Sáng nay tui nhận được qua email một câu hỏi thiệt ... bất ngờ. Đi xa lâu quá không rõ ất giáp chi nên thành ngây thơ ấm ớ, chừng chạy vào đọc topic ni mới rõ chuyện (nhưng thiệt tình thì vẫn chưa ... rõ mấy !)
Dà, đây là một bài viết post trong ĐT lâu rồi để trả lời một câu hỏi về hoàng tộc nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng của đất nước. Xin dán vào đây để bổ túc thêm. Và sau đây là một số danh xưng của những người có liên quan tới hoàng tộc qua khế ước hôn nhơn.
. Hoàng Thái Hậu : Mẹ của vua
. Hoàng Hậu : Vợ của vua.
. Hoàng phi, Vương phi & Thái phi : Tước phong cho các bà vợ khác còn lại của vua (khác với bà vợ lớn ở trên) hay vợ của hoàng tử hoặc của Vương. Vương là một tước khác do vua ban cho con trai của mình. Chúa Trịnh và chúa Nguyễn xưng Vương mà hổng dám xưng đế vì chưa chính danh, xưng như thế là một hình thức tự phong cho mình để chuẩn bị trở thành hoàng tộc sau này.
Hoàng Thái Phi tức Vợ của Hoàng Thái Tử (crown prince). Đôi khi vợ của Hoàng thái tử cũng được gọi là Vương phi. Ở Âu châu Princess là con gái của vua, chỉ có 1 cô người ngoài được giữ tước hiệu này, đó chính là Hoàng Thái Phi đó vậy.
. Phò mã : Chồng của công chúa tức con gái của vua. Chị em gái của vua cũng là công chúa (của vua cha).
Công tôn nữ, công tằng tôn nữ, công huyền tôn nữ, Lai huyền tôn nữ (xem ở dưới đây) không phải là công chúa, đây chỉ là những tên của các mệ thuộc dòng chánh mà thôi.
Với các vương triều ỡ Âu châu, vợ của Hoàng đế mang tước Hoàng hậu nhưng chồng của Nữ hoàng chỉ được gọi là Prince consort, thí dụ như Prince Philippe chồng của nữ hoàng Elizabeth of Windsor. Trong một vài trường hợp, vợ của vua không được mang tước Hoàng hậu vì có trục trặc chi đó, đây là trường hợp đặc biệt của Camilla. Camilla sẽ trở thành Princess consort khi Charles lên ngôi vua.
Sau đây là bài viết cũ.
Nỗi-Niềm Quận-Công
Máu vua chúa ngó bộ hổng đỏ được. Máu đỏ là máu thứ dân. Vua chúa Âu châu máu màu ... xanh - royal blue. Vua chúa Á châu hoàng phái nên máu màu ... vàng.
Sở dĩ bữa nay nói chuyện vua chúa là vì ba bữa trước tui lọt vào phòng chát, nghe dở dang chuyện của Ngài Quận Công. Ngài biểu Ngài là dòng thứ – y hình số 11 - nên hổng có tên chính thức (?), còn chưa hiểu ất giáp chi mấy thì tui lỡ dại tà lanh, rút xi- ranh bơm đại chút màu vàng vào tĩnh mạch, a-lát xô vào Ngài xin nhận họ.
Dỡn chơi hoài, bộ cứ muốn là nhận khơi khơi vậy sao ta !!
Rồi Ngài điều tra phỏng vấn tùm lum. Kẹt cái Ngài lại rất hà tiện lời thành ra ông nói gà, bà hiểu vịt. Ngài hỏi tui biết Nguyễn Hữu hông ? Tui tưởng Ngài thuộc dòng ngoại của mấy ông Bảo – Nguyễn Hữu Hào - nên rồi câu chuyện cứ loạn xà bần, mãi rồi tui cũng ấm ớ chẳng còn biết đầu đuôi chi nữa thành ra phải rút xi-ranh hút màu ra cho ... tỉnh người !!!
Nhân ngày cuối tuần, tui dở gia phả họ Nguyễn ra đọc lại cho có bài bản đuôi đầu, đặng ăn nói mạch lạc cho cô Nỗi Niềm và cô Bún Bò hiểu thấu đáo chuyện Hoàng-Tộc nhà Nguyễn.
* * *
Số là vầy :
Hoàng sơn nhất đái, vạn đại dung thân. Để tránh họ Trịnh chuyên quyền ở miền bắc, ông tổ nhà Nguyễn là Nguyễn-Hoàng bầu đoàn thê tử di cư vào Nam khai khẩn và dựng nghiệp tại đây. Kế đó rồi hai họ cùng xưng vương : Chúa Trịnh ở miền bắc và Chúa Nguyễn ở miền nam. Tiếp theo là màn phân tranh dằng dai đánh nhau chết bỏ, rồi Chúa Nguyễn Ánh tóm thâu giang san về một mối, và dựng nên triều đại nhà Nguyễn.
Nhà Nguyễn Gia Long trị vì đất nước từ 1802 tới 1945. Khi vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng, thoái vị thì nền quân chủ cáo chung, nhường bước cho chính thể dân chủ (cộng hòa).
Thoại tiên thì là Nguyễn trần trùi trụi vậy thôi hà. Mãi tới đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên 1613-1635 mới có màn văn vẻ, thêm chữ Phúc vào cho nó xôm tụ. Chuyện là vầy : Vợ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng nằm mơ thấy thần nhân trao cho một mảnh giấy có chữ Phúc, từ đó họ Nguyễn trong nam dùng chữ ni lót thêm vào tên. Giòng họ Nguyễn còn kẹt lại ở Gia Miêu Thanh Hóa thì thành Nguyễn Hữu ( có lẽ Ngài Quận công muốn nhắc tới chuyện Nguyễn Hữu này chăng thay vì Nguyễn Hữu của Nam Phương Hoàng Hậu, vợ vua Bảo Đại ?)
Gia Long có tới 13 con trai và 18 con gái. Trưởng nam là Hoàng thái tử Cảnh. Ông ni tội nghiệp lắm, hồi Trịnh Nguyễn phân tranh, Nguyễn Ánh phải cầu cứu bên này bên kia thì ông hoàng nhỏ hay bị cha đưa đi ... cầm cố làm tin ! (Chuyện ni ai muốn biết thêm thì hỏi ông Vuzzan ha, ông này ngầu vụ sử lắm lận) Đi hoài vậy thì thọ sao nổi, số 1 (Hoàng thái tử Cảnh) mất sớm mới 22 tuổi. Rồi số 10 cũng nối gót theo anh, còn lại 11 ông hoàng.
Khi vua cha băng hà, Hoàng tử số 4 Nguyễn Phúc Đảm, lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng. Tuy ngồi ở ngai vàng hổng lâu lắm 1820-1841, nhưng ông ni vì hay chữ nên mới sanh màn lễ nghĩa phú quí !
Do ảnh hưởng văn hoá Trung hoa (nhà Thanh Mãn Châu lúc đó) bắt chước họ làm màn danh gia vọng tộc cho con cháu sau này dễ phân chia và nhận ra ngôi thứ của nhau trong họ. Minh Mạng ngồi viết ra 1 bài Đế hệ thi cho dòng chánh ( tức dòng của mình, giữ ngồi cửu ngũ) và 10 bài Phiên Hệ thi cho 10 ông hoàng anh em còn lại. Tương tuyền rằng 11 bài thơ ni là cũng do thần nhân mách bảo (?). Rồi năm 1823 Minh Mạng sai khắc chúng lên sách : Đế hệ thi khắc trong sách bằng vàng ròng (kim sách) Phiên hệ thi khắc trong sách bằng bạc (ngân sách). Những sách ni sau này thất lạc mất hết. Có tin cho rằng chúng được bảo toàn tới đời Tự Đức. Do thua trận, Tự Đức phải ký hiệp ước Nhâm tuất 1862 trả chiến phí cho Pháp và Tây Ban Nha 4 triệu đồng, hoàng tộc đã phải đem chúng ra nấu chảy để bù đủ tiền ... phạt vạ (?)
Bảo Đại thoái vị năm 1945, người ta chỉ tìm thấy những sách bằng đồng – đồng sách, và bằng lụa – thể sách, trong viện bảo tàng của hoàng cung mà thôi.
Đế hệ thi. :
Miên hồng ưng bửu vĩnh
Bảo quí định long trường
Hiền năng khang kế thuật
Thế thoại quốc gia xương.
Bốn câu thơ có tổng cộng 20 chữ dùng để đặt tên con cháu cho chánh hệ (tức dòng Minh Mạng). Với 20 thế hệ, nếu mỗi thế hệ là 25 năm thì ngó bộ Minh Mạng mong mỏi dòng họ trường tồn đâu đó khoảng ... 500 năm. Thực tế đã chỉ xong câu thơ thứ nhứt, nghĩa là chỉ được vỏn vẹn 5 đời !
- Con trai của Minh Mạng có họ Miên. Miên Tông -Thiệu Trị, Miên Thẩm-Tùng Thiện Vương, Miên Trinh- Tuy Lý vương. ...
- Con trai của Thiệu Trị có họ Hồng. Hồng Nhậm- Tự Đức, Hồng Bảo (nổi loạn 1848) Hồng Dật- Hiệp Hoà ...
- Con trai Tự Đức có họ Ưng. Ưng Chân- Dục Đức, Ưng Đăng-Kiến Phúc, Ưng Lịch-Hàm Nghi, Ưng Xụy-Đồng Khánh ...
- Sau Ưng là Bửu. Bửu Lân-Thành Thái, Bửu Đảo- Khải Định, Bửu Lộc, Bửu Dưỡng, Bửu Hội ...
- Sau Bửu là Vĩnh. Vĩnh San-Duy Tân, Vĩnh Thụy-Bảo Đại, Vĩnh Lộc ...
- Sau Vĩnh là Bảo. Bảo Long, Bảo Quốc ...
Phiên hệ thi.
10 bài phiên hệ thi làm cho các ông hoàng anh em nhưng một số cũng chết trẻ, số khác tuyệt tự (không có con trai) ngay thế hệ thứ nhứt hay thứ hai, thành ra rồi phần lớn 10 bài phiên hệ thi ni cũng ... tuyệt bản.
Tới nay chỉ còn truyền được 4 bài của :
- Anh Duệ Hoàng Thái tử (tức Nguyễn Phúc Cảnh) :
Mỹ duệ tăng cường tráng
Liên huy phá bội hương
Linh nghi hàm tấn thuận
Vỹ vọng biểu khôn quang.
Hoàng tử Cảnh mất sớm, có 2 con trai Mỹ Đường và Mỹ Thùy. Mỹ Đường, do chuyện trừ hậu họa củng cố ngai vàng, bị chú là Minh Mạng kết tội và giáng làm thứ dân. Con cháu chỉ được chép tên vào Tôn phả (nghĩa là mang tên Tôn Thất). Mỹ Thùy mất sớm. Trong nhánh họ này có Kỳ Ngoại hầu Cường Để và các con là Tráng Cử, Tráng Liệt, Tráng Đinh .
- Kiến An Vương (Hoàng tử thứ năm) :
Lương kiến ninh hòa thuật
Du hành suất nghĩa phương
Dưỡng dĩ tương thức hảo
Cao túc thể vi tường.
Kiến An Quận Công Lương Viên, công tử Lương Kỳ, ông Hoà Giai và con là Thuật Hanh Thuật Hy thuộc nhánh họ này.
- Định Viễn Quận Vương (Hoàng tử thứ sáu)
Tĩnh hoài chiêm viễn ái
Cảnh ngưỡng mậu thanh kha
Nghiêm khắc do trương đạt
Liên trung tập bát đa
Thuộc nhánh này có ông Tĩnh Cơ, ông Chiêm Nguyên và các con Viễn Ngô, Viễn Cẩm Viễn Tống, ông Chiêm Tân và con Viễn Bào
- Từ Sơn Công (Hoàng tử thứ 13)
Từ thể dương quỳnh cẩm
Phu văn ái diêu dương
Bach chi quan phu dực
Vạn diệp hiệu khương tương.
Các ông Từ Đàm, Thể Ngô, Dương Kỵ và con Quỳnh Trân, Dương Thanh và con Quỳnh Nam đều là hậu duệ dòng này
* * *
Bài Đế hệ thi và 10 bài Phiên hệ thi đều là những bài thơ có niêm luật và có ý nghĩa, lại không có chữ trùng hợp. Văn là thế đó mà tài là thế đó !
Minh Mạng cũng quyết định rằng hậu duệ của dòng Triệu Tổ Tịnh Nguyễn Kim , tức hoàng tộc ‘tiền hệ’, thì chỉ dùng họ Tông Thất, sau này vì kỵ tên húy của vua Thiệu Trị là Miên Tông nên gọi trại thành Tôn Thất cho tới bây giờ . Nhánh chánh của Mỹ Đường con Hoàng thái tử Cảnh đã nói ở trên bị Minh Mạng bức bách, tên tuổi dòng họ chỉ được ghi chép vào phả hệ này !
Còn đám con gái thì sao ? Vua Minh Mạng dùng thứ tự để gọi họ :
- Công chúa : anh chị em của vua
- Công nữ : con vua
- Công tôn nữ : cháu vua
- Công tằng tôn nữ : chắt vua
- Công huyền tôn nữ : chít vua
- Lai huyền tôn nữ : con của chít.
Người thuộc dòng chính trong Đế hệ thi thì không để Nguyễn Phúc hay Tôn Thất, chỉ mang họ của đế hệ thí dụ như Ưng Quả, Bửu Dưỡng, Bảo Long (con của Vĩnh Thụy, tức vua Bảo Đại) Còn người của Phiên hệ thì hay đề tên Tôn Thất vào như Tôn Thất Viễn Bào, Tôn Thất Dương Kỵ.
Hoàng tộc rất đông, nhưng nhờ các bài thơ này mà khi một tên được xướng lên thì người ta nhận ra nhánh dòng và thứ tự trong hệ, biết tên đó là hậu duệ của ai, ngành Gia Long, Minh Mạng hay Nguyễn Kim.
Sau này khi ra ngoại quốc, việc khai tên theo Đế hệ bỗng gây trục trặc. Ông thư ký toà thị chánh cứ ngẩn người ra hổng hiểu vì sao Ông Vĩnh Chương lại có con tên Bảo Toàn, chẳng hạn vậy. Gần đây người ta có ý định đưa chữ Nguyễn Phước vào để giản dị hóa vấn đề thành ra trai gái gì cũng là Nguyễn Phước ráo hết. Nghe nói ông Bửu-Tho (vai chú của Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại) đã phải đặt tên con gái là Bửu ... Dung Anh, cô này tính theo vai vế thì ngang hàng với Ngài Ngự đó, oai lắm lận !
Tiện đây nói thêm ngoài lề. Cụ nghè Dương Khuê, bạn thân của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, khi chết được Nguyễn Khuyến viết bài thơ khóc bạn truyền tụng om xòm (cô Phượng Các y hình có dựa vào bài ni mà khóc sống ai đó trong phố thì phải ! ).
Cụ Dương Khuê cũng làm màn Thứ tự thi y chang, một bài cho đám con trai, một bài cho đám con gái. Thành vậy nên khi trai tên Dương Hồng thì cùng vai vế, gái tên Dương Nguyệt thì cùng vai vế. Một cô Dương Nguyệt nổi tiếng gần đây trong chiến tranh Irak : Dương Nguyệt Ánh. Nếu cô Ánh ra đường đụng Dương Nguyệt Lãng, Dương Nguyệt Diệm thì biết là chị em cùng vai liền, chỉ cần hỏi thăm là ra nguồn cội. Thiệt gọn !
PS : Nhơn đây tui cũng xin vái chào cô Nguyễn thị Tê-Hát. Dà nghe cô lên tiếng bên ĐT trong bài viết về TCS mà tui xớn xác cứ quên tạ ơn cô hòai (bận quá xá) Mong cô Tê Hát bỏ lỗi cho.
Trân trọng.
Mme Ngô.