Hoa, Mộng Lan và tôi, đứa nào cũng hứa quyết tâm lấy chồng thi sĩ. Trong mắt các cô gái trẻ, thi sĩ là hình ảnh thiêng liêng lắm. Tôi yêu Nguyễn Bính, nhiều đứa rất ghen. Vì ông ấy đang nổi tiếng.

* Vậy còn Xuân Diệu thì sao?

- Ông Xuân Diệu tôi đặc biệt quý. " Ông hoàng" thơ tình đẹp trai này là hình ảnh lý tưởng của các cô gái. Sau khi hòa bình lập lại ở miền bắc, anh Xuân Diệu và tôi sinh hoạt cùng chi bộ. Chúng tôi thực sự quý nhau. Anh vẫn thường xuyên đến để chồng tôi chữa bệnh cho anh, ăn cơm với vợ chồng tôi. Anh rất thèm không khí gia đình. Có khi anh ngồi mãi ở nơi tôi nấu nướng, xem tôi nhặt rau, thái thịt. Anh với nhà tôi cũng hết sức quý nhau!

Tôi với anh có tình thân như đôi bạn thơ tri kỷ.

... Hồi ức của nữ sĩ Anh Thơ về nhà thơ Xuân Diệu và người bạn đời quá cố của bà hết sức sâu sắc, xúc động. Tôi cảm tưởng bà kể bằng con tim chứ không phải bằng ngôn từ nữa! Trước khi tạm biệt, chúng tôi còn được nữ sĩ lý giải khá thú vị về xuất xứ cái tên sông Thương theo lời người xưa, mà từ đó bà bắt đầu giấc mộng tang bồng thi ca: Bến sông này vốn là cánh rừng bạt ngàn hoang vắng. Khi những người vợ tiễn chồng đi thú ngoài biên ải, họ đến bến sông này thì bị rừng rậm ngăn lại. Đứng bên này bờ, dõi theo bóng chồng dần xa hút, nước mắt những người vợ trẻ tuôn trào như mưa. Cái tên sông Thương cất lên từ sự chia cắt ấy. Rồi nó lặng lẽ nhập vào hồn thơ cô gái chân quê năm nào...

Phan Hoàng

Kiến thức ngày nay - 1999
Phượng Các
#4 Posted : Monday, February 21, 2005 3:12:14 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Bến đò đêm trăng


Mây tản mát ven trời trôi đón gió
Sao mơ hồ thưa bóng lẩn trong sương.
Sông lặng chảy một nguồn trăng sáng tỏ.
Bóng cô Hằng lơ lửng đứng soi gương.

Trên bến vắng chòm si ôm bực đá,
Bờ đê cao không một bóng in người,
Gió se sẽ bước vào thăm khóm lá
Trước quán hàng vắng lặng bóng trăng soi.

Ngoài sông nước đó đây về chở gió
Thuyền lênh đênh trong lớp khói sương mù
Ngồi mơ mộng đầu thuyền cô lái nhỏ
Khua trăng vàng trong nhịp hát đò đưa.

Anh Thơ
Phượng Các
#5 Posted : Monday, February 21, 2005 3:13:30 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Bến đò ngày phiên chợ

Trời mới sáng, sông còn yên nước lắng
Mấy vì sao thưa thớt đứng soi hình.
Tiếng hò đò đã vang trên bến lặng,
Trong sương mù chèo động sóng lung linh.

Thuyền ghé bến người người chen chúc xuống
Tiếng chó kêu, lợn hét nổi vang lừng,
Với tiếng người ồn lên trong luống cuống
Đặt gánh gồng bồ bịch đổ lung tung.

Rồi cứ thế, đò đầy rời khỏi bến,
Bác lái thuyền điềm tĩnh ngắm sương tan.
Sốt ruột nhất những người đi lỡ chuyến
Đứng xếp hàng ngong ngóng đợi đò sang.
Phượng Các
#6 Posted : Monday, February 21, 2005 3:14:40 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Bến đò ngày mưa




Tre rũ rợi ven bò chen ướt át
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.
Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt
Mặc con thuyền cắm lại đậu chơ vơ.

Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo
Vài quán hàng không khách đứng xo ro.
Một bác lái ghé buồm vào hút điếu
Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho.

Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.
Và họa hoằn một con thuyền ghé chở
Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa.
Phượng Các
#7 Posted : Monday, February 21, 2005 3:16:01 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


Buổi trưa



Lúa trĩu nắng ngập đồng vàng những nắng!
Gió hanh qua sột soạt bước chân qua.
Mấy thoi cò đưa ngang trên trời vắng
Vài tơ mây uể oải vướng tre ngà.

Trong quán nước bọn làm đồng biếng nhác
Nằm nghỉ dài sau một bữa ăn nhanh.
Ngoài cổng chợ từng tốp người rải rác
Gánh hàng về gánh cả thúng ruồi xanh.

Nằm trên võng đã từ lâu quên khóc
Đĩ con chờ quà mẹ hát i a.
Đầu hè nắng xua chim lìa sân thóc
Lão ông ngồi lần rận nhấm buồn qua.

Vũ Thị Thiên Thư
#8 Posted : Tuesday, March 15, 2005 3:42:49 AM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,031
Points: 2,424
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)



Vĩnh biệt nhà thơ lão thành Anh Thơ:
"...Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời..."


Nữ sĩ Anh Thơ đã từ trần vào lúc 7 giờ sáng ngày 14/3/2005. Vậy là sau khi nhà thơ Huy Cận từ trần, lại thêm một trong ba gương mặt hiếm hoi còn sót lại trong tuyển tập Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh - Hoài Chân) ra đi (hai người hiện còn tại thế là nữ sĩ Mộng Tuyết và nhà thơ Tế Hanh).

Bà tên thật là Vương Kiều Ân, sinh năm 1921 (trong Thi nhân Việt Nam ghi là 1919) trong một gia đình công chức nhỏ luôn chuyển chỗ ở, từ Hải Dương, Thái Bình rồi Bắc Giang. Chính vì thế mà 12 tuổi bà mới học lớp 3 nhưng rồi lại bỏ ngang sau một buổi bị cô giáo phạt quỳ. Bà mê làm thơ từ bé nhưng bị thân phụ cấm một cách gắt gao, quyết liệt. Năm 1941, Báo Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn tổ chức cuộc thi thơ. Vậy là mỗi ngày bà sáng tác một bài thơ cho kịp thời hạn cuộc thi. Những lúc bố ngủ trưa thì bà vào phòng kín làm thơ với sự canh phòng của bà vợ thiếp của bố và cô em gái ở bên ngoài, hễ bố dậy thì họ giả vờ ho để đánh động (nếu bắt được, ông bố sẽ nọc ra đánh và đốt luôn vở ghi chép). Sáng tác trong hoàn cảnh "khủng bố" như thế, nhưng tập thơ Bức tranh quê của cô gái quê 20 tuổi ấy lại được giải thưởng tương đương 5 lượng vàng giúp bố trả nợ. Cầm tiền, ông bố không thể tin được con gái mình được nhóm Tự Lực Văn Đoàn "Chúc mừng nữ thi sĩ Anh Thơ".

Sau Bức tranh quê, Anh Thơ chuyên viết phóng sự về vợ các nhà văn, nhà thơ đương thời cho Báo Đông Tây. Răng đen là cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà (Bàng Bá Lân viết lời giới thiệu, NXB Nguyễn Du) nay đã thất bản. Sau năm 1945, Anh Thơ trở thành một nhà thơ cách mạng. Không chỉ làm thơ cổ vũ, động viên tinh thần cách mạng, bà còn trực tiếp tham gia: làm "chị nuôi", đi quyên góp tiền gạo nuôi quân, từng mặc áo dài lụa vân trắng, cưỡi ngựa hồng dẫn đầu đoàn quân tiến vào trại phỉ, phủ dụ chúng đi theo Việt Minh. Năm 1956, tập thơ Kể chuyện Vũ Lăng của bà được tặng thưởng của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Năm 2001, ở tuổi 80 bà vinh dự được Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao Giải thưởng Nhà nước, sang năm 2002 bà cho ra đời bộ Hồi ký Anh Thơ (1.111 trang, gồm 3 tập: Từ bến sông Thương, Tiếng chim tu hú và Bên dòng sông chia cắt - NXB Phụ Nữ, Hà Nội). Đây là tác phẩm cuối cùng Anh Thơ để lại cho đời.

85 tuổi bà trở về với "bến sông Thương", tiễn đưa bà có lẽ không gì thấm thía hơn những câu thơ của cô gái quê hai mươi tuổi ngày ấy và đã trở nên rất quen thuộc với nhiều thế hệ người yêu thơ: "...Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng. Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời" (Chiều xuân - Bức tranh quê).

Hà Đình Nguyên
Phượng Các
#9 Posted : Friday, March 18, 2005 2:33:14 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Chiều 30 tết

Trời lún phún mưa xuân đường các ngõ
Lầm những bùn và đầy những người đi.
Trong vườn đào đã nhiều bông nở đỏ
Và đã nhiều nêu dựng khánh khua thi.

Và rất nhiều ông già ngồi lau quét
Trước bàn thờ thành kính thắp tuần nhang.
Trong khi ấy tiếng lợn kêu eng éc
Khắp xóm làng lẫn tiếng chửi nhau vang.

Trên sông nước trong khoang thuyền chở vội,
Giữa bọn người về tết chuyện ba hoa
Một lũ khách lạnh lùng ôm khăn gói,
Mắt mơ màng theo tiếng pháo xa xa.

Chiều hè


Mặt trời lặn, mây còn tươi ráng đỏ,
Cò từng đàn bay trắng phía đồng xa.
Tiếng diều sáo véo von cùng tiếng gió
Hoà nhịp nhàng giọng ả hái dâu ca.

Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chín
Những trai tơ từng bọn gặt vui cười.
Cùng trong lúc ông già che nón kín.
Ngồi đầu bờ hút thuốc thở từng hơi.

Trên đê trắng, chỏm đầu phơ phất gió,
Lũ cu con mê mải chạy theo diều.
Bỏ mặc cả trâu, bò nằm vệ co?
Mắt mơ màng trông gió gợn hiu hiu.


Chiều Thu


Mây sầm lại trên ao đầy khói lướt
Bụi chuối vàng run đón gió bay qua.
Tiếng dế kêu rì rào bên rãnh nước
Nhịp chuông chiều văng vẳng mái chùa xa.

Ngoài ngõ lội, ông già lần bước gậy
Thăm đồng về lo lắng nước không vơi.
Trong bếp ướt mẹ cu ngồi sàng sẩy
Mắt băn khoăn thỉnh thoảng ngước trông trời.

Trên đê gió, mục đồng từng gã một
Dắt dây trâu lơ đãng bước, quên đùa.
Trong khi ấy hai bên đồng ễnh ộp
Vang trời chiều đưa những tiếng kêu mưa.


Chiều Xuân


Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước trôi sông;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.

Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

Trong đồng hoa lúa xanh dờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoạ


Chợ chiều


Mặt trời lặn bên đình chiều lặng lẽ,
Dẫy lều không gió lạnh họp nhau vào.
Vài bóng tối vụt về trong cánh sẻ,
Trong chòm si buông rễ đứng lao đao.

Im lặng quá! Trên đường quanh các quán
Lũ mục đồng lững thững cưỡi trâu qua.
Con chó lạc âm thầm đưa bước nản
Mặc gió chiều quét lá dưới cây đa.

Bên ao vắng nước bèo dềnh ngập tối
Chòm tre xanh yên lặng đứng ôm bờ.
Một ông lão ăn mày dò dẫm lối
Bước gậy lần thăm quán ngủ bơ vợ


Chợ mùa hè


Trời lóe nắng, chợ vào đầy những nắng
Đầy những người chen chúc họp... mồ hôi.
Các mẹt bún bày ruồi không hở trắng.
Các sàng dưa bán nhặng kín xanh tươi.

Đây, góc quán bà già ngồi rũ nóng.
Kia, cửa lều ông lão quạt khăn tay.
Chó le lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng,
Lợn trói nằm hồng hộc thở căng giây.

Trong khi ấy, tiếng rao mời nhớn nhác,
Những hàng chè, hàng nước chạy va nhau.
Nhưng đắt nhất có chị hàng bán quạt
Ngồi trước đình không kịp đếm tiền xâu.


Chợ ngày đông


Trời rét quá! Mái lều xơ xác gió,
Chợ mênh mông quán họp độ mươi người.
Các cô gái khăn vuông trùm to hó
Miệng nhai trầu thỉnh thoảng nói ra hơi.

Đây lối rộng người mua đi khép nép
Kia đường dài kẻ bán đứng thu tay.
Mụ hàng cá luôn mồm xoa xuýt rét,
Chị gánh rau lập cập đỗ quang mây.

Xào xạc được một giờ rồi bỗng chốc
Chợ tàn dần lẻ tẻ tiễn người qua
Lều quán lại rùng mình trong gió thốc
Và âm thầm run lạnh dưới mưa sa.


Chợ ngày thu


Đường đã lội trời còn mưa rườn rượt
Và lại còn trận gió vội bay qua.
Trong lều quán người người chen chúc ướt,
Bên thúng hàng chất đống đợi bưng ra.

Đây từng lũ gà lồng xù cánh nước
Kìa hàng đàn mèo rét rít nghêu ngao.
Những thầy bói ôm tráp ngồi sốt ruột,
Các bà già bán bún lặng nhìn nhau.

Trong khi ấy gian hàng người áo lá
Gạt càng đầy người xúm đến tranh mua.
Buồn chán nhất có vài cô hàng mã
Ngắm đôi bồ lẩm bẩm oán trời mưa.


Chợ ngày xuân


Mưa vừa tạnh, nắng bừng trên quán mới,
Trên cây đa lấp loáng gió lao xao
Trên những giải lưng điều bay phấp phới,
Các cô nàng lơ lẳng nón quai thao.

Chợ đông quá! Chỗ này vài chiếu bạc,
Những chàng trai ô mới mở dương vây;
Cười nói, nói luôn mồm và chỗ khác
Mấy cụ ngồi nhắm rượu gật gù say.

Nhưng đông nhất quán hàng người đoán the?
- Một lão già kính trắng, bịt khăn đen -
Các cô gái chen nhau vào, vui ve?
Nghe Thánh truyền sắp đắt mối lương duyên.


Cơn Giông


Trời đang nắng, bỗng mây xầm đất tối!
Cây giật mình lá đổ gió xôn xao.
Chim vút về, lúa đồng tung sóng nổi!
Bỗng chớp lòe rồi sấm động, nao nao...

Trong làng xóm nóc nhà bay tốc mái
Gió xoáy vòng đẩy rạt lũy tre xanh.
Những đàn bà chạy mưa về hớt hải
Váy phập phồng theo nhịp bước chân nhanh.

Ngoài bến nước sông xuôi ồ ạt gió,
Mưa lao mình qua những cánh buồm căng.
Các bô lão bơ phờ nghiêng búi tó
Cố ghìm thuyền trong sức chạy đương hăng.




Users browsing this topic
Guest (7)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.