Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,643 Points: 1,524
Thanks: 95 times Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
|
Thiền Định (Sống Thiền, hay Sống trong Vĩnh Cửu) Bài viết của Vi Trần
Trước hết ta định nghĩa hai chữ Thiền Định: Không chấp tướng gọi là Thiền, Tâm không động gọi là Định. Muốn giữ cho Tâm luôn định thì ngoài những lúc ngồi thiền ta phải sống thiền, mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, nhưng không chấp, 6 căn không rút 6 trần, thì tâm mới yên.
Lúc nào cũng bình tĩnh, dầu trước cảnh giông tố bên ngoài, hoặc động đất cũng vậy, ta vẫn bình tĩnh, vì hiểu rằng, đó là cảnh giả tam, rồi nó sẽ qua, ta can đảm chịu đựng cho qua, hết cơn mưa trời lại sáng. Dầu chết ta cũng tỉnh táo như thường, vì xác thân tứ đại này ta cũng mượn tạm, rồi cũng bỏ đi như cái áo rách. Ta không chết cách này thì cũng chết cách khác, ít ai giữ được xác phàm 100 năm. Ta tỉnh táo để bước qua cảnh giới khác (cảnh giới tốt đẹp trong sáng và thanh tịnh) trong khi tâm ta không xáo động, trí óc không đảo điên rối bời.
Lúc còn giữ xác phàm ở thế gian, dầu gặp cảnh khổ thế nào, cũng vui lòng trả quả, vì nghiệp do tâm tạo, nghiệp xấu hay nghiệp tốt đều do mình tạo ra, hiểu như vậy ta mới vui lòng trả quả. Ta luôn sống an phận trong hoàn cảnh hiện tại, dầu ở trong tù hay ở Việt Nam hay ở Mỹ. Đừng ham muốn đi Mỹ, vì nghĩ rằng nơi đó là thiên đàng. Khi đến đó thấy nó không phải thiên đàng thì thất vọng chán nản, và hoài vọng cố hương, khóc thảm thiết muốn trở về quê hương của mình; đó là đứng núi này trông núi nọ, tâm mãi không yên, luôn hướng vọng về nơi khác, có an phận thì tâm mới yên.
Đừng chấp những sắc tướng bên ngoài, đừng nghĩ rằng ở thế gian nầy có cái gì gọi là của ta, nay thấy đó, mai mất rồi, nếu ta chấp có thì khi nó mất ta sẽ khổ tâm. Cũng như nước Việt Nam không phải là quê hương của mình mà ta thiết tha thương nhớ nó (Tứ hải giai huynh đệ, bốn biển là nhà) đến khi bỏ xác lìa trần ta còn mê luyến cảnh trần (như nhớ cảnh Việt Nam) thì không siêu thoát về cõi sáng được. Chừng đó ta chỉ có tội với phước thôi, chớ ở thế gian này không có cái chi gọi là của ta cả, vì cõi trần là cõi tạm, ta không thể bám vào nó mãi được.
Sống trong vĩnh cửu là sống với chơn nhơn với thượng trí với tâm bồ-đề, sống trong sự trường tồn bất diệt. Con người luôn ung dung tự toại, an nhàn, không cau có, bất mãn, luôn luôn ban tình thương và làm việc giúp đời một cách vô tư.
Mỗi ngày, lúc giờ rảnh, tu tập ngồi thiền định, tập buông xả cơ thể và tâm trí. Cơ thể ta và tâm trí lần lần được quân bình, thần kinh không còn bị căng thẳng. Thiền định một thời gian sẽ lần lần tĩnh lặng, cái vọng tâm của ta sẽ lần lần lắng dịu, không còn lăng-xăng bận rộn về những cái ưa ghét giận hờn của cái "tôi" ích kỷ nữa.
Nhờ thiền định tâm hồn ta lần lần được bình thản, an lạc, đời sống trở nên thoải mái hạnh phúc. Nhờ thiền định cái "tôi" chân thật bất biến, bất sanh, bất diệt lần lần được hiển lộ và ngự trị trong lòng chúng ta. Và chính cái "tôi" chân thật ấy là cái chân tâm (không còn vọng tâm) tức là Thượng Đế (ngự trong lòng ta) tức là tình thương, và một khi tình thương đã ngự trị trong lòng chúng ta, thì tự nhiên ta được sống trong tình thương, và tự nhiên ta thương được tất cả mọi người.
Lòng bác ái vô biên, tình thương bao la, thương cả muôn loài vạn vật trong thế giới nầy, và còn bao quát đến cả chúng sanh ở thế giới khác, các cảnh giới khác, tình thương bao la vô bờ bến, chắc chắn đòi hỏi chúng ta những khả năng vô cùng siêu-việt. Khi lòng bác ái đã mở rộng thì tự-nhiên nhãn quan sẽ bật mở trong khi tâm ta thật thanh tịnh.
Để kết thúc bài này, tôi xin chép lại bài thơ theo lời dạy của Đức Khổng Tử.
Khổng Giáo
Người quân tử sống theo địa vị (an phận) Không ước mơ lo nghĩ viển vông Sang giàu sống cảnh giàu sang Nghèo hèn sống cảnh nghèo hèn ngại chi Nơi man di sống y man mọi Gặp gian lao vui nỗi gian lao Bất kỳ sống ở cảnh nào Lòng người quân tử ra vào thỏa thuê Sống ở trên không đè nén dưới Ở dưới không luồn cúi người trên Trời, người, chẳng trách chẳng phiền Ung dung tự toại đợi xem Cơ Trời
|