Đây là cái tựa tôi muốn chọn cho góc nhỏ của mình Đối với tôi, dường như nhớ quên, quên nhớ là một cái bóng không lúc nào xa rời với mỗi con người trong cuộc sống
Thỉnh thoảng ta vẫn chợt thấy nhớ về một sự đời tưởng là quên mãi mãi Và ta sẽ cảm được gì trong những giây phút ngắn ngủi này đây Mời các bạn ghé thăm cùng chia xẻ...
CHIẾC XE THỔ MỘ
Trong những phương tiện giúp cho con người di chuyển từ nơi này sang nơi khác ở cái thành phố miền Nam nước Việt những năm 50 trở vễ trước, hẳn chưa ai quên được chiếc thổ mộ một thời.
Đó là loại xe nhỏ nhít, đóng bằng gỗ, xinh xinh như chiếc hộp diêm với hai cái càng nhô ra phía trước, được kéo bằng một con ngưa. Đó là gia sản nuôi sống cả một gia đình, hằng ngày nối liền tâm tình và sinh họat của người dân từ địa phương ra thành phố.
Những chiếc xe khi thành phố còn say ngủ thì tiếng lóc cóc của vó ngựa đã gõ vang khắp nơi, đều đặn, nhịp nhàng, nhẫn nại như kiếp người chịu đựng. Xe mang vào thành phố những bó hoa vạn thọ, huệ, sen và các lọai hoa linh tinh, tùy theo từng mùa, tùy theo từng tiết. Xe cũng mang vào thành phố những nông sản vùng lân cận xung quanh tô giặm thêm những món sẵn có để làm cuộc sống của con người thêm nhiều màu sắc.
Những người đàn bà từ miệt Hóc Môn, Bà Điểm có khi lên xe còn chưa tỉnh hẳn giấc ngủ chập chờn. Họ mang trầu cau, lá chuối, tấm bánh, bó lạt từ vườn nhà vào thành phố đổi trao. Họ mang trong tâm một tấm lòng yêu thương chồng con, dãi dầu mưa nắng để mong đem về đồng tiền giúp trang trải tiêu pha, nợ nần và bổ túc các thiếu thốn triền miên.
Hình ảnh những đứa con hằng ngày cắp sách đến trường luôn cần đồng quà, tấm áo, lọ mực, quyển vở là động lực khiến cho họ dù ngủ say đến đâu cũng đến lúc phải dậy ngay. Chút nước trong lu buổi sáng vớt lên phả vào mặt, vài ngụm nước lẫn sương xúc miệng cùng cục cũng xong, rồi lặng lẽ, thật lặng lẽ họ dọn gióng gánh, mở cửa bước ra chờ đợi xe đến chở. Chồng con có khi còn đang say sưa giấc điệp, giọt sương mai có khi còn váng vất ngập ngừng thì người vợ, người mẹ đã lo hoàn tất nhiệm vụ trong lặng im. Như số phận từng phụ nữ Việt Nam đã can đảm nhận vào mình khi xa nhà đi làm dâu nhà khác.
Lên xe rồi, có khi còn ngủ gật dọc đường, tiếng vó ngựa nhịp nhàng như lời ru đưa võng, họ chập chờn trong cơn ngáp dở dang. Ai đã tỉnh thì góp lời cùng người chủ xe râm ran, vừa đủ nghe. Họ kể cho nhau về sự tình trong xóm, mưa nắng, giá cả, tình cảnh mỗi người. Họ sẽ xót xa khi biết nhà nào có người đau thiếu tiền mua thuốc. Họ đau buồn khi nghe tin ông bà nào vừa thở hắt đêm qua. Đối với họ, xóm làng là sợi dây vô hình mà bền chắc, người nào cũng là một mảnh trong chiếc áo của thôn, vá chằng vá đụp mà gắn bó nhau bất diệt.
Rồi khi xe vào thành phố, tiếng lanh canh của chiếc muỗng khoắng vào ly xây chừng sáng sớm tinh mơ đã thức choàng họ tỉnh rụi bất thần. Gióng gánh được lấy ra khỏi móc xe, sửa soạn lại cho gọn ghẽ và bước chân thong dong đi vào chợ dẻo dai. Lời qua tiếng lại trả giá, đổi trao, bớt một chút, nài một tị, rồi cũng xong. Rồi hàng trao, tiền nhận, người tỏa đi mua những thứ cần dùng. Ai không đổi sỉ thì tìm chỗ ngồi ké bán lẻ cho khách sắm mua. Có khi chỉ là một thời gian buổi sáng, có khi dài hơn thêm, nhưng vẫn không dám trễ giờ xe thổ mộ quay về thôn cũ.
Bận bịu gì thì lúc ra về vẫn phải cố mà mua món nọ, món kia. Trong lòng săm săm nhớ be rượu cho ông nhà, con khô để nướng chiều nay. Chỉ hình dung thấy dáng chồng ngồi nhâm nhi chất cay bên cái chõng ở sân đã khiến con mắt người đàn bà loé lên tia vui mừng rạng rỡ. Còn thằng cu tuần rồi học giỏi, bà cũng nghĩ phải thưởng nó cái gì để khuyến khích nó chăm thêm. Rồi con gái cũng có phần nữa chứ. Không một ai thiếu sót trong tâm trí của bà, thế nhưng không thấy bà nghĩ thưởng, sắm cho mình món nào hết cả.
Chiều nay sẽ có một gia đình dậy lên niềm hạnh phúc. Bà sẽ ngồi châm rượu cho chồng, gắp thức ăn cho sắp nhỏ, lai rai ăn chén cơm đầy ắp nghĩa tình. Sau bữa ăn, sắp nhỏ sẽ lo ôn bài rửa chén, còn đôi vợ chồng già vẫn ngồi lải rải bên nhau. Tiếng nhị sẽ được ông cò cưa, không hay lắm nhưng tai bà vẫn thấy là những cung ngũ bổng trầm tha thiết. Và ông sẽ ngâm câu Lục Vân Tiên chờ đợi Nguyệt Nga, bà còn mong mỏi gì hơn nữa và ông sẽ sướng vui khi thấy bông hoa tình yêu nở rực dưới bóng chiều.
Mẹ con tôi ở gần nhà bác Năm xe ngựa, gần đến nỗi ban đêm chợt thấy dậy nghe tiếng móng ngựa cào gõ trên tấm ván lót chân, tôi cứ tưởng chuồng đặt ngay trong nhà mình. Bác Năm có một thời biểu đưa đón khách tươm tất, dù không ghi thành văn nhưng nhất mực theo sát mỗi hôm.
Bác thương và chăm lo cho con ngựa đầy đủ vì đó là cái cần câu cơm, nuôi sống hai bác và các con. Ngày nào chở chuyên khách về, cho ngựa nghỉ ngơi rồi tắm rửa cho bác, cho ngựa. Kế đó, bác pha nước muối cho ngựa uống, chọn cỏ sạch cho ngựa ăn và cũng bồi bổ cho ngựa bằng một ống thóc chọn kỹ hột nào hột nấy mập khoẻ như nhau. Khi ngựa đã no bụng, bác thủ thỉ vào tai nó lời an ủi, chia xẻ cực khổ của nhau và thằng Tửng, con bác, sẽ cho ngựa đi lòng vòng mấy tua giãn gân giãn cốt và đưa về chuông nghỉ. Một ngày lao động trôi qua chờ ngày mai lại đến.
Mẹ thường răn dạy chúng tôi bằng những lời nhỏ nhẹ mà thấm thía vô vàn. Cả năm không nghe tiếng roi vút mà đứa nào đứa nấy răm rắp tuân theo. Đôi khi đến bữa, đứa nào cũng giành khoe, giành nói, ồn ào như cái chợ, mẹ chỉ cần lừ mắt là trật tự tái lập ngay.
Gần gần cuối tuần, mẹ đưa điều kiện với các con : đứa nào ngoan sẽ cho về thăm nội. Thế là chúng tôi dặn dò nhau giữ gìn cẩn trọng, đừng để bị ở lại nhà một mình. Đến ngày lên đường, mẹ bảo tôi sang mời bác Năm, cả nhà sẽ đi trên xe của bác về nội. Tôi thích nhất được ngồi cạnh bác Năm ở đầu xe, gần càng ngựa. Mấy nhóc nhỏ được sắp ngồi phía trong hộp diêm, còn mẹ và chị lớn ngồi chặn nút phía sau, chân bỏ thõng xuống cái đế gỗ làm bậc lên xuống của xe.
Đợi cả nhà ngồi yên vào vị trí, bác Năm tróc tróc cho ngựa cất vó bước đi. Bác nhịp nhịp cái roi có gù bông xanh đỏ nhưng không quất vào ngựa mà ngựa vẫn chạy ngon. Rồi bác hỏi tôi có thích cầm cương bác sẽ cho, tôi còn thích thú gì hơn nên xin nhận ngay. Bác chỉ vẽ cho tôi cách cầm gương, cứ thả lỏng cho ngựa thong dong chạy, đừng kềm mà ngựa hiểu là phải dừng, hoặc giật giật sợi cương bên nào là muốn ngựa chạy về phía đó. Tôi cầm cương theo ý bác chỉ, thấy ngựa bon bon, bác khen thằng nhỏ hiểu mau. Tôi vênh mặt lên nhìn các em, nhìn mẹ như hãnh diện tài năng của mình. Mẹ chỉ tủm tỉm cười.
Về nội là điều bọn tôi ao ước nhất. Vì bà tôi lúc nào cũng thương cháu, vườn nhà bà thả lỏng cho các cháu vặt đến sạch thì thôi. Bà lại nấu xôi, luộc bắp cho ăn, trưa bắt ngủ cả lũ, chiều lại cho ăn thỏa thích. Gia đình ở lại với bà mấy ngày cuối tuần, hẹn bác Năm trở lại đón chiều chủ nhật. Mẹ dấm dúi biếu quà chút quà mang theo, bà không nhận, nhưng mẹ ép mãi cũng xong. Mẹ lo trải chỗ nằm cho bà, ngồi nhỏ to với bà chuyện gì bọn tôi không biết.
Đến ngày bọn nhóc về, bà buồn đã đành mà mẹ cũng chẳng vui. Bà theo các cháu ra cạnh xe, dặn từng đứa ngồi trang nghiêm để không bị trở ngại, rồi bà nắm tay mẹ, mẹ níu tay bà, bịn rịn không muốn buông.
Chiếc thổ mộ lọc cọc trên con đường đất, vó vẫn thong dong mà sao như có dáng dấp ngập ngừng. Tôi quay về mái nhà của bà, những sợi tranh bay bay trong gió, tôi nghe mẹ nhắn nhe : tuần sau phải nhờ bố về sửa sang mái lại cho bà.
Bác Năm thấy tôi trầm ngâm, nên dứ đưa dây cương ngựa cho tôi. Tôi lắc đầu từ chối, bác lẳng lặng cầm cương. Ngựa ngoan bước chân, vó gõ dòn trên đất, nhưng lòng tôi thì cứ lấn quấn không rời.
Đỗ Thành