Cảm Tưởng Khi Đọc Tuyển Tập Phụ Nữ Việt
Tôi chờ quà của chị Vành Khuyên đúng 5 ngày thì quà đến nhà ... Nhận được Tuyển Tập Phụ Nữ Việt vừa mới xuất bản tháng này gồm sự có mặt của ba mười nữ tác giả kỳ cựu cũng như mới, ấn tượng đầu tiên của tôi là quyển sách dày 356 trang chưa kể bìa và hai tờ để trắng bên trong được in và trình bày rất công phu và đẹp đẽ, chuyên nghiệp chứ không phải tài tử, in cho có in. Tôi vội vàng viết điện thư cám ơn chị Vành Khuyên, nhưng vẫn thiếu sót nhiều nếu không dành thời giờ viết ít lời giới thiệu cho mọi người cùng biết để mà tìm đọc Tuyển Tập Phụ Nữ Việt rất công phu và đẹp đẽ này.
Đây là một tác phẩm quí báu, có đủ mọi màu sắc tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam ở hải ngoại cũng như ở trong nước với sự có mặt của các tác giả được trình bày theo thứ tự A, B, C: Ấu Tím, Đỗ Quỳnh Dao, Đức Trí Quế Anh, Hạt Cát, Hiền Vy, Hồ Quỳnh Như, Hoài Yên, Hồng Khắc Kim Mai, Linh Vang, Lưu Trần Quỳnh Hương, Mai Ninh, Miên Du Đà Lạt, Miên Thuỵ, Miêng, Nguyễn Thị Tê Hát, Niệm Nhiên, Phạm Đào Nguyên, Phan Thị Trọng Tuyến, Phượng Các, Sương Mai, T. A. Xanh, Thơ Thơ, Trần Thị Hà Thân, Trần Tường Vy, Trần Viết Minh Thanh, Vành Khuyên, Vi Hoàng, Võ Thị Điềm Đạm, Vũ Thị Thiên Thư và Y Nguyên. Nhiều cây viết đã xuất hiện từ lâu ở trên các báo chí trong nước cũng như ngoài nước lâu rồi, cũng có những cây viết rất quen thuộc trên các mạng lưới, cũng có những cây bút mà nhận dịp này tôi được biết lần đầu. Tất cả những tác giả trong tuyển tập này đã tạo một ấn tượng sâu sắc trong tôi.
Cách đây vài năm có một vài văn thi sĩ lão thành tỏ ý nghi ngại với tầng lớp đi sau không biết có thể tiếp nối bước chân của các văn thi sĩ đi trước đây không. Khi đọc xong Tuyển Tập Phụ Nữ Việt, tôi có thể khẳng định là họ đã có thể tìm ra những người nối tiếp truyền thống văn học cổ xưa cũng như hiện đại rồi với ba mươi tác giả trong đây chưa kể những tác giả khác vì lý do này hay lý do khác chưa kịp đóng góp bài vở trong tuyển tập đầu tiên của các cây viết nữ.
Tuyển tập mở đầu với truyện ngắn Một Quãng Xuân Thì của Ấu Tím với lời văn thật trong sáng, lời lẽ rất thơ mộng, đôi lúc như là thơ, rất nhân bản qua ước mơ của người con gái mong muốn làm mẹ và sự cảm thông, sự giúp đỡ của người em con cô con bác để có thể giữ lại bào thai của mình trước sự rủa xả khinh bỉ của gia đình hàng xóm. Sự chọn lựa của một người con gái "không đẹp, nhưng duyên dáng dịu hiền, gần chị tôi hít lấy hít để mùi hương lạ toát ra từ chị" có một may mắn hơn rất nhiều người bởi vì chị dám làm dám chịu với sự thông cảm và giúp đỡ của người em họ:
"Cháu nó thế đấy em ạ, niềm hạnh phúc vô biên của chị. Chị cứ áy náy nợ em cái ngày em đưa chị ra khỏi làng đi trốn, em khốn khổ vì chị, em đau lòng vì chị mà chị chẳng biết nói sao cho em hiểu, chị không đau khổ gì cả, không sợ hãi gì cả, chị chấp nhận điều chị chọn lựa cho cuộc đời của chị. Không may mắn có chồng, ít ra chị có quyền được làm mẹ phải không em?"
Đâu ai có thể ngờ một người con gái nhà quê lại có thể viết ra những ý nghĩ rất là tiên phong đó, nhưng có gì cản được sự khát khao làm mẹ của những người mẹ Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình. Đó là bản năng tự nhiên hay thiên chức làm mẹ đã được in sâu trong lòng người? Dẫu hoa phù dung sớm nở chiều tàn vẫn để lại dư hương sâu đậm trong lòng người yêu hoa, phải không chị Ấu Tím?
Truyện thứ hai là Con Nữ của Đỗ Quỳnh Dao, rất bình dị, nhưng đa dạng cần phải đọc đi đọc lại mới thấy hết những cái hay của nhà văn này. Bố cục, lời văn đối thoại rất hay, lạ, và khéo léo. Ngôn ngữ rất gợi hình gợi cảm, phối hợp tài tình giữa khung cảnh khác nhau:
"Mưa tiếp tục rỉ rả. Giọt mưa bây giờ tròn hột hơn và măn mặn vị muối pha. Như vị của da thịt mùa hè trên biển khi gió dát đã liếm khô hết nước. Nhưng đây không là biển với gó cát. Đây là bãi đất rộng ở ngoại ô, rào chung quanh bằng một tường thành cao dày..." (TTPNV, tr. 19)
Cứ thế, người đọc đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác qua ngòi bút uyển chuyển của Đỗ Quỳnh Dao.
Tiếp đến là ba truyện ngắn mà không phải ngắn của Đức Trí Quế Anh. Với điệu văn rất ngắn gọn, tiết kiệm từng chữ của nhà văn này, mỗi chữ là một lựa chọn đắn đo như nhà văn Hoa Kỳ Ernest Hemingway (1899-1961) cả ba truyện đều có những kết luận bất ngờ khó đoán trước được. Tôi không dám viết ra đây để các anh chị và các bạn đọc và tự nhận xét, nếu viết ra thì mất cả sự bất ngờ mà chị Đức Trí Quế Anh đã rào đón trong cả ba truyện Thử Thách, Nhiệm Vụ và Bảo Lãnh mất rồi.
Kế đến là truyện Bụi Chuối Sau Hè của Hạt Cát đưa cảnh một kỉnh đôi huê ( một chậu hai hoa) hay nôm na là một ông hai bà sau biến cố 1975 của nhiều vị ra đi mà không kịp đưa theo vợ con để trớ trêu thành cảnh khó xử khi Chương trình Ra đi Trật tự (ODP Orderly Departure Program) được thực hiện.
Hạt Cát đã đưa ra được nhiều mặt trái cũng như mặt phải của cảnh một ông hai bà, và kết cục câu chuyện rất là nhân bản, cả hai người đàn bà đều đáng kính, biết hy sinh, nhường nhịn, không phải nhiều người làm được nếu không có những đức tính truyền thống từ xa xưa và sự cảm thông linh động của hoàn cảnh thời đại. Lời văn rất linh hoat, tình cảm, tôi đọc mà âu lo thắc mắc kết cục rồi chuyện này sẽ ra sao, vì vợ nào chẳng là vợ, con nào chẳng là con, liệu An có tìm ra một giải pháp nào để giữ hạnh phúc và chu toàn bổn phận làm cha, làm chồng của mình trước cảnh dở khóc dở cười, phải lựa chọn trước một cô Mai, một người rất tử tế, thương người, biết phận, biết lo chăm sóc con cái và gia đình chàng chung sống khi còn độc thân tại chỗ trên Hoa Kỳ, và người vợ có học, chung thủy, lo cho con cái bên quê nhà. Quí vị phải đọc truyện này mới thấy cái hay của Hạt Cát đã dùng lời văn rung cảm hồn người như thế nào.
Sau đó tới chuyện Thằng Ròm của Hiền Vy. Đọc truyện này mà quí vị không cười trước mẫu chuyện người mẹ nói chuyện với người con trưởng thành ở nước ngòai thì quí vị chắc là nghiêm trang cỡ thánh rồi đó. Câu chuyện đơn sơ nhưng tỏ ra mối quan hệ mật thiết của người mẹ và các con mình, và vai trò của người mẹ trong việc giáo dục tư tưởng đường hướng tương lai của người con. Thật đúng với câu cổ ngôn nào đó nói, người thầy dạy dỗ đầu tiên của những đứa trẻ là những người mẹ. Đọc truyện của Hiền Vy sẽ làm quí vị suy nghĩ nhiều về vai trò của mình trong việc giáo dục con cái của những người Việt hải ngọai chúng ta.
Kế đến là truyện tình cảm Ngỡ Như Trò Chơi cúa Hoài Yên. Ở đây tôi thấy nét nghịch của Dung Sài Gòn, nét thơ mộng, bay bướm của La Lan, Quỳnh Giao. Câu chuyện rất xúc động, tình cảm, có những màn cười đau cả bụng với ngòi bút bỡn cợt linh hoạt của Hoài Yên qua nhân vật nữ Quỳnh Lâm hở một chút là chửi thề kiểu Vi Tiểu Bảo, "Con bà nó!" ngay cả trước mặt người con trai xa lạ! Con bà nó vậy mà hai người dám táo bạo đi vào trò chơi tình ái nguy hiểm lắm chứ có phải chơi đâu, nhưng viết thêm, thì quí vị biết kết cục mất rồi còn gì, làm mất cả vị hay, cái bất ngờ của Ngỡ Như Trò Chơi mà tác giả Hoài Yên đã cẩn thận viết với sức hấp dẫn lạ lùng qua nhân vật Quỳnh Lâm.
Tiếp theo đó là ba bài thơ Giấu Nỗi Buồn Em, Loạn, và Khốn của thi sĩ Hồ Quỳnh Như. Ngôn ngữ sầu đọng, táo bạo, tiền phong kiểu avant garde. Như vậy đủ rồi, quí vị thực sự phải đọc cho được ba bài thơ này để thấm thía nỗi buồn, hay cảm được tình yêu nóng bỏng và tuyệt vọng như thế nào.
Sau đó là ký Tìm Đâu Suối Thương và bài thơ Bụi đời mười phương của Hồng Khắc Kim Mai, không mấy ai không biết đến thi - văn sĩ này. Lối hành văn thanh tao, thơ mộng của Hồng Khắc Kim Mai reo vang như tiếng nhạc. Hồng Khắc Kim Mai phối hợp văn thơ nhạc vào tác phẩm này rất tài tình, đọc văn mà tưởng như thơ, đưa ta vào một thế giới riêng biệt khác, mờ ảo, qúi phái, thanh cao, ngay cả trong thời buổi khó khăn.
Kế đến là Lá Thư Khó Viết của Linh Vang, nhà văn nữ ít ai không biết đến ở Tây Bắc Hoa Kỳ, đưa ra một vấn đề mà khá nhiều phụ nữ Việt Nam phải đương đầu giữa đi làm và ở nhà tề gia nội trợ, giữa hy sinh cho chồng tiến thân và mất mát hy sinh bản thân, giữa thể diện bên ngoài và tình bạn thân thiết của hai người bạn đồng khóa, một người hy sinh cho gia đình cuối cùng bị chồng bỏ rơi, một người dành thời giờ theo đuổi nghề nghiệp theo ý mình và chỉ cưới người mình yêu thực sự. Liệu một người đã mất gần như tất cả dám viết thư nói rõ sự thật hay đi dự đám cưới của người bạn đang thành công trong nghề nghiệp lẫn hạnh phúc trong cuộc tình của mình không, xin mời quí vị đọc Linh Vang để biết khúc chiết của tâm hồn người vợ bị bỏ rơi, một người bạn chân thành, một người rất Việt Nam...
Tiếp đến là truyện Chặng Đường Cuối của Lưu Trần Quỳnh Hương đề cập tới chuyện một người già chuẩn bị chặng đường cuối của đời mình và tâm tình của con cháu, nhất là người con gái tên Hân đối với cha mình khi bất ngờ đọc gia phả oai hùng của gia tộc mà cha nàng trước giờ không nhắc đến và những gì người mong muốn khi người bước xuống chuyến xe cuối cùng của cuộc đời. Truyện đọc rất tình cảm, xúc động không phải chỉ vì tình cảm của người con, người cháu đối với cha, ông mình, mà cũng vì tình cảm của người cha, người ông lo cho các con, các cháu cả khi mình đã ra đi qua những di chúc tỉ mỉ để lại:
"Càng đọc Hân càng bùi ngùi, xúc động, nước mắt cứ ứa ra theo từng dòng chữ của ông viết. Tại sao ông lại có thể bình thản mà viết ra những dòng chữ ấy được nhỉ? Phải chăng càng về già, con người càng xem cái chết nhẹ tựa lông hồng và chờ đón Tử Thần một cách thản nhiên hơn chăng? Ba Hân đã đón chờ và chấp nhận những gì sắp đến, sẽ đến, như là một cái bảng Stop cuối cùng trên chuyến xe bus mà ông đang đi, chiếc xe bus đã chuyên chở ông qua nhiều chặng đường của cuộc đời. Gần ba mươi năm từ ngày vào Nam, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống; và hơn hai mươi năm ở xứ người, sống cuộc đời viễn xứ xa quê hương, chiếc xe bus của ông chỉ còn một chặng đường cuối cùng, để ông xuống xe đi làm cho xong vài công việc còn xót lại, rồi sau đó ông sẽ yên tâm xuống trạm xe cuối cùng để nghỉ ngơi vĩnh viễn..." (TTPNV tr. 128)
Sau truyện ngắn, Lưu Trần Quỳnh Hương còn hai bài thơ Niềm Đau Hoá Thạch và Rằng Xưa với lối dùng chữ rất hay, ý mới lạ nhất là trong bài Niềm Đau Hoá Thạch.
Khi đọc tới tác phẩm Dưới Chân Tháp Babel của nhà văn Mai Ninh đang làm nghiên cứu khoa học tại Normandie, Pháp, từng cộng tác với các tạp chí : Kiến Thức Ngày Nay (Sài gòn), Diễn đàn (Pháp), Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Thơ... (Hoa Kỳ), Việt (Úc) với tác phẩm đã xuất bản : Ðời Tôi (dịch từ Ma Vie của nhà danh họa Marc Chagall nhà xuất bản Ðà Nẵng ấn hành 1997), Hợp Âm Trong Vùng Sân Khuất (truyện, Thời Mới, Toronto Canada 2000), tôi giật mình trước một vấn đề nan giải. Chẳng cần phải nói chi nhiều, Dưới Chân Tháp Babel với những mẫu chuyện ngắn tưởng như rời rạc mà thật ra gắn bó mật thiết với nhau như trong phòng triển lãm hội hoạ, mỗi bức tranh là một tác phẩm trọn vẹn đầy đủ, nhưng phối trí chung với nhau thành một tuyệt tác hài hoà. Truyện của Mai Ninh có nhiều mật ngữ, đọc một lần không thể thấm thía hết, tôi đã phải đọc nhiều lần, và mỗi lần đọc thêm lại khám phá ra một điều mới. Ngôn ngữ của nhà văn Mai Ninh rất gợi hình gợi cảm, đam mê, mãnh liệt mà không thô tục, ngay cả những cảnh ái ân trong Dưới Chân Tháp Babel. Với sự hiện của nhà văn Mai Ninh và các nhà văn, thi sĩ có tên tuổi khác trong tuyển tập đầu tiên này, Tuyển Tập Phụ Nữ Việt sẽ được nhiều giới yêu chuộng văn học, già cũng như trẻ, đón nhận nồng nhiệt và sẽ thích thú khi đọc những mẫu truyện có tích cách truyền thống cũng như cách tân, những mẫu truyện đậm đà tình dân tộc cũng như những mẫu truyện có tầm cỡ và tính cách quốc tế.
Kế đến là truyện ngắn Một Mình của Miên Du Đà Lạt nói tâm tình của một người con gái bị bỏ rơi ngay khi báo cho người tình biết là nàng có thai cho tới khi con nàng 8 tuổi, lúc nàng thui thủi một mình trong phòng hộ sinh tới khi nàng quyết định mở cửa sổ chờ một bình minh mới rọi vào sau 8-9 năm đau khổ một mình. Người đọc Miên Du Đà Lạt là người đã từng đưa ra những chương trình giao duyên giữa thơ, văn và nhạc sẽ thích thú khi đọc truyện này vì Miên Du Đà Lạt vẫn chêm vào những khúc nhạc lời thơ diễn tả những xúc cảm của người cô phụ trong mọi diễn biến của đời nàng.
Tiếp theo là năm bài thơ trữ tình gồm Đắm Đuối, Lời Cuối Cho Nhau, Mùa Tình Yêu, Đêm Nay, Mùa Đông Qua Thành Phố của Miên Thụy, có bài đã được phổ nhạc. Chẳng cần nói chi nhiều lời thơ chan chứa tình cảm, hay nỗi sầu mênh mông cuồn cuộn trong lòng trong thơ Miên Thụy đã tạo cảm hứng không ít nhạc sĩ phổ thành những khúc nhạc du dương mê hoặc hồn người. Lời thơ Miên Thụy tự nó đã có nhạc tính, ý thơ mặn nồng đam mê, chan chứa:
"Mùa đông em khốn khổ
Đánh mất vòng tay người
Tuyết vẫn đổ, vẫn đổ
Cho em thèm vành môi"
Còn gì cô đơn lạnh lẽo cho bằng ngồi bên cửa sổ một mình nhìn tuyết rơi từng hồi, nhớ tới vành môi ngọt ngào một thuở, những nụ mưa hôn một thời như tuyết đổ sương sa bên ngoài...
Nguyên Đỗ