Trên đường đi tua gai có cho biết là dân Miên khá lắm rồi, xe hơi là thứ dễ tậu lắm vì nhà nước không đánh thuế nặng xe nhập cảng như VN. Trên đường ít thấy dây điện nhưng nhà nào cũng sắm truyền hình, họ dùng bình ac quy. Nước Cambodia dùng điện do Thái Lan và VN bán lại. VN không "cho" họ xây đập trên sông Mekong vì sợ ảnh hưởng tới châu thổ hai nhánh Tiền và Hậu giang. Dùng chữ "không cho" nghe nặng quá, nhưng mối liên hệ giữa hai quốc gia này chắc chắn có lắm điều tế nhị. Người Việt sang Miên du lịch, đánh bài. Người Miên sang Việt Nam để chữa bệnh chớ du lịch thì không quan trọng. Ngành y tế ở Miên còn kém lắm. Trong ba nước Đông Dương thì VN là anh cả. Người anh cả này so sánh thì tánh lanh lợi, giỏi dắn, ăn đứt hai đứa em kia. Chính họ cũng phải công nhận là người Việt thông minh, tài giỏi hơn họ. Đó là lời xác nhận của các bạn bè mà tôi làm quen ở bên Mỹ này. Mới đầu tôi nghĩ là có sự thua sút đó vì người dân theo Phật giáo Nam tông thường "hiền" hơn Bắc tông, nhưng Thái Lan cũng Nam tông mà có kém cạnh VN đâu (hay có kém mà tôi không biết?). Điều thấy rõ là các nước lân bang này có một tiềm năng kinh tế mà VN sẽ nhắm tới. Nếu VN đất chật người đông, người khôn của khó thì còn đợi gì mà người Việt không sang làm ăn ở các nước này. Đừng đi chậm rồi uống nước đục.
Sau đó chúng tôi ghé quán ăn, bảng hiệu ghi ba thứ tiếng: Miên, Tàu, Anh. Tiếng Anh thì là Saigon-City Restaurant. Ăn xong rồi thì xe lên đường đến khách sạn để nhận phòng. Càng vào thủ đô Nam Vang thì người và xe càng đông đúc. Trên đường đi có khi thấy cả một dãy nhà đang được đập phá. Nam Vang đang thay da đổi thịt. Dọc con sông lớn thấy các công trình xây cất đang thi công.
Rồi thì tới khách sạn, khách sạn 5 sao có sòng bài.
Sau khi tắm táp và thay đổi .... xiêm y thì mọi người tập trung xuống sảnh đường để được chở đi chợ. Khu chợ này có một trung tâm thương mại 10 tầng do người Việt làm chủ. Nghe đâu ông xuất thân từ một người nghèo khó, nhưng đã phấn đấu và thành công trong thương trường. Nghe mang máng thì ông là người giàu lắm, giàu ghê lắm.
Bữa ăn trưa tôi có uống một ly nước cam có lẽ không tươi. Cho nên sau đó tôi chột bụng, khó chịu quá chừng. Bệnh là thấy mất vui liền. Tôi đi không nổi nữa, đành tìm một băng gỗ ngồi ngó thiên hạ shopping. Tuy nhiên, từng đi nhiều nước tân tiến nhất thế giới rồi thì các khu shopping không còn làm tôi háo hức gì cả. Nói trắng ra là tôi không còn thích đi shop nữa, những cửa hàng na ná nhau trên các quốc gia đang được tây hóa này. Hàng hóa của Miên thì không có sản phẩm gì cho đặc biệt. Họ nhập cảng từ Thái Lan, Sài Gòn hay Trung quốc, những món đồ tràn lan khắp nơi Made in China xâm nhập khắp thế giới. Tôi tính mua vài lố dầu cù là, dầu nóng hiệu Miên để làm quà khi trở lại nhà, nhưng hỏi ra thì giá cả lại cao hơn so với mua ở Sài Gòn. Nhưng tôi cũng kệ, mua ủng hộ dân Miên. Tôi hy vọng là tôi cũng góp phần chút đỉnh cho sự phồn vinh của đất nước này.
Khách sạn có sòng bài này nghe nói là chỉ dành cho người ngọai quốc vô chơi. Người Miên không được cờ bạc. A, thì ra họ cũng khôn, cứ tìm cách móc túi người ngọai quốc. Tôi lên nằm một hồi cho đỡ mệt rồi cũng lọ mọ đi xuống coi. Đã từng đi Las Vegas, Reno rồi thì còn sòng bài nào trên thế giới làm tôi muốn vô coi nữa. Lại thêm tôi không cờ bạc. Không khí sòng bài làm tôi ngao ngán.
Trong sảnh đường có cả một sân khấu có trình diễn múa để cho khách không đánh bài thưởng thức. Nhưng lại không có ghế ngồi. Và chương trình cũng lèo tèo vài tiết mục rồi chấm dứt. Tôi trở lên phòng. Từ cửa sổ nhìn ra ngòai thấy chiếc cầu gắn đèn rất đẹp bắc qua con sông. Chiếc cầu định mệnh này đã chứng kiến một cuộc dẫm đạp chết rất nhiều người hồi đầu năm nay.
Từ khách sạn nhìn ra.