Lâu nay chúng ta nghe nhiều khách du lịch về thăm VN khi quay về cố quốc thường than phiền nhiều điều.
Hôm nay thử nghe những nhận xét từ chính những người Việt trong nước nhận xét về điều này.
Bài trích đăng từ báo Thanh Niên. Tác giả Hạ Anh, đăng làm 3 kỳ.
Du lịch "bực mình". Khách du lịch rất khó chịu với những cảnh chèo kéo. Ảnh D.Đ.M
Trong thời gian 20 ngày, chúng tôi đã tiến hành một cuộc du lịch xuyên Việt bằng nhiều phương tiện: xe đò chất lượng cao, xe đò bình thường, xe ôm, xe lửa, máy bay, xích lô, thuê xe tự lái, đi bộ đến những điểm du lịch nổi tiếng ở nước ta. Thấy gì về du lịch Việt Nam sau chặng đường 1.735 km này? Chúng tôi nghĩ rằng, mình đã tìm được lời giải thích cho câu hỏi: "
Tại sao khách du lịch một đi không trở lại?". Nụ cười bị bỏ quênSân bay Tân Sơn Nhất, sáng ngày 25/6/2005, gia đình anh Nguyễn Công Thắng, cư ngụ tại quận 12, bực dọc: "Gia đình tôi mua 24 vé đi Đà Nẵng, đến lúc soát vé, vì không mang khai sinh cho cháu nhỏ, nhân viên sân bay bảo vợ chồng chúng tôi đứng sang một bên, chờ giải quyết. Đợi mãi đến hơn 1 giờ đồng hồ mới nhận được câu trả lời là không giải quyết được. Cho nên, chúng tôi phải chạy về nhà lấy khai sinh cho cháu và bay chuyến sau vì đã trễ chuyến bay. Giá mà họ nói ngay lúc đó. Nếu họ giải thích thì gia đình đã kịp làm thủ tục bảo lãnh tại phi trường để cả nhà có thể đi cùng chuyến bay, nhưng đằng này, họ chẳng có một lời...".
Sau khi bị báo chí và dư luận phản ánh, được một thời gian nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất đã học được vài nụ cười. Nhưng có lẽ, bài học này vẫn chưa được các nhân viên học thuộc kỹ nên chỉ một lúc lại quên. Suốt chuyến bay đi lẫn chuyến bay về, chúng tôi nhận được quá hiếm hoi nụ cười của đội ngũ nhân viên hàng không Việt Nam.
Nhân viên sân bay là thế, nhân viên nhà ga xe lửa cũng chẳng khác gì. Chiều ngày 4/7/2005, tại ga Hà Nội, chúng tôi đến hỏi thăm thông tin về vé đi Lao Cai, anh nhân viên trả lời như chửi: "Cái nhà cô này đến lạ, muốn đi thì đến xem bảng, ai rỗi hơi mà trả lời cô". Tôi đến ô bán vé, hỏi thăm thông tin thì cô nhân viên lại chỉ tay ra bảng bên ngoài: "Thì chị hẳn cứ đến bảng mà xem, ơ hay, chị không biết chữ à?". Cô ta tặng thêm cho tôi cái nguýt dài khi thấy tôi tròn mắt nhìn. Rốt cuộc chẳng hỏi được gì còn bị mắng và lườm nguýt.
Tệ bạc văn hóa lữ hànhTài xế xe buýt của các hãng lữ hành thì mới thật là kinh hoàng. Chuyến xe đi từ Huế đến Hà Nội, tối ngày 2/7/2005, hãng lữ hành Hà Nội Toserco có 2 người lái xe có thái độ hành xử thật... không thể tưởng tượng được. Khách lên xe, một anh quát: "Ngồi các băng sau, chừa hai hàng đầu". Có một cụ bà lớ ngớ để đồ lên băng đầu, lập tức anh ta mắng luôn: "Không được ngồi ở đó, nói mãi chẳng nghe à?". Người phụ nữ tóc bạc lắc đầu, chép miệng. Dọc đường đi đến địa phận Quảng Trị, ngang một ngã ba, có chiếc xe máy vô tình chạy hơi sát vào xe, anh tài xế nói với anh lơ xe lấy chai nước suối, mở cửa xe và ném vào người đi xe máy bên dưới kèm theo tiếng chửi thề inh ỏi đến cuối xe còn nghe. Chẳng những thế, anh ta còn dùng xe để ép xe máy đi bên dưới, làm người lái xe máy chới với rồi vọt xe đi với tiếng cười nham nhở.
Nhân viên tàu đi từ Cát Bà về Bãi Cháy mới thật là... Một số hành khách quyến luyến với khung cảnh vịnh Hạ Long nên ra phía trước tàu để xem và chụp ảnh, anh ta hét inh ỏi: “Vào ngay, đi tàu sao vô kỷ luật thế, các ông các bà rơi xuống nước thì chết mẹ chúng tôi". Miệng nói, tay anh ta cầm đôi đũa ăn cơm lùa lùa như thể người ta lùa vịt. Các du khách nước ngoài không hiểu chuyện gì và khi hiểu ra thì lắc đầu ngao ngán.
Và những câu chuyện cảnh giác...Việc hành hung khách du lịch, vờ đụng xe rồi ăn vạ ngày càng phổ biến. Chiều ngày 9/7/2005, chúng tôi thuê xe máy đến Vườn quốc gia Cát Bà, đường đi khá vắng. Một anh thanh niên địa phương chạy xe máy quệt vào chúng tôi, tôi ngã lăn ra đất, xây xát chân tay, anh ta lại ăn vạ, chửi thề và giơ nắm đấm. Một hai bắt chúng tôi phải chạy đến tiệm sửa xe và đền bù. Trong khi xe anh ta không có biển số đăng ký. Chúng tôi yêu cầu đến công an, anh ta chửi thề: "Tao mới ra tù này, xe tao không biển số, chẳng bằng lái gì sất, không có pháp luật gì hết, chúng mày là khách du lịch mà láo". Đường vắng, lại không có sóng điện thoại, chúng tôi không thể chờ đến lúc có công an đi tuần và cũng chẳng làm gì được. Nói mãi, vẫn phải nộp cho anh ta 100.000đ dù chân tôi vẫn tập tễnh vì đau. Sự hãi hùng này của du khách, ai sẽ giải quyết? Không chỉ có thế, anh Chiến, một du khách ở Gò Vấp, TP.HCM còn kể thêm: "Khi xe của gia đình chúng tôi đi đường tắt ngang khoảng sân trước nhà họ (ở Đồ Sơn - Hải Phòng), họ chặn đầu xe, bắt đưa tiền, không đưa không cho đi, hết 20.000đ mới được đi đấy"...
Nguồn thu từ những sản phẩm du lịch vốn đã manh mún nay lại càng thu hẹp và ẩn chứa nhiều điều không tốt đẹp. Tại chợ Sapa, 9h sáng ngày 6/7/2005, tôi đã ngỡ ngàng sửng sốt khi thấy 2 người phụ nữ người Dao và Mông mua một gùi hàng thổ cẩm. Bà bán hàng còn dặn thêm: "Mày lấy cái tranh này đi, tao để giá 60.000đ thôi, bọn Tây thích cái này lắm đấy". Hóa ra, họ đi chợ mua thổ cẩm rồi đem ra bán cho du khách ngoài đường vốn tưởng rằng là mua hàng do chính người dân tộc đan, thêu.
Với những sự thật như thế này, khách du lịch càng lúc càng ngán ngẩm và không muốn mua gì để làm quà vì về chợ Bến Thành hoặc chợ Đồng Xuân là có tất cả!
Ghi chép của Hạ Anh.