Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Nhạn trắng Gò Công bay về đậu cành cây cổ nhạc
Ngành Mai
Từ hơn năm thập niên nay, kể từ khi bản nhạc “Nỗi Buồn Gác Trọ” và “Những Ðồi Hoa Sim” ra đời, được phát đi trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn với tiếng hát ca sĩ Phương Dung, thì phần lớn giới yêu thích cổ nhạc lẫn tân nhạc đều nghĩ rằng nhạn trắng Gò Công Phương Dung là ca sĩ tân nhạc cùng thời với Thanh Thúy, Hà Thanh, Minh Hiếu, v.v...
Thế nhưng, người ta đâu có biết được rằng trước ngày nổi danh ở lãnh vực tân nhạc, Phương Dung đã ca rành sáu câu vọng cổ và một vài bài bản cổ nhạc. Nhưng lúc ấy cô chỉ ca hát ở quê nhà, tham gia đờn ca tài tử ở vùng biển Tân Thành, Gò Công.
Người ta không biết Phương Dung học ca tân nhạc lúc nào, ở đâu, mà một ngày nọ vào khoảng 1962 một cô gái trong chiếc áo dài trắng, bỗng nhiên đến tòa soạn của một tờ nhựt báo ở Sài Gòn, hỏi thăm nầy nọ một lúc, rồi đề nghị hát tân nhạc cho mấy chú ở đây nghe chơi. Dĩ nhiên một cô gái trẻ đẹp từ đâu xuất hiện hát cho nghe thì ai lại không hoan nghinh.
Hình như Phương Dung hát bản “Nỗi Buồn Gác Trọ” hay bản gì đó mà được hầu hết người ở đây khen ngợi tiếng hát khá hay. Tình cờ hôm bữa đó lại có mặt thi sĩ Kiên Giang, anh chàng ký giả kịch trường nhiều mơ mộng này đã viết bài đăng báo tán thưởng, đồng thời gọi cô gái mặc áo dài trắng kia là “con nhạn trắng biển Gò Công.”
Rồi Phương Dung đi vào làng tân nhạc ca hát ở các vũ trường, các phòng trà. Dần dần nổi danh được mời ca hát ở nhiều đại nhạc hội, ở đài phát thanh. Tuy ca hát ở nhiều nơi, nhưng hằng đêm Phương Dung vẫn ca hát ở vũ trường và phòng trà, vì những nơi này là miếng đất mầu mỡ và thường trực của các ca sĩ tài danh ở Sài Gòn. Một điều người ta nhận thấy là khi đi hát Phương Dung luôn mặc áo dài trắng, có lẽ để cho hợp tình hợp cảnh với biệt danh của mình chăng?
Nhưng rồi, thời gian sau có lẽ các phòng trà chuyển hướng làm ăn, đưa loại nhạc kích động vào chương trình hằng đêm có vẻ hợp thời hơn. Vả lại lúc ấy nhiều ca sĩ trẻ tấn lên sẵn sàng đi hát cho các phòng trà, vũ trường với tiền thù lao tượng trưng, hoặc là hát mà không nhận tiền, có nghĩa là phòng trà khỏi phải trả đồng nào hết. Hơn nữa thành phần hát “chùa” này lại dẫn theo bạn bè khá đông ngồi chật bàn.
Ðã không phải trả tiền cho ca sĩ mà lại thêm nhiều khách thì phòng trà nào lại không chọn làm ăn kiểu này, do đó mà Phương Dung và những ca sĩ khác đã mất việc làm, bị giảm bớt sô. Thật ra thì dù bị bớt sô hát cũng có thể kiếm sống được, nhưng không thể khá bằng nghệ sĩ cải lương, chỉ thời gian ngắn là ký giao kèo, đi xe hơi. Do đó mà con nhạn trắng Gò Công Phương Dung dù đã nổi danh bên tân nhạc, đã có lúc bay sang đậu cành cây cổ nhạc.
Thập niên 1960 lúc thịnh thời của cải lương, đào kép nghệ sĩ đêm nào cũng lên sân khấu, và ngày Chủ Nhựt lại có thêm suất hát ban ngày lúc 3 giờ chiều, nên đời sống giới cải lương thời này rất thoải mái. Trong khi đó thì phía bên tân nhạc phải một hoặc hai tuần, có khi cả tháng mới tổ chức đại nhạc hội một lần thì người ca sĩ sống thế nào được chớ! Do đó mà có thời kỳ những ca sĩ tân nhạc đã âm thầm gia nhập làng cải lương, và trong số ấy có cả nhạn trắng Gò Công Phương Dung.
Có lẽ thấy Hùng Cường bước sang cải lương đã thành công mỹ mãn, nên đã có có rất nhiều ca sĩ tân nhạc đã tìm đến các lò cổ nhạc để học ca, học nhịp với hy vọng sẽ được trở thành nghệ sĩ đi xe hơi như Hùng Cường. Do đó mà vào thời ấy những lò đào tạo cổ nhạc đã tiếp nhận khá nhiều học trò vốn là ca sĩ tân nhạc đến thọ giáo. (Trong dân gian người ta gọi các lớp dạy cổ nhạc là “lò”).
Lúc bấy giờ chỉ nội ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Ðịnh đã có trên 20 lò cổ nhạc, đó là chưa kể ở các tỉnh có rất nhiều nơi dạy và tỉnh nào cũng có. Một trong những lò cổ nhạc ở Sài Gòn được nhiều ca sĩ tân nhạc đến thọ giáo, người ta phải kể là lò Út Trong ở đường Trần Hưng Ðạo. Do bởi nhiều năm trước đó nhạc sĩ Út Trong từng là trưởng giàn cổ nhạc của gánh Thanh Minh suốt 13 năm, và là người đã huấn luyện Thanh Nga từ lúc còn thơ ấu cho đến khi trở thành ngôi sao sân khấu. Nữ ca sĩ tân nhạc Thanh Tuyền cũng từng có thời gian đến với lò Út Trong để học ca vọng cổ.
Ngoài ra còn có những lò của các nhạc sĩ Văn Vĩ, Duy Trì, Huỳnh Hà, Tư Tân, Yên Sơn, Ba Giáo, v.v... cũng đều có ca sĩ tân nhạc đến học thời gian dài hoặc ngắn. Thế nhưng, đa số học viên có gốc từ tân nhạc đã thất vọng bởi nhiều lý do, mà trong đó lý do chính là họ không có giọng ca vọng cổ Trời cho, nói rõ hơn là làn hơi ca không mùi, không thu hút được người nghe, thành thử ra đa số đã bỏ cuộc.
Theo như một số người từng tham gia đờn ca tài tử lúc còn nhỏ, thì họ có thêm một nhận xét rằng, ngoài làn hơi ca vọng cổ hay, mùi, còn phải có tinh thần đam mê cổ nhạc thì mới được, tức là cổ nhạc đã thâm nhập vào trong máu trong tim từ thuở bé thì mới đủ yếu tố để thành công ở địa hạt cải lương. Nói theo vô vi thì phải có căn nghiệp với cổ nhạc, với cải lương thì mới được gia nhập, chớ còn từ nhỏ đã không thích âm điệu của cây đờn kìm, đờn cò, hay cây lục huyền cầm, mà lại đi chơi cây đàn mandoline, dương cầm, cùng những nhạc cụ của tân nhạc đến rành rẽ trở thành ca sĩ tân nhạc. Rồi giờ đây vì cuộc sống bấp bênh mới ngả sang cổ nhạc hát cải lương thì rất khó mà thành công, như trường hợp ca sĩ Phương Dung.
Riêng về Phương Dung trở về hát cổ nhạc, thu dĩa vọng cổ, mà cô không phải tìm đến lò cổ nhạc nào để học ca, học nhịp, do bởi trước khi nổi tiếng ở tân nhạc, Phương Dung đã từng học ca vọng cổ từ đầu thập niên 1960, nên khi bước vào làng tân nhạc thì những bản nhạc đầu tiên người ta nghe được trên đài phát thanh Sài Gòn như Nỗi Buồn Gác Trọ, Những Ðồi Hoa Sim... thì hơi hướng tân nhạc của cô ca sĩ này vẫn còn vương quyện hơi ca vọng cổ, nó không dứt khoát, nhưng lại khiến cho người ta cảm thấy một nét ngồ ngộ lý thú vậy.
nguoiviet online
|