Ghe tới trường học. Trường cũng xây theo kiểu bè như vậy. Nhưng lúc đó đang có hai ghe vừa cập bến thăm viếng cho nên ghe chúng tôi phải tạm đi ra xa xa để chờ. Trưởng đoàn nói là chờ khoảng 15 phút. Ghe đi ra ngòai biển. Ra tới nơi thì mênh mông quá. Nhìn không thấy bờ. Ghe tắt máy cho nổi lềnh bềnh.
Tôi man mác nhìn cái hồ nổi tiếng được học qua địa lý từ xưa. Có phải cái biển này đã đi vào ca dao Việt Nam?
Cha mẹ nuôi con Biển Hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ (con) tính tháng tính ngày
Ngó các ngôi nhà bè của Việt kiều nhà nào cũng có ghe nhỏ làm phương tiện di chuyển. Trên sàn một nhà thấy có một nhóm đàn ông đang ngồi đánh bài. Một chị trề môi: Thấy đàn ông kìa, họ thì ngồi cờ bạc trong khi cho vợ với con cái đi xin tiền.
Đại khái thì VK ở đây sống bằng nghề đánh cá. Vậy thì họ cũng như dân Miên ở đó thôi. Thậm chí nhà của dân Miên dọc theo bờ sông cất theo kiểu nhà sàn tôi thấy còn rếch rác hơn cả các nhà bè của VK. Xưa nay người Việt có tiếng là cần cù chịu khó hơn so với người Lào hay Miên. Trong quyển Người Việt Gốc Miên, nhà nghiên cứu Lê Hương cũng xác nhận là dân Miên ít có tinh thần làm giàu. Họ chỉ làm đủ ăn, có bao nhiêu tiền thì cúng vô chùa. Cho nên xóm Miên nhà ở thì tầm thường nhưng chùa thì lộng lẫy xinh đẹp. Người Việt sang Miên hay Lào thường phất lên giàu có vì dân sở tại thiếu tinh thần cạnh tranh. Có lẽ cũng tại vậy mà lâu lâu bị dân Miên nổi lên cáp duồng, chạy trối chết về lại quê hương. Nhưng giờ đây thì ta bị "chặt " cách khác, bằng các máy chém ở sòng casino!
Khi trở lại trường học thì hai đoàn trước đã rời bến. Ghe chúng tôi cập vào bè, từng người leo lên. Chung quanh là các ghe nhỏ bao vây xin tiền và sữa. "Cho một ngàn đi cô, cho một ngàn đi bác.... Cho con sữa đi cô....". Nhưng làm sao mà vói tay đưa tiền cho họ được cho nên tôi không thấy ai trong nhóm móc túi ra. Mọi người lo chuyển đồ lên trường. Đang có một lớp học. Chúng tôi người thì trò chuyện với giáo viên, người thì phát quà cho bọn trẻ, người thì lo .... bấm máy. Trong lúc trò chuyện với thầy giáo thì có một ông nọ trèo lên trường phàn nàn vì con ông bị gãy giò gì đó vào hôm trước vì bị ghe sấn vô. Chắc ông muốn phái đoàn giúp đỡ. Hình như có người tặng cho ông hai hộp sữa. Một số bọn trẻ và phụ nữ bu ngòai hàng rào trường cũng léo nhéo xin xỏ. Chúng tôi loáng thoáng bàn nhau tại sao không có một nhóm lãnh đạo Việt kiều ở đây để nhận phẩm vật cứu trợ và chia sẻ cho mọi nhà cho công bằng. Thế nhưng có người lại bảo là nhóm dân này không được thừa nhận. Họ là công dân VN nhưng bỏ nước lên đây sinh sống. Chính phủ Miên làm ngơ cho họ tạm sinh sống trên sông nước thế này. Làm sao có thể hợp pháp hóa bằng một lãnh đạo nhóm này được. Chính phủ Miên làm sao chấp nhận. Nghe thì cũng có lý. Người thì bàn tại sao chính phủ VN không kéo hết đám này về mà lo nơi ăn chốn ở cho họ. Trời đất, thì tại ở bên nhà không còn đường sống mới phải lên đây....Trừ phi chính phủ Miên đuổi đi thì mới phải có sự thương lượng ngọai giao để nhận về....Nhưng có lẽ nhóm dân này không là một đe dọa cho an ninh của Miên cho nên họ làm ngơ....Thì cũng làm nghề đánh cá vậy thôi, chưa kể các đoàn từ thiện ì xèo mang tiền tới giúp. Giúp công ăn việc làm cho đám ghe chở chuyên ra vào nữa chớ.
Mỗi ngày trường có 4 lớp học, từ lớp 1 đến lớp 4, do hai giáo viên phụ trách. Cô giáo thì mặc bà ba, thầy trẻ hơn ăn mặc bảnh tỏn quá sự tưởng tượng - nếu thêm cái áo veste thì là anh giống như ông giám đốc nhà băng rồi.
Chừng nửa giờ sau thì mọi người lên ghe ra về. Tôi bâng khuâng tự nghĩ thầm, ừ tại sao mình không xin ở lại đây một thời gian....