Rank: Advanced Member
Groups: Registered, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,945 Points: 1,581 Location: Đông Bắc Gia Trang
Thanks: 1 times Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
|
ÁO TRẮNG
Năm đó, tôi vào lớp một, ở nhà dặn nhau:
- Phải gọi con Thúy là con Bình, để nó quen đi. Chứ nếu không, khi nó vô trường, cô giáo gọi Bình, Bình, nó sẽ không biết là cô gọi ai cả, nó không trả lời, thì sẽ bị phạt.
Ở nhà, tên của tôi là Nguyễn Thị Thanh Thúy, có thể là vì ông nội tôi thích cô ca sĩ nổi tiếng thời đó, nên nói bố tôi đặt tên tôi như vậy, nhưng bố tôi lại lỡ làm giấy khai sinh cho tôi với cái tên Bình, nghe hoàn toàn trái ngược với cái tên Thúy, nhưng ông nội tôi kỵ húy, nên trong nhà không ai dám gọi tôi tên Bình, mà một điều "con Thúy", hai điều cũng "con Thúy", nên tôi quen luôn với tên Thúy. Sau này, tôi hỏi bác tôi Thúy có nghĩa là gì, bác tôi bảo "Thúy có nghĩa là đẹp". Thế có chết không? Tự nhiên lại không được gọi là "Thúy có nghĩa là đẹp", mà lại được gọi là Bình, để có người cắc cớ hỏi thêm: "Bình bông, Bình sứt, hay Bình vôi đây?"
Tôi nhớ người cắc cớ hỏi tôi câu đó, tên là Thủy, tôi cũng cắc cớ trả lời luôn là:
- Bình đây là Bình thủy đó!
Rồi hai đứa cùng cười.
Cái bình thủy là cái bình để giữ nước cho nóng. Có trả lời Thủy như vậy cũng không mất lòng gì, chứ nhiều khi tôi còn được gọi bằng những cái tên độc đáo hơn như "Bình mẻ", "Bình địa", "Bình bể", "Bình nước mắm", nghe thiệt mất lòng hết sức! Trong từng đó cái tên, tôi thích nhất tên Bình Nước Mắm, vì tôi rất thích ăn nước mắm, cái món quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Đã vậy, tôi còn ăn nước mắm rất nhiều, bố tôi đùa:
- Nhà người ta có bình hoa, bình bông, nhà mình thì lại có bình nước mắm, thật là chán!
Tôi cũng đùa:
- Cái bình nước mắm thực tế hơn nhiều, bố ạ. Bông hoa khi tàn thì cũng bỏ đi thôi, có nước mắm để ăn cơm cho chắc bụng, vẫn tốt hơn, chứ bố?
À, hình như tôi đang nói chuyện "áo trắng", thời đi học, tự nhiên chuyển qua chuyện cái tên, thiệt là lạc đề. Ấy, khoan đã, quý vị, cái gì cũng phải có đầu, có đuôi, từ từ thì tôi cũng sẽ vào câu chuyện chính, phải thêm nước mắm vào, cho mặn mòi, có gia vị chớ?
Tôi không còn nhớ, cô giáo lớp một của tôi tên gì, nhưng cô yêu cầu tất cả học trò phải mặc áo trắng, vì đó là đồng phục của trường Chí Hòa. Con trai bên Chí Hòa Nam phải mặc áo sơ-mi trắng, quần xanh dương, còn con gái của trường Chí Hòa Nữ phải mặc áo trắng, quần trắng, trừ khi nào, đứa nào có tháng, thì mới được mặc quần đen. Tôi mới học lớp một, còn quá nhỏ để biết chuyện có tháng là cái gì, nhưng vì nhà tôi không khá giả lắm, mẹ tôi đi chợ, chỉ mua được cho tôi một bộ quần áo màu xanh lá chuối non rất nhạt. Đúng như ông bà hay nói "già được bát canh, trẻ được manh áo mới", tôi mừng lắm vì có được bộ quần áo mới để mặc đi học.
Thế nhưng, khi vào lớp, cô giáo tôi bảo:
- Trò Bình, ngày mai phải mặc áo trắng, nếu không, cô sẽ cho trò ngồi ở cuối lớp, chứ không được ngồi ở bàn đầu nữa.
Nhà tôi không khá giả lắm, mẹ tôi không kịp đi chợ mua cho tôi bộ quần áo trắng, và thế là, ngày hôm sau, tôi được xuống ngồi cuối lớp, mặc dù, tôi là một trong những đứa học trò lùn nhất lớp. Nó trở thành một dấu ấn trong trí nhớ non nớt của tôi. Sau này, khi lớn khôn, tôi nhận thấy cái áo không làm nên đứa học trò, không làm nên một người giàu có, cũng không thể nói người nào đó là một nhà tu, khi người đó mặc trên người cái áo tu sĩ. Người ta nói "Cái áo không làm nên nhà tu", thật đúng như vậy! Tôi có mặc áo xanh, áo đỏ gì đi nữa, tôi vẫn là đứa học trò. Năm đó, tôi vào lớp một!
Nhưng cũng kể từ đó, sau khi mẹ tôi mua được cho tôi một cái áo trắng, trong suốt 12 năm học, lúc nào tôi cũng mặc áo trắng, màu trắng của học trò, màu trắng của sự trong sạch, thuần khiết. Cho đến cả những năm sau 1975, khi nhà nước Cộng sản không bắt buộc phải mặc áo trắng đi học, tôi vẫn mặc áo trắng. Thời đó, để có được một manh áo lành lặn để đi học, đã là khó rồi, thắc mắc làm gì đến áo màu hay áo trắng? Rồi mãi về sau này, khi chế độ Cộng sản "cởi mở" được một chút, thì các ông lại đòi hỏi học trò phải mặc áo trắng, tôi chạnh lòng nghĩ lại những ngày lớp một của mình. Thật quá vô lý, và thật tội nghiệp cho những đứa học trò nghèo, và tội nghiệp hơn nữa, là có nhiều em nhỏ còn không được tới trường, thắc mắc làm gì áo màu hay áo trắng?
(Còn tiếp)
Bình Nguyên Tháng 4, 2008.
|