Anh đưa nàng về dinhChúng ta thường nghe ông cha ta nói: ”Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau” để nói về ngày vui sướng nhất trong đời của người con trai, con gái ngày xưa là khi chàng đã đổ “tân khoa”, rồi chàng về làng cưới vợ, rồi chàng hát “anh đưa nàng về dinh” để chung hưởng vinh hoa phú quí cho bỏ công đèn sách của chàng và của nàng đã “chắt chiu tháng tháng cho chàng đi thi”.
Như thế trong lục lễ của hôn nhân thì lễ thân nghinh là lễ quan trọng nhất của chú rể và cô dâu, "những kẻ theo chồng bỏ cuộc vui".
Những ai đã xem phim truyện Trung Quốc thường thấy cảnh cô dâu mặc áo đỏ, đội mũ cao có hoa vàng lấp lánh, có khăn che mặt, ngồi trong kiệu hoa bốn người khiêng.
Chạy lon ton kế bên kiệu là bà mai miệng cười toe toét, tay vẩy vẩy chiếc khăn tay một cách vui vẻ để chứng tỏ là mình đã thành công trong việc mối mai duyên nợ. Đi trước kiệu hoa là kèn trống inh ỏi như báo tin vui đến cho khắp làng trên xóm dưới biết tin vui này. Điểm đặc biệt là tôi không thấy cha mẹ cô dâu đi đưa dâu để đưa con gái của mình về nhà chồng như ngày nay. Khi đến nhà họ đàng trai, bà mai liền mời chú rể trong bộ áo cưới với chiếc hoa to tổ bổ kết bằng lụa đỏ treo ngay trước ngực, đang nôn nóng đứng trước sân nhà, đến bên kiệu hoa đá vào kiệu hoa ba cái, xong dắt tay cô dâu vào trong nhà để “nhất bái thiên địa, nhị bái cao đường, phu thê giao bái” truớc khi chàng đưa nàng vào động phòng hoa chúc. Vui thật!
Còn niềm vui nào bằng niềm vui "động phòng hoa chúc dạ" của tân lang và tân giai nhân nhỉ?
Sang đến phong tục Việt Nam, tôi chỉ biết hình ảnh ngày tân hôn thuở xưa qua bức tranh sơn mài có hình chú rể cưỡi ngựa đi trước, cô dâu ngồi võng theo sau, có lộng xanh, có lễ vật heo quay, mâm quả, có người đưa đón theo sau, được treo ở phòng khách nhà tôi.
Thế là đã thấy khác với phong tục Trung Quốc trong phim truyện rồi vì lễ thân nghinh lần này ở Việt Nam tôi thấy có cờ bay phất phới, có chú lính thổi kèn tò te, có chú rể cưỡi ngựa, có cô dâu ngồi võng, có người đưa "khách sang sông" cho cô dâu đỡ buồn vì được đông người đưa đón và ra xem. Lại vui hơn nữa!
Nghĩ ngợi loăng quoăng, tôi lại nhớ đến lễ thân nghinh đám cưới của tôi vào thập niên 1960.
Cha mẹ tôi thuộc gia đình “nệ cỗ” nên tổ chức hôn lễ của tôi thật là trọng đại vì tôi là “trưởng nữ” trong gia đình nên phải làm cho “rình rang” để làm gương cho các cô em gái của tôi nối gót theo sau!
Trước ngày cưới của tôi, bà con nội ngoại của tôi về tề tựu đông đủ ở nhà ba má tôi. Có người từ nhà quê lên đến ở nhà tôi cả tuần trước để phụ cha mẹ tôi lo liệu tiệc đải khách, dựng nêu che rạp v..v..
Một ngày trước khi đải tiệc cưới là ngày nhóm họ. Gia đình tôi tụ tập đầy đủ bà con nội ngoại để tôi lạy từ giả cha mẹ, bà con trước khi tôi theo “những cô áo đỏ sang nhà khác”.
Trong ngày này, cha mẹ tôi, các cô dì chú bác của tôi trao tặng tôi quà cưới với đôi lời nhắn nhủ trước khi tôi về nhà chồng. Thú thật, ngày hôm đó tôi đã khóc khi lạy cha mẹ tôi để đền ơn công lao dưỡng dục của Người và từ giả thân nhân trong gia đình tôi vì kể từ sau ngày cưới, tôi sẽ không còn ở trong căn nhà của cha mẹ tôi nữa mà tôi sẽ sống trong một mái ấm gia đình riêng tư khác của vợ chồng chúng tôi. Đúng là “khấp như nữ tử vu qui nhật”! Thật đúng như người xưa đã nói.
Ngày hôm sau là ngày cha mẹ tôi thiết tiệc đải bà con hai họ, bà con láng giềng, bạn bè thân hữu của cha mẹ tôi. Ngày kế tiếp theo sau là ngày chúng tôi đải bạn bè thân hữu trẻ tuổi của chúng tôi và gia đình bên đàng trai. Như vậy là tiệc cưới của tôi được đải hai ngày: một ngày bên đàng gái và một ngày bên đàng trai vì số lượng khách mời khá đông. Tiệc cưới của tôi không đải ở nhà hàng mà ở trong khuôn viên của ngôi đình Chùa Ông ở sát cạnh nhà tôi. Ba tôi là một "chức sắc" quan trọng trong ban hội tề của Hội, nên đặc biệt được phép mướn và sử dụng nơi chốn rộng rải này để làm nơi đải tiệc cuới của tôi. Ba tôi mời một nhà hàng chuyên đải tiệc cưới đến nấu nướng ngay tại chỗ vì bếp của hội đình này rất rộng rải, đã từng là nơi nấu nướng trong các ngày lễ lớn của hội đình này nên chuyện nấu tiệc đám cưới của tôi ở nơi đây chỉ là "chuyện nhỏ".
Dĩ nhiên không cần phải nói là tiệc cuới của tôi vui vẻ, rầm rộ lắm vì ba má tôi quen biết rất nhiều người và nơi đải tiệc cưới lại là nơi ba tôi làm “chủ xị” nên chúng tôi tha hồ vui chơi tới giờ nào cũng được. Cũng có sân khấu cho cha mẹ tôi lên cám ơn quan khách, cũng có màn mấy cụ ông, bạn của ba tôi, lên đọc thơ chúc tụng ngày hôm trước, cũng có đàn trống xập xình và cũng có luôn màn nhảy đầm lả lướt dành cho giới trẻ trong buổi tiệc cưới ngày hôm sau. Cha mẹ tôi tuy theo xưa nhưng cũng "cấp tiến" lắm nên cho phép chúng tôi được tự do vui vẻ với bạn bè trong tiệc cưới của chúng tôi.
Cha mẹ chồng của tôi lại qui tiên trước khi ông chồng tôi lấy vợ nên mọi việc nghi lễ, đải đằng đều do ba má tôi quyết định, chúng tôi theo đó mà thi hành, miễn sao ba má tôi hài lòng là được vì ở Việt Nam trong thập niên 60, quyết định của cha mẹ rất được tôn trọng, nhất là trong vấn đề hôn nhân.
Tranh sơn mài lễ thân nghinh treo nơi phòng khách nhà SL
Nơi đải tiệc cưới của SL
SL và các em, các cháu sau tiệc cưới của đàng gái
Mai tiếp