Về Với Huế Xưa ( Cont. )
Điểm đầu tiên thu hút sự chú ý của tôi khi vào Thành Nội là kỳ đài Huế . Nắm chắn ngang trước mặt Hoàng Thành , Kỳ đài Huế nhìn vào tuy đơn sơ, giản dị nhưng không kém phần uy nghi . Rất tiếc lá đại kỳ giương cao trên cây cột thép thẳng tắp kia không phải là màu cờ của tôi, nếu không tôi đã rất sung sướng để được có cho riêng mình những tấm ảnh mà tôi nghĩ rằng sẽ rất đẹp dưới kiến trúc biểu tượng của hồn thiêng sông núi .
Kỳ Đài
Qua cánh cửa sắt nhỏ nhắn, tôi bước vào Ngọ Môn, tại đây du khách mua vé để được vào tham quan. Cửa Ngọ Môn có 3 cổng vào, 2 cửa nhỏ 2 bên và cửa lớn ở giữa, ngày xưa chỉ dành riêng cho Vua đi thẳng vào là Điện Thái Hòa, nơi Vua ngự triều nghe các quan tâu trình việc nước . Phía trên cửa Ngọ Môn bên trái có một cái trống rất lớn , nhìn bên ngoài trống không có vẽ cũ kỷ, mặt trống vẽ hình Thái Cực Đồ, dường như đã được phục chế vì nhìn màu sơn như còn mới.
Cái trống to trên cửa Ngọ Môn
Đứng ở tầng trên Ngọ Môn nhìn xuống , tôi thấy từng đoàn du khách đang lũ lượt đi vào, bên kia đường nhiều du khách đang chụp ảnh, một ông khách đứng dưới Kỳ Đài, hình như đang cố lấy toàn cảnh Hoàng Thành .
Cửa Ngọ Môn và một trong những hồ sen phía trước
Bất chợt tôi nghĩ đến ngày xưa, khi xây dựng cung thất và nghiệp Đế , có lẽ Vua Chúa Nhà Nguyễn không bao giờ nghĩ đến có ngày cung điện đền đài lăng tẩm lộng lẫy uy nghi kia trở thành nơi mua vui giải trí cho người đời sau, và có lẽ người xưa không bao giờ nghĩ đến có một ngày trước cửa Điện Thái Hòa, trên bậc cấp một cô gái trong váy ngắn ngồi làm dáng cho người yêu chụp ảnh lưu niệm. Dòng thời gian cứ trôi đi, bao nhiêu thay đổi thăng trầm đã qua để lại tang thương trên bộ mặt Hoàng Thành. Những dinh thự, lầu đài, ngự viên bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh. Trong Điện Thái Hòa tôi nhìn thấy cây cột gỗ cũ nằm dài trên sàn nhà, dấu tích sơn son thếp vàng phai nhạt, cũ kỹ và những vết mối mọt gậm nhấm. Hầu hết hàng cột trong điện đều đã được phục chế sửa chửa . Trên sập, ngai vua còn đó như chứng tích của một thời đại Lịch sử đã qua, tuy rất xa nhưng chưa thật nhạt nhòa.
Hình trước Điện Thái Hòa
Phía sau điện, bên trái là ngôi nhà khá lớn, tương truyền là nơi Văn quan vào chuẩn bị để chầu Vua, bây giờ là nơi chụp hình lưu niệm cho những ai muốn làm Hoàng Đế hay Phi tần. Trên tường tôi nhìn thấy những tấm ảnh quảng cáo, chụp những ông Tây bà Đầm mắt xanh mặc Long Bào đầu đội Phụng mảo, ngồi Long xa, Phụng kiệu. Thật ra ai cũng biết những chiếc long Bào ấy là đồ " dỏm " nhưng có sao đâu .. làm vua giả 15 phút cũng vui mà...
Đối diện bên kia là lối vào cung An Định nhưng tôi không vào vì nóng và nắng quá. Mồ hôi tuôn ướt cả tóc tai mặt mũi dù tôi đã có nón và dù che chở. Sau lưng điện bên trái là con đường yên tỉnh, hai hàng cây cao mát. Nhìn bảng chỉ dẫn tới Đình Phụng Tiên và Thế Miếu, đúng con đường người nhân viên trong tiệm chụp ảnh đã chỉ dẫn, dù nắng nóng tôi cũng đi đến thăm Cửu Đỉnh.
_________________________
Tôi đứng trước Hiển Lâm Các. Ngôi lầu nầy được xây cất để vinh danh công thần nhà Nguyễn. Vì vậy từ thời Vua chúa xưa đã có luật lệ cấm tất cả các dinh thự hay nhà cửa trong và ngoài Cấm thành không đưọc xây cất cao quá 13 m, nghĩa là cao hơn Hiển Lâm Các. Khi đọc bảng ghi chú tôi mới hiểu ra tại sao từ hôm qua tới giờ tôi chỉ nhìn thấy những ngôi nhà không quá 2 tầng trong Nội thành.
[image]http://home.ripway.com/2005-3/277896/11Hue_Hienlamcac2.jpg[/image]
Hiển Lâm Các
Từ bậc cấp cuả Hiển Lâm Các đi xuống tôi thấy 9 caí đỉnh lớn bằng đồng, xếp hàng ngang 8 caí phía trước và 1 đỉnh lớn nhất ở sau . Đây là Cửu Đỉnh, một công trình nghệ thuật cuả các nghệ nhân xứ Huế và cả nước trong nghề đúc đồng tại Việt Nam thời ấy .
[image]http://home.ripway.com/2005-3/277896/11_Hue_CuuDinh2.jpg[/image]
Cửu Đỉnh
Chín đỉnh có tên gọi khác nhau, theo tài liệu lịch sử ngườì ta được biết:
* _ Đỉnh lớn, ở giữa là "Cao Đỉnh" tượng trưng cho sự vĩ đại, đỉnh cao 2 m 02, đường kính 1,61 m.
*_ Nhân Đỉnh, tượng trưng cho lòng Nhân, cao 1,90 m, đường kính 1,62m.
*_"Chương Đỉnh" - (ánh sáng) - cao 1,88 m, đường kính 1,60 m.
*_ "Anh Đỉnh" (hiển đạt) - cao 1,875 m, đường kính 1,61 m.
*_ "Nghị Đỉnh" (cương nghị) - cao 2,08 m, đường kính 1,63 m.
*_ "Thuần Đỉnh" (tinh khiết) - cao 1,88 m, đường kính 1,60 m.
*_ "Tuyên Đỉnh" (sáng tỏ) - cao 1,89m, đường kính 1,63 m.
*_ "Dũ Đỉnh" (phong phú) cao 1,88m, đường kính 1,61 m.
*_ "Huyền Đỉnh" (sâu xa), cao 1,88m đường kính 1,61 m.
Chín chiếc đỉnh đồng biểu tượng cho sự trường cửu bây giờ trở thành bảo vật, di tích của một thơì đaị lịch sử đã qua. Có tận mắt nhìn thấy những hoa văn khắc trên đỉnh, những hàng chữ nét rất sắc sảo được người xưa tạo thành bằng những vật dụng thô sơ, người ta mới cảm nhận được tài hoa cuả những nghệ nhân thời ấy.
[image]http://home.ripway.com/2005-3/277896/11Hue_CuuDinh1.jpg[/image]
Hoa văn trên cửa đỉnh
Cửu đỉnh được đặt trước sân Thế Miếu, nơi thờ phượng các Vua triều Nguyễn. Theo như bảng chỉ dẫn cho biết, nơi đây thời nhà Nguyễn tuyệt đối cấm không cho phép phụ nữ bước chân vào, dù là Hoàng thaí hậu chăng nưã cũng không được phép. Tất cả nghi lễ thờ phượng chỉ do Vua, và các quan thừa hành.
Qua khỏi khoảng sân gạch rộng, cửa chính cuả Thế Miếu đối diện với Cao đỉnh. Bưóc vào trong, mùi sơn còn mới nồng nồng trong không khí. Một dãy bàn thờ , hương án và bài vị của các Vua nhà Nguyễn đặt hàng ngang với 12 vị, từ Vua Gia Long tới vua Khải Định. Tôi nhìn thấy từng bài vị được viết bằng chữ Hán, bên dưới kèm theo một mảnh giấy nhỏ ghi chú bằng tiếng Việt. Trên bàn thờ Vua Hàm Nghi và Thành Thái có hình cuả 2 vị Vua nầy, giống y như trong sách Lịch sử Việt Nam cuả cụ Trần Trọng Kim. Chưa có bàn thờ vua Bảo Đaị, vị Vua cuối cùng cuả triều Nguyễn ở đây. Vị vua nầy lên ngôi khi giao thời, lịch sử thay đổi. Sống cuộc sống lưu vong lặng lẽ và khi qua đời lá cờ phủ trên quan tài cuả ông lại là cờ Pháp .. thật trớ trêu!
[image]http://home.ripway.com/2005-3/277896/11Hue_Hienlamcac.jpg[/image]
Thế Miếu
Trong Thế Miếu không cho du khách chụp ảnh, tôi và đoàn du khách người Nhật đứng bên ngoài, cố thu lấy vài tấm ảnh. Nóng quá nên tôi đành bỏ cuộc, không thể đi thăm cung điện hay dinh thự nào khác mà chạy vội ra chui vào xe cho mát một tí trước khi đi thăm chùa Thiên Mụ và các lăng tẩm khác. Cũng vừa mất một buổi sáng với Cố đô !
__________________________
Về Với Huế Xưa ( cont. )
Dừng lại giữa đường chờ đoàn tàu lửa đi qua, cũng vừa kịp cho tôi chụp được vài tấm ảnh cầu Bạch Hổ. Men theo còn đường nhỏ xíu dọc bờ sông Hương, bác tài đưa tôi đến thăm chùa Thiên Mụ. Hai bên bờ sông đất bồi, xanh mướt những ruộng bắp và thổ sản mà tôi không biết tên, tôi không biết đâu là Nguyệt Biều , đâu là Kim Long ( nơi tôi được giới thiệu có quán bún thịt nướng Huyền Anh nổi tiếng mà không có giờ đi đến thử) chỉ thấy từng ô, từng ô vuông đất chen chúc hoa trái xanh ngắt một màu thật đẹp. Bác tài cho biết con đường nầy khi trước nhỏ lắm, đã được nới rộng ra mới được như vầy, thật ra con đường được gọi là quốc lộ nấy nhỏ tí ti, thật khó cho 2 chiếc xe qua cùng một lúc.
Cầu Bạch Hổ
Càng về phía thượng nguồn, nước sông Hương càng trở nên đục hơn, hậu quả của việc đào bới lòng sông lấy đá cát, một trong những công việc mưu sinh của người dân Huế, thỉnh thoảng một vài con đò, chiếc ghe chở đá cát đi ngang, trên ghe chở nặng nên mực nước sóng sánh mấp mé mạn thuyền, nhìn chông chênh đến nỗi tôi thầm nghĩ chỉ cần một cơn sóng mạnh, gió to chắc là cũng đủ để nhận chìm con đò nhỏ nhoi kia xuống đáy sông nước biếc.
Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi cao, bên cạnh giòng Hương Giang thơ mộng. Từ bờ sông có những bậc cấp bằng đá cho du khách đi bằng đò lên bờ dễ dàng. Trên bờ những cây phượng vỹ trổ đầy hoa đỏ rực, đẹp mắt. Cũng trên bờ sông nầy tôi nhìn thấy con đò nhỏ nhoi và bà cụ đang lúi húi loay hoay làm việc gì đó, để con đò chòng chành trên sóng, giữa mặt sông rủ xuống những nhánh phượng đỏ hồng, trông hay hay ngồ ngộ. Không biết bà cụ có nhìn thấy và biết tôi đang chụp ảnh bà hay không, nhưng bà cứ xoay xoay mãi con đò, để bổng dưng tôi có trước mặt mình một người mẫu, và chụp lấy những tấm ảnh rất thơ đối với tôi...
*
Chùa Thiên Mụ được tạo dựng trên đồi Hà Khê trên một khoảnh đất bằng phẳng hình chữ nhật, diện tích khoảng 6 mẫu cách trung tâm thành phố Huế 5 km về phía tây thuộc địa phận xã Hương Long. Chùa được bao quanh bằng khuôn tường xây đá hai vòng trong ngoài. Khuôn viên chùa được chia làm hai khu vực: Khu vực trước cửa Nghi Môn gồm có các công trình kiến trúc: Bến thuyền đúc bê-tông có 24 bậc tam cấp lên xuống, cổng tam quan là bốn trụ biểu xây sát đường cái, từ cổng tam quan bước lên 15 bậc tam cấp là đình Hương Nguyện (nay chỉ còn lại nền đất và bộ móng xây bằng đá thanh) sau đình Hương Nguyện là tháp Phước Duyên xây bằng gạch vồ bảy tầng cao vòi vọi, hai bên đình Hương Nguyện có hai lầu bia hình tứ giác (dựng thời Thiệu Trị), lui về phía trong có hai lầu hình lục giác một lầu để bia và một lầu để chuông (dựng thời Nguyễn Phúc Chu). Đây là những công trình có tính chất lưu niệm (bia, tháp). Khu vực phía trong cửa Nghi Môn gồm các điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan âm, nhà Trai, nhà Khách, vườn hoa, phía sau cùng là vườn thông tĩnh mịch. *
[image]http://home.ripway.com/2005-3/277896/11Hue_ChuaThienMu_1.jpg[/image]
Chùa Thiên Mụ - Ảnh chụp từ Đỉnh Hương nhìn ra Tháp
Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa lớn nhất, cổ nhất và đẹp nhất của xứ Huế, phần thu hút khách nhiều nhất là tháp Phước Duyên, tôi lấy được vài tấm ảnh ở đây, chụp từ đỉnh hương giữa chính điện thẳng đến tháp. Cùng lúc rất đông du khách ngoại quốc đi vào. Chụp thêm vài tấm ảnh quanh chùa, tôi cảm thấy hài lòng nên dù trời nắng nóng cũng muốn chạy tiếp đi thăm Lăng.
[image]http://home.ripway.com/2005-3/277896/11Hue_ThapThienPhuoc.jpg[/image]
Tháp Phước Duyên
* Tài liệu của website Huế
(còn tiếp)
________________
Ghi chú: Các bài được gom lại để dễ đọc. Bài về Kỳ Đài cũng là bài mới dầu nằm ở phía trên.
Vài ảnh trong bài này có lúc không hiện lên, vì server hình bị overload. Tỏi đang sửa lại. Hy vọng vài giờ nữa sẽ trở lại bình thường.