Hí hí , Huệ vô đây nhìn xôi bắp ha. Hôm nay đã làm ở nhà chưa?
Sáng nay 3T mới làm bột chiên (bột có khoai môn á) và "quất" một bụng no nê, quên cả chụp hình! Hôm nào làm lại sẽ chụp hình "lưu trữ, lâu lâu nhìn lại không cần phải...nuốt !
Mời các bạn vào quán , ngồi uống cà phê và đọc câu chuyện sau đây. Mong rằng MHNT của PNV cũng có nhiều truyện như vậy
CHUYỆN MỘT SƯƠNG PHỤ Ở QUẬN CAM Tôi tên là Thị Mỹ, Nguyễn Thị Mỹ. Đó là lúc còn ở Việt Nam thời miền Nam còn chưa bị lọt vào tay cộng sản miền Bắc. Bây giờ, ở quận Cam này, mọi người đều gọi tôi là Ms.. Timi. Tên này không phải qua Mỹ tôi mới có mà tôi đã có tên này hồi còn ở Việt Nam . Ông John, Trung tâm trưởng Trung tâm Khai thác Quân dụng, một cơ quan tình báo kỹ thuật của quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, đã gọi tôi là Timi.. Không phải ông ta tốt lành gì đâu, nhưng vì ông ta chẳng có cái cách nào đọc cái tên Thị Mỹ của tôi, nên ông ta đã đọc trại ra là Timi. Chỉ có vậy thôi! Thành ra, trong những ngày hỗn quân, hỗn quan của tháng Tư năm 1975, khi được ông John giúp đỡ, qua tới đảo Guam, tôi bèn đổi tên thành Timi luôn. Timi hay Thị Mỹ thì cũng vậy thôi.
Trước ngày mất nước, chồng tôi là một sĩ quan Biệt Cách Dù. Và tôi là một hoa khôi ở một tỉnh lẻ. Phải nói hồi đó vợ chồng tôi chỉ có thua vợ chồng Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Khi giã từ tỉnh lẻ, thành hôn với vị sĩ quan trưởng toán Biệt Cách Dù, tôi đã là niềm mơ ước của biết bao thiếu nữ cùng trang lứa. Ôi làm sao quên được những chiều dạo phố Bonard bên cạnh người chồng đẹp trai, sĩ quan của một binh chủng hào hùng - những kẻ đã coi cái chết nhẹ tựa lông hồng! Mọi người đã nhìn chúng tôi với vẻ thèm muốn, ganh tị. Đó là lúc ban đầu. Sau này, khi đã chung sống, tôi cũng như bao nhiêu người đàn bà khác trên cái cõi đời này, tôi cũng có những thói hư, tật xấu. Tôi cũng có cái thú nhìn những viên kim cương nặng carat, sắc xanh lóng lánh. Tôi cũng có những nhu cầu về sinh lý không được thỏa mãn vì chồng tôi luôn phải vắng nhà vì những chuyến công tác, những lần nhảy vào đất địch, chạm mặt kẻ thù.
Khi đã trải qua những hiểm nguy, khi đã kinh qua những bước thăng trầm, sau khi suy nghiệm lại cuộc sống của mình, nhiều người thường nói: “Phải có cái số mệnh!” Tôi, tôi hoàn toàn tin ở nhận xét đó. Bởi; nếu tôi không tin ở số mệnh, làm sao tôi giải thích được những biến cố đã xảy ra trong cuộc đời tôi. Tôi đã lặng người khi nghe ông thấy bói nói về cái nốt ruồi “thương phu trích lệ.” Tôi đã bàng hoàng khi đọc một quyển sách trong đó có phần luận về cái tướng đi “sà hình”; khi biết trong cái lá số tử vi của tôi có cung “đào hoa cư mệnh.” Thì chồng tôi đã chẳng mất tích là gì khi tôi có với anh một đứa con trai. Thì tôi đã chẳng “nhắm mắt, đưa chân” với ông chủ John trên chiếc ghế sô-pha ở sở làm nửa năm sau ngày chồng tôi mất tích là gì. Một phần vì nhu cầu sinh lý, một phần vì sức nặng của chiếc nhẫn kim cương với sắc xanh lóng lánh mà ông John đã dùng để nhử tôi.
Thường thần tượng được sì sụp lạy vì thần tượng ở trên cao. Khi bị kéo xuống đất, thần tượng chỉ như là con búp- bê trong tay đứa trẻ. Do kinh nghiệm một thời làm tình nhân, làm vợ, tôi đã giữ mình lúc nào cũng là “thần tượng” với ông John, thế nên mặc dù đã ăn nằm với tôi, nhưng lúc nào người đàn ông ngoại quốc này cũng “thòm thèm” tôi. Do đó, trong khi mọi người cuống cuồng chạy ngược, chạy xuôi để thoát khỏi cái hoả ngục trong tương lai, hai mẹ con tôi đã có chỗ trên chuyến phi cơ sớm nhất để ra Đệ thất hạm đội. Dĩ nhiên mọi việc vận động, sắp xếp là do ông John. Sau này, khi đã định cư ở một tiểu bang ở miền Đông Hoa Kỳ, ở một hotel tôi đã trả ơn ông John bằng cái thân xác lúc nào cũng nóng bỏng dục tình của mình. Một ông John ở Mỹ khác hẳn một ông John ở Sàigòn hoa lệ năm nào. Ông đã mất đi hẳn cái hào hoa, xài tiền như nước của một ông Cố vấn, một Trung tâm trưởng của một cơ quan quân báo của quân đội Hoa Kỳ. Đô-la xài ở Mỹ quả có khác đô-la xài ở Việt Nam. Ông John già xuống một cách thấy rõ.
Ông mệt mỏi nói với tôi về những đứa con đã lớn, đã bỏ vợ chồng ông mà đi. Ông nói với tôi về nỗi cô đơn, sự bất lực của tuổi già ở Mỹ. Ông cắt nghĩacho tôi nghe “thông điệp” của nhà văn Hemingway đã đưa ra trong quyển sách mỏng nhưng rất “nặng ký”: “The old man and the sea.” Quyển sách đã được quay thành phim với lão ngư ông Spencer Tracy vô cùng độc đáo. Ông nói với tôi về sự quyến rũ của Tuyết Trên Đỉnh Kilimanjaro cũng giống như hấp lực của sóng biển bọt vàng ở vịnh Mindanao . Tôi chỉ lẳng lặng nghe ông nói mà không có ý kiến gì. Cho tới lúc cơn thèm muốn trở lại, tôi hỏi ông John là ông có muốn một lần nữa không, ông lắc đầu, hôn lên trán tôi và nói cám ơn.
Tôi cũng không biết là ông ta cám ơn tôi về chuyện gì. Mà có cần gì. Sau đó chúng tôi chia tay. Những năm kế tiếp, khi tới ngày sinh nhật của tôi, ngày lễ Giáng Sinh, đầu năm mới vợ chồng ông đều gửi thiệp chúc mừng cho tôi. Và hai năm nay bặt luôn tin tức. Tôi nghĩ có lẽ ông đã chết - ông đã tự sát như nhà văn Hemingway mà ông ta rất là mến mộ.
Tôi cũng quên nói là nhờ chút vốn liếng tiếng Anh khi làm thư ký riêng của ông John, khi đến định cư ở một tiểu bang ở miền Đông Hoa Kỳ, tôi đã vào làm thư ký Quận. Và thằng con của tôi đã được cắp sách đến trường đàng hoàng như hầu hết trẻ em ở Xứ Cơ Hội này.
Một điều rất thiếu sót nếu tôi không nói ra đây việc tôi là hội viên của Hội Cha Mẹ Độc Thân ở đây. Không biết tự lúc nào, tôi đã tiêm nhiễm cái thói quen coi nhu cầu sinh lý như nhu cầu ăn uống của đa số người Mỹ. Ở Hội Cha Mẹ Độc Thân chúng tôi gặp nhau hàng tuần. Chúng tôi uống rượu, nghe nhạc, làm quen, tán tỉnh nhau và đưa nhau vào hotel để sáng ra đường ai nấy đi. Thích nhau thì sẽ gặp lại. Không thích thì coi nhau như người xa lạ. Và lại đi tìm đối tượng khác. Không lo chữa đẻ vì đã có thuốc ngừa, không sợ bệnh AIDS vì đã có condom. Mọi chuyện dễ dàng như mỗi ngày phải ăn, ngủ, bài tiết. Chẳng có gì phải thắc mắc, trách nhiệm. Với xã hội, với con tôi, tôi vẫn là người đàn bà đàng hoàng, người mẹ đáng kính.
Mọi việc trở nên không xuôi chèo, mát mái khi tôi được mời tới dự buổi ra mắt tập thơ mới nhất ở hải ngoại của nhà thơ Vương Lăng.
Kể từ ngày giã từ đời con gái, giã từ “lối lên đại học hoa me rụng”, tôi biết mình vẫn mang nặng trong lòng cái khao khát “thèm ăn một chút hương man dại. Và ngủ như loài muông thú kia” (1). Đời sống của một chinh phụ luôn bị ám ảnh bởi cái chết sẽ đến với người chồng yêu quý bất cứ lúc nào; Đời sống dễ bị phán xét của một cô thư ký sở Mỹ lúc nào cũng vật vã trong long, làm tôi quên đi những mộng mơ ngày cũ. Cuộc sống buông-thả-kín-đáo ở Mỹ ngày càng chặt lìa quá khứ. Vậy mà không ngờ cái tình cảm đó đã chợt sống lại trong đêm hôm đó. Cái dáng cao lỏng khỏng với mái tóc bồng bềnh của người thơ đánh thức cái khao khát thèm ăn một chút hương man dại trong tôi. Tôi cũng không ngờ là ở vào cái tuổi xấp xỉ năm mươi, tôi lại còn có thể có cái thứ tình cảm điên rồ, man dại như vậy. Nói cho đúng, tôi muốn thử nghiệm cái sắc đẹp của mình.
Nói là tôi nhớ tới gã thi sĩ sở khanh đã lừa và bỏ rơi tôi thì đúng hơn. Đó là thời gian tôi thất tình và làm bài thơ:
“Nửa chiều nắng ngửa nghiêng rồi
Ai đem men đắng chia đôi tình nồng
Từ anh ruổi gót ngựa hồng
Đèn chong một ngọn, bóng lồng hắt hiu
Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Ngỡ ngàng nước bạc, tiêu điều vườn xưa
Tình đầy nước mắt như mưa
Chén nào hứng trọn cho vừa lòng đau
Chắt chiu một chút tình sâu
Chút sương nắng đã nhạt màu son môi
Anh mang nắng ấm đi rồi
Để sương đêm lạnh buốt đôi má đào.” (2)
Người chồng độ lượng đã tha thứ cho tôi trong đêm tân hôn khi biết tôi không còn là con gái, đã mất tích trong chiến tranh. Người thơ sở khanh đã biến tôi không còn con gái khi về với chồng tôi, thì cũng đã chết trong chiến tranh. Tự dưng tôi có cái ý nghĩ phải bắt người thơ cao lỏng khỏng với bộ mặt bất cần đời kia phải chú ý đến tôi, phải cúi xuống trước sắc đẹp của tôi. Tôi biết cá đã cắn câu khi người thơ lỏng khỏng tiến đến bên tôi và mời tôi ra khai mạc buổi dạ vũ kế đó. Những lời tán tỉnh của người thơ lỏng khỏng chẳng khác những lời tán tỉnh của gã thi sĩ sở khanh. Theo tôi, hình như nhà văn, nhà thơ tán gái ăn khách vì cái “mác” nhà văn, nhà thơ hơn là những lời tán tỉnh của họ. Tôi cứ làm như em ngây thơ, em chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì. Mặc dù, chỉ nhìn qua ánh mắt của anh ta tôi thừa biết điều anh ta muốn ở tôi là một cái giường ở một nơi nào đó.
Thời vụng dại ngu si của tuổi muời tám đã qua. Đã hết rồi cái thuở:
“Em tan trường về.
Anh theo Ngọ về” (3).
Gã từ quan đã tìm ra động hoa vàng, đã trở về thú vui xác thịt trần gian.
Ánh mắt si mê, vụng dại của thuở:
“Anh lên mười tám si như bướm
Yêu cả cành hoa tím dại hồn.” (4)
của người thơ lỏng khỏng làm tôi cảm thấy tự ái của mình được vuốt ve. Một điều tôi biết chắc chắn là sau hơn nửa đời người buồn vui, vinh nhục, thăng trầm tôi biết tôi vẫn là một người đàn bà đẹp. Bằng chứng là những ngày sau đó, người thơ trở thành thợ săn người. Anh ta theo đuổi tôi ngày đêm. Đến nhà chờ đợi để được đưa tôi đến sở làm. Đến sở làm chờ đợi để rước tôi về. Mỗi ngày một bó hoa tươi. Cuối tuần đi mua sắm. Người thơ chiều chuộng, săn sóc tôi đủ điều. Anh ta thần phục tôi như thần dân thần dân thần phục nữ hoàng. Tôi cũng có đôi lúc cảm động. Nhưng tới lúc đứa con tôi lên tiếng về gia đình của nhà thơ thì tôi thấy đã đến lúc phải chấm dứt cái trò đưa đón, nuông chiều của tuổi đôi mươi giờ đã quá xa xăm.. Bởi vì nhà thơ còn có vợ con anh ta. Và tôi, tôi còn có bổn phận và trách nhiệm với đứa con ngày một xa tôi. Tôi là một người đàn bà đẹp nhưng tôi không phải là một người đàn bà đạo đức. Tôi biết tôi một cách rõ ràng như thế. Nhưng ở gia đình tôi là người mẹ tốt đối với con tôi. Thằng con trai duy nhất đang theo học đại học. Thằng con tôi trung bình về mọi phương diện. Nó không đua đòi ăn mặc thời trang, mặc dù tôi luôn nuông chiều chăm sóc nó. Thế nên tôi quyết định chấm dứt cuộc phiêu lưu tình cảm với người đàn ông đã có vợ con đó. Tôi không muốn nghe những lời đàm tiếu. Tôi không muốn con tôi khó chịu vì sự có mặt của người đàn ông đó.
Trong một chuyến đi ngăn ngày về quận Cam , tôi đã tìm được một việc làm tương đối tốt, lương khả dĩ có thể nuôi sống hai mẹ con. Thế là chúng tôi khăn gói lên đường, giã từ cái thành phố miền Đông mà tôi đã sống ở đó mười hai năm. Giã từ cái thành phố xa lạ đã trở thành thân quen lúc nào cũng không nhớ rõ. Giã từ những khúc nhạc đồng quê, giã từ những lần làm tình với những người đàn ông xa lạ vào những đêm gặp gỡ ở câu lạc bộ cuối tuần của Hội Cha Mẹ Độc Thân.
Quen với cuộc sống vốn yên tỉnh của miền Đông, về đây, miền Nam California nắng ấm, lại ở ngay vườn Cam, tôi thấy mình chóng mặt với cuộc sống quay cuồng ở Sàigòn Bolsa.
Ở đây, tôi gặp lại con bạn học ngày xưa, bây giờ đã là chủ nhân của bốn, năm cơ sở làm ăn. Ở đây, tôi cũng có gặp lại ông nhà thơ bỏ vợ, cô ca sĩ bỏ chồng mà dạo nào báo chí Việt ngữ ở đây đã làm rùm beng lên.
Ở đây, tôi cũng gặp lại “cô bé chân ghẻ hòm” mà chồng tôi vẫn gọi lúc anh chưa mất tích. Bây giờ cô ta đã trở thành ca sĩ kiêm chủ báo, có dưới tay không biết bao nhiêu ký giả, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình cộng tác.
Ở đây, tôi cũng có gặp lại ông giáo sư, thi sĩ thần tượng một thời của tôi, bây giờ, đang làm báo kể chuyện khiêu dâm, bề hội đồng kiêm làm nghề sản xuất băng nhạc. Và nhà thơ thần tượng một thời của tôi tự than là: “Ở hải ngoại thì biết nghề nào nên làm, nghề nào không nên làm. Và tại sao người khác muốn tôi phải làm nghề này mà không nên làm nghề kia.” Thực ra, tôi nghĩ, cũng chẳng ai có thì giờ mà thắc mắc ông nên làm nghề này hoặc nghề nọ.. Tôi nghĩ người ký giả phỏng vấn ông để đăng báo (bài báo mà tình cờ tôi được đọc) bày đặt ra vậy thôi. Và, nếu ông đã đạp lên dư luận mà đi thì cần gì ông phải thanh minh, thanh nga mà làm gì.
Sách vở, báo chí ở đây có quá nhiều.
Từ những ngày đầu ở những trại tạm cư ở đảo Guam , có những kẻ thức thời lo sợ sẽ chẳng còn truyện Kiều để đọc. Nghe nói có những người đã họp nhau lại, kẻ này một đoạn, người kia một khúc, họ đã cố hoàn tất một bản truyện Kiều chép tay trên đảo Guam .. Từ những ngày đầu bị đánh bật gốc khỏi bờ cõi quê hương, đất nước, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo đã ngồi lại với nhau để nhóm lên đốm lửa văn chuơng. Bây giờ thì lửa đã cháy. Ngọn lửa lớn quá làm rát mặt nhiều người.
Những ngày cuối tuần, tôi lái xe một đi vòng, nhặt một lúc mấy chục tờ báo biếu. Nhật báo, tuần báo, thôi thì đủ thứ báo. Tờ này bênh ông này, tờ khác thì lại công kích. Rốt cuộc, các tờ báo lại quay ra chửi nhau lạnh lùng sương gió. Nghe nói có ký giả đã bị giết, có toà soạn báo bị đốt.
Tôi vẫn giữ thái độ đứng bên lề. Tôi làm kẻ bàng quan đứng nhìn những biến động trong cộng đồng người Việt tỵ nạn ở đây. Cho đến ngày đứa con trai tôi ra trường.. Cháu gia nhập một tổ chức thanh niên thiện chí. Theo bạn bè xuống đường đi bộ gây quỹ giúp thuyền nhân còn bị kẹt lại ở những trại tỵ nạn Đông Nam Á.. Theo dõi việc làm của cháu, tôi mới chợt nhận ra sức mạnh của khối đa số thầm lặng. Họ làm việc thiện chỉ vì muốn làm việc thiện. Họ không đăng báo quảng cáo về những nghĩa cử của mình. Họ là những vô danh trong những hữu danh. Họ là những người âm thầm dọn dẹp bàn ghế, bích chương, biểu ngữ, rác rếnh, sau khi những “lãnh tụ” đã lớn tiếng đọc những bài diễn văn với những ngôn từ nẩy lửa nhưng ý nghĩa thì rỗng tuếch.. Tôi đã gặp rất nhiều người như thế trong những lần theo thằng con xuống đuờng tham gia các cuộc biểu tình chống cưỡng bách hồi hương, chống những kẻ kêu gọi hòa hợp hòa giải với kẻ thù ngày cũ. Tôi mới chợt nhận ra là bấy lâu nay tôi đã quá vô tâm khi làm một kẻ đứng bên lề. Bao nhiêu năm nay tôi đã là con kén cuộn mình trong lớp vỏ vị kỷ.
***
Mùa Xuân đã trở lại quận Cam . Gần hai mươi năm nay tôi đã đón Xuân với cõi lòng băng giá mùa Đông.
Mùa Đông năm nay, tôi đã trải qua một cơn bệnh thập tử, nhất sinh. Tự dưng đầu bỗng đau như búa bổ. Hình như có muôn ngàn con độc trùng đang cắn xé trong đầu tôi. Vào bệnh viện, sau khi khám và thử nghiệm, bác sĩ cho tôi biết là tôi bị một cục bướu trong óc, cần phải giải phẩu. Tôi nhớ đến một người bạn đã được giải phẩu để trị chứng bệnh này trước đây. Sau cuộc giải phẩu, người đàn bà đã chẳng còn nhìn ra mặt mủi, chỉ bò lê, bò càn ú ớ không nên lời. Tôi không muốn mình trở thành một-con-vật-người như thế. Tôi đã từ chối giải phẩu và trở về nhà làm con chim ẩn mình chờ chết.
Khi đau ốm, tôi mới thấy con người thật nhỏ nhoi trước bờ sinh, tử. Chưa bao giờ tôi thắm thía câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc:
“Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nắm cổ khâu xanh rì!” .... bằng lúc này.
Dẫu biết rằng “nhất trác, nhất ẩm, giai do tiền định” nhưng con người từ tạo thiên, lập địa đến nay vẫn có vươn lên làm cây sậy biết suy nghĩ. Câu phương châm của xứ Anh Cát Lợi: “Người ta chỉ sống có ý nghĩa khi có sức khoẻ; có tri âm, tri kỷ; dưới ánh sáng nhật nguyệt, phải biết cái đẹp và tham gia đại cuộc” thật vô cùng ý nghĩa cho tôi, trong lúc dọn mình chờ chết.
Nhưng không biết do một phép lạ nào, tôi đã không chết: tử thần đã ngừng lưỡi hái!
Tôi trở lại cuộc sống bình thường với thay đổi lớn trong cách nhìn cuộc sống.
Tôi muốn tham gia đóng góp, chia xẻ những cái hay, cái đẹp; cái dở, cái xấu; cái thành, cái chưa thành của cộng đồng, để cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.
Không biết tham gia sinh hoạt từ lúc nào, thằng con tôi hiện giờ đã là đoàn viên đoàn hưng ca mặc đồng phục đen, cà-vạt cờ vàng ba sọc đỏ, hát nhạc đấu tranh “một người ngã gục thì mười người đứng lên, mười người ngã gục thì hàng vạn người đứng lên… thì giòng Lạc Hồng đứng lên…”, trong những buổi gây quỹ giúp trẻ em mồ côi ở trại tỵ nạn, giúp anh em cựu tù nhân mới qua Mỹ định cư.Tôi đã sung sướng đến ứa nước mắt khi nhìn cháu cùng những người bạn cùng trang lứa cất cao giọng hát hùng ca. Tôi thầm hãnh diện là cháu đã trưởng thành và chọn cho mình một cuộc sống có ý nghĩa. Trong cuộc sống nặng về vật chất ở xứ đất tiền, đất bạc này, tuổi trẻ rất dễ bị cái melting-pot này cuốn hút vào cuộc sống xa hoa, vô nghĩa. May mắn, cho tới giờ phút này, thằng con trai tôi đã thoát ra được.
***
Đêm nay, một đêm cuối năm, tôi nhận lời thằng con đến dự tiệc Cây Giáng Sinh do Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị ở đây tổ chức.
Tôi được mời ngồi ở hàng ghế những người quan trọng, cạnh các vị lãnh đạo tôn giáo, các lãnh tụ, chủ tịch của những tổ chức, mặt trận, hội đoàn mà trước đây tôi rất là… dị ứng.
THAY ĐOẠN KẾT
Cách đây bốn năm, nhận lời của một bạn văn mới quen, tôi cùng với đứa con trai 7 tuổi mà tôi đã dẫn cháu vượt biển đến Bidong cách đó hai năm, rời thành phố Des Moines, thủ phủ của tiểu bang Iowa thuộc miền Trung Tây Hoa Kỳ, về California để làm… báo.
Ở khu Phước Lộc Thọ của Sàigòn Bolsa, tôi đã gặp người sương phụ vườn Cam . Là một bạn học ngày xưa, nàng đã kể cho tôi nghe cuộc sống trầm luân của nàng từ khi đến Mỹ. Truyện ngắn “Chuyện người sương phụ ở Quận Cam” viết theo lời kể của nàng, được viết đã lâu, nhưng chưa có đoạn kết.
Tôi định kết thúc theo lối tragic end là cho nàng chết vì tai nạn xe cộ cho câu chuyện có vẻ bi thảm. Tôi cũng định kết thúc theo cái lối happy end là cho nàng tái giá với một người đàn ông giàu có và sống nốt cuộc đời còn lại.
Kết cuộc theo lối nào thì cũng có vẻ không ổn với người sương phụ ở vườn Cam .
Nàng có tâm sự với tôi là nàng “cao số” lắm. Cái nốt ruồi “thương phu trích lệ” khiến người đàn ông nào lấy nàng cũng phải chết. Nàng tỉnh queo nói rằng nàng “dâm” lắm vì cái tướng đi “sà hình” của nàng. Tôi vốn lờ vờ về bói toán. Tìm đọc lại các sách bói toán, tử vi, thấy có khi những “ẩn tướng” sẽ hóa giải được những cái “đào hoa cư mệnh”; cũng có câu “xưa nay nhân định thắng thiên cũng thường”. Sách xưa có viết về Mạc Đỉnh Chi có tướng tá xấu xí nhưng tài hoa nhờ ẩn tướng là khi đại tiện phân có hình tam giác. Đọc sách thấy Ngũ Tử Tư luận về sắc đẹp của Tây Thi là nhờ nàng bị bệnh tim: những cái gì đẹp thường mong manh! Đọc Tam Quốc Chí, Hán Sở Tranh Hùng, thấy các quân sư Khổng Minh, Phạm Tăng muốn cãi lại số Trời cũng không được..
Cứ mỗi lần Tết đến, tòa soạn các báo lại đặt viết bài Xuân. mấy năm nay, mỗi năm lại lôi cái truyện này ra mà không sao viết được đoạn kết.
Để người sương phụ vườn Cam chết vì tai nạn thì tàn nhẫn quá. Để nàng đi lấy một anh trọc phú ti toe bàn thế sự thì lại phí của Trời!
May quá! Vừa rồi tôi có nhận được một cú điện thoại viễn liên từ Nam Cali. Người bên kia đầu dây điện thoại là người sương phụ vườn Cam . Sau câu “Merry Christmas and Happy New Year!’ nàng vui vẻ nói:
- “Trời ơi! Anh có tin là nhờ em đi hoạt động cộng đồng mà em gặp lại chồng em?”
- “Cái gì? Cô nói sao?” Tôi hỏi dồn vập: “Chồng nào?”
Nàng cười ngặt nghẽo:
- “Ông chồng Biệt Cách bị mất tích của em, chứ chồng nào, hỏi lãng nhách à. Vậy mà cũng là nhà văn.”
- “Trời đất! Chứ bộ nhà văn thì không được hỏi lãng nhách à?”
Theo lời nàng kể, “anh biết, em ngất xĩu lúc được gọi lên trao quà tặng cho chồng em. Trời ơi! Cứ như là tiểu thuyết không bằng. Chồng em bằng xương, bằng thịt đứng trước mặt em. Anh ấy không nhìn ra em, chứ em thì nhận ra anh ấy ngay. Anh ấy bị tù ở miền Bắc hai mươi mốt năm. Hẹn hôm nào vợ chồng em sẽ lên Thung lũng Hoa vàng thăm anh. Sẽ nói chuyện nhiều hơn. Có thể anh sẽ viết được chuyện của tụi em thành một bộ trường thiên tiểu thuyết. Bây giờ, vợ chồng em và thằng con đi dự Hội Xuân của cộng đồng. Bye! Bye!”.
Buông điện thoại, tôi như người mất hồn. Đâu là tiểu thuyết? Đâu là sự thật? Có nhà văn nào tưởng tượng được hơn những việc thật đã xảy ra trong cuộc đời của người sương phụ vườn Cam ?
Câu chuyện này xin chấm dứt nơi đây. Có vị nào hỏi tôi đây là chuyện thật hay chỉ là hư cấu, thực tình mà nói, tôi, tác giả cái truyện ngắn này, cũng không biết phải trả lời ra sao.
Thực tình, khi viết những dòng chữ này, tôi cũng không biết mình là ai! Trang Chu hóa bướm, hay cánh bướm là Trang Chu?!
NGUYỄN THIẾU NHẪN
San Jose , tháng 1-1995
(1) thơ Đinh Hùng
(2) thơ Tố Ty
(3) thơ Phạm Thiên Thư
(4) thơ Từ Thế Mộng.
(Trích trong NGUYỄN THIẾU NHẪN TUYỂN TẬP, quyển sách dày trên 1,000 trang sẽ được Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại/Tây Bắc Hoa Kỳ & tuần báo Tiếng Dân xuất bản và phát hành trong năm 2009).
Nguồn : từ email