Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

47 Pages«<2930313233>»
Ngô Đồng Diệp Lạc
ngodong
#601 Posted : Saturday, March 13, 2010 1:48:08 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Chị có thể tìm danh nhân sinh vào năm Canh Dần - và so sánh với các năm khác được đó.Tongue
ngodong
#602 Posted : Saturday, March 13, 2010 1:52:03 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
http://www.variety.com/p...tzenberg.html?dataSet=1

Nhìn sơ thấy quá chừng tài năng ui cha.
PC
#603 Posted : Saturday, March 13, 2010 5:25:37 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Ai muốn chứng minh thì làm đi, lập một thống kê coi những người sinh trong năm Canh Dần với cùng con số những người sinh trong các năm khác. Xong rồi tìm coi đời sống chồng vợ của họ ra sao. Vì mình đang chú mục vô các bà cho nên phải lọc ra phụ nữ mà thôi. Rồi làm bản so sánh. Nếu các tuổi khác không có ai bỏ chồng, chồng bỏ, ở giá, nhiều chồng, mà chỉ riêng Canh Dần dính chấu thì mới mong thuyết phục được mấy người không tin. Dĩ nhiên trách nhiệm chứng minh thuộc về người phát biểu một "định lý", chớ đâu phải là trách nhiệm của người không tin, hay chưa tin. Tử vi cũng vậy đó, mà tử vi thì phải đưa ra trước, rồi sau đó chờ cho đương sự sống hết đời rồi mới so sánh lại với cuộc sống của họ. Còn trong sách của ông Thái Thứ Lang thì lại đưa ra các tử vi của các người không còn nữa, có lá của ông Bảo Đại là lúc đó ổng vẫn còn sống, nhưng cũng dựa vào cuộc đời đương sống của ổng mà ..... đoán, nghĩa là người ta tìm cách ép một đời sống vào một lá số có sẵn, là làm ngược lại với mục đích của tử vi là đoán đời trước khi nó xảy ra.

ngodong
#604 Posted : Friday, April 23, 2010 7:17:51 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Nỗi Nhớ Còn Vương

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà. (1)
Đi – đi – và phải ra đi, có một khỏang thời gian không ngắn, người dân sống tại miền Nam Việt Nam đã truyền tai nhau chữ Đi này, hàm chứa ý nghĩa vượt ngục, hàm chứa ý nghĩa tìm lại sự sống . Họ dùng tất cả mọi phương tiện có được để Đi, chiếc thuyền mong manh được dùng nhiều nhất. Tự điển của thế giới có thêm từ ngữ Boat People – tự điển tị nạn có thêm chữ Thuyền Nhân .
Mồ hôi máu và nước mắt của thuyền nhân đã làm nồng độ nước biển mặn thêm, bao hình ảnh xót xa vẫn theo đợt sóng dâng về trong ký ức kết thành bài thơ Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển của nhà thơ Du Tử Lê. Ông sáng tác bài thơ này sau khi nghe chuyện kể từ các thuyền nhân sống sót để mỗi độ tháng tư, nốt nhạc của Phạm Đình Chương bật khóc,
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hưong tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì (1)

Khi tháng tư trở lại – tháng tư của bao nỗi nhớ mang mang thổn thức, niềm thổn thức ngày một phôi phai theo thời gian mầu nhiệm, nhưng như chu kỳ mùa thay lá đổ, lòng người tha hương luôn vấn vương một độ tháng Tư.

Có một tháng Tư buồn thật buồn
Tháng Tư buồn ngàn vạn chia ly
Tháng Tư buồn trời rơi nước mắt
Tháng Tư buồn biển cuộn xác người .

Tháng Tư người lính trẻ chết trận
Tháng Tư người vợ trẻ mất chồng
Tháng Tư cô bé con ngơ ngác
Xác Mẹ bên đường, mắt ngước trời (2)

Tôi cũng võ vẽ viết về tháng tư khi vừa trở thành người tị nạn, kẻ tha phương. Ngày xưa, chỉ cần ra khỏi thôn, khỏi làng đã bị gán câu “tha phương cầu thực”! Ngày nay, vé máy bay mua dễ dàng, đủ mọi phương tiện trên trời dưới nước, ngay cả có người thích ra khỏi vòng quay của trái đất tìm đến mặt trăng hay sao hỏa, thì thân phận tha phương chẳng còn gì để nhắc, nhưng lạ lùng cứ đến tháng tư lại nhớ.
Văng vẳng trên máy truyền thanh những bài hát dành cho tháng Tư mỗi năm mỗi nhạt, nỗi vấn vương đau thương xa quê lìa nước đã được ngày lễ Mẹ che lấp dần, bằng những quảng cáo cho các buổi văn nghệ dành riêng cho Mẹ, những người mẹ thế hệ đầu tiên trong cuộc di dân vĩ đại, khởi đi từ tháng Tư năm 1975.
Bây giờ những người mẹ ấy như ngọn đèn trước gió, như chỉ mành treo chuông! Không ít các bà mẹ đã chấp nhận nằm xuống mảnh đất mới, hay nhẹ nhàng hơn muốn được thả tàn tro xuống biển, dù họ chẳng hề biết đến bài thơ của Du Tử Lê.
Chưa đến cuối tháng tư, bài thơ Em Có Buồn Không Em, của cựu trung tá Thủy Quân Lục Chiến, cựu quận trưởng Dĩ An ông Nguyễn Minh Châu dành tặng riêng hiền thê đã được hát vội trước khi bà nhắm mắt xuôi tay.
Em có buồn khi lá thu vàng
Mùa thu vượt biển lắm gian nan
Em có buồn khi mùa thu đến
Mùa thu lá úa rụng đầy sân
Em có buồn mùa đông tuyết rơi
Hồn đông lạnh, nói chẳng nên lời
Đại dưong chia cắt bờ ngăn lối
Nhớ về đất mẹ buồn không vơi (3)

Hình ảnh trong bài thơ chân chất đơn sơ, diễn tả hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đảm đang, thay chồng lo lắng cho con thơ khi chồng bị tù đầy cộng sản. Chồng vừa đuợc thả, đã tìm cách để ông vượt biển ngay tại cửa Vòm Láng – Kinh Nước Mặn – Tiền Giang, chỉ một năm sau bà đã cùng sáu người con nhỏ vượt biển tìm chồng .

Bắt đầu đời sống tị nạn, ai cũng giống ai, mẫu số chung của người Việt tị nạn là học hỏi – cần cù nhất là tình gia đình gắn bó “chung lưng đấu cật”, ai cũng muốn các con có tương lai vững chắc nên hội nhập ngay vào đời sống mới, bằng những ngành nghề từ dễ đến khó. Phụ nữ phần đông bắt đầu bằng các nghề dễ tìm và hợp với khả năng như rửa bát, bồi bàn, phụ bếp cho nhà hàng, các ông chọn lao công hoặc may dây chuyền trong các công ty may do người Hoa làm chủ, không quản khó khăn cho các con đi học, và thay phiên nhau chồng vợ cùng đi học để có bằng cấp đủ ngoi lên các vị trí cao trong xã hội. Từ kinh nghiệm rửa bát – chạy bàn cho các nhà hàng của người bản xứ, các bà mẹ trở thành chủ các nhà hàng, từ kinh nghiệm may dây chuyền, các ông mở các công ty may mặc, hay các công ty gia công lắp ráp sản xuất linh kiện cho máy tính, giống như nơi họ đã được thu nhận vào làm việc với mức lương tối thiểu ngày xưa.
Và thân phận tị nạn của người phụ nữ trong bài thơ Em Có Buồn Không Em, theo chồng từ thuở tóc thề ngang vai, trải qua thời mỏi mắt đợi chờ tóc buông tóc búi, đến khi tàn binh biến, đời tị nạn chưa kịp an nhàn thì những chứng bệnh tiềm ẩn từ thời tù tội lại hành hạ chồng. Bà chăm sóc ông từng miếng ăn giấc ngủ, nâng đỡ ông từng lúc đứng khi ngồi, chỉ có bà là người biết cách giúp ông xoay trở trong chiếc xe lăn chật hẹp và chính bà đã không thoát khỏi vòng sinh – lão – bệnh – tử, lìa ông mà đi.

Em có buồn khi nhớ biển đông
Quê mình nhỏ bé tít xa xăm
thuyền con sáu trẻ em chèo chống
mưa gió bủa vây phận má hồng?

Em có buồn, nhưng vẫn cầu mong
Chiếc thuyền con thuận gió thu phong
Lòng em tê tái vì đêm lạnh
Chẳng ngại gian nan phận má hồng
Em có buồn, mưa nắng giãi dầu
Nhìn con trẻ dại nhói tim đau
Tìm tự do bỏ quê huơng Mẹ
Sống kiếp lưu vong hận lệ sầu! (3)
Bắt đầu và kết thúc là hai điểm xác định được, đoạn nối hai điểm ấy là những dấu chấm liên tục không ngưng nghỉ trong toán học, đời sống của một người những dấu chấm tiếp nối có thể là giọt lệ nụ cười, những thăng trầm khổ đau hạnh phúc. Trong muôn vàn dấu chấm ấy, thế hệ thứ hai là phần thưởng quí giá cho những nỗ lực sống của các đấng sinh thành, những người đã đạp sóng mà đi, rẽ gió mà đi.
Bao giờ thì ngày lễ 30 tháng 4 được chính thức nhìn nhận trên đất tị nạn, dù chỉ làm nỗi nhớ vấn vương trong lòng người xa xứ thế hệ thứ nhất
Tháng Tư cửa nhà cháy tan tành - Đạn pháo nơi đâu vào thị thành - Từng đoàn người chạy càn di tản - Chân bước đi , dạ xót sao đành.
Tháng Tư đôi tình nhân mất nhau - Tự dưng mất nhau lòng không đau - Nàng chỉ biết vài năm sau đó - Thây chàng tan lạnh chốn giang đầu .
Tháng Tư có gia đình bỏ xác - Biển Đông thành mồ táng không bia - Sóng vẫn vỗ vô tình xô giạt
Con búp bê trần trụi hình hài
Tháng Tư lời cầu kinh nghe lạ - Thượng đế làm ngơ Phật - Chúa nơi nao? - Mắt trơ khô khốc lệ thôi nhỏ - Tim cứng chai lì cuộc bể dâu!
Tháng Tư ! Ba mươi tháng Tư 1975 - Tháng Tư nát tan lăng kính hồng - Tháng Tư ta bỗng dưng tỉnh mộng - Tháng Tư ta hiểu kiếp làm người. (2)
Và đã ba mươi năm qua, ngày 30 tháng 4 đọng lại gì trong thế hệ thứ hai? Họ còn hiểu không những bài thơ mẹ cha ghi xuống giấy bằng máu và nước mắt? Dấu chấm đầu tiên cho chuỗi ngày tị nạn tha phương?
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận huyệt với linh hồn /.(1)
Địa danh Vòm Láng – kinh Nước Mặn – Dĩ An – Tiền Giang – Cửa Tiểu – Cửa Đại nơi bao người tìm cách vượt biên giới bằng đường biển sẽ được ghi như thế nào trong nỗi nhớ còn vương ?

(1) Thơ Du Tử Lê (2) Thơ Ấu Tím (3) Thơ Nguyễn Minh Châu.
ngodong
#605 Posted : Monday, April 26, 2010 1:15:36 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)


Dạ đôi khi em leo lên mây, và nhất định tin điều truyền thuyết không có thật.
Dạ hoa kiểng đẹp em laị càng không dám thèm, tại sợ so hoa thầm tủi phận mình
Lá ngô đồng hình dáng như giọt lệ vui thì có chi mà sợ, em còn nhìn thấy giọt lệ nhõng nhẽo nựa chao ôi là dễ thương. Giọt lệ nhìn em kêu vầy nè: "bà bế bà bế" bà giả lơ nó chớp mắt đúng hai cái là giọt lệ tuôn ra, chị xem giọt lệ có gì mà phải "hổng vui"


Nghe giọng bi bô của cháu nè
ngodong
#606 Posted : Friday, July 16, 2010 6:53:56 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Xâm Mình

Hai chữ được dùng vào thập niên 70 hàm nghĩa gan dạ, anh hùng dám làm chuyện kinh thiên động địa, thí dụ như anh chàng dám theo cô nàng đến tận cửa nhà, rồi “xâm mình” bước thẳng vào hiên, giả vờ ngớ ngẩn để tìm cách chào cha mẹ của nàng. Hay có anh “xâm mình” đến tỏ tình trước mặt bao nhiêu bạn hữu của nàng v.v … Hai thí dụ trên toàn là dùng cho tuổi mới lớn, tuổi biết làm điệu biết để ý đến người khác phái và âm thầm ươm mơ dệt mộng, ông bà xác định độ tuổi này: “Nữ thập tam – Nam thập lục” chúng ta đang sống ở Mỹ thì có chữ “teenager” khỏang tuổi này tâm sinh lý thay đổi từ thiếu nhi sang ngưỡng cửa trưởng thành, nên cha mẹ có con khoảng tuổi này nhức đầu không ít.

Nora, con bé có hai lúm đồng tiền thật xinh, đôi mắt đen to như hạt nhãn dưới hàng mi thật rậm, nét đẹp pha trộn giữa hai dòng máu Mễ và Mỹ, phải vài tháng nữa mới đến sinh nhật thứ 15 làm cả phòng ngạc nhiên mở trừng mắt nhìn, khi cô bé bước vào với hai viên kim loại lóng lánh vừa được xỏ vào hai lúm đồng tiền bên má còn mưng đỏ, chưa để mọi người chớp mắt cô lè lưỡi khoe viên bi màu đỏ vừa khuyên, cả phòng chưa ai nói tiếng nào, cô quay người lại khoe bả vai vừa xâm một nhánh hồng to hơn bàn tay, cùng những con số 100 trên cánh hoa một cách hãnh diện tự hào.

Tôi phá không khí ngạc nhiên bằng câu hỏi, số 100 có nghĩa gì, Nora trả lời là số của tờ tiền 100 đồng xếp lại thành hình bông hồng!

Đến lúc này, Mary không chịu nổi nữa quay sang hỏi dì của Nora: “Cô mang cháu đi xâm, đi sỏ vậy đó hả?” câu trả lời là: “Nó đòi hoài cho nó làm cho rồi!”

Lý do nào một cô bé xinh đẹp dễ thương đòi nằng nặc xâm mực lên thân thể của mình vào độ tuổi vừa lớn như vầy, có thể vì gia đình có thể vì môi trường chung quanh, hay chính sự nhận xét non nớt không vừa ý với những gì mình đang có! Một chuỗi những câu hỏi dường như không có câu trả lời chính xác. Tôi biết có những hình xâm từ thời đệ nhị thế chiến, người cựu chiến binh kể chuyện một đêm ngà ngà say trên bến cảng, đưa tay cho một người bạn dùng kim chấm vào mực (?) đâm vào da mình, cảm giác đau đau kiến cắn, máu rịn ra , cùng lúc không biết sống chết thế nào, khiến rất nhiều chiến binh có các hình xâm trên tay, trên cánh tay. Tan cuộc chiến, trở về đời sống dân sự, hình xâm bỗng trở thành kỳ lạ, ông phải mặc áo tay dài che nó đi, vì hình xâm thường là phụ nữ hoặc những câu khinh mạn chán chường.

Khoảng thời gian này, kỹ thuật xâm trên đà phát triển những tiệm xâm thấy xuất hiện nhiều hơn.

Từ những hình ảnh người chủ đánh dấu trên thân thể nô lệ bằng cách đóng mực lên trán, lên lưng thời xa xưa mà ngày nay những nhà khảo cổ đã tìm ra từ thiên niên kỷ thứ 2 trước Công Nguyên ở Ai Cập hay Siberia. Một số những xác ướp nổi tiếng có hình xăm như Ötzi the Iceman được tìm thấy vào tháng 10 năm 1991, người ta tin ông nằm trong rặng núi tuyết giữa hai quốc gia Ý và Áo, người ta cho rằng ông đi săn gặp bão. Trên người ông có nhiều hình xâm được mô tả như sau: - dấu thập ở đầu gối chân trái – sáu đường song song khỏang hơn gang tay dọc theo bụng và tiếp theo nhiều đường thẳng chạy xuống tận mắc các chân, không ai hiểu hình xâm này có ý gì?

Theo phong tục tập quán địa phương dọc vùng biển, ngay cả tại Việt Nam những người đánh cá tin rằng khi xâm vẽ những hình ảnh kỳ lạ trên người thủy quái sẽ tránh xa, có thể điều này bị ảnh hưởng từ văn hóa cổ truyền của Nhật Bản và Trung Hoa, những hình xâm thường mang ý nghĩa tôn giáo và huyền bí.

Đọc lịch sử xâm mình: “Vào năm 1769, các thủy thủ của thuyền trưởng James Cook và sau đó là thủy thủ của bá tước người Pháp Bougainville đã bị mê hoặc bởi nghệ thuật Tatau lạ mắt - vẽ trên cơ thể - của thổ dân các quần đảo nam Thái Bình Dương nơi họ đi qua. Và chính từ Tatau đó là xuất xứ của từ tattoo (tiếng Anh) và tatouage (tiếng Pháp) có nghĩa là xăm mình. Xâm trở nên phổ biến trong cộng đồng những người thuỷ thủ, sau đó đã lan rộng khắp Châu Âu.”

Trên các đường phố của thành phố Berkeley - California, nơi có trường đại học Berkeley nổi tiếng khắp thế giới về đủ mọi phương diện từ học giỏi nhất, cấp tiến nhất, kỳ quặc nhất cho đến nổi loạn nhất, thì chẳng ai lạ gì khi thấy các cô các cậu xỏ đầy những vật linh tinh trên hai vành tai, môi, mũi những hình xâm được khoe cho mọi người chiêm ngưỡng vào mùa hè, bằng những bộ quần áo ít vải, cùng lúc các ông bà trong các nhóm xe mô tô, mặc quần áo da đen ngồi trên những chiếc xe phân khối cao đến hơn ngàn mã lực cũng góp phần vào nhóm xâm mình này.

Trong thế giới xâm mình cũng có nhiều đẳng cấp, họ chỉ nhìn hình xâm, trang phục là nhận ra nhau ngay. Có những cô cậu vì cá tính mạnh mẽ muốn thử cho biết, cũng có những cô cậu muốn đám đông nhận ra mình muốn tự làm mình nổi hẳn lên nhưng phần đông các nhóm xâm mình nghiêng về dấu trừ nhiều hơn nghiêng về dấu cộng.

Đâu đó các báo mạng Việt Nam đã viết nhiều về trò chơi dại dột này, xâm rồi không xóa được muốn xóa phải phá bỏ hẳn mảng da đã bị xâm, còn vết xẹo xấu xí, các lỗ khuyên giãn to, không đeo vòng không dùng vật che có dấu thâm đen suốt đời, chưa kể đến sự truyền nhiễm của bệnh tật.

Cộng đồng Việt Nam, nhất là các bậc cha mẹ có con trong tuổi “mười ba mười sáu” hẳn không biết phải đối phó thế nào với phong trào này, mặc dù xâm mình không có tội, không là điều xấu nhưng thí nghiệm cuộc đời quá sớm vào lúc trí óc chưa đủ chín chắn phân định nên hay không nên là điều thật tội nghiệp. Tưởng tượng với hình xâm trên vai của Nora, với vóc dáng cao to như đã thành niên 18, cùng những vòng những khuyên trên má trên lưỡi, cơ hội cô gặp trắc trở khi ra đường không có cha mẹ hay người bảo hộ kề bên sẽ cao đến dường nào? Nhất là khi thích thú với những điều “kỳ lạ” không nên này cô hẳn không thích thú gì nhiều đến bài vở học đường, cùng những luật lệ cứng ngắt dành cho tuổi học trò ngây thơ trong trắng. Phải viết thêm rằng, cha mẹ của Nora không bình thường, họ sống vô trách nhiệm dính líu vào ma túy, rượu chè – người dì giám hộ cũng không bình thường, chẳng biết ngày mai ra sao, nên Nora thoải mái được làm điều “dường như không nên làm” .

Với cộng đồng Việt Nam, với phong tục tập quán của Việt Nam điều Nora đã làm là một cấm kỵ số một “chắc chắn không được làm” khi còn trong độ tuổi “teenagers”.
Tonka
#607 Posted : Friday, July 16, 2010 7:25:51 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Chicky đang tuổi teen, cũng có những cơn chướng nhưng không nặng nề và như là đã qua đi. Nó chỉ đi xỏ lỗ tai chứ không xâm xiếc gì hết. Có lần nó đòi nhuộm tóc nhưng bố nó bảo không. Rồi chuyện cũng qua đi và quên mất. Hễ nó xin cái gì không quá đáng lắm thì bố nó đòi ký giao kèo với nó, rằng nó phải học tinh tấn hay phải thế này thế kia thế nọ thì mới được những gì nó muốn. Bố nó bảo "You have to earn it. Nothing is free." Cũng là một cách để dụ nó tiến bộ thêm về một phương diện nào đó Tongue Gió chướng qua đi, từ cuối năm ngoái đến giờ nó dễ chịu hẳn ra. Nàng đang tuổi biết yêu và mộng mơ Big Smile
ngodong
#608 Posted : Thursday, July 22, 2010 11:27:58 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Nãy giờ H. như người mất hồn, thông báo cho các bạn biết KN đã vào bệnh viện Trưng Vương, chiều chủ nhật vừa qua vì tiêu chảy liên tục, không còn mạch, đồng tử đã giãn, lúc tỉnh lúc mê.
Bác sĩ đã chê, họ có nói sẽ cố gắng hết sức nhưng không bảo đảm có giữ được tính mạng hay không? Bây giờ ở nhà KN các bà chị của nó đang dọn dẹp nhà cửa để lo hậu sự .

Tối nay H. sẽ vào bệnh viện thăm KN xem sao, mấy năm nay KN đã bị bệnh tâm thần phân liệt, lao phổi nên không đi làm gì được, cha mẹ đã mất hết, ở nhà với bà chị cả hai chưa lập gia đình. Mấy thang nay van tim bị hở, nhiễm trùng huyết, tiểu cầu bị hạ thấp, bao tử cũng có vấn đề . . .

H. đau đớn báo tin KN. đã mất chiều nay lúc 18giờ ngày chủ nhật 18 tháng 7 năm 2010, sau hai ngày nằm biệnh viện, thôi rồi từ nay không còn nhìn thấy một Kim Nga hiền lành chất phát. Ngày còn đi học KN rất nhát, mỗi lần xúc động là đôi môi lấp bấp không nói nên lời, một KN ngày xưa đã cưu mang các bạn gặp khó khăn trong cuộc sống, nay đã bỏ tất cả khổ đau của dương gian để về cõi vĩnh hằng.


Hai điện thư đến gần như cùng một lúc, đọc xong ngơ ngẩn. Tính giờ phút thì ngay lúc ấy từ nửa vòng kia của trái đất, mình đang làm gì! Đang ăn cơm chiều sau khi đi dự đám ma, chiều ấy cũng không thể đến dự buổi họp mặt cùng các bạn cùng trường.

Cuộc đời có nhiều sự ngẫu nhiên, nhiều cơ duyên không kể ra hết được:

“Ngày còn đi học KN rất nhát, mỗi lần xúc động là đôi môi lấp bấp không nói nên lời, một KN ngày xưa đã cưu mang các bạn gặp khó khăn trong cuộc sống, nay đã bỏ tất cả khổ đau của dương gian để về cõi vĩnh hằng.”

Đọc câu cô bạn còn ở quê nhà viết, tôi chính là một trong các bạn đã có duyên được mang nợ của KN, khi gặp khó khăn trong cuộc sống, năm ấy là năm 1976.
Sau năm 1975, gia đình không còn gì hết, cha tôi bị bắt đi cải tao, mẹ tôi đã mất từ lâu, chị em tôi xúm xít sống cùng nhau, bạn bè cùng thời cùng nỗi khổ dùng nhà tôi làm nơi gặp gỡ thông báo tin tức, nhất là giúp nhau sống còn trong thời buổi ấy. Từng vật dụng trong nhà phải bán dần đi, gạo đong theo sổ hộ khẩu, thịt mua theo khẩu phần, sống không biết ngày mai.
KN khi ấy được thoải mái vì gia đình không ai dính líu gì đến “nợ máu nhân dân”, nên bạn được nhận vào làm kế toán cho Cửa Hàng Dịch Vụ quận 5, trên đường Trần Quốc Toản khi ấy bị đổi tên thành đường 3 tháng 2, đoạn gần giáp với đường Minh Phụng. Khi này KN và cô thủ kho thành đôi bạn thân, cả hai đi đâu cũng có nhau trên chiếc xe PC màu xanh nhạt. Mỗi lần KN đến nhà thấy tôi loay hoay chạy vạy miếng ăn là KN nói: “Bà theo tui!”.
Giọng nói nhỏ nhẹ dường như câu chữ không thoát ra khỏi miệng, khác với giọng nói của tôi luôn vang vang, KN đã so sánh theo tướng học: “Đời của bà vui hơn đời của tui” tiếng tui KN dùng ngọt ngào không lạnh lẽo.
“Theo tui” luôn là ra một quán cà phê trong vườn nhà của một ai đó, có cây cảnh hữu tình, bà chủ nhà biến khu vườn thành quán cà phê nhỏ, kiếm tiền đắp đổi qua ngày, nhất là để nuôi chồng trong trại tù cộng sản. KN uống cà phê đen và hút thuốc Kool, gói thuốc có màu xanh lá cây và mùi thơm bạc hà, thời đó điện thoại không có để gọi nhau, muốn tìm gặp bạn bè chỉ cần đi lòng vòng những tiệm cà phê “nó thích ghé” – rồi ngồi ì ở đó chờ, thế nào cô bạn thủ kho cũng đến. Có kế toán có thủ kho, tôi sẽ có giấy tờ vào cửa hàng dịch vụ mua hàng “quốc doanh”, mua xong mang ra chợ bán lấy lời. Nhiều khi số hàng nhiều quá, tiền vốn phải cho vào bao tải mới đủ số, ngay cả tiền vốn này cũng từ hai cô thủ kho và kế toán đưa cho tôi. Nhiều chuyến mua hàng bị công an thị trường chặn lại, phải dúi dắm tiền phải bị bắt vào ngồi trong ủy ban phường, rồi sau đó mới tìm cách liên lạc với các ông lớn hơn, để giàn xếp lấy lại hàng. Lúc ấy tôi có thánh thần phù hộ sao đó, mà nhiều việc thấy không ổn chút nào rồi cũng đâu vào đấy, có lẽ vì khuôn mặt của tôi chăng? Khuôn mặt được bà bán cà phê bảo: “không có nét chợ trời!” trong một lần công an bố ráp bắt bao nhiêu người bán thuốc tây, chừa tôi lại không hỏi một tiếng nào, dù dưới chân tôi là một chiếc giỏ cói thật to chứa toàn thuốc.
Kinh tế thuở ấy là mua của nhà nước, bán cho con buôn. Từ con buôn hàng hóa sẽ được chia đều đến người tiêu dùng. Ai đã từng sống vào thời bao cấp ấy, hiểu ngay cách mua bán hàng chui này, danh từ chợ trời – chợ chạy được hình thành vào thời gian này, nơi ấy người ta mua bán với nhau từ cây kim nhỏ xíu, đến mọi thứ kinh khủng khác như một chiếc tàu thủy cũ bị mắc cạn đã rỉ sét, cũng được mua để sau đó cắt nhỏ ra bán sắt theo ký lô .

Nhóm bạn học cũ thời trung học của chúng tôi, từ ngôi trường bé bỏng mà hơn ba phần thuộc gia đình có nợ máu với nhân dân, thì không lạ gì chúng tôi lận đận đều nhau, y như nhau. Phần đông bỏ học vì bị vào sổ đỏ, bị vạch mặt hài tên, làm thủy lợi mòn dép vẫn chưa bước được vào cửa lớp. Những cô bạn may mắn thoát ngay sau 1975, không có những kỷ niệm xương máu như bạn bè còn ở lại, chia nhau ly cà phê đen, chờ giấy mua hàng giá rẻ từ xà bông gội đầu đến vải tám vải soir, không từ cả tấn thép chất trên xe ba gác, tiền lời chia ba để sống. Nếu là một chuyến hàng to, lời nhiều thì không chỉ ba đứa có lộc mà chia cho gần chục đứa.
Có lời lần nào là xong lần ấy, không hề biết chuyện phải để dành cho ngày không kiếm ra tiền.
KN là một thành viên trong gia đình tôi, mái nhà của tôi dù đã bị trưng dụng hơn một nửa vẫn còn rộng hơn nhà của KN ở, nên KN hầu như sang ở bên tôi cho đến khuya mới về với Má. Thời gian chúng tôi ở nhà ít hơn thời gian chúng tôi ngồi ở quán cà phê trên đường Tô Hiến Thành . Tôi có chồng có con KN là người kiên nhẫn ngồi nghe tôi hoạch định bao phương cách để sống, lấy mối bánh ngọt bán ở khu Lay Cay, rồi mở tiệm dậy thêu thập niên 1980 cùng nhận hàng về thêu cho khách từ Pháp về, đến khi tôi bôn ba vào khu chợ xe đạp Thành Thái là khi KN buông bỏ tất cả không thèm gì nữa hết, chỉ còn đọc sách thiền, sách triết. Sâu thẩm trong lòng bạn tôi là nỗi buồn bị bỏ rơi khi cô thủ kho đi lấy chồng, khi người anh kết nghĩa đi lấy vợ, tôi loay hoay với chồng con em út, những giờ đi uống cà phê nói chuyện đời với Nga bị ngắn dần đi. Anh của tôi nói với KN: Tại sao khi nói chuyện hay nhìn xuống! KN trả lời nhìn ngón chân thấy đời mỏi mệt, thích thú hơn nhìn mặt người đối diện mà không thấy được gì.
Bao buổi trưa nắng hầm hập từ mái tôn hắt xuống, tôi ngồi bên KN trong căn gác xép, một góc nhỏ riêng tư của bạn, xếp thẳng thắn những chồng sách ngổn ngang, bao lần hai đứa may mắn mua được trong chợ sách cũ Hồ Văn Ngà – những Phạm Công Thiện, những Nam Hoa Kinh Đạo Đức Kinh, Tội Ác và Hình Phạt – Gã Bán Nón . . . . những quyển sách được truyền tay nhau đọc mòn gáy, nói chuyện tranh cãi mòn ý ngay cả giận dỗi vì đứa này không chịu đứa kia, cười xòa khi hát cho nó nghe bài hát nó thích. Nhìn lại những tập nhạc những tập truyện được nắn nót chép tay sau khi sách bị tịch thu là cả một khoảnh trời điên đảo của tất cả chúng tôi, ngày quá dài cho một thanh xuân chìm trong vận nước.

Nỗi khổ nghèo đói không định được hướng đi cho đời mình, là nỗi khổ mông mông mênh mênh khó tìm đường giải thoát nếu không có người bạn nhất định cho chính mình. Tôi nhớ bạn tôi mà không bật thành tiếng khóc, tôi thương bạn tôi mà không bật thành lời ta thán “tội nghiệp” như người khác bật ra được vì tôi hiểu rõ bạn tôi không muốn được ai “tội nghiệp” cũng như không muốn nghe lời “cám ơn”.

Buổi chiều cách đây rất nhiều năm, ngồi sau lưng KN tôi nói: Tui cám ơn Bà nhiều lắm!
KN nắm tay tôi trả lời: Nói cám ơn là một cách phủi ơn nhẹ nhàng cũng như lo trả nợ là một cách quên đi tấm lòng người đem ơn đến.

KN nè, bây giờ tui tha hồ nói Cám Ơn Cám Ơn Cám Ơn cho tình bạn của tui với Bà, mấy đứa em tui nghe tin Bà ra đi mà lặng luôn không nói nổi nên lời, phần tui thì chỉ biết nhớ từng hạt kỷ niệm hai đứa mình có với nhau, toàn là những viên đường tuyệt vời khi lội loi nhoi lóp ngóp trong chén đắng, Bà cắn chút chừa cho tui, tui cắn chút chừa cho bà.

Nỗi nuối tiếc của tui bây giờ là tui không chia được gì với Bà khi Bà đau yếu, tui biết có hồi Bà ghét tui cái tội tui cấm Bà mua thuốc hút vì Bà ho quá là ho, có lần bà giận tui cái tội tui phải đi về lo cho chồng con mà không ngồi thêm với Bà trong quán cà phê quen thuộc, chiếc bàn tròn có đủ ghế cho cả nhóm lận đận chúng mình ngày một bớt ghế đi, cho tới khi chỉ còn hai chiếc, tui bỏ về sớm Bà ngồi đó một mình. Ngày tui hớn hở báo tin tui sẽ lên đường đi mất, đôi mắt Bà trong veo nhìn tui, cái nhìn tui không thể thấy được gì, đành cúi xuống ngó ngón chân của mình để biết đời còn bao mỏi mệt.

Lần cuối nói chuyện với Bà qua đường dây viễn liên, Bà dặn: “Nhớ kiêu tui thường nha!”
Kim Nga ơi bao lần Bà đợi điện thoại của tui? Bao lần tui không gọi vì không biết sẽ nói gì!
Bà ơi ngủ ngoan nha, những ngón chân đã thôi mỏi mệt. Con đường Tô Hiến Thành nơi có quán cà phê của tụi mình cũng là con đường Bà đi lần cuối. Ừ! Nhà thương Trưng Vương nằm ngay góc Tô Hiến Thành – Lý Thường Kiệt mà.

Mắt tui vẫn ráo hoảnh không khóc được mà Bà biết đó tui nhớ Bà lắm biết không? Đường đời tui vẫn bước thênh thênh với nụ cười nửa nụ của Bà làm vốn.
ngodong
#609 Posted : Friday, July 30, 2010 2:54:43 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)

Dừa

Lâu hung không gặp chị, mùa hè mơn mởn tính qua luôn rồi chị thấy hông! Cái mùa hè hừng hực nóng ai la làng tui không biết, tui nhớ miết cái mùa hè mát rượi dưới đám lá dừa. Con đường tui đi lá dừa che rợp thương hết sức là thương. Chị đừng cười tui tội nghiệp, tui hát ví dầu ầu ơ câu:
Quê tui nước ngọt lắm dừa
Ruộng vườn mầu mỡ, biển thừa cá tôm
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày.
Tui mê hàng dừa bên hông nhà tui biết nhiêu mà nói, hồi mua cây giống nó nhỏ híu đâu cỡ cánh tay, ba cái lá chun ra từ cái trái khô còng queo giống y cái lưỡi mèo, còn thấy bầu trái nhú qua cái bao ny lông nhà vườn bọc lại, chừng đâu hai ba năm nó phổng phao nhờ con rạch kề bên, lá thôi là lá, chưa tới sáu năm quày trái đã treo lúc lắc như chùm bóng thiệt thấy thương.
Nhớ hồi mới làm dâu khờ căm khờ bắt sợ, cà ràng ông Táo chưa mấy gì quen, sáng sớm lôi đám lá dừa héo chưa khô hung chụm bếp, làng xã ơi, tui um khói nguyên nhà. Bà gia của tui còn ngủ kỹ, bị khói xông chạy u vô coi sự tình, mới hay con dâu mới tính mần khéo ai dè ông Táo trác nó. Má tui biểu tui hễ nắm cái lá nhẹ tưng là nó đủ khô, hễ còn chịch trong tay là chưa ráo phải phơi nắng tiếp, mèn ơi tóc tai tui dính ba cái đám tro trắng hếu, nội chuyện dẹp cho xong cái bếp là hết giờ điểm phấn thoa son. Chồng tui nghe đụng bếp, chui ra khỏi bộ ngựa, dòm tui cười ha hả! Tui còn nhớ bộ mặt của giả tới giờ nghen chị, đầu hai thứ tóc, giọng cười của ổng hổng đổi hổng thay, y như tui cũng không thay không đổi cái tình tui thương giả.
Đám dừa theo tui từ hồi con gái, nó che cho tui khỏi nắng cháy đen da, người ta nói chữ: “trắng da là tại phấn dồi – đen da là tại em ngồi chợ trưa” tui thấy tui ngồi chợ tới hồi đứng bóng da tui y trứng gà bóc, hễ nắng hung hai má tui đỏ hường, Má ruột tui kể hồi bả hoài thai, bà ngoại tui cho má tui uống dừa xiêm ăn trứng ngỗng, bị dị mà tóc tui đen da tui trắng so dí con gái thị thành , chưa chắc ai hoa hậu ai á phi. Ai ở quê tui mà không yêu đám dừa là kẻ phụ phàng không chung thủy, từ thân cây đến đám lá, cho tới vỏ cũng hỗng bỏ chút nào ráo trọi.
Rồi phần cơm dừa nạo nhuyễn vắt thành sữa, tui gọi nước cốt dừa là sữa cũng đâu sai chị tính đúng hông? Màu trắng thiệt ngọt thiệt thơm, trên đời chỉ cần cơm sữa là sống, trong trái dừa có đủ cơm đủ sữa đòi chi hơn chị heng. Ai nói đói lòng ăn nửa trái sim, chớ phần tui hễ đói tui kiếm miếng dừa. Hồi có chửa con so, tui thèm dừa, nửa hôm thúc ổng tìm cho ra đặng cạp, Má tui la: “Tao uống nước dừa tươi sanh mày ra trắng nhởn, bay bày đặt ăn cơm dừa con bay bị bạch tạng nghen bay!” Mèn ơi con gái tui nó có trắng nhởn gì đâu, da nó màu hồng quân y chang cha nó.
Chị hỏi tui nấu món chi ăn dí dừa heng, tui kể ra chắc tới mai hỗng hết, ba thứ chè cháo ai hỗng biết. Nè heng nạo dừa heng, lấy nước cốt trộn bột mần bánh, trộn bột nấu chè chị mầm tới trăm món bánh chớ ít sao – nấu trăm món chè chớ ít sao, rồi cà ri gốc Ấn - mắm gốc miệt Miên Lào món này thiếu đậu đũa hỗng thành món à nghen, hễ nghèo lọc mắm nấu chung dí cốt dừa, ra rào khỉa ba trái đậu thả vô tô bún tươi chị ăn coi hai tô hỗng thấm đâu ráo nạo có thêm chút tiền ra chợ xách miếng ba rọi quay chặt bỏ thêm vô. Sàng qua đồ ngọt chị nhớ lại coi nhiêu thứ, ba cái bánh bò thiếu nước cốt dừa như con gái thiếu duyên, như con trai thiếu tướng, bánh tét thiếu dừa xào như đào kép thiếu đờn cò, dĩa bánh tầm bì thiếu cốt dừa có y chang đờn sắc thiếu đờn cầm đặng hòa hợp đó hông? Chị ngó coi dĩa xôi nếp than, rắc ba cọng dừa bào, chan thêm muỗng nước cốt dừa nấu cho sôi thêm chút bột cho sệt nó, điểm ba lát hành cắt nhuyễn trét thêm miếng đậu xanh, chị ăn ngậm mà nghe vị ngọt lan như con sóng đánh dịu nhiễu vô bờ, vị béo trôi mất xuống cổ còn lưu luyến vòm đóc họng đặng trộn lộn với vị mặn còn xót lại trong miếng đậu xanh .
Hồi tui lên chợ ăn cưới, người ta dọn gỏi cà rốt dưa leo tui chê thầm trong bụng mà hỗng nói ra miệng, món này sao so đặng dí món đuông cổ hũ dừa! may mà cái lưỡi thày lay của tui nó biết khôn nằm im hỗng nói. Nhiều hồi tui nhớ lại sớm tinh mơ, thấy cái lưỡi mèo héo queo tui mừng một má tui mừng hai, mừng tới hai má con la cùng lúc “nấu đuông ăn. Hễ chị thấy đọt héo là chắc mẳm có cặp đuông xây lâu đài tình ái trong trỏng – đám con của tụi nó ít xỉn đâu trăm con, con nào con nấy ú nú ù nu cỡ ngón tay cái nhờ ăn phần mềm mại ngay cái cổ của cái hũ dừa, dân tui gọi tắt thành cổ hũ dừa cho dễ, cái cổ thân cây dừa non nó ngon kể gì chị thấy hông, cặp bọ cánh cứng này biết kiếm cây lành đặng đục, nó đục vô cây già con nó cạp chi ăn. Chặt ngang ngay cái bọng, ta nói hốt nguyên rổ, con nào còn non nhúng nước muối, con nào mọc cánh cứng bẻ cánh nó đi, dòm nó hiền lành thấy thương, mà nương nó rồi nguyên vườn dừa non nó ăn trụi ráo rồi sao. Có bữa tui thấy tạn mặt con nhỏ sống miệt thị thành, thấy con đuông lần đầu trong đời mặt mũi nó xanh lè từ từ té xỉu, tui tưởng nó làm màu như cô Thanh Nga trong tuồng Nửa Đời Hương Phấn. Tới hồi cổ té ịch chụp hỗng kịp, may tui biết chuyện giựt tóc mai, bấm ba cái huyệt sau vành tai, ngay nhân trung, sơn đường lay tỉnh cổ. Sau màn té xỉu vì đuông, cổ ngốn đâu chục con đuông má tui nhét đầu hành lá vô bụng nó, dùng thịt ba rọi cuốn nó rồi gói nó trong miếng lá lốt bò hàng hà kế sàn nước mang nướng lửa than hồng, mùi thơm của mỡ nhiểu vô than bốc lên chung mùi lá lốt, bao tử nó thèm đòi ăn kêu rột rôt. Chưa hết heng, trong vườn có nhiêu rau tui chất xanh um một rổ, càng cua dấp cá, ngò, húng đệm ba đọt lá xoài chấm nước mắm me. Má tui trọng khách, biết người ta sợ bỏ công khó, chớ như không chỉ cần kẹp đuông nướng trân gói bánh tráng là ăn quên cuộc đời xô bồ xô bộn. Tía tui hồi con sanh tiền, dạy tui món đuông đựoc vô danh sách món ngon vật lạ, được vô văn học sử mọi miền, từ “Đại Nam Nhất Thống Chí” tới tụ điển của học giả Huỳnh Tịnh Của, rồi nhà văn miền ngoải Vũ Bằng cũng viết tới nó trong “Miếng Lạ Miền Nam” Tui biết ngoài ngoải thủy thổ không hạp cho dừa mà người ngoài ngoải cũng có món bánh đa cùi dừa, tui tìm hiểu qua mấy bà bạn Bắc Kỳ mới hay bánh tráng mè nướng phồng, trét hột kê lên trển, cùi dừa là cơm dừa rám nạo trải lên trển, tui quên nói cốt dừa phải dùng thứ cứng cạy, chớ đám rám để ăn sàm cho ngọt, mà vắt cốt dừa nhớ dùng nước của nó luôn heng mới ngon thiệt là ngon. Quên chớ, đuông chị chiên phồng thả vô nước lèo xương heo ăn bún kèm giá sống cha má ơi có bữa ỗng giận tui, tui nấu nồi đuông ổng cười mơn hết giận. Giận tui cái tội thày lay ưa lo chuyện thiên hạ chớ chi.
Ta nói, dừa như bà Má thiên nhiên, nó nuôi con người ta tới già tới chết còn nuôi, lá nó lợp nhà, thân nó làm cầu, tới cái vỏ cứng còng cũng sài đặng chị thây hông, tui nhớ cái muổng dừa múc nứoc, cái bình tích ủ nước sôi, đó chị thấy ba cái muỗng tui xài hông cũng bằng thân dừa đen bóng. Tới tên con gái tui cũng có đệm chữ Mộng, lúc tui ăn cái mộng dừa sực sực thơm thơm, nó còn trong bụng đạp lung tung, tui nói dí nó: “ Hễ con trai má đặt Mộng Thừa, con gái Mộng Dừa!” tui nghĩ lúc đó tui say dừa tính bậy, ổng nghe tui kể la làng nên con gái tui có cái tên thiệt ngọt Mộng Thu. Mèn, miễn có chữ Mộng là tui mát dạ rồi hà.
Chị đừng quýnh thức tui chi, cho tui tìm dìa quá khứ có đám lá dừa che tui nghen chị, đám đuông tui nấu ở Mỹ là đám tôm tui đập nhuyền se lại tròn tròn cho giống con đuông, chớ kiếm đâu ra món ngon vật lạ như dị thời này.
Chị coi tui thày lay cỡ dzầy, ổng hồng giận tui mới lạ chị héng, tui chay nghen.
PC
#610 Posted : Saturday, July 31, 2010 12:46:24 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Có phải KN bên forum bên kia hay không chị ngodong? hay KN nào khác?

Lâu lâu vô 10 lần mới được một lần, có khi click trả lời thì bị hất ra luôn.
ngodong
#611 Posted : Sunday, August 1, 2010 8:59:36 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
quote:
Gởi bởi PC

Có phải KN bên forum bên kia hay không chị ngodong? hay KN nào khác?

Lâu lâu vô 10 lần mới được một lần, có khi click trả lời thì bị hất ra luôn.



Chị ơi Kim Nga này là bạn học cùng lớp của em, Kim Nga kia khác lớp.

Kim Nga bạn em còn ở Việt Nam - KN kia đang ở Canada.
ngodong
#612 Posted : Sunday, August 8, 2010 10:29:17 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Bún Bung

Hà Nội như động tiên sa
Sáu giờ máy hết đèn xa đèn gần
Vui nhất là chợ Đồng Xuân
Thức gì cũng có xa gần bán mua
Giữa chợ có anh hàng dừa
Hàng cam, hàng quít, hàng dưa, hàng hồng
Ai ơi đứng lại mà trông
Hàng vóc, hàng nhiễu thong dong nượp nà

Cổng chợ có chị hàng hoa
Có người đổi bạc chạy ra chạy vào
Lại thêm “sực tắc” bán rao
Kẹo cau, kẹo đạn, miến xào, bún bung
Lại thêm bánh rán, kẹo vừng
Trước mặt bún chả, sau lưng bánh giò
Ồn ào chuyện nhỏ, chuyện to
Líu lo chú khách bánh bò bán rao
Xăm xăm khi mới bước vào
Hàng tôm, hàng tép xôn xao mọi bề
Lịch sự là chị hàng lê
Quàng quạc hàng vịt, tò te hàng gà

Nứt nở như chị hàng na
Chua vào hàng sấu, ngọt ra hàng đường

Một bài ca dao dài kể bao món ngon vật lạ của miền bắc, bài ca dao bà nội tôi hay đọc và giảng giải từng ly từng tí về các món ăn mà tôi không thể hình dung ra được, thuở ấy sống trong nam, sau hiệp định Genevè 1954, làm sao biết được quả hồng quả sấu, mỗi miền có những món ăn cũng như các loại quả khác nhau.
Ẩm thực là một văn hóa kỳ diệu con người không sao quên nó, cho dù vật đổi sao dời, cho dù vũng hóa đồi đồi biến vũng. Ngay bây giờ khi xa quê vạn dặm, những chuyến bay dài hơn một ngày, đổi máy bay vài nơi, món ăn thuần túy Việt-nam theo người Việt tha hương khắp chốn.

Ngày ấy, mỗi buổi sáng tinh sương tôi xách giỏ đi chợ Vườn Chuối, không khí buổi sáng quyện mùi hoa vạn thọ, hoa cúc trắng ngai ngái, tôi thích hàng bánh cuốn Thanh Trì, người bán là một chị người Bắc sống ở Hố-nai, tôi nghĩ chị phải thức sáng đêm để tráng bánh mang lên Sài-gòn bán. Những tờ bánh cuốn mỏng hơn giấy pơ-luya điểm vài vệt màu nâu từ miếng hành phi thơm vàng. Chị chỉ bán đúng một thúng bánh, kèm với đậu phụ chiên, nếu không đến sớm là hết. Tôi còn nhớ mãi da mặt của chị có vài vết rổ, ông cụ tôi khi ấy chỉ thích bánh cuốn của chị, nước mắm không pha chỉ là nước mắm nhĩ vắt vài giọt chanh có hai ba lát ớt cay vừa đủ xộc lên mũi.
Bác Cả của tôi có lần ghé nhà tôi sớm, được mời ăn bánh cuốn Thanh Trì, bác nhất định không ăn, đòi tôi phải mua bún bung cho bác. Bà nội của tôi cười vang và nói:
- Anh này hay nhỉ, chợ người Nam có hàng bánh cuốn Thanh Trì đã quí lại đòi bún bung, được voi đòi tiên à! Có thèm thì để Me nấu!
Bố tôi cũng cười và nói:
- Anh Cả vẫn mang hình ảnh cô bán bánh cuốn Thanh-trì từ Hà-nội vào nam sao!
Mẹ tôi thắc mắc:
- Cô nào vậy anh?
bác Cả tôi trả lời:
- Cô hàng mặc váy đội thúng bánh, ai gọi mua cô ấy thong thả hạ thúng xuống, lấy tay lột từng lớp bánh xếp vào lá bán cho khách, thím nghĩ tay cô ấy sạch không nhất là . . . thôi tôi chả kể nữa, không thì cô chú mất thú ăn bánh cuốn Thanh-trì.

Mẹ tôi cười mỉm, đôi mắt liếc bố tôi, cười ý nhị, phần tôi nhớ mãi chi tiết này và theo hỏi mẹ mãi:
- Mặc váy đi bán bánh cuốn là thế nào?
Mẹ tôi đọc câu ca dao:

Tháng Tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang
Có quần ra quán bán hàng
Không quần ra đứng đầu làng trông quan.

Và giảng giải trước khi có lệnh vua (Minh Mạng?) bắt phụ nữ phải mặc quần khi ra ngoài đường thì phụ nữ luôn mặc váy, ngay cả khi ra đồng làm ruộng, không ít các câu ca dao nói về việc khó khăn trong bao sinh hoạt hàng ngày, vì y phục không thoải mái này. Chiếc váy quê mùa chỉ là miếng vải thô khâu dính vào nhau có giải rút để thắt ngang eo giữ váy, luộm thuộm khó khăn khi di chuyển, nên có hành động xoắn váy quai cồng, nghĩa là hai tay nắm hai bên lưng váy, ngay khoảng eo, xoắn tròn để kéo váy cao lên cho dễ làm việc.
Cũng từ hành động này, hình ảnh các bà mặc váy ngày xưa lang thang vào nguồn ca dao tục ngữ, hàm ý tả người đàn bà đảm đang chịu thương chịu khó, lo cho chồng, lo cho con.

Bõ khi xoắn váy quai còng
Cơm niêu nước lọ cho chồng đi thi.

Cũng không ít hình ảnh không đẹp về việc xoắn váy quai cồng, khi các bà đánh ghen hay chửi rủa lẫn nhau trong các quyển tiểu thuyết của các nhà văn thời tiền chiến, Nam cao là một, khi ông đem tất cả hình ảnh xấu đẹp vẽ lại trong các tác phẩm của ông, hình ảnh làm trái tim người đọc thổn thức, cùng lúc phải bật cười vì tình huống éo le không thể nghĩ ra là có thật. Không lạ khi các nhân vật trong truyện của ông được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày.

Lý do bác Cả của tôi nhất định không thèm ăn bánh cuốn Thanh-trì, có cái lý của nó và đúng là tôi cũng bị hình ảnh cũ xưa trong trí của bác “đầu độc” mỗi khi nhìn đôi tay bóng nhẫy mỡ bốc vào món ăn dọn ra cho khách của các bà bán hàng ngoài chợ. Bác tôi chỉ ăn bún, cô hàng bún cẩn thận, lấy đũa gắp từng con bún đặt lên miếng lá sen.

Đã vào nam mà hình ảnh bác bắt gặp thời trai trẻ vẫn theo bác, vẫn ảnh hưởng đến đời sống của bác dù chỉ là một món quà ăn sáng. Các bạn có thắc mắc hình ảnh gì đã làm bác tôi, không bao giờ ăn bánh cuốn nữa không? Tôi không kể ra trong bài viết này, để bạn tự tưởng tượng ra cho vui, vì tôi đã tự tìm ra câu trả lời sau khi Mẹ tôi giúp tôi mở khóa là: góc nhà có giậu hoa tường vi khuất tầm nhìn của thiên hạ!..

Món bún của miền bắc không phong phú như trong nam, nhưng được thử một lần sẽ không sao quên. Sởi lởi trù phú miền nam khiến các món ăn ngọt lừ đầy ắp, miền trung và miền bắc có vị cay chua nhất là món ăn thanh cảnh đòi hỏi sự chăm chút nhiều hơn, lý do đơn giản là vật liệu khó tìm, khi tìm ra được người phụ nữ tỉ mỉ nấu món ăn kỹ lưỡng hơn kẻo phí kẻo hoài.

Các món bún nước ngoài bắc hay kèm vị chua của mẻ, món bún khô có bún nem bún chả, cách ăn mộc mạc hơn, miếng ngon nhớ đời theo kiểu của Trạng Trình, để bụng đói xem ăn miếng gì không nhớ, cái ngon vì tươi mới như món chả cá thì là, món bánh tôm Cổ Ngư, những con cá vừa lưới, con tôm nhảy soi sói được trộn bột chiên giòn.

Sợi bún vừa chín, được ép tay vào thau nước mưa tinh khiết để ráo ăn ngay thì còn gì thú vị hơn. Nhà làm bún khi vừa vào cổng đã ngửi được vị chua của gạo, loại gạo cũ được vo sạch cám, nhặt sạch sạn ngâm trong nước sạch, thay nước hai lần một ngày để gạo không bị chua - trong vòng ba ngày, đến khi gạo trở màu đục, cho vào cối đá xay nhuyễn, hứng bột vào túi vải dày, bồng cho nước ra hết chỉ còn khối bột trắng tinh, khi này vo bột thành nắm tròn như quả banh, cho vào nồi nước sôi luộc chín lớp ngoài, lấy viên bột ra cho vào khuôn ép, cái khuôn thủ công có tay cầm ép khối bột qua những chiếc lỗ be bé, trở thành sợi nhuyễn chảy vào nồi nước sôi hứng bên dưới.
Khi sợi bún chín, được bắt thành con bún khỏang nắm tay hay nửa nắm tay để dễ bày ra tô chan nước, hay cũng có thể trải từng lớp để cắt vừa vặn đủ gắp vào bát ăn ghép với chả. Những sợi bún trắng tinh không có vị chua, không bị bở là loại bún ngon, tùy theo món ăn mà thay khuôn ép bún sợi nhỏ sợi to.

Thuở chưa có điện, máy móc chưa có, các ông thợ mộc, thợ đẽo đá đã nghĩ ra bao loại máy dùng sức người, phần đông dành cho các bà nội trợ làm ở nhà, bây giờ mà bày hàng ra làm thì chắc chắn chồng con sẽ cau mặt nhìn, hay hỏi ngay: “Em làm thế các nhà sản xuất đi kiện em ngay đấy!” hay thẳng thắn hơn thì: “Em làm xong có ai ăn đâu, chỉ tội vạ cho cái thùng rác!”

Tôi nhớ mãi thuở mang thau gạo ngâm sẵn sang nhà hàng xóm, nhà ấy nhận xay bột xay đậu nành bằng máy, máy là cái mô-tơ chạy điện dùng để quay cái cối, chỉ có thế mà gia đình sống thoải mái nuôi được bốn người con đi học nên người. Tôi tráng bánh cuốn, bánh xèo, nấu sữa đậu nành ngay cả làm đậu phụ cũng nhờ nhà ấy xay giúp bột, nếu không thế phải xay gạo thay đậu bằng cối, hai tay mỏi nhừ cả tuần không hết.

Thật ra, nhờ xay bột, ép bột, lăng xăng làm bao thức việc linh tinh trong nhà, nhất là phải chăm sóc con cái mà phụ nữ thời xưa thường có lưng ong, dáng thanh thanh xinh xắn, không như bây giờ các bà khi gặp nhau câu than thở luôn là “vòng số hai to hơn vòng số một, ngang ngửa vòng số ba” hay “chỗ cần phồng thì xẹp, chỗ cần xẹp lại phồng.”

Từ bà nội của tôi, tôi biết làm các món bánh miền bắc, bánh nếp – bánh dầy đậu, bánh trôi bánh chay, bánh giò bánh rán, các loại bánh này tương đương với các món bánh ít trần, chè trôi nước, bánh cam trong nam, vị khác nhau vì miền Nam có dừa có thêm vị ngọt.

Nhắc đến vị, lại nhớ các ông các anh hay gán ghép vị thức ăn cùng tính tình con gái từng miền, con gái miền nam ngọt ngào, con gái miền trung cay đắng, con gái miền bắc chanh chua, nếu hỏi các ông thích vị nào, trăm ông trả lời cả trăm là thích nếm hết cả ba! ! !

Vì bác Cả không thèm ăn bánh cuốn Thanh-trì, tôi học được từ bà nội tôi món bún bung, món bún dễ nấu, dễ ăn, nhất là vào những ngày hè nóng trong nóng ngoài như mấy hôm nay. Món bún bung không chua ngọt như cá lóc nấu chua trong nam, không cay như bún bò mụ Rớt xứ Huế, chua vừa đủ cho lưỡi tê tê vì cà vì mẻ, ngọt vừa đủ vì sườn non ninh ngấu, vừa cắn xong miếng đu đủ mềm đã nhai ngay miếng dọc mùng sần sật, miếng chuối chát được nấu kèm vừa mềm vừa sần sật đến ngạc nhiên, để sợi bún quấn quyện lá tía tô lá lốt níu kéo vài lát hành hoa vài lá rau thơm, đặc biệt hơn nữa là bức tranh vẽ trên mặt tô bún bung có màu vàng của nghệ màu đỏ của cà, mầu nâu của miếng sườn đã được ram vàng trước khi cho nước vào ninh, nhiều nhà còn thêm vào vài miếng đậu phụ rán bùi bùi.

Đã biết ẩm thực là cả khối tình chung dang dở, mà vẫn ngây dại nhớ nhung! Bạn thắc mắc tại sao ư? Câu này tôi trả lời ngay không bắt bạn tìm câu trả lời quanh quẩn, tình dang dở người ta phải nhớ hoài nhớ mãi không thôi. Dù bây giờ vẫn tìm ra được cũng hình ấy ảnh ấy nhưng không phải, nhất định không phải là cái vị của thuở xưa, cái vị bún bung của bà nội tôi đã nấu ngày xưa.

Tôi vẫn nấu bung như thế này đây theo công thức của chị Kim Nga gia đình Sương Nguyệt Anh, với những thứ tìm mua được trong bất cứ chợ Á Đông nào.



Vật liệu:
- 1 kg sườn non rửa kỹ hay luộc sơ bỏ nước dơ.
- 3 trái chuối xanh ( cooking banana) .
- 3 trái cà chua chín.
- 3 cây bạc hà.
- 1 trái đu đủ xanh nhỏ.
- Bột me chua thay mẻ.
- 3 muỗng cà phê bột nghệ .
- Bún.
- Vài củ hành ta ( hành tím) .
- Muối , tiêu , đường, bột ngọt.
- Hành lá , ngò tía tô hay có thể thay thế bằng lá lốt.
- Rau thơm, sà lách.

Cách nấu:
Sườn: ngâm nước có pha dấm hay chanh chừng 1 tiếng đồng hồ cho ra chất dơ, xả sạch hay có thể luộc sơ đổ nước dơ đi. Ướp vào sườn một ít gia vị cho thấm. Sau đó, cho sườn vào nồi, ram cho miếng sườn săn lại.

Đặt nồi khác lên bêp, đổ 8 cup nước vào, nấu sôi . Kế đến, cho sườn đã ram vào hầm, chờ khi nước sôi lại, vặn bớt lửa . Thỉnh thoảng nhớ hớt bọt để nước dùng được trong. Sườn hầm đến khi mềm là được.

Chuối xanh: đem gọt bỏ vỏ, cắt từng miếng xéo, ngâm trong nước muối cho ra hết nhựa, miếng chuối sẽ trắng, mà không bị đem vì dính nhựa . Rửa lại bằng nước lạnh cho sạch, vớt ra rổ, để ráo. (Có nhà chiên sơ trước khi nấu để chuối không bị nhão)
Cà chua : rửa sạch, cắt múi thành 6 miếng.
Đu đủ : gọt bỏ vỏ, cắt miếng như chuối, rửa sạch, để ráo .
Bạc hà : tước vỏ , cắt xéo, rửa sạch để ráo .
Bột nghệ : cho bột vào cái chén, múc vài muỗng nước sôi vào chén bột để ngâm cho ra màu .
Hành ta : bóc vỏ , cắt lát mỏng.
Hành lá, ngò tía tô lá lốt: nhặt và rửa sạch, để ráo, cắt nhuyễn.
Sà lách, rau thơm : rửa sạch, để ráo.

Đặt cái nồi khác lớn hơn lên bếp, cho dầu ăn vào, để lửa lớn, cho hành vào khử cho vàng và thơm. Kế đến, cho cà chua vào xào qua , đổ nước nghệ + chuối xanh + đu đủ và 1 cup nước vào nấu sôi vài lần, nêm gia vị cho các thứ được thấm. Đổ nồi sườn đã hầm mềm vào chung. Nếu thiếu nước, có thể cho thêm nước vào , nấu sôi lại .
Nhớ hớt bọt cho nước dùng được trong. Kế đến, cho bột me chua vào, nêm lại gia vị cho vừa ăn. Sau đó mới thả bạc hà vào .
Gắp bún ra tô, múc sườn bung vào tô cho có đủ chuối, bạc hà, đu đủ, cà chua .
Rải hành ngò tía tô hay lá lốt cắt nhuyễn lên mặt tô bún, rắc thêm tiêu cho thơm.
Tô bún có màu nước dùng vàng ánh, đậm đà vị chua ngọt.
Bún Sườn Bung dùng nóng với rau thơm và rau sà lách.
Chúng ta có thể cho thêm ốc hay đậu phụ - (đậu khuôn đậu hũ) chiên vàng nếu thích.

ngodong
#613 Posted : Thursday, August 12, 2010 11:37:57 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Dâu Da! Bòn Bon

Hơn hai tháng nay, đi ngang chợ nào cũng có mít, gía không còn đắt như vài năm trước, mua một trái mít hơn mười ký mất tiêu 60 đồng đô Mỹ, người còn ở Việt Nam nghe thế hẳn trợn tròn mắt. Năm nay gía cả đã nhẹ nhàng hơn, dưới một đồng một cân anh (pound = 425 gr) trái mít hơn mười kg chỉ còn khoảng trên dưới hai mươi đồng. Giống như cách đây gần hai mươi năm, một trái xoài tươi gần ba đồng, đến nay một thùng sáu đến tám trái có khi cũng chỉ ba đồng, khi chợ tung ra bán hạ giá vì hàng chất trong kho bắt đầu chín rộ. Có lẽ mỗi chợ mua mão hẳn một vườn cây chăng? Mà xoài của mỗi chợ khác vị khác hiệu chẳng giống nhau, Ocean khác Đại Thành khác, Senter chẳng giống 99, Thanh Trúc - Hải Thành thùng màu vàng thùng màu tím, ngay cả các chàng Mễ bán dạo bên đường cũng bán xoài khác hiệu. Nói chung vào đúng mùa trái cây nhiệt đới, dân chúng California sung sướng thưởng thức không biết bao nhiêu thứ trái cây để kể. Nhớ ngày nào phải hồi hương lập nghiệp, xa lánh ánh đèn đô thị tập làm việc đồng áng cho biết lao động với người ta, thòm thèm ngắm bức tranh, chụp hình đĩa trái cây treo trên vách nhà dựng bằng lá dừa, có trái dưa vàng cantaloupe loại trái này Việt Nam chưa thấy bao giờ, trái kiwi, trái sơ ri một hột (cherry) mà mơ mộng có ngày được nếm xem nó chua ngọt thế nào, bây giờ chợ chất đầy mua một tặng một không thèm ăn nữa. Kiwi trái xanh chê chua không thèm ăn, phải lựa loại kiwi vàng nhập cảng từ New Zealand hơn hai đồng một trái mới chịu, đúng cái lưỡi là nguồn cơn của bao tội lỗi.

Nhìn hàng hóa nhập từ Việt Nam sang chất đầy trong tủ đá của các chợ, từ xả bằm nhuyễn đến gấc nấu xôi, khoai mì khoai mỡ, bắp luộc, chuối nấu, chuối nướng chuối xào, nói chung là người tha hương thèm thuồng vị gì, quê nhà chuyển sang đầy đủ, đùi ếch hến cồn – cua đồng ba khía không thiếu. Chỉ thiếu vị tươi, nói sao thì nói, ăn sao thì ăn điều quan trọng là phải chín cây, phải mới lưới. Nghe tin cả ký hóa chất dùng để “bảo quản không bị héo úng”, cả thùng phân hóa học tưới đến đâu nở hoa đến đấy mà ngài ngại Made in Việt Nam. Dù ngại mà thấy trái măng cụt - trái vú sữa - trái sa pô chê lần đầu trong tủ đá, cũng phải mua mang về, ăn thử xem sao là một, hai nữa khoe cho con xem cây trái của quê mình.
Hỡi ơi!

Đời chỉ đẹp khi tình còn dang dở - trái hết ngon khi bị bỏ phi – zờ (freezer) (sửa thơ của Hồ Dzếnh)

Trái vú sữa chẳng ra làm sao, trái sa cô chê cũng không ra sao cả và trái măng cụt thì thâm xỉ thâm xì, dạo trước trái thanh long cũng bị cho vào đông đá, để gởi sang bán cho người Việt tha hương, hẳn các trái ấy đã vật vã đã vùng vằng như các cô gái, bị cha mẹ ép gả để lấy của hồi môn thời xưa.

Và chùm trái bòn bon đã xuất hiện bên cạnh quầy tính tiền của cô hàng trong khu chợ Lee Sandwich, trái tươi hẳn hoi không bị rụng rớt chi hết, dĩ nhiên trái bòn bon bây giờ đúng nghĩa là trái Nam Trân, cái tên vương giả của Chúa Nguyễn đặt cho, khi ông dẫn quân chạy vào rừng gặp được cây bòn bon trái chín lúc lỉu, nhờ cây này mà Chúa và đoàn quân không bị chết đói. Phẩm vật tiến vua ngày xưa luôn phải có một một mâm.

Trái bòn bon trong dòn, ngoài héo
Trái thầu dầu trong héo, ngoài tươi
Em thương anh ít nói, ít cười
Ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng.

Theo câu ca dao trên, trái bòn bon phải heo héo bên ngoài vỏ thì bên trong mới tươi ngọt đậm đà, ai tham lam mua chùm trái to sẽ bị gạt, vì trái càng to hạt bên trong càng lớn, đang ăn ngon ngọt gặp cái hạt đắng mất cả thú, nhiều người nuốt luôn cả hột các bà nhà vườn bảo: “Ăn hột đâu có sao, thành thuốc!” nhắc đến câu thành thuốc mà thương, cây trái gì cũng có vị thuốc: lá thuốc - hoa thuốc - cây thuốc - vỏ thuốc dĩ nhiên trái cũng là thuốc, hạt cũng là thuốc. Vừa gặp anh Google mách lẻo, anh chàng Google này thuộc hàng nhiều chuyện thầy chạy hỏi một câu anh trả lời trăm câu, viết một chữ anh phóng trả ngàn chữ, người hỏi tối tăm mặt mũi như gặp khói trận đồ, ngồi dán mắt vào anh say mê nghe anh nói có đầy đủ hình ảnh phụ họa.

Công dụng thuốc và dinh dưỡng của dược sĩ Trần Việt Hưng sống tại Portland, trên trang Y Dược Ngày Nay:

http://www.yduocngaynay.com/
bài của ông viết đã được phát tán đều khắp thế giới internet, từ Việt Nam đến trăm ngàn nơi, qua bài ông viết mới hay đâu chỉ các cô các cậu thanh niên Việt Nam mới mê trái bòn bon mà rủ nhau đạp xe tìm đến các vườn cây để hái bòn bon, các cô các cậu người Phi người Thái, nhất là người Mã Lai, quê hương chính của cây bòn bon này. Cái tên gọi Bòn-bon giống tên gọi viên kẹo đường tròn xoay của Pháp nên anh Google có bảo: “Cái tên bòn bon này do một người Pháp đặt cho cây!”

Con chim vàng ảnh vàng anh
Ăn no tắm mát đậu cành dâu da
Ta thương mình, mình chẳng thương ta
Cành kiêu bổng phất, cành la đa chìm.

Nhắc đến bòn bon mà không nhắc đến trái dâu da cũng tội, những trái dâu duyên dáng nhẹ nhàng thòng từ thân cây mập mạnh, lần nào đi Lái Thiêu về cũng treo lủng lẳng trên giỏ xe, thuở mê chua hơn ngọt, mua dâu da rẻ hơn mua bòn bon, lý do trước cổng trường trung tiểu học ngày xưa bán dâu da cho học sinh mua ăn vặt, chẳng thấy bóng dáng trái bòn bon.
Trái dâu có duyên hơn trái bòn, các anh chàng “khéo ăn khéo nói” dùng trái dâu khen đôi môi em khen khuôn mặt em vì trái dâu không tròn nó hơi dài chút đỉnh, nhất là có điểm nhọn như dáng trái tim. Hai cây dâu da và cây bòn bon cũng cao to, cũng trái mọc trên thân từ trên cao xuống tận gốc, cũng là giống cây mộc trong rừng, tuổi phải hơn hai mươi mới chịu khôn lớn, “cành kiêu bổng phất, cành la đa chìm” .

Sống nhiều đi nhiều, gặp gỡ nhiều cây trái, mùa này dân chúng sống ở California, nhà nhà có trái rụng trái rơi, trái mời chim ăn, trái mang chia hàng xóm vẫn còn trĩu nặng đầy cây mà có không ít người vẫn đi tìm trái gì đó không có chung quanh. Tiềm thức bảo tìm trái dâu da chua lè chua lét, hái từ vườn mang ra bờ sông nâu đỏ mầu phù sa bóc ăn hết ruột đã lâu mà người bên cạnh kể chuyện mây nước trời trăng chưa hết, đầu lưỡi còn nhớ cả vị chua của vỏ lúc e lệ nghe người ta kể chuyện tình Roméo Juliette rồi hỏi: “Nếu tui là Roméo, bà có chịu đóng vai Juliette không?” Hình ảnh thuở 1970 một nam một nữ ngồi cách nhau cả sải tay, ở giữa là đống vỏ dâu da, không xa lắm cả đám bạn chơi đùa tiếng cười nói giòn tan đã là bao “lãng mạn – tình tứ” bốn mươi năm sau còn nhớ câu hỏi “lãng òm”

Năm xưa thầy mẹ bảo em
Chọn mua lấy quả dâu tiên xứ Truồi
Để nhà anh tới chịu lời
Ăn dâu quả ngọt ngẫm người biết ta!

Hồi ấy chỉ biết có vườn trái cây Bình Dương – Lái Thiêu, bây giờ biết thêm sông Hưng Bình Núi Ấn Lĩnh của Làng Truồi cũng là nơi trồng dâu, loại dâu tiên ngọt ngào có điểm son trên trái, điểm son là nơi ánh nắng sáng rọi thẳng vào chùm trái, tô màu thành vệt đỏ cam. Trong cả chùm hơn ba mươi quả, tìm trái dâu tiên mà ăn thì nhung nhớ cả đời.
Biết thêm bên đàng trai làng Truồi có thêm mâm dâu tiên dẫn cưới, đàng gái Làng Truồi trả quả cũng mâm dâu tiên.
Bóc vỏ quả bòn bon, mủ trắng dính tay, tìm trái heo héo không bị như thế, múi bên trong người bảo có năm múi, sao có trái chỉ mang ba múi vẫn đầy, múi xinh xắn mọng nước, ngậm tan trên lưỡi ngọt ngào.
Biết hạt là vị thuốc nên dành lại cho người yêu ăn tẩm bổ, mình thì dại chẳng thèm!
Cây bòn bon có hoa lưỡng tính cho vị ngọt thơm – dự luật số 8 đã thông qua rồi dâu da trảy vỏ thành bòn bon môi cười.
ngodong
#614 Posted : Friday, August 20, 2010 1:39:39 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Garage Sale!

Mùa hè mùa của garage sale, cửa nhà xe mở toang, hai chiếc bàn xếp được mở ra, loại bàn nhựa dùng cho các buổi họp mặt trong vườn có nướng sườn bò Đại Hàn, đùi gà Froster Farm, thịt vai thịt lưng của các chú cô ột ột, thời gian sau này người ta nướng cá hải sản và rau củ nhiều hơn thịt, không phải vì muốn tu nhân tích đức, giảm sát sanh, mà vì sợ bị bệnh.

Garage sale là một hình thức để tống khứ các vật dụng chủ nhà không còn thích nữa, nhất là các loại quà tặng linh tinh, sinh nhật – kỷ niệm ngày đính hôn, thành hôn, ngày cha ngày mẹ, ngày ông ngày bà, ngày thư ký, ngày tình nhân, ngày chủ, ngày tớ những món quà vô thưởng vô phạt, theo thời gian ngày càng vô thưởng vô phạt. Thí dụ năm đầu kỷ niệm ngày cưới, món quà chồng tặng vợ là đôi bông tai hạt xoàn lấp lánh – vợ tặng chồng cái bóp Louis Vuitton, năm thứ hai - thứ ba - thứ tư - thứ năm có thể vẫn còn có thể tiêu xài rộng rãi cho các món quà giá trị, đến lúc thằng cu cái hĩm xuất hiện, trăm thứ để lo toan, món quà kỷ niệm ngày cưới sẽ tà tà xuống giá, hay cả hai đồng vợ đồng chồng quên nó luôn cho khỏe túi, để tiền vào trương mục để dành cho con đi học. Khổ nỗi, lương tâm áy náy nhất là phương pháp quảng cáo hiệu quả không ngờ, đành phải theo hướng dẫn của quảng cáo ghé mua quà giá rẻ có kèm thêm dịch vụ gói ghém buộc nơ.

Cái thú tìm kiếm hàng garage sale không nhỏ, một buổi cuối tuần đẹp trời, buông bỏ mọi gọi mời tiệc tùng họp mặt, thanh thản tay trong tay đi bộ lang thang, sà vào garage sale mân mê nhòm ngó những món hàng chưng bày khắp nơi: trên thảm cỏ, trên mặt bàn, treo trên máng xối, móc trên hàng rào, để trên lề đường, những món hàng luôn có lịch sử dài dòng của nó theo lời người bán.

Thông thường khi đi bộ lang thang khó có thể mang vác, nên chỉ tốn vài đồng cho quyển sách hay những con thú nho nhỏ đúc bằng sứ tô màu tươi thắm, sách mang về có khi đọc ngấu nghiến có khi bỏ xó rồi quên, con thú thì để ngay trước cửa dưới gốc cây hoa cây mận, cũng là dịp để “đấng anh hùng” chiều “gái thuyền quyên” mở ví trả tiền ngay không nhăn nhó như khi đi mua sắm trong khu Valley Fair điệu đàng kiểu cách.

Ngày còn ở Việt Nam, học anh ngữ có chữ garage sale, không sao hiểu nổi "nhà chứa xe bán hạ giá" là bán cái gì, cho đến khi sang tận nơi, thấy tận mắt. Cái tủ đựng quần áo đầu tiên được sắm sau khi định cư tại San Jose sáu tháng, cái tủ gỗ từ trong ra ngoài có năm ngăn kéo trị giá mười đồng, bảng người ta ghi là $15 đồng. Lúc ấy vẫn chưa bỏ được cái tật đổi giá trị tiền đô thành giá trị tiền Việt Nam, rồi lẩm bẩm: “Nhiêu đây sống được ba tháng!” dĩ nhiên giá trị này đã thay đổi sau 20 năm. Năm 1990, 100 đô la nhận được dưới một triệu, nay gần hai triệu, mức sống cũng thay đổi chóng mặt, ngày nào dép da áo loang mồ hôi muối, nay giầy da đóng tại Thụy Sĩ, áo vest mua tận Pháp – Ý kiểu mới nhất chưa tính đồng hồ đeo tay kính râm kính thuốc.

Nếu một người tị nạn sống ở Mỹ, tuyên bố không biết garage sale là gì thì thật đáng tiếc, garage sale là bước đầu tập tễnh học ăn nói cho đúng tiếng Mỹ của người Mỹ, được nghe tâm sự đời tôi của chủ nhà, đôi khi người mua có dịp an ủi nâng đỡ tinh thần của người bán nữa chứ!

Cái đàn guitar hiệu Yamaha đựng trong thùng thật đẹp còn mới tinh, chiếc đàn nhìn thật tội nghiệp có lẽ từ ngày xuất xưởng đến khi nằm vạ trên mặt cỏ, dưới ánh nắng vàng hanh đã chẳng hát vang được mấy lần, con số dán trên thùng đàn 80 đồng, giá trị thật có lẽ gấp bốn năm lần hơn vì đàn đóng bằng gỗ loại để gảy nhạc cổ điển, dây ny lông, đàn nhẹ búng thử âm thanh ngân nga rung rung nức nở, dù không gian chung quanh mở rộng, chẳng có tường cách âm chi hết. Anh chàng chủ ra hỏi han, người mua cũng thày lay kể chuyện ngày xưa: “Cái đàn này giống cái tôi đã có, dĩ nhiên màu của đàn đậm hơn nơi tôi dựa tay vào nó, âm thanh ngọt ngào hơn vì mỗi ngày được tôi đặt tâm tình của tôi vào nó, tôi mang nó bán đi cho một anh thanh niên con nhà giàu vào năm 1976, lúc ấy tôi không cần đàn nữa cần gạo để sống v.v.” và câu chuyện ngày nay: “Đàn này của bạn gái tôi, đây là món quà tôi tặng cô ấy kỷ niệm ba năm hai đứa sống chung. Tụi tôi là high-school sweetheart, biết cô ấy thích đánh đàn tôi phải đi làm part-time gần một năm trời sau giờ đi học để mua tặng cô ấy. Nàng đã bỏ đi mấy năm nay rồi, tôi không biết đàn, nó làm chật chỗ quá, tôi muốn bán quách nó đi!” “Trời đất! đừng bán, anh có biết tôi tiếc cây đàn của tôi biết bao nhiêu không? Nếu trở lại thời cũ, tôi thề sẽ giữ cây đàn tới cùng, đói chút rồi cũng hết, tìm lại cây đàn không được nữa dù biết nó rơi vào tay người chủ mới rất dễ thương, nhưng không sao lấy lại được tình của người cha đã mua nó cho tôi, tôi bán đàn và sau đó ông cũng mất trong trại tập trung, kiểu giống như thời Đức quốc xã, tôi vật vã đau khổ bao lâu anh biết không? Chỗ của cái đàn chiếm bao nhiêu mà chật, 80 đồng anh mua được cái gì mới, trong khi anh làm mất đi kỷ niệm dù có thể hơi buồn chút về người bạn gái thân thiết như vợ chồng, đã bỏ anh mà đi? Nhìn cái đàn anh sẽ nhớ đến lúc anh cố gắng tìm đủ tiền, sắm món quà giá trị nhất cho người mình yêu khi anh còn trẻ, kỷ niệm này sẽ nhắc anh khi anh muốn anh sẽ làm được phải không, đừng bán nó tội nghiệp.”

Anh chàng tròn mắt nhìn người phụ nữ Á Đông, nói một tràng ngôn ngữ của anh chắc chắn còn nhiều thanh âm tiếng Việt, ngay cả lủng củng ngữ pháp văn phạm kiểu broken English.
Chẳng biết anh chàng có hiểu hết bà ta nói gì không, hay bỗng dưng anh ngộ ra một điều mang chiếc đàn hơn 500 đồng đem bán 80 đồng là không được thông minh cho lắm mà vài tiếng sau, khi đi trở lại, chiếc đàn được dấu sau lưng ghế anh ngồi, anh giơ ngón trỏ lên trời làm dấu khi thấy bà đi ngang nhìn vào sân dò hỏi.

Khi anh dọn nhà sang tiểu bang khác, anh chở một xe đầy những chậu cây sang nhà bà để gởi với câu hứa hẹn, khi có dịp về lại San Jose sẽ ghé xem cây mọc cao đến đâu!

Bà Á Đông hỏi:
- Anh không nghĩ tôi cũng sẽ dọn nhà đi mất sao?
Anh nói: “Người như bà không dễ thay đổi hay vứt bỏ kỷ niệm, mái nhà đầu tiên sẽ là cuối cùng, tôi nghĩ thế! Tôi có mang theo chiếc đàn, tôi đang học tâm sự với nó, quả là âm thanh có ngọt hơn!”

Mùa “nhà chứa xe bán hạ giá” sắp chấm dứt, những bảng treo trên cột đèn đã ngớt – Mùa Thu sắp trở về.

Binh Nguyen
#615 Posted : Friday, August 20, 2010 1:55:25 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
Chị Ngô Đồng, anh ấy nên hát bài: "Đập vỡ cây đàn, giận đời đập vỡ cây đàn, đàn ơi đàn ơi, tình ơi, tình ơi..." nhưng ngu sao làm vậy, đến 80 cũng không có?! Blush

Còn cây đàn của người phụ nữ Á Đông làm em buồn muốn khóc. heart

BN.
ngodong
#616 Posted : Friday, August 20, 2010 10:38:53 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
quote:
Gởi bởi Binh Nguyen

Chị Ngô Đồng, anh ấy nên hát bài: "Đập vỡ cây đàn, giận đời đập vỡ cây đàn, đàn ơi đàn ơi, tình ơi, tình ơi..." nhưng ngu sao làm vậy, đến 80 cũng không có?! Blush

Còn cây đàn của người phụ nữ Á Đông làm em buồn muốn khóc. heart

BN.



Mỹ không có "khù khờ" thất tình như Việt Nam hay sao á - người ta khôn hơn, không đập đàn uổng - còn đi tìm đàn khác nữa đó.

Nhớ chuyện cây đàn chị vẫn bị cay mắt đó Bình.
ngodong
#617 Posted : Friday, August 27, 2010 12:06:12 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Việt Dã


Chạy, chạy và chạy là môn thể thao không khó, “chưa đi đã chạy” dễ ơi là dễ, vừa 9 tháng tuổi đã biết đi là việc bình thường, nhất là không thèm bò, lò dò đi còn nhanh hơn nữa. Chẳng cần bất kỳ một dụng cụ gì, chẳng đòi hỏi bất kỳ một khả năng đặc biệt gì, ai cũng có thể chạy giống ai. Nhưng chạy việt dã thì phải tính lại.

Việt dã Marathon, được biết đến lâu ơi là lâu, qua câu chuyện được truyền tụng kể lể về một người anh hùng tên Pheidippides bên Hy Lạp, thời 530 trước Thiên Chúa Giáng Sinh, Pheidippides chạy 42 cây số và 192 mét đổi sang dặm Anh là 26 dặm 385, những số lẻ chẳng cần nhớ làm gì chỉ cần nhớ số chẵn cho nhanh. Đoạn đường 42 cây số dài bằng 42 lần chiều dài cầu Sài Gòn (gần 1000 mét chiều dài) và gần 16 lần chiều dài của cầu Kim Môn - Golden Gate ( dài hơn 2.700 mét). Người anh hùng chạy đường trường từ trận giáp lá cà Marathon về thủ đô Athens báo cho vua biết tin chiến thắng quân Ba Tư, chạy không ăn không uống nên sau khi la to “chúng ta toàn thắng” là người anh hùng trút hơi thở cuối cùng. Chuyện kể thuộc dạng huyền thoại còn bị tranh cãi vì không đúng với các nguồn ghi chép lịch sử khác, nhân vật luôn bị khai tử để không bị chất vấn nữa, chết rồi là hết.

Với nguồn gốc huyền thoại như được kể truyền tụng mọi nơi, nên môn chạy Marathon là môn thể thao dành cho mọi người mọi giới, ai muốn tham gia cũng được, chỉ cần mua một đôi giầy vừa chân, có bộ quần áo dễ chịu để chạy.

Môn thể dục đi bộ, chạy bộ được khuyến khích để hạ đường trong máu, giảm chứng mập ù, nhất là luyện cho con người tính kỷ luật – trong quân trường chạy mỗi sáng là việc bình thường. Nếu so sánh với thái cực quyền – càn khôn thập linh – thập thức bảo kiện pháp – suối nguồn tươi trẻ thì chạy và đi bộ quá là dễ để bắt đầu.

Cái lạ của môn chạy này là, chạy phải trả tiền. Cô em nói với cậu em đang hăng hái chuẩn bị chạy Full Marathon ngày 25 tháng 7 – 2010 tại San Francisco: “Mày có vấn đề gì không, đã chạy hộc hơi còn phải tốn vài trăm là thế nào!” Cậu em chỉ tủm tỉm cười khi nghe bà chị nhà quê hỏi thế, sống ở Mỹ làm gì mà không tốn tiền chứ, nhất là khi người ta phải tổ chức tại một thành phố lớn nổi tiếng nhất thế giới. Ai sống tại thành phố Cựu Kim Sơn – San Francisco rồi không muốn di chuyển sang nơi khác chính là vì mỗi tuần đều có cuộc vui mới, không chạy này cũng chạy kia, không diễn hành này cũng diễn hành nọ, chưa tính đến khí hậu và không khí biển thật dễ chịu, người dân San Francisco vui tính, ăn mặc đẹp sang, khu mua sắm shopping đầy dẫy, món ăn quốc tế muốn gì có nấy, nhiều viện bảo tàng đặc biệt, nhiều thắng cảnh đẹp để xem ngoài chiếc cầu đỏ đã quá nổi tiếng, luồn lách đi đâu cũng có cảnh đẹp để ngắm – sáng sớm đẹp theo sáng sớm, chiều tà đẹp theo chiều tà, tối khuya đẹp theo tối khuya. Đặc biệt hơn nữa là đội ngũ người không nhà homeless, họ khiến cho thị trưởng nhức đầu, cư dân khó chịu nhưng du khách thích nhòm ngó và tự cho phép mình chép miệng thương hại San Francisco, kiểu một cô gái không dám ghi tên dự thi hoa hậu, chép miệng thương hại cô gái đạt giải á hậu kiều diễm.

Đọc điện báo từ Việt Nam phóng lên mạng, các cuộc chạy Việt Dã luôn để chào mừng một sự kiện gì đó, luôn để tôn vinh một nhân vật nào đó và đoàn chạy phải là nhóm vận động viên của từng khu vực được đề cử chạy. Tại Mỹ ai cũng có thể ghi danh chạy, người không chạy được thì đi bộ cũng chẳng ai cấm, đi hay chạy miễn sao vừa khít với khỏang thời gian ban tổ chức hoạch định là được, vì phải trả lại đường phố cho xe di chuyển, không lẽ đóng hẳn cả ngày chờ cho người chạy chậm đến đích.

Ngoài việc đóng tiền để ban tổ chức có thể điều hợp cho chục ngàn người tham dự, người chạy việt dã còn được hân hạnh đóng tiền cho các tổ chức thiện nguyện giúp đỡ người khốn khổ bệnh họan, giúp đỡ các chương trình nghiên cứu khoa học tìm thuốc chữa trị bệnh nan y, mỗi dặm đường chạy là một món tiền nhỏ đóng góp vào quỹ từ thiện. Các cơ sở muốn được quảng cáo, các nhà thiện tâm dù không trực tiếp tham gia chạy marathon cũng có thể đóng góp bằng cách bảo trợ cho vận động viên không chuyên nghiệp. Các cháu còn đang đi học thường xin các bác sĩ nha sĩ của gia đình bảo trợ, mỗi người bảo trợ vài dặm là các cháu đủ tiền đóng để tham dự. Chạy cho ung thư ngực, chạy cho AIDS, chạy cho . . . . một đoàn người cùng chạy, màu da sắc tộc hòa lẫn màu áo màu nón, đôi khi chen lẫn vài trang phục đặc biệt nổi bật, vài biểu ngữ bày tỏ ý kiến riêng, ngay cả qùy xuống đường cầu hôn cùng người yêu đi theo hỗ trợ, như anh Gregg Clark vừa thực hiện trong cuộc chạy đường trường này tại Anh Quốc.

Muốn biết ai chạy nhanh chậm, mức độ chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp là tùy vào các con số họ đeo trên ngực – để ý các cuộc thi Olympic đạt được kỷ lục thông thường hơn một tiếng, nên các con số bắt đầu ám chỉ người chạy mất bao nhiêu giờ mới chạm được mức đến – nhóm có số 2-3 trong đoàn việt dã rất oai phong, bắp chân chắc nịch, màu da rám nắng, những người này họ mê chạy hơn đi shopping, mê chạy hơn mê ngủ, họ chạy mỗi ngày vài dặm là chuyện thường và dĩ nhiên họ đã chạy bền bỉ như vậy hơn bốn năm là ít – nhóm từ số 4 đến số 6 thường rất đông, nhóm này pha trộn đủ mọi “trình độ” mỗi năm một lần hay vài lần, luyện tập khi có khi không, nhưng cũng thuộc vào hạng khá, các số từ 6 trở xuống là dành cho người vừa gia nhập đoàn chạy, đã chạy lăng quăng trong công viên, đã chạy trường kỳ trên máy có gắn dây và chạy chơi cho biết.
Xếp hàng nhận áo thun, áo gió trước ngày nhập cuộc, nhìn chiếc phướng bay bay gắn trên nón ông già lọm khọm “It take me 3 hours”, cậu em nói giọng khâm phục: “Chị xem ông đó chạy 26 dặm có 3 tiếng thôi đó!” Hai cô gái xinh xắn đứng kế bên góp tiếng: “Hẳn ông ấy đã thay móng chân cái cả chục lần!” Cậu em giải thích, chạy đường trường thường bị bong móng chân caí vì sự cọ sát với giày, móng chân tím dần rồi tự động bong ra, các cô chạy việt dã thường không có thú sơn móng chân nữa, đôi chân lúc nào cũng nằm trong đôi giày để chạy. Thêm một điều thú vị là các ông khi chạy đường trường phải mua băng keo dán đầu ngực, nếu không sự cọ sát của da vào áo làm ngực bị chảy máu.

Thế thì, ngoài việc phải đóng tiền để được chạy việt dã, người ta còn phải chịu đau đớn đủ thứ, vậy tại sao lần tổ chức nào con số người tham dự cũng đến hơn vài chục ngàn mà phần thưởng cho người hạng nhất hạng hai hạng ba không là mục đích chính? Sức khỏe là một, niềm vui là hai điều thứ ba ai cũng muốn đụng đến là điểm “chết – hitting the wall” khi chạy việt dã, có một lúc người chạy không còn cảm giác gì nữa hết, không thấy không nghe không cảm, tòan cơ thể rã rượi không tuân theo sự điều khiển của khối óc, ngay lúc ấy tinh thần soi sáng, ý chí vùng lên bắt miệng hớp vài ngụm nước gồm có các chất thay thế muối đường trong máu để chạy đến đích.

Vì lý do này mà không ít người theo đuổi môn thể thao chạy việt dã, chẳng cần ai tôn vinh trao mề đay chiến thắng cho mình, ngoài chính mình.

Mỗi lần chạy là một lần chiến thắng vinh quang chính mình.
Khánh Linh
#618 Posted : Monday, September 6, 2010 8:38:10 AM(UTC)
Khánh Linh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,775
Points: 1,317

Thanks: 139 times
Was thanked: 110 time(s) in 98 post(s)
Chị NĐ ơi,

Hôm nay ngày nghỉ lễ KLinh tới thăm chị nè! Chị viết nhiều chủ đề thiệt là “hot!" Wink

Nhiều người "ghiền" chạy vì chạy tới một lúc nào đó thì cơ thể tiết ra chất hóa học gọi là "endorphins," giống như thuốc phiện làm cho người ta “feeling good” đó chị. KLinh đi/chạy bộ ở track gần nhà thấy có một bà ở khu kế cận, dáng người cao và thon thả, lần nào bà ấy cũng chạy suốt cái track rồi trở về, hình như cỡ 8 miles hay hơn.

Chạy nhiều quá nhất là đường đồi (hill) cũng làm mòn sụn ở đầu gối, phía dưới xương bánh chè (knee-cap.) Khi lớn tuổi đầu gối sẽ bị viêm, đau nhức và có khi phải giải phẫu để thay thế khớp xương giả.Eight Ball

Chị NĐ có chạy mỗi ngày không vậy?
ngodong
#619 Posted : Monday, September 6, 2010 12:23:01 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
quote:
Gởi bởi Khánh Linh

Chị NĐ ơi,

Hôm nay ngày nghỉ lễ KLinh tới thăm chị nè! Chị viết nhiều chủ đề thiệt là “hot!" Wink

Nhiều người "ghiền" chạy vì chạy tới một lúc nào đó thì cơ thể tiết ra chất hóa học gọi là "endorphins," giống như thuốc phiện làm cho người ta “feeling good” đó chị. KLinh đi/chạy bộ ở track gần nhà thấy có một bà ở khu kế cận, dáng người cao và thon thả, lần nào bà ấy cũng chạy suốt cái track rồi trở về, hình như cỡ 8 miles hay hơn.

Chạy nhiều quá nhất là đường đồi (hill) cũng làm mòn sụn ở đầu gối, phía dưới xương bánh chè (knee-cap.) Khi lớn tuổi đầu gối sẽ bị viêm, đau nhức và có khi phải giải phẫu để thay thế khớp xương giả.Eight Ball

Chị NĐ có chạy mỗi ngày không vậy?



Dạ, chị ghé nhà em vui lắm - em có chạy cách đây 10 năm, em có phá đầu gối bằng các lớp arobic cách đây cũng hơn 6 năm, khi em có dấu hiệu đau khớp, đau đầu gối bả vai là khi em chuyển sang thái cực quyền. Nói chung em sống rất cân bằng (khi không em tự đánh giá mình) bây giờ em thích những môn thể dục làm cho toát mồ hôi bằng cách thở như thái cực quyền - càn khôn thập linh - yoga - đi bộ nhanh và làm vườn. Bơi lội thì em xen kẽ - vì tóc rụng và da nhăn khô quá.
ngodong
#620 Posted : Monday, September 6, 2010 12:25:26 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Đẹp

Hôm đám tang bà tôi, cô The khóc thành thác, mình cô lếch thếch đi theo quan tài mũi dãi ròng ròng, cứ mà “Mẹ ơi mẹ ơi …” . Xe đưa thành đoàn cũng ngót trăm chiếc, bà tôi đi, cả họ kéo về tiễn. Những đứa cháu từ xa chưa hề gặp mặt, có đứa đang giữa mùa thi, cũng theo ba mẹ về chịu tang. Nhiều anh chị họ tôi không nhận ra, vì không gặp nhau đã hơn mười năm. Ai nấy đều bận đồ đen, đeo kính đen, nghiêm trang, lịch sự. Nhiều người khó chịu ra mặt, vì cô The cứ i ỉ khóc mãi không nín. Bác Phó gái lâu lâu lại chạm vai cô, nửa an ủi, nửa muốn cô rời xa xa cái quan tài đôi chút, nhưng rốt cuộc đành lắc đầu để mặc cô . Cứ thế, cái đám tang y như chỉ của riêng cô, từ nhà quàn vào nhà thờ, từ nhà thờ ra đến nghĩa địa. Táng xong thì cũng đến ba giờ trưa, mọi người kéo về nhà Bác Phó ăn uống . Tôi bảo Psi đứng đợi, có ý quay tìm xem cô The để hỏi thăm. Chợt bàn tay lạnh ngắt chạm nhẹ vào ót, một luồn điện như từ cõi âm chạy lên khiến tôi rởn da gà. Quay qua, cô The phà khói mùa đông ra như người hút thuốc, những làn khói ấy đọng lại thành âm thanh trong không trung, đương hỏi “In và Psi có cần ai chở về ?”

Tôi nhớ ngày chú Bình dắt cô The đến nhà lần đầu tiên ra mắt, nhằm vào ngày dỗ ông tôi. Tuy mọi người đã xì xầm về tơ duyên của chú Bình cả hai ba tháng trước đó, không ai tránh khỏi sự ngạc nhiên khi giáp mặt cô The. Cũng tưởng chú Bình toan độc thân vui tính cho đến cuối đời, bởi chú ngoài bốn mươi vẫn chưa hề có một mảnh tình vắt vai, ai ngờ, người chú dắt về chỉ độ tuổi các cháu mà thôi.

Cô The lấy chú Bình năm cô hai mươi hai tuổi, thua chú Bình hai con giáp. Cô The không đẹp, không xấu, nom mặt hơn một phút thì đâm chán. Mẹ tôi hay cười bảo là tướng cô nhà nông, vì thân hình cục mịch, đứng đâu thì cứ như lập tức đâm rễ xuống nấy. Mẹ nói vậy vì mẹ tôi đẹp nhất trong một gia đình toàn con cái xinh đẹp, đa số lấy toàn con cái người khác cũng khôi ngô tuấn tú cho hài lòng. Đối với mẹ, cái xinh đẹp của con gái rất quan trọng, gần như nó cho hoặc lấy đi quyền được yêu, được sánh duyên, được sinh con đẻ cái. Mà không chỉ có mẹ tôi mà thôi, đến cả các bác trai, bác gái, cô, chú xinh đẹp của tôi, hình như đối với họ, nhan sắc là một niềm kiêu hãnh lớn lao, là một tiêu chuẩn dẫn đến sự an lạc trong đời. Tuy vậy, mẹ tôi không hề tỏ thái độ khó chịu gì với cô The. Hầu hết mọi người khác cũng dễ dãi, có lẽ họ cũng sẽ chỉ vui vẻ tiếp nhận cô như một tiêu đề có thể đem ra kháo nhau trong bếp, trong phòng khách, ngoài sân cỏ mà thôi. Kháo như thể bác Phó chép miệng rằng:

- Cái The trông nó thô thật, hôm Nô-en chị tặng nó cái quần hiệu, mà mãi hôm kia mới thấy nó mặc, cặp đùi nó làm uổng cái quần đi !

hoặc kháo như thể cô Nga vợ chú Nguyên:

- Giọng quê chị The nghe hoài nhức đầu lắm, em cứ bắt phone chị ấy năm phút là hai thái dương nó đau đau!

Vâng, có lẽ cô The sẽ chỉ là thế trong một gia đình giàu ngôn ngữ xầm xì phát đi sau mỗi buổi đọc kinh, hoặc đang lúc làm cơm, hoặc qua điện thoại. Chỉ thế thôi, nếu như cô The không phải là cô The, cô không có một trái tim đầy nhiệt tình, một cái miệng huyên thuyên sớm tối, và một chủ nghĩa tôn thờ lẽ phải muôn đời.

Cô The mồ côi từ bé, chưa hề được một lần gọi ai là cha, ai là mẹ. Cô không nói cho ai biết cô lớn lên ra sao, sống với ai, qua Mỹ năm nào và bằng cách nào. Đàng sau lưng cô luôn luôn là một bức tường quá khứ, gia đình tôi không ai leo được qua phía bên kia để thăm dò. Gặp bà tôi lần đầu tiên, cô The đã tỉnh queo kêu bà tôi là Mẹ. Một mẹ, hai mẹ, lại tự giới thiệu: “Con cả đời khổ, không có ai để kêu, bây giờ con có mẹ rồi, con vui lắm mẹ ạ!”

Quen chú Bình chưa đến nửa năm, hai người làm ngay đám cưới, khiến cho các bác các cô chú chạy vòng vòng lo liệu muốn xỉu. Ông bà tôi ngày xưa ở Việt Nam đều từ gia đình có quyền có bạc, lại nghiêm khắc và khó khăn với các con hơn cha mẹ tôi rất nhiều bây giờ. Thế nên, cho dù qua đến bên này, thiên hạ không mấy ai biết đến cái tên cái uy của ông tôi, nhưng đám cưới chú Bình hô ra cho dù có chớp nhoáng đi mấy chăng nữa, cũng không thể nào mất mặt với “Người Ta - Người mình”


Tôi đọc lại đoạn văn được viết đã rất lâu của cháu, ngẫm nghĩ mãi về vẻ đẹp cháu nhìn thấy được qua dáng vẻ người đàn bà cục mịch được làm dâu trong một gia đình đầy những trâm anh đài các, tôi thấy mang máng đâu đó bao hình ảnh rõ nét đàng sau cánh cửa gỗ sơn bóng lưỡng màu vec-ni . . và kể tiếp:

Cả một dòng họ như thế, cả một cỗ máy nặng nề cũ kỹ ấy tiếp tục lăn trên mảnh đất đầy ắp điều mới lạ, mảnh đất mở toanh hoác cho tất cả mọi thứ được quyền vươn lên. Cô The vươn lên, giả như còn ở Việt Nam, không cách gì cô len được vào cửa nhà tôi, cho dù chú Bình là con cầu con khẩn, cho dù chú Bình có là cậu con út muốn gì được nấy theo kiểu: khó con út – giàu con út. Chẳng biết những lời bình phẩm to nhỏ, có đến tai cô The hay không mà cô thản nhiên chấp nhận: “Cái dáng em trời cho thế, chẳng sao bì được với các chị - giọng nói em thế tự lúc bé chẳng thế nào sửa cho thánh thót nhẹ nhàng!” rồi gia đình nào có công có việc, chẳng nhờ cô cũng xăng xái giúp ngay. Bác Phó ngày nào kháo về cặp đùi thô làm hư cái quần hiệu, đến cô Nga kháo về giọng nói khiến cô nhức đầu đã hiểu ra hình dạng thô ráp ấy, giọng nói quê kệch ấy gấp năm gấp mười lần cái hình dạng thon thả xinh xắn, cái giọng nói uốn éo văn chương cũng bấy nhiêu tôn kính dạ vâng lấp lửng, khi gặp khó chẳng thấy bóng dạng nơi đâu .

Làm dâu trong đại gia đình có quyền có bạc một thuở, chẳng còn gì phần lại cho mình, cô The sẵn lòng chạy ra chạy vào với bà tôi những ngày bà còn nằm trong viện dưỡng lão, chẳng một lời than thở so bì với các chị dâu em chồng khác, ai sai cũng vâng, ai bảo cũng dạ, ai nhờ cũng xong, cô The chỉ mỗi câu: “Mẹ còn bao lâu nữa đâu, làm được gì em làm tất.” Giọng nói cô cứ sang sảng reo vui, cho dù đôi mắt cô có sụp hẳn xuống vì mất ngủ.

Người ta quen tìm ngắm người đẹp, quen thích nghe giọng nói nhẹ sang, cô The chẳng phô gì ra ngoài, chỉ khóc thành thác, mình cô lếch thếch đi theo quan tài mũi dãi ròng ròng, cứ mà “Mẹ ơi mẹ ơi …”
Users browsing this topic
Guest (125)
47 Pages«<2930313233>»
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.