Con Mèo Của Nhà TôiCho dù năm nay không phải là năm Mèo, nhưng tôi muốn nói, muốn kể về chuyện một con mèo, con mèo của nhà tôi, con mèo mà mẹ tôi vẫn thường nói khi chúng tôi còn bé, con mèo mà dân gian vẫn có câu: "Mèo vào nhà khó, Chó vào nhà sang." như vẫn còn ám ảnh trong tôi, cho dù bây giờ tôi đã có một mái gia đình riêng cho chính mình.
Thuở ấy, mỗi lần thấy chó nhà ai ghé đến cửa hay chạy vào nhà, chị em tôi có lỡ đuổi đi thì mẹ tôi lại quýnh-quáng lên:
- Ấy, sao các con lại đuổi đi? chó vào nhà hên lắm đấy!
Chị em tôi có phản đối vì con chó không sạch sẽ cho lắm thì mẹ tôi lại thản nhiên, dịu dàng đi lấy cơm cho nó ăn, để rồi khi no nê "ngài" tự động đi nơi khác mà mình chẳng phải mang tiếng là "đuổi cái hên" đi, cho dù chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến "Chó vào nhà sang" nhưng chẳng thấy nhà mình sang hơn tý nào.
Sinh trưởng trong một gia đình đông chị em, nhưng tôi vẫn là con bé nhiều nước mắt, nhõng nhẽo nhất nhà, lúc nào cũng muốn mọi người chiều chuộng, nếu không vừa ý là nước mắt ngập bờ mi ngay. Bởi thế chung quanh tôi cả một vòng tròn thương yêu bao bọc, để ngây thơ nhìn đời qua những đám mây hồng. Tôi nhìn đời, nhìn người với cái nhìn giản dị trong sáng, lúc nào cũng thích được nhẹ nhàng, nuông chiều như tôi đã thường ước mong có một con mèo nho-nhỏ thật dễ thương để được vuốt ve, đùa giỡn. Thế nhưng, ước mơ đó không bao giờ thành, vì triết-lý của mẹ tôi đưa ra "Mèo vào nhà khó..." như một thành trì vững chắc, vững chắc còn hơn cả bức tường Ô-Nhục Bá-Linh mà Ba và chị em tôi không thể nào xê dịch được.
Vào một tối trời giá lạnh, mùa đông miền trung đang đi về, cả nhà đang ngồi quây quần trước lò sưởi, chợt con mèo từ đâu khoan thai, yểu điệu nhẹ nhàng đi vào, mừng rỡ, tôi hý hửng chạy lại ôm vào lòng, mẹ tôi kêu lên:
- Con có bỏ con mèo ra không? Mẹ đã bảo mèo vào nhà xui lắm, bỏ ra ngay.
Tôi vẫn nâng niu, áp vào má vào cổ, vừa lim-dim vì sự cọ xát mịn-màng của con mèo, vừa phân bua với mẹ:
- Mẹ cứ nói vậy hoài, mẹ bảo Chó vào nhà sang nhưng con thấy nhà mình vẫn thế chẳng khác gì cả, mẹ chỉ dị đoan thôi.
Mẹ tôi im lặng trong giây lát, rồi hắng giọng ra lệnh:
- Nhưng mẹ bảo con bỏ nó ra ngay, mẹ không thích có mèo trong nhà, có mèo xui lắm.
Tôi chưa kịp lên tiếng phản đối, chị tôi đã chạy từ trên cầu thang phóng xuống, giả bộ hét lên:
- Mẹ ơi! Mèo xui lắm, mẹ đừng cho nó nuôi!
Nghe tiếng chân chạy ầm-ầm, tiếng hét như sấm của chị tôi làm con mèo giật mình cựa quậy mạnh, làm tôi hoảng hốt tung tay thét lên và con mèo cũng quýnh-quáng sợ hãi phóng nhanh ra cửa. Từ đó, tôi không còn thích mèo, tôi không còn dám mơ tưởng đến con mèo yểu-điệu đài các nữa. Mỗi lần vô tình chạm phải sự mềm nhũn của nó, làm tôi lạnh cả người, cho dù tôi biết ngày xưa chị tôi chỉ đùa giỡn, cho dù tôi không tin "Mèo vào nhà khó, Chó vào nhà sang" như sự dị đoan của mẹ. Nhưng không hiểu sao câu nói "Mèo vào nhà khó..." vẫn in mãi trong tâm trí tôi như không thể tẩy xoá được.
Ngược lại, bây giờ các con tôi lại thích mèo, một con mèo bé nhỏ như tôi đã từng ưa thích ngày xưa. Nhưng nhà tôi, nhà tôi lại chỉ thích loại mèo hai chân thôi quý vị ạ. Con Mèo của nhà tôi đang ở cách xa cả nửa quả địa cầu. Nhưng nếu con Mèo của nhà tôi cứ ở yên bên kia bờ Thái Bình Dương thì đâu có chuyện gì phải nói. Nhưng khổ nỗi con Mèo kỳ-quặc ấy đã không chịu ở yên trong cái vị trí của nó mà còn muốn xâm nhập sự khó khăn vào gia đình tôi y như loại mèo bốn chân mà mẹ tôi vẫn thường nói. Một hôm đi làm về, vội vàng thay quần áo xuống bếp làm cơm chiều, định trổ tài nấu món bò-kho, món ăn người Nam mà nhà tôi vẫn thích. Lúc đập tỏi, nhánh tỏi rơi xuống, vội cúi nhặt... Nhưng, mắt tôi hoa lên, tai tôi ù đi, tôi có cảm tưởng như cả bầu trời đổ ập trên lưng nặng trĩu, làm tôi như không đứng lên được nữa. Tay chân tôi lạnh buốt rã rời, lưng tôi giá băng như ai vừa dội một thùng nước đá... Cầm nhánh tỏi, tôi cầm luôn cả miếng giấy đã được xé nhỏ nằm vô tình dưới chân. Với nét chữ xa lạ, vỏn vẹn tên con Mèo của nhà tôi và thị-trấn Mộc-Hoá, Bạc-Liêu thì cũng quá đủ là một bằng chứng mà nhà tôi nhất định không thể chối cãi vào đâu cho được.
Nồi bò-kho hôm ấy cũng chẳng thành món, vì tôi cũng chẳng còn đầu óc đâu để nhớ công-thức nấu món bò-kho mà cô em chồng đã chỉ hôm nào. Nhưng... món ăn Nam, Bắc gì cũng dẹp hết, hơi sức đâu mà trổ tài nấu ăn cho một người bạc như vôi thưởng thức. Tôi bắt đầu làm nhiệm vụ của một thám tử nửa vời. Từ thùng rác cho đến những chồng sách, những quyển chi-phiếu đều được tôi để đôi mắt ướt ghé vào và kiểm soát tất cả những thư từ, hình ảnh từ Việt Nam gởi sang. Dĩ nhiên là tôi chẳng bắt gặp được gì, bởi vì ông chồng Nam Kỳ của tôi nhất định qua mặt một cách thật yên lặng. Nhưng nhà tôi có biết đâu, đã lấy phải người vợ quá thông minh nên chẳng có gì qua mắt tôi được. Con ruồi bay ngang tôi còn biết con nào đực, con nào cái thì làm sao nhà tôi có thể qua được cửa ải này phải không quý vị?
Vâng, chẳng cần phải suy đoán, tôi cũng biết chắc khi nhận được thư, nhà tôi đã hồi-hộp, mừng quýnh quáng cả lên, xem vội vàng rồi xé nhỏ lá thư, định thủ tiêu bằng cách bỏ vào túi quần, chờ khi nào đi làm sẽ bỏ vào thùng rác ở chỗ làm việc cho chắc ăn, như vậy có đến 10 cô vợ Bắc Kỳ như tôi cũng không thể nào khám phá ra cái tội gian dối ấy. Vả lại, nhà tôi vẫn khinh-thường bảo tôi khờ, mẹ tôi vẫn chắc lưỡi bảo tôi con bé dại là gì! Nhưng dù có khờ hay dại đi nữa, trời cũng chẳng dung túng cho kẻ gian, mà trời lại đãi kẻ khù-khờ như tôi, nên vô phước thay cho nhà tôi, đã chẳng rơi khỏi túi miếng giấy nào khác mà lại rơi đúng ngay tên "Con Mèo" của nhà tôi, cái tên mà bao lần tôi định giả vờ đăng nhắn tin trên báo để xem phản ứng của nhà tôi ra sao? Chưa kịp làm thì chuyện lại xảy đến. Số nhà tôi thật đúng là số đen... Ai bảo thích mèo làm gì nên mới xui như vậy.
Tấm ảnh đen trắng từ trong tấm bản đồ Cali mà chúng tôi đã dùng đến trong mùa hè vừa rồi chợt rơi ra làm tôi sững người, ngỡ-ngàng... Đọc hàng chữ nhỏ nắn nót ghi đằng sau:
"Tặng anh để cười khi nhớ..."
"Để thương khi ghét..."
Làm tôi mờ mắt, toàn thân đã lạnh lại càng lạnh buốt hơn, chân tay run lên, chung quanh như một màn sương mù dầy đặc bao quanh, đầu óc trống rỗng, tôi phải ngồi xuống ghế để lấy một điểm tựa. Tôi thề tôi không ghen, tôi chỉ buồn, tôi chỉ tức, tôi chỉ đau vì tự-ái mà thôi... Sức mấy mà tôi thèm ghen với nó.
Nhà tôi đi làm nửa đêm mới về, nằm trên giường cứ trằn trọc qua lại, chắc lại tưởng nhớ đến Con Mèo nên khó tìm được giấc ngủ, càng làm tôi tức tối, nghĩ đến câu viết sau tấm ảnh, lại còn chấm chấm sau câu nói làm tôi thêm lộn gan, nghĩ đến đó tôi chỉ muốn dựng nhà tôi dậy để la, để hét vào mặt cho vơi bớt tức tối đang đè nặng trong lòng.
Mặc kệ nhà tôi với giấc ngủ khó khăn, với tâm tư ngổn ngang của một người có cái tâm không ổn vì gian dối, tôi ra phòng ngoài, lục ví nhà tôi để tìm thêm những dấu tích ăn vụng. Đúng như tôi dự đoán, nhà tôi đã biết phòng xa nên sau khi đọc xong và huỷ bỏ lá thư, nhà tôi đã cẩn thận ghi lại địa chỉ ở đằng sau những tấm card nhỏ trong ví. Nhà tôi khôn khéo lắm, viết bằng viết chì với nét chữ mờ nhạt để tôi không để ý mà cũng không sợ bị mất liên lạc sau này. Nhà tôi cứ ỷ-y là không bao giờ tôi lục ví của nhà tôi cả. Vâng, chẳng khi nào tôi lục ví của nhà tôi, nhưng khi tôi ghé bàn tay, đôi mắt ướt vào thì thế nào cũng gặp chuyện chẳng lành và cần phải bàn đến. Để chứng tỏ cho nhà tôi biết "vỏ quýt dày, cũng có móng tay nhọn" nên tôi đã giúp nhà tôi làm sạch những tấm card visit bằng cách tẩy xoá thật kỹ những gì mà nhà tôi ghi lại đằng sau. Tôi làm một cách thật hoàn hảo đến khó có thể tìm ra dấu vết, cho dù có phải soi dưới một cái kính hiển vi đặc biệt nào đi chăng nữa.
Hôm sau đi làm, nhờ người bạn ở thư-viện photo giùm tấm ảnh và hàng chữ phía sau thành nhiều tấm. Có những tấm bạn tôi đã nghịch ngợm in thật đậm nên trông người trong ảnh thật là ghê, thật tức cười. Đã vậy còn quay sang tôi hắn đùa:
- Này, xem kỹ chưa? Người trong hình đẹp sexy như thế này ai mà chẳng ham?...
Lúc đó, nhìn kỹ tấm ảnh, tôi mới thấy Con Mèo của nhà tôi chụp hình nửa người, không biết có mặc áo hay không nhưng tôi thấy cả đôi vai trần, để lộ gần hết bộ ngực làm tôi nóng mặt. Tôi xin thề là tôi không ghen, tôi chỉ tức nhà tôi thôi, xá gì cái thứ như vậy mà ghen cơ chứ!... Nhưng dù không ghen, tôi cũng nhất định phải cho nó với nhà tôi một bài học nhớ đời mới được.
Nghĩ cũng tội nghiệp cho nhà tôi, muốn ngắm hình Con Mèo mà chẳng dám ngắm tự-nhiên, cứ phải lén lút. Thành ra, để tạo sự thoải mái cho nhà tôi nên những tấm ảnh nhờ photo sáng nay, đã được bàn tay giận-dỗi của tôi dán lên những chỗ mà nhà tôi thường ghé mắt đến. Một tấm được dán ngay giữa gương trong phòng tắm, chỗ mà nhà tôi nhất định phải ghé mắt nhìn trước khi cạo râu, rửa mặt đi làm. Một tấm ngay trên đầu TV, một tấm ngay chỗ ghế nhà tôi hay nằm đọc sách... Dán, tôi dán nhiều lắm, bất cứ chỗ nào tôi nghĩ nhà tôi có thể ghé mắt đến là chỗ đó được hân hạnh đón một tấm cho bõ ghét, để tha hồ mà thương với nhớ. Chỉ có trong phòng ngủ là không, vì tôi sợ cho chính tôi phải nhìn thấy tấm ảnh ấy, khuôn mặt ấy sẽ lên cơn sốt nên chỗ ấy đã may mắn được tôi bỏ qua. Nhưng nhà tôi thuộc loại đàn ông lỳ nhất thế giới, cứ tỉnh bơ như không, chẳng thắc mắc, chẳng lên tiếng gì cả, cứ để tôi độc diễn trong cái tức lồng lộn, càng làm tôi tủi thân, càng làm tôi đau đớn.
Buổi chiều đi làm về, nhìn lại những tấm ảnh dán hôm qua đã được nhà tôi và thằng con lấy viết vẽ râu, vẽ cằm cho người trong hình. Thái độ của nhà tôi cứ làm như không biết chuyện gì xảy ra trong nhà, như người trong hình không liên quan gì đến mình. Nhà tôi cũng chẳng thèm tháo gỡ những tấm ảnh ấy, cứ để yên như vậy. Ngày này sang ngày khác, và tôi cũng thế... Nhưng cứ tưởng nhà tôi thuộc loại lỳ có hạng, ai ngờ cũng nhát gan, khi nhà có khách, nhà tôi đã lặng lẽ đi một đường khắp nhà để làm lễ hạ những tấm ảnh vào thùng rác. Đi làm về thấy vậy, tôi cũng lại bắt chước nhà tôi làm lễ "thượng kỳ" từ thùng rác lên lại chỗ cũ cho phải phép với nhà tôi. Nhưng rồi, tôi vẫn là người chịu thua trước sự im lặng, trước cái sự không đả động gì đến những tấm ảnh trên tường. Tôi có cảm tưởng nhà tôi đang đùa cợt trên sự đau khổ của tôi... Trò chơi đã đến lúc phải kết thúc, tôi phải lên tiếng, tôi đành phải đối diện với con người bạc tình bạc nghĩa, đành phải đối diện với cái đau ngút ngàn của mình...
Kể từ khi biết nhà tôi có mèo, không đêm nào tôi ngủ được, hầu như thức trắng đêm để rồi nhìn mình trong gương thấy thảm hại tiêu điều. Đôi mắt quầng thâm lúc nào cũng ướt trên gương mặt xanh xao hốc hác càng làm tôi thêm oán hận nhà tôi. Ngồi ở phòng khách đến hai giờ sáng nhà tôi mới đi làm về. Thấy tôi ngồi đấy nhưng cứ thản nhiên bước vào trong như không biết đến sự hiện diện của tôi. Tôi lên tiếng muốn được nói chuyện, nhà tôi trở ra với khuôn mặt biến sắc, biết trái bom bắt đầu châm ngòi, biết chiến tranh bắt đầu nhen nhúm, nhưng vẫn còn giả bộ càu-nhàu:
- Khuya rồi không đi ngủ còn hỏi gì nữa? chuyện gì để ngày mai được không?
Cố giữ lấy sự bình tĩnh, tôi hỏi như quan toà hỏi tội phạm mà nghe giọng mình run run:
- Mình liên lạc với Mộc Hoá từ bao giờ?
Nhà tôi đến nước này vẫn còn gân cổ chối:
- Cái gì? ai liên lạc hồi nào? Nói tầm bậy không à.
Không giữ được bình-tĩnh, nước mắt tôi bắt đầu rơi xuống má, tuôn như suối đổ, run giọng tôi nói:
- Không ai nói cả, quả tang sờ-sờ ra kia mà còn làm bộ nữa, ai đã giúp mình liên-lạc với nó?
Với cái giọng cương quyết, như doạ nạt, như ta đây là kẻ thuỷ chung, đạo đức không bằng, nhà tôi dõng dạc:
- Có mơ không? ai liên-lạc với nó hồi nào mà dám nói bậy, nói thì phải có bằng chứng, chứ không phải muốn nói gì là nói.
Tôi ngạc nhiên tròn xoe đôi mắt ướt nhìn nhà tôi đến sững-sờ, không biết là mình có nghe lầm hay không? Thật đúng câu người ta thường nói "Vừa ăn cướp vừa la làng...". Mất bình tĩnh, tôi hét lên:
- Mình còn chối nữa hả? Thế đứa nào viết thư cho mình ngày hôm kia? mình có dám thề là không nhận, không đọc thư đi?
Trời ơi! nhà tôi dám thề thật quý vị ạ. Tôi giận tím người, nhưng cũng lâm-râm khấn thầm khi nghe những lời thề độc địa của nhà tôi ..."Thần Thánh ơi!, làm ơn đừng chấp tội của nhà tôi nghe thần thánh... Nhà tôi quỷ quái lắm, nhưng xin nể mẹ con tôi mà đừng chấp tội... Tội của nhà tôi xin để tôi xử lấy..." Đến khi tôi đưa ra bằng chứng, những lý lẽ mà trời đã ban riêng cho đàn bà để khoá miệng những ông chồng thích lén lút vợ, những ông chồng mà người xưa vẫn có câu "Đàn ông năm bảy lá gan, lá ở cùng vợ, lá toan cùng người..."
- Này nhé, mình nhận được thư nó, mừng quá nhưng vì muốn thủ tiêu lá thư nên mình đã xé nhỏ bỏ vào túi quần, chờ khi nào đi làm sẽ vứt ở trong sở, nhưng không may cho mình là không rơi khỏi túi miếng giấy nào khác mà lại rơi đúng cái tên của nó, địa chỉ rành-rành ra đây mà còn muốn chối nữa hả? Đã vậy còn chụp hình khiêu gợi, viết nào là "Tặng anh để cười khi nhớ, để thương khi ghét ..." mình còn muốn chối nữa không? nó đúng là cái thứ lẳng-lơ, vô duyên... tôi hỏi thật, mình liên lạc với nó hồi nào? Làm sao mình liên-lạc được với nó? Ai đã giúp mình liên lạc? Ở cái tiểu-bang này, không ai là không biết tôi là vợ của mình... Mình nói đi, ai là người đã liên-lạc cho mình với nó?... Mình nói đi, tôi sẽ lái xe đến tận nơi để hỏi tại sao người ta lại làm như vậy? Lý do gì họ lại làm như thế?
Giận quá, tôi hỏi một hơi rồi im lặng chờ tội nhân lên tiếng. Nhà tôi ngồi im một lúc rồi cũng cố vớt vát chối quanh. Sau cùng, biết chối không được trước sự nóng giận của tôi cũng như những lý lẽ xác đáng mà tôi đưa ra, đành thú nhận, bảo chị bạn làm chung sở liên lạc giùm. Nóng mặt tôi nói:
- Tôi không nghĩ chị ấy lại làm chuyện này, nhưng nếu mình đã nói vậy, tôi sẽ hỏi chị ấy ngay.
Vừa nói xong, tôi cầm ngay điện thoại, đường giây bên kia vì không muốn có những người khách điên cuồng như tôi, nên có lẽ họ đã rút giây ra để không ai làm phiền giấc ngủ. Thấy tôi bấm mãi với cái điện thoại trên tay, nhà tôi năn nỉ:
- Thôi đừng, để yên cho người ta ngủ, ngày mai mình gọi được không?
Chẳng thèm để ý đến câu nói của nhà tôi, nhưng sau cùng nhà tôi lại đổi ý:
- Không phải chị ấy đâu mà bấm mãi, để người ta ngủ.
Bực mình vì không liên lạc được với người bên kia, tôi hét lên, vâng, giờ phút này tôi chỉ biết hét mà thôi:
- Sao lúc nãy mình nói chị ấy giúp mình? bây giờ lại bảo là không, vậy thì ai đã giúp mình liên lạc với nó?
Thấy tôi hét ầm nhà, nhà tôi xịu giọng:
- Anh bà con của nó ở Việt Nam chứ không có ở đây đâu mà tìm mất công.
Nhà tôi nói thế, nhưng làm sao tin được nữa... Cứ vậy cho đến hơn 7g sáng tôi mới liên lạc được với người bên kia đường giây. Vừa nghe tôi hỏi, người đầu giây đã la oai-oái:
- Trời ơi! tôi không biết gì hết, chị đừng nghe ổng chạy tội rồi chị em hiểu lầm nhau nghen, chiều ổng vô sở làm biết tay tui...
Tôi ngọt ngào xúi thêm trong khi mặt nhà tôi chảy dài:
- Dạ, chị cho ông ấy một trận giùm em cho ông ấy chừa đi... À, nhưng mà chị làm trong đó, hỏi giùm em xem có ai ngày xưa ở Mộc Hoá, Bạc Liêu không nghe chị?
Tôi bắt đầu dò hỏi, cố tìm xem trong số bạn bè của nhà tôi, của tôi có ai ở Mộc Hoá, Bạc Liêu ngày xưa không. Hỏi mà chẳng tìm được ai nên cay đắng vẫn riêng mình, đêm vẫn thao thức không ngủ, cơm nước không còn tha thiết. Tôi bắt đầu xuống ký, nhìn mình trong gương thấy tiêu điều thảm hại, càng nhìn lại mình, càng thấy buồn, thấy giận nhà tôi thật nhiều. Giận chứ chẳng phải ghen. Tôi cũng chẳng thèm nhìn khuôn mặt nhà tôi xem tròn hay méo, ốm mập ra sao cũng kệ. Cơm nước vẫn nấu bình thường cho có lệ chứ không tươm tất đổi món như mọi khi. Chúng tôi đi làm khác giờ nên càng dễ cho tôi tránh mặt. Cuối tuần tôi vẫn lạnh lùng không thèm nói, không thèm nhìn, không thèm ăn chung bàn. Nhà tôi ở trong, tôi ở ngoài. Nhà tôi cuối tuần nằm ở nhà xem TV chờ dịp làm lành, tôi dắt con đi chơi... Và cứ thế, chiến tranh lạnh kéo dài giữa hai chúng tôi, mặc dù nhà tôi đã dùng con để đến gần tôi hơn. Nhưng, làm sao tôi có thể để nhà tôi làm lành khi từng đêm tôi vẫn thao thức dằn vặt không ngủ, nước mắt cứ đẫm gối mỗi đêm. Chợt... Một "tia sáng cuối đường hầm" đã đem đến cho tôi một giải pháp thật là đẹp, thật là ngoạn mục.
Vội vàng ngồi dậy, bắt đầu viết thư. Lá thứ nhất tôi gởi cho “Con Mèo Của Nhà Tôi”, tôi nói rõ về cuộc sống của gia đình Con Mèo mà nhà tôi đã kể lại sau ngày 30 tháng 4, cũng như cuộc tình ngày xưa của nhà tôi và Con Mèo ấy như thế nào... Khi nhà tôi còn in dấu giầy trên khắp các vùng chiến thuật. Tôi cũng nhắc đến sự liên hệ giữa nhà tôi và Con Mèo chẳng qua là những lời thách đố của bạn bè cuồng-ngông trong một cơn say giữa bàn rượu. Tôi nói tôi còn biết rõ sau những lời thách thức ấy là chuyện gì đã xảy ra... Tôi viết lá thư với lời lẽ thật nhẹ nhàng, thật đẹp mà chắc chắn là phải thật đau, như cái đau mà tôi đang có. Tôi tin chắc khi đọc xong lá thư, "Con Mèo Của Nhà Tôi" phải uống hết 100 viên Excerdrin thì mới hết nhức đầu được.
Lá thư thứ hai, quý vị có đoán được tôi gởi cho ai không? Chắc chắn là không... Tôi viết thư gởi về phường Công-an nơi Con Mèo đang cư-ngụ. Kèm theo lá thư là tấm ảnh với hàng chữ phía sau "Tặng anh để cười khi nhớ... Để thương khi ghét..." mà tôi đã chụp lại để Công-an phường dễ nhận diện "Con Mèo Của Nhà Tôi". Trong thư, tôi còn lưu ý Công-an phường là Con Mèo đang phá hoại hạnh phúc gia đình tôi bằng cách móc nối với nhà tôi hòng được bảo lãnh ra "nước ngoài", trong khi "đất nước đang tự-do, độc lập và hạnh-phúc...". Tôi nói tôi mong rằng với sự làm việc "rất công bằng, rất sáng suốt của chính quyền" sẽ giúp tôi bảo vệ hạnh-phúc gia đình và ngăn chận những âm mưu này, và tôi cũng không quên kèm theo địa chỉ của Con Mèo để "nhà nước" đễ làm việc.
Đọc đi, đọc lại hai lá thư trước khi gởi để sau đó cảm thấy hãnh diện với chính mình, là đã làm được một điều thật ngoạn mục, để đời cho Nhà Tôi lẫn "Con Mèo" bên kia bờ Thái Bình Dương. Bây giờ, tôi có quyền ăn ngon, ngủ yên, tâm hồn thấy nhẹ nhõm và nhủ thầm "Mình không ghen, mình chỉ tự-ái thôi". Và, tôi vẫn tiếp tục là tôi của lạnh lùng, nên chẳng thèm quan tâm hay động lòng trước những săn đón làm lành của nhà tôi.
Những ngày còn ở Việt Nam, thuở tôi với nhà tôi mới quen nhau, yêu nhau theo thời gian để rồi cũng giận nhau như bao nhiêu người yêu nhau khác, không thèm nói, không thèm nhìn, nếu có nhìn thì cũng chỉ nhìn len-lén mà thôi. Thế nhưng, một hôm Sài Gòn bỗng dưng trở trời, gió chợt hiu-hiu nhẹ, hiu-hiu đủ để thấy lòng buồn tênh và chợt nhức buốt khi thấy chàng hớn hở băng qua đường với một con bé nào đó đi bên cạnh. Chàng xách giỏ cho nó, chàng kéo ghế cho nó ngồi, chàng gọi cho nó ly chanh đường như chàng muốn "uống môi em ngọt". Chàng quậy ly chanh đường, tiếng muỗng va vào thành ly tạo nên những âm thanh vang như tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà đổ. Lúc đó nhìn lén chàng, tôi thấy ghét chàng vô cùng, tôi thấy mặt chàng vô duyên tệ. Đã vậy còn sai "Sứ giả" đến phân bua cho dù hai đứa đang giận nhau "Đó chỉ là cô bạn cũ ngày xưa"... Lặng người, tôi bỏ đi không muốn nghe tiếp, lòng tôi rung động, nước mắt tôi lưng lưng, tôi chỉ muốn chui vào một góc nào đó không có ai để nước mắt tự do rơi, để tôi được tha hồ khóc mà không ai biết đến, để tôi đượcc ghét "Cái con nhỏ ngày xưa của chàng". Tôi thề tôi chẳng yêu chàng, tôi chẳng ghen, vì tôi có yêu đâu mà ghen cơ chứ! Tôi chỉ tự ái thôi. Lúc đó tôi ghét chàng thật nhiều, tôi ghét cả "Cái con nhỏ nhà quê tỉnh lỵ" của chàng nữa.
Cuộc đời là một chuỗi dài định mệnh mà trước khi lấy chàng, Ba tôi đã bảo:
- Con hãy suy nghĩ trước khi quyết định.
Tôi định lên tiếng, Ba tôi đã khoát tay:
- Con hãy để cho Ba nói tiếp, con đừng phân giải gì cả. Con hãy nhớ rằng sự quyết định của con là cả cuộc đời của con. Mai này sướng, khổ con chịu, con đừng đổ lỗi cho ai, và con cũng đừng than thân trách phận hay lại đổ lỗi cho định mệnh, vì chính con tạo nên định mệnh chứ không phải định mệnh tạo nên con...
Nghe Ba nói, tôi mất ngủ cả đêm, để rồi sau đó... Tôi nhất định tạo nên định mệnh, định mệnh do tôi lèo lái, một định mệnh mà những người thân của tôi đều e dè khi nhìn đến con đường mà "Định Mệnh" đang đưa tôi đi, sẽ đưa tôi đến.
Trước khi lấy chàng, dĩ nhiên là tôi thuộc lòng "tiểu-sử" của chàng, nên bây giờ chỉ cần chàng nhắc đến tên một nhân vật nào đó trong cuộc đời của chàng, là tôi có thể kể tiếp hay kể lại thật rõ ràng từng chi tiết, từng dấu chấm, phẩy, trong cuộc đời chàng. Điều này tôi biết chàng cũng đã từng đấm ngực ân hận thật nhiều vì đã lỡ dại kể cho tôi nghe, vì thế câu chuyện "Cô bạn ngày xưa" của chàng, tôi biết đó chỉ là một thách đố của bạn bè qua những ly rượu, qua những chai bia khi đời chưa thay đổi. Khi mà chàng còn say sưa miệt mài trong quân ngũ.
Nhưng khi cuộc đời tôi, chàng và mọi người đều thay đổi. Lúc tôi, chàng đang giận nhau, "nó" đã tìm đến chàng thật đúng lúc, quyến rũ chàng, vênh mặt như trên thế gian này chỉ có Chàng mà thôi. Bạn bè biết tôi buồn, đưa tôi đi chơi, đi ăn hết chỗ này đến chỗ nọ để tôi quên chàng, để tôi yêu đời mà đừng nghĩ đến chàng nữa. Một hôm, Vân rủ đi ăn bánh bèo trước rạp ciné Eden. Lúc đi ngang Nguyễn Huệ, tôi giật mình khi thấy Chàng với nó đang ngồi trên xe đạp, xe dựng sát tường của một Kios bỏ trống, tay chàng gác trên vai nó, mắt chàng nhìn xa xăm... Dù đường một chiều, tôi cũng bảo nhỏ Vân đạp xe đi trở lại trước chỗ chàng với nó đang ngồi, nhưng - chàng vẫn không thấy tôi, chàng nhìn như không nhìn gì cả, như đang đắm chìm trong thế giới mông lung nào đó và con bạn tôi cũng vẫn cứ liến thoắng những chuyện đâu đâu mà chẳng biết gì.
Thế là hết, tôi ghét chàng... không! tôi không ghét chàng, vì có yêu mới ghét chứ! Tôi nhủ lòng sẽ không quen chàng nữa, cho dù chàng có năn nỉ gẫy lưỡi cũng mặc. Hết, thật sự là hết giữa tôi với chàng. Chàng không thể là của tôi được nữa. Ăn bánh bèo xong, tôi với Vân thong-thả đạp xe về, lòng buồn tênh. Con đường Lê Lợi như dài thêm ra, lòng bảo lòng sẽ không bao giờ nghĩ về chàng, nhưng tâm trí tôi ngổn ngang những ý nghĩ, cho dù tôi cứ phải vội cắt ngang tư-tưởng và nhủ thầm chàng không đáng cho tôi phải quan tâm, phải nghĩ đến. Nhưng... Chàng lại hiện diện trước mắt, chàng đang chở con nhỏ đó phía trước tôi và Vân. Con bạn thân của tôi vẫn tíu tít, vẫn vô tình không thấy, tôi ghé tai nói khẽ:
- Vân, ông ấy đang chở nó trước mặt mình kìa!
Vân nhìn thấy, nghịch ngợm đạp xe lên sát bên xe chàng, nói to với tôi:
- Nhỏ ơi! đàn ông cần thì cần thật nhưng không có thiếu.
Nghe cái giọng chua ngoa của Vân làm tôi bật cười. Chàng đỏ mặt quay sang, "Con nhỏ" của chàng cũng ngượng ngùng nhìn tôi. Tôi nhún vai lặng-lẽ đạp xe lên ngang với xe Vân, mặc kệ "chúng nó" phía sau mà không thèm quay lại. Bởi thế sau khi lấy tôi, mỗi lần nhắc đến Vân là nhà tôi ghét cay ghét đắng, cứ bảo tôi có con bạn xí-xọn nhất thế giới.
Thế rồi, đời là một cuộc đuổi bắt không ngừng khi tôi không thèm làm cái bóng sau lưng chàng, nên thiên hạ bắt đầu tấn công tôi tới tấp. Sinh nhật tôi, có người đem cả một chậu lan từ xa đem tặng, có người tặng tôi cả một bó hồng nhung đỏ thẫm với bao nhiêu nụ hoa là bấy nhiêu tuổi đời tôi có. Thiên hạ vây quanh, có người còn nói:
- Thấy bé cười là thấy cả mùa xuân, thấy bé cười làm anh muốn chết ngộp trong nụ cười của bé.
Hay những lúc thấy tôi buồn, vội vàng bảo:
- Bé đi ăn không? anh đưa bé đi ăn cho vui nhé!
Khiếp, thiên hạ cứ làm như tôi thích ăn không bằng, cứ đem hết món ăn này đến ly chè nọ mà tưởng rằng sẽ chữa được cái bệnh hết buồn của tôi.
Những lúc như thế, chàng bắt đầu lo lắng, mắt chàng bắt đầu mở thật to như hai cái đèn pha để thấy rõ những gì trước mắt và chung quanh tôi. Chàng bắt đầu năn-nỉ, và tôi bắt đầu hát bài "Buồn ơi ta xin chào mi...", tôi không muốn buồn và tôi cũng không còn buồn nữa. Nhưng chàng, chàng lại buồn hơn ai hết.
Một hôm, chàng chận xe đạp tôi lại, bảo có chuyện quan trọng cần hỏi, lúc đầu tôi không chịu, nhưng chàng cứ năn nỉ, lúc này chàng năn nỉ giỏi quá, thế là con bé ngu muội bằng lòng cho chàng "hỏi chuyện" mà không biết đó là mánh lới của chàng. Chàng biết tôi thích ăn phở nên chàng đưa tôi đến đường Hiền Vương, nơi bán phở ngon nhất Sài Gòn lúc đó, chàng gọi hai tô phở đặc biệt. Phở là món tôi ưa thích và mầu nhiệm chữa bịnh mỗi khi tôi đau, nên chàng cũng cứ tưởng món phở hôm đó sẽ chữa được cái bệnh hối hận của chàng. Mùi phở thơm phức, béo ngậy làm tôi ăn một cách tận tình và ngon lành, trong khi tô phở của chàng vẫn còn nguyên. Nhìn tô phở nguội dần, tôi ngạc nhiên và tiếc cho chàng, thắc mắc tôi hỏi:
- Ủa, sao gọi phở mà lại không ăn?
Chàng thiểu não nhìn tôi :
- Tại anh nhức đầu quá, hay em ăn hộ giùm anh đi.
Tôi lắc đầu mỉm cười, cho dù trong lòng tôi muốn phá lên cười thật to về sự khôi hài tôi đang thấy ở chàng. Chàng tưởng tôi ăn một tô phở là có thể quên đi mọi chuyện, ăn thêm một tô nữa chàng nghĩ tôi sẽ lại là của chàng và không có gì ngăn cách giữa chúng tôi?
Câu chuyện quan trọng tôi chờ vẫn không thấy chàng nhắc đến. Để mặc tô phở nguội lạnh trên bàn, chàng trả tiền và đưa tôi vào quán cafe ở Tao Đàn. Chàng bắt đầu xuống nước, chàng bắt đầu ca bài "Con cá sống vì nước, anh sống vì em", nhưng tôi vẫn là tôi của "lạnh lùng", nên... Nước mắt chàng rơi... chàng bắt đầu ca tụng tôi, những đức tính của tôi...v.v. và..v.v.. Đến lúc đó tôi mới biết tôi có những cá tính thật là cao quý, thật là đẹp. Nếu hôm đó chàng không nói ra thì tôi cũng chẳng bao giờ biết mình thật sự là "Con chim quý" viết hoa mà chàng đang ca tụng. Chàng bảo tôi là Con Chim Quý, chàng không muốn Chim Quý bay... Hãy bỏ qua cho chàng, chàng đã hối hận thật nhiều, chàng hứa từ này về sau... Chàng hứa, hứa nhiều lắm, chàng phân-bua với tôi là chàng đâu có đi tìm "cái con bé" ấy. Chàng bảo chàng không liên lạc từ lâu kể từ ngày chàng đổi lên Pleiku:
- Đó chỉ là cô bạn cũ ngày xưa ở Mộc Hoá khi anh còn đóng ở thị trấn ấy.
Chàng nói, chàng nói nhiều lắm và tôi chẳng nghe được gì ngoài mỗi câu chàng bảo tôi em là "Con chim quý" và "anh sợ Chim Quý cất cánh bay". Năn nỉ tôi không được, chàng quay sang tìm hậu thuẫn của gia đình chàng, của gia đình tôi. Ông Cụ chàng người Nam rất dễ mến, vì thương thằng con nên ông cụ cứ tìm cách chiều chuộng tôi, đưa tôi đi ăn, đưa tôi đi thăm bạn bè của cụ. Cụ năn nỉ giùm thằng con của Cụ, Cụ bảo tôi bỏ qua cho con Ông Cụ. Còn chàng, thì chàng lại viết thư cho mẹ tôi, để mẹ xiêu lòng:
- Thôi con, anh ấy bảo mẹ là con đã hiểu lầm anh ấy, nhưng anh ấy cũng đã nhận hết mọi lỗi rồi, con đừng nên giận nữa, bỏ qua đi con.
Tôi không trả lời mẹ, và tôi cũng chỉ nhớ có mỗi một câu trong thư chàng viết than với mẹ: "Chẳng lẽ đời con như vầy mãi sao?..." Đấy, chàng cải-lương đến thế thì thôi. Thế còn tôi?... những lúc tôi buồn, những lúc tôi đau, chàng đâu có nhìn thấy, nhưng đến khi chung quanh tôi cả một chiếc cầu vồng đủ màu sắc vây quanh, chàng mới chợt tỉnh táo hơn, mắt chàng chợt thấy rõ hơn, tinh tường hơn, cho dù tôi có ở giữa một đám đông đi chăng nữa. Chàng sợ tôi biến mất trong những chiếc cầu vồng đủ màu sắc đó nên ở đâu tôi cũng thấy chàng, quay đâu tôi cũng bắt gặp chàng đang đứng nhìn ngẩn ngơ. Một hôm trời trở mùa, tôi chỉ cảm nhẹ, ho nhẹ đủ để làm duyên vậy thôi, thế mà phải ngạc nhiên khi nghe em tôi nói:
- Anh ấy mua thuốc cho chị, em bỏ trong tủ của chị đó.
Tôi buồn cười, đưa hai ngón tay nhón hộp thuốc bỏ ra chỗ khác, tôi không muốn dính dáng đến chàng nữa, tôi không muốn là của chàng nữa, tôi không muốn hát "Từ nay tôi đã có chàng" nữa. Những gì chàng làm tôi buồn, nỗi buồn vẫn còn đó, nó còn tồn tại trong tôi, nó chưa có ngõ thoát nên tôi vẫn cảm thấy một chút gì mất mát cho dù chàng đã năn nỉ, tìm đủ mọi cách để chiều chuộng để lấy lại những gì mà chàng đã đánh mất trong tôi.
Cả nhà vừa ăn cơm xong, có người đã đem thuốc đến thăm hỏi rất ân cần. Họ vừa về là Chàng lại hiện ra trước cửa. Chàng bảo chàng đi qua đi lại trước cửa nhiều lần, nhưng không dám vào vì biết tôi có khách. Chàng mang theo một túi cam thật to làm tôi ngạc nhiên. Tôi nhất định không nhận, nhưng mẹ ở dưới nhà đi lên nhìn giỏ cam e-ngại cho chàng, mẹ bảo:
- Đừng con, anh ấy đã có lòng mang đến thì con nhận đi chứ, ai lại để anh xách về, kỳ chết.
Ngần-ngại nghe lời mẹ, tôi phân bua với chàng:
- Nể mẹ nên em nhận chứ thật ra em không thích, không bằng lòng nhận tý nào, còn để anh xách về em cũng ngại với hàng xóm.
Chàng năn nỉ, dạo này chàng năn nỉ rất là thành thạo, hơi một tý là chàng năn nỉ, bởi thế chàng lại năn-nỉ ỉ-ôi:
- Thôi đừng giận anh nữa, bỏ qua hết mọi chuyện đi em, mình làm lại từ đầu nha, em muốn gì anh cũng chiều em hết, em nói gì anh cũng nghe hết nhé!
Nghe chàng nói, tôi nhún vai im lặng, mặc cho chàng ai-oán, mặc cho chàng phân bua giải bày.
Túi cam của chàng trong tủ lạnh vẫn nằm yên một chỗ, chờ mãi không thấy tôi ăn, mẹ lên tiếng:
- Sao con không ăn cam, mẹ gọt cam ăn nhé!
- Vâng, mẹ cắt cam cho cả nhà đi, con không ăn đâu.
Mẹ đưa tôi miếng cam vừa cắt, khen:
- Cam ngọt lắm, con ăn một miếng thử xem, anh ấy khéo mua thì thôi.
Tôi nhăn mặt cầm miếng cam bỏ lại vào đĩa:
- Không, con không ăn đâu, con không thích, đừng ép con.
Em tôi nhỏ nhẹ:
- Chị không ăn là chị dại, anh ấy đâu có biết là chị không ăn mà lại cứ nghĩ là chị đã ăn cam anh ấy mua.
Tôi nhún vai:
- Kệ, chị chỉ biết là chị không thích ăn thế thôi.
Thế nhưng, cuộc đời đã biến đổi theo thời gian, đã đưa tôi với chàng gần nhau lúc nào mà tôi cũng không biết. Sau lần đó, chàng lúc nào cũng xoắn xuýt bên tôi, vì tôi chả là "Con Chim Quý" của chàng là gì!... Cũng thế rồi, với sự đồng ý của định mệnh, tôi và chàng cùng dắt tay nhau xây một tổ ấm nho nhỏ nơi đất khách quê người với một tiên đồng mũm-mĩm, và... Cũng thế rồi "Con Mèo" ngày xưa của chàng cũng từ đâu xuất hiện đã làm tôi điêu đứng, gia đình tôi xáo trộn, khốn khổ như câu Mẹ tôi vẫn thường nói khi chúng tôi còn bé.
Cửa phòng ngủ chợt mở, nhà tôi nhẹ nhàng đi vào, tay cầm bức tranh mà chúng tôi đã mua hôm nào, nhà tôi nhỏ nhẹ, giọng thật nhẹ như sợ tiếng nói của mình sẽ đánh thức nỗi đau tôi dậy:
- Anh định treo bức tranh ở đây, quay ra ngắm thử xem... Mình muốn treo ở đây hay là treo ở đâu?
Nằm im không thèm trả lời, nhưng vì ấm ức cái tội gian dối, không quay ra nhưng cũng mát mẻ một câu cho bõ ghét:
- Muốn làm gì thì làm, việc gì phải hỏi ý kiến? Có những việc mình làm, mình đâu có cần ai biết đến, chỉ hỏi vớ vẩn...
Nhà tôi đứng im một lúc, dựng lại bức tranh sát vách rồi khép cửa lại.
Cứ thế chúng tôi, không, không phải chúng tôi mà là tôi, tôi giận nhà tôi gần hai tháng. Không thèm nhìn, không thèm nói, không thèm cười cho đến một hôm vô tình nhìn thấy gương mặt nhà tôi xanh-xao, vàng-võ... Đáng đời, ai bảo thích Mèo làm gì để khổ. Những lúc bị tôi giận như thế, nhà cửa trong, ngoài sạch sẽ hơn, ngăn nắp hơn. Con tôi cũng được bố chiều hơn, thằng bé xin gì cũng được và muốn gì Bố cũng cho cả, và rồi... Không hiểu sao tôi lại quên mất cái đau của tôi, tôi lại cười với nhà tôi và khi nhận thấy sự dễ dãi, nhẹ dạ của mình thì tấm ảnh đen trắng của "Con Mèo" tôi dấu kín để làm bằng chứng bỏ trong đống sách vở của tôi đã không cánh mà bay từ lúc nào, ấm ức tôi hỏi:
- Tấm ảnh em để ở đây đâu rồi, đưa đây, mình lấy rồi phải không? Chơi cái trò gì vậy? Bộ muốn thủ tiêu bằng chứng hả? Không ngờ anh hùng mà cũng nhát gan như vậy.
Nhà tôi giả bộ kêu lên:
- Ô hay! tấm ảnh nào? Để đâu bây giờ lại hỏi? Coi có bỏ lộn ở chỗ nào không? Hay là tại ghen quá đi rồi, ghen mờ cả mắt nên đem tấm ảnh của người ta đi ếm bùa, ếm ngãi rồi còn giả bộ hỏi, người trông vậy mà ác ghê...
Kể từ bài học để đời từ dạo đó, nhà tôi "ngoan ngoãn" hơn, biết mình, biết vợ hơn. Nhưng dù sao tôi cũng phải nói rõ cho nhà tôi và quý vị hiểu rằng, những chuyện tôi làm không phải vì tôi ghen... Tôi xin đưa hai tay lên thề là tôi không ghen... Thật đấy, em xin thề với mình là em không có ghen, em chỉ tự-ái vì mình qua mặt thế thôi. Lần sau nếu có ăn vụng thì cũng nên cẩn thận nhé mình của em. Bởi đi đêm thường hay gặp ma lắm đó mình ạ.
Nguyễn Thị Tê Hát
(PNV#01)