Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 635 Points: 132
Was thanked: 24 time(s) in 22 post(s)
|
Du Lịch Phù Tang Chú thích: Bài viết này được viết lại theo lời dẫn giải của hai hướng dẫn viên Đỗ Thông Minh và Trần Đức Giang, theo những dữ kiện tìm được trên mạng, theo những brochures gom góp được trên đường du ngoạn, và theo trí nhớ của tác giả. Và cũng xin được cảm ơn quí vị nhiếp ảnh gia đã cho phép xử dụng những tấm hình trong bài viết.
Grace, con nhỏ bạn thân cùng làm với tôi hơn hai mươi năm trời nay, đã nhiều lần rủ rê tôi:
- Mình phải đi dự hội hoa đào ở xứ Phù Tang một chuyến.
Tôi bảo nó:
- Hoa đào thì ở đây cũng có, cần gì phải đi đâu cho xa, muốn đi thì mùa Xuân cứ làm một chuyến viếng thăm Fresno Blossom Trail, hay sang hơn thì đi qua Washington DC, cả một rừng hoa thắm tươi cho mày ngắm, chứ cần gì phải đi Nhật. Nhà tao cũng có mấy gốc đào: hồng đào, bạch đào, bích đào… hai ba màu, hoa nở đầy vườn mỗi năm mà tao còn không có thì giờ để ngắm nghía, sao lại phải tốn tiền đi đâu xa cho mệt.
Nhưng con bạn tôi cứ nhất định là tôi với nó phải đi tới xứ của Thái Dương Thần Nữ ngắm hoa anh đào mới được.
Thế là năm nào bọn tôi cũng bàn bạc, tính toán. Nhưng tính tới, tính lui, tính từ lúc gía tour anh đào mùa xuân bắt đầu từ $999 cho tới khi nó leo thang tới $1,799 mà bọn tôi cũng tính chưa xong. Mấy năm trước, nhìn thấy sự chênh lệch khá lớn với giá tiền tour đi du lịch Nhật Bản và Trung Quốc nên bọn tôi đã chép miệng, thôi đành đi Trung Quốc trước, chờ xem giá tour đi Nhật có gia giảm chút nào không. Nhưng hỡi ôi, cái con số này nó cứ từ từ thay đổi, không giảm, chỉ tăng và còn vượt quá $2,000. Tháng mười hai năm ngoái, trước ngày Grace rũ… hồ sơ về hưu, con bạn tôi đã căn dặn tới lui:
- Nhất định là mùa xuân tới này mình phải đi Nhật đó, tao không nghĩ là cái giá này nó thay đổi như mày muốn đâu, chờ hoài, tới lúc già rồi, chống gậy bò không lên tới đỉnh núi Phú Sĩ.
Tôi nghe con nhỏ nói có hơi nhột nhạt, vì nó vừa nhắc khéo chuyện mấy năm trước tôi đã không…bò được lên tới đài quan sát thứ nhất ở Juyongquan của Vạn Lý Trường Thành thì mong gì sau này…chống gậy bò được lên tới Phú Sĩ sơn.
Thế là tôi phải làm một màn nghiên cứu, dò hỏi, so sánh những cái chương trình du lịch xứ hoa anh đào xem cái công ty nào tổ chức chuyến du lịch…vừa rẻ, vừa hay, để làm một chuyến viễn du. Tình cờ sao trong chuyến đi làm đẹp cho cặp chân mày của tôi, tôi nghe cô chuyên viên thẩm mỹ nói về chuyến đi du lịch Trung Quốc vừa qua với công ty du lịch AV. Cô bảo là cô rất hài lòng với chuyến đi này, hài lòng với cách tiếp đãi của cô chủ công ty du lịch. Tôi bèn rủ Hươu sau khi đi làm về ghé thăm văn phòng của AV chiều ngày hôm đó thăm thú cho biết sự tình.
Nhìn cái giá biểu trên tờ quảng cáo về chuyến du lịch đi xem hoa anh đào tôi muốn… xỉu. Đã vậy còn phải đóng thêm tiền thuế phi trường, thì có nghĩa là, muốn đi chơi chuyến này, tôi phải cắm đầu làm thêm… bốn tháng overtime. Nhưng, lại chữ nhưng tai hại, khi về nhà đọc qua cái chương trình, và lời quảng cáo: “có hai hướng dẫn viên Đỗ Thông Minh và thầy Trần Đức Giang, là những người đã và đang sinh sống hơn 40 năm tại Nhật Bản, hiểu biết về văn hóa và lịch sử Nhật Bản...” tôi cũng thấy tò mò, muốn tìm hiểu xem tại sao lại phải cần đến hai hướng dẫn viên cho một tour du lịch. Thêm nữa, sau khi lò dò vào trang nhà của công ty du lịch AV, nhìn những hình ảnh rực rỡ của mùa hội hoa đào thì lòng tôi lại háo hức, tôi đành nhắm mắt đưa tờ quảng cáo vào sở cho Grace xem.
Con nhỏ bạn tôi, chỉ liếc sơ qua mấy tấm hình, đọc tên vài địa danh rồi hồ hởi nói:
- Đi.
Tôi vẫn ngần ngại bảo nó:
- Tao còn phải chờ xem có trùng với ngày con tao về Mỹ không rồi mới tính.
Ngày cuối cùng ở sở làm, trước khi ra về Grace chạy sang ôm tôi chào từ biệt, con nhỏ còn nhắc đi nhắc lại:
- Khi nào mày ghi danh đi Nhật thì nhớ báo cho tao biết.
Đã lỡ hứa với chị Nga của AV Travel nên tôi đành trở lại…đóng tiền đặt cọc. Grace thì đã được chị Nga liên lạc qua phone, con nhỏ cũng…đóng tiền qua phone bằng thẻ tín dụng. Cầm tờ biên nhận giữ chỗ trong tay tôi cũng chưa chắc là mình đi Nhật. Cho đến sau khi tham dự buổi hội thảo ở văn phòng AV, nghe những dẫn giải của chị Nga, anh Hùng về chương trình cuộc du lịch, đóng nốt số tiền còn lại, cầm vé máy bay trên tay rồi, tôi mới biết thật là mình sắp đi du lịch Nhật Bản. Thế là, Hươu với tôi vui vẻ về nhà sửa soạn hành lý cho một chuyến du Xuân…
4/3/09
Đoàn tour của chúng tôi có khoảng ba mươi người. Ngoài Grace ra thì toàn là đồng hương cả, phần đông đều cư ngụ ở những thành phố chung quanh thủ đô tị nạn, chỉ có vài người đến từ xa như chị Thủy ở Texas, Vân ở gần San Francisco, và vợ chồng chị Liên - Anh ở San Jose. Hươu và tôi gặp được vài người quen từ trước như anh chị Thuần - Loan, anh chị Tân - Toàn, nên kỳ này tha hồ cho chúng tôi chuyện trò rôm rả. Đoàn của chúng tôi khởi hành vào ngày 2 tháng 4, có vẻ là hơi trễ cho mùa hội hoa đào, vì tôi nghe nói, thường thường là hoa đào bắt đầu nở vào cuối tháng 3 và chỉ tồn tại được khoảng chừng tuần lễ, chúng tôi mà đến vào giờ này thì chắc là để nhìn… những cánh hoa bay. Nhưng thôi kệ, đành phải phó mặc theo thời tiết may rủi.
Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng Asiana Airlines khởi hành vào lúc nửa đêm, sẽ đưa chúng tôi sang Hàn Quốc trước rồi từ đó mới đổi máy bay nhỏ trở lại Tokyo. Thoạt đầu tôi cũng thắc mắc là tại sao phải đi lòng vòng như thế, vì nhìn theo đường bay thì phải bay ngang qua Tokyo rồi mới đến Incheon, nhưng sau khi đến Hàn Quốc rồi tôi mới biết Incheon là trạm chính, những hành khách đến nơi này xong sẽ chuyển sang máy bay khác để đi về những nước phụ cận như Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản v.v…
Vì phải đi làm cho đến chiều, chỉ đủ thì giờ xách hành lý ra phi trường, nên ngồi ngay ngắn trong ghế máy bay rồi là tôi ngủ gà, ngủ gật. Điều này thật là đặc biệt vì có bao giờ tôi dám ngủ khi mới lên máy bay đâu. Bình thường thì sau khi lên đến máy bay rồi là tôi âm thầm ngồi đọc kinh và chăm chú theo dõi tuyến đường máy bay bay trên màn ảnh radar cho đến khi không mở mắt ra nổi tôi mới chịu ngồi yên ngủ. Tôi đang tơ lơ mơ thì bị Hươu đánh thức dậy để ăn chiều, vì bây giờ đã quá 5 giờ chiều ở Incheon, không ăn cũng không sao, nhưng sẽ phải chờ đến 10 tiếng đồng hồ sau mới được ăn sáng.
Asiana Airlines có hai món ăn cho hành khách chọn lựa, món Âu có beef steak và món Á có cơm Hàn. Chắc là không dự trù cho khách Âu Mỹ nhiều như vậy nên sau khi đưa cho Hươu cái khay beef steak rồi thì cô tiếp viên hàng không cười duyên nói với tôi là:
- Đã hết món ăn Âu, thôi quí khách cũng nên thử cơm Hàn một lần cho biết.
Tôi đành nhận khay cơm của mình, tẩn mẩn mở nắp từng cái hộp nhựa con con nằm xếp gọn gàng thành hai hàng cạnh nhau ngắm nghía. Cái hộp nhựa đựng cơm to nhất nằm ở chính giữa hàng dưới là món chính, với loại gạo tròn dẻo tiêu biểu của người Hàn, trên mặt cơm có thịt heo băm xào với nấm đông cô, cà rốt, giá đậu tương và củ cải. Bên trái hộp cơm là một hộp canh “toàn quốc”, lõng bõng vài miếng cá mặn vụn, tô điểm với vài đốm hành xanh. Bên phải hộp cơm có một hộp kim chi khoảng chừng năm bẩy miếng. Ở hàng trên, cạnh hộp kim chi là một hộp nước lạnh, để trong lòng một cái ly con. Cạnh hộp nước là một hộp bánh ngọt vuông vức. Gói muỗng, dĩa, dao, giấy lau tay thì ở góc trái ngoài cùng. Bên cạnh gói dao nĩa này là một gói “phụ tùng” gia vị có xì dầu, dầu mè, tiêu, muối và một tupe ớt tương. Tôi trộn cơm và từng đó thứ “phụ tùng” theo lời chỉ dẫn của cô tiếp viên hàng không rồi trệu trạo nhai. Cơm trên máy bay là vậy, chẳng có gì đáng nói. Nhưng mình đi máy bay không phải để… ăn, nên tôi cũng ậm ừ thông qua nửa chén cơm Hàn.
Ăn cơm xong, tôi không thể nào ngủ lại được, nên đành ngồi nhìn máy bay bay trên màn ảnh radar. Nhìn được một lúc thì tôi mỏi mắt, tôi có cảm tưởng như là máy bay đang tà tà nương theo gió vì cái hình máy bay trên màn radar không chịu di chuyển một chút nào. Tôi bèn mở sang đài tivi để tìm nghe tin tức tình hình thế giới xem cái chuyện lộn xộn giữa Bắc Hàn và Nam Hàn đi đến đâu rồi. Mấy tuần lễ trước ngày đi tôi đã lo âu khi nghe tin Bắc Hàn đang sửa soạn bắn hỏa tiễn vệ tinh lên không trung và đe dọa là sẽ không bảo đảm an toàn cho những chiếc máy bay thương mại bay qua không phận Bắc Hàn, làm hai hãng máy bay lớn của Hàn Quốc là Korean Airlines và Asiana Airlines đã e ngại phải chuyển đổi đường bay. Nhưng loay hoay với cái control một lúc lâu mà tôi cũng không biết làm sao để đổi sang đài tin tức. Nhìn qua bên cạnh thì Hươu đã ngáy o o, nên tôi đành ngồi nhìn màn radar theo dõi hướng đi của máy bay qua từng không phận một… San Francisco rồi đến vùng biển Anchorage, Pacific Ocean… Đến khi máy bay đi ngang qua không phận Bering Sea thì tôi không còn chống mắt lên nổi nữa, tôi đã đi dần vào giấc ngủ từ lúc nào không biết.
4/4/09
Sáu giờ mười một phút sáng thì máy bay đáp xuống phi trường Incheon. Chúng tôi sẽ có khoảng hơn ba tiếng đồng hồ chờ đợi. Đáng lý ra thì chúng tôi đã phải chờ ở trạm chuyển tiếp này khoảng bốn tiếng đồng hồ, nhưng vì máy bay rời phi trường Los Angeles trễ hơn nửa giờ nên chúng tôi không phải chờ đợi lâu như đã định. Trong thời gian chờ đợi, con nhỏ bạn Grace của tôi xà vào hàng thủ công nghệ học dán mấy cái hộp giấy hoa hòe đem về Mỹ chưng cho vui nhà vui cửa. Mấy bà thích mua sắm thì dẫn nhau đi shopping. Tôi, Hươu và mấy người còn lại trong đoàn rủ nhau đi vòng vòng trong phi trường chụp hình, rồi cả đoàn hẹn nhau lên food court ở lầu hai ăn canh gà nấu sâm cho biết mùi vị…canh Hàn.
Chúng tôi đến phi trường Tokyo thì đã quá trưa. Ra đón đoàn tour ở phi trường là hai hướng dẫn viên Đỗ Thông Minh, Trần Đức Giang và Chris, người hướng dẫn viên ở địa phương. Nghe nói là đổi tiền ở phi trường được giá hơn là đổi tiền ở khách sạn trong thành phố, và phần nhiều những hàng quán Nhật thì chỉ nhận có tiền Yen nên mọi người hăng hái xếp hàng đổi tiền để khỏi phiền hà khi đi mua sắm. Chờ cho mọi người đổi tiền xong xuôi rồi Chris dẫn mọi người ra xe bus. Ra đến ngoài phi trường tôi hơi run vì gió bắt đầu thổi lạnh. Tôi hỏi Chris về thời tiết của ngày mai để sửa soạn áo quần thì Chris nói là thời tiết có thể ấm áp hơn hôm nay. Sau đó, khi lên xe bus rồi thì nghe anh Minh nói là đoàn tour của chúng tôi đến thật là đúng lúc, vì hoa đào đương vào độ mãn khai. Tuần lễ trước, trời bỗng dưng se lạnh nên hoa anh đào chỉ lấm tấm điểm trên những cành cao, bắt đầu ngày hôm qua trời trở nắng ấm, nên trăm, ngàn cánh hoa tưng bừng đua nở. Kỳ này đoàn tour của chúng tôi sẽ tha hồ có bao nhiêu hình hoa anh đào đem về để ngắm.
Từ phi trường về khách sạn cũng khá xa. Xe bus chở chúng tôi chạy dọc theo vịnh Đông Kinh, chạy qua cầu Rainbow Bridge, cái cầu nghe nói là có chân cong chân ruỗi, nhưng tôi cố nhìn hoài cũng chẳng thấy cái khác biệt của hai chân cầu. Xe cũng chạy qua những con đường thành phố rải rác những cây anh đào đang khoe màu hoa mới. Đúng là xứ hoa đào nên góc đường nào cũng rực rỡ với những cành hoa đào màu sắc khác nhau.
Gần hai giờ rưỡi chiều chúng tôi mới đến khách sạn Tokyo Hyatt Regency. Nhận phòng xong, tôi gọi về nhà để báo cho con biết là chúng tôi đã đến nơi. Sau đó thì tôi đi tắm rửa và nằm chợp mắt được khoảng một tiếng đồng hồ. Gần năm giờ rưỡi là đã phải trổi dậy đến tập họp ở tiền sảnh của khách sạn để bắt đầu bữa ăn tối ở Tokyo.
Nhà hàng chúng tôi đến ăn đêm đầu tiên ở Nhật là một nhà hàng BBQ “all you can eat”. có lò gas cho chúng tôi nướng thịt ngay ở trên bàn. Thức ăn ở nhà hàng buffet này xem ra còn ít hơn những nhà hàng buffet Todai ở Cali. Mang tiếng là nhà hàng Nhật mà quầy sushi chỉ nằm ở một góc nhỏ nhoi cuối góc phòng, mấy miếng sushi có những miếng cá hồi, cá thu, bạch tuột, tôm, mỏng dính nằm vắt vẻo trên mấy nắm cơm như chỉ chạy qua hàng đồ biển. Chắc có lẽ vì giá sinh hoạt ở Nhật đắt đỏ, nên thức ăn cũng rất độ khiêm nhường. Thêm nữa, những món thịt của Nhật không được ướp gia vị gì nên chẳng được đậm đà. Tôi tìm hoài cũng chẳng thấy tiêu muối ở đâu chứ đừng nói gì mong tìm đến dầu hào, maji, ớt tương và ớt trái. Vừa nhúng mấy miếng thịt vào đĩa nước tương lạt thếch rồi bỏ lên lò nướng tôi không khỏi nhớ đến cái món thịt ướp xả, tiêu, hành hương, nước mắm thơm tho tôi vẫn nướng ở nhà.
Ăn xong cơm tối, còn thì giờ nên chúng tôi đi bộ một vòng con đường Ginza, con đường chính, sầm uất nhất của quận Shinjuku. Cũng như những con đường chính của những thành phố xa hoa tráng lệ khác như Shanghai, Hong Kong, Ginza đông đặc khách bộ hành. Cũng có thể vì hôm nay là chiều thứ bẩy. Đường phố Nhật tuy đông người nhưng thật là sạch sẽ, không có đến một cọng rác, chúng tôi tìm hoài cũng không tìm ra được một thùng rác ở dọc đường. Phố xá đẹp đẽ, sạch sẽ như vậy, nhưng tôi không hiểu sao nhiều người Nhật lại mang khẩu trang như những người ở Việt Nam. Hỏi anh Minh thì mới biết người Nhật mang khẩu trang để tránh bị cảm cúm trong mùa lạnh, họ cũng không muốn nhiễm bệnh từ những người chung quanh, và nhất là để tránh dị ứng với mùi thơm của hoa đào, của phấn thông.
Bọn chúng tôi đang tà tà tản bộ thì trời đổ một trận mưa rào. Vì không chuẩn bị nón, dù nên bọn chúng tôi phải kéo áo che đầu rồi cùng nhau nhanh chân chạy đến trú mưa dưới mái hiên của một siêu thị gần đó để chờ Chris gọi xe bus đến đón. Trong khi đợi xe, mấy bà nội trợ Việt Nam tò mò bước vào siêu thị thăm dò giá cả. Chúng tôi không thể nào tin được mắt mình nhìn, trời đất ạ, một trái dưa hấu nho nhỏ cỡ ở Costco bên Mỹ bán $5 hai trái, bên này chợ Nhật bán giá khoảng $18 tới $20 một trái, cantaloupe giá từ $40 tới $50 một trái, sầu riêng từ $40 tới $45 một trái, mấy trái dừa tươi còn vỏ bên Mỹ bán khoảng $1, $2 một trái thì bên Nhật giá từ $7 tới $8. Bọn tôi lắc đầu bảo nhau không hiểu làm sao người Nhật có thể sống với cái giá sinh hoạt như thế này trong lúc tình hình kinh tế nước Nhật cũng bị ảnh hưởng với sự khủng hoảng kinh tế của toàn cầu. Tôi bèn khều Hươu vào chụp mấy tấm hình làm bằng, không thì đi chơi về kể lại chắc chẳng ai tin.
Về được đến phòng mình là tôi và Hươu cũng đã rã rời vì qua một quãng đường bay dài và những giờ chờ đợi mệt mỏi. Hai chúng tôi thay phiên nhau tắm gội rồi sửa soạn đi ngủ. Phải công nhận là phòng vệ sinh của những khách sạn ở Nhật rất là hiện đại, được trang bị bằng những toilet có vòi nước ấm, làm khách trọ cảm thấy sạch sẽ, thoải mái sau khi làm xong công việc cần thiết.
Mệt mỏi như vậy mà Hươu và tôi cũng không ngủ được thẳng giấc. Tới chừng ba giờ sáng thì tôi không thể nào ngủ thêm một chút nào nữa. Hai chúng tôi bèn trổi dậy tắm rửa thay quần áo, coi tivi chờ giờ đi ăn sáng. Sáu giờ sáng hai vợ chồng tôi lò mò xuống basement tìm phòng ăn, tưởng là mình đến sớm, ai ngờ đâu đồng hương của mình cũng đã tề tựu gần đông đủ ở đó rồi, hóa ra là bà con chung đoàn mình cũng không ai ngủ được cả.
|