Hoài Hương Xưa
Phần Thứ Nhì
Chương 28
CÔN SƠN LORAN
(Long Range)
*
Gia đình Hoàng “lủng củng lình xình” như thế đó. Anh rất đau buồn!
Thời gian nầy, Hoàng đã được giải ngũ. Ở nhà càng chán, đủ thứ chuyện ồn ào trên trời dưới quận. Nên anh đi tìm được một việc làm, ở công ty điện thoại hãng FEC của Mỹ. Nhưng với điều kiện, là anh phải làm việc ở ngoài đảo Côn Sơn. Phần chán nãn chuyện gia đình đến tột cùng. Phần Hoàng cũng muốn đi xa nhà. Anh nghĩ:
- Thà xa nhau, để mà gần nhau hơn. Chứ ở cận kề, ngày nào cũng có sóng gió, đay nghiến, thì khổ tâm lắm. Nhất là khi các con còn bé tí, mà tụi nó vẫn biết lo sợ, biết buồn, biết khóc, biết bịt hai tai, mỗi lần cha mẹ to tiếng.
Hoàng lên phi cơ bay ra Côn Sơn làm việc, anh cảm thấy thật thoải mái, tự do về đủ mọi phương diện. Tuy nơi đây có hoang vu vắng lặng và da diết buồn thật. Một doanh trại, gồm vài ba dãy nhà, và một sân bay nho nhỏ. Không có đài kiểm soát không lưu gì cả. Chỉ có vài cột trụ, dựng lên mấy cái “ống gió”, cho phi cơ nhìn trước khi đáp, để hoa tiêu định được vị trí hướng gió mà thôi. Ô là là!!!
Bên phía Tây của hòn đảo Côn Sơn là: Thị-trấn nhỏ bé, đơn điệu và khiêm nhường, với những hàng quán lẻ tẻ, số ít dân sống đời đạm bạc, khép kín. Đi xa nữa, sẽ lên những trại giam tù chính trị (là chuồng cọp). Trại giam B2, vân vân... Rồi đến "thành phố buồn mang danh Nghĩa Trang". Đến mũi Cá Mập. Đi mãi tận cuối cùng, sẽ đến Sở Củi. Nơi nầy, các tù nhân khổ sai, sẽ đi vào rừng đốn củi, chặt cây, đem về cho trại giam.
Phía đông hòn đảo, nhìn từ trên phi cơ xuống, thì Côn Sơn như một cù lao hoang vu khổng lồ, lềnh bềnh nhấp nhô trong đại dương bao la, bát ngát sóng vỗ. Côn Sơn nằm bên bờ biển tuyệt đẹp. Ngày như đêm, sóng cuồn cuộn dập dồn, rì rào gió biển dìu dặt, lao xao, lồng lộng. Đường chân trời như viền chỉ bạc tít đặm ngàn hải lý, xa mờ xa. Vào mỗi buổi bình minh hay hoàng hôn đều tuyệt đẹp và đượm buồm. Hải âu soãi cánh nô đùa, chao lượn trên những ngọn sóng bạc đầu.
Gió lao xao ríu rít dưới hàng phi lao lồng lộng, sóng xô bờ đập vào những mô đá gập ghềnh, hùng dũng chạy lui chạy tới, tạo thành nhạc biển thiên hùng ca triền miên. Một phần núi choài ra biển xanh ngắt, ngâm mình trong nước loáng bạc. Xa thật xa, thỉnh thoảng có những cánh buồm trắng nhỏ li ti, nhấp nhô trên sóng nước biếc xanh. Những cánh buồm không bao giờ vào bến đậu nơi nầy. Muốn di chuyển từ Côn Sơn, đi về đất liền, thường thường chỉ có cách dùng phi cơ.
Bầu trời xám nhạt, mây trắng cuộn từng lọn lênh đênh trôi. Nước xanh lam đậm và tươi ánh lên long lanh, như quyện lẫn hoà tan vào nhau, tạo thành đường chỉ chân trời, bơi bơi trong không gian bao la ngút ngàn vô tận.
Gần văn phòng, có mấy căn nhà nhỏ, để Trưởng đài, Phó đài, chuyên viên Y-tế ở. Một dãy nhà khác cho nhân viên Việt Nam. Ở Côn Sơn không bao lâu, nhưng Hoàng được nghe, và chứng kiến nhiều chuyện “không tưởng” thú vị. Nói ra, chả ai tin nỗi. Vì họ không tận mắt nhìn.
Hoàng và Tiến ở chung một căn phòng rộng lắm. Còn những chuyên viên nước khác như: Phi, Đại Hàn, Đài Loan, vân vân... ở chung một nhà khác. Mỗi nhà đều có nhà tắm nước nóng, lạnh. Có máy lạnh, máy giặt, máy sấy. Tức là đầy đủ tiện nghi như ở đất liền.
Có điều là “tụi mình” không thèm giặt. cứ cho đám “quân phạm” ít tiền, là xong hết. Dãy nhà cuối cùng xa xa dành cho đám tù quân phạm. Những “ông” hạ-sĩ-quan, sĩ-quan, hay quân nhân bị phạt tù, từ 5 năm trở lên, thì ở đây. Ai trong những nhóm đó, có khả năng Anh-văn, được tuyển vào đài làm việc. Họ tự do đi lại trong khu doanh trại. Ăn uống đầy đủ. Mỗi tháng có cấp ít tiền xài, mua sắm trong canteen của Mỹ. Thật ra, họ cũng còn sướng ha!
Còn một đám khác phục vụ trong nhà ăn. Có đám phục vụ làm vệ sinh trong phòng ngủ, trong toilet. Họ làm công việc lặt vặt trong doanh trại. Ôi! Tóm lại, họ gồm đủ mọi thành phần: Từ những “anh” sĩ-quan ngổ ngáo, từng bắn giết mấy ngừơi, đến những “em” binh nhì ném lựu đạn, cho chết cả sòng bài, để lấy tiền. Cả thành phần đào ngũ, giết người vì nóng giận, say rượu, vân vân...
Tuy nhiên, trong thành phần kể trên, có trung úy Kiệm, Biệt-kích Dù, đóng trên Pleiku, đã bị tù về tội: Lấy AR-15 ria một loạt, chết hết ba ông Biệt-động-quân say rượu. Vì, mấy “ông tướng kia” chỉ dám “xàm-xỡ” với vợ của “ông thầy”, (đại úy chỉ huy trưởng) của Kiệm mà thôi!!! Kiệm bị ra tòa án binh lãnh 20 năm tù giam khổ sai. Cậu ta rất mến Hoàng.
Từ ngoài cổng đi vào, có mấy con đường tráng nhựa. Dãy nhà đầu tiên, là nơi làm việc của đài Phát Sóng, gọi là Loran (gọi tắt của chữ Long Range). Đây là một trong ba điểm tam giác - để quân đội Mỹ định vị toàn bộ vùng biển Đông: Ở ngoài Trung có Tân Mỹ Lo Ran (cũng ở ngoài hòn đảo Tân Mỹ). Phía nam là hòn đảo Côn Sơn Lo Ran. Và, bên phía Tây, có SATTAHIP (cũng ở trên đảo tại bên Thái Lan).
Nơi đây có những cột antenna cao ngất trời, cao cả trăm mét. Về vụ cái antenna nầy, có một lần, bóng đèn trực trên đó bị cháy. Ông Trưởng đài lên phòng báo tin:
- Suốt ngày nay, tôi sẽ bận leo lên cột antenna, để thay bóng đèn bị cháy, lắp cái mới. Hôm nay, tôi bàn giao toàn bộ đài lại cho anh trông coi. Nếu có liên lạc vô tuyến từ đất liền ra, anh cứ trả lời nhe.
Ông Trưởng-đài mời Hoàng và Tom (thư ký tiếp liệu) và một phi công nữa, cùng đứng đó nhìn. Chính tay Mike mở cái gói ra. Nhiều lớp giấy tốt bọc lại lắm. Mike mở đến mười phút mới xong. Sau đó, Mike nhờ thư ký tiếp liệu làm biên bản, để mọi người chứng kiến ký tên vào.
Mike thay bộ đồ phi công màu vàng. Vai đeo theo cái túi haversack to nặng. Cuộn dây nhợ lớn móc bên hông quần. Đó là những sợi dây an toàn, Mike tự bước và móc vào cột antenna, leo lên. Mike mang găng tay, chân đi ủng cao, đầu đội mũ bảo hiểm. Mike mang cả cafe và sandwich làm sẵn. Mãi đến 17:30’ Mike mới tụt xuống đất.
Hằng ngày, Hoàng làm việc sát cánh Mike, nên anh rất rành về các thủ tục. Hôm trước, có một chiếc phi cơ, chỉ chở duy nhất một cái bóng đèn, từ trong đất liền, bay ra Côn Đảo mà thôi. Bóng đèn rất mắc tiền ta không nói, mà nhất là nó quan trọng, kinh khủng chưa?
Công việc của Hoàng mỗi ngày là: Kiểm soát và làm Time sheet cho sáu anh nhân viên bảo vệ. Họ đều là người Việt, gốc Pakistan. Anh giúp Mike mỗi khi có việc cần. Rồi anh ăn và ngồi chơi rung đùi xơi nước.
Tháng tháng, anh được về đất liền nghỉ phép bốn ngày. Thế mà, khi anh ở nhà có hai ngày vui vui, còn hai ngày kia, anh phải “đi bụi đời”. Mặc dù trong lòng anh rất nhớ thương các con. Thương lắm.
Lần sau cùng, khi trở ra Côn Sơn, anh bị chứng ói ra máu. Sợ bị loét dạ dày, nên anh báo với Mike, trưởng cơ quan nầy. Ông Mike gọi nguyên một chiếc phi cơ vận tải, loại C-47 dakota, từ Sài Gòn bay ra Côn Sơn, để khẩn cấp chở Hoàng về đất liền, nẳm trong bệnh viện Hoa Kỳ Trird Field Hospital, anh chụp X-Ray, chờ điều trị. Anh bị bị loét bao tử, một vết to bằng đầu ngón tay. Hoàng nằm đó hai tháng.
Khi khoẻ lại rồi. Lẽ ra, thông thường thì Hãng FEC cho Hoàng nghĩ việc. Nhưng nhờ anh siêng năng làm việc. Đồng thời, Hoàng được sự “gởi gắm” của Mike, ông ta chứng nhận anh làm việc rất giỏi. Hoàng lại quen thân với một trưởng phòng người Việt Nam. Nên anh nghỉ, và ăn lương hai tháng.
Trở lại Hãng FEC, họ cho Hoàng vào làm tạm “gát cổng” văn phòng chính, ở đường Phan Đình Phùng, Sài Gòn. Tuần sau, họ đổi Hoàng vào làm việc tại phòng An-ninh. Anh trợ lý cho một người nữa, anh lo đi lên, đi xuống, ra vào phi trường Tân Sơn Nhất. Anh làm thẻ cho nhân viên Mỹ. Vì, chu vi hoạt động của hãng FEC bao gồm các đường dây điện thoại rất rộng lớn. Trong phi trường và trong DAO, trên Long Bình. Nghiễm nhiên Hoàng trở thành Phó-phòng, chuyên phụ trách Thẻ ở Tân Sơn Nhất.
Gần cuối tháng 4-1975, Hoàng lấy xe Van, đi làm một cái bản đồ, ghi rõ tất cả địa chỉ, mà nhân viên Mỹ ở. Thường thường, người Mỹ ở tập trung, thuê bao nguyên một building nhỏ. Nếu ai có bồ bịch ở Việt nam, hay có vợ con đem qua Việt Nam, họ mới ở riêng và ở xa nhau.
Khi anh hoàn thành xong công việc, giao cho “xếp”. Cũng là lúc Hoàng đã biết về chiến dịch “White Christmas” – Nghĩa đen là “Chiến dịch di-tản người Mỹ”. Hoàng vẫn ung dung dửng dưng!
Mặc dù, lúc đó Hiển đang ở Biên Hòa, đã phone cho Hoàng:
- Mày chuẩn bị đi. Tao sẽ lấy chiếc AD-5, để một đứa con của tao, vợ con mày cùng bay đi Mỹ.
Anh về bàn với bà vợ. Nhất định Phùng Vi không chịu đi đâu hết. Đành thôi. Chờ đợi Hoàng mỏi mòn không đi, Hiển đã bay đi một mình. Hiển lái phi cơ, kẹp đứa con gái bé nhỏ ở giữa hai đùi.
Ngày cuối cùng, trước khi đi, ông “xếp” gọi Hoàng:
- Tôi sẽ đi đây. Bây giờ, cái công ty nầy, là thuộc về anh.
Hoàng chỉ cây dù ông dựng ở cuối văn phòng. Cười cười:
- Tôi không có ý định đó. Nếu ông cho, tôi chỉ xin ông “cây dù đen” kia, để làm kỷ niệm...
_ * _
Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
Trân trọng,
Ái Ưu Du