Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

3 Pages123>
Mme Ngô
Phượng Các
#1 Posted : Tuesday, May 17, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Mục Lục

Cô Hai Bánh Ít
Nói Với Các Chị
Canxi
Nhạc Cổ Điển
Hi Ông Củ Tỏi
Ý Kiến
Dạy Vợ Cách Xài Tiền
Help! Help!
Một Bài Học Nhớ Đời
Rối Rắm Chết Mồ
Hôn Nhân và Hạnh Phúc
Bàn Về Nhạc Sến
Thơ Gởi Cô Hai Lụa
Bên Đèn Luận Chuyện
Văn Chương Miệt Dưới


http://www.nguoi-viet.co...mviewer.asp?a=23519&z=57
linhvang
#2 Posted : Wednesday, May 18, 2005 12:19:40 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Đúng là Mme Ngô chứ còn ai vào đây nữa! Cooling Big Smile
Phượng Các
#3 Posted : Friday, November 4, 2005 3:14:29 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)

Cô Hai Bánh Ít.

Lời ngỏ : Bài này tui viết lối 2 năm nay rồi. Hồi đó chân ướt chân ráo vào Phố Rùm đi dạo, thỉnh thoảng tui thấy HBI đội thúng rao hàng. Tiếng rao ngọt lịm làm tui sanh lòng mê mẩn nên rồi lết đít a lát xô nhào tới làm quen. Cô Hai tuy hổng phải lá ngọc cành vàng nhưng lễ giáo á đông thì cô thuộc như cháo. Vớ va vớ vẩn hổng rõ cội rõ nguồn thì cô sanh lòng ái ngại, nên để phòng thân, cô quơ cù ngéo chặn lợi. Tui mất trớn té nhào. Ông Ngô đứng kế bên té theo dập mặt, gẫy mẹ nó bốn cái răng cửa ! Vậy mà tui có tởn đâu nà, hễ cứ thấy cô đâu là tui mon men tiến gần, có điều gần nhưng hổng dám sâu sát, tui giữ khoảng cách vừa đủ cho an toàn trên xa lộ. Tui hổng sợ cây cù ngéo của cổ nhưng sợ bị cổ đè. Cái thân 2-3 tạ của cổ mà trấn lên thì tui chỉ còn nước ... bận sơ mi gỗ !
Tiện đây xin kính cẩn chào cô Ba Tê, dà, cô cứ coi tui như con cháu trong nhà ha cô. Cái quán của cô sang quá xá thành ra muốn dzô cũng ngại, kêu nước lạnh thì kỳ, mà kêu đùi ếch chiên bơ với rượu vang thì tiền hổng có , khố thiệt !






Trong Phố Rùm tui ái mộ nhiều người lắm lận, một trong những người đó là cô Hai Bánh Ít.
Thoạt tiên nội cái tên của cô viết không dấu đã làm tui hết hồn : HaiBanhIt. Tui xớn xác cứ yên chí cô có dây mơ rễ má chi đó với ngài Hannibal của sir Anthony Hopkins . Rồi dòm hình cô ịn dưới cái khuê danh tui cũng có ... đâm ớn. Má ơi người chi mà ‘tốt tướng’ quá cỡ thợ mộc. Tướng tá đó bữa mô buồn tình, cô làm màn đô vật dám tui chết ngắc !
Tây nó biểu l’habit ne fait pas le moine, nghĩa là thấy dzậy mà hổng phải dzậy. Trong trường hợp cô Hai thì ngó bộ còn hơn dzậy nữa. Cô Hai thẳng như ruột ngựa, ăn nói ào ào, nhưng ác liệt là chuyện phun châu nhả ngọc của cô nó có lớp có lang, có vần có điệu, có bài có bản đâu đó đàng hoàng. Đứa mô dại dột làm phiền tới cô là coi như nó ... trúng số độc đắc !
Cô Hai tướng tá bậm trợn vậy đó nhưng tim cô tình cảm chứa chan nên nó mềm xèo. Cô thường hay thổn thức với người cô thế, rồi động mối từ tâm mà sanh lòng hào hiệp. Mấy tên ba trợn ác ôn của Phố nghe giọng cô cất lên từ xa là chúng đã co giò chạy thẳng và chạy trối chết. Phố xá nhờ có cô mà thị dân an hưởng thái bình. Nghe nói Ngài Thị Trưởng đã mấy lần mời cô ra Tòa Thị Chánh đặng trao tặng cô cái Huân chương đệ nhứt đẳng và xin cô ký sổ vàng lưu niệm, nhưng cô Hai một mực chối từ. Mấy cái lẻ tẻ đó cô đâu màng nên mắc mớ chi mà phải đi lãnh rồi mất công giữ cho nó thêm phiền phức ! Cô ở nhà nhồi bột gói bánh ít vậy mà vui hơn !

Nghe cô Hai trò chuyện riết tui thiệt cũng đâm nghiền, bữa nào cô cất giọng oanh vàng thánh thót là tui vui vẻ cả ngày. Đi làm mà tui cứ mơ mơ màng màng nhớ tới cô rồi cười hoài, tới nỗi có lần trong sở họ bốc phôn xém gọi ... 911 . Ông nhà tui biết tui mê cô Hai chết bỏ nên ổng mới print những lời vàng lời ngọc của cô ra mà dán ngay trong phòng ngủ cho tui đọc sớm tối, ổng hy vọng biết đâu nhờ đó mà tui khỏi bịnh ... nhức đầu kinh niên ! Bịnh này thiệt là khó chữa lắm lận, tui uống aspirine quanh năm, vừa tốn tiền lại vừa sợ lòi thêm chứng đau bao tử ! À tiện đây có câu hỏi cho chú em Quê-Một-Cục : Quê à Quê , thế tim gan phèo phổi của Quê lóng rày đã êm chưa vậy hè, vụ uống Nghệ với Mật ong đã xúc tiến chưa, thành công được bao nhiêu ? Tui chờ Quê uống trước, thấy có êm thì tui mới nối gót theo sau đó !

Xin lỗi, tui đi có quá xa đề rồi, xin trở lại chuyện cô Hai Bánh Ít. Tại sao tui mê cô Hai thì không thể cắt nghĩa nổi, con tim đã có những lý lẽ riêng của nó. Mà ngó bộ tui hổng phải là người duy nhất say đắm cô Hai đâu. Nếu ai đó mần siêng thành lập Hội Ái Hữu Hai Bánh Ít thì dám có chuyện kẹt đường kẹt phố vì nạn ‘Xếp Hàng Cả Ngày’ đặng ghi danh gia nhập hội. Dĩ nhiên vợ chồng tui sẽ mang theo cơm nắm muối mè và loong nước lạnh đứng chờ chỗ cho ăn chắc. Chuyện hội hè ni thì tui bảo đảm cô Hai chẳng màng, bị cô không ham danh ham lợi. Cô chất phác bình dân, không cội nguồn quí phái (cái này là cô khai báo chớ hổng phải tui chế ra đâu nghe). Nghề nghiệp của cô tuy không hái ra tiền nhưng bảo đảm sống được vì chắc chắn ... có ăn. Mình lập hội xong lâu lâu mời cô tới bán bánh rồi sẵn dịp ... lecture luôn, một công đôi ba việc vẹn vẻ đôi đàng, vậy hổng tốt sao ?
Sở dĩ tui nói chuyện bán bánh là vì tui hồ nghi mời cổ tới diễn giảng thì chắc chắn cổ sẽ chối từ. Lý do : Người của ruộng của rẫy thiếu ăn thiếu học, diễn thì dễ chớ giảng thì ... bí lù. Đại khái cổ sẽ lắc lia lắc lịa là cái cẳng !

Vậy cô Hai lọt vô mắt xanh cuả tui là từ hồi nào ? Nói thiệt ra đây xin bà con có dính líu xa gần tới chuyện này thứ lỗi cho tui trước. Tui mới sinh tật dạo phố gần đây thôi. Thỉnh thoảng thấy chỗ mô tụm năm tụm ba thì tò mò ngấp nghé đặng hóng chuyện. Mà hổng biết tui có tưởng tượng hông, chớ còn hễ cứ thấy cô Phượng Các ở đâu thì y như phép tò tò đằng sau là thầy ... Physic. Cô Phượng Các chữ nghĩa thánh hiền đầy bụng, tư cách yểu điệu đài trang, vì cô vốn nữ lưu con nhà dòng dõi, bảo đảm không trâm anh thì cũng thế phiệt. Văn là người, đọc cô Phượng Các thì tui tin như vậy. Thầy Physic và cô y hình có biết nhau sao đó, thấy họ lời qua tiếng lại với nhau những chuyện mà tui không thể hiểu nổi. Ngó bộ cô coi thầy nhẹ hìu, mà thầy thì cứ đeo theo nói nhăng nói cuội. Rồi hai bên cùng ... leo thang chữ nghĩa với nhau – dĩ nhiên tui lại càng bí lù – Mãi tới khi cô Hai Bánh Ít bất ngờ xuất hiện làm màn anh hùng Lương Sơn Bạc thì chuyện mới từ từ lui vào dĩ vãng.
Tui học được nhiều điều từ sự cố này, rằng thì là ... không bao giờ có vụ đấu tranh giai cấp như xừ Các Mác đã vẫn thường la ó. Cô Các cô Hai, hai cô đều là cô (của tui) cả, nghĩa là họ bỗng thành thân thiết với nhau như chị em trong nhà, mà nhìn cho kỹ lại coi, thành phần xuất thân của họ thì thiệt là cách xa nhau quá ! Vụ cô Hai cứu khốn phò nguy cô Phượng Các làm thị dân Phố Rùm lác mắt ráo trọi. Thế là một sớm một chiều bỗng dưng cô Hai có cả đống người aí mộ – dĩ nhiên là tui phải đứng chồm hổm trong đám này rồi, dám tui còn đứng đầu bảng là khác –

* * *

Mới gần đây cô Hai lại ra tay nghĩa hiệp lần nữa. Người thọ ơn cô Hai lần ni là cô Hoang-Vu. Nguyên bạn cô Vu có tới hai ông đeo đuổi lận, ông bác sĩ, ông nha sĩ, ông nào ông nấy túi nặng quá chời, xài dám mệt nghỉ. Lắm mối tối thường nằm không, bạn cô Vu lo sợ thế nên níu cô Vu xin ý kiến. Cô Vu kinh nhgiệm chẳng có, bèn vào Phố la làng, nhờ ông đi qua bà đi lại cố vấn dùm. Chuyện tình là chuyện muôn đời hấp dẫn. Gì chớ xin ý kiến về tình thì ai cũng sẵn sàng đưa ra giúp không (mỹ nó kêu bằng for free) trong số đó có cả tui, cho dù chuyện tình của tui thì nó đã quá đát từ đời nẳm rồi. Một ông bạn trẻ tên Ba chi đó cũng xăng xái nhập cuộc. Nhưng nghe ông ấy nói xong thì tui sợ rằng cô Hoang Vu sẽ càng lơ tơ mơ thêm thôi. Ngó bộ ông ấy học cao hiểu rộng nên tính toán cũng cao vời xa xôi, nên rồi lời khuyên của ông ấy bỗng là lời khuyên ... huề vốn !
Cô Hai Bánh Ít đội thúng đi ngang, bèn dừng chân rồi làm màn ... mở máy. Tui không có tài diễn thuyết như cô Hai nên chỉ xin tóm tắt lại. Theo cô Hai thì lấy thằng nào cũng đặng hết, nhưng chỉ nên lấy một mà thôi. Thằng còn lại cô tình nguyện gánh vác giúp vui, rồi sẽ có màn chia huê hồng tới chết nữa lận - Ai chết thì tui lờ quờ hổng rành – Vụ này còn đang bàn luận sôi nổi, chưa rõ bạn cô Vu sẽ chọn ai, và cô Hai sẽ được kế thừa chi sau đó. Từ từ thủng thẳng tui sẽ theo dõi và update cho thị dân của Phố biết sau nha.
Đó, tui nói có sai đâu, cô Hai cứ la ong óng rằng mình ngu mình dốt, chừng tính tới chuyện chồng con thì cô khôn dzàn trời và tính cái rột thiệt là gọn lẹ. Có điều cho dù cô tính toán thế nào cũng rõ ra cái tâm của người ăn ở có hậu. Chuyện chia huê hồng cho cô Hoang Vu tới chết - Ai chết tui chưa rõ - hổng phải là chuyện dễ làm. Người trung hậu như cô Hai một khi đã nói là có. Phục cô là vậy. Người như thế bảo sao không phục cho đặng !

Tiện đây tui xin nhắn cô Hai một lời : Hai à, nghèo nàn và lạc hậu cỡ tui và Hai thì đừng thèm giúp vui chi ai hết, bị ngó bộ nó hổng tốt. Bọn Bác sĩ Nha sĩ là đám trời đánh thánh đâm, tiền thì có nhưng tình thì ... hổng chắc đâu Hai. Một đứa nhìn đâu cũng thấy vi trùng, một đứa nhìn đâu cũng thấy răng sâu thì tình của bọn nó thảm sầu là cái cẳng. Cái chữ sĩ lắm khi rất phiền hà và gây nhiều chán chường thất vọng. Hai lấy một trong hai thằng sĩ đó thì trước hết nó sẽ bắt Hai giải nghệ liền một khi. Rồi nó sẽ gởi Hai vô nhà dòng đặng học ăn học nói – dĩ nhiên nó hổng bắt Hai học gói học mở đâu ha, vì gói mở bánh ít là nghề của nàng mà – Hai ra đường một bước thành bà, Hai bước lên có xe bước xuống có ngựa, vàng vòng hột xoàn cà rá ngọc thạch đầy cổ đầy tay. Ngó vậy mà khổ lắm Hai ơi. Bạn bè tui làm bà rồi thì mười đưá hết chín đứa ... hỏng kiểu. Tui vì giai cấp nông dân nên tham vọng hổng nhiều, tui an phận lấy ông nhà tui đây, tiền bạc chức tước chi cũng là con số không to tướng, nhưng bù lại tui an hưởng thái bình. Hai thấy đó, nội cái vụ ổng dẫn tui vô Phố thả ở đó để tui tùy tiện đi ngược đi xuôi là thấy ổng hết ý với tui rồi. Nếu làm vợ hai thằng sĩ vớ vẩn ở trên dám giờ này tui còn mắc đi ... đánh ghen sặc gạch ! Vinh quang nào cũng có cái giá phải trả Hai à, lắm khi trả thiếu điều gần ói máu rồi, xong dòm lại thì thiệt là ... hổng đáng ! Chúc Hai yên tâm chuyện gói mở để còn thì giờ mà hành hiệp cho Phố thêm khởi sắc ha. Mong lắm vậy thay !

Mme Ngô

PC
(fan của Mme Ngô sưu tập)
tổng thư ký chi Hội Ái Hữu Mme Ngô
(thuộc tổng bộ Các Nhân Vật Kiệt Xuất của Cõi Ảo)

songcon
#4 Posted : Friday, November 4, 2005 3:19:48 AM(UTC)
songcon

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 104
Points: 0

Mme Ngô

PC
(fan của Mme Ngô sưu tập)
tổng thư ký chi Hội Ái Hữu Mme Ngô
(thuộc tổng bộ Các Nhân Vật Kiệt Xuất của Cõi Ảo)


[/quote]

Smile QuestionBlush Cooling me too !
linhvang
#5 Posted : Friday, November 4, 2005 5:02:09 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Chị PC,
Sao LV chẳng có chức gì trong cái hội Ái Hữu đó hết dzị?
Cũng là fan của Mme Ngô.
Tonka
#6 Posted : Friday, November 4, 2005 5:20:51 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Nói với các chị
Ngô-Sắc.


Một sáng mùa xuân đẹp trời, thinh không xuất hiện trong cuộc đời vốn dĩ phẳng lặng của chị một con mẹ hơn hẳn chị, trẻ hơn, đẹp hơn, và ... đắt chồng hơn, lớn bé đủ cả. Ác liệt nhất là nàng lại đang độc thân tại chỗ ! Nàng ôm chầm lấy anh ấy của chị rồi khóc lóc tỉ tê, rằng anh ấy đã là mối tình thầm kín, đầu tiên và duy nhất khi nàng hãy còn ... teen, rằng cuộc đời tình ái của nàng sở dĩ thăng trầm khốn khó cũng chỉ vì trái tim nàng đã gởi trọn cho anh ấy mất rồi ! Má ơi, chị tính sao đây ?

a. Chị dao động tinh thần, hoang mang cùng cực rồi quyết định ... leo lên bàn thờ cho gọn.
b. Chị chạy ù đi thăm bà Bích-Ngọc, bà Hạnh-Phước làm màn chỉnh trang nhan sắc, sơn phết dung nhan.
c. Chị lăn đùng ra ăn vạ, bế quan tỏa cảng chưa đủ, chị còn thẩm vấn anh ấy liên tục, cẩn thận hơn chị thuê thám tử tư bám sát anh ấy 24/24 cho ăn chắc.
d. Chị lôi sổ nhà băng ra, mỗi ngày dùng kính lúp xăm xoi, có chi không minh bạch chị bèn làm màn khủng bố tinh thần, hăm he mời anh ấy đi chơi chỗ khác.
e. Chị làm Hoạn-Thư tân thời, dùng khổ nhục kế, niềm nở rước nàng vào nhà, sau đó gọi điện thoại nặc danh báo Interpol, báo FBI, rằng nàng có liên hệ với đường dây của anh Năm Cam, trùm ma túy VN, hoặc chắc ăn hơn, nàng là thành viên của nhóm khủng bố Al Qaeda đang âm mưu giật sập cầu Golden Gate.

Vì là multiple choice, chị có quyền chọn nhiều câu một lúc. Nhưng ... chọn cách nào thì chị cũng hố mà thôi. Sau đây là lời bàn đề của tui :

- Thứ nhất, chị leo lên bàn thờ : Anh ấy sẽ ôm quan tài có chị nằm ngay đơ ở trỏng mà khóc than thương tiếc, dám anh ấy còn biểu diễn màn nhảy xổ xuống huyệt lúc hạ áo quan. Dĩ nhiên những người đưa chị tới nơi an nghỉ cuối cùng chẳng ai nỡ để anh ấy làm chuyện đó. Rồi thì ... hạ hồi phân giải. Xét cho cùng chỉ có chị là thiệt thôi, vì rằng nằm (nghe tiếng dế ru ơ hờ) ở chốn đìu hiu đó coi bộ vừa lạnh lại vừa buồn ... thấy mẹ.
- Thứ nhì, chị đi gặp bà Bích Ngọc bà Hạnh Phước để ... tune up : Cách này chỉ tạm thời trước mắt mà chưa chắc đã lâu dài và khả quan. Đào thải là luật tự nhiên, các cơ quan bộ phận trên người ở tuổi chúng ta coi bộ đã rệu, đã hết tính ... đàn hồi cần phải có. Cắt xén thêm bớt gì đi nữa cũng chỉ được vài ba tháng là đâu lại hoàn đó, chẳng lẽ cứ cắt mãi thêm mãi à. Da thịt người chớ có phải plastic đâu. Với lại, nếu anh ấy lăng xăng vì thích trẻ thích đẹp thì cô ta sẽ không phải là người sau cùng của anh ấy, xin chị nhớ cho như thế.
- Thứ ba, chị phong tỏa cấm vận và chơi trò thám tử : Má ơi, chị đang làm chi đó ? Nếu thuộc thành phần tư sản mại bản, tiền bạc rủng rỉnh, anh ấy đi đầu tư chỗ khác thì chị sẽ ... sạch vốn như chơi ! Còn cái trò thẩm vấn theo dõi nó chỉ có ở các trại tập trung cải tạo của CS, chơi trò đó chị sẽ làm anh ấy bạc nhược tinh thần và thể chất, anh ấy sẽ là một xác chết mà biết thở, đi vật vờ cạnh chị giữa chốn đông người. Chưa kể, con giun xéo mãi cũng quằn, một ngày đẹp trời anh ấy sẽ ... làm thiệt cho bõ ghét !
- Thứ tư, chị kiểm soát tiền bạc và lâu lâu lại có màn dọa dọn va-li : Tiền và người, cái mất mát nào sẽ làm chị đau đớn hơn ? Nếu phải chọn thì chị chọn chi ? Người mình thường nói của đi thay người. Nếu hết tiền mà còn anh ấy, cả hồn lẫn xác, có phải vẫn hơn là còn tiền nhưng xác hồn đã đi ráo trọi hay không ? Ngay cả xác còn đó nhưng hồn đã biệt tăm thì cũng kể như tiêu. Trường hợp chị chọn tiền mà xăng-phú chuyện hồn xác của anh ấy thì chị chỉ yêu tiền thôi, chị đâu có yêu gì anh ấy. Còn chuyện khủng bố hăm doạ dọn va-li thì rất có thể ... một bữa xấu trời, anh ấy sẽ tự làm lấy va-li mà không khiến tới chị.
- Thứ năm, chị loại đối thủ bằng khổ nhục kế : Cái này kẹt lắm nha, Interpol FBI là những cơ quan thẩm vấn điều tra chuyên nghiệp, chỉ cần ba chục giây là họ sẽ tìm ra đáp số, trong cái đáp số này chắc chắn có chị ngồi nhà đá, nhẩn nha bóc 1-2 quyển lịch hoặc lặng lẽ bên thềm đếm lá rơi. Xin chị chớ dại !

Nói năng dông dài thế là để đi tới một kết luận : Bất cứ chuyện gì không vui xảy ra, bởi chị và con chị là cái cột nhà của anh ấy (chị là cái, cháu là cột), nơi chốn anh ấy trở về để được thương yêu, nên nếu có chi thì trách nhiệm hoàn toàn là ở chị. Cột là cái sườn nhà, chống đỡ mái nhà che mưa che gió, chị chống yếu xìu, mưa gió nhẹ hìu mà nhà đã xập, thế thì chị trách ai ? Lẽ ra chị còn phải đấm ngực đọc kinh cáo mình, ăn năn tội với anh ấy là khác, vì rằng hoặc chị đã không yêu anh ấy hoặc chị yêu nhưng đã yêu ... không đúng cách !

Một ông đầy kinh nghiệm, sắm được căn nhà có tới hai cái cột, đã định nghĩa tình yêu như sau : Yêu là có bổn phận đem hạnh phúc đến cho người mình yêu, làm họ nẩy nở sung mãn về tinh thần lẫn thể chất. Ông rộn ràng với cái cột lớn (yêu như thế mới là yêu đúng cách), nồng nàn với cái cột nhỏ (trẻ như thế, hơ hớ như thế, lấy ai chẳng được). Sang tới đây, cả ba chung sống hòa bình mãi tới khi ... ông lại lôi tình yêu ra lý luận để đòi dựng thêm cái cột thứ ba, vì theo ông thế chân vạc mới là thế cân bằng bền nhất ! Tới đây thì có chiến tranh giữa ông và Cột nhỏ. Cột lớn đóng vai Liên hiệp quốc phân xử mãi không xong, tình trạng căng thẳng y chang Huê-Kỳ và Irak, Cột lớn chán quá bèn có màn xuống tóc, rời bỏ chiến trường đẫm máu để nương náu chốn thiền môn. Chuyện tới đây vẫn chưa ngã ngũ, có tin gì mới tui sẽ báo cáo sau.

Vậy chứ trong ba người, đố chị, ai đáng thương nhất ? Ai cũng đáng thương hết, nhưng thương nhất là ông chồng. Trai năm thê bảy thiếp, ông được giáo dục thế (và thành khẩn tin thế), chuyện thêm bát thêm đũa của ông tất nhiên nó bình thường, giống như ta ra quán uống ly cà phê, thấy ngon, bèn bưng cả bình lẫn phin về cho gọn việc sổ sách. Ngài tổng thống đã cho phép ông uống cà phê, nay ông muốn uống trà tàu, tại sao ngài thủ tướng lại nhất định phản đối, thế là không dân chủ, là ... vi hiến ! Nói như ông không phải vô lý và thiếu cơ sở. Đúng mà không được làm, ông đáng thương quá đi chớ !

Trở lại trường hợp đầu tiên, nàng ôm chầm lấy chồng chị. Thì đã sao mà chị phải ầm ĩ lên như thế ! Chị đã trái rành rành cả lý lẫn tình. Trước hết là lý, ủa, nàng đến trước chị cơ mà ! Còn tình thì ... ôm là quyền của nàng, anh ấy có vội vàng vòng tay ôm lại hay không mới thành chuyện. Chưa kể dám nàng bị viêm cánh viêm cẳng hổng chừng, nên ngay chuyện bắt tay bắt chân, anh ấy còn hổng khoái, nói chi tới chuyện ... ôm đáp lễ. (Ai muốn biết viêm cánh viêm cẳng là chi xin tìm hỏi các quan đốc Việt) Giả dụ anh ấy lịch sự có thừa, ga lăng cho phải phép kẻo nàng buồn, sơ sơ chút đỉnh vậy mà, thì đã sao, ơ hay ! Ăn cơm nhà mãi cũng ớn, cho dù tài nội trợ của chị đã nức tiếng đồn, nếu anh ấy mò ra tiệm kêu tô mì thì chị khỏi mất công nấu nướng và dọn dẹp, càng khoẻ chứ sao ! Với lại ra tiệm chưa chắc là đã để ăn, lắm khi anh ấy chỉ đi ... dòm thực đơn, rồi lại về ăn cơm nhà, vừa đỡ tốn, vừa lành (vì ít dầu mỡ và bột ngọt) lại vừa hợp khẩu vị. Gì đi nữa thì cũng chỉ có lợi cho chị mà thôi.

Có lắm khi chị đã vô ý nên cơm lúc khê khét, lúc sượng trân. Mà anh ấy thì chỉ thích cơm thôi. Thế nên cho dù thức ăn chị làm có ngon cách mấy, bữa ăn cũng đã thành vô vị. Rồi anh ấy kém vui, bèn theo bè bạn đi uống cà phê hay uống trà tàu, tệ hơn dám anh ấy còn uống cả rượu. Lỗi đó đâu phải tự anh ấy, tự việc bếp núc của chị không chu tất đó thôi, thế sao lại trách anh ấy nhỉ ? Trường hợp anh ấy lăng xăng cái kiểu ‘nam vô tửu như kỳ vô ... viagra’ thì chị lại càng yên chí lớn, vì rằng sự nghiệp điền kinh cử tạ của anh ấy đang trên đường kết thúc, lễ bế mạc chỉ là một tương lai rất thật gần, bởi trong lãnh vực thể thao, doping không bao giờ có chỗ đứng !

Ngẫm nghĩ cho cùng, sau khi dòm qua dòm lại dòm trước dòm sau, người chồng Việt có lẽ là người đàn ông tốt nhất thế giới về chuyện tình nghĩa. Một ngoại lệ, tuy hiếm, là ... anh ấy ưa trò quyền anh, chơi rất thường xuyên, xuất sắc và chuyên nghiệp. Nếu thế thì chắc chắn cái bình bông pha-lê có tên gọi là tình-nghĩa, đang trưng bầy sang trọng trong phòng khách nhà chị, than ơi, nó đã lủng từ khuya rồi, từ ngay trong trận so găng đầu tiên lận, nếu chị còn cứ cố mua hoa về cắm thì đừng than thở tại sao ! Và má ơi, theo tui, chị đáng bị nọc ra đánh đòn rồi sau đó đáng bị phú lít bắt bỏ bót !

* * *

Căn bản của vấn đề thiệt ra là gì ? Hà hà, là chị có ... máu hoạn thư chút đỉnh chứ còn chi nữa. Mà chút đỉnh thì cũng ... người ta thường tình thôi, hổng có mới kỳ cục khó hiểu. Kẹt cái (lắm khi) chị ghen lãng xẹc, hoặc (ít khi) chị ghen đúng nhưng ghen ... thiếu tổ chức !

Vậy chứ ghen nó là chi ? Tự điển tâm lý nói thế này : Ghen là một tình cảm bi quan hỗn loạn về mất mát, nó chứng tỏ sự thiếu lòng tin về chính mình và thiếu hiểu biết về đối tượng (tức cái đứa đang cứ chực bưng gọn ... đĩa cơm sườn của chị). Vì hỗn loạn nên lắm khi chị bị ... quáng gà, nghĩa là con gà của chị còn đứng nguyên trong chuồng mà chị đã hốt hoảng ồn ào la lối chuyện ... chuồng trống !

Nói như thế thì mỗi lần ghen, dù đúng hay sai, là chị đã bị hao hụt ít nhiều, là chị đã để tâm hồn và thể chất mẻ đi một miếng vì cái chuyện thiệt ra chưa đáng hay không đáng thành chuyện ! Nghe tui cắt nghĩa đây : Chưa đáng bởi thông thường, anh ấy đi rồi sẽ về, trừ khi về không đặng vì chị đã kêu người thay luôn ổ khóa. Không đáng vì, tệ hơn, anh ấy đi lâu và dám đi luôn hổng chừng. Thì cũng tốt thôi, giữ sao nổi người đã không thích ở, chị hãy thong thả để-trở cư-tang và cúng vong để linh hồn anh ấy sớm siêu thoát, bởi trở về bằng hồn ma bóng quế thì cũng chẳng vui gì, còn vướng chân vướng cẳng chị thêm là khác! Trong Thánh kinh những người đi lạc tìm ra lối về thường được ca tụng hơn là người ở trong nhà, và vì thế, không bao giờ có thể đi lạc. Thậm chí Chúa còn biểu phải trải thảm đỏ và mổ trâu bò để liên hoan linh đình mệt nghỉ, vì ... đây là con chiên đã mất nay tìm thấy lại (và thấy nguyên con) ! Chúa nói thế mà chị còn cãi sao ? Chỉ có điều ... nếu cứ đi, cứ đón, và cứ ăn uống hoài kiểu này dám có màn bội thực ! Tùy chị đó thôi, đã thích nuôi gia cầm thì phải cố, hay chị đổi chương trình nuôi vịt thay gà ? Thịt vịt tuy độc nhưng nấu cháo hay tiềm thì quả là hết xẩy !

Trở lại chuyện tình nghĩa của người đàn ông Việt, như đã nói ở trên, cho dù đi đâu làm gì, thì anh ấy cũng sẽ trở về và ở lại, trừ khi chị đã không còn kiên nhẫn nên nhất định tống anh ấy ra khỏi cửa. Hoặc chị quyết định vì anh ấy ăn mì và uống cà phê sữa nên chị cũng phải ra tiệm ăn phở và uống đậu đỏ bánh lọt. Thế nhưng thi đua ăn nhậu cho bằng các anh có vẻ không phải là thói nết của người phụ nữ Việt chúng ta, tui thật lòng tin như thế.

Mà tại sao chị em ra ngoại quốc rồi lại hay nói chuyện bình đẳng bình quyền dữ vậy trời ? Bộ hồi đó tới giờ hổng bình sao, và nếu không thì chị ở đâu, chiếu trên hay chiếu dưới ? Nói rằng chị đã thụ động phải ngồi nín thinh ở chiếu dưới, thì có vẻ như chị đang vừa đánh trống vừa ăn cướp, nghĩa là chị chơi trò cả vú lấp miệng anh ấy, la làng để được đứng trên bàn thờ chung với ... tổ tiên. Nói có sách mách có chứng đàng hoàng : Ai là đảng, lãnh đạo mọi chuyện trong ngoài, anh ấy ha ? Ai là nhân dân, làm chủ mọi công việc vốn dĩ nặng nhọc (sửa xe, thay ổ điện, thay ống nước ...), chị ha ? Và trên nhất hết : Ai là nhà nước, quản lý khâu phát lương cho anh ấy bằng chính tiền của anh ấy, con chị ha ? Thế thì bình ở cái chỗ nào ? Và càng không thể bình nổi khi mà tiền chị xài trong việc mua hột xoàn là tiền vốn để dành, còn tiền anh ấy xài trong việc lai rai cà phê trà tầu lại là tiền vứt qua cửa sổ. Tiền dùng trong cả hai trường hợp đều có mục đích chung là đem lại sảng khoái tinh thần lẫn thể chất cho người xài nó, thế sao việc chị tiêu thì hợp lý và có ích lợi mà việc anh ấy tiêu thì lại phung phí và ... phạm pháp ? Vậy bình ở cái chỗ nào ?

Chị kể lể công lao đã đẻ và nuôi con cho anh ấy ha ? Nếu chị không thích thì có bao nhiêu người đã và đang sẵn sàng để làm hộ chị việc đó. Còn buông anh ấy ra chị cũng có khối ư, chị có đùa không ? Bài tính xác suất để tìm người kế thừa anh ấy chắc chắn không cao, nếu không muốn nói là ... vô nghiệm ! Trừ khi chị nói để mà nói, nói linh tinh cho sướng cái miệng, chứ còn tin vào đó, dù chỉ một hai phần trăm thì, than ơi, óc tưởng tượng của chị quả là phong phú dồi dào !

Nay ở quốc ngoại, chị ra ngoài bắt chước đòi bình quyền ! Ôi quả là dại dột. Bình quyền là cái gì cũng phải chia hai, hoặc chia theo một tỉ lệ cân xứng 50-50, 60-40, 70-30. Gì đi nữa thì chị cũng mất quyền ‘làm chủ’ theo luật bất thành văn mà tự nhiên chị đang có sẵn. Còn màn giải phóng phụ nữ nữa trời ạ ! Đây chỉ là hư chiêu, để những người đàn bà kêu gào chuyện giải phóng hợp thức hóa thành tích của họ, để những người đàn ông lăng xăng và lăng nhăng, vô tội vạ tính chuyện ... hit and run. Sợ rằng, tới một lúc chị bình tâm ngồi xuống, ngó tới ngó lui, thì đã quá trễ để lùi lại mà tâm hồn không thảm thương chuyện méo mó trầy sát !

Nói nãy giờ e là chuyện sách vở lý thuyết . Chuyện nhà hai ba cột coi bộ chưa xong. Nhưng chuyện sau đây thì bảo đảm có thiệt chăm phần chăm : Cả Đẫn đối với vợ vốn có hiếu một lòng. Rồi thinh không có màn ôm lãng xẹc. Đẫn bối rối mới thú thiệt để vợ ... gỡ rối tơ lòng. Vợ Đẫn chạy sang nhờ tui mách nước. Sau màn phân tích tổng hợp, VC nó kêu bằng điều nghiên sự cố, tui mới Gia Cát Khổng Minh để vợ Đẫn cứ thế mà làm. Trước hết, vợ để Đẫn thong thả chuyện tham quan thành phố suốt tuần lễ nàng ở lại. Tới khi nàng về, vợ lại còn cho phép Đẫn mang theo lương thực đi tiễn năm ngày đường. Chuyện này mới ác liệt : lúc soạn va-li cho Đẫn, vợ cẩn thận nhét vô đó năm cái áo tơi, phòng khi mưa gió trở trời, mỗi ngày Đẫn bận một cái. Đẫn đi năm bữa trở về, có hao mòn chi không rõ, nhưng vợ Đẫn thì lại có lời. Lúc rỡ va-li, áo tơi nàng đếm tới ... sáu cái lận (?) Bữa tình cờ họp tổ, tui kéo Đẫn ra một góc bắt thành khẩn khai báo, nhưng Đẫn cứ trước sau như một, rằng không biết tại sao, rằng hay vì nó cất công nấu nướng dọn bữa mà mình hổng nếm, nên nó giận nó làm thế để vu oan giá hoạ cho mình ? Đẫn nói thế có tin được hay không, tui tò mò hết sức ?? Còn vợ Đẫn thì tỉnh bơ cười ruồi : Đã có phép thì ăn uống hay không là quyền của Đẫn, có mắc mớ chi tới nàng mà phải thắc mắc ! Wow, trong tương lai nếu ai cũng như vợ Đẫn thế giới chắc sẽ hoà bình to, rồi thì chuyện tu thân tề gia trị quốc sẽ là đồ bỏ hết !

Kết : Bài này tui viết cho một hội có tên Hội Ái Hữu Đờn Ông (không hề sợ vợ). Nghe đồn hội qui tụ toàn những bậc thức giả nhìn rất xa và hiểu rất rộng ! Khi Nam Quyền được binh vực dữ dội như tinh thần bài viết này, thì đám đờn ông của Hội đúng ra phải thỏa mãn hả hê mới là chuyện bình thường. Thế nhưng ... sự việc tiên liệu y hình đã không xảy ra ! Nghe nói khi nhận được bài này thì tất cả ban chấp hành của hội đã họp hành khẩn trương tới mấy ngày lận. Sau khi tham khảo ý kiến chung thì họ biểu tui rằng họ ... rét quá ! (Sướng thì có sướng đấy, nhưng run thì cứ run !) Rồi họ lịch sự mời tui đem bài đi đăng chỗ khác, bên Hội Ái Hữu Đờn Bà chẳng hạn (Hội Ái Hữu Đờn Bà thì y hình hổng có vì thiệt tình không cần thiết phải có !) Thoạt tiên tui có chưng hửng chút đỉnh, sau ngẫm nghĩ lại thấy chuyện rét mướt của họ cũng là hợp hoàn cảnh. Ngó bộ thời gian chưa dủ chín muồi để các dân tộc nhược tiểu vùng lên chống áp bức. Thôi thì cứ để họ, các bậc thức giả nhìn rất xa và hiểu rất rộng ấy, thong thả mà suy nghĩ chuyện đời !


2003/04/30
Tonka
#7 Posted : Friday, November 4, 2005 5:22:12 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
1/02/04 CANXI

Chú Ba Tê.

Mạnh giỏi ? Lâu quá mới có tin chú.
Lóng ni tui cũng lu bu chuyện gia đình nên không còn rảnh rang mà dạo phố như trước. Bữa nay mới đọc message của chú nè. Tui cũng ráng viết vài chục dòng cho chú biết tin, hổng thôi chú tưởng tui chết dí ở cái xó xỉnh đâu đó rồi. Cho dù đời tui nó đang rối nùi nè nhưng thiệt là tui vẫn còn sống sót !
Tui xin trả lời 'vắn tắt' như sau :

Calcium cần thiết cho việc dẫn truyền thần kinh để các bắp cơ hoạt động (bao gồm cả cơ tim cơ ruột lung tung xèng vv và vv ha chú)
Trong cơ thể chúng ta mỗi kg trọng lượng chứa độ 15-20 gram calcium, 99 % nằm trong xương. Mỗi ngày chúng ta ngốn độ 30-40 mEq (tương đương 600-800 mg) qua đường thức ăn, nhưng chỉ 15 % này mới được hấp thụ và chuyên chở vào máu rồi tiết ra ngoài nước tiểu.

Calcium trong cơ thể hiện diện dưới 3 dạng :
-Protein-bound Ca+ (protein như cái xe chuyên chở protein)
-Complexed Ca+ (nonprotein-bound nonionized)
-Ionized Ca+ : Đây là dạng quan trọng nhứt và là nguyên nhân gây ra những triệu chứng bịnh lý thiếu calcium trong máu đầu tiên (hypocalcemia)

Ionized Ca+ giảm trong một số trường hợp như shock, nhiễm trùng, một số bịnh nội tiết (parathyroid hormone) ..vv.. và nhứt là thiếu protein trong máu (hypoproteinemia).
Nồng độ Ionized calcium trong máu thay đổi từ 2.1-2.4 mEq/litre. Khi nồng độ này thấp dưới 1.6-1.7mEq/L thì sẽ có những triệu chứng bệnh.
Triệu chứng nhẹ là tê rần quanh miệng và các đầu ngón tay. Triệu chứng nặng hơn là làm kích thích và co thắt các bắp thịt gây cramp-spasm (vọp bẻ ?) và có thể đưa tới cả kinh giựt. Riêng với người bệnh tim phải dùng thuốc trợ tim (digitalis) thì bắp thịt tim lại hoạt động yếu đi do thuốc bị giảm công hiệu (nguy hiểm lắm nha)

Trị liệu : Chích thật chậm calcium vào tĩnh mạch và tìm trị nguyên nhân.
Thông thường để an toàn trên xa lộ người ta hay pha Calcium vào dung dịch đường Dextrose 5% rồi truyền IV trong 12-24 tiếng.

Riêng về vụ đường đẳng trương thì tui nghĩ nó chính là dextrose 5% đó thôi.
Nói về ba chữ trương thì nó vầy nè : Trương là thấm nước (thẩm thấu) và nở ra ha. Độ thẩm thấu của một dung dịch nó tùy theo nồng độ thấp hay cao của dung dịch đó.
Nồng độ đó phân ra thế này : Hypertonic là ưu trương, isotonic là đẳng trương và hypotonic là nhược trương. Khi để hai dung dịch có nồng độ khác biệt nhau tiếp xúc với nhau thì thông thường xảy ra chuyện thấm thấu để trung hòa nồng độ.
Trong máu, lượng Sodium (Na) khoảng 0.9 % và đường khoảng 5%, thành ra dung dịch có đường 5% hay có muối Na 0.9% thì gọi là dung dịch đẳng trương (so với cơ thể, dĩ nhiên) Dung dịch đẳng trương không tạo tình trạng thẩm thấu nên không làm ứ đọng hay làm mất thêm nước trong cơ thể.
Từ cách ấy người ta chọn dụng dịch để truyền vào cơ thể con người tùy theo tình trạng bệnh lý. Khi bị cerebral edema (phù não ?) thì người ta được truyền liền một dung dịch thiệt đậm đặc, mục đích là khi dung dịch ni chạy vào tới não thì nó sẽ hút nước ứ đọng ngập lụt trong não ra ngoài, chẳng hạn vậy.

Giải thích lòng vòng vậy rồi sau đây là lời bàn đề của tui :
Đọc tới đọc lui cái message của chú, tui thấy quả là khó hiểu. Chữ nghĩa trí tuệ thì thường nó thông thái ha chú, mà trí tuệ ở đỉnh cao thì lắm khi nó rối mù là cái cẳng. Thành ra những người thiếu trí tuệ hoặc có đó nhưng ở đỉnh thấp như tui và chú (dám hết thị dân PR hổng chừng) ngó bộ có lơ tơ mơ thì cũng là phải quá !

Lơ tơ mơ thì phải đoán mò ha, tui đoán nó vầy nè :
Ngó bộ 16 nữ sinh trung học An Minh đó có trục trặc sức khoẻ tâm lý. Họ có bị hypocalcemia nên chân tay co cứng. Mà làm một hơi 16 mạng như thế thì tui thấy thiệt cũng khó cắt nghĩa. Có nguyên nhưn sâu xa chi khác không ?
Tui nghĩ 16 cô nữ sanh trung học còn ‘teen’ ni chơi trò nhịn ăn đặng giữ eo. Nghe nói tại mấy cái thành phố to ở VN hiện nay phong trào thi hoa hậu và kiểu mẫu đang trên đà tiến nhanh tiến mạnh và tiến vững chắc thành ra nó thạnh hành lắm lận. Vì nhịn ăn thế thì thiếu protein ha thành ra rồi thiếu calcium là vậy. Dám khi đó vì thiếu ăn nên họ còn đang bị thêm trò giảm đường máu (low blood sugar) hổng chừng.
Vậy rồi cắt nghĩa sao một hơi 16 mạng ? Tui nghĩ cái đám nhứt quỉ nhì ma đó đang rủ nhau cùng ăn uống một cái chi đó, thuốc giảm cân chẳng hạn, hay là họ đang uống ... canh dưỡng sinh hổng chừng ha, thành ra rồi họ rủ nhau đồng ca một bài !

Thức khuya căng thẳng thì tui lục lọi sách vở tùm lum mà cũng hổng thấy liệt kê, hay là vì ta tiến quá nhanh quá mạnh nên ta tìm thêm ra nguyên nhưn mà ngoại quốc thì còn đang ấm ớ nên chưa biết chăng ?
Thân thể con người ta mà chú, nó đâu phải hai cộng hai là bốn, thành ra rồi nói chi nó cũng ... đúng ráo hết.
Tui thòng cái âu ấm ớ ni vô đây cũng là để lỡ mai mốt có chi còn cãi với chú cho đỡ mất mặt. Ăn nói chắc nịch thì tui cũng ham nhưng thiệt tình hổng dám.

À quên báo tin cho chú Ba nó hay một chuyện. Tui vốn có duyên với mấy con số. Kỳ ni mới vớt được hai đứa em dễ thương hết sức, tên họ cũng đầy số ở trỏng, thành ra rồi tui đang suy nghĩ lung lắm lận. Có nên lập một đại gia đình hay là một hội chi đó với những người ‘có số’ không ? Chú Ba nó nghĩ thế nào, nhớ cho tui biết ý kiến ha.
Thân ái cùng chú và mong chú vui khi đọc những giòng này.

PS : Tiện đây xin nhắn tin cho QG : Men, mới nhận được 3 hình , thiệt là diễm lệ ha. Thảo nào có người cứ khen rối cả lên mà hổng mấy tin. Bữa ni thì tin lắm dồi. Năm mới vui vẻ ha , tui bận quá xá !!

Dạ, tôi đọc được bài viết này, thấy ngộ nghĩnh nên xin dán vào đây. Hy vọng các anh các chị cười vui thỏai mái.

* * *
Tonka
#8 Posted : Friday, November 4, 2005 5:23:18 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Nhạc Cổ-Điển 11/4/03


Cùng với Opera và Ballet, nhạc cổ điển trước đây vẫn được coi là dành cho giới thượng lưu trưởng giả. Từ khi Radio & Television xuất hiện, chuyện thưởng ngoạn nghệ thuật đã lan rộng và từ từ chúng đã trở thành đại chúng.
Đúng ra phải gọi là nhạc cổ điển tây phương đặng phân biệt với cổ nhạc – Cổ nhạc của VN mình thôi còn mấy nước khác thì tui mù tịt - Nhạc cổ điển tây phương xuất hiện đã lâu lắm rồi, còn cổ nhạc của mình e rằng nó chưa cổ gì mấy, và trong khuôn khổ bài viết này, tui làm bộ lơ nó đi.

Đôi dòng khái niệm
Âm nhạc không phải là công việc của trí tuệ mà là của cảm nhận vì nó thành đạt và diễn tả những cảm xúc. Đọc sách nhưng nghe nhạc, nghe mới thưởng thức được cái hay của nhạc. Nghe nhạc là cả một nghệ thuật và ngó bộ hổng ngon ơ như người ta thường tưởng - rằng chỉ việc mở lên rồi nghe khơi khơi - Mỗi ngày chúng ta nghe biết bao là nhạc phát từ radio TV và những dàn máy tối tân, nhưng e rằng chúng ta hổng thưởng thức nhạc. Cái sự nghe ni nó phiến diện bởi nó chạy vào tai phải và ra bằng tai trái liền tù tì. Khi nó vào xong, rồi ù lì đóng trụ và tạo cảm xúc thì mới đích thị là chuyện thưởng thức. Theo cách ấy thì thưởng thức nhạc là cả một nghệ thuật cần phải học hỏi và luyện tập lâu dài.

Vì nhạc cổ điển không có lời nên rồi chuyện nghe và cảm nhận có khó khăn lắm chăng ? Để phát triển nghệ thuật thưởng thức nhạc cổ điển, một số nguyên tắc căn bản đã được đề ra :
- Nghe bài nhạc càng lâu càng tốt để nó thấm vào linh hồn và vào cả trí khôn.
- Lắng nghe cái âm điệu của bài nhạc, khúc nào thích thì đoán coi nó được chơi bằng nhạc cụ gì
- Tưởng tượng trong đầu mình những hình ảnh mà bản nhạc tạo nên.
- Tưởng tượng tác giả đang nghĩ chi lúc viết ra nó.
- Đánh nhịp dậm chân hay là lúc lắc theo điệu nhạc.
- Để ý khi nào thì tiết điệu thay đổi, và tại sao.
- Tìm hiểu, nếu được, thời gian và lý do bài nhạc đã được sáng tác.
- Nên cố gắng nghe nhạc thêm lên mỗi ngày.

Những nguyên tắc ni thực ra không đáp ứng được hết mọi khía cạnh của nghệ thuật thưởng thức, nhưng chúng giúp bạn nghe được nhạc lâu hơn mà không bị chán hay bồn chồn – chờ bài nhạc hết lẹ để coi như ... xong nợ !
Thưởng thức nhạc là đi cùng với nhạc chớ hổng phải hì hục chạy theo nó – chạy như thế thì mệt chết bà ! Các nguyên tắc trên làm bạn tưởng như muốn nghe được nhạc thì phải tốn sức lao động lắm lắm. Thành ra tội chi mà khổ cực dzậy trời !
Kể ra chuyện khổ cực (nếu quả thiệt có thì) nó đáng đồng tiền bát gạo lắm nha. Vì rằng âm nhạc là một trong những điều thiết yếu căn bản, tạo những đáp ứng cảm tính, kích thích giác quan và do đó làm cuộc sống con người trở nên phong phú gấp bội.

Âm nhạc là ngôn ngữ chung của nhân loại. Người nghe nhạc và người viết nhạc không cần có cùng quốc tịch mà vẫn cứ hiểu nhau như thường. Ngay cả giữa các thính giả, họ cũng hiểu nhau như đang nghe chung một thứ tiếng mà hổng cần phải ... lớn lời (Xin chào chú em SGLT ... w)
Nhạc loại nào ra sao thì còn tùy. Tùy gu và tùy cái duyên của bài nhạc với người nghe nhạc. Bạn nghe Bach Handel Mozart Beethoven nhưng cùng lúc bạn vẫn có thể khoái bài ‘Bao Giờ Biết Tương Tư ’ vì nó làm bạn nhớ tới tình yêu thuở đầu đời (Ôi con nhỏ ngộ thiệt nhưng cà chớn thấy bà. À, hồi đó mình còn ngây thơ lắm lận !)

Phàm muốn nghe nhạc cho đúng nghĩa thưởng thức thì phải chọn nhạc, nếu thấy phê thấy thấm thì là đã chọn đúng. Phải ý thức chuyện chọn lọc nhạc mà nghe, vì nếu để người khác chọn giùm thì hỏng bét ! Nhưng rồi cái vụ bị chọn dùm nó xảy ra hoài hà, thành ra có chuyện là vậy. Chẳng hạn trên đường tới sở mở la-dô bỗng bị nghe dàn nhạc Mantovani chơi bài Viennese waltz thay vì dàn đại hoà tấu Vienna Philharmonic, nghe như thế ấm ức chết mồ luôn. Đó là bản nhạc đã nổi tiếng, thành ra rồi nếu chưa có duyên quen trước thì lắm khi đâm ghét luôn cả bài nhạc hổng chừng. Và ghét như vậy là chuyện thiệt thòi, ít hơn cho người viết nhạc (hổng có mợ chợ vẫn đông) nhưng nhiều lắm lận cho người nghe nhạc, vì đã lỡ mất một dịp để làm quen với người tuy đẹp nhưng chưa hân hạnh quen (mà lại rất có thể là người lý tưởng hổng chừng vì vừa ngoan và dám lại vừa giàu có nữa ! )

Các tay chọn nhạc trong Radio thường chia nhạc thành 3 nhóm : nhạc cổ điển, nhạc giải trí và nhạc pop. Chia như thế hổng ổn, vì với người này là nhạc giải trí nhưng với người kia lại không. Ngay cả chữ cổ điển cũng đã là sai bét. Cổ điển là một giai đoạn thời gian kéo dài khoảng 80 năm ở cuối thế kỷ thứ 18, đây là thời khắc Haydn và Mozart nổi tiếng nổi tăm. Nhạc lúc này được viết theo đúng truyền thống và bài bản. Nhạc cổ điển tiếp tục gọi là cổ điển sau này vì nó không fantaisy, nó chỉ có nghĩa là nhạc thuần túy chưa biến dạng (như những loại nhạc có tên gọi là jazz, blue, pop ...).

Một câu hỏi hay được đặt ra : Lúc nào thì bạn bắt đầu biết nghe và biết thưởng thức nhạc ? Trả lời được câu này hổng phải là dễ đâu nha ! Trước hết phải nhìn nhận rằng, người mù tịt về âm nhạc khó có thể thưởng thức nhạc cho tới nơi tới chốn. Thành ra rồi muốn nghe nhạc thì phải học là vậy. Học ở đây có thể là chỉ học lý thuyết (nhạc lý) có thể là cả lý thuyết lẫn thực hành (chơi nhạc cụ), học nhiều học ít tùy theo điều kiện và khả năng, miễn sao dùng nó để thưởng thức âm nhạc đúng cách và tường tận. Dĩ nhiên có học thì tốt nhưng rồi hổng có cơ hội học thì sao đây ? Thì cũng thưởng thức được nhạc vậy và lắm khi còn thưởng thức một cách thông minh ngon lành nữa là khác, và vì phải tự biên tự diễn nên đường đi thường ngó bộ lồi lõm gian truân hơn !

Lịch sử về âm nhạc là cửa ngõ mở đường để chúng ta đi vào và hiểu rõ hơn thế giới âm nhạc. Sững sờ và thích thú biết bao khi biết rằng phần lớn các tác phẩm vĩ đại của Beethoven đã được viết ra khi ông bắt đầu điếc nặng. Rồi lại biết rằng Bach và Beethoven sống cách nhau độ khoảng nửa thế kỷ (tác phẩm đầu tiên của Bach cách tác phẩm cuối cùng của Beethoven đúng 50 năm), có nhiều nhặn chi cho cam đâu, vậy mà nhạc của họ đã khác xa nhau lắm lận .

Ngoài lịch sử về âm nhạc, người nghe nhạc cũng nên biết chút ít về cấu-trúc thể-loại về tiết-tấu âm-điệu của bài nhạc vv.. Thông thường tiết tấu và âm điệu đi song song và quan trọng ngang nhau. Nhưng (ôi những cái nhưng làm rối rắm cuộc đời !) đôi khi tiết tấu đã làm thăng hoa âm điệu. Thí dụ điển hình nhứt về sự thăng hoa này nằm trong bản Bolero của Maurice Ravel.

Tui xin tào lao về bản Bolero này để chấm dứt phần sơ khởi về nhạc cổ điển :
Maurice Ravel (1875-1937) là dân tây, lùn xủn, rất tếu và lắm khi nhũn như chi chi. Là học trò của Fauré, Ravel bắt đầu nổi tiếng năm 1907 với bản Rhapsodie Espagnole. Tuyệt tác phẩm của Ravel, theo một số phê bình gia, là Daphnis and Cloe viết cho ballet. Thời gian cuối của cuộc đời ông sống ẩn dật tại một vùng quê hẻo lánh ở ngoại thành Paris.

Bolero của Ravel, bạn đã nghe nó chưa vậy hè ? Có khi nghe rồi mà hổng biết ha.
Năm 76 hay 80 chi đó, Uỷ ban thể thao thế vận Olympic comity cho thêm vào lịch trình tranh tài của bộ môn Trượt băng Skating một môn thi nữa là Dance on ice. Dance on ice đúng ra chỉ là một loại Ballroom on ice không hơn không kém. Bộ môn này trước nay luôn luôn bị Liên bang sô viết khống chế. Mãi tới năm 1984 thì gió đổi chiều, huy chương vàng thế vận và thế giới cùng năm lọt vào tay Torill & Dean của Anh Quốc. Họ chọn bản Bolero của Ravel làm nhạc nền và đã đoạt điểm tối đa 6.0 của toàn hội đồng giám khảo quốc tế.
Bolero thực ra chỉ là một đoạn nhạc ngắn được lập đi lập lại tất cả 18 lần tổng cộng, sau mỗi lần thì nhạc lại được chơi to hơn và nhanh hơn. Đến gần cuối bài thì xuất hiện vài đoạn chuyển ngắn giống như jazz với tiếng kèn rồi nó ngưng ngang đột ngột và chấm dứt cái rụp. Đây là một điệu nhảy dĩ nhiên, và thoạt tiên được Ravel gọi là, má ơi, 'Vũ Điệu Gọi Mời' (dance lascive, lewd dance). Khán giả chưng hửng ngạc nhiên khi lần đầu tiên nghe nhạc và nhìn Ida Rubeinstein nhảy trình diễn tại Hí viện Paris Opera ngày 20 November 1928 . Thậm chí có người còn la ầm ĩ là tác giả của nó (anmo)mad quá xá ! Nhưng rồi bài nhạc được ca tụng không ngớt, đến nỗi cha đẻ của nó cũng hổng ngờ. Để đáp lễ lại những lời khen tặng, Ravel chỉ nhũn nhặn rằng : Ôi, theo tui thì hổng lâu đâu mà, vì nó đang à la mode vậy thôi !
Khi được hỏi trong các tác phẩm của chính mình, Ravel ghét bài nào nhứt, bạn đoán thử coi. Chính là bài Bolero bất hủ đó bạn ạ !

PS : Nhân đây cũng xin trả lời một câu hỏi của ai đó về chữ Symphony Orchestra và Philharmonic.
Symphony orchestra là nghĩa thông thường của một dàn nhạc đại hòa tấu - tui sẽ nói thêm sau nếu có dịp. Chữ Philharmonic trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘người yêu âm nhạc’ và nó không dính líu chi hết với cái dàn nhạc đại hoà tấu cả. Nhưng rồi do cách đặt tên của một số dàn nhạc, Vienna Philharmonic hay New-York Philharmonic chỉ có nghĩa là những người yêu âm nhạc của Vienna, của New-York vv .. và từ đó nó gây lộn xộn về nghĩa là thế !
Tui sẽ viết thêm về nhạc cổ điển khi có dịp và sẽ dùng cách edit để post tiếp vào bài viết đầu này. Mong các bạn đã vui khi đọc nó .
Rất thân ái. Mme Ngô
Tonka
#9 Posted : Friday, November 4, 2005 5:24:02 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
8/12/03

Hi ông Củ-Tỏi.

Sóng gió qua rồi ha ông, cái vụ ông đòi dạy vợ đó mà. Ông rời chốn đó ra đi mà để lại một bãi chiến trường ngó bộ đẫm máu. Ông qua bển mà coi, người ta lôi súng dài súng ngắn ra thị uy với nhau, rồi còn tính chuyện xài tay xài cẳng với nhau nữa đó. Bây giờ thì Ngô Đồng đang cố gắng làm êm dịu tình hình mà không biết có được không nữa. Thiệt tình !

À, cám ơn ông ha, đã cho tui làm bạn. Vậy mà hổm nay tui cứ yên chí mình đang làm ... chị em với nhau ! Bữa nay ông Tỏi rời biệt thự xuống ở nhà tranh ha, ở vậy rồi có thấy khổ không ông ? Ông ở nhà tranh thì bạn bè mới dễ lui tới (bị hổng cần bấm chuông và chờ mở cổng) Vậy rồi mấy con berger sủa om xòm hồi đó ông nhốt tuị nó vô đâu ông ?

Cũng cám ơn ông luôn cái bông mai. Bộ giống mai trắng có thiệt ha ông ? Mà bông ông trồng hay là ông ‘thuổng’ từ trong sách ra dzậy ? Tui chỉ ưa dòm bông trồng trong vườn hà ông Tỏi ơi. Dòm như thế mình mới thấy cái công và cái khéo của người trồng. Tui nghĩ nếu trồng thì ngón tay của ông phải xanh lắm lận. Đâu ông post hết mấy cái bông lên tặng ráo cho tui một lần đi, hổng sao đâu. Ông người dưng của tui đâu có nhằm nhò ba cái chuyện lẻ tẻ dzậy. Tui được tặng bông hà rầm hà ông Tỏi, nhưng vì ổng dị ứng với phấn hoa, thành ra lại phải mang cho hết đi, còn bằng không thì phải mang xuống để dưới basement.

Tức cười quá, kể cho ông và Phố cùng nghe. Hồi tháng tư, thinh không ông người dưng mang về cho tui một hộp bông bự lắm, gói đẹp dễ sợ. Chuyện lạ bốn phương ! Tui nặn đầu nặn óc không tìm được lý do, hỏi thì ổng nói ổng mua cho tui (má ơi, chuyện ni ngó hổng ... bình thường chi lắm !) Tui hồ nghi chắc có lẽ người ta cho ổng, chớ còn chuyện tặng hoa cho tui thì chớ hề. Rồi bữa đó thằng Út nhà tui cần mua quà cho cô giáo nó, tui liền làm màn sáng tạo, đẩy hộp bông đó đi luôn cho gọn. (Sau này nghe nói là mấy chục cái hoa hồng) Tới cuối tuần tui theo ổng đi nhà hàng, mới té ngửa bông là quà ... kỷ niệm ngày cưới ! Ai có ngờ đâu ông người dưng dùi đục chấm xì dầu mà cũng ... lẩm cẩm dữ dzậy !! Dĩ nhiên, vợ chồng thì biết tánh nết nhau, ổng không có giận tui chuyện bó bông đâu nha, ổng chỉ nói tui ... chíp cứ hoàn chíp !!

Tiện đây có ai biết xin chỉ dùm. Trước cửa nhà tui có hai cây apple blossoms mùa xuân ra bông ác liệt lắm. Nhưng một trong hai cây đó nó bị bịnh sao đó, cứ sau mùa hoa thì lá bị vàng lấm tấm và rụng tơi tả (quét mệt nghỉ) Ông người dưng mang cái lá ra Home depot hỏi thì người ta chỉ cho thuốc xịt, xịt hoài rụng hoài. Rồi kêu dân pro tới thì nó biểu cây cần thuốc trụ sinh antibiotic tên là streptomycin. Phải mua rồi khoan thân cây và nhét thuốc vô. Trời đất ! Streptomycin thì bây giờ xưa quá rồi, tại sao người ta còn xài cho cây vậy cà ? Có cách chi khác không ? Ai biết xin giúp dùm.


Xém chút nữa quên. Ông Tỏi, bộ đi mua vé ở AA thì cứ nói quen ông Tỏi-VN là được bớt 10 % ha ? Mua ở đâu cũng được bớt ha ? (Vậy là tên ông dzô list FBI thiệt dzồi !!) Tui đâu giàu có chi mà đi du lịch dài dài dzậy ông Tỏi. Làm công trầy vi tróc vảy mới ra tiền, bây giờ thì còn phải để dành đặng chữa bịnh cho cây nữa. Nghe chuyện ông đi mây về gió thiệt tui cũng ham quá, nhưng cái số mình nghèo nên đâu dám mơ màng ông Tỏi ơi !!
Tonka
#10 Posted : Friday, November 4, 2005 5:25:16 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Ý kiến...

Thưa hàng phố.
Thú thiệt với hàng phố nha, tim tui hổng được khoẻ, mà trong phố lóng rày nhiều chuyện giựt gân quá, nên rồi tui hay bị ... làm mệt !

Trước tiên về ba cái hình ha. Ông Củ-Tỏi nghe người ta nói chuyện lên máy bay xuống cũng máy bay thì ổng hứng chí quá rồi mang luôn cả phi cảng đổ bộ vô Phố cho có chỗ đáp đặng tiện dịp đi đi về. Trời đất, mở bài ổng ra, thấy máy bay chạy qua chạy lợi sao tui ... lên ruột. Sau vụ 911 thì FBI rình mò khắp nơi đặng tóm trọn ổ terrorist, ông Củ-Tỏi hết chuyện chơi mang máy bay vô cho chạy tới chạy lui làm tui ớn quá. Dám chưa chừng tên ông vô list rồi đó nghe ông !
Nhưng thấy cái phi đạo với phi cơ của ông Tỏi cũng chưa mệt bằng thấy Cả Ngố đẩy cục đá lăn lên lăn xuống. Trời đất quỉ thần ơi, tui nói hổng ngoa đâu nghe, đờn ông trai tráng tim tốt cách mấy mà đẩy kiểu đó thì cũng gục (Cả à, Viagra thì Cả tránh cho xa nha, bị nó cấm kị với người tim yếu đó), huống chi tim bà già vốn hổng khoẻ như tui. Vào Phố đọc messages của Cả Ngố, cho dù tui đã cẩn thận chỉ liếc phía bên phải vậy mà có tránh được cái cục đá đó đâu ! Rồi tui đâm hoa mắt, huyết áp nó trồi sụt bất thường, mồ hôi lắm khi ra ướt lạnh sống lưng muốn xỉu lận.

Mà có phải nhiêu đó đâu. Thinh không lại có ba cái vụ online offline chi đó, rồi bandwith IP lùng tùng xèng. Thiệt là vịt nghe sấm. Hổng hiểu thì ức, mà hỏi thì càng bí lù thêm, rồi mới ngộ ra một điều rằng ... thời đại của mình nó đã qua rồi, tui đang đi vào chuyện ... quá đát. Quá đát là hết xài, biết thế lòng sao khỏi ngậm ngùi !

Mà ông Camel lại còn nghi ngờ tui là ... đực rựa nữa mới chết người chớ ! Ông người dưng đọc tới đây cười sằng sặc làm tui thiệt quê quá là quê. Ngồi nhẩn nha suy nghĩ lợi, hổng biết mình có nói năng ba trợn chi để mà nên nỗi đoạn tràng. Tui hồ nghi ngay cô Hai Bánh Ít hồi đầu cũng tưởng lầm như thế nên cổ mới ... phụ lòng tui ! Ngó bộ tại tui lúc hứng chí có thấy cha thấy mẹ hơi nhiều, hồi cô Hai Lụa bị ăn củi tạ thì tui cũng đau lòng y chang cổ dzậy, rồi tui ráng tu tâm dưỡng tánh, bớt ba cái chuyện hiếu nghĩa lại chút đỉnh, vậy mà lắm khi rồi cũng cầm hổng đậu ! (Hai Lụa ôi, té ra mình vẫn đi chung một suồng ha Hai !) Ông Cà-mên, tui còn thắc mắc một chuyện, tiện đây xin hỏi : Ông có nói (hai ba lần lận nghe) giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng khi nhắc tới tui với cô Tu (Tu ơi, hổm nay em ‘chốn’ đâu ?) mà tui thì có một thân một mình hà ông ơi, chẳng làm bà cô của ai hết cho dù muốn hết sức. Ông nói thế nghĩa là chi hở ông, hay là ông có lộn tui với ai không dzậy ? Ông còn cứ nói vậy, tui ... ế vợ là níu áo ông bắt đền nha !

Mới vừa đây thì lại nghe tin trong phố có người tính chuyện mượn gió bẻ măng nữa chết chưa ! Má ơi ! Gió ở đâu mà măng ở đâu ra ? Nếu có thì dễ chi mà bẻ. Hơn nữa đã ảo có thiệt đâu nà. Vô Phố để xiêu lòng bị dụ dễ thì chỗ nào mà họ chẳng ... dễ bị dụ ! Kể ra cũng tội cho người bạn tốt lo xa (cô LamLam, tui là Mme Ngô xin hân hạnh biết cô). Cũng may là bạn cô LamLam hổng khờ khạo gì như cổ đã lo lắng. Nghe xong thiệt tui cũng thở phào.

Rồi bây giờ thì cô Voi lại hỏi thế nào là nhiều chuyện ? Cô Voi à, như tui đây là nhiều chuyện đúng nghĩa đó cô. Bộ cô hổng thấy sao, tui hổng nói thì thôi, hễ nói cái đáng cái hà cô. Ông người dưng dẫn tui vô phố thả cũng là vì ổng nghe quá nên mệt rồi cô Voi à, ổng đi tìm ... địa bàn cho tui hoạt động đó cô ! Có lần tui cá với ổng là tui có khả năng nhịn nói 1 tháng, dạ 1 tháng lận. Nhưng trời thương, vì tui vẫn đi làm nên tới sở thì tui ... nói bù. Rồi ai thua ư ? Ổng chớ còn ai trồng khoai đất này nữa, mới được 5 bữa thì ổng khều tui, ổng nói : Em ơi mở máy lại đi em, thiếu giọng oanh vàng của em thỏ thẻ thì ... cuộc đời anh mất vui !
Nhưng ... chuyện ni mới hấp dẫn. Người đoạt giải quán quân ăn nói trong gia đình tui lại là bà má chồng tui đó (à, bà Toàn Mỹ ở đầu cầu sắt Đa kao đó mà) ! Tui có một thân, nhưng gia đình bên chồng thì đông lắm lận, sáu trai bốn gái cả thảy, nên vợ nên chồng ráo hết rồi, tui ở cách bà có 4 bloc đường hà. Bà thương tui hơn hết cũng vì tui nhường chuyện nói độc quyền lại cho bà bao dàn mỗi khi hội họp. Bà nói một hồi, lâu lâu xực nhớ có con dâu (cũng ưa nói) ngồi cạnh thì quay qua hỏi : má nói vậy phải hôn con ? Bà nói chi tui cũng gật tuốt hết. May cái là thường bà nói đúng chóc hà, thành ra chuyện gật gù của tui nó cũng có cơ sở. Chuyện gia đình chồng tui thì vui hết ý luôn, cô Voi có muốn nghe nữa hông (hay là lại chê tui nhiều chuyện đây !) ?

Tui đang bị ... dời ăn, vừa đau vừa rát như phỏng lửa. Cũng may là hổng bị ngay miệng, chớ nếu không ông người dưng lại cười ... vô cớ nữa thì phiền lắm lận !
Thân ái cùng toàn thể hàng phố . Mme Ngô
Tonka
#11 Posted : Friday, November 4, 2005 5:25:59 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Dạy Vợ Cách Xài Tiền

Chào cô NgọcRuby và ông Tỏi VN
Chào toàn thể hàng phố .

Cám ơn cô Ngọc đã nhớ tới tui. Chưa kịp chào cô, bây giờ thì xin Welcome cô tới Phố ha. Sau đây là ý kiến của tui về việc vợ (tức đàn bà) xài tiền
Chuyện đàn bà xài tiền thì là tính người ... trời kêu ai nấy dạ, khỏi có bàn luận gì ráo. Thông thường (phần lớn) họ tiện tặn, lắm khi tiện tặn quá đến thành keo kiệt (tui nè, hổng ai xa lạ đâu ha, nhưng bà con cứ yên chí, tui hổng khoái chuyện tay hòm chìa khoá gì ráo). Một số ít (phần nhỏ) thì xài lớn và có khi xài quá khả năng.

Mà họ xài vào chuyện chi vậy hè ? Dạ thưa, vào chuyện làm đẹp . Tuy biết mình là phái đẹp nhưng mà họ lại thích ... đẹp thêm cơ, bởi dzậy mới tốn kém ! Tại sao đàn bà chịu chi cho chuyện làm đẹp ? Thưa, vì đàn ông nhìn họ đẹp và xuýt xoa trầm trồ, bởi dzậy cái đẹp đã ... đè bẹp cái nết ! Cứ dở ba tờ báo hay TV la dô hàng ngày ra coi, ngó bộ mấy cái quảng cáo toàn nhắm vô quí bà quí cô thôi . Đàn ông khi tiêu xài thì xài cái đáng cái, tốn kém lắm lận, nhưng ... lâu lâu mới có một lần . Đàn bà y hình trái lại, đồ dùng họ mua không đắt ... lắm, nhưng họ mua hoài. Góp gió thành bão, cộng sổ cuối năm lại thì ngân quĩ gia đình chạy vô ba cái chuyện ruồi bu họ rinh về thấy cũng ... bộn bạc ! Rinh về mà xài thì cũng cam, lắm khi rinh về rồi xếp vô một góc, chật nhà và ... vơi bóp !

Người ta đã nói tới bệnh mua sắm, rồi mở những khóa tâm lý học đặng chữa trị bệnh ni. Mà dòm tới dòm lui thành phần học viên thì ... 8-9 chục phần trăm là đàn bà ! Tìm ra một bà ý thức được rằng chuyện mình mua sắm quá lố, rằng mình có bịnh phải đi trị liệu thì hiếm lắm nha. Phần lớn họ bị chồng, bị quan toà ép phải đi học ‘bồi dưỡng’ nếu không là li dị, là ở tù (vì đã trả hổng nổi nợ nần!) Học mà ép thì thường là ... không tiêu ! Người ta biết vậy nên mới có màn điều tra nghiên cứu. Rồi chừng như để tìm ra đáp số tại sao đàn bà mắc tật thích mua sắm, người ta mới rặn ra nguyên do : Đàn bà mua sắm theo bản năng chớ hổng theo nhu cầu, nghĩa là bả rinh một món đồ về nhà hổng phải để xài liền nhưng ... là để có dịp mơi mốt biết đâu sẽ xài sau, và lý do chánh là để có cái thú tiêu tiền !
Theo kết quả thống kê thăm dò thì khi ngó thấy món đồ, ‘kết’ nó rồi thì phải nắm lấy nó và tà tà đi ra két trả tiền, cho dù ... bill tháng trước thanh toán chưa kịp ! Thì đã sao, có vài chục đồng mà mua được nỗi vui cả giờ (ít ra là trong lúc đang đi shop) kể ra ... cũng đáng ! Rồi người ta đặt tên cho nó là compulsion !
Dạy đàn bà nói chung và vợ nói riêng cách xài tiền ư ? Dỡn hoài ông Tỏi, dạy gì nổi, mà họ cũng chẳng thèm học ! Kinh nghiệm cá nhân thì họ đầy ra đó chớ, nhưng cái đám ni họ ... chóng quên ! Nói chuyện với họ như ... nước đổ đầu vịt, vạch đầu gối ra nói vậy mà sướng hơn !

Nửa đùa nửa thiệt. Nãy giờ là đùa, bây giờ là thiệt ha. Tâm lý học biểu rằng những người đàn bà xài tiền tào lao là vì họ đang ... unhappy. Mua bán, với họ, là phương cách giải toả stress hữu hiệu nhứt, và người xung quanh phải nhìn vào chuyện mua bán tào lao ni như một tiếng kêu cứu thất thanh và đau đớn ! Bổn phận của ta, nghĩa là của ông chồng và gia đình, là phải ‘get the message’ và a lát xô vào cứu giúp ... nạn nhân ! Họ, mấy bà tìm vui trong chuyện mua bán, là những người đáng thương và đáng tội nghiệp !

Vậy thì suy diễn ngược lại ... Những người đàn bà tiêu sắm chừng mực đúng khả năng và nhu cầu, theo cách định nghĩa trên, là những người quân bình và rất hạnh phúc ! Tui nghĩ đúng là vậy đó. Cô Ngô Đồng chạy ra chạy vô lưỡng lự chuyện xài tiền cho chính mình, vì cô biết rằng thiếu cái đó chẳng sao, dùng tiền đó xài cho chồng con vậy mà ích lợi hơn. Đó, thế là hạnh phúc đó. Và hạnh phúc ni nó là chuyện hy sanh. Nghe cô Ngô Đồng kể chuyện, tim tui có nằng nặng. Ấy là tui hổng có phước phần chi ráo với cái hy sanh của cô. Tưởng tượng mà coi, chồng con cô khi cầm cái quần cái áo cô mua bằng số tiền cô cần kiệm trong việc chi tiêu cho chính mình thì , trời ơi, họ sẽ cảm động và sung sướng biết là chừng nào ! Nói thế để nói, chớ còn tui hồ nghi rằng họ chẳng biết đấy là đâu đâu ha, bị cô Ngô Đồng sẽ nín thinh không giải thích. Chẳng có lời nói nào giải thích cho đủ chuyện cô làm vì chồng con. Tui kêu đó là tấm lòng có được do tình yêu, mà tấm lòng ni thì thiệt vô giá, cho dù chuyện hy sanh của cô chỉ ... save được có vài chục đồng.

Những người đàn bà việt nam họ đồng nghĩa với nhẫn nhục và hy sanh. Nếu ông thấy vợ nhà xài tiền không đúng cách thì theo tui nghĩ, thay vì ‘dạy vợ’ ... cách đúng, ông hãy thử ngồi xuống ngó lại mối liên hệ vợ chồng. Dám nó lỏng lẻo ở đâu đó và bà đã tìm an ủi bằng cách xài tiền không tính toán. Còn bằng như không thế thì e rằng tại tính trời, khi ấy phương cách hữu hiệu nhứt có lẽ là ... phong tỏa kinh tế. Thời gian thiếu thốn sẽ là dịp để bà ngấm từ từ cái triết lý nhân sinh quan ‘tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc ..’
Xin hết.
Tonka
#12 Posted : Friday, November 4, 2005 5:26:44 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
HELP ! HELP !

Tui có một chuyện rối rắm, xin hàng phố cho tui tâm sự.

Số là tui có một bà bạn đồng sự thân thiết, làm việc với nhau hợp rơ lắm lận. Tui với bả ngồi cách nhau một bức tường, trên bức tường ni có cái cửa, tha hồ qua lại mà thăm nhau. Mới vừa đây tui đưa bả ra nghĩa địa hóng gió chiều, rồi bả quyết định ở lại đó luôn không về nữa. Quyết định ni thiệt là đột ngột, mà tui thì ... thiếu chuẩn bị tinh thần, và như thế tui đâm ... hụt hẫng !

Mới vừa đây có người khác được đặc cách vô ngồi cái chỗ thân yêu đó. Người này tóc mây bềnh bồng, dáng đi nhún nhẩy, thước tấc 36-24-36 đều đặn ngon lành. Tóm lại cô ta là bông hoa xinh đẹp làm sáng rực cả phòng, sáng luôn cả hành lang đầy cửa dẫn vô những phòng khác. Thoạt tiên thì tui thích lắm, một phần vì tui đủ óc thẩm mỹ thưởng ngoạn những điều kỳ diệu của Thượng-đế, phần khác vì tui mang ơn cô, nhờ cô mà mấy tên đồng sự ba trợn, quần áo bỗng tề chỉnh hơn, ăn nói bỗng lịch sự hơn. Tóm lại thinh không một sớm một chiều chúng người lớn hẳn ra nhiều bực mà không cần tui phải to tiếng !

Tui dài dòng thế để vào chuyện. Chuyện ở dây là chuyện Phố Rùm. Tuổi thị dân của tui mới có vài tháng hà, đâu y hình từ tháng hai thì phải, kẹt cái tui siêng đi phố hơn ... đi làm. Hồi còn bạn già thì vì Bà tháo vát quá nên tui ra vô Phố tự nhiên và thong thả, có thể Bà biết bên kia tường tui đang làm chuyện ... ruồi bu nhưng làm ngơ, hoặc hồi đó tui chưa lậm với Phố như bây giờ - ngó bộ mất bà tui xuống tinh thần và trong thời kỳ tang chế thì ta phải buồn ha, thế nên tui siêng năng lãng quên sầu bằng cách ... gia tăng giờ bát phố !

Cô Xinh-Đẹp hồi đầu là ma mới nên mọi chuyện êm ru bà rù, tui nghĩ nếu muốn thành tinh thì cũng phải 6 tháng một năm, thế nên tui có ỉ y khinh địch. Dè đâu ... Mới hết tháng đầu mà Cô Xinh-Đẹp đã làm tui xính vính. Bên này tường tui vào phố thì bên kia tường Cô ôm điện thoại khúc khích và thản nhiên mài dũa móng tay, Cô coi tui như pha, như chưa từng hiện diện bên kia bức tường vôi trắng ! À, tui mích lòng quá đi chớ, nhưng khó mở miệng bị tự mình cũng đã chẳng ra gì !!! Cũng xin nói thêm là chuyện tui mất job thì khó xảy ra, nhưng mất tiếng thì ngó bộ có thể là chuyện tương lai (dám thật gần) ! Xếp lớn của tui thì ... hắn hổng care tui làm voi làm chuột, miễn công việc chạy là hắn dzui. Nhưng kẹt cái công việc chạy sao nổi nếu ê-kíp của tui cà chớn kiểu này !

Tui có vấn kế ông Người Dưng, ổng nói nếu tui làm việc riêng được thì tại sao Cô Xinh Đẹp làm lại hổng được ? Nghe ông Người Dưng nói thế tui bỗng xuất mồ hôi hạn ! Chuyện đem việc tư về nhà thì ... hổng đặng đâu Hàng Phố à, bị nhà tui thuộc ‘diện’ lô-tếch, mà thì giờ thì lại quá ... eo hẹp ! Tui kẹt quá chừng, Hàng Phố có ý kiến chi giúp dùm tui không ?

Lại xin làm màn thư tín :

Ông Ba Ếch : Bữa nào dẫn ông Người Dưng tới rồi ông Ba làm ơn nói to chuyện tui tên Ngô mà thiếu dấu Sắc ha ông. Ngô-Sắc là tên Người Dưng chiết tự rồi tặng cho tui đó. Tui đã nói rằng tên ni hổng ‘phản ánh sâu sắc’ con người của tui, mà ổng đâu có thèm nghe ông Ba. Nói dùm vậy ha, tui sẽ biết ơn ông lắm đó.

Ông Ăn Mày Già : Xin cho tui hỏi, má-mì là chi vậy ông ? Ông hô má-mì là ông hô tui đó ha ? Nếu đúng thì hân hạnh cho tui lắm đó. Nói gần nói xa, tui đang tính viết về quí ông Ăn Mày Già, Cà Mèn và Bí Bếp thì phải bỏ dở và phải đóng cửa tiệm. Tui mà cứ còn lang bang vớ vẩn triền miên đặng ... thu thập dữ kiện, thì thế nào cũng ăn đạn đồng của Cô Xinh Đẹp ! Mất linh hồn thì không nhưng mất tiếng là cái chắc ! Ông có kế chi không ? À quên, ăn mày mà ở cao ốc, kỳ ha ?

Cô Hai Lụa : Cô nói tui cười đã đành, kỳ rồi cô hổng nói tiếng nào hết mà tui lại cười còn dữ tợn hơn nữa. Thiệt tình, nhứt cô đó ! Khen thiệt ha.

Chú Ba Tê : Mạnh giỏi, hổm nay chú đi đâu ? À thầy tui trong VVH tên là TNN đó. Nhất tự vi sư, tui học từ ổng có một chữ hà chú, rồi ổng đặt tên tui theo cái chữ ni luôn. Chú có quen ổng hông ? Nếu có thì bữa nào gặp thầy nhắc tới Mademoiselle Hirschsprung ổng sẽ nhớ ra liền hà. Hè này có đông du không ? Nếu có thì nhớ hú một tiếng ha, vợ chồng tui sẽ tiếp đón hầu hạ cẩn thận.

Cô Ngô-Đồng : Chỗ tui ở thì mong gì có chuyện bông giấy làm đổ hàng rào cô. Trồng nó trong chậu, chăm như chăm con, bưng ra bưng vô cực lắm đó. Tui nghe lời cô nhảy xổ ra HomeDepot mà tìm không ra cây màu trắng ! Hiện nay tui có màu vàng, màu peach hồng cam và màu đỏ. Hôm bữa thấy giống màu tím ở nhà một người quen. Cô Ngô Đồng có nhận thấy lá của cây màu tím nó nhỏ hơn mấy loại khác không – hay là tui ...tưởng tượng ? À còn quỳnh thì nghe lời ông Anmomad tui bưng nó vô chỗ mát, nhưng rồi hổng biết tại sao nụ nó rụng quá chời, có phải vì ... chăm tưới quá hay không cô ? Hổng biết nó ra sao nữa rồi, vì hiện giờ tui đang sống xa nhà !

Ông Củ-Tỏi : Nhắc chuyện bông giấy thì tui nhớ tới ông. Cái chuyện hoa ở trong hoa của cây bông giấy là vì Ông trời tính toán chu đáo lắm nghe, hoa hấp dẫn côn trùng nhờ hương và nhờ sắc. Bông giấy thiếu cả hai đức tính này (cô Ngô Đồng, đẹp cũng nên kể là đức tính ha cô) Cái bông mà ông thấy đó thực ra nó là lá đó nghe ông, Trời thương hoa thiếu hương sắc nên cho lá đổi mầu để mồi chài ong bướm, Chính cái nhụy trắng mới đích thị là hoa thiệt đó ông Củ Tỏi ạ.

Xin lỗi cùng Hàng Phố, tui vốn già chuyện, gen ni trong máu tui nó chảy cuồn cuộn Hàng Phố à, thế nên cứ ngồi xuống là chữ nghĩa dắt díu nhau chạy ra thắng hổng kịp. Điệu này chắc tui phải đi cấm phòng tịnh tâm ít lâu, còn bằng không thì phải vào mật thất làm màn tịnh khẩu diện bích ! Tui nghĩ tui sa đà quá đáng ! Biết vậy thì thất vọng não nề về mình. Xưa rày tui vẫn tin rằng self control là nghề của nàng, nhưng ngó bộ hổng phải thế, than ôi !!
Tonka
#13 Posted : Friday, November 4, 2005 5:27:34 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Một bài học nhớ đời

Cách đây đã lâu lắm rồi tui có việc phải qua Tây một tháng rưỡi. Tui đưa con gái nhỏ - khi ấy mới được hai tuổi rưỡi - đi theo cho có bạn ... đồng hành. Anh em họ hàng tui ở Tây khá đông, có người đi từ khi tui chưa sanh nữa kìa, nhưng vì thế hệ trước sống gần gũi nên thế hệ sau cứ thế mà noi gương. Tụi tui thân thiết với nhau như anh em ruột thịt cho dù lắm khi ngôn ngữ có bất đồng chút đỉnh !

Anh em tui phần lớn ở miền Nam nước Pháp, họ lái xe cả đêm lên Paris để đón tui tại phi trường Charles de Gaule. Thong thả xong xuôi thì họ kéo tuột mẹ con tui ra đi shopping tại đường Opera. Tui khi ấy mắt nhắm mắt mở đi theo họ mà đầu óc rỗng trơn , con gái tui thì ngủ gà ngủ vịt trên cái xe đẩy của nó. Đường Opera dài và rộng , hai bên là những boutiques hạng sang của du khách, nhưng đó là ai kia chớ còn tui thì đừng hòng, tui vốn là dân bần tiện có cầu chứng nhãn hiệu đàng hoàng !

Trời đất ơi, tui đi với anh em họ một hồi thì xây xẩm mặt mày, họ xài tiền như nhà có máy in bạc. Thì cũng được đi. Sau khi shop thì họ đưa tui đi ăn hàng ở quận 13, ăn xong thì lại shop tiếp. Con gái tui gần lả người vì mệt. Tháng bảy Paris nóng điên người, đường phố nắng chang chang, du khách tràn ngập, trong boutiques máy lạnh mở thả ga, hai mẹ con tui theo họ đi ra đi vô, nóng rồi lạnh, lạnh rồi nóng, đi vật vờ như trên mây như thế tới chiều tối. Rồi thì lại ăn tối. Tui mừng hết lớn tưởng phen này sẽ được về nhà ngủ lấy sức, nhè đâu lại tới màn đi vũ trường để nghe nhạc và nhẩy đầm. Dĩ nhiên cái mửng đó là tui theo hổng nổi rồi, tui mới xin phép họ tha cho hai mẹ con tui làm phước. Thì tha chớ sao.

Rồi tui được đưa về nhà của một ông anh họ sống ngay tại Paris. Má ơi, nhà cửa Paris thiệt là nhỏ và chật chội, nhưng chuyện đó nhằm nhò gì, mẹ con tui chỉ cần có chỗ ngả lưng là đã thấy chân trời hạnh phúc. Nào ngờ đâu, tắm rửa xong xuôi mới ngủ được đâu đó hai ba tiếng thì họ về tới, ồn ào và náo nhiệt, lại ăn uống chuyện trò mãi cho tới sáng !

Sáng sau đó họ đưa tui về miền Nam. Sau một đêm không ngủ (lái xe lên Paris) sau một ngày shopping và tiếp nữa là một đêm không ngủ khác (vì mải đấu hót) thì thiệt tui ngồi xe với họ mà bụng đánh lô tô. Ông tài xế vừa lái xe vừa châm thuốc, nếu không thì vừa chọn nhạc nghe cho tỉnh người. Bà con yên giấc nồng nhưng tui thì thinh không vướng vô cái bổn phận phải entertain cha tài xế cho hắn đừng ngủ gục ! Job ni quả là cực nhọc, bởi tui cũng đã hết xíu quách rồi ! Ông tài xế nhấn ga phom phom, dòm đồng hồ tui thấy kim vận tốc leo lên tới 170 Km/h (110 MPH), dạ dày tui tiết át xít dữ dội, nhắc ổng xuống ga thì ổng nói cứ yên chí hổng sao đâu !

Đại khái màn đầu của chuyến du lịch nó đầy phập phồng và quá mệt nhọc là dzậy nhưng tới màn hai thì cũng chẳng khấm khá gì hơn, tui kể ra đây để các bạn nghe chơi mà rút kinh nghiệm.

Sau khi về tới miền Nam thì con gái tui lăn ra mè nheo liên tục. Nó hổng chịu ăn hổng chịu uống gì ráo, cứ thế khóc tỉ tê, khóc mãi thì ngủ, ngủ xong thì lại khóc tiếp. Nó sốt nhè nhẹ, uống thuốc cảm thì hết rồi qua bữa sau lại sốt trở lại, nó gầy rạc người thấy rõ, ăn không đủ, ngủ không sâu và khóc chăm chỉ ! Tui thì cũng đã quá đuối sức rồi ! Xin mời bạn nghe tiếp ha.

Tới một bữa ăn đút cơm thì nó ... phun ra hết. Bà chị dâu, vợ ông anh la lên : trời ơi sao con ni nó khó tính quá dzậy em. Ông anh cũng la lên : à phải dạy nó từ từ đi nghe, hổng thôi là kẹt lắm đó. Tới đây thì tui hết còn giữ được bình tĩnh nữa rồi, tui lôi con nhỏ ra dùng cây đũa bếp khện vô đít nó ba cái cật lực. Xui cái là con nhỏ mới vừa bỏ tã xong, bữa đó nó lại bận quần short mỏng nữa nên lãnh đủ. Con nhỏ khóc rống lên, nhưng tui vì muốn chứng tỏ khả năng giáo dục của mình nên cấm hổng cho nó khóc, nó cứ tức ta tức tưởi như thế, khóc không được mà nín cũng không xong, mãi đến đêm trong giấc ngủ vẫn còn nghe nó nấc !

Ngó bộ ba cái đũa bếp đó đã làm nên hai vết thương : Vết thương thể xác trên đứa nhỏ và vết thương tinh thần trong tim mẹ nó. Rồi tui đâm oán vợ chồng ông anh, tối đó tui tỉ tê khóc thế con. Người dưng khác họ của tui phôn qua, nghe tui xì mũi sồn sột thì hổng hiểu chuyện chi, hắn tung hê việc làm, búc vé máy bay đi liền đêm đó !

* * *

Sau này khi trở lại Paris và hoàn hồn, nhìn ngó sự việc một cách đúng đắn hơn thì tui chẳng trách ai hết, chỉ trách mình thôi, tui đấm ngực ăn năn thảm thiết lắm, tui xin lỗi con gái tui (nhưng nó thì cười ngỏn nghẻn mà hổng hiểu gì ráo), rồi tui học được một bài học xương máu về lòng nhân ái và khả năng tự kiểm soát. Điều nghiên sự cố thì nó thế này :

- Con cái ông anh bà chị tất cả đều lớn, họ lại chẳng bao giờ dẫn con đi xa. Xa nhất là qua tới Thụy sĩ hay Tây ban Nha là cùng, nghĩa là không có màn thay đổi giờ giấc. Chuyện trẻ con đi chơi xa (từ bắc mỹ) giấc ngủ khí hâu thất thường, do đó chúng đâm quạu co, họ không biết hề biết nên không thể thông cảm , rồi con mình khóc hoài , bắt họ nghe hoài cũng sốt ruột và tội nghiệp cho họ !

- Trẻ con khi đi xa như thế thì cần nghỉ ngơi, ít nhất là 1-2 ngày đầu. Người ta tính trung bình mỗi khoảng cách 1 múi giờ thì cần 8 tiếng đồng hồ để thích ứng, nghĩa là nếu bạn đi tới một nơi cách bạn 3 múi giờ thì bạn phải cần cả 1 ngày mới fit vô cái sinh hoạt mới. Con gái tui suốt 3 –4 ngày đầu đi tới đi lui như thế nó đã không thể chịu nổi, mà má nó cũng không chịu nổi luôn, thế mới kẹt !

- Khi mệt nhọc thì dễ sinh sự nóng giận và khó tự chế. Sự việc xẩy ra sau đó, như các bạn đã biết, có lẽ làm self esteem của tui xuống thấp tới mức hổng ngờ. Từ đó về sau tui biết mỗi khi giận thì nên đi ra ngoài hóng gió chút đỉnh, ở trong nhà nói chi hay làm chi đó với chồng với con có thể gây ân hận sau này, tui sẽ không thể nào tự tha thứ cho mình nữa !

- Tất cả con cháu của anh em bạn bè khi tới chơi nhà, nếu chúng mè nheo nghịch ngợm chi đó sơ sài thì tui lấy đó là chuyện bình thường thay vì tức giận vô lý. Cha mẹ chúng có bối rối vì chúng thì tui phải tìm cách nói với họ sao đó, cho họ hiểu rằng chuyện đó bình thường thôi, trẻ con mà, đứa mô chẳng vậy để họ đừng thắc mắc (thay vì ... đổ thêm dầu vào lửa !)


Cách đây hai năm, tụi tui đi công vụ, vì mùa hè nên dẫn đám trẻ con theo rồi ghé Las Vegas, đang đứng xớ rớ bổng nghe tiếng quen quen, quay lại thì ô hô gặp ngay anh chị từ Tây qua nghỉ hè với đám con cháu. Thằng cháu ngoại của họ cũng làm màn nhèo nhẹo bài bản y chang, thì ra đoạn trường ai có qua cầu mới hay ! Con gái tui cười cười chào hai bác, hai bác hỏi sao thế cháu hết khóc rồi à ? Ngó bộ hai bác nhớ chuyện cũ tuy rằng đã lâu lắm rồi. Chuyện thông cảm con cháu ruột của mình thì họ có đấy, nhưng thông cảm con cháu người thì chắc là không, vì vợ chồng tui lại nghe những lời bình phẩm loại tưới dầu xuống đất, mà đất ngoài đường ở Las Vegas thì má ơi bốc lửa là thường. Hoá ra có những người học mà không tiêu, lại có những người tiêu nhưng chóng quên, thành ra cũng chẳng học được gì cả !


Kết : Bài học ở đây là chi ? Là bạn dạy con bằng cái đầu và trái tim của chính bạn, dạy con vì con và cho con. Dạy con vì bạn và cho bạn, bạn lầm lẫn đã đành, dạy con vì người khác và cho người khác thì thiệt chính bạn đáng đem đi đánh đòn và sau đó mang ... câu sấu !
Tonka
#14 Posted : Friday, November 4, 2005 5:30:19 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Rối rắm chết mồ !

Tui được hỏi ý kiến chuyện kỳ cục sau đây mà không biết trả lời, đăng ra đây để xin ý kiến thị dân của Phố :

Tui (tức cái người hỏi, chớ hổng phải tui tức cái người đang nói chuyện với bạn đâu ha) có 2 người bạn học bà A và bà B. Bà A đứng trung gian giữa tui và bà B. Nghĩa là bà A thân cả hai đưá tụi tui (nhưng tụi tui thì không thân với nhau)
Tui là bạn tâm sự của bà A và là bạn đồng sự của ông A, còn bà B là bạn shopping ăn hàng và ... nấu nướng của bà A (Má ơi, hai con mẹ ni nấu nướng liên tục lận) tui biết ông B, thỉnh thoảng có gặp ông ngoài phố.
Sang tới đây tụi tui ở cùng tỉnh, cả ba đều đã có gia đình và có con lớn. Tui là mẹ đỡ đầu con trai lớn ông bà A.

Sơ lược là như thế. Sau đây là nhập đề :
Gia đình bà A rất thiếu hạnh phúc, gây gỗ là chuyện cơm bữa mỗi ngày, thường là chỉ xung quanh chuyện tiền bạc nhưng li dị thì không (tui nghĩ lẽ ra họ phải li di sớm để trả tự do cho nhau mới là phải) Họ tính toán với nhau rất phân minh và chi li lắm khi làm tui phải bàng hoàng. Dù bà A rất muốn, nhưng ông A không chấp nhận counseling. Lý do : Mấy đứa counseling là mấy đứa ... thúi miệng (!)
Gia đình bà B nghe nói cũng có lục đục chi đó, nhưng tui thiêt không rõ mà cũng không tò mò muốn rõ

Rồi bà A bị bênh hiểm nghèo : ung thư. Bà làm chemotherapy, làm radiotherapy, làm tất cả những gì có thể làm được, nhưng không cãi nổi số trời !
Sau đám ma ba bữa, vợ chồng tui đến nhà thăm thằng con đỡ đầu thì gặp bà B ở đây. Tui thấy họ (tức ông A và bà B) dòm nhau thì linh tính có chi không hay đã hoặc sắp xảy ra. Người dưng khác họ của tui nói tui ... hồ đồ !
Rồi chuyện hồ đồ xảy ra thiệt . Có điều vợ chồng tui là người duy nhất biết chuyện vì office tui và ông A nằm sát cạnh nhau. Ông ấy phải nhờ cậy tui chuyện bao che để ông ấy trong giờ làm ... ra ngoài thăm mộ vợ. Họ đi chơi với nhau đều chi. Bà B đến nhà ông A đều chi với lý do ... dạy kèm thằng con đỡ đầu của tụi tui. Dĩ nhiên là tụi tui đứng tránh ra xa không còn héo lánh nữa. Và như thế đã được ba năm rồi ! Chồng bà B có biết hay không tui không rõ !

Vấn đề : Sống để dạ, chết mang theo, đèn nhà ai nấy rạng, hổng việc gì tới tui hết. Nhưng gặp và thấy hầu như mỗi bữa là chuyện ngó bộ làm tui ... đau bụng chết mồ ! Tui biết ông bà A, ông bà B đều là những người tốt đáng cho tui kính trọng. Hoàn cảnh éo le đẩy đưa sao đó thì tui không rõ, mà tui cũng không judge họ nữa. Chuyện của họ có thể chỉ platonic, nghĩa là lý tưởng thôi. Nếu lý tưởng thì họ có đáng trách hay không ? Tui có nên tìm cách đổi ông A ra khỏi tầm nhìn (tui có khả năng làm việc này) để khỏi thắc mắc, hoặc là chính tui sẽ tự đổi mình đi xa ? Đổi ở đây chỉ có nghĩa là ra khỏi hành lang chung để đừng trông thấy nhau nữa mà thôi.
Hai người đó theo tui họ thật đáng thương, nếu có chuyện đáng trách thì ai là người đáng trách ? Việc tui ấm ức từ ba năm nay tất nhiên là chuyện không bình thường, chồng tui nói tui vô duyên ... chết mẹ !

Các bạn nghĩ sao ?

=================================

Tưởng tượng thế này ha : Cái đứa vấn kế đó, nó kêu tui hầu như mỗi ngày, mà chuyện quanh quẩn thì cũng chỉ có nhiêu đó. Tui với nó nặng tình thân. Anyway tụi tui là chị dâu em chồng, nhưng thiệt ra như ruột thịt, tui hầu như là surrogate mother của nó. Không níu mình thì nó biết níu ai ? Không nghe dùm cho nó thì tội nghiệp ! Mà nghe thì cũng chẳng giải quyết được chi !
Mình nói nó vô duyên, chồng nó nói nó vô duyên. Dĩ nhiên nói thì dễ vì mình đâu có trông thấy như nó. Tui dạy chuyện phải, nay biểu nó đừng thắc mắc chuyện trái thì thiệt cũng ... kỳ thấy bà, chưa kể là bạn thân của nó đã quá vãng. Mà thiệt tình chuyện đó chưa chắc đã là chuyện trái (?) Hồi cô ấy nằm bịnh viện, con nhỏ chực chờ đút cơm đút cháo, kể cả việc tắm gội và ... đổ bô (!) Cha chồng ở đâu ha, thì ở ngay đó chớ đâu, nhưng hắn chỉ trông cậy vào nhân viên bệnh viện, mà nhân viên bệnh viện thì họ lề mề ... chết mẹ ! Lúc cô ấy chết thì em tui để ... tang lòng, nó chỉ có một đứa bạn đó thôi mà !

Tui đem vấn đề ra hỏi để quyết định : hoặc tui sẽ khuyên nó xin qua phòng khác, hoặc tui sẽ (lợi dụng tình quen biết với boss của nó) đưa ông A đi phòng khác. Đưa ai đi thì cũng kẹt : đưa nó đi thì boss mới của nó tui hổng quen (mà job mới chưa chắc đã fit) đưa ông A đi thì tui lỗi phép công bằng với ổng (và nhất định là tui sẽ tránh không làm). Con dại cái mang, thiệt thinh không tui cũng kẹt. Mà nghe hoài chuyện ni thì quả là tui ớn lắm rồi !

Bạn nghĩ sao ?

===================================

Theo tôi nghĩ, cả ông A và Bà B đều là người lớn cả. Ðời sống riêng tư của họ là của họ, dầu tốt hay xấu. Nếu tôi là người rất thân với ông A, thì cho ông biết là sự gần gũi giữa ông và bà B, là cho tôi không thể nào không đặt câu hỏi. Nếu là bạn thân lắm thì mới dám làm vậy, còn không thì không nên.

Kinh nghiện cá nhân tôi, học từ trong quân đội, là có những điều bí mật mình biết trong việc làm, thì không bao giờ nói cho người khác biết vì họ "don 't have the need to know". Ngày nay, có khi tôi cần tư vấn cho cá nhân hay gia đình người khác. Về nhà, vợ tôi cũng không biết nữa. Lúc trước nhà tôi có hỏi, nhưng bây giờ không còn hỏi nữa, vì biết câu trả lời của tôi là gì rồi, "I can 't tell you. It 's not your business."

====================================

Tui có nói với nó chớ Ba Ếch - Chào Ba Ếch ha, bữa nay mới gặp ha - rằng tui nghe thế là đủ rồi, rồi thì nó nín thinh một thời gian, sau đó thì nó bị bệnh ... nhức đầu, tới phiên chồng nó phải nghe (vừa nghe vừa ngủ). Tui thương quá lại phải gọi phôn hỏi han cho nó kể lể tiếp. Sau đây là một số vấn đế tui nêu ra với nó :
-Chuyện ông A lập gia đình có làm em tui khó chịu không, chẳng hạn như là thấy bạn nó (nay chết rồi) bị phản bội. Trả lời : no
-Nếu ông A date ai đó không phải B thì nó có khó chịu thế không ? Trả lời : no.
-Nếu nó biết mà không thấy mỗi ngày thì nó có thoải mái không ? Trả lời : yes.

Tui bèn kết luận là nó involved hơi nhiều một chuyện không có dính líu chi tới nó, rằng khi lôn xộn như thế là nó đã làm phiền tới chính nó chồng nó và tui. Trời tui khuyên nó dữ lắm, thiếu điều trẹo cả hàm, nhưng nói thì dễ vì mình không phải là nó. Sau cùng thì tui proposed chuyện đổi nó đi, mà cái post ni thì nó hạp lắm. Tui nói nó phải nghĩ cho kỹ và phải chọn : hoặc ở lại và ... mù lòa. Hoặc sáng mắt và ra đi về chân trời mới (nhưng dám chừng ... vô định).

À tới đây thì con nhỏ nó bù lu bù loa quí ông à (giả sử Tỏi và Ếch đều là ông hết ha). Nó biểu tui : thôi chị Hai chọn cho em luôn đi, bề chi chị cũng ... sáng suốt ! Má ơi, nó nói thế là tui bí lù, bởi vậy mới hỏi ý thị dân của Phố. Ra đi mà vui thì không sao, có chi tui cũng phiền, nó kêu hoài chịu gì thấu ! Con em ni nó thiệt thà và hiền lành lắm lận, trong gia đình thì tui thương nó nhứt, bởi vậy mới khổ thế đó. Dĩ nhiên chuyện ai nấy lo, nó giữ kín được 3 năm dài thì tui thấy nó cũng super lắm lận, ha ?

=========================

Cô Hoang Vu.
Xin chào cô. Tui với cô cùng ngưỡng mộ cô Hai Lụa ha, nhưng cô thì may mắn mà tui thì hẩm hiu quá ! Thôi vậy cũng xong, đèo bòng cho lắm thấy cũng ... nặng nề !

Tui chờ bạn gái lên tiếng cái mục tui hỏi, mà tới nay nghe được có tiếng cô là một. Xin cám ơn cô đã giúp ý. Chuyện nó lỉnh kỉnh nhưng lỉnh kỉnh theo cái kiểu simple thôi, theo tui biết nó hổng có rắc rối như cô tưởng vậy đâu. Tui biết cô Mười các cháu hổng ghen, chỉ ghét thôi, ghét thiếu điều đào đất đổ đi luôn cô Hoang Vu à. Thì hai đứa nó là bạn tâm sự mà cô, nên chuyện lục đục chi của cô A cô Mười các cháu cũng biết hết.

Thì cũng chỉ xung quanh vấn đề tiền bạc. Cô Mười nói thằng ni nó tính toán từng đồng với vợ thì cô Mười cũng không buồn, nhưng tới khi vợ nó gần chết rồi mà thằng ni vẫn cứ tính thì thiệt đáng trách ! Vợ chồng họ là ... công ty hỗn hợp hữu hạn cô Hoang Vu à. Dĩ nhiên khi bệnh nghỉ làm thì chỉ còn tiền insurance thôi, và vẫn cứ phải chi từng ấy thứ, mà insurance thì nó hổng trả những cái vụ thuốc lỉnh kỉnh không do BS ký toa (chẳng hạn gel của sụn cá mập, nghe nói làm ung thư chậm phát triển, lá thu đủ nấu với trùng đất vv.., mình vái tứ phương mà cô) Cô A phải trả những chi phí này bằng tiền túi của cô ấy, sau này thì mượn tiền của chồng, yes, mượn tiền chồng để mua thuốc. Khi bệnh đã nặng vì metastasis vào phổi thì cô ấy còn phải trả cả tiền mướn máy compressor và bình oxygen. Cô ấy ở nhà một mình không làm được công việc nhà đã đành lại còn sợ hãi lắm nữa, nên rồi cô Mười đề nghị mướn người làm, nhưng tiền thì ... không ai chịu chi hết vì ai cũng kêu không có (!) Cô Mười mới ký check cho cô A, với điều kiện đây là tiền mướn caregiver chứ không được làm chi khác nữa. Nhưng chú A nói tình trạng ... chưa cần tới care give, tiền caregiver đó thôi để ... trả nợ cho chú ấy ! Voilà. Cô Hoang Vu hiểu tại sao cô Mười cô ấy điên lên ha !

Cô Mười xúi cô A lấy tiền trong quĩ hưu bổng ra xài trước (đàng nào cũng sẽ chết thì tại sao không xài bây giờ) Xin các Thị dân nghe cho rõ câu trả lời của cô A : Tại sao phải xài tiền đó, lấy nó ra xài thì ông A ông ấy sẽ thong thả quá, phải để vậy cho ông ấy lo ! Quí vị thấy ha, người ta rình mò để làm khó nhau vì cái tình cái nghĩa nó đã cạn rồi, bởi vậy cô Mười có nói tại sao họ không bỏ nhau sớm cho gọn ? Dĩ nhiên ông A phải lo, nhưng lo cỡ nào thì thiệt tui không nghe cô Mười nói tới nữa.

Rồi cô A chết, rất đau đớn, vì cô ấy nhất định không chịu chết, cô ấy vẫn còn ở giai đoạn deny. Cô ấy từ chối morphin. Và cô ấy chết trong tay cô Mười. Ngó bộ cái chết ni là một nỗi đau lòng khôn nguôi cho cô Mười. Tui hồ nghi tới giờ này cô ấy vẫn còn để tang bạn. Thông thường thời gian tang chế theo sách vở chỉ kéo dài 6-9 tháng, nếu quá lâu là một cái tang bất thường. À, voilà, cô Mười bị trục trặc ! Rồi mỗi ngày cô đi ra đi vô gặp chú A, cô nghe chú A nói lãnh hai cái insurances của vợ, sửa nhà, sắm xe, du lịch vv ... Cô Mười bá ngọ om xòm, không bá ngọ chú A, mà bá ngọ bạn cô ấy tức cô A (Sao con ni nó ngu chết mẹ, phải chi nó dòm được cảnh này !)

Tui thấy cô Mười có vấn đề, cô ấy là em tui. Cô ấy đang bị post traumatic stress disorder và bổn phận của tui là phải giúp cô ấy. Tui nghĩ cách trị liệu hay nhứt là cô ấy không tiếp xúc với cái stress nữa. Nghĩa là phải đưa cô ấy đi qua chỗ khác. Chuyện psycho therapy thì thiệt tui hổng rành, mà trong tình trạng ni thì therapy nào cũng là vô ích nếu cái stress vẫn chình ình ra đó. Tui nghĩ người phải đi là cô Mười. Sau này ở chỗ mới, nếu cô ấy có chi trục trặc hổng vui thì cô ấy trưởng thành thêm, sẽ học được vài bài học cho chính mình rằng .... chết là hết, là thảnh thơi để trở về cùng tro bụi, và trên nhất là .... đèn nhà ai nấy rạng ! Có đúng thế không ?

Chuyện đời sống vợ chồng nếu có ai muốn nghe thì có dịp sau này mình sẽ nói chuyện thêm ha cô Hoang Vu ? Mong cô thân tâm an lạc.

===================================

Trích đoạn: Mme Ngo

Cô Hoang Vu.
Xin chào cô. Tui với cô cùng ngưỡng mộ cô Hai Lụa ha, nhưng cô thì may mắn mà tui thì hẩm hiu quá ! Thôi vậy cũng xong, đèo bòng cho lắm thấy cũng ... nặng nề !


Chèn ơi chị nói dì hẹp cho tui quá , chiện ông wa' dợ cùng bà dợ bạn léng phéng dí nhau là tui chưa từng gặp qua làm sao tui dám xía dô chớ , tui đánh vần tới lui đến độ ba con chữ chị viết nó hao mòn hơn phân nửa mà cũng còn y chang như điêm ba mươi tối thui tối mò không thấy ông bà ông vải đặng kiêu cầu cứu.

Tui nói dì mấy chị nghe coi sao heo , chiện dợ chồng là do ông tơ bà nguyệt se thắt , đờn bà con gái ai hỗng muốn một thằng chồng thỉ chung chân chất thờ dợ chiều con , dĩ nhiên đời mà mấy chị muốn nó thờ mình , mình phải thờ nó trước , mang chồng cho lên trang thờ ngheo, gì cũng chả ráo ngheo, sống cũng chả mà chết cũng chả ngheo , ông bà xưa có câu dì : Chưa chồng bây đi tắt dìa ngang , có chồng ráng thẳng một đường mà đi ngheo con .
Có nghĩa là bây có chồng bay phải giống con ngựa có miếng da che con mắt liếc dài sọc, che con mắt ướt chớp chớp đa tình, che con mắt lén dòm trai qua cái nón lá che , một đường một mà chạy cái rọt dìa nhà , dù cái nhà bay y chang cái tổ con chuột chù chuột chũi.

Ổng bả dậy dị mà ổng bả quên mẹ nó chiện ông tơ bà nguyệt nhiều lúc chểnh mảng chiện se tơ , se tùm lum tá lả, se thằng ngốc dí con mĩ miều, se con lé xẹ dí thằng trai lơ, câu chiện lộn xộn từ đây mà ra. Tui nói dí don dị chớ còn nhiều chiện động ông trời lắm ngheo làm tui cũng hỏi ông trời quài cái chiện sao không giáng chức ông nguyệt bà tơ , tui thấy đâu xa trong khu chợ này dô tay tui là ông tơ bà nguyệt tui se tụi nó dô ráo nạo dí nhau cái rụp.

Đó nọ tui đi xa lắc tít tè cái chiê.n bà hỏi rồi đó ha. Tui nghi ngheo đàn bà ưa mủi lòng tội thẳng chết dợ bơ vơ nên tài lanh xía dô an ủi, dí hồi sanh tiền , vợ thằng chả cũng cãi lẫy ỉ ôi dí chả con mẻ có hay. Mà phần con mẻ dí thằng chồng cũng cơm lành canh ngọt gì đâu chớ , cá nhiêu tui cũng cá ngheo hồi se tơ cho cái đám rễ tranh này , ông bà tơ nguyệt gì đó không ngủ gục cũng mắc đi ra cầu cá.

Bởi dị thôi đi bà Ngô ơi , coi như bà có mắt không tròng không thấy, có tai mà giả điếc không nghe , có miệng mà như câm không bàn dì ráo đi bà Ngô ơi , hơi đâu lo chiện ngươi dưng , hễ mà thiệt chiện của bà tui tính kế liền ngheo, tui đào mả đào mồ nhà nó tui đòi chồng lại cho bà làm của riêng , của quí. Tui thấy chiện dì ngheo xẩy ra hàng hà , hễ trong tay coi như gỗ mục, thấy con lủng nào dòm ngó là nó thành gỗ trầm gỗ hương cục dàng cục hột xàn chiếu chiếu.

Si ra ai có chồng lo mà giữ rịt lấy chồng, ai chưa chồng ráng kiếm thằng nào nhằm cái giờ ông tơ bà nguyệt sáng suốt mà se , chiện lang chạ là chiện không ai muốn ai màng , nó có lỡ xẩy ra coi như xúi quẩy để ông trời ổng tính , chớ ngừi phàm mắt thịt như đám nhơn sinh đây lấy lựt lệ nào mà kiêu án ngừi ta. Trong chăn rậnc ắn thấy mẹ cũng muốn chạy càn cho thoát chớ.




Tui nghĩ người phải đi là cô Mười. Sau này ở chỗ mới, nếu cô ấy có chi trục trặc hổng vui thì cô ấy trưởng thành thêm, sẽ học được vài bài học cho chính mình rằng .... chết là hết, là thảnh thơi để trở về cùng tro bụi, và trên nhất là .... đèn nhà ai nấy rạng ! Có đúng thế không ?

Chuyện đời sống vợ chồng nếu có ai muốn nghe thì có dịp sau này mình sẽ nói chuyện thêm ha cô Hoang Vu ? Mong cô thân tâm an lạc.


tui la làng kể lể cho đã mới đọc tới đây , dị là bà chịu hạ màn mẹ nó rồi tui bàn thiêm thành dư như ăn trái xài xanh còn khèo thiêm trái khế.

Dài hàng tui oánh cho bà biết ý cò của tui.

============================

" Lơ thơ (?) nấm đất bờ sông nọ
" Hồn có xa nghe mấy... điệu đàn "
Tản Đà.
( Hồ Tôn Hiến , Thuý Kiều và nấm mồ Từ Hải )

================================



Hôn nhân và hạnh phúc

Trước khi nói tiếp chuyện cô Mười của các cháu (đã kể bên Tâm tình) tui xin sơ lược cho có đầu có đuôi chút đỉnh nha : Bạn cô Mười chết vì ung thư vú, rồi cô Mười dở chứng đâm xầm vô chuyện riêng tư của ông goá (cũng là bạn đồng sự của cô), rồi cô đi ra đi vô chung phòng làm việc với ông goá, bất an và ấm ức, rồi cô vấn kế tui (tức chị dâu của cô), tui khuyên cô :
a. Đổi qua phòng khác, làm job khác với boss khác, khỏi gặp ‘kẻ tử thù’ nhưng có thể không thích hợp môi trường mới và ... đau khổ tiếp !
b. Ở lại phòng cũ rồi đóng vai câm và điếc lâu dài cho khoẻ tấm thân !

Cô Mười suy nghĩ 1 tuần thì đệ đơn dứt áo ra đi gặp boss mới nhận việc mới. Cô còn trẻ nên thích ứng cũng lẹ. Cô lại giỏi dắn hổng ngờ (cô cũng mới khám phá ra cái ... ưu điểm ni sau biến cố này thôi) nên công việc chạy êm ru bà rù. Cô vui vẻ yêu đời thấy rõ, mà chồng cô anh cô và tui cũng bớt nhức đầu vì chuyện của cô. Ba tuần sau thì cô phôn nói chuyện linh tinh và có vẻ như là muốn tâm sự chi đó. Biết tính cô nên tui cứ phớt tỉnh đợi chờ.
Rồi cô Mười vào chuyện, cô nói may quá, nếu không có ‘chuyện đó’ thì cô Mười dám còn đang làm việc cũ, sẽ hổng biết thế nào là chân trời mới, sẽ không biết hết cái tài năng tiềm ẩn của mình (?) Cô Mười biểu cô phải cám ơn ông góa mới là phải, nhờ ông mà self-esteem của cô đi lên ! (Ối chao, tui thấy cô Mười lớn thêm được chút xíu) Chưa hết, cô Mười thấy có thành kiến và thiếu công bình với ông góa, dòm kỹ lại thì thiệt ông goá cũng đâu tới ... nỗi nào! (À Cô lại lớn thêm chút nữa) Rồi cô Mười quyết định mời họ (tức ông góa và bạn gái của ổng) tới ăn BBQ cuối tuần (anh chị tới cho vui ha). Tạ ơn trời, cô Mười quả là khôn ngoan thêm nhiều sau vụ này, tui cũng mừng cho cô !

Chuyện của cô Mười là chuyện cơm bữa thấy khắp mọi nơi. Mỹ nó kêu bằng too close for comfort, nghĩa là sinh hoạt hàng ngày cạnh nhau thì dễ sinh đụng chạm . Đụng hoài thì dễ mất lòng. Nếu chuyện mất lòng được giải quyết thỏa đáng vẹn vẻ đôi bề thì hai bên hể hả bắt tay nhau vui vẻ trở lại (cho tới lần đụng sau). Nếu giải quyết hổng xong thì ... nghỉ chơi luôn !
Bạn bè quyết định nghỉ chơi luôn thì chỉ cần không gặp nhau nữa là xong (hổng vô ... phố nữa là xong) Bạn đồng sự ngó bộ không thế được. Trời, đi ra đi vô mà cứ phải nhìn cái bản mặt khó ưa của nó thì thiệt là ... lộn ruột ! Mà đầu óc cứ xoay quanh cái chuyện đó hoài thì khá sao nổi. Hổng lẽ nghỉ làm đặng tránh, còn đi làm thì hậm hực, trước sau bao tử dám lủng như chơi ! Cô Mười may mắn đổi job cái ào, hổng phải ai cũng may mắn được như thế !

Nhưng ở đây tui hổng muốn bàn chuyện bạn đồng sở, tui muốn bàn chuyện bạn ... đồng giường kìa ! Rắc rối to ha !
Hai người ngủ chung phòng, chung giường, chung luôn cả mền chiếu nữa thì cái chuyện too close for comfort, nếu có, ắt nó phải trầm trọng hơn là cái cẳng ! Thành ra rồi chuyện đụng chạm gây thương tích sẽ thảm sầu gấp trăm lần hơn ! Có cách nào tránh không ? Ta chỉ có thể tránh thương tích bằng cách nai nịt gọn ghẽ trước khi ... vô giường, giống như binh lính thời trung cổ mặc giáp sắt trước khi lâm trận vậy !

Mà kinh nghiệm chiến trường thì thường là phải tự học, chớ hổng có màn ... hàm thụ đâu nha. Thành ra rồi mỗi hoàn cảnh mỗi khác. Xảy ra ở đây hai trường hợp :
1. Hai kẻ bị thương tích phải tự xoay sở và băng bó lấy rồi tiếp tục cuộc chiến.
2. Hai kẻ bị thương tích có màn đồng bệnh tương lân, bỗng động mối từ tâm xoay ra băng bó lẫn cho nhau rồi từ đó mà sinh lòng thông cảm.

-Trong trường hợp 2 : băng bó được cho nhau rồi thì trận chiến coi như kết thúc, make love not war. Khi ấy giường có thể sập - và sập như chơi - nhưng người thì bảo đảm không hề hấn trầy sứt gì ráo nữa hết, tài là vậy !
-Trong trường hợp 1 : Chuyện trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi ngó bộ không có. Chiến đấu một mình thì lẻ loi quá, người ta có khuynh hướng đi tìm đồng minh yểm trợ. Có khi đồng minh lại làm màn ... self service nhảy xổ vô mà hổng đợi ta phải đi tìm. Đồng minh ở đây thường là bè bạn cha mẹ anh em. Rồi phủ binh phủ, huyện binh huyện. Chuyện tường trình báo cáo thiếu trung thực - vô tình hay cố ý - ở hai bên chiến tuyến, mục đích là để qui kết tội bên kia, càng làm chiến tranh leo thang nhanh, lạnh có nóng cũng có luôn. Thế rồi chẳng ai nhịn ai, các nhà cố vấn quân sự lắm khi còn ồn ào hơn cả chiến sĩ đang vào sinh ra tử là khác ! Mức độ ác liệt của trận chiến ngày càng gia tăng, thương tổn đôi bên ngày càng trầm trọng, cho tới khi cả hai cùng kiệt quệ, cả tinh thần lẫn thể chất !
Kết thúc cách nào ? Thì kết thúc ngoài toà chớ còn cách nào nữa, dĩ nhiên rất thảm hại và đầy tốn kém !

Nhìn lại trường hợp cô Mười như một thí dụ, tuy rằng hổng chính xác mấy. Cô ra khỏi tiền tuyến trước hết vì an ninh bản thân. Rồi cô thong thả ngồi xuống hậu phương làm màn tổng kết tình hình. Cô hết bực mình nên đâm sáng suốt rồi thấy chuyện chẳng có chi mà phải ầm ĩ. Nếu cô Mười còn ở lại nơi tiền đồn và nhìn hỏa châu thắp sáng đêm đêm (lòa cả mắt) thì ngó bộ chuyện vẫn còn tối hù !
Trong tình huống phải chiến đấu chống trả với kẻ ‘nội thù’thì ta cũng nên lùi lại, bước vào vùng phi quân sự để đánh giá tình hình cho đúng đắn và công bằng hơn.
Nhưng ... lùi lại là để nhìn ra và giải quyết kìa, chớ còn lùi lại để chờ cơn giông tố qua đi thì ngó bộ ... chỉ làm tình hình ngày càng tồi tệ hơn thôi, vì còn những cơn giông tố khác sẽ thành hình và dấy lên từ cuối chân trời.

Lùi bao nhiêu bận thì đủ ? Tùy, có thể một lần, có thể là đôi ba lần. Nếu lùi đủ rồi mà không thấy ánh sáng cuối đường hầm thì ta nên hành động liền đừng chần chờ nữa. Nhiêu đó là đủ rồi, trời ạ ! Tui không hề tán trợ chuyện ra tòa, xin nói trước như thế, nhưng ... trong những trường hợp một khi cái comfort không còn nữa thì lẽ ra ta phải tính tới chuyện ra toà chớ đừng chờ tới khi đã đầy mình thương tích.
Li dị là chuyện khổ lòng, là tổn thương tâm hồn và thể chất. Người ta hay có khuynh hướng ở lại chịu đựng nhau vì con. Nói thế nghe ... tạm ổn ở thời một ngàn chín trăm lâu lắm và ở VN, khi dư luận còn quá nặng nề và nghiêm khắc. Nay nói thế nghe cũng ... khó ổn ! Trẻ con sống ở quốc ngoại tiếp thu văn hóa nước ngoài, ngó bộ chúng cởi mở chấp nhận dễ dàng cái chuyện li dị của cha mẹ, miễn là li dị xong thì mọi việc cũng giải quyết xong và xong một cách ổn thỏa. Ở lại với nhau, dằn vặt nhau rồi đổ thừa tại chúng thì cũng tội – tội cho cả cha mẹ và tội cho cả con nữa !
* * *

Nguyên do li dị của người Việt tại quốc ngoại là gì ? Phần lớn vì tiền, đồng tiền dính liền khúc ruột mà, tục ngữ ca dao nói vậy rồi. Nếu không thì vì tình chớ còn chi nữa !
Ngày xưa trong nước, tiền bạc thường qui về một mối. Gia đình nào hầu như cũng vậy, cha đi làm, cuối tháng lãnh lương đưa về cả cho mẹ. Mái ấm là nơi yên ổn vì mẹ tay hòm chìa khóa tần tảo lo toan. Nay ở ngoại quốc, nếp sống gia đình Việt bỗng bị trốc gốc, bị đảo lộn. Mẹ cũng đi làm như cha, thời giờ của cả cha lẫn mẹ cho gia đình ít lại mà cũng ngần ấy việc phải làm thì dĩ nhiên là mệt phờ râu ! Rồi gia đình chồng gia đình vợ còn kẹt ở VN cần giúp đỡ. Rồi bên này cần nhiều bên kia cần ít ... vv ... Cứ như thế bỗng dưng cái ngân sách nó lệch từ từ vào những khoản chi tiêu mà bên này nghĩ là bên kia đã xài quá đáng ! Và mầm chiến tranh bắt đầu !

Cãi cho lắm xong thì người ta quyết định ví ai nấy giữ tiền ai nấy tiêu, xòng phẳng để khỏi nghi ngờ rồi sinh cãi cọ. Cũng tốt thôi, nhưng ... khi chia tiền như thế thì gia đình, đơn vị nhỏ nhất của xã hội, đã mất đi cái bản sắc tiêu biểu của phong tục tập quán Việt. Chuyện thuận vợ thuận chồng không còn cần thiết nữa, anh bằng lòng hay không kệ anh, tiền tui tui cứ xài !

Bỏ ra ngoài chuyện phong tục tập quán, vợ chồng xài riêng tiền bạc là nên hay không ? Ba mặt một vấn đề, nên hay không là còn tùy, tùy cách suy nghĩ và thái độ của các thành viên trong mái ấm. Nếu riêng mà cả hai đều thấy công bình hợp lý và thoải mái thì ngó bộ vẫn tốt hơn là chung mà người này rình mò vì nghi ngờ người kia lén lút xài riêng, hoặc rộng rãi với mình nhưng lại hà tiện với người ..vv..
Những điều tốt khi vợ chồng có trương mục riêng được nêu ra như sau :
-Độc lập kinh tế đồng nghĩa với tự do cá nhân.
-Đắn đo thận trọng hơn khi tiêu tiền, vì tiền đó là tiền riêng của mình.
-Tự chịu trách nhiệm khi ngân sách của mình bị thâm thủng.
-Những món quà tặng nhau vào dịp lễ sẽ có ý nghĩa hơn

Người ta đề nghị một số cách phân chia sao đó cho hợp lý :
1. Lập quĩ chung với tỷ lệ phần trăm ấn định trên số lương thu nhập : chẳng hạn 60% tiền lương của mỗi bên. Thiếu thừa cuối năm chia theo tỷ lệ
2. Lập quĩ chung với số tiền ấn định đồng đều : thí dụ mỗi người góp vào 30 ngàn. Thiếu thừa cuối năm ... cưa hai.
3. Không có quĩ chung nhưng tiền chi phí chung được ấn định với nhau trước. Thí dụ chồng trả chi phí bên ngoài (tiền nhà tiền điện thoại tiền nước ...) vợ trả những chi phí bên trong (tiền ăn tiền chợ tiền học phí quần áo của con ... )
Tui hổng rõ trong ba cách trên cách nào hợp lý và công bằng nhất ? Cách nào gây phiền toái nhất. Và phân chia như thế là có quá sòng phẳng ? Là mất đi cái ý nghĩa thiêng liêng trong tình yêu chồng vợ chăng ?

Ý bạn thế nào ? Tui ha, tui vẫn quen với chuyện thu về một mối. Cho nhau được cả cuộc đời mà tiếc nhau cái sổ trương mục nhà băng thì thiệt cũng khó cắt nghĩa cho xuôi.
Rồi ai giữ cái mối đó đây ? Ai mà chẳng được, người nào có khả năng thì người đó giữ. Tui nghĩ và tin rằng giữ nó hổng sướng đâu, trách nhiệm nặng nề đó. Phải sao cho xứng đáng với sự ủy thác và tin tưởng của người kia, phải tính phải toán sao cho số thu luôn luôn lớn hơn số chi, nếu không thì cũng phải bằng.
-Chi nhiều hơn thu : bạn thiếu khả năng điều hòa ngân sách, phải giao nó đi ngay lập tức trước khi mọi chuyện trở thành quá trễ.
-Thu nhiều hơn chi : bạn thừa khả năng để tiếp tục giữ ngân sách gia đình . Xử dụng ngân sách thặng dư cách nào lại còn tùy nhu cầu và tùy óc thông minh của bạn.

=====================

Tui ha, tui vẫn quen với chuyện thu về một mối. Cho nhau được cả cuộc đời mà tiếc nhau cái sổ trương mục nhà băng thì thiệt cũng khó cắt nghĩa cho xuôi.


Em "chịu" câu này của Madam hết sức dị đó !!!!!!

=======================

"Tất cả những gì Cha tôi nói... đều sai "
Đó là một kinh nghiệm bản thân của tôi. Rút ra từ Quan diểm của bốn thằng con , thời tụi nó ở tuổi 10 +/- và 17 +/-.
Hai mươi năm sau , cái quan điểm đó bắt đầu khác đi.
May mà tôi còn sống đây để làm chứng sự thay đổi đó.
Tôi nhớ như có một lời khuyên : hãy kiên nhẫn trong sự chờ đợi cái kết quả của một ý - đồ giáo dục , của nền giáo dục. Rằng :
" Kết quả của giáo dục. .. giống như một món nợ cho vay , cho phép trả muộn "
Những bạn trẻ , đang nuôi con ăn , lớn , nên người như thế này , như thế nọ , cũng nên bình tĩnh , kỷ luật và trật tự.
" It Takes A Village " nữa.
Cái môi trường sống mà gia đình mình , con cái mình , và cái xã hội gần và xa của mình... nó tác động mạnh lắm vào chuyện '' nuôi , dạy " ( dưỡng dục ) một đứa trẻ. Nhiều khi mình , vợ chồng mình phải " nhắm mắt chịu thua ".
Ngay trong khi Dưỡng Dục một đứa con , mà hai người cha mẹ , hai họ ngoại và họ nội cũng đã khác nhau về quan niệm sống , về hệ giá trị.
( Ông học trò trường thuốc nào không muốn trở thành thầy thuốc để " cứu nhân mạng " , để ' độ thế gian".
Nhưng , thế gian đã dắt Ông Thầy Thuốc đi lạc. Và ông mất cái giáo dục mà ông nhận được ngày còn nằm nôi , ngày còn " ngửi mùi bệnh" ở trường , ở nhà thương... kể từ khi ông được kén rể ," vu qui " về nhà bên " bà Bác sĩ " chẳn hạn.Ông Thầy thuốc trở nên một tù nhân , một nạn nhân của cả làng nhân thế.Tệ hại hơn thế nữa , ông phải làm nô lệ cho cả gia đình ông quan Đốc tờ , và ngay cả những temptations của riêng ông. )
Thế cho nên , hãy bắt chước bà Mạnh mẫu. Ráng mà thay đổi cái môi trường giáo dục cho đứa trẻ vẫn là một ưu tiên.
Tonka
#15 Posted : Friday, November 4, 2005 5:40:53 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Lời phi lộ : Tui mới vừa làm phiền đến ông Ba, thiệt áy náy quá chừng. Tui chỉ muốn chọc cho ông cười thôi, vì cười là liều thuốc bổ. Nhưng bổ quá thì lắm khi cũng hổng tốt và tạo tác dụng ngược vì nó gây nhiệt và làm nóng trong người ! Tui đã tự kiểm duyệt và tạ lỗi với ông Ba rồi, nhưng thế vẫn chưa đủ ! Bổn phận của tui bây giờ là làm cho ông Ba cười và cười thật tươi. Lục lọi tìm tòi hoài trong kho mà hổng thấy bài viết nào tếu hơn bài ni nữa hết. Thôi thì tui post nó lên đặng ông Ba đọc cho vui. Ông Ba à, đọc nó xong mà ông cười được thì dơ tay làm dấu cho tui biết ha, để tui chạy tới đứng gần ông mà chụp một bô ảnh kỷ niệm. Tấm hình này sẽ có tên ... Peace after War.

Bàn về nhạc sến !

Ngô-Sắc

Chữ sến hổng biết có từ hồi nào trong văn hoá việt, mà cũng hổng biết nguồn gốc nó từ đâu nữa kìa ! Một bữa thình lình nó xuất hiện và chạy tùm lum với vận tốc của ánh sáng. Hễ cứ có người việt, tiếng việt là có nó đứng chình ình. Lôi một người việt ra hỏi sến là chi thì dám có màn họ la làng : Hỏi câu chi mà ... sến dzậy ? Rồi chừng thấy bạn nghệch ra một cách thành khẩn và nghiêm túc thì họ sẽ ngơ ngác mà thú nhận với bạn, rằng họ không có định nghĩa thỏa đáng cho cái câu hỏi kỳ cục của bạn (!)
Mà kỳ cục thiệt ! Cũng chỉ vì Việt nam không có Hàn Lâm Viện nên chuyện định nghĩa chữ sến một cách chính xác theo ngữ học chuyên môn đã chưa có. Thế nhưng áp dụng của nó thì, má ơi, tùm lum và bất kể, cái gì cũng có thể sến được hết, thậm chí văn hoá là chuyện tinh thần, chuyện hay chuyện đẹp của cả một dân tộc mà lắm khi cũng sến luôn, còn sến sệt là khác. Thế mới kẹt !

Vậy chứ sến là gì ? Tui hổng phải là nhà ngữ-học nhà văn-hoá, thế nên tui không có định nghĩa, mà tui cũng hổng cần biết định nghĩa của nó là chi. Biết nhiều càng tổ thêm phiền toái. Nhưng biểu tui nơi chốn thời gian hoàn cảnh để áp dụng chữ này thì tui ... rành lắm. Thí dụ thế này nha :
-Bạn đi cua đào mà nàng nói bạn sến thì bạn nên gài số de liền tù tì.
-Vô nhà đào mà nói má của nàng sến là bạn sẽ được tiễn chân ra tận cửa tức khắc (và mất đào như chơi)
-Tía của đào sến là khi thằng chả nhất định bắt bạn đưa con gái về lúc ... hoàng hôn, (nghĩa là mặt trời mới vừa lặn chút đỉnh !)
-Em trai của đào sến là khi nó nhất định đứng ì ra trong phòng khách lúc bạn đang ngây ngất vì hương tóc của nàng.
-Đi nhà thờ đi chùa mặc đồ sến thì hổng sao, tới nhà nàng mặc đồ sến thì kiki sủa đã đành mà em gái nàng cũng sủa luôn, kẹt lắm !
-Cháu bạn chê bạn sến bạn tỉnh bơ, nhưng nếu nó chê nàng sến thì bạn lộn máu lên đầu và có quyền bợp tai nó (cho nó chừa tật nói hỗn)
-Đào bạn không bao giờ sến cả, vợ bạn mới có khả năng sến.
-Chị của bạn sến là khi bả nhất định đòi 10 đồng bạn đã lỡ vay và lơ dãng quên trả (đòi một cách triệt để và ráo riết. Ôi, tình chị em không nặng hơn tờ giấy bạc 10 đồng !)
-Thằng bạn nối khố nếu sến sương sương nó là thằng bạn tốt, nếu sến thượng thừa nó sẽ tạo cho bạn những nỗi bận lòng không nhỏ (vì chuyện thất tình của nó sẽ là chuyện thường trực và kinh niên, phiền lỗ tai lắm lận !)
-vv và vv.

Nói chuyện sến khơi khơi thế e nhạc sĩ Nguyễn Tuấn hổng bằng lòng. Ông Nguyễn Tuấn là ai thủng thẳng bạn sẽ biết. Tui mới khám phá ra ổng chừng độ 1-2 tuần nay thôi, nhưng chưa gì ngó bộ ổng đã làm khó dễ tui về cái chuyện định nghĩa thế nào là sến, chính xác hơn thế nào là sến trong âm nhạc (dĩ nhiên ha, vì ổng là nhạc sĩ nên chỉ muốn nghe cái chi có dính líu tới nghề nghiệp của ổng thôi mà)
Sau khi vắt tay lên trán thao thức ba bốn bữa thì tui tìm ra định nghĩa (rất sến) về chữ sến. Dĩ nhiên đây là định nghĩa sơ khởi riêng tư thôi, nó còn phải chờ Hàn Lâm Viện Ngữ Học thành lập, chờ các Viện-Sĩ biểu quyết và chấp thuận rồi nó mới đàng hoàng mà đi thẳng vô Tự điển để trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ mai sau !

* * *

Trước hết sến là người ở, người làm, đầy tớ ... một chữ không mấy chi bác ái, nó mang đầy tính giai cấp phong kiến và tư bản, nghĩa là nó xấu xa. Thời nay, lòng nhân của chúng sanh đã mở ra (và mở rất rộng) thế nên người ta lịch sự hơn, người ta gọi họ, những người-ở người-làm đầy-tớ ấy, là người giúp việc nhà. Tại sao người giúp việc nhà lại biến thành sến thì thiệt tui không rõ. Hồi có chuyện biến chủng này y hình chưa có tui. Ông Nguyễn Tuấn sanh trước đẻ sớm, ông ấy hẳn biết, nếu ông nhất định hỏi tui nguồn gốc chữ này thì thiệt ông làm khó tui quá !
Theo lý luận thông thường (và chậm tiến) thì nghèo mới phải đi ở đợ làm công. Mà đã nghèo thì cơ hội cắp sách tới trường dài lâu ngó bộ khó xảy ra, thế nên trình độ hiểu biết của sến hổng mấy chi cao (Tui nói hiểu biết nghe, không nói chuyện tư cách) Sến nương thường là những cô gái quê khốn khổ phải ra tỉnh mưu sinh và chưa có gia đình. Cô cũng có trái tim (biết rung động như mọi người) có ước mơ (hiền lành và khiêm tốn) có bổn phận (với chủ và với gia đình). Hồi một ngàn chín trăm lâu lắm thì nước chưa tuôn vô nhà như bây giờ, chiều chiều xong việc nhà cô còn phải quảy thùng đi ra phông-tên nước sắp hàng chờ phiên. Trai khôn tìm vợ chợ đông, các đấng mày râu phong lưu tuấn tú (nhưng túi ... thiếu tiền) thường cũng ra đây sắp hàng chờ đợi y chang dzậy. Những mối tình theo kiểu ‘gánh nước đêm trăng’ là chuyện xảy ra hà rằm, thành tựu có, tan vỡ cũng có luôn. Thỉnh thoảng còn nghe chuyện sến nương bị buộc phải trở thành bà chủ nhỏ trong thời gian ngắn hạn. Đại khái sến thì khổ vậy đó.

Vì sến là gái quê ít học nên đặc tính căn bản của sến là chất phác thiệt thà, lắm khi quá đáng nên thành hời hợt ngớ ngẩn. Lên tỉnh ít lâu sến hấp thu văn minh xã hội vật chất nên cũng thích hào nháng bề ngoài chút đỉnh cho có vẻ thị dân thành phố, thế là xảy ra chuyện hoa lá cành rườm rà và hổng chừng còn rậm rạp ác liệt là khác. Marie là cái tên thông dụng trong văn hóa tây, hổng biết tại sao nó lại dính vô chữ sến. Có vẻ như là do mấy ông nhà văn nhà báo tinh nghịch (nhưng không hề có ác ý) chế ra để cười vui với nhau. Rồi cũng từ chữ Marie-Sến này nảy sanh ra chữ Marie Fontaine hay Marie Máy-nước và một số chữ nữa lòng dòng xung quanh nó.

Tóm lại sến là một nghề rẻ tiền nhưng lương thiện. Thú thiệt nghề này tui cũng có làm qua ít lâu. Nó cơ cực thân xác nhưng khoẻ re tinh thần. Hồi hành nghề này lắm khi tui cũng tỉnh bơ ngớ ngẩn cho hợp tình hợp cảnh, chủ nói chi nghe đặng thì tui hiểu cái rột, họ chơi ép quá thì tui đực mặt ra ! Thường thì các ông bà chủ của tui thông cảm tui lắm, họ biết tui hành nghề sến tài tử vì tui đang ở ẩn chờ thời, chừng rồng mây gặp hội dám họ cũng có phước có phần bởi tui là đứa ăn ở có hậu.

Khi sến là nghề (nghĩa là danh từ) thì chẳng có vấn đề gì ráo để mà phải bàn luận đôi co, chừng sến biến chủng thành đặc tính (nghĩa là tĩnh từ) thì thiệt là sinh lắm chuyện. Sau khi điều nghiên phân tích tổng hợp tùm lum thì tui định nghĩa sến đặc tính là thế này : Gọi là sến khi thiếu hẳn sự cân xứng hài hòa cần phải có, chuyện thiếu cân xứng hài hòa này lại không tạo ra những đe dọa hiểm nguy về tinh thần lẫn vật chất, thường nó chỉ làm người xung quanh tức cười, cùng lắm làm họ bực mình khó chịu chút đỉnh vậy thôi. Sến do đó hiền lành và ngây thơ vô tội vạ. Sến không hề biết là nó đang ... sến, nghĩa là nó đang kỳ cục tới độ lố lăng, lại cứ hồ hởi yên chí mình ngon lành thứ thiệt. Bởi vậy mới ... chết người ! (nhưng thiệt thì hổng có ai chết cả, nói thế để hù cho sến sợ chơi thôi !) Sến hổng phân biệt tuổi-tác trình-độ thành-phần phái-tính chức-nghiệp thời-gian hoàn-cảnh gì ráo. Cứ lạng quạng ấm ớ là có thể thành sến dễ dàng. Sến hiện tượng có tính tài tử và tạm thời. Sến bản chất có tính chuyên nghiệp và thường trực. Sến và cải lương thường bị hiểu lầm là có họ với nhau. Chuyện này sẽ bàn sau vì thấy vậy mà không phải vậy.

Định nghĩa thế rồi thì bạn thấy những thí dụ tui đưa ra ở trên thiệt là chính xác về người sến việc sến ha. Tóm lại sến không tốt cũng không xấu, nhiều khi nó còn giúp vui văn nghệ tới nơi tới chốn đàng hoàng. Theo tui, nếu thiếu ba cái chuyện người sến việc sến thì cuộc đời này sẽ thiếu hẳn màu sắc, và như thế nó sẽ tẻ nhạt và buồn bã biết bao !

* * *

Nói năng ấm ớ lòng dòng vậy là để đi vô chuyện sến trong âm nhạc. Nghe nói lâu rồi các bậc thức giả nhìn xa hiểu rộng của nền âm nhạc nước nhà tại quốc ngoại đã thảo luận chuyên đề về chuyện nhạc sến. Y hình thảo luận cũng không đi đến đâu, nghĩa là chưa có chuyện thống nhất ý kiến về tiêu chuẩn của nhạc sến. Ông nói con gà, bà bảo con vịt, nghĩa là chuyện họ nói có vẻ không mấy chi ... hài hòa lắm !
Tui hổng phải nhạc sĩ, nốt nào cũng là nốt ráo hết, thế nên ý kiến của tui dám có khác với ý kiến của họ và ý kiến này dám tạo cơ hội giúp họ ngồi xích lại gần nhau thêm nữa trong lãnh vực chuyên môn nghề nghiệp hổng chừng. Tui xin thưa thốt thế này : Sến trong nhạc có hai phần, sến nội dung và sến hình thức. Sến nội dung liên quan đến nhạc sĩ tức người viết nhạc, sến hình thức liên quan tới ca sĩ tức người trình bày nhạc.

Trước hết là sến nội dung ha. Mỗi nhạc sĩ có style riêng. Nốt nhạc tạo âm điệu cho bài nhạc, nhưng ý tình lại nằm trong lời hát. Nốt nhạc chỉ hay hoặc dở mà không sến được, lời hát mới có khả năng sến. Lời hát sến khi nội dung nó quá chất phác thiệt thà tới độ nghèo-nàn ngớ-ngẩn và hời-hợt, còn bằng như văn chương thi phú thì nó là thứ văn chương đầy sáo ngữ, rỗng tếch và vô hồn. Đồng ý như thế rồi cũng chưa chắc đã ... nhất trí được với nhau đâu nha. Tui xin cắt nghĩa như vầy : Âm nhạc là chuyện cảm tính, nghĩa là nghe bằng trái tim (mà than ơi, trái tim lại có những lý lẽ riêng của nó) thế nên bạn nghe thấy sến mà tui nghe lại nức nở nghẹn ngào, dám chừng nó còn làm tui âm thầm thổn thức là khác ! Bạn chê tui sến thì tui chê bạn ... khô khan, thế là huề !

Các nhạc sĩ tui xếp hạng theo style nhạc của họ. Ông nào ngồi đâu cứ yên chí ngồi đó đừng chạy lăng quăng. Nếu chạy lăng quăng mà làm tui khoái chí thì tui không phiền hà chi hết, nhưng nếu làm tui thất vọng, nghĩa là ông ấy đang sến, thì tui phiền ổng lắm kìa! Thí dụ như vầy nha : nhạc sĩ Lam Phương chuyên viết nhạc bình dân đại chúng (chữ của đại văn hào Nguyễn Ngọc Ngạn đó, hổng phải của tui đâu) Một bữa ổng trật đường rầy, viết ra một bản nhạc mà mới nghe tui tưởng là của Vũ Thành (nghĩa là ... bác học lắm, hổng bình dân đại chúng nữa) Vì tui thích Vũ Thành nên tui thấy hổng có chi sến hết, nhưng fans của Lam Phương sẽ phiền trách dữ lắm lận (Sao kỳ này giả viết nhạc kỳ cục dzậy cà ?) Ngược lại nếu bữa khác tui nghe nhạc Vũ Thành mà lại tưởng là ... Lam Phương, tui hổng thích Lam Phương nên thấy Vũ Thành đã sến là cái cẳng, và dĩ nhiên fans của Lam Phương sẽ nhẩy cẫng reo hò !
Tiêu chuẩn về thơ về nhạc thay đổi theo tính người, người dễ dãi thì cái gì cũng xà và, người khó khăn thì cái chi cũng không vừa ý... lắm ! Định tiêu chẩn cho chuyện nghèo nàn hời hợt do đó hổng dễ gì. Tui xin đưa vài thí dụ theo gu của tui ha :
-Nghèo nàn : Tôi nghèo tôi chẳng cao sang, nên người ta đã phụ (ụ) tôi rồi ....
-Hời hợt : Ước gì nhà mình chung vách hai đứa mình khắng khít (ơ) bên nhau.
-Rườm rà và sáo rỗng : Những ngày anh đi khỏi (ỏi), xin em chớ đi lại vùng tình yêu lắm bẫy (ẩy) nhân gian.
-vv và vv.

Bây giờ tới sến hình thức ha. Sến hình thức thì liên quan tới ca sĩ. Mỗi giọng ca nó hợp với một loại nhạc riêng. Chế Linh Tuấn Vũ là những giọng ca hàng đầu hiện nay trong dòng nhạc ... đại chúng. Tui nghe Chế Linh Tuấn Vũ hát Bông Sứ Nhà Nàng hay Bông Cỏ May thì tui thấy nó đặng lắm và nó cũng có khả năng làm tui ... nghẹn ngào đổ lệ nữa kìa. Thế nhưng bữa nào hai cha nội này trật đường rầy, dở chứng, lôi nhạc bác học ra ca, thì tui e rằng khó mà lọt lỗ tai. Chiều Một Mình Qua Phố bạn biết ha, nó là một bài hát có tiếng của Trịnh Công Sơn. Một bữa nó được Chế Linh nức nở hát lên, má ơi, tui xém té lọt xuống ghế ! Chế Linh hát Bông Cỏ May thì hổng sến nhưng hát Chiều Một Mình Qua Phố bỗng thành sến sệt, hổng tin cứ nghe thử khắc biết. Bài Thu Sầu của Lam Phương bạn cũng biết rồi ha, một bữa tui nghe Thái Thanh hát nó, rồi tui cũng nghe cả Lệ Thu hát nó nữa (đứa nào nói gian bà bắn) tui xém nữa chết sặc và chết hổng kịp ngáp ! Lúc đó tui thấy sến quá, hổng phải bài hát sến nha, mà hai bà nội ca sĩ đó sến, và sến thượng thừa luôn !!
Tại sao lại có chuyện cùng một bài nhạc cùng một ca sĩ mà lúc sến lúc không ? Ấy chỉ vì bài nhạc và giọng hát nó hổng hài hòa cân đối với nhau gì ráo, sến là vậy. Không hay không dở, chỉ sến thôi ! Đây là chuyện hài hòa cân đối giữa bài nhạc và giọng hát, sang tới phương cách trình bày thì, tía má ơi, đã có những chuyện sến xảy ra tới vượt chỉ tiêu luôn !
Bạn biết bài Từ Giọng Hát Em của ông Ngô Thụy Miên ha, nhạc câu cuối ‘Thôi ngàn kiếp mãi chờ nhau’ ông viết ác liệt lắm. Bài này hồi trong nước Châu Hà thâu vào băng nhựa nghe nhức nhối luôn, chừng qua đây nó được một tiếng hát mệnh danh là tiếng hát hàng đầu tại hải ngoại hát (y hình ca sĩ hải ngoại hay có khuynh hướng sắp hàng ngang, thế nên tiếng hát nào cũng là tiếng hát hàng đầu ráo hết). Trời cao đất dày ơi, cũng ở cái câu kết này, thinh không ca sĩ nổi hứng đi fantaisie làm tui nổi da gà, xuất mồ hôi hạn. Dĩ nhiên là nó dở và dở tệ. Făng như thế là făng bậy, do đó nó sến sệt. Tui nghe hát mà thương ông Ngô Thụy Miên thiếu điều tắt bếp ! Rồi còn chuyện mấy cô mấy cậu vừa hát vừa quị xuống sàn, lắm khi còn lăn kềnh ra hay bò lê bò càng cho đủ bộ. Vì rằng đã ăn bận giống Madona, Alicia Keys, Michael Jackson, Timberley Blakes gì gì đó, thì phải ‘ắc’ giống họ, nếu không nhà quê chết mồ ! Cũng bởi không muốn thành nhà quê nên mấy cô mấy cậu ấy đã trở nên rất … heavy duty sến !
Nói sang chuyện ắc tức là cách diễn tả tui xin cho thí dụ luôn : Nhạc thất tình nó buồn hết ý ha. Hát nhạc thất tình mà mặt mũi cứ phởn tức là cứ hớn ha hớn hở thì ngó bộ trật đường rầy, nghĩa là hổng hài hòa. Thế nhưng nếu sầu thảm nặng nề, mũi dãi chảy tùm lum thì e rằng nó quá đáng, hổng cân xứng. Hài hoà cân xứng không có, thế nghĩa là sến đứt đuôi rồi còn phân trần chi nữa !
Cách hát cũng có thể gây chuyện sến. Đã có tiêu chuẩn thì khi ra ngoài tiêu chuẩn ấy, khả năng sến nó có thể xẩy ra. Tân nhạc thì phải hát bằng giọng bắc, càng bắc càng tốt. Cổ nhạc phải hát bằng giọng của miền phát sinh ra nó, quan-họ hát bằng tiếng Bắc, vọng cổ hát bằng tiếng Nam, hò Huế hát bằng tiếng ...Huệ. Hát khác đi thì nó sường sượng sao đó, giống như ăn cơm sống vậy, nghĩa là nó ... sến lắm!

Nói chuyện cổ nhạc thì nói thêm chuyện cải lương. Cải lương hổng có dính líu gì tới sến hết. Cải lương là cổ nhạc nam phần, mà người miền nam thì bộc trực chất phác. Tính chất phác bộc trực nó đi vào ngay cả trong câu hát điệu hò, nếu có văn chương thi phú thì nó mầu mè hào nháng cách riêng của nó. Cải lương không bao giờ sến được cả, nó chỉ thành sến khi bỗng dưng người ta trộn nó với tân nhạc theo cái kiểu tân cổ giao duyên. Cũng cái lời trong bài vọng cổ đó nếu hát bằng ngũ cung có đàn kìm đàn tranh phụ hoạ thì nó mùi tận mạng, nhưng thinh không nếu có ông nhạc sĩ nào đó nổi hứng đưa nốt dzô thì ... kẹt lắm ! Tui vốn mê vọng cổ chết bỏ, nhưng cái thời nghe Kim-Nguyên Út-Trà-Ôn Thành-Được Thanh-Sang hay nghe Út-Bạch-Lan Ngọc-Giàu Phượng-Liên ca vọng cổ sáu câu theo đúng bài bản của ông Sáu Lầu ngó bộ đã xa lơ xa lắc rồi. Vì tui cũng không còn trẻ gì, thế nên chuyện hoài niệm quá khứ lắm khi nó làm mình ... buồn bã hổng vui !

* * *

Nói thế là hết lời rồi về chuyện sến. Hy vọng bài viết này giải đáp thỏa đáng câu hỏi của ông Nguyễn Tuấn. Nếu ông vẫn chưa gẫy nhẽ chi lắm thì sau đây là thí dụ cuối cùng. CD Chiều Bên Sông mới ra của ông có bài Chiều Bên Sông. Vì ông chọn nó làm nhạc đề nên tui đoán là ông ưa nó nhất. Tui nghe Chiều Bên Sông của ông thấy phê quá và mê quá, ác liệt lắm. Tưởng tượng thế này nha : Một bữa đẹp trời nó được Tuấn-Vũ nức nở nghẹn ngào hát lên. Tới đoạn : Một chiều bên sông, buồn tái tê nói câu từ ly, mộng dưới hoa thôi thế còn chi ... thì Tuấn Vũ xuất thần và ... nhập đồng, Tuấn Vũ từ từ quị xuống sàn nhà, hai tay bưng lấy mặt (Ôi, bộ mặt đau đớn vì buồn tê tái chuyện biệt ly !) Sao, ông thấy thế nào ông nhạc sĩ ?
Đùa ông thế cho vui vì thí dụ này khó có thể xảy ra, bị Tuấn-Vũ thì không bao giờ hát nhạc Nguyễn-Tuấn cả, hát như thế nghe nó ... sến lắm ! Nhạc sến hay ca sĩ sến thì còn tùy, tùy cảm quan của khán thính giả đang thưởng thức nó.

2003/05/05

* * *

Thêm : Nhân tiện cũng xin có màn thư tín :
Hi ông Thuynh. Xin kính chào ông. Cám ơn ông đã viết cho tui. Nếu bài viết đã xoá của tui có làm phiền cả tới ông thì tui cũng xin lỗi luôn ha. Ai mà ngờ ... !
Thế ông Thuynh có ở trong Hội Sợ Vợ không đó ? Tưởng hội ni ai cũng sợ vợ ráo hết, dè đâu ... ! Theo lời chỉ dẫn của cô Các, tui vào Phố cũ đọc bài của ông, tới khúc ông uýn h vợ thì thì thiệt thấy bất nhẫn quá ông Thuynh ơi ! Rồi bà nhà còn bị cha mẹ anh em chú bác cô dì chi chi đó nhào vô uýnh hôi nữa chớ, đọc mà ... rớt nước mắt. Chuyện thương tâm chi rứa tê ! Mà chuyện ni là chuyện thiệt hay chuyện ảo vậy ông ?
Cám ơn ông đã chúc vui cho tui. Vầy mà vui chi nổi ông ! Tui đi làm ba ngày liên tiếp. Còn thành phố nơi tui cư trú thì êm ru bà rù hà. Ngài Thị Trưởng ở đây đang tính chuyện ... ly khai, nên hổng có màn ăn mừng lễ gì ráo hết á ! Trước lạ sau quen ha, thỉnh thoảng ông ới tui một tiếng cho tui lên tinh thần. Tui mạnh mồm mạnh miệng vậy mà nhát híu hà ông. Chúc ông thân tâm an lạc. Thân kính. Madame Ngô.

===============================
Tonka
#16 Posted : Friday, November 4, 2005 5:44:28 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Thư gởi cô Hai Lụa

Thưa cô Hai.
Thiệt là hân hạnh cho tui khi được cô viết cho một cái thư. Đọc bài tui viết, cô Hai nói đã phải đánh vần mệt nghỉ, thì ngó bộ viết cho tui dài thoòng cỡ đó, chắc rồi cô Hai cũng mệt nghỉ đánh vần ha. Cái công của cô nó quí là do vậy. Vì cô đã dùng lễ để nói chuyện với tui nên tui cũng xin lấy lễ để thưa lại cùng cô. Nếu có chi sơ sót xin cô Hai bỏ qua dùm, tui xin cám ơn cô trước.

Thưa cô Hai.
Tui biết cô trung hậu thiệt thà, nên cô nói chi thì tui nghe cũng hạp lỗ tai ráo hết, bị nó phát ra tự đáy lòng, mà cái lòng của cô thì vốn dĩ thẳng như ruột ngựa. Tui chịu cô là vậy đó cô Hai à. Cỡ tuổi tui rồi, lúc biết được chuyện ‘nói ngọt lọt tới xương’ thì thiệt lắm khi đã ... tơi bời hoa lá ! Cô nói tui nhìn rõ cái bụng của cô thì tui mừng rơn nghe cô Hai, nhưng vì ngó bộ cô chưa hiểu rõ tấm chơn tình của tui dành cho cô nên bụng tui thiệt cũng có hơi buồn chút đỉnh. Trách cô thì tui hổng dám trách rồi đó, nhưng buồn thì cứ buồn thôi cô Hai à. Tình cảm tui chơn thành lắm cô, hổng có vặn vẹo bề ngoài luồn lách bề trong gì ráo, nhưng mà cô Hai thinh không bỗng suy nghĩ xa xôi rồi cho là tui có ý xỏ xiên chi đó, nghe thiệt là buồn ! Cũng đành vậy thôi, bởi mình có ý gắn bó nhưng cái duyên chị em với nhau hổng có nên rồi nó mới trượt quớt làm vậy. Âu cũng là ... ý trời !

Thưa cô Hai.
Chuyện dạo phố là chuyện còn mới mẻ quá mà cô, tui chân ướt chân ráo đi giữa chốn thị thiềng đông người thì cũng lo lắng chút đỉnh. Phố xá thiệt toàn những người chưa quen (lắm), có quen thì cũng chưa thân (lắm), mỗi người một tánh, mình phải đề phòng là tốt hơn cô Hai à. Ở tuổi tui đâu có đợi mất bò rồi mới lo làm chuồng cô, nên rồi có ham vui thì cũng hổng quên thân phận là dzậy. Như cô Hai thấy đó, tui bước vô Phố với cái tên của ... người dưng khác họ. Rồi thì mình cứ phải la lên hoài chuyện đó, để hổng thôi lại sanh hiểu lầm. Chừng hiểu lầm rồi thì nó phiền hà lắm nghe cô, bị mình có cắt nghĩa phân trần gì thì cũng cầm bằng như nước chảy huê trôi thôi hà !

Nghe nói Phố là ảo, nên cái tình cũng ảo luôn, thiệt tim tui nó bỗng nặng chịch cô Hai ơi. Vì ảo thế nên rồi người ta nói dzậy mà hổng có dzậy đâu, đen có thể là trắng, trai có thể là gái, mập có thể là ốm, trẻ có thể là già ...vv.. Biết vậy rồi thì mình cũng có e có ngại, bởi biết đâu rồi cũng có người nói tui hổng nên nết, già rồi mà còn đeo theo đám con nít đặng có ... ý đồ. Chuyện gia đình tui thì xin thú thiệt cùng cô, ăn ở đã rách bao nhiêu drap giường áo gối, nát bao nhiêu mùng mền, lún đâu đó hàng chục tấm nệm và có gẩy sơ sơ hai ba cái giường nữa đó cô, mãi riết rồi nó thành cái thói quen cô Hai à, nên có nhắc tới ‘người khác họ’cũng là tự nhiên vậy thôi. Oâng Gà mên và ông Củ Tỏi có nói chuyện hễ đứng núi này thì khoái trông núi nọ. Cô Hai tưởng tui nhắc tới ‘người ta’ chắc là để khoe khoang ha. Người ta có là vương là tướng chi để mà mình phải khoe ra cô. Chuyện lấy chồng thì cũng còn tùy cô à. Lấy chồng cho đáng tấm chồng thì ngó bộ khó, chớ còn lấy chồng cho có chồng với chị em chúng bạn thì dễ òm hà cô Hai. Ai lấy (và lấy ai) mà chẳng đặng !

Trời, ở trong chăn mới biết chăn có rận, cho dù chăn không có rận thì nó cũng ... nóng chết mồ luôn cô Hai ơi. Chuyện vợ chồng mà vợ chồng già như bọn tui đây thì cũng lỉnh kỉnh dữ lắm, bình thiếc sắp cúp ráo cả rồi. Cái tình cho dù nó sâu cách nào thì sau bấy nhiêu năm cũng phải cạn đi ít nhiều, giống như thắng xe hơi vậy mà, nhấp mãi cũng hao mòn chút đỉnh chớ. Thế nhưng cái nghĩa thì ngày càng nặng thêm, nên rồi có nhắc cũng là thói quen khó mà sửa được. Ai dè đâu chuyện nhắc đó nó làm phật ý cô Hai, thiệt tui cũng áy náy quá thể !

Cô Hai hứa sẽ trở lại nói chuyện Hải Thượng Hoa Đà chi đó, tui cũng có ý trông. Chuyện tui xúi bảy cô Hai đừng đèo bòng giúp vui cái thằng sĩ mà cô Hoang Vu thải ra đó, y hình ngó bộ cũng vì lời khuyên này mà cô Hai có ý giận tui thì phải (Mẻ có chồng rồi ong óng cái miệng, tui tính chớp thẳng sạch nước cản thì thôi, mà mẻ lại ... nói ra !) Thôi cô cho tui rút lời lại ha cô. Aên phải nhai, nói phải nghĩ. Tui biết mình có bộp chộp ít nhiều. Già tới chết vẫn cứ còn phải học là dzậy. Mong cô thứ lỗi ha.

Trân trọng.
Mme Ngô

Tái bút : Tui nghe nói cô ưa Tam Quốc Chí nên chép gởi cho cô bài ni, mong cô Hai đọc mà vui vẻ trong lòng chút đỉnh.

* * *

Bên đèn luận chuyện.

Chuyện bữa nay là chuyện Tam Quốc. Trong Tam Quốc Chí, Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi là ba nhân vật nổi tiếng. Do cơ duyên run rủi, họ gặp nhau kết nghĩa vườn đào, thề đồng sanh đồng tử rồi dựng lên nghiệp lớn. Đọc Tam Quốc Chí thì phải đọc lời diễn giải tức lời bàn thì mới thêm hấp dẫn. Người bàn chuyện nổi tiếng nhứt phải kể là Mao Tôn Cương.

Theo Mao Tôn Cương thì Lưu Bị tự Lưu Huyền Đức chỉ ... thường thường bậc trung. Được cái Lưu Bị có tâm và có đức nên ăn ở hợp đạo trời. Lúc Triệu Tử Long vượt trùng vây cứu ấu chúa Á đẩu – tức con của Lưu Bị - mang về trao tận tay chủ tướng thì ... Lưu Bị đem con liệng cái đùng vô người họ Triệu, rồi mắng thằng cu ầm ĩ rằng : Ôi, vì mi mà ta xém chút nữa mất một hổ tướng ! Không nghe nói Á Đẩu sau đó bị u đầu sứt trán gì ráo, nên ta phải hiểu ngầm là Triệu Tử Long đã nhanh nhảu đưa tay ra đón Ấu chúa kịp thời trước khi thằng nhỏ té xuống đất cái bạch ! Được lời như cởi tấm lòng, Lưu Bị diễn xuất hay kiểu đó, Triệu tử Long lần tới nếu có phải nhẩy vô dầu sôi lửa bỏng vì chủ tướng chắc cũng cứ làm tất. Lưu Bị lại có tài khóc và khóc ... rất tới. Thế nghĩa là khi cần họ Lưu cũng quyền biến thủ đoạn mánh mung chút đỉnh cho phải phép. Tóm lại Lưu Bị là kẻ khôn ngoan, biết dùng người đúng khả năng, đúng lúc và đúng chỗ.

Quan Vân Trường, tức Quan Công, theo như truyện kể thì mặt đỏ lòm, râu tóc năm chòm rậm rạp. Quan Công là quan văn, cánh tay mặt của Lưu Bị. Việc gì đã trao cho Quan Công làm thì chắc ăn như bắp, đâu sẽ vào đó liền một khi - Bởi vậy mới có màn Quan Công phò nhị tẩu, nghĩa là Lưu Bị mang cả hai bà vợ mình giao cho Quan Công hộ giá - Quan Công là loại người nhân hiếu lễ trí tín mười phân vẹn mười một. Phiền cái ... chàng hiền như ma-sơ và thẳng như ruột ngựa. Đi với bụt với ma gì chàng cũng cứ bình tâm lôi áo cà sa ra mà mặc tất, kẹt là dzậy ! Khổng Minh Gia Cát Lượng biết tính khí Quan Công nên khi giao Kinh Châu cho Quan Công trấn giữ mới dặn dò rằng : Bắc cự Tào, đông hòa Ngô (hổng phải ... tui đâu nghe cô Hai!), thế nghĩa là phải bắt tay huề với Tôn Quyền phía đông thì mới rảnh tay mà cự Tào Tháo phía bắc. Quan Công cá tánh thiếu uyển chuyển, giặc phía bắc phía đông chi thì cũng là giặc ráo hết, biểu bắt tay huề mà lại huề làm bộ thì thiệt ... trái sách vở vẫn thường học tập quá chừng, làm dzậy coi sao đặng ! Khi Tôn Quyền cất quân đánh Kinh Châu và bắt được Quan Công, vì nể trọng cũng có ý muốn thu về dưới trướng, dĩ nhiên Quan Công cứ khăng khăng phe lờ. Sau mãi rồi buộc lòng phải chém đầu ! Quan Công ăn ở hành xử đúng đạo lý thánh hiền nên tới nay vẫn cứ được coi là mẫu người trung hiếu tiết liệt toàn vẹn. Vào các chùa chiền đền thờ Trung Hoa, thấy ông thần mặt đỏ uy phong lẫm liệt ngồi chình ình ngay chánh điện thì chính là chàng hổng ai khác !

Trương Dực Đức tự Trương Phi, là em út của bộ ba huynh đệ. Trương Phi theo sách vở tả thì có hơi thiếu thước tấc (như tui đó cô Hai) và có hơi xổ sữa chút đỉnh. Mắt lồi nên khi trợn tròn chắc là dễ sợ. Được cái có bộ râu quai nón nên oai phong lẫm liệt lắm. Trương Phi là người uy dõng nhưng thiếu mưu lược, tính khí lại nóng như lửa nên rất thường khi làm hư bột hư đường và hỏng đại sự ! – Trương Phi nghe nói sau một hồi đi theo Khổng Minh thì trí khôn có vỡ ra được chút đỉnh - Sau này cũng vì nóng giận mà phạt tùy tòng dưới trướng có nặng tay, nên một bữa hơi men quá chén, bị quân sĩ lẻn vào đâm trí mạng để rửa hận.
Số mạng tốt đưa đẩy Trương Phi gặp Lưu Bị và Quan Công. Giả sử như rằng Trương Phi kết nghĩa với Tào Tháo hay Châu Du chẳng hạn, thì chắc là cuộc đời đã hoàn toàn khác, sẽ bị khích tướng bị lợi dụng tối đa, và chắc rằng sẽ ‘vãn tuồng’ còn sớm hơn thường lệ. Dũng tướng có chết yểu thường là phải da ngựa bọc thây ngoài chiến địa. Chết kiểu Trương Phi là chết lãng. Chết thế là trái lẽ trời !


* * *

Ở thời đại chúng ta, đốt đuốc đi tìm chắc cũng kiếm ra được vài ba ông Lưu Bị. Quan Công thì hổng có rồi đó. Nếu quả thực có một ông Quan Công tân thời, chắc ông đang ngồi rung đùi đâu đó trong dưỡng trí viện để chờ ta rước về đặt lên bàn thờ. Còn Trương Phi thì ... má ơi, cả đống ! Nếu tình thế đẩy đưa bắt một đứa cà chớn như tui buộc phải chọn chủ tướng để phò thì tui sẽ chọn ai ?

Tui hổng chọn Lưu Bị. Giản dị là ông Lưu Bị biết dùng người, tui có chọn ông thì chắc chắn ông cũng nhã nhặn từ chối ‘khi nào có dịp ..’ đặng thư ký ông đỡ mất công sổ sách – Ấy là chưa kể bữa đó trong người ế ẩm buồn thiu, đọc tờ đơn ‘đăng ký’ của tui dám ông còn mắng loạn lên rằng ‘ Ê, xê ra chỗ khác cho người ta xây đại cuộc’ Biết người biết ta, tui không chọn Lưu Bị vì lẽ đó.

Tui cũng không chọn Quan Công. Tìm ông trong dưỡng trí viện mất công thấy bà, mà lại còn vất vả quá mạng nữa. Ấy là chưa kể lạng quạng dám tui cũng theo ông lên bàn thờ cho thân nhân cúng kiến đều chi. Ngồi ở đó nhìn gia đình khấn vái sao đành lòng !

Còn Trương Phi thì tui kính nhi viễn chi hổng dám bén mảng lại gần, sợ bị phỏng lây. Tui phục ông lắm lận. Nếu ông cần người theo sau để lớn tiếng hoan hô đả đảo phụ thì tui làm đặng. Nếu ông kẹt bị police bắt vì tội chi đó, cần người góp tiền tại ngoại hầu tra thì tui cũng làm dặng luôn. Làm gì cho ông tui cũng làm được tất. Tui vốn họ nhà thỏ, lại gan cóc tía, bảo sao không phục ông sát đất cho được.
Nhưng ...
Biểu góp vốn làm ăn chung với ông thì tui chịu, hổng dám đâu, bị phá sản là cái chắc ! Viễn ảnh chết chung với chủ tướng dưới gươm dao chỉ vì một hành động bốc đồng thiếu suy nghĩ của chàng thì ... thiệt tình tui rét quá ! Chết kiểu đó thiệt thân và phí của trời. Thì tui đã thú nhận rồi, có dám quanh co đâu. Tui vốn họ nhà thỏ mà lại .. !
Phượng Các
#17 Posted : Friday, November 4, 2005 9:10:34 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
quote:
Gởi bởi linhvang

Chị PC,
Sao LV chẳng có chức gì trong cái hội Ái Hữu đó hết dzị?
Cũng là fan của Mme Ngô.


Vậy thì chị làm thủ quỹ, anh Song Con của chị làm hội trưởng được không? Chị lo thu niên liễm (hay nguyệt liễm) rồi nhóm fans mình lo phò tá cho Mme Ngô được rảnh rang mà gõ keyboard. Chả hạn như nếu có bệnh nhân nào cần chữa bệnh hay mổ xẻ gì thì mình nhào vô làm thế Mme Ngô cho Mme rảnh tay lên Net đấu với chị Hai Bánh Ít!

Phượng Các
#18 Posted : Friday, November 4, 2005 9:39:12 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
À, quên nói về lý do tại sao phải thu tiền, là mình gom cho đủ tiền là mình xúc tiến in .... sách cho Mme Ngô đó nha! Tongue
Chị biết tại sao mà tui khóai in sách hay không? Vì năm xưa còn bé tí teo,

có người tướng sĩ đoán ngay một bài
Anh hoa phát tiết ra ngòai
Từ đây tới chết cứ là mê .... livres! ShockedShy
Phượng Các
#19 Posted : Sunday, December 18, 2005 12:27:47 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Roseheart
Liêu thái thái
#20 Posted : Sunday, December 18, 2005 2:35:30 PM(UTC)
Liêu thái thái

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,677
Points: 786
Woman
Location: thôn bọ ngựa

Thanks: 8 times
Was thanked: 38 time(s) in 38 post(s)
quote:
Gởi bởi Phượng Các

À, quên nói về lý do tại sao phải thu tiền, là mình gom cho đủ tiền là mình xúc tiến in .... sách cho Mme Ngô đó nha! Tongue
Chị biết tại sao mà tui khóai in sách hay không? Vì năm xưa còn bé tí teo,

có người tướng sĩ đoán ngay một bài
Anh hoa phát tiết ra ngòai
Từ đây tới chết cứ là mê .... livres! ShockedShy

PC phải nói:
Từ đây tới chết cứ là mê li...vres!
chứ! Big Smile
mê li thật, cho chị một chân... dựa cột, dựa hơi... trong cái hội fans nì với!
Cooling
Users browsing this topic
Guest (5)
3 Pages123>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.