Rank: Newbie
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 1,452 Points: 0
|
Bài dự thi : Vui buồn trên đất hứaTiếng Anh, tiếng TôiHai mươi tuổi, qua tới xứ người, vật lộn với mớ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, là cả một công trình cho những người Việt Nam như tôi. Thấy tôi nói nhiều, mấy đứa em họ tôi bảo:
- Nói nhiều như chị, chỉ cần một năm thôi, bảo đảm tiếng Anh của chị sẽ rất khá!
Một năm sau, ở trường trung học Glebe Collegiate Institute, cô dạy vẽ của tôi, bảo cả lớp làm một dự án có thuyết trình, tôi không hiểu, không biết, không hỏi, nên không làm! Vì có hiểu là phải làm đâu mà làm, và đâu có thắc mắc cái gì đâu, mà bảo hỏi?
Tôi cứ an nhiên, tự tại cho đến ngày phải nộp bài. Thấy mấy đứa bạn cùng lớp lên nói hay quá, tôi mới biết rằng tôi chưa làm bài tập đó. Bài của mấy đứa bạn trong lớp làm rất hay, chứng tỏ là tụi nó đã chuẩn bị cho dự án đó trong nhiều tuần lễ, bằng cách đọc sách, sưu tầm, ghi nhận, ghi lại, rồi viết thành bài, giống như bài tập làm văn vậy, và cuối cùng là lên nói trước cả lớp. Lúc đó, tôi thiếu điều muốn độn thổ, bởi vì cái ý định làm bài, tôi còn chưa có, chứ đừng nói đến quá trình đọc sách, sưu tầm, viết lại, rồi tập nói. Cô Glein kêu tôi lên bảng, tôi cuống quýt và khóc, làm cô cũng cuống quýt theo, tưởng tôi bị đau cái gì. Cuối giờ, tôi ở lại với cô, vừa khóc, vừa đính chánh, là vì tiếng Anh của tôi còn yếu quá, nên không biết là cô đã cho bài để làm ở nhà từ đầu niên học, chứ không phải là vì tôi làm biếng, không chịu làm đúng hạn, rồi kiếm cớ bào chữa. Nước mắt, nước mũi tôi chảy ròng ròng, làm cô Glein ái ngại, cô bảo: - Đừng khóc nữa Bình! Có gì đâu mà phải khóc? Em như vậy là khá lắm rồi! Cứ tưởng tượng, cô phải qua nước em bây giờ, em nghĩ coi, cô có nói được tiếng Việt như em nói tiếng Anh không? Nè, giấy nè, lau nước mắt đi, và đừng khóc nữa!
Đó là hành trang cho tôi đi vào cuộc đời ở cái xứ sở lạnh lẽo này. Cứ mỗi lần gặp khó khăn, thì tôi lại nhớ đến câu nói đó của cô Glein, và cố gắng nhiều hơn. Cứ tưởng tượng, mình không biết một tí tiếng Ma-rốc nào, mà bị quăng vào cái xứ Ma-rốc để sống, chắc là phải cười ra nước mắt. So sánh như vậy, để thấy rằng, có được một chút tiếng Anh như tôi ở Việt Nam, trước khi qua cái xứ Bắc Mỹ này, quả là hạnh phúc và sung sướng!
Hồi còn ở Việt Nam, từ lớp sáu đến lớp mười hai, tôi được học tiếng Anh, với số điểm trung bình lúc nào cũng trên tám trên mười. Về nhà, cầm bài tiếng Anh đọc, con nhỏ em họ cứ nhìn tôi thán phục:
- Trời ơi, chị Bình đọc tiếng Anh ro ro, hay quá!
Chỉ vì nó không được học tí tiếng Anh nào, nên cứ tưởng tôi cao siêu lắm, chứ thật ra, lúc đó tôi đã đọc sai rất nhiều. Tôi nhớ một lần, sinh nhật của tôi, một nhỏ bạn tặng tôi một tấm thiệp với dòng chữ "Happy Birthday", tôi đã đọc to lên một cách ngon lành:
- Háp-py bít đê!
Một con bạn khác của tôi cười, bảo nhỏ:
- Bình vừa đọc tiếng Anh, vừa đọc tiếng Pháp.
Lúc đó, tôi mới biết là mình đọc sai, phải đọc là "háp-py bớt đê mới đúng. Không phải là tiếng mẹ đẻ của mình, nó có khác thiệt!
Vì "quá giỏi" tiếng Anh như vậy, lại quá dở về hóa học với sinh vật, nên chưa bao giờ tôi dám mơ xin vào các ngành dược, y khoa, hay luật, mà đăng ký học kiến trúc, vì tôi cho rằng ngành này không đòi hỏi tiếng Anh nhiều, mà tôi lại khá về vẽ, toán, và lý, những môn đòi hỏi trong ngành kiến trúc. Cầy cục đến năm năm, gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác, đổi từ trường này qua trường nọ, có những lúc phải vừa đi học, vừa đi làm, để có tiền vừa lo cho việc học, vừa lo cho chính mình, tôi đã phải ăn tối thiểu, ngủ tối thiểu, học tối đa, làm tối đa, để cuối cùng cũng giật được một mảnh bằng lấy le với thiên hạ.
Đúng là cái mảnh bằng chỉ để lấy le với thiên hạ thiệt, vì tôi chưa dùng nó chính thức cho bất cứ cái việc gì. Đi xin việc làm tôi cũng chẳng bao giờ chìa nó ra. Mà nếu là con gái, học xong cũng đi lấy chồng, lại càng không cần phải có bằng biếc gì cả. Sau năm năm học, tôi ra đời, và có người yêu, tôi mừng hết lớn, vì tôi chẳng có ai theo, nên vớ được người nào là tôi đồng ý ngay. Người ta bảo, con gái chỉ có một thời, nếu không chộp lấy cơ hội tốt nhất, thì sẽ không có nhiều cơ hội nữa. Trong tình yêu, phải có một tí bồng bột, thì mới yêu nhau được, chứ suốt ngày ngồi tính toán từng ly, từng tí, thì người ta sẽ không bao giờ lập gia đình nữa. Đi lại với nhau hơn ba năm, chúng tôi quyết định làm đám cưới. Năm đó tôi sắp hai mươi chín tuổi, cũng là tuổi lấy chồng cho rồi, để không, người ta lại bảo "gái ba mươi tuổi đã toan về già!" Lại nữa, lấy chồng cũng là người Việt, tôi không phải lo lắng lắm cái chuyện tiếng Anh. Có cần, thì cãi nhau bằng tiếng Việt, cũng xong!
Lấy chồng, theo chồng, "đời tôi" bắt đầu chuyển qua là "đời chúng tôi", lận đận theo vận nước Canada, kinh tế lên, chúng tôi lên, kinh tế xuống, chúng tôi xuống... thê thảm! Bởi vì, chúng tôi là thế hệ di dân, tiếng Anh không sõi, tiếng Pháp không thông, mà tiếng Việt thì lại không cần thiết ở cái xứ sở này. Học hành thì dở thợ, dở thầy như vậy, nên cứ phải lăn lóc làm đủ loại thương mại để kiếm tiền. Được cái là, chúng tôi vẫn thương yêu nhau, vẫn dựa vào nhau để mà sống, và cho ra đời những đứa con. Hy vọng, đời chúng nó sẽ đỡ hơn đời chúng tôi, vì ít ra chúng nó không phải chật vật và khó khăn với mớ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, như chúng tôi bây giờ.
Ấy thế, mà tôi lại đi dạy con tôi tiếng Việt, vì mong chúng còn giữ nguồn gốc của người Việt mình. Lần đầu tiên, thấy con đọc được tiếng Việt, tôi rất mừng, nhưng rồi càng lớn, chúng lại càng xổ tiếng Anh nhiều hơn. Cứ la hoài, chán quá, tôi không la nữa. Chúng còn thắc mắc: "Sao mẹ không dạy tiếng Anh cho con?" Trời đất ơi, cái mớ tiếng Anh của tôi không đầy một bàn tay, lấy cái gì mà dạy cho chúng nó chứ? Câu hỏi của con lại làm tôi nhớ lại lời cô Glein dạy vẽ, và tôi cười, chợt nghĩ, bây giờ thử dắt chúng qua Ma-rốc, không biết chúng nó sẽ sống ra sao nhỉ? Mỗi lần bắt chúng nói tiếng Việt, chúng cứ "rặn" từng chữ một, thấy sốt cả ruột!
Tới nhà các anh chị bạn lớn hơn, thì các anh chị lại la, em phải dạy cho con nói tiếng Việt, em cứ nhất định nói tiếng Việt, không trả lời những câu hỏi, hoặc những yêu cầu tiếng Anh của chúng, thì chắc chắn chúng sẽ phải nói tiếng Việt. Tôi không cãi, nhưng nghĩ thầm, đó không phải là cách dạy con của tôi. Ở đây, người ta khuyến khích cha mẹ trò chuyện, gần gũi với con, để biết con đi hướng nào mà khuyên giải, hướng dẫn chúng. Nếu cứ bắt chúng phải nói tiếng Việt, khó khăn quá, mỗi lần nói cứ như bị "tra tấn", chúng sẽ làm biếng nói, và sẽ không kể chuyện của chúng cho mình nghe nữa. Chúng sẽ giấu nhẹm, không tâm sự, và tự ý giải quyết vấn đề, khi có việc gì xảy ra. Để tránh chuyện đó, tôi cũng nói tiếng Việt, nhưng rồi lại dịch qua tiếng Anh luôn cho chúng hiểu. Cuộc chiến đấu tiếng Anh, tiếng Việt lại tiếp diễn, nhưng kỳ này tôi nằm trong thế chủ động.
Nhưng cái chủ động đó, không ra tiền cho tôi xài, chỉ có được "cái tiếng", thì cũng bị ông chồng tôi giật nốt. Số là, khi tôi dạy cho con tôi viết và đọc được tiếng Việt, lâu lâu cho cháu lên đọc tiếng Việt, mọi người lại đi trầm trồ khen ngợi... ông chồng tôi:
- Anh dạy con giỏi quá! Anh dạy cách nào mà cháu đọc được tiếng Việt hay quá vậy?
Trời ơi, thật là bất công! Tôi đây nè, cái người phải ở nhà hầu hạ, phục vụ cho chồng con, mới có thời giờ dạy cho con đọc tiếng Việt đây nè, thì không thấy người nào tới hỏi thăm hay khen cho được cho một câu. Trong khi, anh thì cứ cười cười, nhận tất cả các câu khen về mình, không thèm đính chánh: "Ờ, đó là công của bà xã tôi đó!" Có lần, ở chỗ làm, anh gọi về, hỏi tôi:
- Hôm nay, ở nhà em có cái gì để làm không?
Tôi nói mát:
- Ôi, ở nhà đâu có cái gì để làm đâu anh! Quần áo thì tự động nó chui vào máy giặt, tự động bay lên giàn phơi, rồi tự động sắp xếp vào tủ quần áo cho cha con anh lấy mặc. Gạo thì tự động nó leo lên nồi, lên bếp, rồi thành cơm cho cha con anh ăn. Nhà cửa thì tự động nó sạch, cho cha con anh đi cho mát chân và có chỗ để bày tiếp! Nói tóm lại, người phụ nữ không đi làm như em, thì ở nhà cũng không có cái gì để làm cả.
Cho nên, con hơi lớn lớn, tôi nhất quyết đi kiếm một việc làm. Thứ nhất, là kiếm được đồng ra, đồng vào, để khỏi phải xin chồng. Thứ nhì, có việc này, việc kia làm cũng đỡ buồn! Thứ ba, như mẹ tôi hay nói trước kia, là tôi có được một chút tiếng Anh mà không chịu đi làm, thật uổng phí! Trong khi mẹ tôi không có tí tiếng Anh nào, mà lại phải đi làm ở cái xứ sở đầy tiếng Anh này. Hồi mới qua, mẹ tôi muốn tôi đi làm chung với bà, chỉ là, để dùng cái mớ tiếng Anh ít ỏi của tôi đi chửi lại mấy con mẹ dễ ghét trong chỗ làm, vì họ đã đì mẹ tôi quá đáng! Tôi từ chối, vì con người tôi rất nhút nhát, ngay như kêu tôi đi chửi nhau với ai bằng tiếng Việt, tôi cũng không dám đi, chứ đừng nói là chửi nhau bằng tiếng Anh, tiếng Mỹ. Vậy mà, có một lần, tôi đi làm ở thư viện, tôi cãi nhau với một người Trung Hoa làm chung, chỉ vì cái tội, cô ta bảo với tôi rằng, ở Trung Quốc bây giờ văn minh lắm rồi, giàu sang lắm rồi, máy móc gì cũng có, giống như Canada vậy, chứ không có lạc hậu như ngày xưa nữa. Tôi đã cãi, cãi bằng tiếng Anh với cô ta, cãi lấy được! Bây giờ, nghĩ lại, thấy mình thật vô duyên! Những người đó, họ chỉ thích khoác lác thôi, cãi làm chi cho mệt.
Sống ở đây càng lâu, tiếng Việt càng mai một dần, còn tiếng Anh thì chỉ đủ để giao tiếp sơ sơ, không bồi bổ thêm được tí nào. Thành ra, tiếng Anh tôi không giỏi hơn, tiếng Việt thì lại dở đi! Ai bảo tôi dở tiếng Anh, tôi viện cớ vì nó không phải tiếng mẹ đẻ làm sao giỏi được, nhưng ai bảo tôi dở tiếng Việt, tôi cũng phải nhận luôn, vì không được dùng thường xuyên, nên quên đi rất nhiều. Đi xin việc làm, người thì chê tiếng Anh tôi nói dở, người thì bảo tôi quá nhỏ con, không làm được việc gì. Tôi đi xin đại một công việc cầu may, công việc cần có cả hai ngôn ngữ, mà họ gọi là "billingual". Mà rồi, chẳng hiểu thế nào tôi cũng được nhận! Đúng là ở cái xứ sở này, hay nhiều khi không bằng hên, thiệt! Quý vị có biết tôi xin được công việc gì không? Cứ một người nói tiếng Anh, một người nói tiếng Việt, giống như người ta bảo "ông nói gà, bà nói vịt" đó, thì tôi là cái người đứng giữa, vừa nói ngôn ngữ của gà, vừa bàn ngôn ngữ của vịt, nói nôm na, là tôi làm công việc của một "thông vịt viên", ý quên, phải nói là "thông dịt diên", à không, phải gọi là "thông dịch viên" mới đúng!
Đó, câu chuyện của tôi là như vậy đó! Chẳng biết là buồn hay là vui nữa?
- Bình Nguyên Trang Blog Tổ Quốc Việt Nam của BCh
|