Nhà văn Y Ban trong chuyến công tác tại Nhật Bản. Ban viết về nỗi đau rất đàn bàDương Cầm
Nhà văn Y Ban viết từ nỗi đau thẳm sâu trong tâm hồn những người đàn bà luôn khao khát một tình yêu tuyệt mỹ. Đôi khi, cũng chống chếnh, chênh vênh giữa bổn phận của người vợ và một thế giới siêu thực nào đó, nhưng rồi chị lại thảng thốt giật mình quay về duy trì tổ ấm yên bình.
- Tại sao chị thường chọn đề tài ngoại tình trong các truyện ngắn của mình?
- Tôi thích viết về phụ nữ và những vấn đề của phụ nữ hiện đại. Tôi cũng rất thích mổ xẻ đến tận cùng tâm lý của người đàn bà hiện đại. Họ thông minh, giỏi giang nhưng vẫn luôn cần một cuộc sống tình cảm phong phú. Tôi không thích sự cực đoan và cô đơn. Tôi thích người phụ nữ có trách nhiệm với gia đình, nhưng người đó cũng yêu và hiểu về tình yêu.
Là phụ nữ, ai cũng vậy, đến chết vẫn mong chờ một tình yêu đẹp. Đó không chỉ đơn thuần là việc người phụ nữ đi tìm hạnh phúc mà đó còn là việc họ có khát vọng sống. Cuộc sống phát triển kéo theo sự xơ hóa trong tình cảm gia đình. Bước ra khỏi cửa thôi là sẽ thấy cả xã hội che chở cho việc ngoại tình. Tại sao khách sạn, nhà nghỉ lại mọc lên nhiều đến vậy? Trước tiên, phải nhìn lại xem gia đình có lỗi gì không để đẩy người ta đến việc ngoại tình. Một người phụ nữ trước mặt bạn trai sẽ trở nên duyên dáng, ý nhị biết bao, trong khi ở nhà với chồng thì đầu bù tóc rối.
Người đàn ông có thể buông lời khen với cô đồng nghiệp hay bà hàng xóm nhưng về nhà lại cục cằn với vợ con. Tôi cũng lo cho chồng có bữa ăn ngon, chăm con học hành, nhưng với một nghệ sĩ như chồng tôi thì chưa chắc đó đã là sự hoàn hảo. Có một gia đình yên ấm, nhưng là một phụ nữ mở và đầy cảm xúc nên tôi vẫn luôn đi tìm cho mình sự hoàn thiện.
- Trong các truyện ngắn của chị, luôn nhìn thấy hình ảnh một người đàn bà khao khát tình yêu, nhưng trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc, toàn gặp Sở Khanh. Tại sao vậy?
- Tôi thích viết về những biến động tâm lý của người đàn bà sau những cuộc ngoại tình. Người đàn bà dù có học hay không có học, sau mỗi cuộc yêu, đều có những day dứt. Sau dâng hiến, nếu họ được người tình vuốt ve, động viên, dù chỉ là một cuộc điện thoại hỏi han, họ sẽ lại thăng hoa. Còn nếu sau đó là một khoảng lặng, thì đó là nỗi ê chề, bẽ bàng và cay đắng. Những người đàn ông trong câu chuyện của tôi luôn mang theo 2 bịch sữa tươi trong ca táp để “bồi dưỡng” cho mỗi lần yêu, hay người đàn ông sạch sẽ đến mức lấy khăn lau bàn để lau cho người tình… không hẳn là những người xấu. Nhưng cũng có thể họ cố tình bộc lộ cái xấu để dễ dàng “giãy” ra khỏi những vụ ngoại tình đó thì sao?
- Gần đây, các tác phẩm của chị thường đề cập rất nhiều tới chuyện quan hệ nam nữ và cả "chuyện giống má" của đàn ông, tại sao vậy?
- Trước khi là nhà văn, tôi là một nhà sinh học, tôi từng dạy ở trường Y nên nhìn vấn đề thoáng và cũng khoa học hơn. Bộ phận mắt, mũi hay các bộ phận khác trên cơ thể đều thực hiện chức năng đối với con người. Nhưng vấn đề ở đây là tôi viết đến những “thằng bé…” trong một tâm trạng thanh cao và thăng hoa. Viết về tình yêu thì không thể tránh được những chuyện quan hệ đàn ông, đàn bà. Trước đây tôi tự biên tập những phần đó và không động đến vấn đề tình dục. Nhưng bây giờ thì tôi không tự biên tập mình đi nữa.
Có nhiều người bế tắc nên phải lôi chuyện đó ra để viết. Còn tôi, tôi không bế tắc, tôi có mục đích rõ ràng của mình. Những chi tiết tả chân ấy về một người đàn bà khoẻ mạnh cả về thể xác và tâm hồn để độc giả nhìn thấy điều cao hơn, đó cả là tình yêu. Tôi thấy các nhà phê bình VN khen những trào lưu văn học mới của Trung Quốc, nhưng nếu thử so sánh thì những vấn đề đó, các nhà văn VN đã đi trước thời cuộc. Trong các tác phẩm, tôi dùng tình dục để thể hiện những ý đồ của mình. Tôi thích sự thách đố, thách thức đó và tôi cảm thấy mình viết “chín” hơn nhiều.
- Văn là người, vậy những điều đó ám ảnh chị đến mức nào?
- Nhiều người khi đọc truyện của tôi cũng cho rằng tôi là một con đàn bà ghê gớm, hay chắc là phải khổ sở lắm về chuyện này chuyện kia. Nhưng xin nói thẳng nhé, chồng tôi là số 1.
- Chồng chị nói gì khi đọc những truyện đó của chị?
- Cũng là nghệ sĩ nên chồng tôi hiểu, nhưng lão ấy hay bảo tôi là “ngày càng ghê gớm, rồi viết thế thì đeo mo vào mặt”. Tôi trả lời: “Là nhà văn phải chấp nhận”.
- Gần đây, một số nhà văn tự làm mới bằng những đoạn văn dài vô tận mà không có một dấu phẩy, và hay đề cập tới chuyện tình dục. Chị nghĩ thế nào về xu thế này?
- Các sáng tác mới của các nhà văn trẻ hiện nay chưa đủ độ chín về tài năng, nhưng đã nhìn thấy ở đó lửa trong văn chương. Chính bởi vậy, các nhà văn có tên tuổi tự thấy phải thay đổi. Nhưng cũng có thể sự chênh lệch về tuổi tác, nên sự nắm bắt cái mới vẫn chưa kịp thời. Cùng đề cập về tình dục, trong khi các nhà văn trẻ nói về “tình dục ở nhà nghỉ, khách sạn” thì các nhà văn thế hệ già vẫn chỉ quanh quẩn ở “tình dục trên mảnh đất sau vườn”. Mọi người ưa ngồi chờ nghe người khác kể chuyện nhưng không đặt mình trong nhân vật đó để suy nghĩ. Thử một lần đến một cái nhà nghỉ nào đó, họ sẽ thấy được sự tê tê, bẩn bẩn và ê chề của nó. Tóm lại, nhà văn cần sự dấn thân.
- Vậy chị dấn thân như thế nào?
- Sống cùng một nghệ sĩ, bản thân cuộc sống gia đình cũng đã có những xung đột tình cảm. Hơn nữa, tôi làm báo nên cũng đi nhiều. Tôi cũng “rúc” vào các quán vườn và mở to mắt ra để nhìn. Tôi cũng chấp nhận đứng trên bờ chênh vênh giữa một bên là gia đình và một thế giới hạnh phúc siêu thực nào đó. Tôi hay đặt mình vào nhân vật và đẩy tận cùng những tình huống của nhân vật.
- Sau “Đàn bà xấu thì không có quà”, nhiều người chê xu hướng “báo chí hoá văn chương” của Y Ban. Chị nghĩ sao?
- Tôi tự hào với cách viết đó, đó là xu hướng hiện đại. Văn chương nếu cứ rề rà, dùng nhiều con chữ để miêu tả thì bạn đọc không chịu được. Văn chương cũng phải thông tin, nhưng cái hay của nhà văn chính ở sự hư cấu. Làm báo chí, cũng giúp tôi gặp được nhiều cảnh ngộ để sáng tạo.
(Nguồn: Ngôi Sao)