[img]http://i178.photobucket.com/albums/w278/nangvaem/moon1.jpg?t=1175963238[/img]
Đêm của lão
Đêm yên tĩnh, đêm nồng nàn, đêm huyền ảo, một đêm trăng trước cửa nhà lão. Màu vàng ngọt ngào của trăng nhuộm vàng phòng khách. Tối nay là tối của lão, chỉ một mình lão với trăng, lão không muốn ai quấy rầy lão. Lão để trăng một mình, lụi hụi mở chai rượu vang ủ lâu ngày.
Lão tắt ngúm đèn ngồi nhìn trăng qua khung cửa kính lớn, lão sờ tay vào túi áo trước ngực tìm kiếng đeo mắt. Vài đóa quỳnh mãn khai, mùi thơm phảng phất trong phòng, đêm hình như yên ắng hơn. Các cánh quỳnh cong cong đi vào giấc ngủ coi bộ êm đềm lạ. Quỳnh vào cõi chết yên ắng, nhàn tản như một đạo sĩ biết giờ linh hồn người đi vào nơi miên viễn.
Sống trong chung cư lâu ngày nhưng lão cứ úm mình trong mớ ký ức dĩ vãng, lão quên khuấy là lão đang sống và đang thở. Khi lão dọn về đây, chẳng mấy người biết lão. Hành trang về nhà mới của lão chẳng có gì nhiều. Lão muốn sống thật đơn giản. Ngoài bức tranh lụa “Trưa hè”, một bà mẹ trẻ có lẽ ru con, cả hai đang thiêm thiếp trên võng, tóc huyền chấm sàn đất và bức “Qua cầu” với mấy cô gái quê, quần lĩnh nón quai thao và anh chàng thư sinh, dài lưng khăn áo chỉnh tề của một thuở xa xưa, thời Nho học còn thịnh? Màu mờ nhạt trên lụa tha hồ cho lão tưởng tượng. Lão đôi khi vẫn nhủ thầm, sao người xưa có cuộc sống đầy trữ tình như thế. Lão có cái bệnh hay quên và chỉ nhớ những cái gì xưa cũ. Lão chợt giật mình, nhận ra rằng mình quên hơi nhiều.
Tự nhiên lão thấy nhớ Mary, nhớ dáng người thon nhỏ của mụ và nhất là giọng nói nhõng nhẽo ngọt như mía lùi. Thấy lão đâu mụ cũng cười toét thân thiện, mới đầu lão ghét lắm, lầu bầu: đàn bà con gái thấy giai là toét miệng ra. Mà có đẹp gì cho cam. Mụ ốm như con tép. Lâu dần lão bị lậm vì miệng cười và giọng nói thân tình của mụ. Lâu lâu không nghe tiếng chào của mụ lão thấy thiêu thiếu cái gì đó, như món cá kho tộ thiếu tiêu ớt. Lão làm bộ nhổ cỏ hay tỉa các hoa tàn trên các bụi cây trước chung cư, đợi mụ đi qua chào lão.
Năm nay, cái xe chữa lửa đỏ loè, rú còi điếc tai đánh thức lão lúc nửa đêm hay gần sáng hơi nhiều. Hỏi ra mới biết mụ vào nhà thương. Tội nghiệp, mụ bị bệnh đau tim. Vài tuần trước cũng cái xe còi hụ đó đưa mụ vào nhà thương nhưng không phải căn bệnh đau tim của mụ như lão phỏng đoán mà là mụ õng ẽo thế nào ấy, bị ngã và bị gẫy mấy cái xương sườn. Mụ nói mụ dọn dẹp cái phòng mụ cho đẹp để đón nhân tình. Cái thằng ôn dịch có cái xe truck cũ xì, đậu chình ình trước cửa chung cư, đã vậy mỗi lần thằng ôn dịch de xe cứ húc vào đầu xe lão hoài, có lẽ hắn mù hay ghen lão hay sao. Lão đã có đôi lần cảnh cáo hắn. Cái xe thằng ôn dịch làm sao sánh được với xe của nàng, cái BMW bóng loáng màu đỏ rực rỡ. Nghe tiếng thì thầm mấy mụ hàng xóm lão biết thằng ôn dịch này hình như trẻ hơn mụ Mary nhiều. Thế mà vào ra phải dùng cái gậy rồi, nặng như con voi con, những lúc trái gió trở giời làm sao nó gọi 911 hay đánh gió cho mụ đây. Trước khi có bồ, đôi khi mụ cũng đi bộ với lão cho vui nhưng mụ đi chậm quá nên lão trốn mụ luôn, hơn thế lão muốn một mình lang thang đó đây, nhất là mùa hè lão thích một mình vọc nước trên biển khi thủy triều chạy tuốt luốt ra xa. Lão như người mộng du, chẳng biết lão nghĩ gì trong đầu mình bởi vì nó như cuốn phim đen trắng cứ từ từ tuôn ra, tuôn ra dụ khị não bộ lão vất vả biết bao với những lúc lão xuất thần như thế.
Bằng đi vài tuần không thấy Mary, lão nghe lóm mụ lại vào nhà thương rồi, hơn ba tuần mà chưa về. Lão còn nghe được điều đau đớn là có lẽ mụ sẽ không về chung cư nữa. Lão có thói quen tản bô rất sớm, một bữa vừa bước vào thang máy, trên tường một cái thiệp khác viết ngày tháng hoả thiêu mụ. Khi thang máy ngừng, lão sải bước qua lộ đi dọc theo bờ vịnh. Lão nhìn đỉnh núi dấu phút yếu lòng, nhưng hôm nay biển nằm miết dướic chân núi có nhiều sương mù hay sao, làm mắt lão nhìn không rõ. Cái đỉnh núi ngạo mạn kia cứ chập chờn trước mặt lão. Lão bước nhanh hơn.
Tháng trước Rick, chồng mụ Ann, ở căn nhà bên trái lão được cái xe đỏ điếc tai đó đưa vào nhà thương. Phổi lão chỉ có thể chứa đâu khoảng 5% dưỡng khí, cái giá Rick phai trả cho những tháng năm dài hành hạ hai lá phổi vì thuốc lá. Mụ Ann có mái tóc bạch kim, cao cao và dễ thương, vợ chồng mụ thích nhảy square dance và một lòng yêu mến Thượng đế. Cuối tuần là những ngày nồng nàn của cặp vợ chồng này nhưng đã hơn năm năm nay họ không còn có những giây phút thần tiên nữa. Mụ quá mệt mỏi săn sóc chồng cứ nay 911 mai lại 911 hoài và những đêm mất ngủ. Vài tháng trước, Rick vào nhà dưỡng lão, Ann bán cái tổ uyên ương, dọn đi nơi khác. Lão biết được thì mụ cũng đi rồi, thiếu bạn trà đàm, thưởng hoa. Giá mụ Ann cứ ở đây để mặc thằng Rick chết quách trong viện dưỡng lão cho rồi, thì lão cũng còn có bạn. Ừ nhỉ! Rick chỉ thiếu lá phổi lành mạnh chứ tim hẳn còn khoẻ lắm, chẳng thế mà hắn mít ướt hoài.
Cái chị duyên dáng Chelsea này có bồ mới, thằng chả trông cũng đô con và đẹp trai đấy chứ. Thế là phải, mụ mới có năm mươi, thằng chồng du lịch niết bàn từ chục năm mà cứ cu ki ở một mình. Mụ làm nghề trang trí nội thất (interior design) cho một hãng nổi danh, văn phòng bên Downtoan nên gặp gỡ thiếu gì các thằng chết vợ hay vợ bỏ.
-John đấy hả. Có chuyện gì không? Rửa xe? Thỉnh thoảng lão nhận được vài cú phôn của hàng xóm. Lão hối hả bỏ phôn xuống nhà gặp thằng khó chịu này, lại có gì phiền hắn hay hắn muốn làm phiền lão đây. Lão đi đôi giầy ấm vào chân, mặt cau có, như cua dơ còng khi gặp địch thủ, đi xuống nhà để xe. John hay phá đám mọi người nhưng hắn là kỹ sư, mấy thằng kỹ sư thì bộ óc tinh khôn lắm cho nên làm phiền người khác là thế. Nói thế không có nghĩa là hắn không có nhiều điều rất hay. Chỉ nhìn cái biên lai trả cho việc sửa cái thang máy một tháng ba lần, hắn mầy mò thế nào mà biết cái thang máy cần một con ốc to, dài hơn gang tay. Mấy thằng oắt con thợ sửa không tìm ra. Hắn bay từ Idaho qua có mấy phút là tìm ra cái hư hỏng của thang máy. Hắn khoái rửa xe, sửa xe, hình như không có việc làm nào khác. Như lão, như hắn có việc gì làm ngoài TV và cái phôn. Rửa xe lối ra vào chung cư hay sửa xe dưới bãi đậu xe, hắn còn có hy vọng chào hỏi nguời này người kia. Các lão già khác tụ lại bên cái xe của hắn trao đổi kinh nghiệm hay pha trò, rồi cười ồn ào như đám con nít. Cái mặt lạnh như đá tảng lúc đó nhẹ được vài trăm kí lô. Nhưng lần này giọng John có vẻ thế nào ấy, cô đơn hay mệt mỏi. Hắn gọi lão than phiền gì đó nhưng lão quên khuấy mất, chỉ nhớ phần hắn chửi Bush tàn tệ vì cái tội xâm lăng Iraq . Chỉ bốn ngày sau, lão lại thấy một tấm thiệp nhắn tin, có lẽ của mụ Autumn, bạn gái anh của John, cho biết hắn không thích cõi trần, về nơi tiên cảnh rồi. Khi cửa thang máy mở, lão đi một lèo qua bên đường, lão đi như bay như chạy trốn một cái gì đó, mấy con hải âu kêu ing tai lão cũng chẳng nghe gì, chỉ nghe giọng John nói… mấy thằng này mù mắt hay sao mà không sửa nổi cái thang máy làm tôi tốn tiền máy bay... Mấy con ngỗng Canada vươn cổ dài, chổng mông tròn, bước ì ạch nhẩn nha chiếm đường lão mà lão có hay.
Thằng Ken bị đau tim nặng mà không thấy hắn đi bộ như bác sĩ khuyên, thằng này vẫn ghiền thuốc lá cho dù bác sĩ bắt hắn ngừng hút thuốc nếu muốn sống; hình như chất nhựa nicotine thắng lời khuyên của thầy lang. Cửa nhà Ken (tạm gọi là nhà cho có vẻ ta đây) đối diện thang máy nồng nặc mùi thuốc lá, lão phải nhăn mũi nhịn thở lầu bầu chửi rủa thầm mỗi khi dùng thang máy. Cái mùi thuốc lá không những làm lào muốn ói, mà còn khai khai như mùi nước tiểu lâu ngày. Hắn rất tốt, săn sóc các giò lan, chậu quỳnh và giữ giùm thơ từ cho lão khi lão đi tìm nắng ở tiểu bang khác.
Mildred, Shirley, Maureen, Susan chắc khi trẻ nõn nường lắm, thân hình và giọng nói còn làm tim lão bồi hồi. Cả bọn đều độc thân, hoặc bỏ chồng hoặc chồng bỏ, nhưng họ rất thoải mái trong cuộc sống và khoái tiệc tùng, khi thì ngoài bãi biển khi thì trong nhà riêng của các mụ. Lão được mời hoài thành thử cũng vui. Các mụ này thích món ăn Á châu lắm nhất là gỏi cuốn, chả giò, phở và các món lão thích. Có mấy mụ lão cũng vui vì được hầu hạ phái nữ. Biết lão thích hoa các mụ treo tòng teng các giỏ hoa lạ, cho chim lao xao(humming birds) viếng thăm.
Thằng Allen, bên tay phải nhà lão, có cái thú mê bán buôn đồ cổ, yêu hoa cỏ, mê ăn ngon và thích xe mới. Hắn trồng hoa nhài trong hai giỏ hoa vĩ đại mụ Ann dọn nhà tặng lão. Đêm hè lão mở cửa sổ, lão ngửi được mùi thơm nhẹ này lại tưởng như thời mình chín mười gì đó, sáng sớm ra vườn hái hoa vào cho mẹ. Lão lẩm bẩm thằng Allen tế nhị thật, không biết nó có biết mùi hoa làm tim lão xuyến xao không. Nó mới mua cái xe Lexus, đen bóng, đậu chình ình trước cửa thang máy. Bộ hắn khoe với lão hay sao đây. Nhìn kỹ thì ra là chỗ đậu xe của hắn. Lão gật gù: “ Có tiền cũng thú.” Thể nào cũng mời hắn qua uống trà với lão và nói chuyện đời.
Thằng ranh con George khoảng ngoài ba mươi, lịch sự, mẫn
cảm lạ lùng, gặp lão đâu cũng chào, cũng nói về con mèo, con chó của nó và về thằng gì nhỉ, thằng Jack đang làm việc ở Nhật. Mãi sau này lão mới biết hai thằng ông nội yêu nhau cả hơn chục năm rồi.
Jean và hai đứa con nuôi đen như cục than hầm nhập cảng từ Ấn Độ nay đã 10 tuổi, vợ chồng nàng dọn về Normandy Park. Lão cũng chả buồn vì hai đứa nhỏ này phá quá, lão chỉ sợ chúng lộn cổ xuống đường thôi, ở tầng chót cùng với lão có nguy hiểm không.
Thằng Adams và cô bạn gái khoảng hai mươi coi bộ du dương đấy nhé. Không du dưong sao được, thằng Adams trẻ quá mà, đi xe sport, cao ráo, tươi vui đến lão cũng còn ghen ngầm cho sức sống của nó.
Một thưở nào xa xưa lắm, lão cũng như thế, con gái xinh đẹp còn hơn bồ thằng Adams cứ xếp hàng dài dài chờ lão. Những ngày tháng đó ở đâu ấy nhỉ trong bộ óc lờ tờ mờ của lão, lão cũng không nghĩ ra được. Lão thích cái đám hàng xóm đa diện này, không ai phiền ai, muốn thân thì thân mà không muốn thân thì thôi, lão chỉ tiếc một điều sao cái tình khi mặn khi lạt này không có được một tiếng tạ từ gì đó cho một người đi về tiên cảnh hay niết bàn gì cả. Hay cũng như lão, cái đám già này cứ vui và đa tạ sự sống, không khí, chim cò, hoa cỏ vì cửa của một thế giới vĩnh cửu lúc nào cũng mở rộng chờ đón họ thì việc gì phải chào từ giã cho mệt. Thế mà hay, lão cầm hòn sỏi liệng ra xa, mặt nước phẳng loang xa mấy vòng nhỏ những lần lão mất một hàng xóm.
Lão nhìn trăng mà sao lại nói đến cái thế giới của lão nhỉ. May mắn lão còn khoẻ, leo núi đều đều, uống rượu mềm môi, có bạn trà đàm, được thưởng trăng, được nhìn quỳnh nở và được chào các mụ hàng xóm của lão. Thỉnh thoảng lão thăm cháu thăm con, ăn cơm chiều hay ở lại với chúng một hai ngày, lão lại nhớ cái cái giường êm của mình. Lão hình như bằng lòng với lối sống này. Nhưng cái chữ nhưng này làm lão khó chịu, nhưng lão cũng có những đêm của riêng lão như đêm nay, khi trăng treo trên đỉnh rặng Olympic, lão dứt phôn để không phải trả lời ai, đã vậy lão để cái bảng với hàng chữ to tổ bố…vắng nhà… treo tòng teng vào cái ổ khóa. Phòng khách nhà lão, rộng thinh, lão xoay cái ghế bành theo chiều ngang của các khung cửa sổ, đối diện với trăng. Tai nghe nhạc, nằm ôm trăng, lão rơi vào thế giới riêng của mình. Giòng nhạc cứ uốn lượn vòng vèo từ gác lửng nơi có dàn máy, bám theo cầu thang, bò trên nóc nhà, bờ tường, xuống phòng khách, rơi vào tai lão những lời tình tự từ một quê hương mịt mùng xa tắp. Quê lão có con sông đào chảy ngoằn ngoèo theo rặng tre làng. Nơi đó có bà cố lão, có cụ cố lão khi còn trẻ chắc giống như bức tranh lão treo trên tường, váy dài chấm đất, yếm đào đong đưa. Lão còn gì ngoài vài ba bài hát trữ tình ngập tràn hương xưa, lão còn gì ngoài cái áo trận cũ mềm lão mặc những đêm như đêm nay, lão còn gì ngoài tấm thẻ bài mà tên lão đã phai mòn theo ngày tháng. Lão cứ uống tì tì chất rượu nho ủ lâu ngày, giọt nước nho này nhiệm màu làm sao. Mới đầu lão thấy ngòn ngọt và âm ấm nơi cổ họng, càng uống đầu óc lão càng tỉnh táo, lão hát theo lời ca rồi rơi vào suy tưởng lúc nào không biết. Lão có trăng, có rươụ, có nhạc quẩn quanh lão.
Trăng lên cao hình như trên nóc nhà lão. Lão mỉm cười rơi vào giấc ngủ, ánh trăng khuya như tấm chăn mỏng phủ toàn thân lão. Chiếc áo trận cũ kỹ như thấm màu trăng. Miệng lão nhếch một bên mép như đang cười trong giấc ngủ…(Lão thấy lão và các đồng đội đang tung hoành trong bão lửa, lội suối, leo đèo. Lão thấy lão đang hò hét vang trời chiếm lại cổ thành năm Mậu Thân. Lão thấy lão khóc rống ôm thi thể đàn em lão, mắt đỏ ngầu, ngực nặng ngàn tấn, cuộc chiến tàn nhẫn cướp đi bao người thân của lão.)
Lão lăn lộn ú ớ trong chiếc ghế bành, tay chân đập thình thịch vào thành ghế rồi lão cũng vẫn trong giấc ngủ mềm, có trăng ôm ấp lão… (Lão thấy lão đang đón tình nhân trước cổng trường, lão thấy lão dắt tay cụ cố ngắm trăng và con sông đào yêu thương lượn lờ quanh hai ông cháu. Lão cười trong mơ …)