Bạo hành trong gia đình sẽ đưa những ai trong cuộc đi về đâu?
Hồng Khắc Kim Mai
Hôm nay HKKM muốn tâm sự với các Anh Chị Em về nỗi buồn đang làm trĩu nặng trái tim của mình . Ấy là một thảm kịch gia đình vừa xảy ra tại Grand Prairie, một thành phố cách Dallas chừng 30 phút lái xe
Một người đàn ông trẻ Việt Nam (35 tuổi) đã nổ súng giết chết 6 mạng người , 4 người khác đang bị thương , để lại hai bé 3 tuổi và 11 tuổi bị mồ côi trên cõi đời này .
Khi đến viếng nhà quàn, không ai có thể nào cầm được nước mắt , và lòng không thể nào không quặn đau trước di ảnh của những người quá cố .
Họ là những người còn rất trẻ, rất đẹp, có những tương lai ngời sáng trước mặt, nhưng đã bị chết một cách oan uổng vì sự điên rồ của một người .
Báo chí và truyền hình khắp nơi đều rầm rộ loan tin . Chúng ta không đi sâu vào chi tiết, và cũng không lên án hung thủ vì hung thủ cũng đã tự sát rồi . Tuy nhiên mình nên nhìn vào đó để rút tỉa những bài học
Đương nhiên những thảm cảnh xảy ra đều có những nguyên nhân sâu xa . Những bất mãn/oán thù/ghét giận lúc mới bắt đầu thường nhỏ . Nhiều nhỏ gom lại thành lớn . Nhiều lớn gom lại thành trái bom nổ chậm . Và khi trái bom được rút ngòi thì sẽ banh xác nhiều mạng người .
Gia đình nào cũng có chuyện xào xáo . Muốn cho một gia đình êm ấm hạnh phúc lâu dài thì vợ chồng nên nhường nhịn nhau . Chồng có giận thì vợ nên nhịn . Chờ khi nào cơn giận của chồng lắng xuống, lúc ấy vợ hãy dịu dàng phân trần nổi oan uổng/bất bình của mình . Lúc bấy giờ chồng đã nguội rồi nên lời vợ mới lọt vào tai, vào tim anh ta được . Còn như khi chồng đang phùng mang trợn mắt mà vợ cũng trợn mắt phùng mang đốp chát thì thế nào cũng mạnh ai nấy dành phần phải về mình . Lời qua tiếng lại sẽ đưa đến màn vũ phu hay những lời nói bẩn thỉu để hạ bệ nhau xuống tận bùn đen .
Vợ có giận thì chồng nên nhịn, chờ cho vợ nguôi giận hẳng phân trần sau . Đàn bà thường hay yếu lòng . Nếu chàng giải thích có lý một chút rồi ôm vợ âu yếm thì mối giận trong lòng của em tan ngay .
Đàn ông coi bề ngoài vai u thịt bắp vậy, chứ trong lồng ngực kia trái tim của anh chàng cũng mềm xèo . Nếu em dịu dàng phân trần phải quấy và tỏ ra có săn sóc chàng thì chắc chắn sau đó em nói gì chàng cũng sẽ chiều em, trừ phi những đòi hỏi của em quá đáng .
Đàn ông, cũng như đàn bà, ai cũng có tự ái . Nhưng nếu để cho tự ái lấn lướt , thì mình sẽ không còn bình tỉnh nữa .Mất bình tỉnh thì không phân biệt được phải trái, hóa ra cuồng điên . Cuồng điên thì dễ trở thành một con thú hung dữ ----> cắn bậy như loài chó bị dồn vào chân tường . Cho nên chúng ta chớ bao giờ dồn ai vào chân tường
Nếu A ăn hiếp B nhiều lần, lòng B sẽ nhóm lửa hờn ghét . Hờn ghét nhiều quá sẽ đỏ ngọn căm thù . Căm thù sẽ đốt chính B để B trở nên bạo hành, và ngọn lửa sẽ cháy lan qua A để đốt A, rồi lan xa đốt luôn những đời vô tội khác
Nhưng khi đốt bậy bạ như vậy, có giải quyết được việc gì không ? Đương nhiên là không giải quyết được gì hết , mà những ai liên hệ còn sống sót sẽ phải đau khổ đến cùng tận...
Trong bất cứ tôn giáo nào, mạng sống con người đều đáng quí . Phải tu cả triệu kiếp mới được đầu thai làm người . Một khi được làm người rồi mà mình tự giết bản thân mình (quyên sinh/tự sát) là mình tự từ chối quyền làm người, do đó mình sẽ bị đọa làm súc sinh đời đời kiếp kiếp . Nếu mình nhúng tay giết hại mạng người khác thì luật trời không bao giờ dung tha , mình không những chỉ trả vốn mà còn phải trả lời gấp vạn lần nữa
Trong gia dình nên cố gắng nhường nhịn nhau . Khi nào cảm thấy khó nhường nhịn thì đi ra ngoài . Đi dạo ngoài sân/vườn/phố hay bất cứ nơi đâu cho gió thổi bớt lòng phiền muộn . Hoặc đi ngủ sớm .
HKKM học được cách nhịn của Cụ thân sinh . Mỗi khi Cụ giận vợ hay ai trong gia đình, Cụ thường không la mắng hay xáng chén xáng bát, đá thúng đụng nia . Cụ leo lên giường nằm, trùm chăn kín mít , bỏ ăn . Cái màn này có ép phê gấp triệu lần màn múa tay múa chân mồm loa mép giải . Cả nhà sợ khiếp vía vì biết Cụ đang giận, ai cũng đi rón rén, và ai cũng tự xét mình đã làm gì để cho chồng/bố giận . Cụ nằm nư một hồi cũng đói, mở chăn ra vờ đi tiểu, thấy bọn vợ con ngồi im một đống là lòng Cụ dịu lại . Cụ giả làm oai, hét lên "'đi làm cơm " , thế là vợ con mừng húm vì sóng gió đã lướt qua rồi.....
Mỗi lần HKKM giận chồng thì cũng làm thế, và .... anh-là-người-luôn-luôn-thua , đầu hàng vô điều kiện , mình bất chiến tự nhiên thành ! Thôi, đừng giận nữa, dậy ăn cơm đi, bà không ăn cơm thì tui cũng nhịn luôn . Nghe thế, mình giả vờ nằm lì thêm chút nữa để cho anh chàng lăn vào kéo mền ra . Hai bên kéo qua kéo lại độ năm phút là ... huề, hết giận .
Còn chồng mà giận HKKM ư? thì mình tránh đi chỗ khác để khỏi gây gổ . Sau đó thấy ổng nguôi giận mới dỗ ngọt đi ăn cơm . Trong mâm cơm mình lựa lời xin lỗi nếu mình có làm điều gì sai , còn bị oan thì sẽ phân trần cho ổng hiểu . Vì thế trong nhà HKKM không bao giờ có ai to tiếng . Một lời xin lỗi luôn luôn làm kẻ đối diện nguôi giận, cũng như tiếng PLEASE của người Mỹ/Anh luôn luôn có phép mầu làm cho kẻ đang .... sùng/giận/cáu mình phải mềm lòng .
Giận mà nằm trùm mền là một phương cách chống đối bất bạo động, không ồn ào mà kết quả thần sầu vì cả đôi bên không tốn hơi , không tốn sức và nhất là không đưa hai đương sự vào cõi thù hận da diết .
Những điều nói trên chỉ áp dụng khi hai nhân vật chính của gia đình còn yêu thương nhau, còn kính trọng nhau (tương kính như tân) và còn cùng chung một quan điểm ---> gia đình là nồng cốt bất khả phân của những thành viên gia đình đó . Giận hờn chỉ là những cơn giông nho nhỏ để tình yêu của họ càng đậm đà hơn, càng gắn bó hơn, vì sau cơn mưa trời lại sáng ....
Còn những cặp xáp lại là ..... gây, xét néc từng lỗi nhỏ nhặt của nhau , chuyện bé xé ra to , hay càu nhàu cự nự, hay chưỡi thề, hay dọa giết, hay dọa ly dị -----> họ đang ở trong hỏa ngục, vì tình yêu giữa họ đã trên đường cạn dần, có nguy cơ đi đến những đổ vỡ mà hậu quả lắm khi khốc liệt khó lường..
Thảm họa xảy ra không phải do lỗi của 1 người .
Người Mỹ có câu "It takes two to tango" có nghĩa là muốn nhảy điệu Tango đẹp phải có một cặp nhảy với nhau hợp ý, nhịp nhàng . Không thể nhảy vũ điệu Tango một mình được .
Vì vậy, sự tan nát hay thảm họa gia đình là do lỗi của người vợ lẫn người chồng qua nhiều bất mãn trong một thời gian khá dài.
Tại một tiệm dealer xe hơi Honda ở Dallas, MaiMai có đọc được bài này :
Watch your thoughts, they become words.
Watch your words, they become actions.
Watch your actions, they become habits.
Watch your habits, they become character.
Watch your character, it becomes your destiny
Frank Outlaw
Viết ngắn lại :
Thoughts ---> words ----> actions -----> habits -----> character -----> destiny
(Từ ) Tư duy --phát ra ----> lời nói ---- thành----> hành động ---trở nên --> thói quen ---tạo ra ---> bản chất - -kết quả ---> định mệnh
HKKM rất đồng ý với tác giả Frank Outlaw .
Khi hai vợ chồng không còn ăn ý với nhau nữa, oán ghét bắt đầu nẫy mầm trong đầu trong lòng của đôi bên . Những dồn nén uất ức, không chóng thì chầy, phát ra thành lời nói (phàn nàn/cáu kỉnh/ cằn nhằn/bắt lỗi/gây gổ/hằn hộc/dọa nạt ).
Những lời nói khó nghe giữa hai vợ chồng thường xuyên xảy ra trong gia đình trở nên thói quen của họ .
Họ trở nên người khó tánh/khó chịu và trong đầu nẫy sinh ý tưởng trả thù .
Kết quả đưa đến những chết chóc vô lý vì không còn sáng suốt ...
Vậy tư tưởng là của mình . Lời mình nói ra cũng của mình . Hành động, thói quen, bản chất cũng do mình tạo nên và cuối cùng định mệnh của mình như thế nào chính là do ...... mình .
Phàm là con người, không có ai hoàn hão . Người được xã hội cho là hoàn hão khi những thói hư tật xấu của người ấy CHƯA được khám phá ra mà thôi . Kinh Thánh có đoạn người đàn bà phạm tội bị dân chúng bu lại sỉ vả và ném đá . Chúa hỏi ,
"Ai trong các ngươi xét mình chưa bao giờ phạm một lỗi lầm nào trong đời ????? "
Đám người nghe vậy đều bỏ đi .
Vì vậy, trong đời sống gia đình, nếu chồng hay vợ có phạm lỗi , mình nên mở rộng tấm lòng mà tha thứ . Trong trường hợp không thể thông cảm và tha thứ được thì nên tìm một giải pháp êm đẹp cho đôi bề .
Phía người nam, xin hãy dằn lòng lại. Nếu vợ có hung dữ thì tại lỗi của mình không tìm hiểu kỹ về người này trước khi cưới về làm vợ. Bây giờ mụ ấy đã là mẹ của các con mình rồi, mụ có hung dữ thì cho mụ ấy mắng chưỡi xả láng, đưa lưng cho mụ đấm thùm thụp, và mình cứ cười hề hề , rồi thì sẽ huề cả làng.
Mụ có nghe lời cha mẹ anh em mà đối xử tệ với mình, hãy dọn nhà đi ở thật xa.
Mụ ngọai tình ? à, cái này thật nhức tim. Tìm hiểu xem người thứ ba kia có gì đặc biệt mà quyến rũ được con người nhẹ dạ này ? tha thứ cho mụ vài lần (sic) để cho mụ có cơ hội trở về với mình. Sự rộng lượng và lòng nhân ái (quân tử) của người đàn ông bao giờ cũng cầm chân được người đàn bà.
Mụ vẫn ngoan cố làm người đàn bà vô hậu ? vậy thì thiết tha chi con người đó nữa? xin hát bài chia tay một cách êm đẹp rồi đường ai nấy đi. Giết làm gì cho uổng đạn ? Đánh đập chi cho uổng tay mà phải bị còng vô tù ??? Thả cho mụ đi khuất mắt. Thời gian sẽ xóa dần những thương đau. Và bạn sẽ còn nhiều cơ hội khác để làm lại cuộc đời. Biết đâu lòng từ bi của bạn sẽ được trời đền bù bằng một người vợ hiền khác?
Về phía người nữ : chồng bạn ăn nói hồ đồ vô duyên, sao bạn bằng lòng lấy làm chồng? nếu lấy rồi và thấy mình lầm, thì ráng khuyên nhũ để người ta thuần tính. Đưa nhau đi các nơi tôn nghiêm của đạo mình theo. Tiếng kinh cầu, tiếng chuông mõ còn làm thuần tính được cọp hoang thay, huống chi con người ?
Gia đình chồng ác đức quá ? nên ở rất xa họ. Khi nào gặp cố làm tối đa bổn phận con dâu theo khả năng mình chịu đựng được. Ít nói, ai nói xóc nói mánh gì mình cũng nhe răng ra cười , cười cười thì họ sẽ tự quê rồi tự rút lui. Chớ dại dột gây lại .
Chồng mèo mỡ ? tự xét mình làm gì để chồng chán mà sa ngà vào tay người khác ? Đi tạt át xít vào cái mặt con-đĩ-ngựa kia? Chớ dại dột, sẽ bị tù đấy ! cắt của quí của chồng? vô ích, người ta vẫn ngọai tình qua tư tưởng được mà. Cái-đó chỉ dùng để giải quyết dục tinh mà thôi
Khi khuyên lơn/năn nỉ/cầu xin/lạy lục không được thì biết tình chàng đã ráo máng, hày âm thầm lo gom góp của để phòng xa nuôi con , và tìm con đường.... rút lui an toàn qua đơn xin ly dị.
Làm là làm ngay, chớ có dọa. Khi dọa mà không làm thì chồng sẽ thù, có thì giờ dể chuẩn bị.... hạ thủ mình
Khi nghe chồng dọa giết, chớ coi thường (người ta hay nói, đứa dọa là đứa không dám làm. Sai. ). Đã dọa thì sẽ nhập tâm để khi hắn nổi cơn điên, sẽ hành động. Khi hành động thì tàn khốc.
Đau khổ nhất sẽ là những đứa trẻ đầu xanh vô tội phải chứng kiến tận mắt cảnh máu chảy thịt rơi trước mặt chúng , mà hung thủ và các nạn nhân đều là ruột thịt
Sự đổ vỡ/tan nát của một gia đinh là do hai nhân vật chính của gia đình đó . Nhưng lắm lúc thân nhân/bạn bè đã nhúng tay/góp phần vào làm cho tình trạng bất an của gia đình đó trở nên trầm trọng hơn .
Bởi vậy, khi một trong hai người trở nên bạo hành, thì trong tiếng súng nổ không chỉ một tiếng bùm, mà là bùm bùm bùm bùm.
Sự cố xảy ra là vì sao ?
Người Việt chúng ta hay xen vào chuyện của con cái, hoặc chuyện của anh chị em để biểu lộ tình thương yêu ruột thịt, và thường hay coi dâu/rể của mình là người dưng. Thay vì khách quan và công bằng , chúng ta hay đứng theo phe/bênh vực/về hùa với người thân mình để chỉ trích/phán xét/kết tội kẻ kia.
Trong xã hội, không thiếu chi những cha mẹ luôn coi con cái của mình (mặc dù họ đã có gia thất) là... của mình mà tự cho mình quyền tự do phát biểu ý kiến.
Ví dụ như, khi thấy con trai hay con gái của mình mua nhà (mà người hôn phối đang thất nghiệp) thì cha hay mẹ coi thường kẻ... kia, lên giọng dạy đời. Họ quên rằng con họ đã có hôn thú với người ta, thì không cần biết tiền ai bỏ ra mua, ngôi nhà đó là sở hữu chung của hai vợ chồng. Ông bà tử tế thì tôi rót trà mời, bằng như ông bà lộn xộn, kẻ ra khỏi nhà là ông bà đó !
Ở thời đại này, lịch sự là một phép tắc nên có, kể cả với con cái của mình .
Muốn đến thăm con thăm cháu? nhớ gọi điện thọai trước hoặc hỏi ý trước
Xin nhớ rằng khi đến nhà bất cứ ai để thăm viếng, mình là KHÁCH của nhà đó. Chớ ỷ thế mình là mẹ chồng/mẹ ruột rồi tự ý làm những việc mà con không yêu cầu.
Có những bà thấy nhà con cái không ngăn nắp (vì bận đi làm) thì mẹ động lòng thương, bèn xăng tay áo đi chùi cầu tiêu cho con , nấu ăn trăm thứ cho con bỏ vào tủ đông lạnh để con ăn dần. Mình tưởng mình làm tốt , nhưng dâu/rể của mình sẽ khó chịu vì.... vì.... vì....
Họat cảnh 1: con dâu/rễ ăn hết các thức ăn dọn trên bàn, và khi buông đũa đã phàn nàn bà mẹ chồng hay bà mẹ vợ :
"Má nấu ăn ngon làm chi không biết ! con đang phải kiêng cử để bớt cholesterol mà đồ ăn ngon làm sao con nhịn được? "
Họat cảnh 2 : bà mẹ viếng thăm thấy sân trước sân sau có mọc tan tác. Bèn ra tiệm khuân đất, khuân chậu, khuân cây , tốn 500 dollars. Về đội nắng lui cui đặt tấm lòng vào việc, mong biến hóa miếng đất cằn thành.... thiên đường. Ngờ đâu chàng rễ nổi giận, cho rằng mẹ vợ tưới nước sẽ làm teng cái sàn gỗ, bèn nhổ cây đá chậu.... Mẹ trở về nhà, mất tiền mất công mà trái tim bị teng suốt quảng đời còn lại
Than ôi ! lòng tốt cũng bị la, huống chi nếu mình xúi con gái/con trai mình bỏ chồng bỏ vợ thì chắc chắn mình sẽ lãnh.... cái búa hay cái.... bùm
Thỉnh thoảng khi ra đường HKKM thấy có một số ít người đội trên đầu hay mặc áo thun hay dán sau xe hàng chữ này : I HATE MY IN-LAWS
Như vậy, việc ghét bỏ giữa những con dâu con rễ với gia đình bên chồng hay bên vợ rất phổ thông, không có chi lạ
Khi đi thăm con, xin quí Ông Bà nhớ đem theo 1 túi đựng lương khô. Vì lúc nào đói bụng mà con vắng nhà, nhà con ở xa phố thị, mình lấy ra mà ăn cho đỡ đói. Chớ có táy máy lục tủ lạnh, ăn cái này cái nọ vì ngộ nhỡ chủ nhà có/đã lên kế họach mua thức ăn để làm gì rồi , mình sờ vào thì dễ bị sinh chuyện. Lỡ có thèm quá, chỉ nhón một miếng cho biết mùi của quí, rồi thôi. Đến nhà con để thăm chứ không phải đến để thèm ăn , vì vậy chỉ nên ăn những gì được mời...
Nghe nói vậy thì thấy tình thân thuộc trở nên xa cách, nhưng sống ở thời nào nên theo thời ấy, và không ai thương mình bằng chính mình thương mình.
Muốn sống dai thì nên bảo trọng, muốn sống yên thì nên dĩ hòa vi quí. Mình sinh ra con, nuôi nấng và đã hy sinh rất nhiều cho con thì cũng nên hy sinh nốt phần còn lại , là để yên cho gia đình con được êm ấm. Đừng can dự hay xúi dục bất cứ điều gì. Khi nào con về nhà cha mẹ khóc lóc than thở, mình chỉ còn một cách là dang tay ôm con an ủi vỗ về , vậy thôi. Tuy mang danh là con nhưng họ đã lớn rồi, họ phải có trách nhiệm về chính cuộc đời của họ. Khôn nhờ dại chịu.
Các Ông Bà cũng đừng trông đợi sự hiếu thảo của các con theo sự định nghĩa của mình. Họ cho (tình thương hay vật chất) bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Thà có còn hơn không. Đừng để giận dỗi oán hờn gậm nhấm tim mà mang bệnh, vì mình đau hay chết mặc mình, chương trình họ phung phí trong những cuộc đi chơi xa họ vẫn làm.
Trên một tỉ tỉ người mới có một Mục Kiền Liên . Bởi hiếm thế nên Ngài mới thành Phật.
Các Ông Bà nên ngăn chận những phần tử khác trong gia đình đừng lời vô tiếng ra với cái gia đình đang nổi sóng đó. Những ai chế thêm dầu chỉ mang họa vào thân mà thôi, hay tự tạo nghiệp cho mình.
Trong cõi hồng trần và ngay cả cõi vô hình, không có cái gì là free. Tất cả những lời nói, hành động đều được ghi sổ. Khi mình đi về bên kia thế giới, cuốn phim đời mình sẽ được chiếu lại cho mình xem, không thiếu một tí ti gì . Khi ấy thì hết đường chối cãi. Và bất cứ việc gì mình làm, dù chỉ là một lời ác ý vô tội vạ cho ai đó, mình sẽ phải trả đủ vốn cọng thên tiền lời gấp vạn lần.
Những ai làm điều gì không phải với mình, chớ buồn hay oán hận, vì sổ người nợ mình đang được cọng thêm tên. Đáp lại mình nên cầu nguyện cho tâm hồn ai tăm tối được sáng láng...
Nói tóm lại, chuyện nhà ai nấy sáng.
Những thảm nạn gia đình đưa lại sự chết chóc của nhiều mạng người là một điều kinh sợ. Thấy chuyện người mình nên lấy đó để tránh được phần nào hay phần nấy .
Bạo hành trong gia đình không đưa người trong cuộc đi về đâu, ngay cả trong cõi vĩnh hằng. Những oan hồn sẽ vất vưởng oán than. Những người sống sót sẽ mang tâm bệnh. Không biết con thuyền đời sẽ đưa họ trôi giạt về đâu, nhưng chắc chắn với vết thương lòng quá tải như vậy, họ sẽ là những con người bất bình thường .
Xin mọi người hãy cầu nguyện cho tất cả, sống cũng như chết.
Thân ái chúc mọi người luôn giữ tâm bình tỉnh, sáng suốt nghĩ lui nghĩ tới chuyện mình sắp làm trước khi quyết định.
Người ta hay mở bàn tay ra để xem đường sống dài hay ngắn để biết được mệnh số của mình. Nhiều nhà tướng số có nói rằng, con đường sống (ligne de vie) của chỉ tay có khi thay đổi tùy theo hành động của mình.
Hóa ra, lời của Frank Outlaw đà nói đúng.:
Định mệnh của mình nằm chính trong tay mình , tính từ tư duy cho đến hồi kết thúc cuộc đời
HKKM