Bài này thấy trên NET. Không biết là truyện thật hay truyện giả tưởng.
(Tôi mới tìm được cuốn sách dịch những truyện tình hay nhất của Phùng Mộng Long. Xem thì thấy như là người viết bài ở vietmedia thay tên Tống Ngọc vào truyện của PML rồi đăng trong mục giai thọai văn chương truyện Kiều của họ (?). Trong truyện của PML tên sở khanh bị quan phạt tội trượng chết.)
Nguyễn Nhược Pháp và xuất xứ bài thơ Chùa Hương
23/02/2004
Ca khúc “Hôm qua em đi Chùa Hương” của nghệ sĩ Trung Đức, phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp là tác phẩm nổi tiếng và đã được phổ biến rộng rãi. Bài hát đã khắc sâu vào tâm thức người nghe những nét nhạc trẻ trung, trữ tình, lãng mạn nhưng cũng rất ngọt ngào làm rung động lòng người. Nhưng cuộc đời thi sĩ và xuất xứ bài thơ Chùa Hương thì không phải ai cũng biết.
Nguyễn Nhược Pháp, sinh ngày 12/12/1914, quê làng Phượng Vũ - Phú Xuyên - Hà Tây. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu sự nghiệp viết báo, làm thơ, truyện ngắn và kịch. Nguyễn Nhược Pháp được hai nhà phê bình thơ nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam là Hoài Thanh, Hoài Chân đánh giá: "Với vài ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Thơ ông đậm đà những nét phong tục xưa, những nếp văn hoá truyền thống được thể hiện qua những nét tinh tế mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc nhưng không thể thấy dấu tích một nhà thơ xưa nào. Người mất năm 24 tuổi, tấm lòng trắng trinh như hồi còn thơ".
Trong bài thơ Chùa Hương, chàng thi sĩ 20 tuổi đã thể hiện tình cảm của mình với cô bé 15 tuổi thanh tao đến thánh thiện, đằm thắm mà không uỷ mị, nồng cháy mà vẫn thanh lịch, trữ tình mà tinh tế, cả tâm hồn và hiện thực hoà quyện vào nhau hài hoà khiến Chùa Hương có vị trí xứng đáng trong thi đàn.
Thi phẩm Chùa Hương ra đời trong hoàn cảnh rất kỳ thú. Hội Chùa Hương năm 1934, ông cùng nhà văn Nguyễn Vỹ và hai người bạn nữ sinh Hà thành đi trẩy hội. Đến rừng mơ, hai văn nhân gặp một bà mẹ cùng cô gái độ tuổi trăng rằm vừa bước lên những bậc đá vừa niệm phật "Nam mô cứu khổ quan thế âm Bồ Tát”. Vẻ đẹp thánh thiện mang nét chân quê của cô gái đã hớp hồn hai chàng thi sĩ khiến họ trân trân nhìn quên cả hai bạn gái cùng đi. Nguyễn Nhược Pháp lại gần hỏi. "Tại sao trông thấy chúng tôi cô lại không niệm phật nữa?". Cô gái bối rối, thẹn thùng như muốn khóc. Hai người bạn gái gọi hai chàng thi sĩ để đi tiếp nhưng họ đã bị hớp hồn, tai đâu còn nghe thấy. Giận dỗi, họ bỏ đi. Lúc bừng tỉnh, hai văn nhân không thấy các cô đâu vội len thốc len tháo, lách qua những dòng người đang trẩy hội nhưng tìm đâu cho thấy. Mệt và ngán ngẩm, hai thi sĩ quay lại tìm cô gái chân quê thì cả hai mẹ con cũng đã lẫn vào dòng người.
Đêm đó, Nguyễn Nhược Pháp không sao chợp mắt được. Hình ảnh cô gái chân quê đi Chùa Hương khiến ông xúc động viết lên những vần thơ có sắc màu tươi vui, hình ảnh ngộ nghĩnh, cả hồn người lẫn vẻ đẹp của ngày xưa hiện lên trên từng câu, từng chữ:
Suối Yến - chùa Hương
Hôm qua em đi chùa Hương
Hoa cỏ còn mờ hơi sương
Cùng thầy mẹ em dậy
Em vấn đầu soi gương.
Nho nhỏ đuôi gà cao;
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới;
Tay cầm nón quai thao...
Thuyền đi qua Bến Đục
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói
“Nam mô A Di Đà"...
Cô gái chùa Hương khi in vào tập Ngày Xưa thì hai chữ Cô gái bị bỏ đi, chỉ còn Chùa Hương. Bài thơ trước đây đã được nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc song không được phổ biến rộng rãi. Phải tới gần 60 năm sau, nghệ sĩ Trung Đức qua lần đi Hương Sơn cảm tác đã phổ nhạc bài thơ, thêm bớt lời để thành bài hát Hôm qua em đi chùa Hương. Ngay từ lần phát sóng đầu tiên, Hôm qua em đi chùa Hương đã được đông đảo thính giả ưa thích và nhanh chóng được phổ biến rộng rãi.
Đến nay, bài thơ Chùa Hương đã tròn 70 tuổi, Nguyễn Nhược Pháp đã qua đời được 65 năm, song Chùa Hương cùng tên tuổi nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp vẫn sống mãi với Chùa Hương, với thời gian.
(Theo VOV News)
http://nguoivienxu.vietn...n/butviet/2004/02/52194/