NGHĨA XƯA
Vào lúc choạng vạng tối, trên mái ngói lầu cao, ở bến xe Tùng Nghĩa - Đà Lạt, ánh đèn pha sáng trưng, hàng ngàn chú dơi bay lượn thoăng thoắt bắt mồi, chúng rít lên tiếng kêu xít xít không ngừng. Cạnh bến xe ồn ào như vỡ chợ, đinh tai nhức óc suốt ngày đêm. Sao chúng không điên, mà cứ rít lên, rít lên! Tiếng rít khiến Hoài càng nhức đầu, nhức tai, bủn rủn, thốn tim hơn, trái tim vốn dĩ mang căn bệnh trầm kha rồi. Cầu trời, nếu có chuyện gì xảy ra, xin cho chuyện lành. Con đã có quá nhiều đắng cay, bất hạnh. Xin cho con hai chữ bình an, đừng để con “xỉu” tại nơi nầy.
Băn khoăn, lo lắng cùng cực, tựa như đằng sau cánh cửa sáng đèn, vừa mở ra, sẽ có cái gì thình lình ập đến, hoặc choảng vào đầu, khiến Hoài lo sợ, rụt rè, thập thò nơi ngưỡng cửa. Tứ ngồi trên giường đùa với các con. Ông nội nằm đọc báo trên sofa, bà nội ăn chè bên bàn. Đầy đủ cả nhà. Đồ quỷ nà! Thế mà cứ lo sợ bâng quơ! Bậy bạ quá!
Các con nhảy phóc xuống giường, chạy ra mừng mẹ về, chúng ríu rít vui vẻ bên Hoài. Bé Hai cố kéo lê giỏ xách trái cây, lôi đi xềnh xệch, đến trước mặt mọi người. Cả nhà xúm lại, vừa ăn quà, cô đã mua ngoài bến xe, chuyện trò vui vẻ. Lúc sau, như sực nhớ ra, Tứ nói:
- À, hôm qua, ca sĩ Mai Tuyên, đến thăm chúng ta, với một người đàn ông lạ. Cô tặng em đôi dép kia kìa. Tuyên hẹn sẽ đến gặp em ngày mai, trước khi về Saigon đó.
Hoài vui mừng thật sự. So với cô em kết nghĩa đầy danh vọng, thì món quà bé nhỏ, đơn sơ, chỉ đáng vài đồng. Nhưng bất ngờ cô em đến, khiến Hoài suy nghĩ, khơi dậy trong lòng Hoài cái phẩm chất cao qúy, khi nhận nhau qua tình chị em kết nghĩa. Tâm trí Hoài bối rối, không thể diễn đạt điều băn khoăn, về người đàn ông đi cùng. Hoài tin chắc ông là người tình của Tuyên, nhưng là ai?
Hẳn không thể là anh, như bạn bè đồn đãi. Nhưng biết đâu! Nếu sự thật Tuyên dẫn anh ta đến, Hoài có thể đánh giá hai nhân vật nầy, hiểu được họ muốn gì, khi chúng tôi gặp lại nhau. Điều nầy, khiến Hoài bối rối, băn khoăn, quả là một cuộc gặp gỡ khó chịu. Quá khó chịu là đằng khác, giữa Anh, Chị và Em.
Sáng sớm hôm sau, Hoài lo trang điểm, mặc vội quần áo đẹp nhất, đi làm gấp, nàng muốn tránh cuộc tiếp xúc không hẹn. Vừa mở tủ lấy cái bóp và cây dù xếp nhỏ, chợt nghe Tứ nói:
- Tuyên đã đến rồi. Em.
- Em ngại tiếp họ ghê. Anh ra tiếp hộ em. Nói em đi vắng nhe.
- Coi sao được. Không kịp rồi.
Nhìn ra khung cửa kính, Hoài bủn rủn, bàng hoàng, bất ngờ đến lặng người đi, lúc họ dừng chân trước bậc thềm. Run rẩy, lúng túng, bối rối, Hoài mời Cảnh, Tuyên, vào nhà, ngồi trên sofa. Nàng xuống bếp, pha ba ly trà bốc khói, đặt trước mặt. Hơi thở dội ngược vào lồng ngực, trái tim trầm kha co thắt, đập mạnh dữ dội, khiến nàng thốn tim, nghẹt tim hơn.
Tuyên tìm cách gợi lại mối tình say đắm, thiết tha xưa, ra oai, để chiếm hữu thế giới nội tâm, từ dĩ vãng, hiện tại, đến tương lai chàng ư? Vừa muốn “ân cần rất mực” với người nhận là chị. Sau nầy, lỡ có liên lạc, không ai đi quá giới hạn, lẫn nguyên tắc gia phong.
Sự gặp gỡ bất ngờ, sau bao năm ly biệt, như ba dòng nước ngược xô vào nhau, tóe lên thành nhiều cột nước, chảy xiết xuống thác Datanla, thác Gougah, thác Pongour… Mọi triết lý tình yêu, không nghĩa lý gì, giữa trường hợp một cuộc tình, có ba trái tim rối rắm kinh khủng, đang đập loạn xạ trong lồng ngực.
Cái đấm tình yêu lạnh lùng, tàn nhẫn, từ năm 1964, chưa đủ mạnh, không đủ đớn đau sao? Giờ đây họ gượng dậy, cố tìm nhau, khi đau thương còn đầy chăng? Quá khứ xa xôi dồn dập vang dội lại, phút chốc bẽ bàng, cay đắng biết mấy! Cảnh vượt qua không gian, thời gian, trở về trên đường phố hoa Đào, nơi quê hương thơ mộng, diễm kiều, từng là niềm ấp ủ bao thương yêu, nhung nhớ. Cảnh đã trở về trên đường phố quê hương, để làm gì nữa, khi chính “nàng” phản bội “chàng” trắng trợn nhất. Chính phải! Sự trở về chua chát, cay đắng dường bao!
Tháng năm dài đăng đẵng, vừa thoáng qua hiện tại, chỉ vài giờ đối diện ngắn ngủi. Tuy vậy, đủ ngất ngây rung cảm, từ chân tơ kẽ tóc, nỗi khát khao sống lại thời xuân trẻ, vụt bay xa, lạnh ngắt một đời. Không có ai, không có gì, tuyệt nhiên ngăn cản anh, quay trí du hành về phạm trù quá khứ u uẩn, đượm vẻ băn khoăn, đau buồn, xa vắng thế nào ấy.
Ở phạm trù xưa cũ đó, và nàng, đã có những giờ phút đắt thắng, tự hào vang bóng một thời xuân trẻ “long đong”, trước số phận tàn nhẫn cay nghiệt, quật ngã. Sau bàn tay vô hình nắm lại, tự đấm vào tim vào óc mình mấy cái, quá khứ vồ xé hiện tại, trở thành bẽ bàng chua chát. Một sự chua chát kinh khủng!
Qua khóe mắt tò mò, đầy hiếu kỳ, pha chút ngại ngần, Cảnh nhìn Hoài đăm đăm, như muốn quan sát cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn, ẩn hiện trên khuôn mặt nàng. Cảnh thấy chùng xuống vũng bóng tối cô đơn, dày vò, mềm lòng đi, trong nỗi khát khao thèm hôn lên giếng mắt thăm thẳm riêng lẽ, đôi môi tươi thắm, có nụ cười say đắm, làm ngã lòng người đó, quá chừng.
Nếu chỉ vì tình yêu xưa đắm say, bỗng chốc vỡ tan, như bọt sóng sùi sụt xô bờ, giờ đây chắc chắn cả ba người không bẽn lẽn, bẽ bàng ngồi trước mặt nhau, như màn kịch câm, do cô danh ca độc đáo dàn cảnh trùng phùng. Thì, chẳng bao giờ, Cảnh dám quá bộ ngồi vào sofa, khi vết thương lòng vừa khép miệng. Tuyên tinh ranh hơn, lợi dụng lòng cả tin của vợ chồng Tứ, sự chiều chuộng yêu thương của Cảnh, cô ném một hòn đá vào mục tiêu, có chủ đích, trúng ba vết thương một lúc. Cô khá cao cơ, muốn chiếm đoạt thể xác, trái tim Cảnh từ quá khứ, hiện tại, cả tương lai.
Tuyên có cử chỉ ghen tuông buồn cười nhỉ! Vờ vĩnh nhã nhặn, vui vẻ, hợm hĩnh sao đâu, cử chỉ lố bịch, khiến họ khó chịu gấp ngàn lần. Chẳng thà thẳng thừng trách cứ nhau đi. Tuyên làm chi, mà vùng vằng, nép vào ngực anh, lại hất tay Cảnh ra, khi anh vuốt lọn tóc cụt lủn xỏa bên má cô, rồi vùng chạy qua ngồi sát bên Hoài, léo nhéo nói những câu, chả đâu vào đâu. Lại chạy qua, chạy về, bốc đồng lên, Tuyên bịa đặt ra đủ thứ chuyện, trên trời dưới quận, miễn sao hạ đối phương, cho đã miệng.
Cảnh cười hì hì, cố âu yếm cầu hòa. Họ cần đến đây “diễn một pha” như thế, để làm gì nhỉ? Có thể là họ đùa, trên thương đau chính mình, hay người khác. Thật, Hoài không hiểu nỗi! Hoài nói chuyện chung chung, tránh hỏi han cặn kẽ, sợ Tuyên hiểu lầm “chị” còn lưu ý đến “anh”. Nàng hỏi xã giao, để Tuyên không lấy lý do gì, dằn vặt Cảnh, trước mặt người xưa.
Cảnh đánh diêm mồi thuốc, phân nửa que diêm bừng sáng, mang đốm lửa xanh vàng, xì xì xẹt xẹt. Khuôn mặt anh trở nên run rẩy, mờ nhạt, xa xăm, trong làn khói thuốc uốn quanh. Giống như hình ảnh phản chiếu, trên mặt hồ đầy sương, khi gió thoảng, gợn sóng lăn tăn. Trên vầng trán rộng và cao, Cảnh biến mất vẻ ưu tư đau buồn, vì so với góc cạnh sắc sảo, cay độc đời mình, những gai nhọn từ đóa hồng, đâm thủng bàn tay năm xưa; thì đóa hoa tình yêu Tuyên vừa trao gửi, êm ái hơn nhiều. Anh khéo léo “xí xóa” vài lầm lỡ của bạn tình non, khi Tuyên có cử chỉ “ngây thơ cụ”, lời nói kém tế nhị, vụng về.
Cảnh cắt tóc cao, ép vào gáy, tạo vẻ dạn dày trước tuổi, hiên ngang, làn da phong sương ngăm ngăm, khuôn mặt chữ điền, chiếc cằm rộng thêm phần quả quyết, mũi lân to bè khoan khoái, nụ cười rộng mở, hàm răng trắng đều, anh “hồn nhiên và khả ái” cười toe . Đôi mắt đẹp hai mí to tròn, hàng mi dày cong cong như cười theo. Đôi mắt đó không khác gì xưa, nhưng bây giờ trống vắng, chả nói lên được điều gì, lúc mắt Cảnh, thầm lặng đọng lại trong giếng mắt Hoài. Dù tuổi xuân bay, tình yêu như bong bóng trôi dần về quá khứ, thời gian, không gian, cướp dần dần đi tất cả; đôi mắt ấy vẫn ánh lên ngọn lửa, có độ nồng nung mầu nâu thẫm, đầy xúc cảm về dấu kỷ niệm, nhiều giông bão chưa phai nhòa.
Nhiều lần Tuyên chạy qua, chạy lại, giữa hai người, nói ba xàm ba láp, thì Cảnh lặng lẽ nhìn Hoài, thiết lập chiếc cầu giao cảm thầm lặng, đầy tình hữu nghị. Tâm trí anh mơ màng nhớ biết bao chuyện vui, buồn, thương, giận, thuở xưa. Anh nhớ lần đầu tiên hai người vào rạp Hòa Bình xem phim Nữ hoàng Ai Cập Cléopâtra, thủ diễn vai chính, với tướng Jules César và Marc Antoine. Anh bạo dạn ôm nàng trong bóng tối. Anh nhớ con suối vàng êm ả buông mình bên bụi cây thưa, khi lần đầu tiên tỏ tình, anh ôm hôn cô đắm đuối. Anh nhớ tiếng ríu rít bầy chim giữa hoàng hôn bên thác Prenn, con thác trắng xóa điên cuồng xô sóng, chạy vào bờ, khi rút ra đã cào cuốn tất cả rong rêu, đất cỏ, một cách kiêu hãnh, tung hoành và khoái chí. Đó là ngày anh đưa ba má lên nhà coi mắt Hoài, ngỏ lời cầu hôn. Rồi những tháng năm yêu nhau đậm sâu quá chừng.
Anh nhớ rất rỏ từng câu chuyện tình trong sáng, êm đẹp của “đôi ta”, nhớ tháng mười một lộng gió, trời lạnh lẽo suốt bao ngày dài, vật vã giữa dòng đời. Cũng là ngày Hoài tàn nhẫn từ hôn. Đột ngột. Lạnh lùng, tàn ác quay lưng đi, không lời từ giã, mặc dù Cảnh như điên cuồng, thất thểu theo anh Doãn, là anh ruột Hoài, đi hết vùng đất Dalat, hai người tìm kiếm nàng suốt tháng.
Cho đến bây giờ, Cảnh không hiểu nỗi tại sao, Hoài vĩnh biệt anh, khi hương độ yêu thương nồng nàn đến vậy? Tưởng không ai, không bao giờ có thể chia cắt, dù có bao bối cảnh… Nhưng Hoài đã bỏ Cảnh, mà đi lấy chồng. “Chúng ta” đã làm điều gì sai? Thật oái oăm và đau đớn, kinh khủng biết ngần nào, về những ngày xa xưa ấy!
Khi trực diện với Cảnh, cùng những kỷ niệm ngày xưa, công bình và thẳng thắng, đó là niềm kiêu hãnh, Hoài luôn tự hào ta là một kiều nữ, từng làm tan nát bao trái tim chàng trai phải lòng, hãnh diện về thời vang bóng vàng son, thuở mới lớn bên anh, một cách công khai, không dấu diếm. Thật thế, Hoài yêu say đắm, từng ấp ủ trong lòng nhiều mộng đẹp. Đời đôi lúc có nhiều chuyện trớ trêu, phũ phàng không tưởng nỗi. Và, bước ngoặt khốc liệt nhất đã đến, đẩy hai người, tới cảnh ngang trái, đắng cay nầy.
Có lẽ, ngồi khá lâu, thộn mặt ra nhìn Tuyên, chủ động vai “nhân vật chính, mối tình salon” thấy cũng kỳ. Cảnh ngập ngừng, hỏi nhỏ:
- Hoài… được mấy con rồi?
- Một trai, một gái. Anh à.
- Lý tưởng lắm. Anh mừng cho em.
- Anh định nhân đôi niềm hoan hỉ, chia hai hạnh phúc sao! Anh nên cưới vợ đi.
- Ư hừ.
Cảnh thốt giọng khô khan, dường như nỗi u uất, đắng cay thầm lặng, bộc lộ ra tiếng “ư hừ”. Hoài cắn nhẹ làn môi, ngẩng nhìn Cảnh, gượng cười, khi Tuyên nói:
- Người ta yêu em, không phải vì em nổi danh, không vì em chả đẹp, mà cầu hôn em. Bởi vì em là gái ĐàLạt sống giữa Sàigòn. Cưới qua hình ảnh khác...
Cùng lúc ấy, Cảnh cười gằn, nhẹ hất hàm, hỏi:
- Rượu em cần uống sao? Để làm gì. Muốn uống bao nhiêu?
Giọng Cảnh hơi gắt, như dằn vặt, thách thức, một cách khó hiểu, lại cười gằn về điều gì đó, chợt nhớ ra, nhưng không tiện nói. Một phút sau, anh đã gửi đến Hoài ánh nhìn ấm dịu, đọng lại nụ cười buồn, đằm thắm ở bờ môi.
Chỉ một thoáng, dù chỉ một thoáng, mắt người nầy lẫn vào lòng mắt người kia, ẩn chứa bao điều không tiện nói ra. Đôi mắt vốn dĩ có thể sánh với sự dũng cảm, của anh lính chiến đấu, biết chắc mình đã thua cuộc. Hoài nhớ cung cách ấy suốt đời. Hình ảnh độc đáo đó, không thể lầm lẫn, với bất cứ ai.
- Đám cưới em, chị đi dự nhe.
- Tiếc là xa xôi quá. Cám ơn em.
Hoài biết chắc Cảnh, nhất là Tuyên vờ vồn vã, nhưng không mời nàng, nếu có tiệc cưới. Sao Hoài mở miệng nói lời “cám ơn” giả dối, khi lòng trào lên mối tức giận vô bờ, vì rỏ thực chất của kẻ “gia ơn mời giả tạo”. Bỗng dưng lòng trí khuấy đảo, Hoài thấy ghét Tuyên kỳ lạ, khi Tuyên chêm thêm một câu, chả đâu vào đâu:
- Em cảm ơn chị mới đúng. Chị liệng anh Cảnh, thì em… lượm.
Hoài giả vờ cười cười, theo câu nói dị hợm đó:
- Chị nghĩ chẳng bao giờ Tuyên thông cảm, thấu hiểu vấn đề nầy đâu.
Trong đời, Hoài đã từng gặp trường hợp hai người không ưa nhau, tính tình biệt lập, nhất là kỳ phùng địch thủ, nhưng trong điệu bộ toan tính kỹ từ xưa, Tuyên đã có ý nẫy sinh ra ước muốn chiếm đoạt Cảnh, - chia xa hai người. Hoài phân vân tự hỏi “Ai sẽ là vợ Cảnh sau nầy? Người đó, lạy trời không phải là Tuyên”. Nhưng nếu là Tuyên, tự nhiên cơn giận dâng đầy cổ. Cảm giác tự kiêu chợt tiêu tan, người đau khổ nhất lại là Hoài, và Cảnh, đã bị cô em kết nghĩa lừa “chúng tôi” vào cái bẫy, tinh vi không ngờ.
Bây giờ, cô là danh ca, nhưng chưa thu phục nhân tâm Cảnh, ấy là không do Hoài còn sống trong lòng anh. Dẫu không đẹp như Hoài, tính tình khác hẳn, biết đâu tài danh, tiền bạc, vật chất xa hoa, do cô tìm có, Tuyên có thể được, và hơn tất cả. Cảnh sẽ thấy tình yêu năm xưa, nay thật chẳng còn gì. Tuyên đến đúng lúc, không đem lại đắng cay, buồn đau bất hạnh, sau một bất hạnh lớn lao; cô sẽ thành công, chứ cần gì ghen bóng, ghen gió, với dĩ vãng?
Tuyên có làm màu làm mè, với Cảnh trước mặt cố nhân, thì, cái thế của Hoài và Cảnh không thay đổi. Không có nghĩa đã xóa nhòa dĩ vãng, bởi hiện tại và tương lai, (qua hồi ức dễ thương và dễ ghét thế) “Chúng tôi” vẫn không làm gì khác, để Tuyên lo sợ đến vậy!
Dù sao, Hoài vẫn quặn thắt cõi lòng, khi nhìn Cảnh cặp tay Tuyên, bước ra đường. Cố nhân lặng lẽ, khỏi cần biết thêm tương lai, không cần biết không gian, thời gian, qua giây phút âm thầm nhìn nhau, từ biệt chốc lát. Đôi mắt đã nói nhiều hơn lời. Phía sau cái nhìn, hình như còn đọng lại quá khứ, hiện tại, và có thể, trong tương lai.
Vốn dĩ Tứ không biết mặt Cảnh, nhưng khi nằm trong phòng, nghe chuyện, anh làm mặt giận. Tứ đã giận thật, cộc cằn xô Hoài ra, cằn nhằn gì đó. Thiệt tức cười. Tứ là người thắng cuộc, luôn tự hào là người cao tay ấn, đã cuỗm trên tay của “thằng ấy” một vố mật ngọt tinh tuyền, khá đau đầu, hơn đau màn óc. “Hắn” không điên thì thôi, sao anh lại điên khùng, hất vợ ra ? Hờn dỗi cái nỗi gì! Còn làm bộ, làm tịch hoài. Hoài muốn sà vào lòng chồng thêm lần nữa, nhưng sao không đủ can đảm, đi sâu vào cảm nghĩ riêng anh.
Thứ tình cảm và cảm nghĩ trái ngược hẳn nàng, qua đôi mắt sắc sảo sau hàng mi dài, cong cong, như muốn đi vào tim, vào óc nàng, đôi môi hơi nhếch lên khinh miệt, cằm bạnh ra, càng tăng nét đanh trên làn da ngăm ngăm, chiếc mũi cao cao, khiến khuôn mặt hơi gầy.
Phải! Có nhiều điều khác nhau, vô cùng xa lạ, nhất là về quan điểm, tính tình, đồng cảm, tình cảm. Một sự thiếu thông cảm đầy bất công, mâu thuẫn, lại xen lẫn niềm vui, hạnh phúc chợt đến, chợt đi, chợt về.
Không có gì hủy diệt được, về cái ngày tiền định, từ đàn én báo xuân, khoảng chục ngàn con, vượt vài trăm ngàn ki lô mét, từ phương Nam bay về tu viện San Juan Capistrano, ngày 17 tháng 3, được mệnh danh là Swalows Day. Có một chú én lạc đàn, đã mang chiếc cúc áo bay xa, xa hẳn đàn. Vì đó là, chiếc nút áo của Tứ.
Ngày ấy, sau buổi bế giảng khóa hội thảo, các bạn về chung lối, hai tay Tứ bận mang mấy cây đàn, anh nhờ nàng cài hộ chiếc nút áo veston, cho anh bớt lạnh, lúc hai người đi trên ngả ba đường lộng gió, xuống dốc chùa Linh Sơn, Phan Đình Phùng; Tứ đẹp trai, tao nhã, tài hoa, cùng nút áo xinh xinh, nhưng không hề có sự đồng cảm, thân mật hay truyền cảm.
Thế mà… không hiểu sao, ít tháng sau, Hoài quyết định bỏ vị hôn phu, (là cảnh) và ra nông nỗi? Định mệnh chơi xỏ nàng một vố khá đau, “cho” Hoài yêu mê mệt tiếng đàn lão luyện, tiếng hát trầm ấm, ngọt ngào, dạt dào âm điệu ríu rít, như đàn én trữ tình bay đi, bay về, đến thế. Tiếng đàn, giọng hát ngọt ngào, ấm áp, quyến rũ, đã cuốn hút Hoài đến bên Tứ, lúc nào không rỏ, trong cái khuôn đã định, mang nhiều sóng gió và thử thách.
Để rồi giờ đây, khi không chuyện ở đâu đưa đến, gia đình đang yên vui, bỗng dưng giận dỗi lãng nhách. Hoài điên tiết đi lui đi tới, trong lòng tức bực, đủ thứ chuyện dồn dập. Giận cá chém thớt, không đi chợ, chả thèm đi làm nữa. Nàng giật mạnh hàng nút, cởi áo, ba hột nút xé toạt một bên thân áo đẹp, lăn tròn dưới nền gạch, còn một hột, dính sợi chỉ dài tòn ten, đung đưa, lắc qua lắc lại, lòi cái “cọc xê dị hợm” ra. Trông chả giống con giáp nào, chả giống ai. Thật dễ ghét.
*Ưu Du
_ * _