Lại nói chuyện xếp hàng vô phòng thiền. Hôm đầu tiên thì mọi người chen lấn xô đẩy nhau làm cho nhiều người trong ban trật tự phải nói tới tắt cả tiếng. Có một phòng thật là lớn ở lầu ba. Tôi không có khái niệm chính xác về kích thước lớn nhỏ như thế nào chỉ thấy là lớn lắm, có thể chứa được vài ngàn người ngồi sin sít

vào nhau. Chỉ có một cầu thang máy và một cầu thang đi bộ lên xuống phòng này nên ban trật tự phải làm việc thật cật lực để giữ trật tự. Thang máy chỉ được dùng cho người lớn tuổi hoặc có vấn đề đi đứng. Có một lần tôi bị kẹt vào giữa đám đông người giữa cầu thang, lên không được mà xuống cũng không xong. Một ông người Hoa từ dưới xông xáo đi lên, hai tay cung thủ thế phía trước để mở đường đi, vừa chen vừa to mồm. Tôi nói ông sao mà chen lấn quá vậy. Ông ta làm cho một tràng tiếng Hoa mà tôi đoán là "vừa ăn cướp vừa la làng"

Rồi cái bà ở phía sau tôi nữa chứ. Trời nóng, ai nấy mồ hôi mồ kê, rồi mùi hơi người bị phơi nắng, vậy mà bà ta cứ dí sát hai cái bánh ú (hỏng phải bánh ít của chị Hai đâu

) vào người tôi, thiệt là mệt hà...

Rồi thì mọi người cũng vào được trong phòng. Mỗi người chỉ có 4 viên gạch hay ít hơn, không thể duỗi thẳng chân được. Đôi khi mỏi quá thì duỗi đại vào chỗ trống giữa hai người ngồi.
Mấy hôm sau ban trật tự được tăng cường và làm việc có hiệu quả hơn. Họ nắm tay nhau dàn hàng suốt lối đi và chỉ cho một người một đi qua thay vì cả đám mạnh hay nấy đạp

Rời phòng xuống lầu cũng vậy cũng chỉ hàng một. Có một lần sau khi uống nước trà của Doris, tôi phải ra ngoài và sau đó thì ngồi chờ bên ngoài thay vì trở lại vào trong phòng làm phiền hết mọi người. Thực ra thì có vào được bên trong đi kiếm chỗ mình ngồi cũng thật là khó khăn vì số lượng người quá đông. Ngồi bên ngoài xem xét mọi người đi ra cũng lại là một sự lý thú. Tôi có nói ở trên là khi vào phòng thiền thì ai nấy bỏ dép mình vào túi vải mang theo. Túi vải được yêu cầu dùng là để không gây tiếng động xào xạc làm phiền đến người chung quanh. Thứ nữa là với con số vài ngàn đôi dép nếu đi vào phòng sẽ làm dơ bẩn sàn nhà bằng gạch / thảm, hoặc nếu cứ vất lung tung trước cửa phòng thì lúc đi tìm dép của mình lại là một quang cảnh kinh hoàng khác. Thành thử ra dép ai nấy giữ mà lại không gây ra nguy hiểm cho người khác lỡ đạp phải đôi dép nào đó và té ngã. Khi đi ra, mọi người móc đôi dép ra khỏi túi và thảy xuống đất rồi xỏ chân vào. Thử tưởng tượng một việc đơn giản như vậy thôi mà chuyện gì có thể xảy ra nhá:
1. Giống như xin xâm thảy hai đồng tiền vậy đó, đôi dép rớt xuống đất có khi chiếc xấp chiếc ngửa, chiếc bên phải thì nằm bên trái hay ngược lại. Thế là ta chổng mông cúi xuống để sửa lại cho đúng rồi mới xỏ chân được. Đoàn người đi ra bị trì trệ lại nếu không sẽ bước vào nhau mà té.
2. Một đôi dép cao su của Thái lan dù nhẹ tênh nhưng khi rớt xuống mặt đất cũng tạo nên một tiếng vang. Tôi ngồi đó nghe hết tiếng cạch bên đây rồi lại cạch bên kia khi từng đôi từng chiếc rơi xuống. Những người trong ban trật tự lại phải một phen đưa ngón tay lên miệng suỵt nho nhỏ ra hiệu cho mọi người ráng giữ im lặng, nhắc nhở hết người này tới người kia nên cẩn thận đặt đôi dép của mình xuống thay vì thảy cái bạch một cái. Đó là dép thôi, có nhiều người mang sa-bô, giày cao gót, giầy ba-ta thì tiếng động còn lớn hơn thế nữa.
3. Theo như đã được dặn dò thì không ai được mang dép vô phòng cả. Nhưng có người muốn tranh thủ thời gian để ra sớm, xuống nhà sớm nên họ cầm dép/giầy xỏ vào chân ngay cả trước khi rời phòng. Có bữa tôi bị một người mang giầy/dép chi đó đạp vào ngón chân đau điếng.
Thế mới thấy chỉ một việc nhỏ thôi mà nếu mọi người biết tự nguyện tự giác thì mọi việc sẽ dễ dàng biết mấy. Tôi học được bài học đó và tránh làm như vậy
