Thế giới của “mây đen” Nghệ sĩ Điền Phong trong căn phòng trọ (tủ là của chủ nhà) - Ảnh: Hòa Bình
"Chỉ hát toàn vai phụ, chẳng mấy ai nhớ mặt biết tên, cuộc sống gần như chỉ quanh quẩn trong hậu trường với đồng lương có hát có ăn, không hát khỏi ăn - cuộc đời buồn như sân khấu đêm nghỉ hát!”. Một nghệ sĩ già cám cảnh cả đời làm nghệ sĩ của mình như thế để ví những thân phận như ông là “mây đen” trên bầu trời so với tia chiếu lấp lánh của “ngôi sao”. “Mây đen” cũng còn là sự u ám ở những cảnh đời nghệ sĩ có tuổi có tên nhưng qua thời, lỡ vận.
Cải lương đang hồi khó khăn, nghệ sĩ nghèo khó càng thêm khó. Vậy mà những đêm sân khấu sáng đèn, chúng tôi đã xúc động biết bao khi chứng kiến nhiều nghệ sĩ lớn tuổi, lam lũ thiếu thốn trong cuộc sống hằng ngày nhưng niềm say mê sân khấu thì giàu có vô hạn…
Lòng tự trọng của một ông bầu - kép chính thất cơ lỡ vậnTuồng Song kiếm uyên ương hôm mồng 10 Tết Ất Dậu. Trên căn gác hóa trang ở rạp Hưng Đạo, một nghệ sĩ già ốm hom hem ngồi lẫn trong đám “quân sĩ” đã thu hút chúng tôi bằng vẻ say mê hát xướng lồ lộ qua từng nét vẽ hóa trang cực kỳ chăm chút...
Trên sân khấu ông vào vai vua, điệu bộ uy nghi, vẻ mặt tinh anh, giọng ca trầm ấm, song có điều ông quá nhỏ con với chiều cao 1,60m, nặng 44kg. Ông chính là nghệ sĩ Điền Phong - từng cùng nghệ sĩ Đức Lợi hát kép chính tại Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long những năm 1980. Hồi ấy ông phong độ với số cân trên 60kg.
Thời hoàng kim, tiền bạc dư dả, một người bà con xa làm bầu hát bị lỗ, thương anh em trong đoàn khổ, mê nghề, nể tình thân quen, ông nhận làm bầu gánh Đoàn An Giang - Khánh Hồng. Nghiệp làm bầu của ông còn trải qua hai, ba đoàn hát khác, nhưng đi xuống chứ không đi lên - từ đoàn lớn xuống đoàn nhỏ, đoàn tỉnh xuống đoàn huyện, xã. Hết vốn, ông vay tiền xã hội đen, lãi mẹ đẻ lãi con đến phải bán nhà, vợ chồng chia tay…
Theo lời chỉ dẫn của nhiều người, tôi tìm đến nơi ông trọ trong một con hẻm vòng vèo, tối tăm ở khu chợ Cầu Muối. Căn nhà nhiều tầng lầu nhưng cũ kỹ, cáu bẩn, chuột to bằng bắp chân chạy quanh. Ông ở trên tầng cao nhất, trong một căn phòng chỉ khoảng 6m2, vách bằng ván ép, muốn vào phải đi qua một phòng khác ngăn với phòng ông chỉ bằng một tấm vải. Trong phòng đáng giá nhất là chiếc quạt máy cũ, ánh sáng tù mù với chiếc bóng đèn nhỏ xíu vì sợ hao điện, chủ rầy.
Ông rất ít lời, hỏi nhiều mới nói, mặt cứ dàu dàu, người ốm quắt queo. Sáu tháng dọn về đây không biết có bao nhiêu ngày ông ngồi như cái bóng trong phòng suốt ngày như thế. Bởi, ra vô thì ngại phải đi ngang qua phòng gia đình người ta. Đến gặp bạn bè thì mặc cảm hồi xưa là kép chính, bầu gánh, có tiền giúp đỡ người này người kia, họ đối xử khác; bây giờ nghèo, người ta nghĩ mình đến xin tiền, mượn tiền. Gặp khán giả cũng ngại vì bây giờ mình khổ, mình xấu.
Ngày ông trưởng đoàn Huỳnh Long mất, trong lòng day dứt nhưng ông không dám đi điếu vì: “Tiền xe ôm đi về rẻ nhất cũng 20.000đ, tệ nhất cũng phải bỏ phong bì 20.000đ mới coi được trong khi trong người không có một đồng bạc”! Thú vui của ông dồn hết vào sở thích nghe cải lương, nhưng gia tài chỉ có ba băng cassette tuồng kiếm hiệp cũ xì, chiếc máy hát dành dụm mua được đã đem đi cầm vì 30 Tết Ất Dậu vừa rồi trong nhà không có một hột gạo.
Bạn bè cũng chẳng mấy ai đến thăm ông, có phần do ông mặc cảm không giao du nên hoàn cảnh không được biết đến. Một lần duy nhất khiến ông cảm động nhắc hoài là gần đây một anh công nhân hậu đài Đoàn Huỳnh Long cũ tên Vượng, giờ làm ăn khấm khá, đi tìm ông, dẫn đi nhậu, khi về đưa 500.000 đồng bảo “anh đi may quần áo mặc”. Lẽ sống của ông bây giờ là những lần hiếm hoi được mời đi hát.
Mỗi đêm hát ông được trả 150.000 đồng, hai, ba tháng mới hát một suất, ngoài ra ông sống bằng nghề may đồ hát lúc có lúc không cho cơ sở Bạch Nga. Tiền nhà mỗi tháng là nỗi lo thường niên của ông. Cũng may, chủ nhà cho ông trả làm vài đợt trong tháng hoặc cho thiếu nếu xoay không ra. Cái ăn có thì no, ngon một chút; không có thì cả ngày một gói mì tôm mua chịu dưới nhà cũng xong, hoặc... nhịn luôn nếu không vay mượn được.
Nhìn ông xót xa, tôi bảo: “Chú ăn uống như thế nên ốm quá!”. Ông lắc đầu: “Do buồn, mặc cảm là chính. Tôi đã ba lần tự tử nhưng số chưa thể chết”. Xin ông cho xem hình đi hát ngày xưa thì còn lại chẳng mấy tấm. Ông đã đốt gần hết trong những cơn suy sụp tinh thần.
Đời đi hát từ khi mới 15 tuổi bạc như vôi, ấy vậy mà khi nghe hỏi “nếu được làm lại từ đầu có chọn nghề hát nữa không khi kết cục cũng như vầy?”, con người khốn khó ấy lại đoan chắc mình vẫn theo nghề hát…
Đời nghèo của người nghệ sĩ Căn phòng mướn của nghệ sĩ Thanh Quang nằm trong một con hẻm nhỏ ở quận 4. Chỉ khoảng 12m2 nhưng có đến năm con người ăn ở lẫn bày máy may vá nơi đây, lại không có nhà vệ sinh, phải đi vệ sinh công cộng. Hơn 60 tuổi, người hom hem, ông lo lắng làm con tính cơm gạo. Tiền nhà luôn điện nước 700.000đ/tháng. Tiền ăn, tiền học cho cháu nội, tiền ốm đau... cũng cả triệu.
Xóm lao động ít khách, vợ chồng ông và vợ chồng con trai phải nhận may lại từ những tiệm lớn, tiền công chẳng bao nhiêu, hàng lúc đắt lúc ế. Có người đến thu tiền, ông bảo là tiền hụi; song bà vợ lại nói là tiền góp mượn 100.000đ trả 120.000 đồng, khi ế khách vợ chồng ông năn nỉ mượn tiền kiểu này để chi tiêu.
Tết năm rồi được Hội Sân khấu giúp đỡ 100.000đ và 10kg gạo ông rất mừng, nhắc hoài nhưng rồi buồn thiu: “Năm nay tui bị gạch tên khỏi danh sách được nhận quà rồi!”. Song ông lại chắc lưỡi: “Tui có nghề còn đỡ. Cùng lứa với tui có Ngọc Cung, nghỉ hát rồi ngày phải đi bán vé số, tối ngủ lang thang. Lâu quá không thấy y qua đây, hỏi thăm mới biết đau, không tiền thuốc, không người lo. Chết rồi, chết ngoài đường…”.
Cả đời đi hát ông chuyên đóng kép độc, kép lão qua các đoàn Minh Kỳ, Ngọc Đáng, Minh Tơ…, cũng thuộc hàng nghệ sĩ có tên, cũng được huy chương bạc liên hoan sân khấu nhưng đồng lương chẳng bao giờ dư dả. Dành dụm mua được miếng đất sình lầy ở quận 4 cất cái nhà nhỏ. Đoàn hát không còn, một cơn đau bệnh mười mấy năm trước phải đi vay nặng lãi cũng đủ khiến ông phải bán nhà. Bây giờ còn có thể may vá nhưng sức đã yếu, mắt bắt đầu mờ, cái lo ngày tháng của ông canh cánh.
Cắm cúi mưu sinh, ông hầu như chẳng biết thế giới bên ngoài. Chụp cho ông một tấm hình bằng máy kỹ thuật số, xem hình mình tại chỗ, ông mãi trầm trồ cái máy hay ghê, lạ ghê, bảo chắc kiếp sau mới mua nổi khi biết nó có giá vài triệu đồng. Hạnh phúc lớn nhất của ông là những lần được mời hát, được bạn bè ghé thăm. Nhưng một năm chỉ hát được 2-3 suất.
Chúng tôi giật mình khi biết người phụ nữ trông lam lũ, hằng đêm lo phục trang cho diễn viên tại rạp Hưng Đạo cũng là nghệ sĩ. Sinh năm 1937, theo nghề hát từ hồi bé tí với nghệ danh Hồng Sáp, bà đóng đủ thứ vai từ tì nữ, quân hầu, vũ nữ cho tới đào độc, đào lẳng. Cả đời bà lang thang theo đoàn hát, lập gia đình, có con cái cũng không có được cái nhà. Về già, nghỉ hát, nhiều năm trước bà đói khát, lang thang ngủ đình ngủ chợ.
Các con bà người đi giữ xe, người làm nhạc công, người cũng đóng vai tì nữ như bà nên chẳng thể bảo bọc mẹ. Giờ về ở nhà mướn với con bên quận 7, được cơ sở Bạch Nga nhận vào làm mặc đồ hội với tiền công vài chục nghìn một đêm hát, bà bảo mình rất vui vì hằng tuần còn được đến với sân khấu, được sống trong thế giới nghệ sĩ. Nhưng xem ra niềm vui của bà cũng thật chông chênh, bởi tuổi đời ngày càng chồng chất và số đêm sân khấu sáng đèn cũng thấy mong manh.
Nghệ sĩ cải lương tuồng cổ - hát bội Ba Lâm từng là kép chính Đoàn Minh Tơ hẳn hoi. Nhưng ông bảo: “Nghệ sĩ mà, có mấy ai giàu được bằng nghề hát. Hát bữa hôm nay lãnh lương ăn cho ngày mai”. Sinh 1929, 50 năm theo nghề, đến tuổi này, sau khi mất sức khỏe làm thợ mộc, thợ nề, ông vẫn cặm cụi kiếm sống bằng nghề may hia phục trang, làm phướn, đồ chưng cho sân khấu ở một nơi heo hút tại Nhà Bè.
Song niềm tự hào nghệ sĩ của ông thì chẳng ai sánh bằng. Tới tuổi này ông vẫn hát chính cho những đoàn hát bội mùa cúng đình. Lĩnh lương 50.000, 70.000đ đến 150.000đ/suất hát mướt mồ hôi nhưng: “Mình ăn đồng tiền chính đáng, vui vẻ; không ăn đồng tiền trên mồ hôi anh em. Mình hát không là ngôi sao nhưng cái danh dự, cái tiếng mình cao, hát hay, nhiệt tình, được bà con biểu dương”...
HÒA BÌNH.
Nguồn : báo Tuổi Trẻ.
Ông Tần Nguyên - phó Ban Ái hữu nghệ sĩ - cho biết: Ở Sài gòn có khoảng 500 nghệ sĩ, công nhân sân khấu nghèo cần được giúp đỡ.
Có những hoàn cảnh rất đau lòng: không nhà cửa, không con cháu hoặc con cháu quá khổ không lo được phải đi bán vé số, đi ăn xin, làm thuê làm mướn… trôi giạt khắp nơi.
Hiện Ban Ái hữu nghệ sĩ chỉ có thể nhận nuôi 20 nghệ sĩ già neo đơn và giúp đỡ mỗi tháng chút ít tiền cho 50 nghệ sĩ khác...!