Viết Du Kích Về Tuyển Tập Phụ Nữ Việt
Cả mấy tuần rồi, cuốn sách Tuyển Tập Phụ Nữ Việt để lại văn phòng của tôi, được một người bạn mượn đọc đỡ ghiền một, hai ngày rồi trả lại. Chờ mãi chẳng thấy sách đâu, gọi điện thoại hỏi thì được trả lời là có một người nữa mượn đọc, rồi lại cứ chuyền tay. Không biết đến bao giờ mới xong, tôi lại nghe chị Đức Trí Quế Anh nói sách in ra gần hết tới nơi rồi, vì các chị cẩn thận in ít chứ không nhiều nên các chị phải chạy tứ lung tung để có sách gởi cho bạn đọc. Đúng là sách hay, qúi có khác, không sợ phải đóng thùng gởi tới các tiệm sách bán giùm.
Khổ là khổ thân tôi, đang viết giới thiệu mà lại chẳng có sách dẫn chứng nên cứ bó gối chờ. Thôi thì trong khi chờ đợi đành phải viết kiểu đánh du kích, tìm những bài có thể tìm để giới thiệu luôn lỡ ra có người nói chắc Nguyên Đỗ theo chân Từ Thức tìm nàng Giáng Hương ở đâu rồi quên cả chị em trong Tuyển Tập Phụ Nữ Việt thì chết hay cũng sẽ gặp hoàn cảnh như Từ Thức trở về trần gian chẳng còn ai nhận ra Từ Thức của ngày xưa nữa.
Cho nên Nguyên Đỗ xin viết ít lời về nhà thơ Sương Mai với những bài của chị đã đăng trong Tuyển Tập Phụ Nữ Việt. Bà con cô bác và anh chị em ở Bắc Cali thì chẳng ai không biết tới nhà thơ Sương Mai xuất hiện thường xuyên trên báo Mõ, Làng Văn... Nguyên Đỗ hay đọc thơ chị trên mạng lưới tin học Phụ Nữ Việt và Trinh Nữ nên rút năm bài chị viết trong Tuyển Tập ở Trinh Nữ cho tiện vì dễ tìm để viết những cảm tưởng cũng như lòng ngưỡng mộ đối với nhà thơ Sương Mai.
Thơ Sương Mai có rất nhiều sắc thái khác nhau, có những khi tinh nghịch, trẻ trung, hồn nhiên thơ mộng như bài Thề...
Thề ...
Nhỏ à! màu đỏ, màu xanh
Màu nâu, màu tím, vàng anh kia kìa
Màu trắng anh đón nhỏ dìa
Màu xanh lá mạ anh chia cho nè
Tại sao nhỏ dại ghê nghe
Bây giờ năn nỉ nhỏ huề anh chưa?
Anh đem màu sắc bốn mùa
Làm quà cho nhỏ, nhỏ thua dài dài
Tại nhỏ cứ... thẩn thơ hoài
Anh chọc ghẹo để: có bài thơ... ghen
Nhỏ biết, anh thiệt là... hiền
Chỉ mỗi cái tội mê ...tiên thôi hà!
Đàn bà, con gái ...xê ra
Anh thương chỉ một ...em mà, nhỏ ơi!
Hỏng tin, nhỏ hỏi... ông trời
Anh nói thiệt đó, nhỏ ơi, anh ... thề!
Cái dí dỏm của chị Sương Mai được thể hiện qua lời mộc mạc tinh nghịch của cô cậu trai trẻ miền Nam thứ thật đầy đủ màu sắc trong khổ đầu cũng như trong toàn bộ bài thơ. Bài thơ vui nhưng thật thấm đượm tình quê.
Nhưng tình yêu không phải lúc nào cũng thơ mộng cũng có những lúc buồn da diết, hay thất vọng chán chường đến nỗi đôi lúc phải trốn chạy như chị Sương Mai đã viết trong bài Nhớ Hay Quên.
Nhớ Hay Quên
Ta quay gót cúi đầu đi câm lặng
Một nỗi buồn từ đó đã mang theo
Cũng nuối tiếc một lần ngang qua đó
Đem nỗi sầu về ẩn trú cheo leo
Ta vấp phải sợi chỉ tình ai buộc
Một hôm nào vô ý bước chân qua
Dù đã học, lẩm nhẩm hòai cho thuộc
Thấy ái tình phải vội vã tránh xa
Mưa với nắng rồi cũng qua rất vội
Nửa hồn còn đeo đẳng một ấu thơ
Theo ngày tháng đã cạn dần mơ ước
Bóng thời gian ai níu được bao giờ?
Chiều nghiêng xuống một mình ta ngó lại
Sợi tơ chùng con nhện đã bỏ đi
Còn chút nắng sót trên cành quằn quại
Ta thì thầm: vĩnh biệt cánh chim di
Con ong nhỏ lạc đường không trở lại
Ta lạc đường cũng đi biệt từ lâu
Nghe lạnh buốt là lòng ta, hay gió?
Nhớ hay quên mất hút giữa tinh cầu?
Vâng, thật vậy khi tình yêu ngang trái người ta thường mong trở lại thời dại khờ thuở chưa biết yêu còn hồn nhiên trong sáng thuở ấu thơ, nhưng "Bóng thời gian ai níu được bao giờ?"! Thời gian đi qua, tuổi thơ không còn, ta như người lạc đường, hồn không quán trọ, lạc quên giữa những tinh cầu nơi xa xăm biết là quên hay nhớ.
Đi sâu vào trái tim Sương Mai, ta hãy cùng đọc bài Cũng Đành:
Cũng Đành
Ngó lên non thấy non cao
Ngó đời lại thấy lao xao cõi đời
Muốn làm một cuộc rong chơi
Sợ non cao quá, sợ đời nhiễu nhương
Mơ màng một chuyến viễn phương
Sợ đời hệ luỵ, sợ vương khói tình
Đêm ngồi bó gối lặng thinh
Thấy trăng thiên cổ, thấy mình hư không
Ngó lên thấy đám mây hồng
Muốn tìm về lại bến sông năm nào
Sờ tim còn thấy vết đau
Sợ dòng máu cũ lại trào tuôn ra
Cũng đành thôi, để phôi pha ...
Sương Mai
Con chim bị đạn một lần bao giờ cũng biết sợ thợ săn, động một chút là bay vù, có khi chỉ là tiếng gió, có khi chỉ là một cành cây gẫy, con người bị vết thương lòng cũng ngao ngán sợ này sợ nọ, trong bài này tột đỉnh của nỗi sợ không phải vu vơ đời thế này núi thế nọ mà ở ngay trong trái tim mình:
Sờ tim còn thấy vết đau
Sợ dòng máu cũ lại trào tuôn ra
Để rồi nhà thơ đi đến kết luận nửa vời với câu lục tắc nghẽn, như nấc nghẹn không thể giải thích thêm, sợ trái tim lại rỉ máu:
Cũng đành thôi, để phôi pha ...
Người đọc mỗi người một hoàn cảnh, nhất là những người đã từng yêu, đã từng gặp ngang trái, đổ vỡ sẽ vô cùng thấm thía và tự điền với tâm tình của chính mình:
Cũng đành thôi, để phôi pha...
Nguyên Đỗ phục kết luận của chị Sương Mai, người khác thì không biết, chứ Nguyên Đỗ điền cho riêng mình thôi sau câu kết tuyệt vời đó như gởi ké hồn mình theo với lời thơ của Sương Mai:
"Trái tim bi lụy phong ba quá rồi!" Chỉ mong như kiểu nói xưa, xin cho em hai chữ bình yên!
Đôi khi tình yêu cũng như Lời Mùa Đông, bài thơ đã được phổ nhạc, rất nhẹ nhàng mà âm hưởng vang thật xa, thấm sâu vào cả hồn mình:
Lời Mùa Đông
Có lời nào rất khẽ
Hình như lời mùa đông
Cơn gió nào rất nhẹ
Hàng cây đứng lạnh run
Có tiếng gì rất nhẹ
Hình như tiếng đêm về
Chiếc lá nào rơi khẽ
Rất âm thầm giữa khuya
Có tiếng gì rất nhẹ
Hình như tiếng thở dài
Con chim nào hót khẽ
Như lời than hôm nay
Có tiếng gì rất nhẹ
Hình như giọt nước rơi
Êm êm và khe khẽ
Từ đôi mắt một người
Có tiếng gì rất khẽ
Hình như lời mùa đông
Lời tình nào rất nhẹ
Đã tan vào hư không.
Sương Mai
Những câu điệp ngữ được lập lại trong mỗi khổ tuy nhẹ nhàng mà cứ liên tục tác động cũng như nước chảy đá mòn, xoáy vào trái tim mình, Có lời nào rất khẽ, có tiếng gì rất nhẹ, có tiếng gì rất nhẹ... lập tới lập lui như thế tác động không hình dung mà ảnh hưởng thật lạ lùng, đọc xong mà hồn còn nuối tiếc những âm thanh rất nhẹ đó, cố lắng nghe, lắng nghe...
Chị Sương Mai ơi, mùa Đông chắc chắn đẹp hơn và tình tứ hơn, nhờ ở lời thơ chị đó nhé!
Cuối cùng, mà không phải chấm dứt, vì Sương Mai có rất nhiều thơ và đã ra mắt mấy tuyển tập rồi, trong năm bài trong Tuyển Tập Phụ Nữ Việt, Nguyên Đỗ thích nhất bài Bỏ Phố, cũng đã được phổ nhạc:
Bỏ Phố
Năm năm bỏ phố ta đi biệt
Về giữa rừng già hát với thơ
Nhưng dấu buồn xưa dường lả tả
Tình yêu nào khác một cơn mơ
Năm năm mà ngỡ thời gian đọng
Ở cuối chân mày, khoé mắt kia
Lộng giả rồi qua như giấc mộng
Sầu dâng hiu hắt dưới đèn khuya
Năm năm đã tưởng lòng phai nhạt
Mà khối u tình vẫn đứng nguyên
Đâu đó dòng sông loang loáng bạc
Tìm đâu ngày tháng chút bình yên?
Năm năm bỏ phố ta đi biệt
Ngắt cánh hoa vàng thả cuối sông
Đứng ngó mong theo dòng nước chảy
Người xưa không biết thấy gì không?
Sương Mai
Bài thơ vừa nhẹ nhàng vừa thấm thía vết thương lòng năm năm chưa lành, bỏ đi biệt mà vẫn còn những âm ba của thời yêu đương mặn mà, dù nhận biết tình yêu như giấc mơ, nhưng cũng không quên được hình ảnh cũ,"Mà khối u tình vẫn đứng nguyên"! Làm sao quên được, có đi lên rừng, có đi xuống biển, có đi biệt cũng làm sao quên.
Cám ơn chị Sương Mai đã đóng góp vào Tuyển Tập Phụ Nữ Việt, đã làm cuộc đời thêm thi vị, tình yêu thêm sâu thắm, và ,và mùa đông thêm tình tứ.
Nguyên Đỗ