Trong bếp thì có hai phần phải làm: tủ bếp và mặt bàn của bếp.
Nhóm thợ thứ hai mà tôi có contract lo phần này. Họ có hàng mẫu ở tiệm cho khách hàng chọn, nếu ưng thì họ sẽ lên Los Angeles lấy hàng về và ráp lại. Tôi quên mất anh K có nói với tôi sau này là tiêu chuẩn từ mặt bếp lên tới mặt tủ phải là bao nhiêu inches. Khi nhóm thợ tới ráp tủ và đóng lên tường, anh K có cho tôi biết là họ đóng hơi cao gần sát lên trần nhà và anh bảo họ phải làm thấp xuống nhưng cũng còn hơi cao. Do đó trần tủ cách trần nhà có khoảng chừng 7 in (tôi đoán vậy) không đủ khoảng cách để có thể đồ trưng bày trên đó nếu muốn. Và với người cao trung bình như tôi thì cần có ghế thấp (step stool) để có thể xếp đồ vào những ngăn tủ phía trên.
Một kinh nghiệm nữa cho những người sắp sửa bếp: Ống hút khói của bếp thông lên trần nhà phải được che đi. Người thợ đã đổ thừa lỗi cho tôi: "Tại chị muốn tủ thấp không đụng trần nhà nên nó phải như vậy."

Tôi phải lý sự với người tôi đã đặt hàng: "Anh là người có kinh nghiệm trong chuyện này, anh phải khuyến cáo khách hàng trong trường hợp này thì nên làm như thế nào chứ đâu có thể để một phần cái ống khói cùng cái lỗ nham nhở trên trần như thế kia?"

Thứ đến, cái tủ ngay trên bếp cao 18 in cộng thêm bề dày của máy hút khói sẽ được gắn vào là 6 in. Như vậy từ bề mặt của bếp lên tới bề mặt của máy hút khói là một khoảng cách hơi xa (tôi quên mất là bao nhiêu inches rồi người ấy ơi

) và sự hút khói sẽ bị yếu đi. Tôi lại một phen nữa phàn nàn với người chủ tiệm, bắt họ phải thay cho tôi một cái tủ khác cao 24 in thay vì 18 in và cái tủ này sẽ giải quyết được hai vấn đề: Che cái ống khói phía trần nhà và thu ngắn khoảng cách giữa máy hút khói và mặt bếp

Rốt cục thì họ phải chịu làm như vậy còn không sẽ nghe tôi nói tới điếc con ráy


Bây giờ tới mặt bếp há, không phải mặt ông táo đâu

Mặt bếp bây giờ được làm bằng đá granite. Người thợ sẽ phải đóng một tấm ván dầy với kích thước của mặt bếp rồi mới đặt tấm granite lên trên. Bạn nhớ rờ tay vào cạnh của miếng ván đó xem họ có mài dũa cẩn thận hay không. Lý do là nếu mặt gỗ không khít khao vừa vào phía dưới của miếng granite mà có một khoảng cách nhỏ đủ để ta vô tình đưa tay vào đó và có thể sẽ bị đứt tay vì sước hoặc dằm gỗ đâm. Tôi vô tình phát hiện ra chuyện này và hôm nay họ phải mài cạnh chỗ đó cho tôi.
Mặt miếng granite có thể bị nhiều lỗ nhỏ đến lớn. Nếu có thì giờ, trước khi người thợ cắt và ráp granite, bạn hãy dùng tay sờ trên mặt đá để xem xét.
Nếu thấy quá nhiều lỗ thì đừng cho họ làm tiếp mà bắt người chủ phải thay miếng khác. Tôi bị một miếng như vậy, họ phải cho thợ tới "vá" hai lần mới tạm coi cho được. Họ dùng một loại keo đặc biệt trám vào lỗ hổng như nha sĩ trám răng sâu vậy đó

Lỗ nhỏ thì sẽ khó nhận ra nhưng lỗ lớn thì chỉ được 8 hay 9 phần 10. Chủ tiệm lì ra không chịu thay miếng mới cho tôi vì miếng granite đó giá $250 và họ sẽ phải bị lỗ vốn nếu thay

Tôi đành chịu với cái mặt rỗ của nó [}:)]
Kinh nghiệm nữa trong công việc sửa bếp này: Tôi đi lựa cái sink rửa chén mà tôi thích và mang đến tiệm cho họ đo và đục một lỗ cho vừa với cái sink. Có hai loại sink:
1. Nếu sink gắn ở phía trên thì cái sink sẽ che đi cạnh của miếng granite.
2. Nếu sink gắn ở phía dưới thì người thợ làm đá phải mài nhẵn thín cạnh của miếng granite chỗ gắn cái sink.
Tôi lựa thứ gắn ở phía dưới mặt granite. Người chủ sau đó gọi phone cho tôi kèo nài rằng "Chị đưa cái sink này không được. Người thợ làm đá đòi thêm $250 để mài chỗ cắt cho tròn trịa." Tôi phản đối trả thêm tiền vì điều đó không được nói tới trong giao kèo. Các anh làm người trong nghề, phải có bổn phận giải thích cặn kẽ cho khách hàng chứ đâu mà chút chút lại "em quên nói với chị bla...bla...bla..." Vì tôi đã cancel hai cái mặt đá đã đặt mua của họ cho hai cái phòng tắm nên lần này họ phải "nuốt trọng" cái khoản đó.
Chỗ gắn sink rửa chén, thường người thợ làm đá phải đục một lỗ cho vòi nước, một lỗ cho water filter nếu muốn và một lỗ cho air overflow (không biết gọi đúng tên hay không). Cái air overflow này thường được dùng cho máy rửa chén để nếu ống có bị nghẹt chi đó thì nước sẽ tràn vào sink thay vì chảy ra nhà. (Tôi bắt anh K phải gắn thêm cái này nếu không nước chảy xuống cống dường như bị chậm hơn).
Khi tôi giao kèo với họ thay tủ nhà bếp, trong đầu tôi đinh ninh họ "sẽ lấy cái bếp cũ đi và gắn cái bếp mới vào và tất cả phải working". Ai dè đâu sau khi gắn tủ xong, tôi thắc mắc "Chừng nào mới gắn vòi nước cho tôi đây?" Người bán tủ tỉnh queo: "Tụi em chỉ lo tủ và mặt đá thôi chứ không làm plumpming" [}:)]

Cãi qua cãi lại một lúc thì anh K phải làm cho tôi. Qua câu chuyện, tôi biết tôi không phải là khách hàng đầu tiên có suy nghĩ như vậy và tôi khuyên người thanh niên trẻ đang làm chủ đó sau này phải sửa đổi contract cho rõ ràng hơn để tránh những chuyện hiểu lầm và cãi cọ không cần thiết như vậy.
Tôi nhìn granite, marble hay ceramic thì thấy chúng giống y như...đá chẳng khác

Ấy vậy mà tôi lại nghe nhiều điều khác nhau về nó mới là kỳ chứ. Một số cho rằng granite này không phải là đá thật mà là đá vụn được ép lại giống như ván ép, chứ đào ở đâu ra mà nhiều đá như vậy

Ông thợ vá đá thứ hai tới nhà tôi quả quyết đây là granite thứ thiệt nơi quê ông ở, tỉnh gì đó ở Trung Hoa lục địa. Ở đó có cả núi đá và người ta xẻ nó ra thành từng miếng, mài láng và xuất cảng, do đó đá là phải có...mặt rỗ không thể trơn tru bà rù được

Rồi thì hai ba bốn ý kiến khác nhau là nên dùng hay không nên dùng sealer dán kín mặt đá giống như ta thoa kem lên mặt để giữ cho da được láng lẩy đẹp mãi không sần sùi. Đúng là lắm chuyện

Các thứ đá đang được bày bán ở khu Little Saigon này đến từ đâu ngoài Trung quốc, các bạn có biết không? Việt Nam đó

Ngoài ra còn có rất nhiều vật liệu xây sửa nhà như vòi nước, sink rửa tay, các mặt bàn cho vanity, gạch lót nhà, hầm bà lằng thứ cũng đến từ Việt Nam. Ngay cả một cái cửa bằng gỗ oak đẹp đẽ cũng đã đi một vòng lớn từ một khúc cây đến từ Canada được chở về Việt Nam để biến thành cánh cửa và rồi được mang trở lại Mỹ bày bán, cô bán hàng nói với chúng tôi như vậy

Đó là những gì tôi đã kinh nghiệm qua, không biết còn thiếu sót gì nữa không?
Chị ấy ơi còn muốn biết gì nữa không 