Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Phạm Thị Nhung
PC
#1 Posted : Wednesday, October 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)


Phạm Thị Nhung

Sinh năm 1937, sinh quán Hà Nội

Tốt nghiệp đại học Sài Gòn ban Việt Hán năm 1961

Ban cử nhân văn chương Việt Hán đại học văn khoa Sài Gòn (59 – 61)

Giáo sư chuyên khoa các trường nữ trung học Sài Gòn: Gia Long (61 – 75), Régina Mundi (69 – 75)

Sau biến cố 75 cùng gia đình định cư tại Pháp Quốc

Đỗ bằng âm học và ngữ học, diplôme de phonétique at de Linguistique tại đại học Sorbonne Paris III (78)

Từ năm 1987 đến nay tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở hải ngoại như Pháp, Mỹ, GIa Nã Đại... bằng những bài thuyết trình.

Ngoài ra bà còn sáng tác nhiều thơ, thơ của bà được trình bày trong những kỳ đại hội thơ văn do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris tổ chức. Năm 1996 với chủ đề Thu trong thi nhạc, bà đã giới thiệu nhà thơ Phương Du qua chủ đề Thu Paris và Quê Hương.

Những tác phẩm đã xuất bản:

- Truyện Kiều và Tuổi Trẻ
(đồng soạn với giáo sư Lê Hữu Mục và ds Đặng Quốc Cơ 1999)

- Tiếng nói Đoàn Thị Điểm trong Chinh Phụ Ngâm Khúc (2001)
Hạt Cát
#2 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:07:37 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Tue Jun 15, 2004 7:58 pm
Tiêu đề: NHỮNG NÉT ĐẸP CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM

NHỮNG NÉT ĐẸP CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM XƯA
QUA CA DAO

Giáo sư Phạm thị Nhung


Theo huyền sử, khoảng năm ngàn năm trước đây, dân Lạc Việt, giống Bách Việt, tổ tiên chúng ta, đã khởi nghiệp tại vùng hồ Ðộng Ðình (thuộc lưu vực miền nam sông Dương Tử); rồi sau hàng ngàn năm tranh đấu quyết liệt đã vượt thoát được bao cuộc xâm lăng diệt chủng ghê gớm của Hoa tộc mà lui dần xuống phương nam, lập được một vương quốc trên đồng bằng sông Hồng, lấy tên nước là Văn Lang (có nghĩa là nước của những làng có văn hóa) do các vua Hùng, họ Hồng Bàng trị vì.

Tiếp nối các đời vua Hùng là triều đại nhà Thục, rồi nhà Triệu.

Từ năm 111 trước TL, nhà Đông Hán đem quân sang xâm chiếm nước ta. Trong lúc toàn dân đang tuyệt vọng và đau khổ dưới ách thống trị của người Trung Hoa thì ở huyện Mê Linh, hai chị em bà Trưng Trắc, Trưng Nhị nổi lên đánh đuổi đạo quân tham tàn của thái thú Tô Định, giành lại được độc lập, tự do cho nước nhà (năm 40 của thế kỷ thứ nhất).

Kể từ khi các vua Hùng lập quốc, từ khi lịch sử được ghi chép thành văn đến nay thì cuộc khởi nghĩa của hai vua Bà họ Trưng đã mở đầu cho những trang sử vàng son của dân tộc.

Chiến công hiển hách của Hai Bà đã hòa đồng cùng khí thiêng sông núi và tạo thành một truyền thống hào hùng bất khuất của con dân đất Việt. Sau đó, biết bao anh hùng hào kiệt như Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ, Quang Trung, … đã nối chí Hai Bà, không nề gian khổ hiểm nguy, kiên quyết tranh đấu đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ đất đai và chủ quyền cho quốc gia dân tộc.

Riêng nữ giới cũng có lắm bậc anh thư cân quắc, noi gương Hai Bà lập được nhiều sự nghiệp vẻ vang về văn cũng như về võ.

Về võ, ta có một Lê Chân, một Bát Nàn, hai vị võ tướng kiệt liệt đã giúp Hai Bà đoạt được nhiều thành trì trong tay giặc Hán; một Bà Vương Triệu Thị Trinh muốn "đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển đông, quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi", đã làm cho quân Đông Ngô phải run sợ; một đô đốc Bùi Thị Xuân, vị nữ tướng lừng danh chiến đấu anh dũng của nhà Tây Sơn; một Cô Giang, một Cô Bắc từng gây nhiều trở ngại cho quân xâm lược Pháp … đã phản ảnh khí phách hào hùng và nêu cao truyền thống "giặc đến nhà, đàn bà phải đánh" của gái Việt.

Về văn, ta có một Đoàn Thị Điểm tài hoa, lịch duyệt; một Bà Huyện Thanh Quan cổ kính, trang đài; một Hồ Xuân Hương phóng túng, dí dỏm; một Ngọc Hân công chúa lâm li, não nuột v.v… đã vun bồi cho vườn hoa văn học nước nhà thêm bao hương sắc.

Nhưng ngoài những vị anh thư, kỳ nữ nổi bật đó, còn biết bao người phụ nữ Việt Nam khác chỉ sống âm thầm nơi xóm làng, an vui với bổn phận tề gia, nội trợ của người vợ đảm, mẹ hiền… Vậy muốn tìm hiểu trung thực hình ảnh và đời sống tâm tình của người phụ nữ Việt Nam nói chung này, chúng ta nên đi sâu vào nếp sống bình thường của họ, mà từ ngàn xưa đã được người bình dân truyền tụng qua ca dao, qua câu hát, tiếng hò.

Chúng ta đều biết, ca dao, dân ca chủ về trữ tình nên những bài nói về nữ giới có rất nhiều; tuy vậy,chúng chỉ là những câu ca ngắn ngủi, ý tứ rất tản mạn. Thế nên, sau khi thu thập tài liệu, chúng tôi đã cố gắng dựa theo tình ý của lời ca, câu hát, mà tạo dựng nên những cảnh ngộ, sắp xếp theo từng lớp lang, diễn tiến sao cho hợp tình hợp lý. Những mong, nhờ đó chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện ra được những nét đẹp từ vật chất đến tinh thần của người phụ nữ Việt Nam xưa, qua hai giai đoạn quan trọng của cuộc đời:

- Khi còn con gái.

- Và khi đã lập gia đình.

A. KHI CÒN CON GÁI

1. Những nét đẹp về vật chất

a-Nhan sắc

Khi còn con gái, người thiếu nữ VN sống êm đềm dưới gối cha mẹ để chờ ngày xuất giá vu qui. Đây là thời kỳ thơ mộng nhất, nàng được cha mẹ yêu thương rất mực và dạy bảo, khuyên răn đủ điều về nữ công, nữ hạnh để trở thành một người thiếu nữ hoàn toàn :

Phận gái tứ đức vẹn tuyền
Công dung ngôn hạnh là tiên phàm trần!

Lại nhờ có nhan sắc, nàng được nhiều chàng thanh niên để ý săn đón, yêu thương :

Vì cam cho quít đèo bồng
Vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương

Hay tiến xa hơn nữa :

Vào vườn hái quả cau non
Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên.

Mỗi người thiếu nữ đều có một cái duyên, một sự hấp dẫn riêng để làm say đắm lòng người khác phái. Nhưng tựu trung, nhan sắc của các nàng cũng không ngoài những điều đã được ca dao truyền tụng:

Có nàng đẹp nhờ mái tóc rậm dài bồng bềnh, và đôi chân mày cong vòng như viền trăng non:

Chân mày vòng nguyệt có duyên
Tóc mây gợn sóng đẹp duyên tơ hồng.

Hay có cặp lông mày thanh mướt như lá liễu và khuôn mắt thuôn dài như dáng lá rau răm :

Những người con mắt lá răm
Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền.

Có nàng đẹp nhờ hai con mắt to tròn đen láy, trông hiền lành, ngây thơ như mắt chim bồ câu:

Cổ tay em trắng như thể gương tàu
Đôi mắt bồ câu làm cho phải khổ.

Hay sáng ngời, lấp lánh như ánh sao khuya :

Nhấp nhánh là nhấp nhánh ơi
Mắt người lấp lánh như sao trên trời
Nhớ người lắm lắm người ơi!

Có nàng lại đẹp nhờ hai má có hai lúm đồng tiền, mỗi khi nói nói, cười cười tạo nên một cái duyên hấp dẫn là thường :

Hai má có hai đồng tiền
Càng nom càng đẹp, càng nhìn càng ưa.

Hay vì có nước da trắng nõn, đôi gò má đỏ au, đôi môi hồng đào, khiến nét mặt trở nên tươi thắm vô ngần, nhiều cậu vừa thoáng thấy đã phải chú ý rồi đem lòng trộm dấu, thầm yêu:

Ai xui má đỏ ,môi hồng
Để anh nhác thấy đem lòng thương yêu.

và :

Nước trong ai chẳng rửa chân
Cái má trắng ngần ai chẳng muốn hôn.

Tuy nhiên nụ cười vẫn là vẻ đẹp quyến rũ nhất của người thiếu nữ, một nụ cười tươi gây nên bao nỗi nhớ, niềm thương :

Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười,
Trăm quan mua lấy miệng cười
Nghìn quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.

Sau hết phải kể tới vóc dáng. Người con gái đẹp là người có thân hình thon thả, thanh tú:

Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu.

Người thanh tất nhiên không phải là người béo, cũng không phải là người gầy, vì người đẹp phải là người có da, có thịt, cổ tay phải tròn lẳn, mềm mại kia :

Cổ tay em trắng lại tròn
.............................…
Gối chăn gối chiếc không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em.

Đã thế, người đẹp còn phải có eo thon, tạo nên sự cân đối và làm nổi bật được những đường nét yêu kiều cho vóc dáng :

Những người thắt đáy lưng ong
Vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con.

Tóm lại, người thiếu nữ VN xưa được kể là đẹp phải thuộc vào hạng những người có nước da trắng trẻo hồng hào, mái tóc rậm dài tha thướt, nét mặt tươi thắm hồn nhiên, dáng vóc thanh tú cân đối mềm mại. Người đẹp như thế thì đứng đâu mà chả đẹp :

Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.

Ðã vậy, theo bản tính tự nhiên, người thiếu nữ VN xưa cũng biết cách làm tăng thêm vẻ đẹp sẵn có của mình. Nàng được bác mẹ dạy "cái răng cái tóc là gốc con người" nên hằng cố gắng trau chuốt.

Nàng còn biết "Đàn bà tốt tóc thì sang", mà muốn :

Tốt tóc thì cỏ mần trầu
Sạch ghét sạch gầu bồ kết với chanh.

Áp dụng những chất liệu đó, nàng đã tạo được cho mình một mái tóc rậm, dài tha thướt, làm cho bao chàng phải trầm trồ:

Anh đi khắp bốn phương trời
Chẳng đâu lịch sự bằng người ở đây.
Gặp em má đỏ hây hây
Răng đen nhưng nhức, tóc mây rườm rà.

Nàng cũng biết giắt hoa trên đầu để ướp hương cho tóc và làm cho suối tóc thêm vẻ mỹ miều:

Tóc em dài em cài bông hoa lý
Miệng em cười có ý anh thương.

Có nàng thả suối tóc buông lơi trước gió khiến lắm chàng trai phải xao xuyến, đê mê :

Tóc đến lưng vừa chừng em búi
Để chi dài bối rối dạ anh.

Còn đây là nụ cười, ai cũng biết nụ cười, khóe mắt la hai yếu tố tạo nên vẻ linh động, duyên dáng nhất trên khuôn mặt người đàn bà. Và nụ cười chính là lợi khí đầu tiên của người thiếu nữ để chinh phục tha nhân.Thế nên, ngay khi vừa mới dậy thì, người thiếu nữ đã sớm biết tạo cho mình một cái duyên bằng nụ cười :

Trăng rằm mười sáu trăng nghiêng
Thương ai chúm chím cười duyên một mình.

Và lạ chưa, vừa nhìn qua nụ cười, người ta đã đoán ngay nàng là gái chưa chồng :

Răng đen nhưng nhức hạt dưa
Miệng cười tủm tỉm như chưa có chồng.

Vì ý thức được rằng, người chung quanh sẽ đánh giá sự giáo dục gia đình, và đoán biết được tình ý của mình qua nụ cười nên nàng rất giữ ý tứ. Người con gái có ý tứ không được cười toét miệng hoặc cười thành tiếng, mà chỉ cười nụ, chúm chím đầu môi như nụ hoa ngâu nhỏ xíu, khum khum hàm tiếu :

Nụ cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.

Nụ cười có ý tứ ấy, chẳng những dễ dàng gây được thiện cảm với các chàng trai ngay trong buổi đầu gặp gỡ ,mà còn có khả năng lưu lại tình quyến luyến lâu dài trong ký ức của họ :

Nhớ khi khăn mở trầu trao
Miệng thì cười nụ biết bao nhiêu tình.

Nếu không chúm chím thì đôi môi cũng chỉ được hé mở, đủ lộ hai hàm răng đen nhánh, tạo cho người con gái một vẻ đẹp tươi tắn, rực rỡ :

Ngó lên lỗ miệng em cười
Như búp hoa nở, như mặt trời mới lên.

Nụ cười tươi với hàm răng đen nhánh ấy đã gây được bao nhiêu thi hứng trong ca dao. Biết bao chàng trai đã vì chúng, sau cuộc vui ra về còn ôm mãi mối tương tư :

Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Răng đen ai khéo nhuộm cho cô mình
Để duyên cô mình đẹp
Cho cái tình chúng anh yêu.

Nàng còn biết làm đỏm thêm bằng miếng trầu cho đỏ cặp môi, bằng hớp rượu cho hồng đôi má :

Có trầu cho miếng đỏ môi
Có rượu cho chén thêm tươi má hồng.

Và cuối cùng là con mắt, người đông phương chúng ta không cần phải đọc sách Tây phương mới biết "con mắt là cửa sổ của linh hồn". Chẳng thế, các cụ ta xưa đã biết nhìn vào mắt nhau để đoán biết tình ý. Sau giây phút thăm dò "Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa", khi đã chịu ai rồi thì từ đấy người con trai mới bắt đầu mơ mộng, thôi thì thương ai từ cái tóc thương đi:

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Bẩy thương nết ở khôn ngoan
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.

Chàng thương hơn nữa vì nàng còn sống độc thân, chàng mới được phép ước ao, hy vọng. Nhưng còn một điểm tối hậu, quyết định cả số mệnh cuộc tình của chàng.?... Thì đây, chàng đã bắt được tín hiệu "con mắt có tình", ngầm cho phép tiến tới của nàng. Ôi ! thương biết mấy "con mắt có tình với ai" kia:

Chín thương cô ở một mình
Mười thương con mắt có tình với ai.

Ngay cả trường hợp có nàng chưa hề biết tình ý của đối phương, nhưng trong cuộc gặp gỡ, một khi nàng đã chịu ai rồi, đã nhắm ai rồi thì liền biết lợi dụng đôi mắt đẹp của mình để tấn công. Đôi mắt nhấp nháy, lóng lánh, đong đưa chiếu vào mắt ai như mời gọi, hứa hẹn...khiến đối phương như bị ma lực hớp hồn, khó lòng mà tránh khỏi cạm bẫy của tình trường:

Hoa thơm hoa ở trên cây
Con mắt em lúng liếng
Dạ anh say lừ đừ.

b- Y trang

Bên cạnh sắc đẹp về thể chất, y trang cũng giúp nàng thêm phần lộng lẫy. Trong bộ y phục của người phụ nữ VN xưa, cái yếm che ngực lại được để ý hơn cả. Nó được để lộ ra sau lớp áo cánh xẻ nách, có cổ thìa mổ trễ xuống gần lũng ngực và tấm áo dài không gài nút. Cả hai đều màu nhã, do đó, nàng thường cố tình chọn màu yếm cho thật nổi:

Khi thì yếm trắng tinh :

Hỡi cô yếm trắng lòa lòa
Yếm nhiễu, yếm vóc hay là trúc bâu
Hay là lụa bạch bên Tầu
Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài.

Khi thì yếm đào :

Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?

Khi lại yếm thắm. Và bao giờ nàng cũng thắt thêm chiếc thắt lưng khác với màu yếm, nhưng thường là màu xanh hoa lý cho tăng phần diêm dúa :

Hỡi cô yếm thắm, bao xanh
Có về Gia Định với anh thì về.

Ngày xưa, người đàn bà bước chân ra khỏi cửa là phải mặc áo dài.Các nàng mặc áo dài tứ thân (áo phía sau nối suốt dọc sống kể là hai thân, áo phía trước có hai vạt rời dài bằng nhau, không có nút gài mà buộc chéo trước bụng rồi thả thõng xuống ), Nhiều nàng vì phải gánh gồng buôn bán, vai áo chóng rách; để khỏi phải bỏ phí cả áo, người xưa nghĩ cách tiết kiệm, chỉ thay nửa thân áo trên bằng loại vải có màu xẫm hoặc lạt hơn, gọi là áo vá vai hay vá quàng :

Thương em thuở áo mới may
Bây giờ áo rách hai vai vá quàng.

Áo vá quàng vì thêm màu sắc trông lại có duyên, nhiều nàng bắt chước, trở thành thời trang :

Có chồng bớt áo thay vai
Bớt màu trang điểm kẻo trai nó lầm.

Nàng là gái hàng phố nên mặc áo năm thân, còn gọi là áo năm tà. Nàng thường mặc để đi chơi hay khi phải tiếp khách (vạt trước và vạt sau đều nối dọc ở giữa thành mỗi vạt kể là hai thân, lại thêm một vạt con để cài khuy) :

Vải nâu may áo, kìa áo năm tà
Ai may cho cô mình mặc
Xem hội cái đêm hôm rằm, rằm tháng giêng.

Nàng còn biết vấn khéo vành khăn, cố tình để lộ đuôi tóc dài như đuôi gà, vắt vẻo trên đầu, lại phất phơ, đong đưa theo bước đi, trông rất gợi cảm. Lối bỏ tóc đuôi gà này cũng đã tạo nên cái mốt một thời; "Một thương tóc bỏ đuôi gà " là vậy.

Trời lạnh, trên đầu nàng chít khăn, khăn chít khum khum, ôm lấy khuôn mặt trẻ trung mơn mởn, khác nào như cánh hoa sen :

Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.

Ra đường, nàng đội thêm chiếc nón xứ Nghệ, có nơi còn gọi là nón ba tầm hay nón thượng quai thao, để làm duyên hơn là để che mưa nắng; chẳng thế mà khi đi xem hội ban đêm nàng cũng đội :

Chẻ tre đan nón - Kìa nón ba tầm
Anh cho em đội xem hội cái đêm hôm rằm, là rằm tháng giêng.

Đây là một thứ nón mặt tròn, đường kính chừng 80cm, có bờ cao chừng 5 hay 6cm, quai nón có tua thao dài, buông thõng xuống hai bên :

Cái nón ba tầm, quai thao mỏ vịt bịt bạc là nón ba tầm
Để cho em đội qua rằm tháng giêng.

Nếu đi nhanh, hai tua thao sẽ quất vào mặt, nên khi đội nón này, nàng bắt buộc phải từ tốn chậm bước, tạo nên vẻ yểu điệu, dịu dàng. Khi gặp chàng trai nào có vẻ theo sát tán tỉnh, nàng ngượng quá, vội nghiêng vành nón là các chàng phải khốn đốn mới nhìn được mặt người đẹp, mà cũng chỉ nhìn thoáng được thôi. Như thế, nón quai thao đã vô tình tạo thêm vẻ duyên dáng cho phụ nữ, khiến nhiều chàng đã phải chặc lưỡi :

Ai làm cái nón có thao
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh !

Tóm lại,quan niệm về dung nhan người đẹp xưa qua những câu ca dao như vừa trình bầy, chúng ta thấy không khác ngày nay bao nhiêu.Tuy nhiên,thời đại này, người ta thich răng trắng và chuộng những nàng có vóc dáng cao lớn hơn. Ðặc biệt về y trang, quả đã có nhiều đổi thay. Nhưng tựu trung, thời nào người phụ nữ cũng thích điểm trang và có ý ăn mặc diêm dúa đôi chút cho tôn thêm cái nhan sắc của mình.

2. Những vẻ đẹp về tinh thần

a- Nết na

Ngoài vẻ đẹp vật chất, người thiếu nữ xưa còn đẹp trong ngôn ngữ, cử chỉ, nết ăn ở... Ðiểm này phần lớn nhờ sự giáo dục mà có.

Với giọng nói thanh tao nhỏ nhẹ, nàng dễ gây cảm tình với người xung quanh :

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Hơn nữa, lời nói mặn mà đôn hậu mới thực sự thấm sâu vào tình cảm của đối phương, khiến lời nói qua rồi mà âm hưởng vẫn còn dư vang mãi :

Điểu đậu vườn thị, thỏ lụy vườn trâm
Thương ai tiếng nói trăm năm vẫn còn.

Trong bài "Mười thương", nếu chúng ta để ý, chúng ta sẽ nhận thấy có hai lần nhắc đến giá trị lời ăn, cách nói của người đẹp :

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.

Và trong bất cứ trường hợp nào, người thiếu nữ cũng tỏ ra lễ độ ôn hòa, khiến dù bị từ chối, đối phương cũng khó lòng mà giận :

Thưa rằng bác mẹ tôi răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

b- Lòng hiếu hạnh đối với cha mẹ

Nàng không những là người thiếu nữ nết na thùy mị khi tiếp xúc với mọi người xung quanh, mà nhất là đối với gia đình, nàng là người con rất mực hiếu thảo :

Mẹ cha trượng quá ngọc vàng
Đền bồi sao xiết muôn vàn công ơn.



Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

Cho nên lúc nào nàng cũng cố gắng giữ đạo làm con, luôn luôn kính yêu và vâng lời cha mẹ :

Mẹ cha là biển là trời
Nói sao hay vậy, đâu dám cãi lời mẹ cha.

Nàng liên tưởng đến một ngày mai phải từ giã cha mẹ đi lấy chồng, ở nhà biết ai sớm hôm đỡ đần hai thân :

Xiết bao bú mớm phù trì
Đến khi con lớn con đi lấy chồng
Có con đỡ gánh, đỡ gồng
Con đi lấy chồng vai gánh, tay mang.

Nói chi tới nông nỗi phải lấy chồng xa :

Mẹ mong gả thiếp về vườn
Thiếp lo một nỗi đường trường xa xôi.

Trong cảnh ấy, điều lo lắng nhất của nàng là khi cha mẹ già yếu bệnh hoạn, lấy ai thay nàng chăm lo, săn sóc :

Chim đa đa đậu nhánh đa đa
Chồng gần không lấy mà lấy chồng xa
Mai sau cha yếu mẹ già
Bát cơm ai đỡ, chén trà ai dâng ?

Thế nên bây giờ còn sống dưới gối cha mẹ, nàng hết lòng phụng dưỡng. Nàng lo lắng từng miếng ăn thức uống :

Ba tiền một khứa cá buôi
Cũng mua cho đặng mà nuôi mẹ già.

Cả những công việc nhỏ nhặt nàng cũng cố ý làm vui lòng hai thân:

Cau non khéo bổ cũng dầy
Trầu têm cánh phượng để thầy ăn đêm.

Đôi khi nhà quá nghèo, không đủ ăn, nàng thường nhường cơm cho mẹ :

Đói lòng ăn đọt chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.

c-Tình cảm đối với đàn em

Ðối với đàn em, nàng là một người chị hiền hòa, đầy lòng thương yêu đùm bọc. Nàng thay cha mẹ chăm sóc dạy dỗ các em:

Nàng ru em khi còn thơ dại:

Em tôi khát sữa bú tay
Ai cho bú thép ngày rày mang ơn.

Khi em đã đôi chút lớn khôn, đặc biệt là em trai, qua lời ru em hằng ngày, nàng đã biết sớm gieo rắc vào tâm hồn thơ ngây non nớt ấy lời giáo huấn đầu tiên về ý niệm "làm trai cho đáng nên trai" :

Bồng bống bông
Lớn lên em phải ra công học hành
Sớm khuya cửa Khổng sân Trình
Dốc lòng nấu sử, sôi kinh cho rồi.
Học là học đạo làm người
Làm người phải giữ lẽ trời dám sai.
Chớ đừng nay lại ngày mai
Chớ đừng di dịch, chớ sai lòng vàng.

Và khi gặp cảnh gia đình côi cút, bần bách, nàng còn đảm đang gánh vác công việc nặng nhọc như nuôi tằm, trồng dâu hay đi chợ bán buôn để lấy tiền nuôi mẹ, nuôi em :

Chàng buông vạt áo em ra
Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa
Chợ trưa rau nó héo đi
Lấy chi nuôi mẹ, lấy gì nuôi em.

Đối với người Á Châu nói chung, người VN ta nói riêng, cô nào có đầy đủ cả công dung ngôn hạnh như thế thì ai ai cũng quí chuộng, yêu vì :

Thân em như tấm lụa điều
Đã đông nơi chuộng lại nhiều nơi thương.

Tuy nhiên, nếu phải đem so sánh giữa nhan sắc và đức hạnh , chúng ta nhận thấy ngay:

- Nhan sắc quả có sức hấp dẫn, dễ gây được ngay thiện cảm của tha nhân, nhất là tình yêu si mê của càc chàng trai mới lớn. Nhưng đức hạnh mới thực sự gìn giữ cho tình yêu ấy được bền vững, và mới bảo đảm được hạnh phúc gia đình trong mai hậu. Vì thế ,các cụ ta vẫn thường dạy "cái nết đánh chết cái đẹp", và :

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người.

d-Tình yêu nam nữ

Ca dao chủ về tình cảm, mà trong đời sống tâm tình của con người thì còn gì đẹp và thơ mộng hơn tình yêu nam nữ ? Vì thế những bài nói về tình yêu đã chiếm một số lượng rất lớn trong kho tàng ca dao rất phong phú của dân tộc ta.

Có thể nói, tình yêu đã hiện hữu từ khi có sự hiện hữu của loài người trong trời đất bao la và miên trường này.

Và ca dao đã phản ảnh tâm hồn lãng mạn và tình cảm yêu đương dào dạt, sâu đậm của những người tình đầu tiên, cũng là những người tình muôn thuở của dân tộc.

Những câu ca dao ấy tưởng chừng mộc mạc đơn sơ ,nhưng có biết đâu đã vô tình chứa đựng cả một triết lý về tình yêu bất tuyệt của loài người :

Đố ai biết lúa mấy cây
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng?
Đố ai quét sạch lá rừng
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

Tình yêu dằng dặc như sông nước, cao rộng như mây trời, mênh mông như đồng lúa và hằng hà sa số như lá rừng rơi, thử hỏi giáo lý nào, quyền lực nào có thể hủy diệt được ? Đó chính là lý do dù sống dưới chế độ phụ quyền phong kiến, chịu ảnh hưởng nền giáo dục khe khắt của Nho giáo, người tình nữ trong ca dao VN vẫn không thôi mơ mộng. Và tình yêu của các nàng tuy có e ấp nhưng vẫn không giấu được vẻ nồng nàn tha thiết.

Quả thế, người phụ nữ VN với bản tính đa cảm và lãng mạn nên trong những ngày còn con gái thơ mộng đó, bảo sao nàng không hằng mơ ước tới cảnh sống nên thơ :

Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ.

Đôi khi chợt thức giấc giữa canh khuya, nàng thao thức nghĩ đến tương lai, làm thân con gái không tự quyết được cuộc đời của mình, mà "gái chính chuyên chỉ lấy một chồng", trong nhờ, đục chịu, bảo sao nàng không âu lo, thắc mắc :

Lênh đênh một chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước biết gửi mình về đâu?

Hoặc :

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

Tuy vậy, tình cảm của nàng lúc này không sôi nổi bồng bột mà luôn luôn đắn đo cân nhắc. Nàng nhớ lời cha mẹ thường dặn dò về việc chọn bạn trăm năm :

Dặn con con có nghe cho
Chọn người quân tử, đói no cũng đành.

Nhưng người quân tử, mẫu người chồng lý tưởng của nàng như thế nào ?

Sống trong xã hội trọng văn học như xã hội ta, "người ấy" trước hết phải là văn nhân trí thức :

Ước gì cho Bắc hợp Đông
Cho chim loan phượng, ngô đồng sánh đôi.
Ước gì cho quế sánh hồi
Ước gì ta sánh được người văn nhân.

Lấy được người chồng khôn ngoan học giỏi, tương lai nàng hẳn có phận nhờ :

Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng.

Nhưng sống ở đời vàng thau lẫn lộn, mà người lý tưởng lại quá hiếm hoi :

Một vũng nước trong dăm bảy dòng nước đục
Một trăm người tục không được một chục người thanh.
Một mình em đứng giữa mạn thuyền
Biết lấy ai mà trao duyên gởi phận cho đẹp lòng thế gian.

Và ngay chính nàng, ai biết được giá trị tài đức của nàng mà tìm đến, nên chi nàng chỉ còn biết mong mỏi chờ trông :

Còn đang chọn đá thử vàng
Ngọc lành ai quẩy ra đường bán rao.
Quan quan hai chữ thư cưu
Mong người quân tử hảo cầu kết duyên.

Nếu không lấy được người văn nhân quân tử thì nàng cũng mong ước được kết nghĩa vợ chồng với đấng anh hùng trượng phu :

Lộc còn ẩn bóng cây tùng
Thuyền quyên đợi khách anh hùng sánh vai.

Người khách anh hùng ấy hẳn phải tìm trong đám tướng sĩ :

Trai khôn kén vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.

Hiện giờ trong đám thanh niên trai trẻ, các bậc anh hùng quân tử chưa lộ được chân tướng, thôi thì tốt nhất hãy chọn những người con nhà dòng dõi danh giá hay cha mẹ là người hiền đức, vì :

Mạch trong nước chảy ra trong
Thế nào đi nữa con dòng cũng hơn.



Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

Dầu gì thì nàng cũng mong lấy được người xứng đôi vừa lứa với mình :

Đào tơ sen ngó xanh xanh
Ngọc lành phải giá, gái lành phải duyên.
Cho hay tiên lại gặp tiên
Phượng hoàng há dễ đứng bên đàn gà.

Có lấy được chồng xứng đáng mới bõ công trang điểm bấy lâu :

Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Bõ công trang điểm má hồng răng đen.

Ngay cả những cô gái sống trong gia đình nghèo hèn, tầm thường cũng ước ao lấy được người chồng có dăm ba chữ trong bụng, hơn là người giầu có vô học:

Chẳng tham vựa lúa anh đầy
Tham dăm ba chữ cho tày thế gian.

Thế rồi một ngày kia, cơ duyên đưa đến, nàng đã gặp người trong mộng của mình:

- Có thể do cùng làm việc với nhau :

Vụ năm cho đến vụ mười
Trong làng kẻ gái người trai đua nghề.

- Có thể do bạn bè giới thiệu :

Ấy ai dắt mối tơ mành
Cho thuyền quen bến, cho anh quen nàng.

- Có thể gặp nhau nơi hội hè đình đám :

Trèo lên quan dốc
Ngồi gốc cây đa
Ai xui cho đôi mình gặp
Xem hội cái đêm hôm rằm, rằm tháng giêng.

- Cũng có thể do sự tình cờ mà hội ngộ :

Mưa từ trong núi mưa ra
Mưa khắp thiên hạ mưa qua chùa Thầy.
Đôi ta bắt gặp nhau đây
Như con bò gầy gặp bãi cỏ hoang.

Hai bên, chàng cũng như nàng đang thời mơ hoa, đang khao khát tìm kiếm người tình trong mộng, nay bắt gặp nhau "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", tiếng sét ái tình tự nhiên phải đến, làm sao tránh khỏi :

Thiên duyên kỳ ngộ gặp chàng
Khác nào như thể phượng hoàng gặp nhau.

Sau đó, người con trai đã kiếm cớ mời trầu để làm thân :

Gặp nhau ăn một miếng trầu
Gọi là chút nghĩa về sau mà chào.

Và rồi:

Vôi nồng trầu thắm ai ơi
Gá duyên chồng vợ ở đời trăm năm.

Nhưng sống trong xã hội theo nho giáo phong kiến xưa, sự tự do luyến ái, tự do hôn nhân không được chấp nhận, lại thêm bản tính của người con gái nhút nhát e thẹn nên dù trong lòng yêu ai:

Từ khi gặp mặt giữa đàng
Thiếp quyết yêu chàng, cha mẹ nào hay.

Nàng vẫn phải giữ mình trong lễ giáo, chờ đợi cha mẹ quyết định cuộc hôn phối của mình :

Phụ mẫu sở sanh
Để phụ mẫu định.
Trong việc vợ chồng
Chờ lệnh mẹ cha.

Thế nên, nàng chỉ biết chiều chiều trong những lúc thư nhàn, âm thầm nhớ ai, cùng ôn lại những kỷ niệm trong ngày tao ngộ :

Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai.

Trong khi làm việc, chợt nhớ đến chàng thì nàng không khỏi ngừng thoi mơ mộng :

Đêm khuya dệt cửi tơ vàng
Chợt nhớ đến chàng, cửi lại dừng thoi.

Và không thể không thầm ước mơ :

Anh còn son, em cũng còn son
Ước gì ta được làm con một nhà.

Rồi một ngày đẹp trời nào đó, chàng đã tìm đến làm quen với gia đình. Ôi làm sao nói xiết được nỗi vui mừng của nàng lúc ấy. Nhưng trước mặt người thân nàng không dám lên tiếng mà chỉ dám ngó sơ một chút mà thôi :

Ngó anh không dám ngó lâu
Ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi.

Và cũng vì sợ cha mẹ đoán biết tinh ý đôi bên nên chàng và nàng thỉnh thoảng mới dám liếc nhau :

Yêu nhau con mắt liếc qua
Sợ chúng bạn biết, sợ cha mẹ ngờ.

Nhưng trong thoáng giây phút mà bốn con mắt gặp gỡ nhau đó, họ đủ gửi cho nhau bao nhiêu tình ý.

Và đứng trước mặt ai kia, nàng không khỏi lúng túng, giơ tay làm một cử chỉ bâng quơ :

Đưa tay mà ngắt cọng ngò
Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ.

Chính cử chỉ vô tình ấy lại cực tả được cái hữu tình trong lòng nàng. Vâng, nó đã biểu lộ sự xúc động, sự xốn xang đang tràn dâng trong lòng nàng lúc đó.

Từ đấy chàng chăm chỉ qua lại thăm viếng gia đình nàng, và dần dần chiếm được cảm tình của cha mẹ nàng:

Nắng mưa thì giếng năng đầy
Anh năng đi lại mẹ thầy năng thương.

Nàng nhận thấy, cha mẹ nàng không những có cảm tình với chàng ,mà còn lộ ý sẽ tán thành cuộc nhân duyên của đôi bên; từ đó nàng mới dám mạnh bạo tiến xa hơn trong cuộc tình.

Lúc chưa chọn được người yêu thì nàng băn khoăn, lo lắng; khi chọn được rồi thì tình yêu của nàng rất mực lãng mạn, tha thiết. Nàng những ước mong được gặp ai luôn :

Ước gì sông hẹp một gang
Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi.

Hình ảnh của người yêu đã chi phối tất cả tâm hồn nàng. Quả tình yêu như có phép mầu làm thăng hoa cuộc sống, nhan sắc của nàng bỗng đẹp rộ lên, đôi mắt thêm long lanh, nét mặt thêm rạng rỡ, má thêm đỏ, tóc thêm mướt :

Vì chưng ăn miếng trầu anh,
Cho nên má đỏ, tóc xanh đến giờ…

Từ khi có tình yêu, cuộc sống của nàng trở nên rộn rã khác thường. Không gian cũng tràn ngập yêu thương, mọi vật vô tri hiện diện chung quanh nàng đều trở thành có ý nghĩa; chúng như có linh hồn, chia sẻ với nàng từng phút giây hạnh phúc :

Chén tình là chén say sưa
Nón tình em đội nắng mưa trên đầu
Lược tình em chải trên đầu
Gương tình soi mặt lầu lầu sáng trong.

Nàng mong sớm có ngày chàng và nàng sẽ cùng nhau trong cuộc sống thân cận lứa đôi :

Ước sao ăn ở một nhà
Ra vào đụng chạm kẻo mà nhớ thương.

Trí tưởng tượng của nàng còn vẽ phóng ra một cuộc sống vợ chồng tràn ngập hạnh phúc. Trong đó, cuộc sống của nàng gắn bó thiết tha với cuộc sống của chàng :

Cái quạt mười tám cái nan
Ở giữa phết giấy hai nan hai đầu
Quạt này anh để che đầu
Đêm đêm đi ngủ chung nhau quạt này.
Ước gì chung mẹ chung thày
Để em giữ cái quạt này làm thân
Rồi ra chung gối chung chăn
Chung quần chung áo chung khăn đội đầu.
Nằm thì chung cái giường tàu
Dậy thì chung cả hộp trầu ống vôi
Ăn cơm chung cả một nồi
Gội đầu chung cả dầu hồi nước hoa
Chải đầu chung cái lược ngà
Soi gương chung cả cành hoa giắt đầu.

Trong những ngày tháng yêu đương thơ mộng đó, khi được dịp gần gũi bên người tình, nàng săn sóc chàng một cách rất tình tứ :

Thương anh tha thiết, thiết tha
Áo em hai vạt trải ra anh ngồi.

Và nàng đã âu yếm mời chàng những miếng trầu tình nghĩa. Nàng đã giải thích cho người bạn tình hay, nàng đã têm những miếng trầu đó thật đặc biệt, dành riêng cho chàng, trong đó gói ghém biết bao nhiêu tình ý mặn nồng.

Đối với nàng, miếng trầu lúc này không chỉ là một vật chất đơn thuần mà là một biểu hiện của tình yêu. Nói khác đi, nó chính là tình yêu của nàng đã hóa thân:

Trầu này trầu tính trầu tình
Trầu nhân trầu nghĩa trầu mình, trầu ta.
Trầu này têm tối hôm qua
Dấu cha, dấu mẹ đem ra cho chàng.

Suốt thời gian này, nàng và người yêu đã có với nhau khá nhiều kỷ niệm nên thơ. Trong đó, mỗi cảnh sắc thiên nhiên họ đã cùng nhìn ngắm; mọi nơi chốn họ đã cùng đi qua… không những là chứng nhân cho cuộc tình này, mà còn là đơn vị để so sánh thực tại tình yêu của họ :

Nước sông Tô vừa trong, vừa mát
Em ghé thuyền vào đỗ sát thuyền anh.
Dừng chèo muốn ngỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu.

Tình yêu của nàng và chàng đã chan hòa trong không gian, đã tràn ngập trên cây cỏ... Dưới con mắt yêu đương của nàng, giữa không gian và tình người không còn biên giới nữa; nàng không còn nhận biết, tình yêu của nàng bát ngát mênh mông như đồng lúa, hay đồng lúa mênh mông bát ngát như tình yêu của nàng :

Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng thấy mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng thấy bát ngát mênh mông.

Rồi tới một ngày nào đó chàng phải rời xa, phải trở về cố hương. Vì quá quyến luyến ai, nàng thường viện cớ này cớ nọ, năn nỉ chàng nán lại :

Gió vàng hiu hắt đêm thanh
Đường xa, dặm vắng xin anh đừng về.

Nếu không thể đặng đừng, nàng tha thiết xin chàng :

Chàng về để áo lại đây
Phòng khi em nhớ cầm tay đỡ buồn.

Nàng quá bịn rịn nên chi đã ba phen lên ngựa, chàng vẫn chưa thể dứt áo mà đi :

Ba phen lên ngựa ra về
Cầm cương níu lại xin đề câu thơ.
Câu thơ ba bốn câu thơ
Câu đợi, câu chờ, câu nhớ, câu mong.

Trong giây phút từ ly ấy,nàng không quên dặn dò khích lệ chàng, hãy vững lòng tin ở tương lai tốt đẹp mà cố gắng thuyết phục cha mẹ chấp nhận cuộc hôn nhân này :

Anh về em nắm cổ tay
Em dặn câu này anh chớ có quên
Non sông đã nặng lời nguyền
Đừng non tay lái cho thuyền lật ngang
Muốn sang, khảm cố mà sang.

Riêng nàng xin hứa, sẽ một lòng gìn vàng, giữ ngọc đợi người :

Duyên đôi ta thề nguyền từ trước
Biết bao giờ ta được cùng nhau.
Tương tư mắc phải mối sầu
Em đây vẫn giữ lấy mầu đợi anh.

Không chỉ riêng nàng, cả chàng cũng nguyện giữ mình trong sạch, chờ ngày thành hôn :

Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.

Lời cuối cho chàng là nỗi băn khoăn không biết bao giờ chàng trở lại :

Nhạn về bể bắc nhạn ơi
Bao thuở nhạn hồi để én đợi trông ?

Và giờ đây chàng đã thực sự lên đường. Nàng đã tiễn đưa ai bằng hai hàng nước mắt :

Đưa nhau một bước lên đường
Cỏ xanh hai dãy mấy hàng châu sa.

Và nàng còn đứng nhìn với theo mãi cho tới khi bóng chàng khuất hẳn, chỉ còn đây một mình nàng nhỏ bẻ, cô đơn trước không gian bao la, sông nước mênh mông, rừng cây thăm thẳm :

Anh đi em một ngó chừng
Ngó sông sông rộng, ngó rừng rừng sâu.

Và từ đó,nỗi nhớ, niềm thương không lúc nào nguôi ngoai :

Một thương, hai nhớ, ba sầu
Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi.
Thương chàng lắm lắm chàng ơi
Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than.

Tâm sự riêng của nàng không thể bày tỏ cùng ai, có chăng là ngọn đèn dầu trong đêm khuya khoắt. Thương thay ! ngọn đèn cũng đã tắt lụi để mình nàng cô đơn, vò võ, gậm nhấm mối sầu xa cách :

Đêm khuya thắp chút dầu dư
Tim lan cháy lụn, sầu tư một mình.

Tin tức của ai một ngày một vắng, nhưng nàng đã quyết tâm đợi chờ :

Sông sâu cá lội mất tăm
Chín tháng cũng đợi một năm cũng chờ.

Và rồi :

Dầu xa, dầu cách mấy năm
Nhưng em cũng phải chí tâm đợi chàng.

Và :

Một chờ, hai đợi, ba trông
Bốn thương, năm nhớ, bảy tám chín mong, mười tìm.

Vâng, đúng thế :

Thương nhau nên phải đi tìm
Nhớ nhau một lúc như chim lạc đàn.

Nàng là phận gái, đâu dám phiêu lưu, nên những ao ước :

Ước gì có cánh như chim
Bay cao, liệng thấp đi tìm người thương.

Và ngày ngày chỉ biết nhìn về hướng chàng đi để mong thấy bóng ai về. Nhưng than ôi:

Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời, chẳng thấy người thương.

Nhiều lúc quá tủi thân, nàng tìm một xó vắng ngồi khóc, để mặc cho...
Hạt Cát
#3 Posted : Thursday, October 28, 2004 3:12:43 AM(UTC)
Hạt Cát

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 80
Points: 18

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tác giả hc
Gởi: Tue Jun 15, 2004 8:27 pm

B. KHI ĐÃ LẬP GIA ĐÌNH

Thời gian lặng lẽ trôi qua, rồi một ngày kia :

Nhờ ơn cô bác giúp lời
Chị em giúp của, ông trời định đôi.

Chàng trai đã được cha mẹ chấp thuận trở lại chốn cũ, cưới người tình xưa. Sau khi đã đủ lễ bộ "tiền cưới trao tay", "tiền cheo rấp nước", chàng đã được phép đón dâu đi.

Khao khát là thế, chờ đợi là thế mà khi xuất giá vu qui,người thiếu nữ phải rời xa cha mẹ, rời xa mái nhà thân yêu, đã không khỏi ngậm ngùi lưu luyến :

Ra đi ngó trước ngó sau
Ngó nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng.

Nhưng :

Thuyền phải theo lái, gái phải theo chồng
Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo.

Nay lấy được người chồng yêu thương, xứng ý vừa đôi là nàng đã được an ủi rất nhiều.

Về đến nhà chồng, khi tiệc tùng đã xong, bà con đã ra về, trong phòng riêng chỉ còn nàng đối diện với người thương, nói làm sao xiết cái hạnh phúc của vợ chồng nàng trong đêm tân hôn ấy.

Chúng ta thử tưởng tượng một mẫu đối thoại dí dỏm của cô dâu chú rể trong đêm động phòng hoa chúc. Cô dâu e lệ hỏi chú rể :

Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng
Cau xanh ăn với trầu vàng xứng chăng?

Chú rể sung sướng hiêu hiêu đắc chí trả lời :

Trầu vàng nhá với cau xanh
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời !

Sau đó, chàng bắt đầu nịnh vợ nhưng rồi lại hơi tỏ ý ghen bóng ghen gió. Thật ra, đây chỉ là một cách nói làm duyên với cô vợ mới cưới mà thôi :

Cổ tay em trắng lại tròn…
Để cho ai gối đã mòn một bên ?

Cô dâu hẳn sẽ trả lời, đại khái là :

Thân em như tấm lụa đào
Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai.

Dù đã biết chắc tình yêu tuyệt đối thủy chung của vợ, chàng vẫn muốn được nàng xác định một lần. Sau khi đã thỏa lòng mong đợi, chàng sung sướng tận hưởng cái hạnh phúc đầu gối tay ấp của mình :

Gối chăn gối chiếu không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em !

Và hai vợ chồng đã mãn nguyện cho cuộc hôn phối tốt đẹp này :

Anh lấy được em, bõ công ao ước
Em lấy được anh, thỏa dạ ước ao !

1. Bổn phận đối với gia đình nhà chồng.

Sau cái đêm tân hôn ân ái mặn nồng đó, chàng trai biết mình phải làm gì :

Dạy con từ thuở còn thơ
Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.

Chàng rất mực khôn khéo, chàng hiểu rõ tâm lý đàn bà :

Chim khôn chết mệt vì mồi
Người khôn chết mệt vì lời nhỏ to.

Chàng đã nhỏ to với cô vợ mới cưới những gì ?

Mẹ già khó lắm em ơi
Nhịn ăn nhịn mặc nhịn lời mẹ cha
Nhịn cho nên cửa, nên nhà
Nên kèo, nên cột, nên xà tầm vông.
Nhịn cho nên vợ nên chồng
Thì em coi sóc lấy trong cửa nhà.

Và :

Liệu mà thờ kính mẹ cha
Đừng tiếng nặng nhẹ người ta chê cười.

Được vuốt ve tự ái, được khích lệ bởi tình yêu thương, người thiếu phụ nhất định sẽ đủ sức chịu đựng mà vượt qua mọi khó khăn trong cảnh làm dâu, thực hiện được trọn vẹn bổn phận của người đàn bà, "Có chồng phải gánh giang san nhà chồng".

Ngoài bổn phận thay chồng phụng dưỡng cha mẹ chồng :

Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.
Mẹ già là mẹ già anh
Em vô bảo dưỡng cá canh cho thường.

Nàng còn phải có ý tứ, giữ gìn từng lời ăn tiếng nói với mọi người xung quanh :

Làm dâu khổ lắm ai ơi
Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than.

Phải thức khuya dậy sớm coi sóc việc nhà :

Năm canh thì ngủ lấy ba
Hai canh coi sóc cửa nhà làm ăn.

Nếu may mắn được cha mẹ chồng là người hiền đức, biết điều, thấy nàng dâu đảm đang, nết na thì cũng nể vì :

Hoa thơm ai chẳng muốn đeo
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

Hoặc :

Hoa thơm ai chẳng nâng niu
Người khôn ai chẳng mến yêu mọi bề.

Nàng còn được cả họ hàng nhà chồng quý mến :

Hạt lúa vàng, hạt thóc cũng vàng
Anh yêu em, bác mẹ họ hàng cũng yêu.

Thì nàng sẽ được sống những ngày êm đềm, hạnh phúc trong gia đình nhà chồng. Trong trường hợp này, ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy nàng dâu đã tìm thấy ở người mẹ chồng hiền đức bao dung đó, một hương vị ngọt ngào đậm đà của tình mẫu tử :

Mẹ già như chuối ba hương
Như cơm nếp một như đường mía lau.

Chăm sóc hầu hạ cha mẹ chồng, nàng lại chạnh nghĩ đến cha mẹ mình:

Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

------

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Nhiều khi nhớ quá, nàng chẳng thiết ăn uống :

Gió đưa cây cửu lý hương
Từ xa cha mẹ thất thường bữa ăn.
Sầu riêng cơm chẳng muốn ăn
Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm.

Từ ngày lấy chồng xa xứ, có muốn thăm hỏi cha mẹ cũng rất khó khăn. Nàng thương cha mẹ nàng đã không được hưởng cái hạnh phúc có con gái lấy chồng gần :

Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng đem cho.

Hoặc :

Có con mà gả chồng gần
Nửa đêm đốt đuốc đem phần cho cha.

Để tỏ lòng báo đáp trong muôn một, mỗi khi nghe tin ai sắp về quê mẹ , nàng vội vàng gửi gấm chút quà với tất cả tấm lòng hiếu kính ,xót xa :

Ai về tôi gửi buồng cau
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai về tôi gửi đôi giầy
Phòng khi mưa nắng để thầy mẹ đi.

2. Bổn phận đối với con, thiên chức làm mẹ.

Ngoài bổn phận đối với gia đình nhà chồng, người phụ nữ còn có bổn phận đối với con, nói khác đi, là bổn phận làm mẹ, một thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ.

Từ khi con mới là thai nhi trong bụng, cho đến lúc sinh ra đời, nàng đã chịu bao nỗi vất vả :

Con mẹ có thương mẹ thay
Chín tháng mười ngày, mang nặng đẻ đau.

Thuở con còn tấm bé, nàng phải thức khuya dậy sớm, chăm sóc cho con từng miếng ăn, giấc ngủ :

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ năm canh.

Nàng sung sướng theo dõi từng phát triển lớn khôn của con thơ :

Con ăn, con bú, con nô
Con lẫy, con bò, con chững, con đi
Biết bao bú mớm bù trì.

Gặp cảnh nhà nghèo, mưa dột, nàng vội nhường chỗ khô ráo cho con :

Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.

Nếu bị chồng phụ bạc, bỏ bê gia đình, nàng một mình vất vả nuôi con. Thân nàng chẳng quản, chỉ thương cho con phải chịu thiếu thốn :

Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.
Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn cho gầy cò con.

Trong trường hợp người chồng chẳng may mất sớm, nàng phải làm ăn cơ cực, không chỉ ban ngày, mà đôi khi lặn lội cả đêm khuya mới mong kiếm đủ tiền nuôi bầy con dại. Lại khi xẩy cảnh hiểm nguy, nàng sẵn sàng chịu trận, miễn sao vẫn giữ được tiết sạch giá trong để bảo vệ đời sống tinh thần cho các con :

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

Người mẹ thương con đến thế, làm sao có thể bỏ con một mình mà bước đi bước nữa :

Trời mưa bong bóng bập bồng
Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai ?

Điều đó cho thấy, nàng không bước đi bước nữa, không phải vì cái danh hão "tiết hạnh khả phong" mà chính vì lòng thương con vô bờ, vô bến của người mẹ.

Lại những khi con đau ốm hay gặp hoạn nạn thì lòng mẹ như nát, như tan :

Con chim trên rừng kêu thánh tha thánh thót
Mẹ thương con cắt ruột xẻ hai.

Rồi với thời gian, con càng khôn lớn, bổn phận của mẹ càng khó khăn :

Miệng ru mắt nhỏ hai hàng
Nuôi con càng lớn mẹ càng thêm lo.

Vì sao? Vì nàng biết, ngoài sự chăm sóc thương yêu, bây giờ nàng còn có trách nhiệm giáo dục trẻ thơ cho nên người hữu dụng. Nàng muốn các con nghe nàng, không chỉ bằng trái tim thương yêu mà bằng cả lý trí xét đoán phải trái nữa :

Con ơi muốn nên thân người
"Lắng tai" nghe lấy những lời mẹ cha.

Đối với con gái, nàng dậy dỗ rất kỹ về nữ công nữ hạnh,sửa soạn cho con trở thành người phụ nữ hoàn toàn sau này :

Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa

Ngoài ra ,con gái cũng cần phải biết :

Học buôn học bán cho tày người ta.
Con đừng học thói chua ngoa
Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười.
Dù no, dù đói cho tươi
Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan.

Đối với con trai, nàng khuyến khích con chăm chỉ học hành, mong có ngày tạo nên sự nghiệp:

Con ơi con học cho cần
Bút nghiên cha sắm, áo quần mẹ may.
Con ơi con học cho hay
Có công mài sắt có ngày nên kim.

Và không quên nhắc nhở con, ăn ở sao cho ra người đạo nghĩa :

Nuôi con cho được vuông tròn
Mẹ thầy dầu dãi xương mòn gối long.
Con ơi cho trọn hiếu trung
Thảo ngay một dạ kẻo luống công mẹ thầy.

Tóm lại, trong bổn phận làm mẹ, vì quá thương con nàng đã gánh chịu bao nỗi khổ cực, với niềm mong ước duy nhất : consẽ nên người !

Mẹ nuôi con bấy lâu rồi
Nuôi con cho đến ngày thành người mới nghe.
Công trình nuôi con của các bậc làm cha làm mẹ to tát là thế. Song bởi lòng thương yêu con mà tự nguyện hy sinh nên các người chẳng bao giờ kể lể công ơn:

Chim trời ai dễ đếm lông
Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày.

Ngay cả khi con đã khôn lớn ra đời, mẹ vẫn dõi theo từng bước con đi. Phải thời chinh chiến, mẹ già lại gánh gạo tiễn con lên đường :

Chém cha cái giặc chết hoang
Làm cho thiếp phải gánh lương theo chồng.
Gánh từ xứ bắc xứ đông
Đã gánh theo chồng lại gánh theo con..

Từ đó, mẹ già lại ngày ngày khắc khoải chờ trông :

Mẹ trông con ngồi cầu Ái Tử
Vợ trông chồng ra đứng núi Vọng Phu.
Mỏi mòn bóng xế trăng lu
Khác chi con ve kêu mùa hạ, biết mấy thu cho nguôi lòng.

Ôi công cha ,nghĩa mẹ nói làm sao xiết !

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

3-Bổn phận đối với chồng, thiên chức làm vợ.

Ngay khi vừa bước chân về nhà chồng, cô dâu mới đã tự nguyện đem tất cả thiện chí, tài đức của mình để xây dựng hạnh phúc gia đình :

Tấm lòng nguyện với trăng già
Tơ hồng kết lại một nhà yên vui.

Việc đầu tiên, nàng bỏ bớt điểm trang, tỏ ra ta đây là gái đã có chồng :

Có chồng bớt áo thay vai
Bớt màu trang điểm kẻo trai nó lầm.

Rồi sẵn sàng cùng chồng chia ngọt sẻ bùi, đồng lao cộng khổ :

a- Nếu chồng nàng là con nhà nông, nàng vui vẻ cùng chàng chia phần công tác.

Từ việc đồng áng:

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.

Đến chuyện bếp nước, quẩy cơm:

Trăng chưa cho lúa chín vàng
Cho anh đi gặt, cho nàng quẩy cơm.

Vào những tháng rảnh rỗi, nàng lại cùng chồng sửa sang mái ấm gia đình :

Em về cắt giạ, đánh gianh
Chặt tre, chẻ lạt cho anh lợp nhà.
Sớm khuya hòa thuận đôi ta
Hơn ai gác tía, lầu hoa một mình.

Còn những ngày được mùa, tuy phải làm việc cực nhọc, đầu tắt mặt tối, nhưng nàng rất phấn khởi vì biết rằng sẽ có đủ tiền đóng thuế, đóng sưu (tức chuộc sưu dịch) cho chồng. Chàng hẳn yên lòng khi đã làm tròn bổn phận công dân, lại được miễn hết các việc tạp dịch vất vả :

Tháng năm gặt hái đã xong
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy.
Nong thóc đầy em say, em giã
Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo.
Sang năm lúa tốt, tiền nhiều
Em đem đóng thuế, đóng sưu cho chồng.

Hơn nữa, nàng còn tính đến chuyện mua nhiêu, mua xã cho chồng để chàng có được chút danh phận với đời. Muốn thế, nàng tự nhủ, phải làm việc hơn nữa. Nghĩa là ngoài công việc đồng áng, nàng còn phải lo cửi canh để làm tăng gia ngân quĩ gia đình :

Con rô nó rạch lên phên
Uốn tay cho mềm, dệt cửi cho ngoan.
Có tiền ta đóng việc quan cho chồng.

Một khi chồng nàng được dự vào hàng quan viên trong làng, chàng chẳng những không phải lo chuyện bị gọi đi phu phen tạp dịch cực khổ nữa, mà vào những ngày hội hè đình đám, chàng còn được khăn đống áo dài, ăn trên ngồi trước, vẻ vang như ai (ý chỉ hàng chức sắc, là những người có khoa bảng, chức tước hoặc được phẩm hàm vua ban, hay những vị chức dịch trong làng).

b-Nếu chồng nàng là học trò.

Sống trong một xã hội trọng văn học cử nghiệp như xã hội VN ta, nếu nàng lấy được người chồng là học trò, đang theo đòi việc nghiên bút thì nàng vô cùng hể hả; nàng quyết lòng nuôi chàng ăn học cho đến thành tài :

Em thời canh cửi trong nhà
Nuôi anh ăn học đăng khoa bảng vàng.

Hiện tại, nàng đang được sống trong cảnh êm đềm, thơ mộng.

Khi thì vợ chồng làm việc chung bóng dưới đèn :

Em ngồi canh cửi trong khung
Anh đến ngồi học cùng chung một đèn.

Khi thì bên nhau dưới ánh trăng thanh :

Sáng trăng giải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.

Nàng không quản ngại thức khuya dậy sớm chăm sóc, nhắc nhở chồng trau luyện thi phú, dùi mài kinh sử :

Khuyên anh đọc sách, ngâm thơ
Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.

Và :

Canh một dọn cửa, dọn nhà
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Canh tư bước sang canh năm
Trình anh dậy học chớ nằm làm chi.

Để khích lệ chồng cũng như mình vượt thắng những giây phút nhọc nhằn, lười biếng, chán nản… nàng vẽ ra một tương lai xán lạn khi chàng được đăng khoa bảng vàng :

Nữa mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi kia để tên anh.

Và nhất là cảnh tượng huy hoàng, náo nhiệt trong ngày chàng tân khoa tiến sĩ vinh qui bái tổ :

Võng anh đi trước, em thì võng sau
Tàn, quạt, hương án theo hầu
Rước vinh qui về nhà bái tổ
Ngả trâu bò làm lễ tế vua
Họ hàng ăn uống say sưa
Hàng tổng, hàng xã mừng cho ông nghè.

Ngoài ra, chàng còn làm vẻ vang tổ tông và bảo đảm cho gia đình một đời sống sung túc, danh giá :

Trước là vinh hiển tổ tông
Sau là xiêm áo mặc lòng thảnh thơi.
Vinh quy bái tổ rạng ngời
Ơn vua, lộc nước đời đời hiển vinh.

Dám hỏi trong xã hội ta xưa kia, có bao nhiêu chàng trai khoa danh hiểu đạt mà không nhờ vào sự khích lệ và tận tình giúp đỡ của các bậc hiền phụ

c- Nếu chồng nàng là lính.

Một khi có lệnh vua chúa ban ra, cắt cử mỗi làng phải đóng góp bao nhiêu binh lính, thì làng cứ tính theo tỷ số dân đinh của mình mà lo liệu cho đủ.

¤Trường hợp chồng nàng bị đăng lính. Nàng thiết nghĩ, âu đó cũng là nghĩa vụ của chàng đối với vua với nước nên không dám cản ngăn. Nàng chỉ xin hứa một điều, ở nhà, sẽ chăm lo gánh vác việc gia đình cho chàng được an lòng ra đi :

Khuyên anh đi lính cho ngoan
Cho dân được cậy, cho quan được nhờ.

Và :

Anh ơi phải lính thì đi
Việc nhà đơn chiếc đã thì có tôi.

Nhưng nghĩ đến nông nỗi vất vả của chồng trong suốt thời hạn đi lính, kéo dài có tới sáu năm, khi đến mười năm thì lòng nàng rất đỗi xót xa. Thế nên, mỗi bước chân tiễn đưa là mỗi tiếng than khóc tỉ tê :

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

Từ ngày chồng nàng đi lính xa nhà đến giờ, nàng xiết bao cô đơn, sầu khổ :

Anh đi lưu thú Bắc thành
Để em khô héo như cành mai khô.
Phượng hoàng lẻ bạn sầu tư
Em đây lẻ bạn cũng như phượng hoàng.

¤Trường hợp chồng nàng là trai thời loạn. Đọc kinh sử nước nhà chúng ta đã rõ, từ thời lập quốc đến nay, chinh chiến xẩy ra triền miên; hết ngoại xâm (Trung Hoa một ngàn năm, Pháp một trăm năm) lại đến nội chiến, huynh đệ tương tàn (Lê-Mạc, Trịnh-Mạc, Trịnh-Nguyễn, Tây Sơn--Nguyễn), chưa kể đến những cuộc vua quan đem quân đi chinh phạt Chân lạp, Thủy Chân Lạp với những cuộc nổi dậy của nông dân chống lại triều đình Huế. Đến đời chúng ta, sau năm 1954, Nam Bắc lại phân tranh vì ý thức hệ Quốc - Cộng … đã khiến biết bao gia đình phải ly tán, vợ chồng cách xa.

Làm trai thời loạn, nếu chồng nàng không bị động viên thì cũng vì lòng ái quốc mà tự nguyện nhập ngũ, tòng chinh.

Do ý thức được nghĩa vụ thiêng liêng của chồng trong cơn quốc biến, nàng không dám để cho nước mắt nhi nữ thường tình làm nhụt chí khí nam nhi, mà trái lại, đã khẳng khái khích lệ chồng mau mau lên đường phụng quốc:

Anh đi theo chúa Tây Sơn
Em về cầy cuốc mà thương mẹ già.

(Thời Tây Sơn đại phá quân Thanh)

Tổ tiên để lại em thờ
Anh ra ngoài ải cầm cờ theo vua.

(Thời vua Hàm Nghi xướng hịch cần vương)

v.v…

Nàng xin hứa với chàng một dạ son sắt, thủy chung đợi chờ :

Đá mòn, nhưng dạ chẳng mòn
Tào khê nước chảy, hãy còn trơ trơ.

Xưa nay chinh chiến mấy ai về ?… Nàng chinh phụ của chúng ta đã ôm con chờ chồng cho đến hơi thở cuối cùng. Cái chết của nàng đã được huyền thoại hóa, nàng ôm con lên non ngóng chinh phu, hóa đá thành núi Vọng phu. Từ đó, hồn nàng đã nhập vào hồn thiêng sông núi; và tượng đá hình nàng ôm con chờ chồng đã trở thành một biểu tượng cho tình yêu son sắt, thủy chung của người chinh phụ đối với chinh phu, nói rộng ra, của người phụ nữ VN đối với nguời bạn trăm năm.

Trên khắp giải đất VN của chúng ta đã có biết bao người ly phụ, một dạ keo sơn gắn bó, thủ tiết đợi chờ người bạn đời như vậy. Bởi thế, nhiều nơi có núi vọng phu :

.Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị đứng chờ đợi ai.
.Vọng Phu cảnh đẹp núi Nhồi
Có nàng chinh phụ phương trời đăm đăm.
.Bình Định có núi vọng phu
Có đầm Thị Nại, có cù lao xanh.

d-Đời sống thường nhật.

Còn nói chung về đời sống thường nhật của người thiếu phụ VN thì ngoài sự đảm đang, nàng còn biết khéo léo chiều chuộng từng sở thích của chồng :

Đốt than, nướng cá cho vàng
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi.
Phòng khi khách có đến nơi
Cơm bưng, rượu rót cho vui lòng chồng.

Và:

Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen.

Nàng biết, những món ăn ngon chính là một trong những bí quyết gìn giữ hạnh phúc lứa đôi. Người đàn ông đi xa thường hay nhớ đến những món ăn ngon của vợ, lại mau mau quay về tổ ấm gia đình :

Anh đi, anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

Gặp khi chồng đau ốm , nàng tận tụy săn sóc :

Tay nâng chén thuốc, miếng gừng
Gừng cay, thuốc đắng xin đừng có quên.

Hay :

Tai em nghe anh đau đầu chưa khá
Em băng rừng chi xá, bẻ nạm lá về xông.
Ở làm sao đây cho trọn nghĩa vợ chồng
Đổ mồ hôi ra em chặm, ngọn gió lồng em che.

Nàng còn biết giữ thể diện cho chồng :

Vì chàng thiếp phải mua mâm
Những như thân thiếp bốc thầm cũng xong.

Những khi chồng nóng giận, nàng hiểu rằng :

Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi bớt lửa, một đời không khê.

Nên đã thỏ thẻ làm lành :

Thò tay vuốt ngực chung tình
Nước sôi còn nguội huống chi mình giận tôi.

Gặp phải lúc người chồng say mê cờ bạc, rượu chè (trà) thì nàng tìm lời khéo léo can ngăn :

Anh ơi anh ở lại nhà
Thôi đừng cờ bạc nữa mà hư thân.
Tham chi những của phù vân
Lỡ ra công nợ nhiều phần xấu xa.

Lại khi chồng sinh thói nguyệt hoa, ra đường mê gái, về nhà chê vợ ỉ ôi :

Cam sành chê đắng, chê hôi
Hồng xiêm chê lạt, cháo bồi khen ngon.

Nàng tuy buồn tủi nhưng vẫn nhỏ nhẹ khuyên lơn :

Anh ơi anh ở lại nhà
Thôi đừng vui thú nguyệt hoa chơi bời.
Có tiền kẻ rước, người mời
Hết tiền chẳng thấy một người nào ưa.

Không nghe lời vợ khuyên can thì chớ, chồng nàng còn giở thói vũ phu, mắng chửi, đánh đập nàng, nàng chỉ biết nhẫn nhục van xin :

Giang tay đánh thiếp sao đành
Tấm rách ai vá, tấm lành ai may.

Nhiều khi nàng còn phải nhẫn nhục hơn nữa kìa, nghĩa là ngậm bồ hòn làm ngọt, vui vẻ, chấp thuận lấy vợ bé cho chồng cho yên cửa, yên nhà:

Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười tủm tỉm thưa anh giận gì.
Anh ơi, anh giận em chi
Muốn lấy vợ bé em thì lấy cho.

Sống dưới chế độ phụ quyền duy lý của Nho giáo, quyền người cha, người chồng rất lớn. Nho giáo coi trọng chữ hiếu mà đầu mối chữ hiếu là sinh con trai để nối dõi tông đường, phụng thờ cha mẹ tổ tiên. Nhà nào có đông con, nhiều cháu trai thì cho là đại phúc.

Quan niệm này mặc nhiên chấp nhận cho người đàn ông được quyền năm thê, bẩy thiếp. Ðó chính là lý do khiến họ dễ sinh lòng nọ, tâm kia :

Đàn ông năm bẩy lá gan
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.

Nếu nàng thiếu phụ của chúng ta chẳng may không có con trai, nàng chẳng những phải chủ động đứng ra cưới vợ bé cho chồng, mà từ đó còn bị chồng phụ rẫy, hắt hủi; vậy mà vẫn một niềm chịu đựng, một dạ thủy chung :

Chàng ơi đánh thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội những khi đói lòng.

Lại có những trường hợp nàng dâu nhà nghèo, gặp phải bà mẹ chồng cay nghiệt; nhất là trước kia nhà gái lại thách cưới quá nhiều khiến bà giận, bà tức, từ đó mới nẩy sinh tâm lý trả thù nàng dâu, "Mất tiền mua mâm, bà đâm cho thủng!". Nàng dâu trở thành cái bia đưa lưng chịu đòn :

Đêm nằm lưng nỏ bén giường
Mụ già đã xốc vô buồng kéo ra
Bảo lo con lợn, con gà
Lo cối xay lúa, quét nhà, nấu cơm.
Ốm đau mụ nỏ có thương
Mụ hành, mụ hạ đủ đường khốn thân.
Tối về bưng bát cơm ăn
Mụ cầm cái đọi , mụ quăng vô người.

Gặp cảnh ngộ này nhiều khi nàng dâu chịu không thấu phải tính chuyện thoát ly; nhưng nghĩ đến nông nỗi phải bỏ chồng nàng lại dùng dằng chẳng nỡ :

Nỗi về, nỗi ở chưa xong
Bối rối trong lòng như đánh cờ vây.

Cuối cùng, nàng đã quyết định ngả theo tình cảm, chấp nhận ở lại làm nạn nhân của bà mẹ chồng khắc nghiệt để được trọn tình, vẹn nghĩa phu thê :

Vợ chồng đầu gối má kề
Lòng nào mà bỏ mà về cho đang.
Hồ về chân lại đá ngang
Về sao cho được, cho đang mà về.

Có thể nói, chính nhờ những đức tính đảm đang, chịu thương chịu khó, tận tụy, nhẫn nhục, hy sinh, thuỷ chung, nghĩa tình này mà hầu hết những người phụ nữ VN xưa đã xây dựng và bảo vệ được hạnh phúc gia đình.


KẾT LUẬN :

Tóm lại, qua những câu ca dao và dân ca nói về những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa, qua nhiều giai đoạn, cùng nhiều khía cạnh trong cuộc đời như vừa trình bày, chúng ta đã rõ : không phải chờ đến khi người Trung Hoa sang đô hộ nước ta, dạy dân ta lễ nghĩa Nho giáo Khổng Mạnh, chúng ta mới biết đến trung-hiếu-tiết-nghĩa, mà thực ra, chúng ta đã biết những điều ấy từ ngàn xưa (có thể chứng minh thêm bằng truyện cổ tích Bánh dầy bánh chưng, Trầu cau… có từ đời Hùng Vương).

Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận công của Nho giáo đến với dân tộc này, đã giúp chúng ta xưng danh và định nghĩa những tình cảm ấy. Và nhờ Hán Nho, Tống Nho hệ thống hóa những liên hệ tình cảm giữa con người với nhau, tạo nên một nền luân lý đạo đức, khi truyền sang nước ta ,đã giúp cho nhiều người xấu không dám làm bậy, khiến ông cha ta đã bảo tồn và phát huy được một nền văn hóa tốt đẹp cho dân tộc.

Thực ra, những giáo điều duy lý cứng nhắc cùng những lễ nghi qui ước xã hội khe khắt của Hán Nho, Tống Nho chỉ được những người trong giai cấp thống trị và những nhà Nho bảo thủ của ta xưa bắt vợ con triệt để tuân theo; còn đám quảng đại quần chúng thì chỉ thuận theo những gì hợp với tình cảm và phong tục, tập quán của dân tộc.

Chúng ta còn khác Hán Nho, Tống Nho ở điểm chúng ta làm bổn phận, có theo qui ước xã hội chăng nữa, cũng không phải vì hình thức bề ngoài, vì giáo điều bắt buộc, mà bằng con tim dạt dào yêu thương, bằng tấm lòng hy sinh, đôn hậu, hiếu nghĩa, thủy chung của người Việt Nam (Những gì giả dối, bề ngoài thường bị đả kích, mỉa mai qua ca dao trào phúng hay ca dao ngụ ngôn).

Xã hội ngày nay đã quá đổi thay, những vấn đề phụ nữ là nạn nhân của chế độ phụ quyền duy lý của Nho giáo như bị thất học, bị bóc lột, bị hạ giá, bị là nạn nhân của cảnh lấy vợ chỉ để sinh con nối dõi tông đường và hầu hạ gia đình nhà chồng, cùng cảnh vợ bé con thêm… không được nói đến nữa. Mà vấn đề được đặt ra là : Trong nếp sống văn minh vật chất hiện đại, người phụ nữ Việt Nam, ngoài việc đi làm để chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng (đôi khi vì hoàn cảnh riêng còn phải gánh vác một mình), người phụ nữ còn có bổn phận đóng góp công sức để xây dựng quốc gia xã hội, thì trước sự bành trướng cá nhân chủ nghĩa của xã hội tự do Âu Mỹ, cũng như chủ trương coi phụ nữ chỉ là công cụ lao động, và sự giáo dục con em phó thác cho cơ quan nhà nước của xã hội cộng sản, liệu chúng ta, những người phụ nữ Việt Nam, ở trong cũng như ở ngoài nước, có còn duy trì được những nét đẹp tinh thần khả ái có từ ngàn xưa nữa không ?

Nếu để ý cuộc sống của bà con xung quanh, hoặc qua sách báo, chúng ta hẳn thấy, từ mấy chục năm nay, những đức tính cao quí như nhẫn nại, đảm đang, chung thủy, hy sinh... truyền thống của phụ nữ Việt Nam đã có nhiều dịp thử thách. Và chúng ta phải mừng rằng , chỉ trừ một thiểu số phụ nữ thiếu căn bản giáo dục, hoặc tính khí nông nổi mới bị chi phối, bị quyến rũ bởi ngoại cảnh; còn đại đa số phụ nữ Việt Nam, dù sống trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng cố gắng chu toàn bổn phận làm con, thiên chức làm vợ và làm mẹ của mình.

Để kết thúc cho bài nói chuyện về những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua ca dao dân ca này, chúng tôi xin được giới thiệu 4 câu thơ mà chúng tôi đã được học ngay từ lớp Nhất, tại Trường Tiểu Học Hàng Cót Hà Nội với cô giáo Mai Thị Trí .Bốn câu thơ này đã đúc kết những nét đẹp tinh thần của người phụ nữ Việt Nam như chúng ta vừa thấy, với ước mong ,những nét đẹp cao quí ấy sẽ tồn tại bất diệt với thời gian :

Hỡi cô gái Việt Nam tôi kính cẩn
Cúi chào cô, người vợ đảm, mẹ hiền.
Cô là hiện thân của lòng kiên nhẫn
Của sự dịu dàng, tình âu yếm vô biên.
(Đằng phương)

Giáo sư Phạm thị Nhung

---------

· Bài thuyết trình văn hóa ngày 14/1/1990 tại hội trường 40 Rue La Fontaine, Paris 16, do các hội đoàn: Á Pháp, Ái Hữu Marie Curie, Ái Hữu Trưng Vương, Ái Hữu Gia Long Hải Ngoại, làng Việt Nam và Trung tâm Văn Bút Âu Châu tổ chức nhân ngày Quyên góp cho thuyền nhân Việt Nam.

· Sau đó được thực hiện lần thứ hai ngày 04/8/1991 tại Hội trường ROSSLYN HYAAT ARLINGTON, VIRGINIA Hoa Kỳ, do AH Gia Long tổ chức với sự cộng tác của tiếng sáo Nguyễn Đình Nghĩa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, T. Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị: Ca dao dân ca Nam bộ, nhà xb Thành phố HCM, 1986

- Cao Thế Dung: Vị trí đích thực và giá trị cao quí của phụ nữ VN

- Đào Văn Hội : Phong tục miền Nam qua mấy vần thơ ca dao, Xuân Thu xb tại Hoa Kỳ, 1985

- Ngô Sĩ Liên: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, soạn thời Lê Thánh Tôn

- Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc: Tục ngữ phong dao, Mặc Lâm xb Saigon 1967

- Trần Trọng Kim: Việt Nam Sử Lược, Bộ Giáo dục xb, Saigon 1971

- Vũ Ngọc Phan: Tục ngữ, Ca dao, Dân ca VN (in lần thứ 8)

( ST )
Vũ Thị Thiên Thư
#4 Posted : Monday, March 7, 2005 10:44:16 PM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,031
Points: 2,424
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)
BÍ QUYẾT TRƯỜNG XUÂN QUA CA DAO TỤC NGỮ


Người xưa tuổi thọ kém, ai sống tới bảy mươi đã cho là hiếm hoi, nhân sinh thất thập cổ lai hi. Ðã vậy, nhiều người suốt đời chỉ hùng hục làm việc, chạy theo bả lợi danh, bo bo giữ của không biết hưởng đời là gì, tới khi già yếu, sắp xuôi tay nhắm mắt, tính sổ cuộc đời mới thấy là dại:

Một năm là mấy tháng xuân
Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa?
Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi
Bo bo giữ lấy của trời làm chi?
Bẩy mươi chống gậy ra đi
Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi.

Từ đó, người xưa rút kinh nghiệm, để lại cho con cháu biết bao là lời khuyên bảo chí lý, không ngoài mục đích khuyến khích chúng ta hãy biết tận hưởng những hương vị của cuộc sống ngay từ thuở thanh niên son trẻ, cùng cho chúng ta bí quyết để kéo dài tuổi xuân:

Ai ơi chơi lấy kẻo già
Măng mọc có lứa người ta có thì.
Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Cái già sồng sộc nó thì theo sau.
Mỗi năm, mỗi tuổi, mỗi già
Chẳng lo liệu trước ắt là luỵ sau.

Ngày nay, chúng ta đều biết rằng khoa học tiến bộ vượt bực đã giúp cho con người rất nhiều phương tiện để được hưởng một cuộc sống tiện nghi, thoải mái và lý thú hơn xưa. Ðồng thời ngành y dược cũng tiến bộ đáng kể, đã giúp cho con người chửa được lắm bệnh hiểm nghèo, tăng thêm phần sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ. Những kết quả nầy tuy đã đem lại nhiều phúc lợi cho nhân loại, nhưng vì thiếu tính chất nhân bản nên chúng vẫn không giúp cho con người đạt được chân hạnh phúc. Ðây chính là lý do khiến chúng ta thích đọc lại ca dao, tục ngữ, một loại văn chương bình dân truyền khẩu phong phú của dân tộc, để tìm hiểu xem đâu là quan niệm nhân sinh của người xưa, và qua đó, chúng ta lĩnh hội được những gì về bí quyết trường xuân để đem lại cho mình một đời sống hạnh phúc trọn vẹn, lâu dài?

Sau khi nghiên cứu tục ngữ, ca dao, chúng ta hẳn thấy bí quyết trường xuân của người xưa đã được qui vào những điểm sau đây:

1)- Người xưa trước hết phải biết sống qua triết lý tri túc, tiện túc, nghĩa là biết đủ ấy là đủ. Chính vì biết sống an phận, không đòi hỏi nhiều nên cuộc sống mới được nhàn nhã, tâm hồn được thảnh thơi:
Ông cả ngồi trên sập vàng
Cả ăn cả mặc lại càng cả lo.
Ông bếp ngồi trong xó tro,
Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm.

Huống chi cuộc đời qúa ngắn ngủi, làm nhiều làm chi cho khổ thân:
Ðời người sống mấy gang tay,
Hơi đâu cặm cụi cả ngày lẫn đêm.

2)- Phải biết quẳng gánh lo đi mà vui sống. Sự lo nghĩ buồn phiền làm cho tâm thần rã rượi, mặt mày héo úa, xấu xí, sức khoẻ sa sút. Ông Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc và bà Ðoàn Thị Ðiểm trong Chinh Phụ Ngâm đã phải công nhận điểm nầy:
Chiều ủ dột giấc mai trưa sớm
Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ.
(Cung Oán)
Võ vàng đổi khác dung nhan
Khuê ly mới biết tân toan dường này.
(Chinh Phụ)

Bởi vậy ca dao mới khuyên ta chớ nên cả lo như các bà mẹ xưa, mười chuyện lo cả mười, chuyện không đáng cũng lo, như thế thì lo cả đời chưa hết:

Mẹ già lo bẩy, lo ba
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên.
Và phải biết xem nhẹ, xem thường mọi chuyện:
Lo gì mà lo, lo con bò trắng răng
Mua ba đồng thuốc nhuộm răng cho bò.

3)- Ðồng thời phải nuôi dưỡng các đức tính Từ Bi, Hỉ, Xả. Có biết cảm thông, xót thương, giúp đỡ và tha thứ cho người, tâm ta mới không vướng bận, ghét ghen, oán thù mà hằng giữ được trong sáng, hoan lạc:

Có câu tích đức tu thân
Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri (trì)
Ðấng trượng phu đừng thù mới đáng
Ðấng anh hùng đừng oán mới hay.

4)- Cái tâm trong sáng, hoan lạc nầy lại cần được thể hiện qua nụ cười luôn tươi nở trên môi. Khi cười, không những các bắp thịt mặt được thư dãn, vẻ mặt trông tươi mát. Lòng ta cũng cảm thấy phấn khởi, hạnh phúc. Giá trị của nụ cười đã được người xưa xác nhận qua câu tục ngữ:

Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.
Ngoài ra nụ cười tươi còn gây được ảnh hưởng vui sống cho những người xung quanh:

Ngó lên lỗ miệng em cười
Như búp hoa nở, như mặt trời mới lên.
Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Trăm quan mua mấy miệng cười
Nghìn quan chẳng tiếc,
Tiếc nụ cười em xinh.
(Ðúng ra là: nghìn quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen)
Giá trị nụ cười không chỉ được người Á Ðông chúng ta đề cao mà ngay cả ở Âu Mỹ cũng có nhiều câu danh ngôn được truyền tụng: chaque fois qu’un homme sourit et plus encore quand il rit, il ajoute quelque chose à ce brin de vie (mỗi khi người đàn ông mĩm cười và hay hơn nữa khi hắn cười, hắn đã thêm một chút gì có ý nghĩa cho cuộc đời mong manh này).

Le sourire appporte la chaleur à celui qui recoit, ne coute rien à celui qui donne (Nụ cười mang lại sự ấm áp cho người nhận, mà người cho chẳng mất mát gì cả).

5)- Phải biết giữ vệ sinh cho thân thể. Con người, thân thể có sạch sẽ, mới khoẻ mạnh, nhan sắc các bà, các cô phần lớn do cái răng, cái tóc quyết định:
Cái răng, cái tóc là góc con người

Ai muốn có một hàm răng đều đặn, tươi xinh, sáng ngời như những câu ca dao vừa dẫn chứng ở trên tất phải biết phép giữ vệ sinh và bồi dưỡng cho răng lợi. Bằng chẳng chịu giữ gìn, răng sẽ bị sâu, bị thối, bị sún, bị sứt, bị gẫy, nhan sắc trông chẳng còn đẹp tí nào, mà khi ăn khó nhai, khó cắn, mất cả ngon. Vậy, muốn sạch miệng, tốt răng người xưa dạy phải súc miệng bằng nước muối, phải ăn trầu và nhuộm răng đen. Muốn thơm da, mát thịt thì tắm nước nấu lá hương nhu, lá rau mùi hay cách hoa ngọc lan. Còn muốn tốt tóc sạch gầu thì:

Tốt tóc thì có mần trầu
Sạch ghét, sạch gầu bồ kết với chanh.

Người sạch sẽ là người biết tự trọng và dễ gây được thiện cảm với người xung quanh mình, nhất là người đó lại thuộc phái đẹp:

Nước trong ai chẳng rửa chân,
Cái má trắng ngần ai chẳng muốn hôn.

6)- Bổn phận làm đẹp. Nam hay nữ đều nên làm đẹp, riêng phái nữ thì làm đẹp còn phải kể là một bổn phận, để tạo hạnh phúc cho gia đình. Trong Chinh Phụ Ngâm, bà Ðoàn Thị Ðiểm cũng đã công nhận như thế:

Xin vì chàng xếp bào cởi giáp
Xin vì chàng rũ lớp phong sương.
Vì chàng tay chuốt chén vàng
Vì chàng điểm phấn, đeo hương não nùng.

Người ta làm đẹp qua cách điểm trang và cách ăn mặc. Làm đẹp giúp người ta trông trẻ ra, đẹp hơn và có duyên thêm:

Trắng da vì bởi phấn giồi
Ðen da vì bởi em ngồi chợ trưa.
Có trầu cho miếng đỏ môi
Có rượu cho chén thêm tươi má hồng.
Cau già, dao sắc lại non
Nạ dòng trang điểm lại giòn hơn xưa.
Người tốt về lụa
(Lúa tốt về phân)
Chân tốt về hài
Tai tốt về hoãn.

Và cũng vì trang điểm đẹp thêm nên ta cảm thấy tự tin hơn, yêu đời hơn và cuộc đời cũng vì đó mà lên hương thêm, cao giá thêm:

Còn duyên như tượng tô vàng
Hết duyên ngư tổ ong tàn ngày mưa.
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình.
Còn duyên kén những trai tơ
Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng.

7)- Phải biết ăn uống sao cho bổ và ngon. Tục ngữ có câu “dĩ thực vi tiên”. Người xưa xem chuyện ăn uống quan trọng hơn cả, vì hiểu rằng:

Ăn vóc học hay.
Hoặc:
Có thực mới vực được đạo
Và:
No nên bụt, đói ra ma.

Hiển nhiên có ăn mới khoẻ mạnh nên hình dạng con người đẹp đẽ, cũng như có học mới thành người giỏi, người tài. Sau nữa, có ăn no đủ người ta mới dễ dàng giữ được nhân cách, đạo đức, sống đời từ bi bác ái. Khi đã xem vấn đề ăn uống là chuyện hàng đầu ở đời, mà chuyện ăn uống lại là chuyện tế nhị, chuyện nghệ thuật, chuyện văn hoá chứ phải thường đâu, nên người ta mới cần đến tài nội trợ, bếp núc đảm đang, khéo léo của các bà các cô.
Tất nhiên không kể đến những người quá nghèo, hay đang gặp cơn bĩ cực, không tiền mua gạo đã phải ăn rau, ăn ráy, ăn khoai độn bụng để sống tạm qua ngày:

Ðói ăn rau, đau uống thuốc.
Ðói thì ăn ráy, ăn khoai
Chớ thấy lúa trỗ tháng hai mà mừng.

Còn người nội trợ bình thường nào cũng biết “liệu cơm gắp mắm”, nghĩa là biết tuỳ theo khả năng mà lo cho chồng con được cơm dẻo canh ngọt. Hai bữa ăn chính của dân ta, cơm là căn bản nên phải lo trước tiên. Theo người xưa:

Cơm ba bát, áo ba manh
Ðói chẳng xanh, rét chẳng chết

Như thế, một con người cơm đủ no (mỗi bữa ba bát) sẽ có đủ sức khoẻ để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt. Cơm đủ ăn rồi, người ta mới nghĩ đến cách nấu nướng, chế biến thực phẩm thành những món ăn làm sao đem lại sự khoái khẩu và tăng thêm chất lượng dinh dưỡng cho cơ thể.

Nhiều tiền mua thịt
Ít tiền mua xương.

Ðúng vậy, người nội trợ khôn ngoan. Khéo léo dù ít tiền vẫn có thể sửa soạn những món ăn ngon cho gia đình:

Trời mưa cho ướt lá dừa
Cho tươi luống cải cho vừa lòng em.
Cho em hái đọt rau dền,
Nấu tô canh ngọt dâng lên mẹ già.
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon.
Bồng em đi dạo vườn cà,
Cà non chấm mắm, cà già làm dưa.
Chồng chê thì mặc chồng chê,
Dưa khú nấu với cá trê ngọt lừ.

Nói chung ở thôn quê Việt Nam xưa, nhà nào có đủ gạo ăn, lại có được cái ao rau muống với hai món tương cà gia bản thì có thể yên tâm là gia đình sẽ được đủ no và gia đạo sẽ được an vui:

Nhà em có vại cà đầy
Có ao rau muống, có đầy chĩnh tương.
Dầu không mỹ vị cao lương
Trên thờ cha mẹ, dưới nhường anh em.
Một nhà vui vẻ êm đềm,
Ðói no tuỳ cảnh, không thèm luỵ ai.

Còn những gia đình khá giả hơn thì người nội trợ thường hay sửa soạn, nấu nướng những món ăn đắt tiền hơn, cầu kỳ hơn cốt làm tăng thêm khẩu vị cho mọi người. Cũng vì miếng ngon nhớ lâu nên người ta có thể kể lại vanh vách. Này đây là những món ngon dành cho mẹ già:

Tôm rằn lột bỏ đuôi
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.
Ba tiền một khứa cá buôi
Cũng mua cho được để nuôi mẹ già.
Này đây là những món ngon dành cho vợ chồng con cái:
Cơm trắng ăn với chả chim
(Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no).
Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè hột sen.
Bậu câu cá bống, ngắt đầu kho tiêu
Kho tiêu, kho mở, kho hành
Kho ba lượng thịt để dành cho em ăn.
Sống thì cua nướng, ốc lùi
Chết cũng nên đời, ăn những miếng ngon.
Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không?

Các bà nội trợ còn lo sắp xếp thực đơn mỗi ngày, mỗi bữa những món ăn khác nhau cho chồng con ăn không chán, lại thấy lạ và ngon miệng:

Sáng ngày bồ dục chấm chanh
Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá chầy.

Việc bếp núc cũng lắm công phu, muốn thành công người ta phải nắm được một số bí quyết, như:
Mùa nào thức ấy. Như thế vừa rẻ vừa ngon, vừa tươi và có nhiều chất bổ dưỡng giúp phát triển và bảo trì cơ thể lành mạnh:

Chim, gà, cá, lợn, cành cau
Mùa nào thức ấy, giữ mầu nhà quê.

Biết cách chọn mua thực phẩm sao cho tươi và ngon:

Mua thịt thì chọn miếng mông
(Lấy chồng thì chọn con tông nhà nòi)
Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo thì lòng mới ngon.
Mua bầu xem cuống
Mua rau xem lá
Mua cá xem mang
Mua cua xem càng.

Món ăn nào phải dùng gia vị ấy. Ngoài ra làm ăn phải sạch sẽ, giữ cho đồ ăn được tinh khiết, trong lành mới là trọn vẹn:

Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi,
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng giềng.
- Cá không ăn muối cá ươn.
Thịt đầy canh không hành không ngon.
- Cái cò, cái vạc, cái nông
Ba con cùng béo, vặt lông con nào?
Vặt lông con vạc cho tao
Hành, răm, mắm muối bỏ vào mà thuôn.
Con lươn có tiếng hôi tanh
Xào nấu sạch sẽ cũng thành món ngon.
Rau cải nấu với cá rô
Gừng thêm một lát, cho cô giữ chồng.

Nên biết những đặc sản của mỗi vùng. Khi đã biết, ra chợ dễ mua bán, và khi đã mua được cây trái, thực phẩm ngon rồi, người nội trợ chắc chắn dễ thành công hơn trong việc cơm nước cho gia đình, hay những bữa tiệc tùng cho họ hàng, bè bạn:

Thí dụ 1, thổ sản miền Trung:
Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh
Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ?
Sầu riêng măng cụt Cái Mơn
Bắp thì Chợ Giữa, giồng khoai Mỹ Hoà.
Bến Tre nước ngọt lắm dừa
Ruộng vườn mầu mở, biển thừa cá tôm.
Bánh tráng Mỹ Lồng
Bánh phồng Sơn Ðốc.

Thí dụ 2, thổ sản miền Trung:
Ốc gạo Thanh Hãn
Mật rú Bát Phường
Măng cây Huyện Do
Gầm ghì Chợ Huyện
Thơm rượu Hà Trung
Mắm ruốc Cửa Tùng
Mắm nêm Chợ Sải.

Thí dụ 3, thổ sản Miền Bắc:

Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần
Nước mắm Vạn Vân, cá rô Ðầm Sét.

Biết chọn các món ăn đi cặp với nhau cho tăng khẩu vị. Cuối cùng người nội trợ tế nhị, từng trãi còn phải biết sắp xếp những món ăn nào đi cặp với nhau khiến ăn vào cho tăng khẩu vị, như:

Mâm cốm kẽo kẹt mâm hồng
(Bát bịt, mâm đồng kẽo kẹt một nơi).
Mâm thịt kẽo với mâm xôi
Thịt bùi, xôi dẽo kẽo nơi bà già
Cùi dừa kẽo kẹt bánh đa
Cái dĩa thịt gà kẽo kẹt lá chanh.
Nồi cơm kẽo với nồi canh
Quả bí trên nhành kẽo với tôm he
Bánh tráng kẽo với nước chè (trà)...
Cơm nắm ăn với thịt dim
Vừa bùi vừa dẻo lại thêm mặn mà.

Chính nhờ tài nội trợ cơm nước khéo léo và cách sắp xếp món ăn hợp khẩu vị này mà các bà vợ Việt Nam đã bảo vệ được hạnh phúc gia đình. Người chồng đi xa nhà, thấy nhớ món ăn ngon của vợ lại muốn mau mau trở về:

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

Nấu ăn ngon đã trở thành một trong những bí quyết tạo hạnh phúc và giữ hạnh phúc gia đình. Ðấy là lý do vì sao không một bà mẹ Việt Nam nào lại không dạy con gái nghệ thuật nấu nướng. Và cô gài nào có tiếng nấu nướng giỏi, có kém nhan sắc một chút vẫn lấy được chồng ngon lành như thường:

Có phúc lấy được vợ già
Vừa sạch cửa nhà, lại ngọt cơm canh.

8)- Ăn chơi phải có chừng mực. Ăn uống vừa bổ, vừa ngon miệng tất đem lại cho con người nhiều sức khoẻ. Có sức khoẻ lại có đạo đức, người ta mới mong sinh được những đứa con tốt lành:

Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu.

Có sức khoẻ người ta mới mong hưởng thụ được nhiều lạc thú ở đời. Thôi thì đủ cả:

Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải, Ðồng Nai cũng từng.
Già thì già tóc, già tai
Già răng, già lợi, đồ chơi không già.
Tuy nhiên chúng ta đều biết cái gì thái quá cũng không nên:
Ăn lắm thì hết miếng ngon
Nói lắm thì hết lời khôn hoá rồ.

Bởi vậy, nếu người ta cứ mặc sức ăn chơi, hưởng thụ theo cái lối buông thả, chơi cố:

Ðã sinh tài sắc ở đời
Chẳng ăn cũng thiệt, chẳng chơi cũng hoài.

Không tự giới hạn, kiềm chế được mình thì rồi trường xuân đâu chẳng thấy, tật bệnh đã theo nhau kéo đến. Lúc bấy giờ ăn chẳng được, mà ngủ cũng chẳng yên, người ta mới thấm thía được hết ý nghĩa của câu:

Ăn được, ngủ được là tiên
Không ăn, không ngủ, mất tiền thêm lo.
Thêm lo thì đã quá muộn rồi. Vậy, muốn được sống trường thọ, kéo dài tuổi xuân thì ăn chơi phải có điều độ, phải biết dè chừng, theo tinh thần tự chế:

Tay tiên chuốc chén rượu đào
Ðổ đi dẫu tiếc, uống vào tất say.
(Ðúng ra là: Ðổ đi thì tiếc, uống vào thì say).

Ngày nay, nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI. Sách báo và nhiều người xung quanh ta thường nói đến những vấn đề liên quan đến các phát minh tiến bộ vượt bực của khoa học như về các loại máy móc điện tử, về truyền thống vệ tinh, cùng các tiến bộ đáng kể của ngành y dược như đã tìm ra các phương thuốc trị bệnh hiểm nghèo, đã cứu được nhiều sinh mạng bằng phép ghép thận, ghép gan, thay tim, v... v...

Nhờ vậy, con người đã được hưởng một cuộc sống văn minh vật chất tiến bộ đáng kể, và sức khoẻ cũng được bảo vệ tối đa, tuổi th? vì thế đã gia tăng rất nhiều. Người xưa, năm mươi tuổi đã được liệt vào thọ cách, ai sống đến bảy mươi cho là hi hữu. Người nay, tuổi thọ trung bình đã vượt lên từ bảy mươi lên tới tám mươi tuổi. Có nhiều cụ đã sống trên cả trăm tuổi (cụ bà Jeanne Clément là người thọ nhất thế giới, đã ăn mừng sinh nhật lần thứ 126. Vậy mà chúng ta còn giở lại những câu ca dao, thành ngữ cổ truyền của dân tộc để tìm hiểu, học hỏi thêm về những bí quyết trường sinh của người xưa, không biết như thế có lạc hậu không?

Tôi thiết nghĩ là không. Thực vậy, nếu chúng ta nắm được nghệ thuật sống, nghĩa là biết dung nạp những ưu điểm của hai lối sống kia để bổ khuyết cho nhau, như chúng ta vẫn sống đời văn minh tiến bộ của Âu Mỹ để được bảo đảm sức khoẻ cùng những tiện nghi vật chất. Nhưng chúng ta sẽ không bắt chước tinh thần Aâu Mỹ chạy đua với kim đồng hồ, đua đòi, đuổi theo những tiện nghi để bị lệ thuộc tiện nghi, khiến lúc nào cũng phải sống vội vã: hùng hục làm việc, hùng hục hưởng thụ, để rồi suốt đời sống trong vòng quẩn quanh này, mà chúng ta nên sáng suốt trở về sống với quan niệm nhân sinh của ông cha ta: sống giản dị, tri túc tiện túc, thanh thản, hoà hợp với thiên nhiên, đồng thời hướng về những thú vui tinh thần thanh cao nhân ái và đạo nghĩa.

Chỉ có quan niệm sống dung hợp như thế chúng ta mới có nhiều cơ may kéo dài tuổi xuân, và tâm hồn lúc nào cũng được thoải, mái, hạnh phúc. Và chỉ có quan niệm sống dung hợp như thế mới thực sự thích hợp với bản chất và tâm tính con người Việt Nam.

Phạm Thị Nhung
(Giáo sư Gia Long)





Phượng Các
#5 Posted : Friday, May 20, 2005 8:19:13 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
HOA ĐÀO NGOÀI ĐỜI VÀ TRONG THI CA

PHẠM THỊ NHUNG


Mùa xuân ở nước Việt ta, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, là lúc muôn hoa rộ nở, hồng tía khoe tươi. Giống như hoa mai vàng ở miền Trung và miền Nam, hoa đào mầu hồng thắm ở miền Bắc nổi bật giữa các loài hoa và được chưng bày khắp mọi nhà, nó tạo cho ngày Tết một màu sắc, một phong vị đặc biệt, và nghiễm nhiên trở thành loại hoa Tết chính thống của dân tộc.

Tục lệ chơi hoa đào ngày Tết ở xứ Bắc đã có từ lâu đời, vì chẳng những hoa đào có màu hồng rực rỡ là mầu \"hỉ tín\", rất phù hợp với không khí vui tươi, tràn trề hy vọng của những ngày đầu năm mới mà người xưa còn tin là cây đào trị được ma quỉ. Tích xưa kể rằng, dưới gốc cây đào già nơi núi Độ Sóc có hai vị thần Trà và thần Lũy cư ngụ, họ giữ trọng trách cai quản đàn qủi, qủi nào làm hại dân gian thì ra tay trừng phạt ngay. Mỗi khi Tết đến, lợi dụng cơ hội các vị hành khiển trông nom việc dưới thế phải lên chầu trời để trình tấu mọi việc thế gian, bọn qủi liền ra quấy phá. Do đó, vào dịp này người ta thường trưng một cành đào trong nhà, để bọn qủi tưởng là nơi hai vị thần Trà thần Lũy trấn giữ, sợ, không dám bén mảng.

Ở ven đô Hà Nội, phía tây bắc Hồ Tây. là làng Nhật Tân, nổi tiếng về nghề trồng bích đào và đào phai.
Trước năm 1954, tám mươi phần trăm dân làng ở đây chuyên nghề trồng đào, họ khai khẩn đến gần trăm mẫu đất, trồng hàng vạn cây đào mới đủ cung ứng nhu cầu thị hiếu chơi hoa đào vào dịp Tết của dân Hà thành.

Loại bích đào hoa to, mỗi cụm chỉ độ dăm bông, mỗi bông có 12 hay 14 cánh nhưng cũng có loại 32 cánh ( loại bông kép), loại này ít trồng vì không mấy được ưa chuộng. Cánh hoa bích đào dầy, màu hồng thắm, xếp thành nhiều lớp, nhị vàng tua tủa; lá có hình mũi mác, mầu xanh biếc, cành thì vươn thẳng. Bích đào là loại hoa đẹp nhất, hiếm, quí vì khó trồng và phải có thổ ngơi thích hợp.

Bích đào và đào phai (đào ăn quả) xưa lấy giống từ Trung Quốc. Theo các nhà khảo cổ học về cây cỏ thì người Trung Hoa biết trồng đào ít nhất từ bốn ngàn năm. Đào từ Trung Quốc truyền vào Trung Á (Asie Centrale), vào Ba Tư (Perse tức Iran). Một thế kỷ trước công nguyên, ông Alexandre Le Grand mang giống đào từ xứ Perse vào Rome và mãi đến thế kỷ XVII, cây đào mới được du nhập vào Mỹ Châu. Các nhà thực vật học đầu tiên tưởng Perse là quê hương của đào, nên đặt cho nó cái tên khoa học là Prunus persica. Sau người ta biết là nhầm nhưng đã quen gọi lâu đời nên vẫn để nguyên tên đó., thay vì phải đổi là Prunus sinensis, họ Rosacées.

Ở Việt Nam ta từ thời xa xưa đã biết trồng đào phai để ăn quả, loại này cánh hoa mỏng, thưa, màu hồng nhạt, còn lá thì màu xanh nõn. Đào phai dễ trồng và sức sống của nó rất mạnh. Thị trấn Sa Pa thuộc vùng Hoàng Liên Sơn là xứ sở của đào phai. Dân làng Nhật Tân mua cây đào phai còn non về trồng, một năm sau cây đủ mạnh, họ sử dụng làm gốc ghép. Trước tháng 11, họ cắt một nhánh bích đào ghép vào gốc cây đào phai, chờ đến Tết là họ có một cành đào bích tươi tốt đem bán. Mỗi năm mỗi gốc đào phai chỉ dùng ghép được một cành bích đào, thế nên gốc đào phai có bao nhiêu mấu là cây đó bấy nhiêu tuổi.

Quê hương của bích đào và đào phai là Trung Quốc, nhưng quê hương của hoa anh đào lại là nước Nhật Bản. Người Nhật gọi hoa Anh Đào là \"quốc hoa\", tức là loài hoa đại diện cho dân tộc của họ. Nước Nhật còn được mệnh danh là \"xứ hoa anh đào\", vì hoa anh đào dược trồng khắp nơi trên dải đất Phù Tang, nhất là ở những vùng đồi núi hẻo lánh, nơi có những ngôi chùa cổ kính. Nhìn từ xa người ta chỉ thấy mái chùa ẩn hiện thấp thoáng dưới những lùm đào cổ thụ um tùm. Mỗi độ xuân về, hoa nở hồng ngát cả môt phương trời, tạo cho chốn thiền môn một vẻ thanh tịnh, nhuốm đầy đạo vị.

Năm 1912, Nhật Bản gửi tặng Hoa Kỳ 3.000 cây anh đào, gồm nhiều loại khác nhau,
nhưng hai loại chính là Yoshimo và Kwanzan. Những cây này phần lớn đem trồng dọc hai bên bờ sông Potomac tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Kể từ năm 1934, nhà cầm quyền nơi đây cũng bắt chước dân Nhật mở Hội Hoa Anh Ðào. Nhưng thay vì đi dạo ngắm hoa, ngồi thiền trà hay ca hát dưới hoa thì ở Mỹ người ta tổ chức các cuộc diễn hành, thi xe hoa và có các ban nhạc từ các tiểu bang khắp nước gửi về tham dự.

Hoa đào mỗi năm nở sớm hay muộn tuỳ theo thời tiết, người ta phải đoán trước để định ngày lễ hội cho đúng dịp hoa nở. Năm nào chẳng may gặp những trận mưa đá hay mưa tuyết bất thường làm hoa tàn tạ sớm thì đám người dự hội chỉ còn nước ngắm cảnh cành trơ với những cánh hoa tan tác bên đường.

Đầu thế kỷ XX, Nhật Bản cũng đã gửi tặng nước Pháp nhiều cây anh đào.
Số cây anh đào trồng tại Jardin des plantes tuy chỉ vài chục cây nhưng có đủ loại, từ loại cánh hoa đơn dến cánh hoa kép, có hương hay không hương, mầu trắng phớt hồng đến hồng đậm rồi tới đỏ thẫm.

Riêng tại vườn đào trong Parc de Sceaux, hiện đếm được 147 cây, những cây cổ thụ trồng từ đầu thế kỷ nay còn lại độ một phần ba, những cây chết được thay thế ngay bằng những cây mới nên tới mùa hoa, vườn hoa anh đào bao giờ cũng xum xuê. Tất cả những cây đào trồng ở đây đều thuộc loại anh đào, cây cao chừng 3-4 mét có hoa mọc thành chùm, cánh hoa mỏng như lụa , màu phấn hồng ngọt ngào. Tới mùa, hoa nở chi chít, ngọn lả xuống tận mặt đất, trông như những lẵng hoa thiên nhiên khổng lồ đặt trên nền thảm cỏ non, xanh mướt. Ngồi từ dưới gốc cây nhìn lên thấy cả một trời hoa lồng lộng, nhìn ra tứ phía, một màu hồng bát ngát bao phủ khắp không gian. Đúng là cảnh Thiên Ðàng hạ giới!

Kiếp hoa đào thật mỏng manh, từ lúc hoa nở đến lúc hoa tàn chỉ trong khoảng ba ngày ngắn ngủi, cả mùa hoa cũng chỉ kéo dài được ba tuần. Từ đầu tháng tư dương lịch, những đoá hoa khai mùa bắt đầu nở đến hết tuần thứ ba là những cánh hoa cuối mùa rụng hết. Nhưng dù ở thời điểm nào, vườn đào vẫn có một vẻ hấp dẫn riêng. Tươi mát, mơ màng khi những nụ hoa đầu tiên vừa chúm chím môi cười sau bao ngày im lìm trong băng giá. Tưng bừng, rực rỡ khi cả ngàn hoa rộ nở. Man mác, nên thơ khi những cánh hoa rơi bay tơi tả khắp không gian rồi trải thảm trên nền cỏ biếc.

Phải chăng vì mầu hoa đào thắm tươi, nồng nàn, quyến rũ, hay vì kiếp hoa đào mỏng manh bạc mệnh ; hay vì vườn hoa đào đẹp một cách thanh thoát, thần tiên v.v… đã khiến gây được nhiều mỹ cảm cho người đời, nhiều thi hứng cho các tao nhân mặc khách ? Chẳng thế trong kho tàng thi ca phong phú của Nhật Bản, của Trung Hoa cũng như của Việt Nam đã không hiếm những áng thơ văn tuyệt mỹ, những trang tình sử diễm lệ có liên quan tớí hoa đào.

Nước Nhật, ai cũng biết, có một đường lối giáo dục nghiêm khắc , một quân đội hùng mạnh, can cường, từng đi chinh phục được nhiều dân tộc trên thế giới, vậy mà dân họ lại có một cái nhìn rất bi quan về kiếp người khi đem cuộc đời ngắn ngủi của hoa đào ra so sánh, như hai câu thơ tiêu biểu dưới đây:

- Anh đào nở ba ngày đã rụng
Khác chi người một kiếp phù du.

Trong một bản dân ca Nhật Bản đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và chế lời Việt, cũng mang một quan niệm yếm thế không kém:

- Rượu nồng ta uống, uống, uống say một đêm ngất ngây
Thả hồn theo gió heo may, đến hôn hoa, những cánh hoa anh đào say
Nhạc nghe xa vắng những tiếng buồn, đường tơ héo hon, đường tơ héo hon
Chạy theo ánh sáng lung linh, ánh trăng thanh đến mơn man cuộc tình trinh.
Trời xuân man mác những mối sầu, tình theo gió mau
Cánh hoa tươi tốt không lâu, một đêm nào sẽ rớt mau về đời sau.
Rượu nồng ta uống choáng cõi đời để quên nắng phai, để quên nắng phai
Đời người mỏng quá đi thôi, hỡi ai ơi hãy quên đi, rượu đầy vơi...


Trong khi đó, người Trung Hoa và người Việt Nam lại có cái nhìn rất phong phú và yêu đời về hoa đào, về cây đào.
Người Trung Hoa xưa ví nhân tài như cây đào, cây mận. Địch Nhân Kiệt làm tể tướng đời Đường, thu dụng được nhiều nhân tài nên có người bảo \"cây đào, cây lý trong nước ở cả cửa tướng công\".

Nói về thi ca Trung Hoa, kinh thi, tập thơ dân gian cỗ nhất của họ , do đức Khổng Tử san định khoảng giữa thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, mục Chu nam, thơ Ðào Yêu có câu :

- Đào chi yêu yêu
Chước chước kỳ hoa
Chi tử vu qui
Nghi kỳ thất gia.
...........
Nghĩa là:
- Mơn mởn đào tơ
Rực rỡ nở hoa
Cô nàng lấy chồng
Êm ấm cửa nhà.

Ở đây, cây đào non đã được ví với người thiếu nữ trẻ trung đến tuổi dậy thì, tuổi lấy chồng.

Trong Tả truyện, chương thập tứ niên, hoa đào lại được biểu hiệu cho người phụ nữ có nhan sắc diễm lệ.
Truyện kể, nàng Tức Vỉ, vợ Tức Hầu đời Xuân Thu, có sắc đẹp tuyệt trần. Sở Văn Vương mê nàng tìm cách diệt Tức Hầu rồi đem nàng về phong làm phu nhân.

Tức Vỉ chẳng những có dáng hình tha thướt, yểu điệu mà đặc biệt hai má lúc nào cũng đỏ au như cánh hoa đào, vì thế nàng được người đương thời tặng cho biệt danh \"Đào Hoa Phu Nhân\".

Bài Đào Nguyên ký của Đào Tiềm cho hay : Vào đời Tấn (245-419) có người thuyền chài ở Vũ Lăng, một hôm chèo thuyền đi ngược dòng suối, thấy có nhiều hoa đào trôi theo dòng nước đổ xuống, sau lạc vào nơi trồng cơ man là cây đào, ở đây người ta sống rất an vui hạnh phúc. Sau đó, chữ \"động đào\", hay \"đào nguyên\", hay \"nguồn đào\" được dùng chỉ nơi tiên ở.

Trong huyền thoại Trung Hoa có nói đến vườn đào của Tây Vương Mẫu ở thiên giới. Nơi đây, hoa nở quanh năm, trái đủ bốn mùa. Ai được ăn trái đào tiên này sẽ trường sinh bất lão (truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cũng có nhắc tới).
Bởi vậy, ta thường thấy trong những bức tranh hay tượng tam đa, (hình ba ông Phúc-Lộc- Thọ) ông Thọ bao giờ trên tay cũng cầm trái đào, còn trong tranh Tết thì hình thằng bé mũm mĩm, giang tay ôm trái đào tiên khổng lồ vào lòng, là có ý chúc trường thọ.

Còn về chuyện ái tình thì không thể không nhắc tới giai thoại Hoa Ðào Thôi Hộ, vì hoa đào ở đây đã làm nền cho một câu chuyện tình lãng mạn nhất trong văn chương thi phú Trung Hoa.
Thôi Hộ, một danh sĩ đời Đường (618-907), nhân dự hội Đạp Thanh, chàng lạc bước đến Đào Hoa Thôn rồi ghé vào Đào Hoa Trang gõ cổng xin nước giải khát. Một thiếu nữ ra mở cổng, rụt rè đưa nước cho chàng. Nàng rất đẹp, vẻ mặt e lệ, hai má đỏ hây như càng đỏ hơn dưới bóng cây hoa đào. Chàng cũng ngượng ngập, đỡ bát nuớc uống rồi vội vã từ giã ra về.

Nhớ người, nhớ cảnh, năm sau đến ngày hội xuân, Thôi Hộ háo hức trở lại Đào Hoa Trang, nhưng nơi đây cửa đóng then cài, người xưa vắng bóng, chỉ có ngàn hoa đào vẫn rực rỡ đang mĩm cười trước gió đông. Quá xúc cảm, chàng đã phóng bút đề bài thơ tứ tuyệt trên cổng nhà nàng:
- Khứ niên, kim nhật, thử môn trung
Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Dịch:
- Cửa này, năm ngoái, cũng hôm nay
Mặt ngọc hoa đào, ánh đỏ hây
Mặt ngọc đi đâu mà chẳng biết
Hoa đào năm ngoái vẫn cười tươi.

Xế chiều, người thiếu nữ và thân phụ đi viếng chùa xa trở về, chợt nhìn thấy mấy câu thơ trên cổng, nét bút bay bướm, tình ý nồng nàn thì nàng đoán ngay của khách du xuân năm ngoái, lòng xiết bao cảm động. Từ đó ngày ngày nàng có ý ngóng trông... Nhưng hết mùa hoa đào này đến mùa hoa đào khác trôi qua, ai kia vẫn bặt vô âm tín.
Hoàn toàn tuyệt vọng, người thiếu nữ sầu khổ, bỏ ăn quên ngủ, dung nhan mỗi ngày một tiều tuỵ võ vàng. Thân phụ nàng hết lòng tìm thầy cứu chữa, nhưng vô hiệu vì:
- Nhược hữu lương y viên tuyệt mạng
Tùng lai vô dược liệu tương tư.

(Ví có thầy giỏi cứu được mạng sống con người
Nhưng chưa từng có thuốc chữa được bệnh tương tư)
Rồi tới một mùa hoa đào sau đó vài năm, biết không thể sống nổi, người thiếu nữ thú thật tâm sự cùng cha già và xin cha tha cho tội bất hiếu.
Nhìn con gái đang hấp hối trên giường bệnh, xót con nóng lòng, ông lão chạy vội xuống đường mong tìm cho ra người đề thơ trên cổng đến nỗi đâm bổ vào một chàng văn nhân. Nhìn nét mặt lão hốt hoảng, nước mắt đầm đìa, chàng hỏi cớ sự, hiểu ra liền oà lên khóc và thú nhận mình chính là Thôi Hộ, kẻ đã đề thơ thuở nào. Ông lão mừng rỡ,cuống quít kéo chàng vào nhà… thì cũng vừa lúc người thiếu nữ trút hơi thở cuối cùng.
Quá thương cảm, Thôi Hộ quì xuống bên giường, cầm lấy tay nàng, áp mặt vào mặt nàng, nức nở khóc. Kỳ lạ thay, nước mắt chàng Thôi vừa nhỏ xuống mặt người thiếu nữ thì nàng từ từ mở mắt, sống lại.
Sau đó, chuyện gì phải đến đã đến và thiên tình sử Hoa Đào Thôi Hộ đã khép lạ ở đây, nhưng dư âm của nó vang vọng mãi đến muôn đời sau.

Riêng ở nước ta, hoa đào đã đi vào lịch sử, ngôn ngữ hàng ngày và thi ca một cách đậm đà ý vị.
Về lịch sử, vào tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung sau khi đem đoàn quân tốc chiến từ Nam ra Bắc, đại phá được 20 vạn quân Thanh xâm lược, liền sai quân sĩ chọn lấy một cành bích đào đẹp nhất Thăng long, cho ngựa phi gấp mang vào Phú Xuân để tặng công chúa Ngọc Hân, thay cho thiếp báo tin mừng chiến thắng.

Trong ngôn ngữ hàng ngày thi - màu đào, dùng để tả màu hồng thắm hay đỏ tươi như : má đào, lụa đào, cờ đào, máu đào
Qua thi ca, thành ngữ - \"đào tơ mơn mởn\" chỉ người thiếu nữ đang tuổi dậy thì, có vẻ đẹp tươi mát, đầy sức sống - \"Liễu yếu đào tơ\" chỉ người thiếu nữ có vẻ đẹp yểu điệu mảnh mai - \"Số đào hoa\" là số có duyên, được nhiều người khác phái ưa thích - ‘Kiếp đào hoa’ cũng như ‘Số hoa đào ‘ , nói như Nguyễn Du trong truyện Kiều : ‘Chém cha cái số hoa đào Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi’ (c.2151-2152) chỉ số phận hẩm hiu, bạc mệnh của kiếp gái giang hồ.
Tục ngữ: - \"Một giọt máu đào, hơn ao nước lã\" ý nói, bà con có chung một huyết thống, dầu xa nhưng còn hơn người dưng.v.v...

Trong truỵện cổ tích Từ Thức, động Bích Đào ở xã Trị Nội, huyện Nga Sơn, gần núi Thần Phù, là di tích một câu chuyện thần tiên. Tích xưa kể rằng, Từ Thức nguyên là tri huyện Tiên Du (Bắc Ninh), vào ngày hội hoa mẫu đơn tại ngôi chùa sở tại, chàng đã cởi áo khoác cầm cố để giải cứu cho người thiếu nữ chót đánh gẫy cành hoa quý.
Ít lâu sau, Từ Thức treo ấn từ quan, ngày ngày ngao du sơn thủy. Một hôm chàng chèo thuyền ngoài cửa bể Thần Phù, ghé vào bờ núi đề thơ rồi lạc đến một động tiên, chàng được phu nhân tiên chủ gả con gái yêu là Giáng Hương cho, để đền cái ơn đã cứu nàng thuở nào.

Sống ở Đào Nguyên tuy vui sướng nhởn nhơ nhưng Từ Thức không nguôi lòng nhớ cố hương, bèn xin trở về. Biết không thể lưu giữ được lâu hơn, phu nhân ban cho vân hạc đưa chàng về trần, còn Giáng Hương trước phút từ biệt, trao cho chàng một phong thư, dặn khi tới nhà hãy đọc.

Từ Thức về đến quê, xiết bao bỡ ngỡ vì cảnh cũ đã hoàn toàn thay đổi mà người xưa cũng không còn. Chàng hỏi thăm ông già bà cả trong xóm thì có người cho biết, cụ tổ ba đời của ông ta tên là Từ Thức, đi vào núi không thấy về, nay đã trên 60 năm.

Quá bơ vơ, lạc lõng, chàng Từ Thức tính quay lại níu lấy cánh hạc để trở về tiên động, nhưng cánh hạc đã bay vút trời cao. Chàng mở thư vợ ra xem mới hay ‘ tình duyên trần tiên đã đoạn, muốn tìm lại động xưa chẳng còn được nữa’.
Sau đó ít lâu, Từ Thức đi vào núi Hoành Sơn ( gần Thanh Hoá), không thấy trở lại.

Thi sĩ Tản Đà, giữa đầu thế kỷ XX, cảm hứng chuyện cũ, sáng tác nên bài từ khúc

‘Tống Biệt’ :
- Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi.
Cánh hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động đầu non, đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Khác với bài hát Thiên Thai của Văn Cao, nhằm ca ngợi cảnh đẹp và hạnh phúc mà hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu trong truyện thần tiên Trung Hoa, được vui hưởng khi lạc tới Đào Nguyên đến quê cả đường về; sau hai chàng trở lại trần gian vẫn còn luyến tiếc mãi không thôi:

- Thiên Thai, chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
Có một mùa đào cùng ngày tháng chưa tàn phai một lần
……
Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn quên đường về
……
Nay tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao?

Bài từ khúc của Tản Đà lại hướng về quê hương hạ giới, cốt làm nổi bật hai khía cạnh trong đời sống tâm lý muôn thuở của thế nhân:
Con người ta sống ở nơi nào, dù được sung sướng đến đâu (như ở chốn thiên tiên) vẫn không thể quên được cố hương, và sẽ có ngày tìm về.
Trái lại, dù được sống ở quê hương, nhưng một khi người xưa, cảnh cũ không còn, tất cả đã hoàn toàn đổi thay thì con người lại cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, ắt có ngày sẽ tính chuyện bỏ xứ ra đi.

Lại như trong thi ca bác học cổ điển của ta, vì chịu ảnh hưởng văn học Trung Hoa nên các mầu sắc, hình ảnh : mầu đào, hoa đào... thường được sử dụng để tả nhan sắc của người phụ nữ(có tính cách ước lệ). Song chắc chắn chưa một tác phẩm nào lại ca ngợi sức quyến rũ phi thường của đôi má đào người đàn bà như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, sáng tác cuối thế kỷ XVIII:

- Áng đào kiểm đâm bông não chúng
Khoé thu ba dợn sóng khuynh thành.
Bóng gương lấp ló trong mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.
(c.15-18)

- Má đào không thuốc mà say
Nước kia muốn đổ, thành này muốn long.
(c.167-168)
Đôi má đỏ au như hoa đào của người cung phi ở đây không phải bùa mê thuốc ngải mà có sức hấp dẫn mê hồn, có khả năng làm say đắm lòng người đến độ có nhiều vị trấn thành, trị quốc mê mệt tới sao lãng cả công vụ, đưa đến tình trạng mất thành mất nước như chơi.

Riêng Nguyễn Du, trong truyện Đoạn Trường Tân Thanh viết hồi đầu thế kỷ XIX, thì mượn cây đào làm bối cảnh cho cuộc tình của đôi tài tử giai nhân Kim Trọng - Thuý Kiều.
Sau buổi được tao ngộ cùng Thúy Kiều trong ngày hội Đạp Thanh, Kim Trọng trở về không lúc nào quên được nàng. Chàng say mê Kiều đến độ giả danh du học, thuê hiên Lãm Thuý để mong có cơ hội gặp lại người tình trong mộng của mình.
Cây đào ở cuối vườn nhà Kiều, bên kia tường là hiên Lãm Thúy, Kim Trọng ngày ngày ghé mắt nhìn sang. Lần đầu tiên Kim thoáng nhìn thấy Kiều dưới tàn cây đào :
- Cách tường phải buổi êm trời
Dưới đào dường có bóng người thướt tha.

Kim đã với được chiếc kim thoa của nàng vướng trên một cành đào:

- Lần theo tường gấm dạo quanh
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa
Giơ tay với lấy về nhà.
Nhờ đó Kim Trọng đã được gặp lại Thuý Kiều.
Nhân một hôm cha mẹ và hai em vắng nhà, Kiều khẽ hắng giọng làm hiệu gọi Kim cũng ở bên gốc cây đào này :
- Dưới hoa sẽ dặng tiếng vàng
Cách hoa đã thấy có chàng đứng trông.
Thì ra Kim Trọng lúc nào cũng loanh quanh luẩn quẩn ở gần cây đào để chờ Kiều.
Như thế, cây đào đã gắn liền với những kỷ niệm về mối tình đầu giữa Kim và Kiều.
Sau nửa năm xa vắng (Kim phải về Liêu Dương thọ tang chú), Kim trở lại vườn Thúy, chàng thấy mọi vật đều đã đổi thay, riêng có cây đào năm xưa vẫn tưng bừng nở hoa như ngày nào, như muốn trêu ghẹo nỗi cô đơn của chàng.

Tâm trạng Kim Trọng lúc này chẳng khác nào Thôi Hộ khi trở lại Đào Hoa Trang, không được gập lại người thiếu nữ đã cho chàng bát nước giải khát trong ngày hội xuân năm trước. Thế nên, Nguyễn Du đã mượn ý hai câu thơ cuối trong bài tứ tuyệt của Thôi Hộ để tả cảnh ngộ và tâm trạng Kim Trọng:
- Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Có ai ngờ câu chuyện tình Hoa Đào Thôi Hộ vẫn còn để lại dư âm đến tận ngày nay?
Vào mùa hoa đào năm 1991 tại Parc de Sceaux, nhìn thấy vườn đào rực rỡ với muôn ngàn đoá hoa đang lung linh trong nắng xuân hồng, chúng tôi lại nhớ đến khung cảnh thơ mộng trong cuộc tao ngộ giữa danh sĩ Thôi Hộ và người em gái Đào Hoa Trang thuở nào, lòng bỗng dạt dào cảm xúc.
Thay vì thương cảm cho tình cảnh của chàng Thôi khi trở về chốn cũ không gặp lại người xưa như Nguyễn Du trong truyện Kiều, hay hầu hết các vị nam nhân khác mỗi khi nhắc đến câu chuyện tình thơ mộng này ; chị em phụ nữ chúng tôi lại thường xót xa cho cảnh ngộ của người em gái Đào Hoa Trang, chỉ vì đôi lời thơ hoài cảm của ai kia mà mang lụy vào thân, đã bao tháng năm phải chờ đợi trong cô đơn, âm thầm, vô vọng… nên đã sáng tác nên mấy vần thơ, thác lời Người Em Đào Hoa Trang để làm kỷ niệm.

- Trong vườn hoa đào rộ nở
Lung linh dưới nắng xuân tươi
Cô em má hồng ửng đỏ
Chợt chàng Thôi Hộ ghé chơi.

Bốn câu thơ viết theo thể phú, mô tả cộc tao ngộ giữa danh sĩ Thôi Hộ và người em gái Đào HoaTrang.

- Gặp nhau chỉ dám thoáng nhìn
Sông chờ, bến hẹn tưởng nghìn kiếp xưa.
Cổng ngoài có mỗi bài thơ
Hoa đào vẫn nở, người mơ chẳng về.

Hai câu năm sáu, viết theo thể hứng; nhân cuộc gặp gỡ nẩy sinh tình yêu. Rồi dùng thể tỉ để diễn tả tâm tình người đẹp:
Nàng vừa gặp chàng là bị trúng ngay tiếng sét ái tình. Nàng yêu liền và tưởng chừng hai người đã thương nhau, đã chờ đợi nhau từ nghìn kiếp trước, nay bất ngờ gặp lại hẳn sẽ không bao giờ còn lìa xa nữa.
‘Sông chờ’, ‘bến hẹn’ dùng phép tỉ, vừa nhân cách hóa, vừa mượn hình ảnh thơ để diễn tả tình cảm tha thiết đợi chờ của hai kẻ yêu nhau, hay ít ra cũng có trong tưởng tượng, trong mơ ước của nàng.
Hai câu kết, người em gái Đào Hoa Trang lộ vẻ đau đớn, vừa tủi thương cho mình, vừa hờn trách đối tượng. Tưởng chàng yêu nàng tha thiết thế nào, ngờ đâu chỉ vẻn vẹn có một bài thơ rồi bỏ đi chẳng một âm hao ; trong khi tình yêu của nàng dành cho chàng là cả một niềm thủy chung như nhất, chẳng khác nào những bông hoa đào hàng năm vẫn nở mỗi độ gió đông về (gió đông tức gió xuân, vì mùa xuân mới có gió từ phương đông thổi tới).

Để kết thúc bài ‘Hoa Ðào Ngoài Ðời Và Trong Thi Ca’, chúng tôi xin tóm tắt như sau :
Hoa đào là một thực tại, không ai có thể phủ nhận. Nhưng thực tại đó hiện hữu như thế nào còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố, nhất là môi trường nó xuất hiện và cảm quan của người tiếp nhận. Như hoa đào tả chốn Bồng Lai thì người ta cho nó có vẻ đẹp xinh tươi, nở chốn thiền môn thì có vẻ đẹp thanh tịnh, xuất hiện trước mắt những kẻ đang yêu thì có vẻ đẹp rực rỡ, nồng nàn. Lại như khi đi qua một vườn hoa đào, có người thấy đẹp, cảm thấy rất an vui hạnh phúc , có người lại không. Như vậy đủ rõ, qua cái nhìn của mỗi cá nhân, thực tại không còn là thực tại mà đã được chuyển hoá. Có thể bị bi quan hoá như cái nhìn của người Nhật về hoa anh đào, nhưng thường là được thi vị hoá gấp năm, gấp mười lần, đặc biệt qua thi ca còn được thăng hoa gấp trăm, gấp ngàn lần, như bài thơ tứ tuyệt của Thôi Hộ, như bài hát Thiên Thai của Văn Cao v.v…

Nhận xét như vậy, chúng tôi không có ý gì khác hơn là tha thiết mời quí vị vào mỗi mùa hoa đào , khoảng đầu tuần thứ hai trong tháng tư, hãy nán chút thì giờ đi thăm vườn đào, để cả thân tâm mà tận hưởng tất cả các vẻ đẹp của nó. Này nhé, như thoạt nhìn từ xa, ta sẽ thấy mầu hoa, rồi gần hơn, cây hoa, cành hoa, gần hơn nữa, cánh hoa, nhị hoa, và nếu biết nhìn một cách sâu sắc, chúng ta còn có thể thấy, chỉ một cánh hoa cũng đủ hàm chứa cả sự mầu nhiệm của vũ trụ, vì trong đó không những có sự hiện diện của ánh nắng mặt trời, ánh sáng trăng, sao mà còn cả gió, mưa, sương, tuyết, đất, nước, cả người làm vườn và nhất là sự hiện diện của chính chúng ta. Thực thế, nếu chúng ta không có ý thức về cánh hoa đó, thì nó đối với chúng ta như chưa từng hiện hữu, có cũng như không, nói chi đến sự mầu nhiệm kia.
Hoa đào quả là một ân sủng của Thượng Đế ban cho loài người… Vườn đào quả là một Thiên Đường mà chúng ta có thể tới được dễ dàng ngay trong cuộc sống hiện tại. Ít nhất cảnh đẹp tinh khiết, tươi thắm của vườn đào cũng làm cho ta mát mắt, tâm trí thư giãn; ngoài ra nó còn nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng, tươi trẻ của chúng ta, và biết đâu còn gợi cho chúng ta nhiều cảm hứng, thi tứ, trên văn đàn Việt Nam, nhờ đó mà nảy sinh thêm biết bao kỳ hoa dị thảo ?
Giáo sư Gia Long Phạm Thị Nhung


Tài liệu tham khảo :

Bùi Sỹ Thành : Hoa Ðào Trong Truyện Kiều - Thuyết trình nhân dịp lễ Thánh Đản làng Hành Thiện, tháng 10 - 1991 tại Paris.
Đào Duy Anh : Tự Điển Truyện Kiều, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1987.
Nguyễn Tử Quang : Điển Hay Tích Lạ, Khai Trí xuất bản, Saigon1964.
Đào Nhật Tân Hà Nội, Mai Vàng Huế, Phụ Nữ Diễn Đàn, Giai Phẩm Xuân Ất Hợi, số 131, California-1995
Tìm Hiểu Phúc Âm : Hoa Anh Ðào, Văn Nghệ Tiền Phong số 274, California 1990.
***
1-Thuyết trình văn hoá tháng tư 1999 do Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN tổ chức, tại hội trường Thư Viện Diên Hồng, Paris 5.
2-Thuyết trình văn hóa Ngày Đại Hội QuốcTế Y Nha Dược Sĩ Việt NamTự Do, Paris 30-7-2000, tại Hôtel Sofitel, Salon Auditorium, Paris 14.
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.