Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Ăn no lại nằm Ai ơi đừng lấy học trò Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm
Chuyện ăn rồi nằm là chuyện dài nhơn dân tự vệ của mấy ông học trò xưa. Mấy ông tướng ni hay nại cớ học để danh chánh ngôn thuận, hạp lý hạp tình mà tỉnh bơ tự biên tự diễn tuồng “làm biếng”. Khổ tội là cái đứa dài lưng đó lại cứ thường trực ong ỏng ca bài Võng anh đi trước, võng nàng theo sau đặng giúp vui văn nghệ tới nơi tới chốn, thành ra đã rất lắm khi nàng xụm bà chè và được khiêng ra nghĩa địa hóng gió chiều rồi mà “thẳng” cũng chưa sắm nổi cho nàng cái võng nữa, than ôi!
Quanh năm buôn bán ở ven sông... Quanh năm đồng nghĩa với nhiều năm, dài lâu mệt nghỉ - Ấy cũng bởi tiếng Việt ta giản dị nên danh từ số nhiều ta hổng cần thêm “s” như tiếng Pháp, tiếng Anh, thêm chi cho rắc rối khó đọc!
Nuôi đủ năm con với một chồng... Trời, ở đâu chui ra một hơi tới năm đứa con lận? Nên rồi tui hồ nghi vụ “ăn no lại nằm” của cái đứa dài lưng tốn vải ở đây hổng phải là chuyện vắt tay ngang trán, nhắm mắt ngủ lấy sức rồi chong đèn nấu sử sôi kinh hầu mơi mốt kiếm tiền mua liền một hơi... hai cái võng!
Bàn chuyện ăn-chơi thường người ta chỉ nói tới ăn-nhậu, nói vậy thiếu sót quá chừng. Cái chi dính líu tới ăn tui cũng rành rẽ ráo hết, nên bữa nay tui làm gan, tán về ăn-ngủ cho đủ bộ.
Ngủ thường ta phải nằm, trừ khi bất khả kháng, thành ra ăn-nằm và ăn-ngủ, bình dân học vụ mà xét, chúng đồng nghĩa với nhau. Sau khi no nê bao tử rồi, ta hay có khuynh hướng kiếm chỗ nằm để... ngủ. Độc vậy đó chớ! Để giấc ngủ bình yên thoải mái, ta cũng cần có cái gối và cái chăn. Động từ ăn-ngủ, do đó, tương đương với danh từ gối-chăn! Người bắc kêu bằng cái chăn còn người ‘dziệc’ mình kêu bằng cái mền, bà má chồng dạy cô con dâu dzậy. Thì cũng cần có cái gối kê cho êm ái và cái mền đắp cho ấm áp, có thế ta mới cảm thấy thoải mái an toàn mà mưu toan... đại sự!
*
Chữ mền liền với chữ mũi một vần. Xuất khẩu thành thơ đó nha, nhưng vì là thơ tự do nên âm luật có hơi... lỏng lẻo! Xét theo ngữ học, mền và mũi quả là cùng vần, vần M. Xét theo khoa học, mền và mũi cũng y chang nhau luôn hổng khác. Ậy, từ từ để tui nói cho nghe.
Sách vở kinh điển kể như vầy: lâu lẩu lầu lâu rồi, có cậu con nít còn “teen”, mỗi sáng ra ngõ gặp cô hàng xóm sexy nhún nhảy xách bóp đầm đi mần, là y như phép cậu bị nghẹt mũi. Trăm lần đủ trăm! Vụ nghẹt mũi ni hổng phải ai cũng bị, mà có bị hổng phải ai cũng đủ thông minh để sanh lòng thắc mắc. Sau cậu nhỏ trưởng thành, xả thân theo y nghiệp và để ý tìm tòi. Cậu tìm ra cái cấu trúc đặc biệt của mền và mũi. Chúng là một hệ thống thiệt xốp kêu bằng caverneux hay cavernous với nhiều mạch máu và hang ổ rất nhạy, có khả năng giữ máu lại rồi trương phình lên.
Chỉ cần một kích thích thiệt nhỏ của ngũ quan (nghĩa là thị, thính, vị, khứu, và xúc giác) hay một thay đổi sanh học bất ngờ (nóng, lạnh, nhiễm trùng, vv…) là hệ thống cavernous này sẽ ào ào hoạt động. Cái mũi khi bị kích thích, lượng máu tới gia tăng, niêm mạc mũi nở ra làm ta nghẹt mũi. Một ít dung dịch từ thành mạch máu có thể sẽ thoát ra ngoài sanh xổ mũi hắt hơi. Tuy cái mũi là một trong năm giác quan có thể ảnh hưởng tới cái mền, nhưng ảnh hưởng ni ngó mòi hổng đáng kể – khi mũi đã nghẹt thì nó hổng thưởng thức được gì ráo nữa, cho dù là hương Chanel số 5!
Chuyện cái mũi giản dị và là chuyện nhỏ. Chuyện cái mền rắc rối và là chuyện lớn, quan trọng lắm lận! Cái mền có sẵn bên, no nê xong ta hay có khuynh hướng kiếm cớ trải nó ra đặng... ngả lưng chút xíu! Cất giữ hổng xài, mền sẽ còn nguyên và đời sống cứ bình thường lặng lẽ. Khổ cái nhơn loại con người thích vào nơi gió cát, nên rồi cứ tìm lối đoạn trường mà đi. Đi lạng quạng nên ấm ớ lạc luôn vô con lộ nhỏ dẫn thẳng tới cửa thiên đàng (có ông thánh Phê-Rô lúc lắc xâu chìa khoá đứng chờ sẵn). Lạc thế là... tiêu! Rắc rối và quan trọng quá đi chớ! Rồi ta mới sanh ưu tư khắc khoải, muốn nghe cho biết, hiểu cho ráo. Ngủ một giấc thẳng cẳng dĩ nhiên là thơ thới hân hoan, nhưng lỡ ngủ rồi “đi luôn” thì kẹt lắm lận! Khổ cái vụ đăng đàn diễn thuyết chuyện gối mền ngó chừng hổng nhiều, chẳng ai dư giờ làm việc không công cho bá tánh, hay hổng được khen chớ dở dám bị lôi ra khện phù mỏ (đáng kiếp, ai biểu, cho chừa cái tật bá láp)! Rằng quen mất nết đi rồi... Bữa nay tui ráng chót chét hy sanh vì đại nghĩa một phen. Sau đây là vận sự chuyện gối mền.
Theo nghĩa cổ điển thông thường, cái mền phải luôn luôn đi chung với cái gối. Gối và mền là những vật thiêng liêng để dỗ dành giấc ngủ cho ngon!
Vụ cổ điển nay ngó bộ lỗi thời rồi, người ta thích fantasy, thành đã có chuyện ra ngoài khuôn khổ. Nên rồi mền trùm mền, gối kê gối. Mền gối quăng vất lẫn lộn lung tung chẳng còn thứ tự ngăn nắp gì ráo nữa. Vì hổng ngăn nắp nên lắm khi thiếu vệ sanh, gối có chí và mền có rận hổng chừng. Nhưng vụ chí rận này ngoài đề, tui chỉ xin tự do trong khuôn khổ, tào lao chuyện cổ điển.
Có một câu nói xanh dờn: Cái mền là cơ quan thánh thiện nhứt. Nó hổng phân biệt tuổi tác, màu da, địa vị, tôn giáo. Thích ai và nếu được phép thì nó sẽ chơi tất và làm ráo. Câu này trích từ tiểu thuyết của nhà văn kiêm đạo diễn Elia Kazan đó nha. Hồi quay thành phim The Arrangement do Kirk Douglas đóng chung với Faye Dunaway và Deborah Kerr thì câu nói bất hủ trên, uổng quá, bị cắt mất!
Nay thế kỷ 21 rồi, chúng ta phải thêm vào chuyện nữa, rằng gối mền nó hổng kỳ thị phái tánh đã đành, mà trong tương lai dám nó còn hổng kỳ thị cả loài vật nữa. Lúc đó thì hội bảo vệ súc vật sẽ làm việc vất vả hết biết luôn!
Cái gối ngó chừng ít nghe nhắc tới, có lẽ vì nó chỉ... nhồi bông vừa đủ. Hoạt động của cái gối là hoạt động thầm lặng một giọng đều đều, chưa kể là thường khi rất... xìu xìu ển ển (mèn, nó nhức đầu hoài hà!) Ấy cũng bởi sanh hoạt của gối có dính líu mật thiết với con tim, tim phải gật cái đã rồi mới tính chuyện... ôm mền đi ngủ. Dĩ nhiên cũng đã thấy những ngoại lệ nên bông nhồi có hơi... chặt tay, thỉnh thoảng ta vẫn nghe vụ những cái gối chạy lăng xăng ngoài đường, cản trở lưu thông và gây tai nạn công cộng!
Cái mền thì dễ tánh chết mồ. Ở đâu, với ai, lúc nào, ra sao... chỉ cần đại khái là xong tuốt, nhằm nhò chi ba cái lẻ tẻ, vì rằng ta vốn thánh thiện hiền lành nên ta ưng chuyện gia ơn, bố thí làm phước! Hoạt động của cái mền do đó ồn ào, lắm khi lệ thuộc hoàn toàn vào ngũ quan (dà, ngũ quan). Nó lờ tít trái tim, tim lúc ấy có phản đối bằng cách tuột từ lồng ngực xuống củ-tỉ thì y hình mền cũng làm lơ, chưa chừng nó còn hổng hay hổng biết gì ráo trọi, khổ vậy đó chớ! (Mền ơi là mền!)
Vì hệ thống trữ máu nhạy, thế nên hoạt động của mền rất xuất sắc, lúc mô nó cũng ở tư thế sẵn sàng để trải, nhứt là khi có cái gối kề bên. Lưu trữ máu là lúc có kích thích tạo phản xạ. Phản xạ nhanh chậm tùy phẩm chất tốt xấu của cái mền và tùy cường độ kích thích mạnh yếu của... cái gối! Khi có kích thích, ngũ quan chuyển kích thích ni tới hệ thần kinh trung ương tức não bộ, não bộ gởi tín hiệu xuống hệ thần kinh ngoại biên điều khiển mạch máu. Mạch máu nở lớn, máu dồn tới ngập hồ lưu trữ. Cái mền đang gấp sẽ tự động... bung ra!
Xài hoài hư hao đã đành, hổng xài cũng hao luôn vì đào thải là luật tự nhiên của trời đất. Về lâu về dài cái mền mòn và xìu từ từ theo kiểu anh hùng thấm mệt. Lắm khi máy móc của mền còn tốt nguyên nhưng vì nhà hàng xóm chung quanh cúp điện nên nó cũng bị vạ lây, chuyện lưu trữ máu do đó bị trục trặc. Ba lý do trục trặc chính kể ra như sau:
Máu hổng tới nên hồ cạn nước thường trực và mền lúc nào cũng... thun!
Máu tới hổng đủ, hồ nửa đầy nửa vơi nên mền khúc nhăn khúc thẳng, có đắp cũng hổng... ấm áp!
Máu tới đủ nhưng theo kiểu tsunami, ập vô rồi rút ào ra, chưa kịp chi thì mền đã ủ rũ y chang gà bị cúm!
Sau một hồi thanh tra thị sát tùm lum mà hổng tìm ra lý do thực thể việc cúp điện cúp nước của nhà đèn, thì người ta bèn đổ thừa cho nguyên nhơn tâm lý. Các chuyên-dziêng tâm lý quả quyết ngon ơ, rằng 90% chuyện cúp này xuất phát từ yếu tố tâm lý: tín hiệu truyền từ não xuống đã bị hacked nên sai lạc, thành ra cái mền tuy nhận được message mà nó đọc hổng ra. Dĩ nhiên là phải chịu khó tốn ít tiền, tìm tới dân pro để họ install dùm cái program anti-virus! Tui hổng rành, nghe sao nói vậy, ai muốn biết thêm, kiếm chuyên-dziêng tâm lý mà hỏi.
Rồi máu chạy khơi khơi vậy sao ta? Giỡn hoài. Trong cơ thể, tim co thắt để bơm máu đi nuôi các cơ quan. Tim là một bắp cơ nên nó cũng cần máu để hoạt động. Mạch máu nuôi tim là mạch vành, coronary artery. Nếu máu tới ít hay hổng tới,tim sẽ sanh thiếu máu. Thiếu máu tích tắc chút đỉnh gây triệu chứng angina, thiếu máu lâu hơn có nguy cơ tạo heart attack. Những tổn thương cơ tim đã xảy ra, nếu không chữa trị kịp thời, chúng trở thành vĩnh viễn và làm tim suy sụp!
Hồi một ngàn chín trăm lâu lắm, để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, tức heart attack, người ta sản xuất ra những thần dược với mục đích làm nở động mạch vành hầu ngừa trước vụ thiếu máu. Một trong những thuốc đó là tiền thân của Viagra bây giờ. Ít lâu sau, thuốc bị dẹp tiệm vì kết quả hổng khả quan.
Thuốc men nào cũng có phản ứng phụ, tức side-effect. Viagra uống vô, động mạch vành có nở hay không và nở bao nhiêu thì bịnh nhơn hổng thấy, nhưng cái mền của chả bung ra tốt quá sức rồi chả mặc sức trải mền đi ngủ triền miên. Và cái mền đã vui trở lại, nó hổng lý chi tới con tim đang khọt khẹt (chờ đó, xong việc tính sau)! Viagra biến thành thuốc trợ dục, được quảng cáo ồn ào và bán chạy như tôm tươi. Nhưng má ơi, đã xảy ra những cơn tim trong “giấc ngủ” làm thánh Phê-rô đêm hôm khuya khoắt, phải vất vả thức dậy mở cửa thiên đàng! Người ta bèn xúm lại phân tích tổng hợp tùm lum, rồi kết luận rằng: Viagra chỉ tốt với những trái tim còn nguyên vẹn!
Sau Viagra, còn có loại dược phẩm “cục bộ” tên là Muse, nhỏ xíu bằng hột gạo, được đẩy vào trong mền bằng một ống thổi nhỏ, làm giãn nở động mạch tại chỗ và do đó máu sẽ đầy hồ. Vì cục bộ hổng ảnh hưởng chi ráo tới động mạch vành, nên theo nguyên tắc nó an toàn trên xa lộ. Nhưng người ta hổng khoái Muse! Xài nó lề mề rắc rối phiền toái thấy bà, mà thời gian kéo dài có chút nị hổng đã! Muse buồn rầu lặng lẽ nhìn Viagra hớn hở lăng xăng. Viagra được trọng vọng vì giản tiện gọn gàng, lại cầm cự được 4 tiếng (dà, cầm cự thôi nha, nhưng có bao nhiêu sức chiến đấu trong 4 tiếng đó là chuyện hoàn toàn khác, đừng nghèo mà ham!) Ôi, phút huy hoàng kéo dài tới 4 tiếng lận, nên rồi sau đó có “chợt tắt” thì cũng cam lòng! Thị trường chứng khoán của Viagra vọt bổng lên như... mền gặp gối!
Gần đây, để chiều theo nhu cầu và sở thích nhơn loại, người ta tung ra thị trường một loại thuốc mới kéo dài 36-48 tiếng lận, có tên là thuốc Cuối-tuần - Week-end pill. Khuya thứ sáu uống một viên là ta có quyền thong thả tà tà ngủ luôn tới tối chuá nhựt. Quá đã!
Thuốc uống thuốc bơm dùng thường hơn và xài cho mền yếu. Với mền bị bại liệt vì lý do chi đó như trong spinal cord trauma chẳng hạn, người ta dùng thuốc chích, chích thẳng vô để kích thích gây trương nở tạm thời. Phiền cái liều lượng thuốc thay đổi tùy người, thành ra phải thiệt từ từ và đầy cẩn trọng, lạng quạng quá liều bịnh nhân thành “superman”, mền bung cả hàng giờ khó chịu thấy bà, chưa kể là có thể gây hoại tử (rồi rụng... cái độp) nguy hiểm lắm lận. Prothesis cho mền cũng có đó, nhưng nó đắt và hổng mấy chi khả quan.
Nhơn loại thắc mắc: Thuốc trợ dục lợi hại thế nào?
Nếu biểu nguy hiểm thì có ai tin hông ta? Ôm gối ôm mền đi ngủ, ngó ngon ơ vậy chớ tốn sức lắm nha. Để ngủ một giấc sảng khoái, tính ra ta đã tiêu thụ một số năng lượng tương đương với một bài thể dục 30 phút hổng chừng (mấy cái gối mỗi ngày cứ chịu khó ngủ một hai cữ, bảo đảm hổng cần diet mà vẫn thanh cảnh như thường). Cơ chế ngủ của cái mền, so với cái gối, dềnh dàng lỉnh kỉnh hơn. Để trải mền ngó chừng phải cần nhiều máu lắm lận. Thành ra rồi tăng máu chỗ này thì giảm máu chỗ kia. Ở tim khoẻ mạnh ngân sách có bị cắt giảm cũng tạm thời nên vô hại, hổng gây khủng hoảng thị trường kinh tế. Tim yếu rồi, thị trường sẽ rối loạn và kinh tế dám sập như chơi!
Xài nhiều năng lượng nên cần nhiều máu, khi ấy tim phải làm việc vất vả hơn để đáp ứng nhu cầu. Mùa đông xúc tuyết lên cơn tim thì còn hiểu được, chớ ôm gối ôm mền đi ngủ mà cũng lên cơn tim thì giải thích làm sao? Thì tim bị thiếu máu chớ sao nữa! Tai nạn lao động này xảy ra ở đờn bà ít hơn ở đờn ông vì, như đã nói rồi, cấu trúc cùng cơ chế hoạt động của gối và mền có khác. Nghe quảng cáo thuốc trợ dục an toàn trên xa lộ tui bán tín bán nghi và sanh lòng hồi hộp. Mèn, xa lộ một chiều còn may ra, chớ xa lộ hai chiều (vào tim và tới mền) thì tui hổng chắc, nhứt là với một cái xe đã quá cũ, cứ châm dầu nhơt hoài kiểu đó, tui sợ rằng nếu không lật xe cháy máy thì cũng đứt thắng bể hộp số như chơi!
*
Đang tỉnh rụi thinh không hết thấy đường (và té cái đùng) liền bị đổ hô là trúng gió. Trúng cơn gió độc là có đường tương chao “một đi hổng trở lợi”. Đi rồi dzìa là vì phước đức ông bà, gặp cơn gió hiền khô! Người trúng gió được lôi ra bôi dầu cù-là làm màn cạo gió. Gió cạo hiện ra trên lưng đỏ lòm y chang việt cộng, dòm bắt ớn! Còn hổng trúng gió thì có cạo mỏi tay gió vẫn mịt mù bể sở, hổng thèm xuất hiện giúp vui! Gió chạy vô rồi chạy ra theo cơ chế nào, đông y hổng thèm giải thích! Hổng tin thì đừng, mắc mớ chi phải tìm hiểu cho nó thêm rắc rối!
Cạo gió đồng nghĩa với chấn thương. Cạo sồn sột vậy sỏi đá còn đau huống chi là mạch máu, nên rồi chúng mới bể ra và gây xuất huyết dưới da. Tui hồ nghi rằng, khi cạo gió là ta đang kích thích hệ thống thần kinh ngoại biên chạy dọc theo cột sống. Vì lý do chi đó, hệ thần kinh ngoại biên này bỗng đột ngột mất thăng bằng, thành ra cạo như thế là kích thích cho nó quân bình trở lại. Cạo gió xong ta uống Tylenol, ăn cháo gừng giải cảm, rồi bò lên giường ngáy một chặp, chừng leo xuống dám đủ sức trải mền đi ngủ như chơi!
Rồi đang ngủ thì lăn ra trúng gió à? Ngộ ha! Ngủ ngoài đồng trúng gió còn hiểu được, ngủ trong nhà do trộm cắp như rươi nên người ta cẩn thận đề phòng. Đóng cửa cài then, tắt đèn tắt quạt, chừng chưa đủ, người ta còn đắp mền che gối tùm lum, gió lọt vô chỗ nào mà trúng?
Đang mê man với mộng đẹp rồi trúng gió và tỉnh giấc mơ hoa, đông y kêu bằng thượng mã phong, nghĩa là cái đùng từ lưng ngựa té xuống. Trời, té vậy hổng bỏ mạng sa trường thì cũng đầy mình thương tích! Để kịp thời cứu mạng tên kị mã xấu số, đông y rút kim châm liền vào huyệt Dương-Khu (dám lộn tên hổng chừng) ở đốt sống cuối cùng của xương củ tỉ. Nếu gió chạy ra, hắn sẽ tỉnh lại. Nếu gió ở lì, hắn sẽ cởi chiến bào, giã từ vũ khí rồi lẳng lặng... đi luôn! Sách vở kinh điển Trung Hoa dạy rằng trước khi xuất giá, các bà mẹ có bổn phận lôi con gái ra dạy dỗ một hồi, về ứng dụng của cây trâm cài đầu kèm với thủ thuật châm cứu khi có biến. Đờn ông Trung Hoa thời xưa chắc té ngựa hơi nhiều, coi tuồng tàu, mười bà xẩm thấy đủ mười bà trâm cài lược giắt!
Đông y té ngựa vì gió. Tây y té ngựa vì nhiều nguyên nhơn.
Nguyên nhơn tim mạch: bịnh tim và bịnh mạch máu làm giảm lượng máu tới não. Não cần dưỡng khí do máu cung cấp. Khi nồng độ dưỡng khí xuống thấp não sẽ lơ mơ và hoạt động chậm lại. Nếu không còn dưỡng khí, não chỉ có 4 phút ân huệ (dà, 4 phút phù du) để hồi phục, quá 4 phút thương tổn này sẽ thành vĩnh viễn.
Nguyên nhơn thần kinh: hệ thần kinh ngoại biên điều khiển làm co giãn các cơ vòng của thành mạch, ảnh hưởng trực tiếp lên huyết áp. Đặc biệt huyết áp còn bị chi phối bởi dây thần kinh số 10 của hệ trung ương, có cái tên ngộ nghĩnh là Thần-kinh Mơ-Hồ. Vì mơ hồ nên nó hay dở trò ấm ớ làm áp huyết sụt cái ào, sanh màn xây xẩm choáng váng rồi xanh lè mặt mũi!
Nguyên nhơn thần kinh và nguyên nhơn mạch máu thiệt ra có liên hệ mật thiết với nhau. Mạch máu như một một ống cao su dẫn nước, có tánh đàn hồi. Tánh đàn hồi này mất dần khi về già và mạch máu sẽ cứng lại. Thuốc lá, ma túy, rượu bia, cao mỡ, cao đường, v.v… cũng làm gia tăng chuyện cứng thành mạch. Kích thích mạnh (tình cảm hay thể chất) có thể làm tăng áp huyết nhanh. Mạch máu còn đàn hồi thì hổng sao, chừng độ đàn hồi đã hết mạch máu hoá giòn, nó hổng đỡ nổi những cơn cao áp huyết nữa, nó bể cái ào gây tai biến mạch máu não tức stroke. Stroke còn do nghẹt mạch máu não. Nghẹt vì cục máu đông hay vì cục mỡ cholesterol, sanh chuyện cản trở lưu thông cộng cộng trong thành mạch.
Theo tây y, chàng kị mã xấu số hoặc bị tai biến mạch máu não, hoặc bị nhồi máu cơ tim nên mới té ngựa. Té ngựa dĩ nhiên là trầm trọng rồi, thành lôi ra cạo gió và châm cứu chỉ tổ tốn thì giờ vô ích (tim não khi ấy dám đang ngáp ngáp). Ấy là chưa kể hồi kêu ambulance đưa vào cấp cứu, bác sĩ khám cái lưng mà hết hồn vì tưởng có “abuse”. Tây y cắt nghĩa vụ trúng gió lúc ngủ như vầy: thoạt tiên ngũ quan hoạt động thái quá làm gia tăng áp huyết. Sau đó vì thấy tình hình quá căng thẳng nên thần kinh số 10 nhào vào, mơ hồ tiếp ứng. Kết quả là áp huyết giảm và giảm đột ngột gây choc vagal. Áp huyết sụt nhanh, cơ thể thích ứng hổng kịp nên chàng xây xẩm mặt mày rồi tà tà... xuống ngựa. Dà, xuống chớ hổng té, nên hổng thương tích trầy sát chi. Cạo gió châm cứu hay không thì cũng vậy, hổng thay đổi gì. Nhưng vì có dầu cù là, có kim châm, nên người ta yên trí la làng, rằng chàng bị trúng gió và đã được cứu sống! Cũng có khi xây xẩm vì spasm, co thắt mạch máu (ở tim, não) hoặc xây xẩm vì lượng đường trong máu sụt cái ào, do cơ thể đã bị kích thích và căng thẳng quá độ.
Xuống ngựa xảy ra thường hơn té ngựa. Sách vở kinh điển nói về té ngựa cũng chỉ sơ sài, thực tế thì thiệt khó kiểm chứng. Thấy chúng tay chơn bó bột tùm lum, có hỏi cũng khai là té bàn té ghế, cùng lắm là té thang lầu, té nóc nhà, chớ đời nào chúng khai thiệt chuyện té ngựa. Thành ra rồi nếu hổng thương tích rành rành thì mắc mớ chi phải thành khẩn khai báo ra! Mà dẫu có thiệt thà đi nữa, chưa chắc mấy con ngựa đã cho phép chúng tự do ngôn luận. Vì rằng nói ra vụ té ngựa và xuống ngựa nó chứng tỏ cái kém cỏi trong thuật kị mã đã đành, lắm khi còn làm người nghe chuyện sanh hồ đồ bán tín bán nghi, rằng tên kị mã đã xấu số chỉ vì hắn vô phước cỡi nhằm con ngựa... Thượng Tứ!
Kết: hai câu thơ sau đây trích từ một bài tứ tuyệt của Vương Hàn, tui xin ráng dịch sát nghĩa đặng hù mấy cái mền bị yếu tim cho chúng sợ chơi:
Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu Cổ lai chinh chiến kỷ nhơn hồi.
(Ra trận, đi luôn, xin chớ cười Chinh chiến xưa nay về mấy người!)
Mme Ngô
|