quote:
Gởi bởi Binh Nguyen
quote:
Gởi bởi Khánh Linh
quote:
Gởi bởi ngodong
KLinh chỉ biết tí ti thế thôi. Tonka muội và Bình cô nương có ý kiến gì không, hãy vô đây xả... một chút duyên ăn nói để "Ngô Đồng Diệp Lạc" thêm khởi sắc và chị NĐ thêm vui nhé. Xin mời luôn các ACE khác nữa!
Chị Khánh Linh ơi, coi vậy chớ em đọc hết đó. Chị Ngô Đồng viết về cô The cảm động quá, em thấy mắt lại cay cay giống chị ấy nên không dám giỡn câu nào (bản tính khó dời mà?) , sợ làm mất niềm xúc động của chị ấy và của em và của mọi người nữa, nên em... lặng thinh!
BN.
Chị Khánh Linh ơi, Bình à ơi, mình bàn tán cho vui thôi mà, đời sống mỗi ngày bao thứ lo toan, một nụ cười một câu chào, thấy cái tên thôi cũng đã hạnh phúc cùng nhau.
Hôm nay em viết về
"chỗ nằm" chị và Bình cùng đọc cho vui nha.
Hòn đá lăn trên đồi - hòn đá rớt xuống cành mai - rụng cánh hoa mai vàng - chim chóc hót tiếng qua đời
Người ôm lấy muôn loài - nằm trong tiếng bi ai -
Mệt quá thân ta này - tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi - mệt quá thân ta này - nằm xuống với đất muôn đời -
Kìa còn biết bao người - dìu dắt tới quanh đây. (Ngẫu Nhiên – Trịnh Công Sơn.)
Chẳng bắt đầu và không kết thúc, kể lể chuyện chung quanh đời sống mỗi ngày lê thê thậm thượt, đẹp xấu thương yêu giận hờn, nụ cười nước mắt, con chim ong vội vã đôi cánh tìm nhụy hoa, chú cá trong hồ quẫy đuôi vì nóng, dòng nước róc rách tuôn ra từ chiếc vòi ẩn sau miệng pho tượng chú rùa, nằm lặng thinh trên hòn đá.
Hình như ở mỗi độ tuổi người ta sẽ tìm đúng phần việc mình còn có thể làm được, còn có thể vui thú cùng với nó để chú tâm vào.
Độ tuổi đôi tám, làm thơ viết văn có thể đếm được hơn chục cụm từ “dễ thương” trong đó, nào là mây trôi dễ thương hoa nở dễ thương, bướm bay dễ thương, nước chảy dễ thương, mái tóc . . . nụ cười . . . tà áo . . . dáng đi . . .Rồi khi nhập cuộc bắt đầu xây dựng gia đình, có chồng vợ con cái, thơ cũng thôi văn cũng từ, đàn bà quẩn quanh trong góc bếp mền chiếu tã lót, đàn ông ngang dọc sông hồ, nếu không cũng “sáng cặp ô đi – tối cắp về!” Có dính dáng nghiệp văn chương hẳn chật vật chạy quanh, ít nhà thơ nào tràn đầy hạnh phúc hơn Nguyên Sa, ít nhạc sĩ nào có cuộc đời thong dong hơn Cung Tiến, phần đông vướng vào tội “chẳng cao sang” vợ chạy gạo lo cho con là chính. Tuổi ngả về tây, không còn năng lực phục vụ xã hội được gán cho chữ “đuổi gà – vui thú điền viên!”
Khoảng này ai cũng chú ý đến hậu sự, chẳng còn công hầu danh tướng, chẳng màng sắc vóc diễm kiều – chuyện về Chỗ Nằm bàn đến cũng thậm thượt lê thê.
Trên radio giọng ngọt ngào của người phụ nữ trách chồng: “Anh mua cái xe mấy chục ngàn, để lái đi làm một ngày chưa đến một tiếng (!) trong khi cái giường ngủ mình nằm tám tiếng một
ngày thì tiếc tiền, làm em đau cái lưng, nhức cái vai . . .” diễn giảng về một ngày có hai mươi bốn tiếng, đi làm tám tiếng, ngủ tám tiếng, còn lại tám tiếng đi đâu nhỉ - nấu cơm, ăn sáng ăn
trưa ăn tối là hết sạch sành sanh thì giờ ngà ngọc, chưa kịp ngắm nhìn khuôn mặt người chung sống với mình một phần ba thế kỷ “xem dung nhan ấy bây giờ ra sao – em có còn đôi má đào
như ngày nào” đương nhiên “Anh (vẫn) có còn mê sông hồ qua từng ngày!” chỉ vì đầu gối khớp xương đã thoái hóa đi đứng có phần khó khăn nên “đôi tay rắn phong trần năm xưa” đành phải
vui cùng tỉa cây cắt lá và nghe ca cải lương: “cái giường ngủ mình nằm tám tiếng một ngày thì tiếc tiền, làm em đau cái lưng, nhức cái vai . . .” cũng bằng cái âm thanh dịu dàng thuở xuân thì
ngâm nga: “mùa xuân lót lá em nằm!”
Chỗ nằm tám tiếng này giải quyết không khó lắm, chỉ đợi ngày lễ như cuối tuần vừa qua, dịp lễ Lao Động là các tiệm bán giường tủ giăng bảng on sale như bươm bướm, mua “gối đầu” năm nay, trả tiền trong ba năm không tính phân lời nào cả, lại có dịp tỏ ra mình hòa hoa phong nhã như thời trai trẻ, đứng kề bên nghe nàng trả giá tính toán mua hiệu nào tốt hơn hiệu nào, mỏi chân thì thoải mái nằm dài lên tấm nệm được chưng bày cho khách tha hồ nằm thử, nắn thử xem có đúng độ cứng mình muốn hay không? Từ cứng còng – cứng vừa vừa đến ít cứng, mềm – mềm vừa vừa đến ít mềm, chữ nghĩa con buôn muôn hình vạn trạng, thêm tên riêng vua hoàng hậu công chúa hoàng tử loạn cả lên, vào tiệm đứng ngó lòng vòng, cuối cùng chọn tấm nào giá giảm nhiều nhất đem về.
Đến phần “nằm xuống với đất muôn đời” thì hơi lúng túng một chút, đang nghe đài vui vẻ cười khúc khích, đến đoạn nhạc u sầu quảng cáo: “cho thuê áo mũ khăn nón, bài kệ bài chú . . . người đi mát mẻ kẻ ở vui lòng!” là cái mặt thảm não theo.
Trên trái đất tròn, vận hành theo vầng thái dương, theo vầng nguyệt tròn nguyệt khuyết, chuyện hậu sự muôn hồng nghìn tía, hỏa táng – thủy táng, sơn táng – lâm táng, địa táng – thiên táng cách chi cũng có, tùy theo phong thổ nơi sinh sống, tùy theo phong tục mà theo, không ai biết rõ cách nào tốt nhất cách nào hoàn hảo nhất để ghi vào di chúc. Di chúc nào cũng có luật lệ để theo, phần di chúc về ma chay chẳng luật lệ nào có thể cột tay cột chân con – cháu - chắt, muốn tổ chức rình rang hay giản tiện, trả hiếu nghĩa, trả công nuôi dưỡng sinh thành, ngay cả trả nợ lần cuối cho xong, để không bị họ hàng mỉa mai đàm tiếu vì cái tội bất hiếu bất nghì.
Dãy bia mộ cùng một kích thước đều đặn giống nhau, trong nghĩa trang quốc gia Arlington trải dài hàng lớp như hàng quân đã một thời so vai chiến đấu, có vẻ đẹp trầm buồn kiêu hãnh. Trước khi vào thành phố San Francisco, nghĩa trang quân đội cũng cùng một kiểu như Arlington thảnh thơi nhìn ra vịnh nước xanh lóng lánh màu mây, trốn nắng dưới những vòm cây sồi xanh ngăn ngắt.
Ghé đến nghĩa trang công giáo xây dựng gần 130 năm, nằm ngay góc đường Capitol và Alum Rock ngắm cách kiến trúc cổ kính châu Âu, với những nhà mồ có cổng sắt vào ra, kiểu kiến trúc trong phim ác quỷ Darcula ma quái, dù có các tượng Thánh hiền hòa đứng chung quanh sống lưng vẫn gai gai lạnh – kề bên là những ngôi mộ nho nhỏ, bia đá có cái bị lún buồn tênh, nhìn năm sinh năm mất hẳn con cái cháu chắt cũng đã có riêng một chỗ nằm, nên chẳng còn ai ghé thăm đắp thêm đất.
Nghĩa trang Los Gatos nằm trên sườn đồi, đi ngoằn ngoèo trong khu dân cư trước khi vào đến đấy, người sống người chết chen vai sát cánh cạnh nhau, cũng giống như nghĩa trang Oak Hill gần trung tâm thành phố San Jose. Các nghĩa trang này giống nhau ở chỗ được chia thành từng khu vực khác nhau, khu cao khu thấp, khu mộ đôi ngang – mộ đôi đứng, khu bia nằm – khu bia đứng, chẳng ai kể được đời sống người chết thế nào ngoài những bộ phim truyện kinh dị hồn ma bóng quế, nhưng nhìn tổng quát khu vực chỗ nằm cuối cùng, người thích suy ngẫm tình đời tha hồ gõ bàn phím mà luận.
Đã trở về tro bụi rồi còn có giá cho mộ bia gắn trên đầu, cao hơn bình thường hơn một gang tay thôi, con cháu tha hồ định đoạt trả thêm tiền hay không? Có nên thêm tấm hình môi cười còn
chúm chím khắc trên bia bằng tia lazer hay không? Có bình bông hay không? Mái tròn hay mái vuông? Rồng phụng phục hai bên hay chỉ có tre có trúc? Lại còn quyết định một tấm hay hai
tấm đá granite đè đất dằn xuống, cần khắc bao nhiêu chữ nhớ thương, ngay cả một bài thơ dài thiếu vần lạc điệu diễn tả nỗi khổ sầu con nhớ mẹ nhớ cha, chồng tiếc vợ, vợ tiếc chồng. Thời
còn sống trong rừng phải dùng đá đè lên huyệt vì sợ thú dữ đến đào lên, nghĩ đến tảng đá ngàn cân đè lên mình chắc giống cảm giác buổi trưa đang ngủ bị bóng đè, giữa bóng đè và đá đè
chắc bóng đè dễ chịu hơn, mà giá tiền đâu có rẻ, một tấm đá có kích thước dài chưa tới một mét, ngang chưa hẳn nửa mét đã từ 600 đến 8000 đồng, tùy theo màu sắc độ bóng và hoa văn,
người mua tha hồ ngắm nghía, chỉ không biết người nằm dưới đất rồi có hiện về đêm trăng để ngắm hay không?
Tình cảm con người, trong lúc đang buồn khổ người ta có thể siêu lòng với tất cả những đề nghị tưởng chừng như hợp lý, lúc còn sống ông ấy thích gì, bà ấy thích gì mình làm theo thế, và các
ngôi mộ có bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh đè lên trên, từ hoa hồng, thiên thần ôm sách kinh đến cả một cỗ xe có cả bốn bánh. Miếng đất để nằm trong nó về nguyên sơ bụi cát, cũng tùy theo khu
mà tính tiền theo bộ vuông, chôn chung hai người theo chiều sâu giá từ bốn ngàn đến sáu ngàn – nếu mua hai miếng đất cạnh nhau để kề vai chạm má không phải tranh giành trên dưới thì
giá khởi từ 9.000 đến . . . tùy con số trong ngân hàng sau khi về hưu.
Không thèm nằm cũng cần có chỗ để đựng tro, giá thong thả từ dưới 1000 đến 3000 tùy theo khu cao thấp, trái phải, nơi có suối reo chim hót hay bị phơi nắng chang chang, chẳng lẽ mang tro
về nhà ếm con cháu làm ăn khó khăn vì trong nhà có "cái vong" của mình! Một ông triệu phú nào đó đã trả giá hơn 300 ngàn Mỹ Kim để mua cái hộp đựng tro, kề bên cô Marilyn Monroe.
Các cụ Việt Nam vì biết giá cả chỗ nằm sơ sịa như thế nên sốt sắng nhịn ăn chút đỉnh mua bảo hiểm chôn cất, mỗi tháng 5 đồng đến 20 đồng, để khi nằm xuống con cái khỏi lo toan chuyện ma
chay để phần cáo phó đăng báo thảnh thơi ghi dòng chữ “Miễn Phúng Điếu”.
Con cái chỉ còn được phép chung tiền xây căn nhà cuối cùng trả hiếu cha mẹ, nên trong khu nghĩa trang Việt Nam - Trung Quốc thay vì thanh thản giống nhau bằng nhau khi trở về bụi cát, các
vong lại một lần nữa lao xao tạo một "xã hội ma" cao thấp sang hèn. Chẳng biết con cháu một năm mấy lần ghé đến thắp nén nhang tưởng nhớ, mà tưởng nhớ thì ở nhà cũng nhớ đâu cần ra
nghĩa trang làm chi? Có lẽ thế mà nhiều ngôi mộ nhìn buồn thiu thỉu.
Tính kỹ như thế rồi, giọng nói nhỏ nhẹ lại thủ thỉ: Em có đi trước chẳng cần “nằm xuống với đất muôn đời” các con lại xây mồ đè lên nặng lắm, thiêu thành tro thả xuống biển cho mát!