Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 635 Points: 132
Was thanked: 24 time(s) in 22 post(s)
|
4/7/09
Bốn giờ sáng hôm sau tôi dậy sớm, choàng Kimono lên phòng Onsen ngâm nước. Đã quen thuộc với lối tắm này rồi nên lần này tôi sẽ làm một người Nhật thuần túy. Tôi “tỉnh bơ” bỏ áo vào giỏ mây rồi cầm cái khăn tắm đủng đỉnh đi vào phòng trong. Tưởng là không có người, nhưng không ngờ tôi cũng gặp chị Thủy ở đây. Chị nói sáng nào chị cũng thức dậy từ ba giờ sáng để tụng kinh và ngồi thiền, nên vào đây tắm Onsen sớm cho thư giãn. Hai chị em ngồi nói chuyện với nhau được năm ba phút thì chị bước ra vì chị bảo chị đã vào đây lâu lắm. Chừng khoảng mười phút sau thì tôi cũng trở về phòng sửa soạn thay quần áo để còn xuống ngắm ánh hừng đông trên ngọn Phú Sĩ với tất cả mọi người.
Năm giờ rưỡi sáng, tôi và Hươu đeo máy ảnh xuống lầu bước ra ngoài cửa khách sạn. Đã có vài người trong đoàn chúng tôi đang tản bộ bên kia bờ hồ chờ nhìn ánh mặt trời lên ở phía chân trời. Tôi kéo cao cổ áo và thắt chặt khăn quàng rồi theo Hươu băng ngang đường nhập bọn. Trời mùa Xuân nên thời tiết rất là mát mẻ, không khí thật trong lành. Chúng tôi đi vòng vòng quanh bờ hồ Kawaguchi chụp hình rồi đứng tựa lan can nhìn mặt trời chậm rãi lên chiếu sáng dần ngọn núi Phú Sĩ. Đến gần bẩy giờ thì chúng tôi phải trở lại khách sạn trả chìa khóa phòng, ăn sáng, để còn tiếp nối cuộc hành trình viếng thăm một thắng cảnh khác. Ngồi trong nhà ăn, nhìn núi Phú Sĩ trắng hồng qua khung cửa kính chúng tôi đã tiếc hùi hụi là không thể ở lại một vài giờ nữa để ghi lại hình ảnh thần tiên này khi vầng dương sáng rọi trên đỉnh núi.
Nơi đầu tiên chúng tôi đến sáng hôm nay là Jewelry Forest, nơi có chưng bày nhiều loại đá quí để cho mấy bà thích mua sắm có cơ hội tiêu tiền. Nhưng những món trang sức ở đây không có gì đặc biệt, mà giá lại quá cao. Có đặc biệt chăng là những tảng đá quí được kết hợp thành những hòn giả sơn ở bên ngoài vườn hoa, và một tảng đá ngọc tím bầy ở ngay phía ngoài ngưỡng cửa mà chúng tôi nghe nói là tuy đã được đem lên khỏi mỏ nhưng hàng ngày đá vẫn mọc thêm lên như khi còn ở trong lòng đất!? Chris cũng chỉ cho chúng tôi coi một tảng đá màu trắng, lớn cỡ bằng mặt bàn, gần lối đi lên cầu thang. Chris bảo đây là “hàn băng thạch”, ngồi lên lúc nào cũng mát lạnh, cho dù có phơi nắng cả ngày ở ngoài vườn. Nghe nói thế nên chúng tôi thay phiên nhau lên ngồi thử cho biết.
Chúng tôi làm một vòng thăm viếng thật nhanh ở Jewelry Forest rồi thẳng tiến đến Mt. Fuji Visitor Center. Ở nơi đây chúng tôi được xem một đoạn phim ngắn nói về lịch sử của ngọn núi cao chót vót biểu tượng của xứ Phù Tang này. Theo “quảng cáo” thì chúng tôi sẽ được đưa lên trạm thứ năm của núi Phú Sĩ để ngắm nhìn cả một vùng thung lũng bao la nhưng Chris bảo vì thời tiết không cho phép nên chúng tôi chỉ ghé thăm Mt. Fuji Visitor Center rồi đi. Tôi nhìn Chris nghi ngờ, theo tôi thì cái yếu tố “thời gian” không cho phép có lẽ chính đáng hơn là “thời tiết” không cho phép, vì nhìn theo bản đồ thì con đường từ đây đến trạm thứ năm của núi Phú Sĩ cũng có vẻ xa. Chị Nga của AV lại rủ rê:
- Thôi thì tháng 8 mấy anh chị trở lại đây thăm Nhật Bản mùa thu và để có dịp leo lên đến tận đỉnh Phú Sĩ.
Rời Mt. Fuji Visitor Center, chúng tôi ghé ngang chùa Diệu Pháp ở công viên Hòa Bình. Quả thật là “ghé ngang” vì chúng tôi chỉ có được hơn một tiếng đồng hồ dạo chơi ở đó. Công viên Hòa Bình là một vườn hoa đào lớn, với những gốc hồng đào thật đẹp ở Shizuoka. Nghe nói những ngày trời quang đãng thì du khách có thể nhìn thấy núi Phú Sĩ trên nền trời xanh trong, nhưng hôm nay trời có vẻ âm u nên chúng tôi đã không tìm được hình bóng núi Phú Sĩ. Đường lên chùa khá dài, mà thời giờ thì lại bị giới hạn nên vừa xuống xe là chúng tôi đã hối hả bước đi. Trước hết chúng tôi phải đi qua hết con đường dốc ngợp sắc hoa đào, tới cái giếng nước nhỏ bên tay phải trước sân chùa để làm thủ tục tẩy trần. Vừa gác gáo múc nước lên thành giếng gọn gàng rồi là chúng tôi rảo cẳng tiến bước, vì chúng tôi còn phải đi qua một khoảng sân rộng lớn có đặt rất nhiều tượng thú bằng đá, xong mới đến được những bậc thang đá đầu tiên bước lên vùng bảo tháp.
Tòa bảo tháp trắng toát với đỉnh tháp màu hoàng kim, cao vòi vọi, uy nghi nằm chính giữa khu vườn. Bốn mặt bảo tháp có bốn trang thờ to, bên trong có đặt những tượng Phật Thích Ca từ ngày đản sanh, lúc xuất gia, khi thành đạo, cho đến ngày nhập diệc Niết Bàn. Tôi và Hươu đi vòng quanh bốn mặt bảo tháp đảnh lễ với đấng Như Lai xong, ra lan can chùa chụp được vài tấm hình rồi là phải nhanh nhanh đi xuống vì sắp tới giờ ra lại ngoài xe để đi Hakone. Chúng tôi cũng không có thì giờ để tìm xem cái con đường có 33 tượng Phật Bà cứu độ (mà thầy Giang đã giới thiệu) ở phía sau chùa là ở nơi đâu. Trên đường đi ra cổng tôi rán nán lại vài giây để chụp hình tượng Phật Bà Quan Âm bằng vàng và bạch kim đã được thỉnh sang từ Ấn Độ.
Rời chùa Diệu Pháp, chúng tôi lên đường đi Hakone. Hakone Park là một vùng đất núi nằm ở phía tây Tokyo. Ở nơi đây có vùng thung lũng Owakudani, được tạo dựng từ sau cuộc biến động của ngọn núi lửa Kamiyama khoảng 3000 năm về trước. Du khách tìm đến Owakudani Valley để thăm viếng một thắng cảnh nổi tiếng với những hồ nước nóng, những khe núi hở có hơi lưu huỳnh xông lên liên tục, và với những quả trứng “ngọc đen” được luộc trong những hồ nước nóng đầy hơi lưu huỳnh này.
Từ bãi đậu xe của thắng cảnh Owakudani, du khách chỉ cần băng qua một khoảng sân xi măng nhỏ bé là có thể bắt đầu đi theo một con đường mòn dẫn lên đầu nguồn ôn tuyền để nhìn xuống vùng thung lũng có những cái hồ nước sủi bọt, hơi khói đang bốc lên nghi ngút. Còn ai thích lên cao hơn ngắm cảnh thì cũng có thể mua vé xe cáp để được đưa lên tận trên đỉnh núi Komagaoka. Đoàn chúng tôi chia làm hai nhóm, một nhóm dẫn nhau lên đầu nguồn xem lưu huỳnh phun khói, xem nhân viên của Hakone Park thả những lồng đựng trứng xuống hồ nước nóng, và nhìn màu vỏ trứng thay đổi sang một màu đen tuyền vì được luộc trong nước khoáng lưu huỳnh. Còn một nhóm vì không thích leo trèo, và không chịu được mùi nồng nặc của hơi lưu huỳnh nên dẫn nhau vào quán hàng bán đồ lưu niệm để mua... thức ăn. Ở trong quán hàng này cũng bầy la liệt những cái trứng đen được luộc sẵn. Nghe đồn là ăn một cái trứng “ngọc đen” này sẽ được tăng tuổi thọ lên đến bẩy năm nên cả bọn chúng tôi, người nào đi ra cũng xách theo vài ba trái trứng “da đen” ăn thử.
Sau khi từ giã Hakone, chúng tôi trực chỉ đến tiệm ăn nằm ngay bên cạnh hồ Ashi. Theo như chương trình thì sau khi ăn trưa, chúng tôi sẽ có những giây phút thư giãn trên tàu đi vòng vòng hồ cây lau Ashi ngắm cảnh. Hồ Ashi là một hồ nước nhỏ nằm bên chân núi Phú Sĩ, được thành hình cùng thời với vùng thung lũng Owakudani trong biến động của ngọn núi lửa Kamiyama. Sự chuyển động của đất đai trong thời gian ngọn núi này bùng nổ đã làm sụp lở một vùng đất núi, nâng giòng sông Haya lên cao rồi cắt đứt con đường lưu thông của nó, dồn nước giòng sông này chảy vào khu vực đất trũng trên mõm núi Hakone, thế là hồ Ashi đã được khai sinh. Có lẽ hồ Ashi đẹp nhất là vào đầu xuân, khi ngọn núi Phú Sĩ còn ngợp đầy tuyết trắng và cây cối hai bên hồ đang tưng bừng khoe những cánh lá tươi màu mơn mởn. Vào những ngày trời quang đãng du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng cảnh hồ Ashi mênh mông sóng nước, thắm đượm sắc màu hoa lá, hòa quyện với hình dáng sinh động của ngọn núi Phú Sĩ sừng sững ở cái phông đằng sau trên nền trời xanh trong, tạo thành một bức tranh tuyệt tác. Nhưng ngày hôm nay trời kéo mây mù, nên hai, ba giờ chiều rồi mà tôi cố ngắm mãi cũng chẳng nhìn thấy bóng hình của núi Phú Sĩ ở đâu. Hiện nay hồ Ashi cũng là một thắng cảnh thích ứng với những du khách chỉ muốn thực hiện ước mơ … “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ…” 4/8/09
Hôm sau, chúng tôi qua phà đi Ise. Đường từ Hamamatsu đến bến phà Atsumi cũng khá xa, nên hơn mười giờ rưỡi sáng chúng tôi mới lên phà. Chuyến phà đi nhanh chóng, lướt sóng êm, nên chỉ chừng 45 phút là chúng tôi đã sang tới bến phà thành phố Toba. Nơi đầu tiên của cuộc thăm viếng ngày hôm nay là hòn đá vợ chồng (Meoto-iwa). Mấy năm trước nhìn thấy hình của hai hòn đá này giữa biển cả mênh mông và đọc lời chú thích trên mạng tôi cứ ngỡ là phải ngồi trên thuyền để đi ra ngoài khơi ngắm đá, và tôi cũng thắc mắc không hiểu làm sao người ta có thể đi trẩy hội ở trên chiếc cầu giây thừng nhỏ nhoi này. Chừng ra tới nơi, khoảng giữa trưa, gặp lúc nước triều xuống thấp, tôi mới nhận thấy là hai hòn đá này ở rất gần bờ, và cái cầu giây thừng nối kết hai hòn đá này chỉ là một sợi giây dài được bện chặt với nhau bằng những sợi giây thừng rơm tượng trưng cho tình vợ chồng bền vững. Chiếc cầu giây này được thay mới đôi ba lần trong một năm vào những mùa lễ hội. Và trong những ngày lễ hội này dân chúng từ mọi nơi tấp nập đến cầu đảo ở ngôi đền Thần Đạo nhỏ phiá ngoài, ngay ở bên cạnh bờ biển, rồi sẽ đi vào trong vùng đất đá vợ chồng xem trai tráng trong làng leo lên “hòn chồng” để giăng giây cầu mới chứ không phải là đi trẩy hội trên cầu.
Rời vùng biển Futami, chúng tôi đi thăm viếng Y Thế Thần Cung (Ise Jingu), một ngôi đền Thần Cung cổ nhất của Nhật Bản, nơi mà mỗi đầu năm thủ tướng Nhật (không cần biết là thuộc tôn giáo nào) vẫn phải về để hành lễ theo nghi thức Thần Đạo. Thần Cung Ise là một tập hợp những đền thờ được xây dựng giữa một khu rừng rộng lớn ở gần sông Isuzu, một khu rừng có rất nhiều cây cổ thụ ngàn năm có những cái thân to tướng mà phải đến ba bốn người đàn ông giăng tay ra, nối với nhau mới ôm vòng nổi. Thần Cung Ise gồm có hai khu đền chính: Naiku và Geku. Geku là nơi thờ thần ngũ cốc, và Naiku là khu điện thờ nữ thần mặt trời Amaterasu Omikami, vị nữ thần được cho là thủy tổ của hoàng gia Nhật.
Theo phong tục, thì Thần Cung được xây dựng lại mỗi hai mươi năm, mỗi lần xây kéo dài tám năm với rất nhiều nghi lễ đi kèm. Kích thước của ngôi đền mới kiến trúc được giữ nguyên vẹn y như kích thước của ngôi đền cũ, nhưng được xây dựng bằng toàn vật liệu mới. Những thanh gỗ gỡ ra từ ngôi đền cũ sẽ được bán lại cho dân chúng đem về xây cất nhà cửa của mình để mong được thánh thần ban cho nhiều phước lộc, may mắn. Khi chúng tôi đến đây, thì vùng đất bên cạnh cây cầu bắc ngang sông Isuzu đang được thiết kế để sửa soạn cho sự kiến thiết cây cầu mới dẫn vào khu đền.
Cũng như các đền thờ Thần Đạo khác, chính điện đền Jingu được che phủ kín mít, chúng tôi chỉ được đứng bên ngoài điện thờ, vỗ tay, cúi đầu chào theo nghi thức Thần Đạo, bỏ tiền vào thùng phước sương rồi đi về. Dân chúng và du khách đến viếng thăm cũng không được phép chụp hình trước điện thờ mà chỉ được chụp hình từ những dưới bậc thang đá dẫn lên đến trước cổng đền.
Thăm viếng Thần Cung xong rồi, chúng tôi đi ăn trưa ở một tiệm ăn ngay con đường phía bên trái của đền Jingu. Sau bữa ăn trưa bà con trong đoàn của tôi còn đi dạo quanh khu phố một vòng, mua đậu đen, đậu nành rang dòn lên xe ăn tráng miệng. Thầy Giang cũng hướng dẫn các anh chị thích mua trà xanh Nhật Bản đến gian hàng bán trà, bán ấm tách to nhất trong con phố. Gian hàng này có bán đầy đủ các hạng trà từ loại thường thường bằng cọng trà phơi khô cho đến loại thượng hạng với những lá trà xanh non mềm mại. Tôi và Hươu lúc đầu chỉ tính đi theo hộ tống đoàn để uống thử trà, ăn thử đậu cho vui thôi nhưng rồi nghe quảng cáo mãi cũng bùi tai nên cũng bắt chước bà con mua vài bịch trà xanh đem về làm quà.
Buổi chiều, chúng tôi được đưa đi thăm viếng đảo hạt trai Mikimoto, nơi mà mấy bà trong đoàn của tôi đang mong đến. Chris tính toán giờ giấc chắc cũng khá xít xao, nên lúc nào anh cũng giục giã chúng tôi bằng hai chữ Việt Nam duy nhất mà anh có thể phát âm khá đúng là - “nhanh lên, nhanh lên”- để cho kịp buổi biểu diễn “mò trai” vào lúc bốn giờ chiều. Theo chương trình thì chúng tôi sẽ vào xem cuộc biểu diễn “mò trai” của mấy cô thợ lặn Nhật Bản trước khi vào thăm viếng phòng triển lãm ngọc trai. Sau đó thì các bà, các cô sẽ có dư giả thì giờ để đi mua sắm ở hai gian hàng nữ trang trong tòa nhà kế bên cạnh phòng triển lãm.
Cuộc biểu diễn “mò trai” cũng không có gì là đặc biệt, cũng tương tự như những cuộc biểu diễn mò trai ở Sea World, San Diego. Cũng những người đàn bà Nhật mặc bộ quần áo toàn trắng lặn xuống nước, mò mấy con sò đem bỏ vào thùng gỗ. Đây chỉ là cuộc biểu diễn cho du khách coi cho vui thôi, chứ với kỹ nghệ nuôi trai hiện giờ thì mấy cái hãng sản xuất ngọc trai đã không còn phải xử dụng đến người đi mò trai sò nữa.
Sau khi xem xong phần biểu diễn, chúng tôi tuần tự theo nhau vào phòng triển lãm để ngắm những con sò được treo lủng lẳng trên những tấm màng lưới, trong những cái giỏ sắt lớn, xem những cái vỏ sò được xử dụng trong việc cấy ngọc trai, ngắm những loại hạt ngọc trai với hình dạng tròn méo, to nhỏ, màu sắc khác biệt nhau, và nghe nhân viên của hãng Mikimoto trình bầy về phương thức nuôi ngọc trai của hãng.
Một nhân viên của hãng Mikimoto đón chào chúng tôi ở ngay quầy hướng dẫn. Ông sẽ cho chúng tôi xem một đoạn video ngắn nói về đời sống của các “em bé” ngọc trai thuộc diện “con lai” (cha Mỹ, mẹ Nhật), được thành hình qua phương pháp thụ thai nhân tạo (cấy), và sẽ được đem ra khỏi lòng mẹ bằng phương thức cesarean (mổ bụng).
Cứ theo như cuốn video này thì công việc nuôi cấy hột trai đòi hỏi một quá trình rất công phu, tinh tế và khéo léo. Hãng Mikimoto đã chọn lựa những con sò con mạnh khỏe, khoảng 6 tháng tuổi, để dùng trong công việc nuôi cấy này. Những con sò này sẽ được nuôi nấng thận trọng trong những giỏ sắt lớn ở một vùng biển riêng biệt vào khoảng hai, ba năm. Khi những con sò này đến tuổi trưởng thành, chúng sẽ được kéo lên, rửa sạch sẽ, rồi được “tắm” trong những chậu nước thuốc mê để chúng không đến nỗi đau đớn khi bị cắt thịt để cấy hạt nhân vào trong lòng.
Hãng Mikimoto đã nhập cảng vỏ những con trai (mussels) từ vùng sông Mississippi ở Mỹ để làm hạt nhân vì những nguyên tố trong vỏ trai này tương tự như những nguyên tố của loại sò Akoya, một loại sò thường được dùng để nuôi ngọc trai, nên chúng sẽ không gây nhiều dị ứng cho những con sò cưu mang chúng. Những vỏ trai này đem về được rửa ráy sạch sẽ, cắt thành từng cục vuông nho nhỏ trước, rồi được mài thành những hạt nhân tròn. Chuyên viên cấy hạt nhân sẽ nhẹ nhàng tách thịt sò “mẹ” ra, ở những nơi mà họ nghĩ là sẽ không nguy hại đến đời sống của con sò. Một miếng thịt sò mỏng vuông vức (cắt ra từ vùng thịt phía ngoài riềm thân những con sò khác) sẽ được đưa vào trước làm lớp nệm lót, rồi viên “tinh trùng” (hạt nhân) ngọc trai sẽ được đưa vào nằm ngay trên miếng nệm lót đó. Những chuyên viên cấy “tinh trùng” này sẽ tùy theo kích thước lớn nhỏ của con sò, mà quyết định cho “bà mẹ sò” sinh đôi hay sinh ba, bằng cách cấy thêm hạt nhân vào những chỗ khác nhau trên thân sò.
Sau khi cuộc giải phẫu hoàn tất, những “sản phụ sò” này sẽ được cấp tốc đặt vào những cái nôi sắt, và được chuyên viên chăm nuôi nhanh chóng chuyển ngay đến vùng “biển hồi sức” nơi mà những sản phụ sò sẽ được chăm nom kỹ lưỡng trong thời kỳ “hậu giải phẫu”, để xem “bà mẹ sò” nào có thể vượt qua sự thử thách đớn đau này. Mười ngày sau, chuyên viên nuôi sò sẽ kéo những cái nôi này lên để xem xét tình trạng sức khỏe của những “bà mẹ sò”. Không phải là con sò nào cũng có thể chịu đựng được cuộc giải phẩu “banh vỏ, xẻ thịt” này, đã có rất nhiều con sò đã bỏ mình vì dị ứng. Chuyên viên chăm nuôi sẽ lựa lại những con sò sống sót, bỏ vào nôi và chuyển tới trại nuôi sò trong vùng biển đã được chỉ định. Nơi đây, những cái nôi này sẽ được treo dựng đứng vào những chiếc bè nuôi ngọc trai to, dài đang bập bềnh trên sóng nước.
Qua thời gian, những viên ngọc trai sẽ được thành hình và lớn dần từ những lớp xà cừ được tiết ra từ thân thể con sò để bao quanh viên hạt nhân xa lạ đã xâm nhập vào trong thân thể chúng. Trong thời gian chờ đợi những hạt nhân trở thành viên ngọc quí chuyên viên chăm nuôi đã phải theo dõi những “bà mẹ sò” này rất là kỹ lưỡng để bảo vệ sức khỏe của chúng và cũng để bảo đảm phẩm chất của những viên ngọc trai sau này. Những giòng nước biển đỏ ngầu nhiễm trùng, hay nhiệt độ nước biển thay đổi bất thường, đã là một vài hiểm họa đáng kể cho những “bà mẹ sò” đang trong thời kỳ thai nghén này. Bởi thế nên chuyên viên chăm nuôi đã phải thường xuyên thăm dò, kiểm tra chất lượng của nước biển để có thể kịp thời di chuyển những chiếc nôi đầy sò này đi sang một vùng biển khác an toàn hơn. Cách một vài tháng, chuyên viên chăm nuôi phải kéo những cái nôi sò lên để gỡ bỏ rong rêu, ký sinh trùng và những rác rến bao quanh những chiếc nôi này, rồi lại thả trở về lòng biển.
Sau hai hoặc ba năm, tùy theo thời gian được định cho mỗi lứa sò, những chiếc nôi sò sẽ được kéo lên để đưa về hãng. Chuyên viên “giải phẫu” sẽ nhẹ tay tách những “em bé” ngọc trai này ra khỏi lòng mẹ chúng. Chúng sẽ được hòa nhập với những “anh chị em” đã ra đời cách đó không lâu để sẵn sàng được các chuyên gia khác nâng niu, chăm sóc và trở thành những món nữ trang xinh đẹp quí giá cho những người yêu thích ngọc trai.
Hạt trai được chia theo từng thứ hạng, tùy theo hình dạng lớn nhỏ, tròn méo, phẩm chất và sắc màu phản chiếu. Không phải tất cả những viên ngọc trai sản xuất từ hãng Mikimoto đều được hân hạnh mang cái tên “Ngọc Mikimoto”. Chỉ có khoảng 5% của số ngọc trai thu thập mỗi năm có đủ điều kiện để được vào vòng tuyển chọn và có những cái giá thành làm choáng váng mắt người. Phần ngọc trai còn lại sẽ được phân phối ra thị trường với cái tên đơn giản…ngọc trai nuôi.
Sau đó thì chúng tôi đi qua tòa nhà bầy bán nữ trang. Đây là giây phút thần tiên nhất cho các bà, các cô hăng say mua sắm. Có hai gian hàng khác biệt trong cùng một tòa nhà. Gian hàng đầu tiên cũng bán ngọc trai, nhưng không phải là ngọc trai Mikimoto, do dó giá cả cũng nới hơn. Gian hàng thứ hai đẹp đẽ hơn, và chưng bầy toàn những vòng, chuỗi, bông tai, brooch cài ngực, tie tac…bắt mắt.
Tôi thì chỉ gói ghém cho vừa một chuyến du xuân, nên cũng không dám hăng hái mua sắm mấy cái món quà đắt tiền này, tôi chỉ đi vòng vòng theo chân bà con thăm thú cho biết sự tình. Nhưng nhìn qua giá tiền cái chuỗi ngọc trai nào tôi cũng thấy choáng váng. Trời đất ạ, cái chuỗi ngọc trai nào mà tôi nhìn thấy có vẻ “được được” thì trị giá sơ sơ cũng gần hai ngàn bạc, còn “hấp dẫn” hơn chút nữa là đi đứt một tháng lương của tôi. Đang đi theo nhìn mấy bà trong đoàn xăm xoi, lựa, thử, bỗng tôi nghe có tiếng xôn xao ở phía gian hàng chính giữa, gần phía cuối góc phòng. Tò mò, tôi cũng đi tới xem thử chuyện gì. Tôi thấy anh Minh và mấy ông trong đoàn tour của tôi đang đứng vòng trong vòng ngoài, chăm chú nhìn vào một cái tủ kính vuông vức, có khóa hẳn hòi. Tôi cũng chen vào ghé mắt nhìn xem. Thật tình tôi không dám tin ở mắt mình, vì nằm trong cái lồng kính có khóa đó là một viên ngọc trai to gần 20 mm, mầu hồng, ánh sắc sáng ngời, mà cái giá thành của nó cũng chỉ vào khoảng... 360 ngàn Mỹ kim.
Rời đảo ngọc trai, chúng tôi lên đường về khách sạn. Đêm nay chúng tôi sẽ có một bữa ăn tối ấm cúng theo truyền thống Nhật ở trong một căn phòng riêng biệt được trang hoàng với những hình ảnh cổ truyền của Nhật. Và đêm nay, một số người trong đoàn chúng tôi, nếu không sợ đau lưng, sẽ được thưởng thức lối ngủ của Nhật, trong những Ryokan Chamber. Vừa mở cánh cửa Ryokan ra tôi cảm thấy… ngỡ ngàng, vì nó khác hẳn với cái hình ảnh Ryokan mà tôi hằng mơ tưởng. Số là hôm vừa ghi tên đi tour về, nhìn cái chữ Ryokan thấy hay hay, nên tôi hăm hở lên mạng, để tìm hiểu xem cái phòng ngủ theo Japanese Style là như thế nào. Tôi đã nhìn thấy “Ryokan” qua những căn nhà trệt của Nhật nằm trong một khu vườn đầy hoa lá, với những hòn non bộ xinh xắn với suối nước chảy vòng quanh… Tôi cứ nghĩ là những cái Ryokan này sẽ được xây dựng trong một khu đất riêng biệt, như những cái nhà sàn của những khách sạn ở Cha Am, Thailand. Tôi quên mất là nước Nhật đất chật, người đông thì làm gì có những căn phòng Ryokan xây riêng trong những khu vườn ngợp sắc hoa đào.
Cái Ryokan của tôi mơ ước được thưởng thức từ hôm nào tới giờ chỉ là một căn phòng bình thường như những căn phòng khác của khách sạn, chỉ khác biệt là không có bộ giường nệm êm ái. Sàn nhà được chia làm hai phần cao thấp. Phần ở giữa phòng là gian phòng ngủ chính, cao hơn cái sàn gỗ ở phía ngoài khoảng độ 5, 6 inches, được lát chiếu viền màu xanh lá cây sạch sẽ. Giữa gian phòng có đặt một bộ bàn ghế gỗ nho nhỏ với bốn chiếc ghế sát mặt sàn. Còn chăn nệm thì nằm gọn gàng trong lòng một cái tủ đứng ngay phía ngoài khung cửa phòng ngủ. Tôi không thấy có dấu hiệu nào cho biết là sẽ có người của khách sạn đến sửa soạn giường ngủ cho mình, thì có nghĩa là chúng tôi sẽ phải cùng nhau…dựng xây tổ ấm. Hươu đã quen với khách sạn…ngàn sao, và giường nệm là những nhánh rễ cây trong rừng… không êm ái nên cũng chẳng phàn nàn gì, chỉ lẹ làng dọn bộ bàn ghế qua một bên rồi kéo chăn, kéo nệm ra để…tôi phụ Hươu trải giường. Trong khi Hươu soải tay, soải chân nằm ngáy o o vì quá mệt, tôi chui vào phòng tắm…tẩy trần, thay bộ áo Kimono, chờ Hươu dậy sửa soạn đi ăn tối. Buổi tối, chúng tôi mặc áo Kimono xuống phòng ăn đã được chỉ định. Căn phòng ăn riêng biệt của chúng tôi đêm nay là một gian phòng rộng rãi, một bên tường được trang hoàng với một tấm tranh vẽ thật lớn cao từ dưới bậc thềm lên đến tận trần nhà. Hai dãy ghế bàn thấp lè tè đã được sắp sẵn giữa gian phòng, với những phần ăn tối đã được bày biện tỉ mỉ, gọn gàng trong những cái tô nhựa, chén, điã sành xinh xắn. Bọn tôi nhẹ nhàng ngồi xuống chỗ của mình, (mỗi người một bàn, một ghế) xếp bằng tròn trước mấy cái bàn ăn nho nhỏ, mỏng manh này, rồi khe khẽ xoay qua, xoay lại để nói chuyện với nhau. Cách ngồi này thật là khó khăn cho Hươu của tôi, vì chỉ cần anh quên mà duỗi thẳng chân ra, quệt tới, quệt lui, là trọn bộ cả bàn và thức ăn sẽ…”cuốn theo chiều đá”, bay tơi tả.
Những món ăn đêm nay cũng chẳng có gì đặc biệt, nhưng tôi đã có nói rồi, đi máy bay và đi du lịch không phải để…ăn, nên bọn chúng tôi vui vẻ trò chuyện, đùa giỡn, chụp hình thỏa thích với nhau. Bộ áo Kimono của chúng tôi mặc hôm nay đẹp hơn bộ áo Kimono mặc hôm đầu tiên ở khách sạn dưới chân núi Phú Sĩ rất nhiều. Bộ áo được may bằng vải mềm, êm ái, lại còn thêm một cái áo choàng ngắn ở ngoài, nên các bà không cần mặc thêm quần áo gì bên trong (ngoài quần áo lót) cũng thấy kín đáo. Khung cảnh đẹp, quần áo đẹp, và cả bao nhiêu người cũng đẹp nữa. Màu xanh lam của bộ Kimono tiệp với những màu sắc tươi đẹp của tấm tranh trong phòng ăn, nên khi chúng tôi tụ tập nhau lại để chụp hình trước bức tranh này nhìn cứ y như là…người trong tranh vẽ.
Đây là đêm thứ nhì, và cũng là đêm cuối chúng tôi được tắm Onsen. Phòng tắm ở lầu 6 của khách sạn, phòng ngủ của tôi ở lầu 7, có nghĩa là tôi phải đi xuống một tầng lầu. Thành thật mà nói, tôi cũng thấy “nghi ngờ” cái thứ nước ôn tuyền này lắm. Tôi không hiểu làm sao người ta có thể dẫn nước ôn tuyền lên lầu cao như thế này, nhưng mà thôi kệ, cứ xem như mình đang đi tắm “hot tub” thư giãn ở bên Mỹ là được rồi.
Vì quen thuộc với lối tắm Onsen này, nên bọn tôi chẳng cần phải đi xem trước nữa, chỉ cần biết xem cái phòng tắm này nó nằm ở cánh trái hay cánh phải của thang máy để khỏi mất thì giờ. Vì ở hai từng lầu khác biệt nên bọn tôi bảo nhau, khoảng gần chín giờ thì đi tắm, ai tới trước xuống hồ trước, ai tới sau xuống sau, chả ai phải chờ đợi ai cả.
Nhưng đến khi tôi xuống dưới phòng tắm đã thấy chị Tuyết, chị Yến, chị Toàn ngồi ở ngay cái ghế đợi trước cửa ra vào, bên cạnh cái phòng arcade cho con nít chơi games. Chẳng phải là mấy chị đợi… tôi, mà tại vì ở trong phòng tắm…đông quá, mấy chị cứ ngần ngừ mãi chẳng muốn vào, nên ngồi đây chờ xem người có ngớt đi không. Tôi bảo đông thì tắm theo đông, chứ cứ ngồi chờ thì đến sáng mai cũng không tắm được, nếu không nhúng được cả người trong nước thì mình sẽ nhúng…đôi chân.
Tôi kéo mấy chị vào trong phòng thay quần áo. Quả là đông thiệt, người đứng, người ngồi lung tung khắp nơi. Cái phòng chứa đồ này có hai dãy tủ cao bốn từng, mỗi từng có khoảng 10 tới 15 ô đựng quần áo, tôi không biết cái dãy tủ ở góc phòng bên kia ra sao, nhưng những cái rổ trong dãy tủ trước mặt tôi đã sắp đầy. Bọn tôi nhanh chóng tìm mấy cái rổ đựng quần áo còn trống bỏ áo vào rồi đi ra ngoài phòng tắm, tẩy trần.
Căn phòng tắm phía ngoài mù sương với hơi nước nóng. Nhìn qua, tôi thấy có một hồ ngâm to tướng, vuông vức, ở giữa phòng, có khoảng hơn chục người đang ngâm mình trong đó. Ở ngoài này khung cảnh cũng rất là ngoạn mục. Người thì ngồi lim dim như đang cầu kinh ở dưới hồ nước nóng, người thì vừa nằm trong nước ấm vừa đưa tay làm vài động tác thể thao, vài người khác thì vừa ngâm mình vừa trò chuyện cùng nhau. Hai dãy bàn kỳ cọ ở hai bên tường cũng đông đặc người là người, người đang chà xà bông bọt lên trắng xóa, người thì tẩn mẩn kỳ cọ mấy cái gót chân son, còn mấy người khác thì đứng trước những khung tắm đứng có vòi sen hứng nước chảy xuống từ trên đầu. Bọn tôi nhanh chóng làm thủ tục tẩy trần rồi bước ngay vào hồ.
Tôi lội chầm chậm về gần cái mạch nước đang thả nước xối xả từ hòn giả sơn xuống dưới mặt hồ, rồi đưa hai chân vào trong giòng nước ấm để nhờ sức nước mạnh mẽ đấm bóp hộ hai cái ống quyển tôi đã muốn rã rời vì phải đi bộ bao nhiêu ngày nay. Tôi còn đang tơ lơ mơ thưởng thức cái thú đấm bóp bằng nước ôn tuyền thì nghe có tiếng người gọi. Tôi mở mắt ra, con bạn Grace của tôi đứng ở trên bờ hồ bảo:
- Ngoài sân có cái hồ cũng bự lắm, ra ngoài đó tắm, vui hơn.
Thì ra, con bạn tôi đã hăng hái quá, nên đã xuống phòng tắm trước tôi rồi. Tôi quay sang rủ mấy chị cùng đi ra ngoài patio tắm với bọn tôi luôn. Thế là cả bọn tôi thong thả cầm khăn đi ra sân ngoài. Vừa đi, Grace vừa cười khúc khích nói nhỏ với tôi:
- Hồi nãy tao cứ tưởng như lần ở khách sạn trước, bổn cũ soạn lại, mặc cái quần xì xuống nước, bị bà Nhật ngồi trong hồ chỉ trỏ, bắt đi lên bờ… lột quần ra.
Tôi cũng cười bảo nó:
- Mày đã qua một khóa “thực tập” rồi, ngại ngùng gì mà không “thoải mái”.
Cái hồ ngâm lộ thiên ở ngoài sân này quả thật cũng lớn gần bằng cái hồ nước ở bên trong, được xây kiểu cách cong cong uốn lượn theo hình quả thận biến thể, và được trang điểm với những bồn cây xanh đầy lá, với những tảng đá lồi lõm ở chung quanh. Khi tôi ra đến nơi, đã gặp Tuyền, Vân, chị Liên cũng đang tắm lội trong hồ. Mấy nàng tiên ở Mỹ về ngồi tụ lại trong một góc hồ thoải mái ngâm nước. Phía xa xa ở mấy góc hồ khác là dân bản xứ cũng ngồi lặng im ngâm nước. Ngồi khoác nước tắm táp hoài cũng chán, nên Vân lên tiếng:
- Phải chi mình có cái floating table, có được vài ly rượu chát, cộng thêm một bộ bài tứ sắc thì…hết xẩy.
Tuyền thắc mắc:
- Mấy chị này, em đọc trong sách của anh Minh thấy nói đi tắm Onsen là có thức ăn, mà sao đi hai cái Onsen rồi không thấy ai cho mình ăn gì hết vậy?
Chị Tuyết, cổ đỏ như tôm hấp, đang ngồi tựa đầu vào tảng đá nhỏ trên bờ hồ, lim dim, thoải mái, nghe Tuyền nói bèn chen vào, mà mắt vẫn nhắm nghiền không mở:
- Cái đó là ở những Onsen có trả tiền cô nương ơi, mình tắm free mà còn đòi hỏi.
Theo đúng như lối tắm ôn tuyền, thì chúng tôi chỉ có thể ngồi chừng mươi, mười lăm phút rồi phải lên xối nước lạnh rồi mới vào lại hồ tắm tiếp. Nhưng khi vào trong phòng kỳ cọ chúng tôi phải mất mấy phút đợi chờ mới có chỗ tắm lại, nên sau khi xả nước lại rồi chúng tôi bảo nhau đi về phòng ngủ cho lại sức.
Sáu giờ sáng, trong khi Hươu còn ngủ, tôi rón rén thay áo đi tắm tiếp. Cái phòng tắm Onsen này không mở cửa 24 giờ như cái Onsen trước nên đông không thể tả, dường như bà con chỉ đợi tới giờ mở cửa để chui xuống phòng tắm thôi. Trong lúc chờ đợi tới phiên mình “tẩy trần”, tôi quay vào phòng thay quần áo nằm dài trên chiếc ghế đấm bóp tự động chừng khoảng 15 phút cho gân cốt thư giãn rồi mới bước ra phòng tắm.
Tôi nhìn quanh quất chẳng thấy bóng ai quen, chỉ có một mình tôi là tiên Mỹ xuống trần, còn lại toàn là tiên bà của xứ Phù Tang. Chắc mấy bà bạn cùng đoàn của tôi chán cái cảnh đợi chờ như đêm hôm trước nên không ai thèm đi tắm sáng cả. Ngồi một mình ở trong hồ không có “bạn hiền” cũng chán, nên tôi cũng bước lên xối nước lạnh rồi còn về phòng sửa soạn đi ăn sáng.
Vừa bước lên bờ tôi chợt để ý đến một cái hồ nước nhỏ nằm ở tận cuối góc phòng mà đêm hôm qua vì vừa bước xuống hồ đã chạy vội ra ngoài sân nên tôi đã không nhìn thấy. Tôi ngỡ đây là một cái hồ nước với độ ấm khác hơn nhiệt độ của cái hồ tôi vừa ngâm người nên lò mò đi tới thò chân xuống thử. Vừa bỏ chân xuống tôi đã vội vã rút lên vì nước trong hồ lạnh như nước đá. Đúng ra thì không đến nỗi là nước đá, nhưng vì tôi mới từ hồ nước nóng đi lên nên cảm thấy nó lạnh quá chừng. Vậy mà cũng có vài bà Nhật đang tỉnh bơ ngồi trong hồ tắm táp.
Tôi chợt nhớ đến lối tắm “âm, dương” nóng, lạnh của người Nhật để cho thân thể được khỏe mạnh mà ông cậu tôi đã nói tới từ lâu. Cái lối tắm này thì tôi cũng đã có thử qua. Số là mấy năm trước ông cậu của tôi ở New York sang Cali chơi, thấy tôi cứ bị dị ứng chảy nước mắt sống, nhức đầu sổ mũi hoài nên ông cũng chỉ cho tôi cách tắm âm dương như vầy để chữa bịnh. Cách tắm này nghe ra cũng rất đơn giản, trước nhất là phải tắm nước nóng, thật nóng, khoảng 3 phút, rồi đổi sang tắm nước lạnh 3 phút, rồi quay lại tắm nước nóng, rồi xối lại nước lạnh. Có thì giờ thì tắm nhiều lần hơn, nhưng ít nhất là phải thay đổi nước nóng lạnh hai lần như thế. Ông cậu tôi nói nhờ theo lối tắm âm dương này mà ông cảm thấy khỏe mạnh hơn, cả bao nhiêu năm ông không hề phải xử dụng tới thuốc men hay là đi bác sĩ. Tôi cũng làm theo cách ông cậu tôi chỉ bảo mấy lần nhưng lần nào kết quả cũng trái ngược, lần nào tôi cũng bị cảm lạnh mất mấy ngày. Bây giờ thấy mấy bà Nhật nhúng người xuống hồ nước lạnh mà tôi không khỏi rùng mình.
Tôi trở về phòng mình vừa lúc Hươu cũng sửa soạn xong, đang chuẩn bị xếp giường chiếu lại. Tôi cũng thay quần áo, dọn dẹp lại vali đem xuống xe bus, vì chiều nay chúng tôi sẽ lên đường đi đến Kyoto.
|