Hàng quán hồi này ế ẩm , khách chắc chẳng ai thèm bén mảng !
Hôm nay tình cờ đọc được chuyện ngắn này của Quỳnh Dao. Câu chuyện tình thật lãng mạn ,dễ thương làm sao ấy !
Mời khách nếu có lỡ bước vô, xin nán lại vài phút đọc qua để cùng yêu...
Quỳnh GiaoGõ 3 lần - Anh yêu emDịch giả: Trần Hạnh Tường
Cô ấy hỏi tôi: “Anh quen Hồ phải không ?”
“Đúng. Mùa đông năm ngoái, tôi đã cùng ăn cơm với cô ấy, trong ấn tượng của tôi đó là một cô gái tài hoa, dịu dàng, thanh tú.”
“Thích cô ấy à ?”
“Đúng.”
“Vậy thì nên biết câu chuyện của cô ấy...”
Hồ là một nhà văn nữ, mới tốt nghiệp đại học không lâu, sở trường viết tiểu phẩm và thơ mới, những điều cô ấy viết luôn sinh động và tràn đầy tình cảm, qua giọng văn cũng có thể thấy được cô ấy là người con gái đa tình và tinh tế.
Hồ chưa kết hôn lần nào, cha mẹ ở miền Nam. Trong một buổi họp mặt văn nghệ sĩ Đài Bắc, cô quen Châu. Châu không phải là nhà văn, mà chỉ là phóng viên một tờ báo, nhưng anh cũng biết sáng tác, biết thưởng thức, thậm trí còn biết vẽ nữa. Tài năng và tướng mạo của Châu nhanh chóng hớp hồn nữ nhà văn trẻ, nhưng có điều Châu là người đàn ông đã có gia đình.
Nhân loại có biết bao nhiêu câu chuyện “Tương kiến thái vãn” (Gặp nhau quá muộn – Tên bài hát nổi tiếng của Tiểu Trùng), nhưng quen nhau thì chẳng bao giờ là muộn. Hồ và Châu quen nhau rồi yêu nhau, giữa quen và yêu là chặng đường vừa dài vừa gập ghềnh. Tôi tin rằng họ đã trải qua một con đường đầy gian nan vất vả, chắc chắn là đầy mâu thuẫn, day dứt, khổ sở, áp lực và cảm giác phạm tội. Xã hội Đài Loan, nói mới cũng không hoàn toàn là mới, nói cũ cũng không phải là cũ, một mặt thì lắng nghe những nhân vật thuộc trào lưu hiện đại, mặt khác lại bảo thủ đến cực đoan. Hồ và Châu bị kẹt giữa hai bờ.
Châu là con nhà có học, vợ cũng là con nhà danh giá, hai người đã có một trai một gái. Bất luận là về mặt đạo nghĩa hay trách nhiệm đều không cho phép anh ngoại tình, chứ đừng nói tới chuyện bỏ người này lấy người kia. Thế nên Hồ và Châu đành phải giấu giếm tình cảm của mình. Họ thường gặp nhau trong những buổi dạ tiệc hoặc gặp mặt họp hành. Bốn mắt nhìn nhau, ngàn vạn lời muốn nói nhưng không thể tỏ bày. Có một lần, khi họ có cơ hội chỉ riêng hai người, Châu nói: “Đó chỉ là ba chữ thôi, ba chữ ấy từ khi có lịch sử, có nhân loại, người ta đã nói với nhau ba chữ này, đó là: Anh yêu em. Anh không thể lúc nào cũng nói câu này với em, nhưng chúng ta quy ước nhé, nếu anh gõ 3 tiếng xuống bàn, có nghĩa anh muốn nói với em rằng: anh yêu em; nếu anh vỗ vai em 3 lần, cũng có nghĩa là anh muốn nói: anh yêu em; nếu anh gọi điện thoại cho em đổ chuông 3 lần tắt máy, cũng có nghĩa là anh muốn nói: anh yêu em; thậm trí anh nhìn em chợp mắt 3 lần cũng có nghĩa là: anh yêu em; giơ 3 ngón tay, ho 3 tiếng, rít thuốc lá 3 hơi... đều có nghĩa là anh đang nói: anh yêu em.”
Thật là một quy ước lãng mạn !
Sau đó, một khoảng thời gian rất dài, họ sống trong “3 lần”. Gõ 3 tiếng, anh yêu em. Kêu 3 tiếng, anh yêu em. Chớp mắt 3 lần, anh yêu em. Chuông đổ 3 lần, anh yêu em. Huýt sáo 3 lần, anh yêu em. Thở dài 3 lần, anh...nh...yêu..êu...em...m.
Tình yêu như thế có cái buồn của nó, có cái đẹp của nó, có ý thơ của nó, có sự tàn nhẫn của nó, có sự điên cuồng của nó, có cả sự đau khổ của nó.
Bất luận thế nào, tình yêu của Châu và Hồ cũng cứ trôi qua như vậy. Vì tình yêu này mà Hồ từ chối tất cả những chàng trai đến với mình, cô sống trong cô độc.
Dần dần những người bạn thân của hai người cũng biết chuyện. Còn bản thân hai người sau những nỗi nhớ sâu đến tận xương, ngày càng thấy tình yêu của người kia dành cho mình là vô cùng. Thế là Châu bắt đầu kiếm chuyện gây sự với vợ, và đem chuyện của mình ra nói với bố mẹ, bắt đầu công khai tranh đấu cho tình yêu – con đường này xem ra còn tàn khốc đau khổ hơn. Châu vì Hồ và tranh đấu, Hồ vì Châu mà chịu người đời chửi mắng.
Cuối cùng vợ Châu cũng chấp thuận ly hôn.
Một ngày tháng 7 năm ngoái, Hồ và Châu hẹn nhau đến ăn trưa trong một nhà hàng ở Đài Bắc. Hôm đó trong lòng Hồ rất vui, bởi sau nhiều năm lén lút yêu nhau, bây giờ mới được công khai. Ai ngờ được, bữa cơm ấy cô đợi mãi nhưng Châu không xuất hiện, mà lại là mãi mãi không xuất hiện.
Sáng hôm đó, Châu đã ra đi mãi mãi vì tai nạn ôtô.
Như vậy đấy, đang sống sờ sờ ra đấy bỗng nhiên chết đi. Vĩnh viễn. Nhưng người sống thì vẫn phải tiếp tục sống.
Hồ cũng không biết tại sao mình vẫn sống được, những tháng ngày ấy cô sống mà như đã chết rồi, đối với tất cả mọi chuyện xung quanh cô nhìn mà không thấy. Cảm giác trái tim tan nát, chỉ có người đã từng trải qua mới thấu hiểu. Khoảng thời gian ấy, cô như không còn cảm giác, không biết suy nghĩ, không có ý thức, sống như một sự tồn tại, đau khổ đến tột cùng, tưởng chừng nỗi đau không bao giờ có thể lành được nữa, không còn hy vọng gì nữa. “Cái chết” đã huỷ hoại tất cả, tình yêu, ước mơ và hy vọng.
Đêm thứ bảy sau ngày Châu mất, rất nhiều bạn bè của Châu đến truy điệu anh. Hồ cũng đến, cô tiều tuỵ và vô hồn. Vẫn đồ vật cũ ấy, nhưng ai sẽ gõ 3 lần, ho 3 lần, chớp mắt 3 lần, huýt sáo 3 lần, thở dài 3 lần... với cô nữa đây ?
Đêm ấy thành phố Đài Bắc đèn điện sáng huy hoàng đến lạ. Nhưng trong lễ truy điệu Châu, nơi gian phòng rộng lớn, đèn bỗng nhiên phụt tắt, tất cả tối om. Trong sự ngạc nhiên của mọi người, đèn sáng lên, rồi lại tắt, lại sáng, lại tắt. Liên tục 3 lần liền !
Hồ suýt nữa khuỵ xuống. Đèn sáng 3 lần, anh yêu em !
Cái chết không phải là điểm cuối cùng, Hồ như sống lại, lại có thể tiếp tục đối diện với cuộc sống, lại bắt đầu ngồi bên những trang viết. Chết không có nghĩa là mất tất cả !
Đây là một câu chuyện tình yêu !
Tôi nghe xong cảm động không nói nổi thành lời, sống mũi cay cay. Tình yêu, nếu có thể vượt ra ngoài ranh giới giữa sự sống và cái chết, thì đó quả là vĩ đại ! Nếu quả thực có linh hồn, thì những người yêu nhau sẽ không bao giờ bị cái chết chia cắt. Vậy tình yêu sẽ không có điểm cùng, điều này không phải là rất đẹp hay sao ? Cầm bút lên, tôi không thể cầm lòng viết vài chữ: “Không cùng chết nhưng vẫn có thể cùng sống ! Không thể gặp nhau nhưng vẫn có thể yêu nhau ! Không thể là đời này kiếp này, nhưng sẽ là mãi mãi !” Cho Hồ cho Châu, cho tình yêu của hai người.