Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 3,437 Points: 1,167 Thanks: 85 times Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
|
Không gian chung quanh êm ả, dưỡng khí và thán khí quyện lẫn nhau, hơi thở tôi vào ra nhịp nhàng theo nhịp đập trái tim, nằm yên bình trong lồng ngực. Thứ sáu vừa qua chị của mẹ tôi đã về với Chúa, theo cách xưng hô của Việt Nam, chị và em gái của mẹ tôi phải gọi là Dì, anh và em trai của mẹ tôi phải gọi là Cậu, nhưng trong gia đình tôi, hai bên nội ngoại đều được gọi là bác (anh và chị), chú (em trai), cô (em gái). Bác của tôi rất đẹp, bác là hoa khôi một thuở ở Phố Nhà Chung Hà Nội, bác giống bà ngoại của tôi, da mặt của bác mịn màng, nụ cười của bác ngọt như trái hồng chín, giọng nói của bác có âm vọng ngân nga, bác giỏi nhất nhà, buôn bán, hụi hè, trong lúc mẹ tôi và cô của tôi chỉ giỏi việc thêu thùa vá may, bếp núc. Bác tôi sống ở thủ đô tị nạn Little Saigon, tôi sống ở miền Bắc được mệnh danh là thủ đô tình thương, vì tất cả các chương trình ca nhạc từ thiện, đều bán hết vé trước ngày trình diễn. Mỗi lần về Little Saigon tôi luôn ghé thăm bác. Lần cuối ngồi nói chuyện với bác, là lần nghỉ hè tháng bảy vừa qua. Bác vẫn cười thật tươi, giọng Hà Nội vẫn ngọt ngào. Bác tôi bị ung thư phổi, bác đội tóc giả màu hạt dẻ bác vẫn đẹp và sang như bao nhiêu lần tôi gặp khác. Vài đêm trước tôi nằm mơ thấy Mẹ tôi và Ba của tôi. Chẳng biết giải thích ra sao, vì biết bác đau sắp ra đi, hay vì giấc mộng báo trước một điều gì đó. Tôi nghĩ có lẽ cả hai đều đúng. Cách đây ba mươi sáu năm, khi me tôi mất đi, bác tôi đang ở Nha Trang, thăm anh họ của tôi học quân sự tại trường Đồng Đế, khi về Sai Gòn, đám ma của mẹ tôi đã hoàn tất, bác ngồi bên ảnh của mẹ tôi khóc vùi, tôi còn nhớ bác thổn thức: “Em giận gì chị không, mà bỏ đi không cho chị nhìn mặt!” Lòng tôi lặng lờ, lăn tăn gợn sóng, tôi biết tôi sẽ mất dần đi từng người thân thuộc, nỗi buồn mất mát người thân tôi đã học rất sớm, từ năm mười sáu mồ côi mẹ, hai mươi mồ côi cha, và bây giờ các bác tôi lần lượt theo nhau về một thế giới mơ hồ nào khác. Dòng đời luôn di chuyển không thể ngừng lại, bác tôi bảy mươi tám tuổi đã được gọi là thọ lắm rồi. Tháng trước, Irine người hàng xóm cạnh nhà, cũng ra đi nhưng ở độ tuổi 43, hai đứa con gái của cô còn trẻ mà đã cho Irine năm đứa cháu ngoại, ở chung nhà, nếu cô không mất đi, tôi không biết cô còn trẻ như thế. So sánh những cái chết chung quanh, tôi không biết chết trẻ hay chết già là hạnh phúc. Irine mất đi có lẽ cô còn nuối tiếc nhiều thứ, bác tôi chắc chẳng nuối tiếc gì. Một cái chết khác, Cecil, người bệnh nhân to lớn của tôi, đã yên nghỉ, sau hơn hai mươi năm lệ thuộc vào người vợ thủy chung tận tụy và chiếc xe lăn từ năm ông ba mươi sáu tuổi vì chứng bệnh MS (multiple sclerosis). Tôi nhớ ông nói với tôi: “Giữ nụ cười trên môi, an ủi kẻ bất hạnh, bằng cách đối xử với họ như người bình thường!” Tôi hiểu kẻ bất hạnh ông nói đến, là những người không thể đứng trên đôi chân để đi lại được nữa.
Lần đầu gặp, tôi đã để ông tự lái xe lăn theo tôi, vào phòng khám răng, tôi chỉ đi bên cạnh nói chuyện với ông, kín đáo canh chừng hai khủy tay của ông không bị va chạm vào góc tường, nhất là tôi nhờ ông dậy tôi cách de xe, khi ông de chiếc xe lăn thật to qua khỏi khung cửa hẹp. Tôi còn nhớ mãi khuôn mặt sáng rạng rỡ và nụ cười thật tươi của ông, khi nghe tôi hỏi như thế và ông đã dậy tôi thật tỉ mỉ, kỹ thuật di chuyển tay lái xe thế nào, mắt phải nhìn vào gương chiếu hậu ra sao, kính bên hông phải trái, hai phần ba chiều dài của xe đủ để bắt đầu xoay đầu xe ra khỏi nơi đậu xe v.v . Tôi đã mang ông trở lại ngày ông còn có thể lái xe, chiếc xe thật sự không là chiếc xe lăn cồng kềnh chậm chạm. Lần cuối gặp ông, là ngày gắn cho ông chiếc răng được làm bằng zirconia, một chất liệu thật đẹp tự nhiên như răng thật, tôi hỏi ông khỏe không? Ông trả lời: “không!” với giọng nói bị đờm làm nghẽn ở cổ, ông nói tiếp: “Tôi không muốn sống như thế này nữa, đủ một kiếp người rồi.” Thân xác ông vạm vỡ, tôi không thể chuyển ông sang chiếc ghế bệnh nhân được, tôi và ông nha sĩ phải đứng làm việc. Lần đầu tiên tôi thấy Cecil bị mắc kẹt trong chiếc xe ấy. Lúc chia tay, tôi đã ôm choàng vai ông từ biệt. Và ông ra đi ba ngày sau đó, chỉ vì bị cảm xoàng, ông yêu cầu bác sĩ không dùng ống dưỡng khí, nói với Jody vợ ông hãy để ông ra đi, bà mệt mỏi vì ông đã đủ lắm rồi. Linh hồn của Cecil – của Bác tôi đã hẳn thanh thản hơn Irine, thanh thảnh hơn những người bị tai nạn bất ngờ chăng? Không có câu trả lời, chỉ là những phỏng định.
Đám của Bác tôi, sẽ được tổ chức vào ngày thứ tư, trước lễ Tạ Ơn, mùa lễ năm nay có vẻ buồn bã với nhiều thông tin không tốt, nhiều người mất việc làm, mất nhà, mất tiền để dành, ngay cả gia đình, mạng sống. Tôi hay so sánh điều này với điều nọ, hạnh phúc – khổ đau, ân cần – lơ là, thương yêu – ruồng bỏ, những thái cực tưởng như khác biệt, nhưng thật ra chúng luôn bên cạnh nhau, cảm nhận hạnh phúc – ân cần – thương yêu hay chỉ thấy khổ đau – lơ là – ruồng bỏ là tự chính trong suy nghĩ của mình. So sánh tình hình hiện nay, với thời chiến, tôi tạ ơn Thượng Đế đã cho tôi hiểu câu kinh cầu: “Xin cho chúng tôi hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi, xin chớ để chúng tôi sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. ”
Tôi tạ ơn từng người tôi có duyên gặp gỡ, tạ ơn từng nhánh lá cành hoa, tạ ơn hơi thở ngọt ngào, tạ ơn từng tế bào li ti nhỏ bé, tạ ơn những khó khăn tôi đã gặp để nung tôi thành tôi hôm nay, tạ ơn những lời nói đắng cay tôi đã được nghe để tôi gìn giữ môi miệng mình, không thốt nên lời cay đắng. Hơn tất cả, tôi tạ ơn trái tim đang đập nhịp nhàng trong lồng ngực của người tôi yêu và yêu tôi. Ngày nào tim ngưng đập ngày ấy tôi khổ sở biết bao nhiêu.
|