Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

3 Pages123>
Hồi ký của Tư Lé : SÀI GÒN, Tuổi Trẻ, Vào Đời, Nhập Trại và Chạy Trốn
Văn Quân
#1 Posted : Tuesday, March 8, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Văn Quân

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 57
Points: 15

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Chào đời và tuổi trẻ

Tôi sinh ra đời không có gì đặc biệt, không có điềm thần linh báo trước, không có mặt trời chui vào bụng mẹ, không có rồng vàng đế vương phủ phục quanh phòng khi tôi lọt lòng. Tôi chỉ là một bào thai tầm thường, khá hơn một chút so với những đứa trẻ con do những bà mẹ ăn mày ăn xin đẻ ra nơi đầu đường xó chợ. Khá hơn vì tôi là con của một thầy thông phán làm việc cho chính quyền Pháp tại Kho Bạc Rạch Giá, khá hơn vì mẹ tôi là vợ của một công chức tại một tỉnh nhỏ được nhiều người gọi là cô phán, bà phán mặc dù lúc đó bà đã có có 5 con nhưng vẫn còn trẻ khi tôi chào đời tại ngôi nhà nơi làng Vĩnh Thanh Vân-Rạch Giá vào năm 19. . ..

Như vậy, tôi sinh ra nhằm năm Mậu ... và là một con . . . 4 chân, trọn vẹn từ đầu tới đuôi không lai căn đầu con nầy. . . mình con kia. . . hoặc đầu con kia . . . đuôi con nọ . . . Trong số bạn bè đến thăm, có người đã xem tướng số cho tôi và nói với ba mẹ tôi như sau: tuổi nầy đào hoa nhưng sẽ bị cô đơn suốt đời vì theo tử vi thì Canh Cô, Mộ Quả: Mộ ở đây tức là Mậu. Và tôi hiểu lơ mơ rằng: Cô là cô độc, đơn côi, Quả là một mình, đơn thân không có bè bạn đồng hành. Mạng của tôi là mạng Thổ nhưng lại là Thành Đầu Thổ, chỉ được dùng xây đắp bờ thành để bao bọc an toàn cho những người khác sống nhởn nhơ an lành phía bên trong thành. Vì là đất xây thành cho nên sẽ không được ai để mắt ngàng tưới nước bón phân, số của tôi sẽ nghèo mạc kiếp.

Bạn bè của cha mẹ tôi là nhưng thầy thông, ông phán, những công chức cấp dưới nơi tòa Hành Chánh của tỉnh lỵ Rạch Giá và trong số đó, sau nầy khi tôi lớn lên mới biết được, có cô Năm trưởng tòa, vợ nhỏ của một ông lục sự tòa án tên là Cao Thiện V. . . và một người nữa làm nhân chứng trên giấy khai sinh của tôi tên là Ngọc. Hình như ông Cao Thiện V. . có một cô con gái riêng tên là Cao Thị Ng . . .mà các chị của tôi thường gọi là chị Ng . . . và mãi về sau, khi tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt bị xử tử bằng máy chém ở Sài Gòn thì tôi đọc báo thấy rằng vợ của tướng Ba Cụt cũng có cái tên là Cao thị Ng . . .và phân vân không biết bà nầy có phải con gái của cậu Năm Cao Thiện V. . .quen thân với ba mẹ ở Rạch Giá ngày xưa hay không?

Tông tích của cô Năm thì chưa bao giờ tôi được nghe cha mẹ kể cho biết nhưng khi tôi lớn lên ở Sài Gòn, cô Năm vẫn thường hay tới lui ăn ở tại nhà cha mẹ và dưới con mắt trai trẻ yêu đời của tôi lúc đó, cô Năm là một người đàn bà đẹp sắc nước hương trời, là dân chơi tứ chiến, vẫn còn đẹp mặc dù tuổi của cô đã về chiều bóng xế. Trong tình bạn bè giao du, tôi nhận biết được cô Năm có một cảm tình thầm kính đặc biệt nào đó với cha tôi . Chắc mẹ tôi cũng thấy được điều đó nhưng lúc nào bà cũng đối xử với cô Năm như tình ruột thịt chị em trong nhà. Riêng chị em, anh em chúng tôi thì rất thương mến cô Năm vì cô Năm thương chúng tôi như con ruột và cũng bởi vì cứ mỗi khi tới nhà thì cô Năm thường có vịt quay, heo quay mang theo, khi ra về thì cô Năm thường phân phát tiền kẹo bánh cho "mấy đứa nhỏ".

Tôi biết hai câu chuyện nhỏ về thuở ấu thơ của tôi khi cha mẹ còn ở Rạch Giá: chị Hai Đào của tôi kể rằng hồi nhỏ, lúc mới biết đi lững chững, tôi thường được mẹ cho mặc một chiếc áo khỉ bằng vãi cô-ton màu trắng vì sợ lậm gió vào phổi, còn phần dưới thì cứ để tồng ngồng cho thoáng gió không bị ẩm hơi và đỡ phải thay tả. Tội nghiệp cho chị Hai, chị có bổn phận trông giữ đứa em út tuổi con cọp và mẹ kể rằng, vì sợ em té u đầu mà phải ăn đòn cho nên lúc nào chị Hai cũng bồng nách, sóc bế đứa em đến mức da cạnh sườn của chị Hai trở thành chai cứng và tróc ra từng về rất rát buốt! Bây giờ thì chị Hai đã ở xa, ở tận trời Âu, không thèm ngó tới mặt, không thèm hỏi tới tên thằng em Út vì nó đã lỡ lời lớn tiếng với chị ngày chị đến từ giả nó để đoàn tụ với con trai của chị ở bên Bỉ Quốc.

Sanh tôi được một năm thì gia đình từ Rạch Giá dọn về Mỹ Tho, đi theo về nơi làm việc mới của ba. Chị ba Thơ có kể lại một câu chuyện về việc tôi "tập trận kháng chiến" như sau: lúc đó tôi vừa được 2 tuổi, đã biết chạy giởn tung tăng phá phách khắp trong nhà ngoài ngõ và vẫn mặc áo khỉ, phần nửa dưới vẫn tồng ngồng. Vào thời điểm nầy, ở Việt Nam có nhiều đảng phái xuất hiện, trong số đó đảng Cộng Sản Đông Dương là đảng hoạt động lấn luớt hơn các đảng phái khác. Sau ngày chính quyền Pháp ban hành sắc lệnh ngày 26-9-1939 giải tán và cấm mọi hoạt động của các tổ chức cộng sản; đảng cộng sản đông dương bí mật hội họp tại Hốc Môn –Bà Điểm (tỉnh Gia Định) quyết định thành lập mặt trận dân tộc thống nhứt phản đế (đế quốc) Đông Dương và kêu gọi dân chúng chống Pháp, chống Nhật. Ở các tỉnh nhỏ, xuất hiện những đoàn tráng niên, những đội thanh niên nam nữ "kháng chiến" vát tầm vong vạt nhọn tập luyện diễn hành ọt đơ, ọt đơ (un, deux : một hai, một hai) trên các con đường vắng người đi lại hoặc nơi những khoảng đất trống kín đáo. Những khi có đoàn thanh niên tập diễn hành trên con đường vắng trước nhà, thằng nhỏ tồng tồng cũng vát bẹ lá chuối diễn hành theo các bậc anh chị "kháng chiến" và có lần vì quá hăng sai với cuộc diễn hành cho nên cứ tiến tới hoài và bị lọt rớt xuống một hầm trú ẩn ở lề đừng, leo lên không được, sợ quá la khóc vang trời khiến cho các anh chị kháng chiến phải chạy đến tiếp cứu bồng về giao lại cho chị Ba Thơ.

Mẹ cũng kể cho biết rằng tôi có 2 người bác – trong Nam, bác nghĩa là người anh trai của cha mình - ở bên Hà Tiên, bác Ba và và bác Tư. Mặt mũi của bác Ba thế nào cho đến bây giờ tôi cũng chưa biết nhưng tôi được cha tôi kể lại rằng, hồi cha tôi còn trẻ, ông nội bà nội đã mãn phần, bác Ba thay thế nuôi nấng ba nhưng không giữ ba ở Sóc Trăng mà gởi ba lên Sài Gòn để đi học rồi thi vào trường sư phạm. Ba cũng kể lại cho biết rằng, bác Ba cũng tập luyện võ nghệ và học gồng nữa: gồng là một loại công phu của người Miên miền dưới dùng để biến cho da thịt của người ta trở nên thành đồng vách sắt dao chém không đứt, gươm đâm không thủng. Kẻ luyện tập gồng phải đi chuộc củ ngãi ngậm vào miệng trong khi tập luyện và nhất là tuyệt đối không được ăn thịt chó. Có lần cha tôi muốn thử tài nghệ của bác Ba, lựa lúc bác Ba đang ăn bún gà cà ri, cha tôi hô lớn: " Anh Ba, chém nè! Ráng mà gồng ! . . .", và cha tôi chém thật! Bác Ba phải ngậm nguyên họng bún cà ri trong miệng, phùng mang trợn mắt lấy hơi gồng cứng thân mình rồi đưa lưng ra cho cha tôi chém xuống. Kết quả cuộc thử thách: lưng của bác Ba bị hằn nhiều vết đỏ nhưng không bị đứt chảy máu và cha tôi được bác Ba bồi đáp bằng một cán gậy ba ton đập lên đầu, máu phun ướt mặt để rồi sau đó cha tôi trở thành ngơ ngơ ngẩn ngẩn suốt nhiều năm liền cho tới khi ba thi đậu vào trường sư phạm Sài Gòn. Chuyện bác Ba dùng gậy đập đầu cha tôi khiến cho tôi cảm thấy ghét hận người bác nầy cho đến khi tôi trưởng thành.

Tôi chỉ được nhìn thấy hình của bác Tư qua một tấm ảnh chụp bác đội mảo áo lính san đầm (gens d'armes), một hình thức cảnh sát của trào Pháp thuộc. Trong hình, trong bác hao hao giống như người Pháp với bộ ria mép cắt tỉa thật gọn và kiểu cách. Bác Tư gái (bác dâu) không biết nghe theo lời của một ông đạo nào đó ở Hà Tiên đã nhập đạo tu tiên khỏa thân trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi biển Hà Tiên có tên là hòn Củ Tron: người theo đạo sau khi được tắm trần truồng bằng nước múc lên từ giếng tiên ở hòn Củ Tron thì sẽ đắc đạo thành tiên. Những người đắc đạo có thể trở vào đất liền để lo làm ăn sinh sống và thu nhận đệ tử, nhưng khi trở về cảnh tiên Củ Tron thì không được vướng lụy với áo quần của trần tục. Cứ vài tháng, bác Tư gái phải ra hòn Củ Tron tham thiền nhập định và tắm gội nước giếng tiên để được trường sanh bất lão. Có lần bác Tư trai đã mướn ghe vượt sóng gió, mang theo súng săn hai nòng ra đến tận hòn Củ Tron để bắt bác gái quay trở vào đất liền, nhưng sau đó thì hình như hai người xa nhau và bác gái vẫn tiếp tục con đường tu tiên của mình.

(còn tiếp)

Liêu thái thái
#2 Posted : Thursday, March 24, 2005 9:32:54 PM(UTC)
Liêu thái thái

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,677
Points: 786
Woman
Location: thôn bọ ngựa

Thanks: 8 times
Was thanked: 38 time(s) in 38 post(s)
quote:
Gởi bởi Văn Quân

(còn tiếp)




Anh VQ ơi !
anh đi đâu lâu wá tui chờ dài cổ rồi nghe ! Blush
chờ thêm nữa rủi cổ tui nó đứt cái pựt thì anh thọ nghiệp đó nha ! Tongue

Bảo trọng,
floating
Văn Quân
#3 Posted : Saturday, March 26, 2005 12:13:58 AM(UTC)
Văn Quân

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 57
Points: 15

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
quote:
Gởi bởi Liêu thái thái

quote:
Gởi bởi Văn Quân

(còn tiếp)




Anh VQ ơi !
anh đi đâu lâu wá tui chờ dài cổ rồi nghe ! Blush
chờ thêm nữa rủi cổ tui nó đứt cái pựt thì anh thọ nghiệp đó nha ! Tongue

Bảo trọng,
floating



Hì hì !Big Smile

Chị LTT à,

VQ đang theo dỏi vụ chị PC đang tả xung hữu đột bên kia kìa cho nên quên chưa chịu viết tiếp.Shy

chúc chị luôn an bình,

floating
Tonka
#4 Posted : Saturday, March 26, 2005 1:45:05 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,649
Points: 1,542

Thanks: 95 times
Was thanked: 204 time(s) in 192 post(s)
quote:
Gởi bởi Văn Quân

VQ đang theo dỏi vụ chị PC đang tả xung hữu đột bên kia kìa cho nên quên chưa chịu viết tiếp.Shy


Dạ thưa anh đã vãn tuồng lâu rồi mà Tongue
Phượng Các
#5 Posted : Saturday, March 26, 2005 2:47:43 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
quote:
Gởi bởi Văn Quân
Chị LTT à,

VQ đang theo dỏi vụ chị PC đang tả xung hữu đột bên kia kìa cho nên quên chưa chịu viết tiếp.Shy



Eight BallQuestionShy

Văn Quân
#6 Posted : Monday, March 28, 2005 9:37:46 AM(UTC)
Văn Quân

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 57
Points: 15

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
29/03/2995 (tiếp theo kỳ trước)

Hồi ký của Tư Lé

Không được bao lâu, khi người Nhật sắp can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương, ba mẹ về Sài Gòn và được chính quyền cấp cho một căn phố bỏ hoang số 12 ở đường Frères Louis (sau đổi tên là đường Võ Tánh), đối diện trại lính Ô Ma (camp des Mares, về sau trở thành trụ sở của Tổng Nha Cảnh Sát Công An trước năm 1975). Lúc nầy bác Tư cũng đi theo về ở chung với gia đình ba mẹ tại căn phố nói trên. Lúc đó tình trạng thiếu thốn lan tràn khắp vùng Sài Gòn - Chợ Lớn ngay cả củi đốt, diêm quẹt dùng để nấu ăn cũng không có, trên trời thì máy bay thả bom hầu như mỗi ngày khiến cho nhà cửa dinh thự sụp đỗ khắp nơi. Không hiểu bằng cách nào, bác Tư đi tha lôi về được một khúc cột nhà bằng cây dầu lớn tròn, dài hơn 3 mét và cứ để nguyên cây cột dài như thế để chụm lửa nấu cơm và ngọn lửa tiếp tục được giữ cháy tại chỗ từ ngày nầy qua ngày khác hơn cả tuần lễ để rồi sau đó bác Tư lại đi tha về một gốc cột khác.

Khi cường độ thả bom của máy bay gia tăng và có lệnh tản cư, gia đình tôi liền thu góp quần áo và "tài sản" chạy tránh giặc ở Tân Qui thuộc vùng Lái Thiêu. Hồi đó tôi chưa phân biệt được chạy giặc là cái gì và không biết ai là giặc

Cả hai người bác chết lúc nào, chôn cất ở đâu, tôi không biết.

Ông nội tôi có một cái tên rất là Sóc Trăng: Nguyễn Văn Hương dit Gồng (dit = tự là). Sóc Trăng là vùng của người Việt gốc Miên (Khmer). Cho tới bây giờ tôi vẫn còn một thắc mắc: ông nội không biết có phải là người Miên hay không, sao lại họ Nguyễn mà còn chen thêm hai chữ dit Gồng? Nước da của cha tôi, của chị Hai Đào, chị Ba Thơ, chị Tư Thi, của anh Năm Tâm và của tôi đều ngâm ngâm màu ô liu, giống như màu da của những người Miên ở xứ Chùa Tháp! Nếu người Miên thì đã sao? "Tam đại đồng đường"của ông Gồng đã nhận Việt Nam là đất tổ của mình thì họ sẽ sống chết trên mãnh đất quê hương đó. Xương cốt của ông nội đã được mẹ tôi trân trọng rước đón từ Sóc Trăng đựng vào hủ, đưa về Thủ Thiêm đặt tại một miếu thờ ở ấp Cây Bàng, chỉ cách Sài Gòn có một con sông. Chưa bao giờ tôi đến miếu thờ nầy để viếng thăm đốt hương thắp nhan cho ông nội, và không biết tôi còn có dịp nào để đến với ông nội nữa hay không, xa quá là xa rồi ông nội ơi! Tôi sẽ bị đời cho là kẻ mất gốc, quên tổ tiên ông bà, quên cội nguồn và tôi chỉ còn biết gụt đầu nhận chịu tiếng đời thị phi.

Ba gặp mẹ làm sao, cả nhà không ai biết. Từ Sóc Trăng, ba lang thang đi đâu, lên Sài Gòn để rồi qua gặp mẹ ở Thủ Thiêm? Ba mẹ không bao giờ hở môi về chuyện tình của hai người. Có thể ba gặp mẹ vào thời điểm ba lên Sài Gòn để vào trường Sư Phạm. Nhưng sao lại không lo học hành, lại đi lạc qua Thủ Thiêm làm chi? Thật là duyên tiền định!

Sau nầy tôi mới biết ba tôi là người rất đa tình và cảm thấy thích thú nghĩ rằng có lẽ sự nghiệp thầy giáo gỏ đầu trẻ của ba nửa đường gảy gánh là vì ba đã bị mẹ mê hoặc mất rồi! Năm đứa con của ba sau nầy hơn phân nữa số cũng đa tình như ba, gái cũng như trai, nhất là đứa con trai Út. Có một thời mẹ cũng phải điêu đứng rình rập, theo dõi ba để bắt ghen, đánh ghen với sự trợ chiến của cô Năm trưởng tòa và chị Sáu Xành. Vì ba đa tình cho nên ba thường phải nói dối vòng quanh để chạy tội với mẹ. Có lần, sau giờ tan sở, ba đi hoang suốt đêm trong ở đường la Côte (nay là đường Phạm Hồng Thái) đến sáng chúa nhật ba mới mò về nhà bên Thủ Thiêm. Bị mẹ hạch sách, ba chống chế nói rằng ba bị bắt cóc! Hỏi ai bắt? Ba nói chiếc xe hơi lớn sơn màu đỏ! Mẹ kêu trời bảo rằng ba bị xe chữa lửa bắc cóc đem đi xịt vòi rồng cho tan tành thể xác và làm xẹp hết cái túi da đựng tiền của ba!

Ngày ba qua đời, tôi đang bị giam nhốt trần truồng, toàn thân lở lói trong một căn ngục tối ở vùng Mỹ Tho. Khi tôi được tha về, mẹ kể rằng ba chết không nhấm mắt vì trong gia đình còn thiếu thằng con út về vuốt mắt và để tang cho ba! Việc đầu tiên tôi làm sau khi được tha về tới Sài Gòn là ù ra bến đò dưới ở bến cảng Sài Gòn về Thủ Thiêm, hối hả vào nghĩa địa "đất thánh" rồi quỳ gụt xuống trước ngôi mộ của ba khóc rống vang dội như tiếng chó tru sủa nơi một vùng hoang địa vắng bóng người. Không phải chỉ khi ba sắp chết ba mới nhớ tới thằng con út. Mẹ kể rằng ba thường nhìn mẹ hỏi: "Thằng Út đâu có làm gì ác đâu! Sao mấy ổng cứ nhốt nó hoài vậy ? Chừng nào nó mới về?" Những lúc như thế, mẹ biết ba đang nhớ thằng con "cưng" và cứ mỗi lần bị ba cật vấn mẹ lại phải đặt điều "Nó đi làm xa!. Xa lắm . . .Chưa về được!"

Ba tuổi Sửu, mẹ tuổi Rồng, hạp hay không hạp? Chỉ biết ông bà rất hay cãi cọ với nhau nhưng vẫn sống, vẫn đùm bọc, chia ngọt xẻ buồi trong những bước thăng trầm của cuộc sống.

Mẹ không đẹp lắm, hơi thấp một chút nhưng trong bộ áo ki mô nô mẹ mặc ngồi xếp bằng trên nền thảm để chụp hình, với lọn tóc cuốn cao, trong mẹ y hệch như một người đàn bà Nhật Bản. Người ta có câu: Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật. Mẹ không phải là người Nhật, mẹ là Mẹ Việt Nam nhưng mẹ khéo nuôi con, chiều chồng, xây dựng gia tộc còn hay hơn là người vợ, người mẹ Nhật Bản như người đời thường ca tụng. Mẹ bỏ Thủ Thiêm, theo chồng về Rạch Giá, sanh 5 đứa con rồi lại theo chồng quay về Sài Gòn, mướn nhà ở Thủ Thiêm để ba đi đò mỗi ngày sang bờ sông bên kia làm việc ở Kho Bạc tọa lạc trên đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ).
Ba tôi thi rớt cuối khóa trường sư phạm? Tại sao thi rớt? Phải chăng vì bận biệu nhiều quá với mẹ tôi? Mẹ gặp Ba ở đâu? Những câu hỏi nầy nằm ở trong tâm trí của tôi cho mãi đến sau nầy mới được chị Ba Thơ giải đáp như sau:

(còn tiếp)Black Eye
Phượng Các
#7 Posted : Monday, March 28, 2005 12:57:41 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Wow, nghe anh Văn Quân kể chuyện đưa đò ở Thủ Thiêm, thinh không mà PC nhớ hai câu ca dao nổi tiếng ở vùng này:

Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm


Thì ra anh Văn Quân cũng sống ở Saigon nhiều năm, được nghe anh kể những chuyện của vùng đất mình từng gắn bó thì thật là thú vị. Nhất là những chuyện từ đời ông cố lủy nào! Tongue
Liêu thái thái
#8 Posted : Monday, March 28, 2005 2:14:51 PM(UTC)
Liêu thái thái

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,677
Points: 786
Woman
Location: thôn bọ ngựa

Thanks: 8 times
Was thanked: 38 time(s) in 38 post(s)
quote:
Gởi bởi Phượng Các

Wow, nghe anh Văn Quân kể chuyện đưa đò ở Thủ Thiêm, thinh không mà PC nhớ hai câu ca dao nổi tiếng ở vùng này:

Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm


Thì ra anh Văn Quân cũng sống ở Saigon nhiều năm, được nghe anh kể những chuyện của vùng đất mình từng gắn bó thì thật là thú vị. Nhất là những chuyện từ đời ông cố lủy nào! Tongue



ya ya PC ! chuyện từ đời... trước của mình ! Blush
Ltt có 2 cô bạn thân thuở học lớp đệ tứ trường Bồ Đề (NVK cũ) nhà ở ngay trong cái hẻm, số mấy wên mất tiêu, trước mặt TNCS đường Võ Tánh đó anh VQ ! Thời ông Diệm có mật vụ, sau đó có công an hay không há? hình như sau 75 dân chúng mới sợ CA????

Merci anh VQ kể chuyện hấp dẫn wá !
Phượng Các
#9 Posted : Wednesday, March 30, 2005 6:20:47 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Em thấy thời nào dân chúng cũng sợ công an cảnh sát hết! Qua tới Mỹ thì em mới thấy thích hình ảnh mấy ông bạn dân này (trừ phi lái xe thì hơi ớn ớn). Lúc này bên Pháp gendarme còn mặc đồ đen đội nón nồi không chị?
linhvang
#10 Posted : Wednesday, March 30, 2005 6:43:08 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
quote:
Gởi bởi Phượng Các

Qua tới Mỹ thì em mới thấy thích hình ảnh mấy ông bạn dân này (trừ phi lái xe thì hơi ớn ớn).


Đúng là oai phong mà! Với lại không thấy ăn hối lộ (công khai). Mấy ông chữa lửa cũng...đẹp trai!Big Smile
Phượng Các
#11 Posted : Wednesday, March 30, 2005 1:07:04 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Chữa lửa thì khi làm việc họ khẩn trương nên họ không có ra dáng bộ. Còn mấy anh bạn dân thì biết là thiên hạ đang dòm nên dáng vẻ họ phải oai nghiêm lên, cho nên thấy cũng oai phong......À, Hổng biết làm nghề gì thì bộ vó mình phải khúm núm hà? Làm chủ..... forum chăng?Shy Tại cái mặt phải năn nỉ thiên hạ đăng bài không thôi cái forum chán ngắt, vắng teo đó mà! hic hic [}:)]

Văn Quân
#12 Posted : Friday, April 15, 2005 10:11:43 AM(UTC)
Văn Quân

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 57
Points: 15

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
16/04/2005

HỒI KÝ CỦA TƯ LÉ (tiếp theo kỳ trước )

<<Lúc đó, Ba đã đi dạy học ở trường tư thục Huỳnh Khương Ninh ở Sài Gòn và Mẹ thì đi may cho một tiệm may người Pháp cũng ở Sài Gòn. Cuối tuần, thường là buổi chiều thứ bảy, khi đi may về, Mẹ thường ra các sạp bán bông ở đường Charner ( sau nầy đổi gọi là Nguyễn Huệ; ngày trước đại lộ nầy có một dãy quán hàng bán bông ở giữa chạy suốt từ bờ sông Sài Gòn tới toà Đô Chính) để lựa mua bông huệ về chưng bàn thờ bên nhà bà ngoại ở Thủ Thiêm và nhờ vậy Ba mới gặp Mẹ rồi đi theo tò tò và sau đó, một người bạn trai của Ba, gia đình ở Thủ Thiêm có quen biết với gia đình của Mẹ, mới dắt Ba qua Thủ Thiêm giới thiệu để Ba lân la làm quen và nhờ vậy Ba Mẹ mới trở thành chồng vợ.>>

Còn chuyện Ba đã tốt nghiệp trường Sư Phạm hay chưa người viết không biết nhưng thiễn nghĩ, Ba làm thầy giáo trường tư thục Huỳnh Khương Ninh có lẽ nhờ Ba là cựu sinh viên trường Sư Phạm cho nên người ta mướn dạy học chứ không phải vì Ba có bằng cấp sư phạm. Nếu Ba tốt nghiệp trường Sư Phạm với bằng đíp-lom (diploma) thì Ba đã được bổ dụng làm thầy giáo các trường công lập do chính quyền người Pháp thành lập.

Mẹ kể rằng, thời Ba Mẹ, nghề nào cũng bắp bênh, chỉ có đi làm công chức (tức là làm việc cho chính quyền) mới bền vững không sợ thất nghiệp, vì vậy khi có kỳ tuyển dụng công chức vào hai cơ quan chính quyền ở Sài Gòn lúc đó là Kho Bạc và Quan Thuế, Ba đã làm đơn xin dự thi tuyển gửi đến 2 cơ quan đó, và Ba thi đậu cả hai bên nhưng Ba chọn Kho Bạc để khởi đầu nghiệp kiếp công chức sáng xách dù đi chiều chống dù về của Ba.
*
Cuộc đời của chị Hai Đào là một cuộc đời trầm lặng vì chị giõi chịu đựng và an phận. Chị chưa bao giờ hé môi kể lễ cho tôi biết về cuộc đời của chị. Tôi chỉ biết được một điều quan trọng, thật quan trọng: chị Hai Đào rất thương thằng em Út tuổi con cọp của chị!

Năm 1944 chị Hai Đào theo học nghề hộ sinh ở bệnh viện bảo sanh Từ Dũ tọa lạc nơi gốc đường d'Arras (Cống Quỳnh) và đường Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự) ở Sài Gòn. Chị phải ở nội trú cho nên không có mặt thường xuyên trong nhà Ba Mẹ ở xóm trên Thủ Thiêm. Vào lúc phong trào kháng chiến chống Tây ở Thủ Thiêm bắt đầu hoạt động mạnh, đội lính lê dương (Légionaires) của Pháp đã ra lệnh thiết quân lực để giới hạn việc qua lại trên sông, từ Thủ Thiêm qua Sài Gòn, khiến cho gia đình tôi phải lo âu vì chị Hai Đào bị kẹt một mình ở Từ Dũ. Có lần, đích thân chị Ba Thơ thay mặt ba mẹ mạo hiểm đi bộ xuống tới đồn Cá Trê để đi đò chèo "lậu" (đưa đón hành khách qua sông một cách lén lút) qua miệt Tân Thuận rồi từ đó đi bộ ngược về hướng bảo sanh viện Từ Dũ để tiếp xúc thăm hỏi về tình cảnh sinh sống của chị Hai Đào. Hỏi chị Ba Thơ đồn Cá Trê nó như thế nào thì chị trả lời rằng nơi bến đò "lậu" ở đó người ta gọi là bến đò đồn Cá Trê, còn chị Ba lúc bấy giờ phải đi đứng một cách lén lút sợ Tây nó bắt gặp thì chết, đâu còn tâm trí nào nữa để mà ngắm cảnh vật chung quanh cho nên đâu biết mặt mũi cái đồn đó như thế nào!

Rồi chị Hai Đào gặp anh Bảy Rớt, có thể là họ gặp nhau ở Sài Gòn khi chị đang tập sự "bà mụ" ở viện bảo sanh Từ Dũ. Chị Ba Thơ kể rằng anh Bảy Rớt người Nha Trang, đi lính thủy trong đội hải quân của Pháp. Tàu Pháp bị kháng chiến phục kích, chỉ huy tàu bị chết, anh bảy Rớt may mắn sống sót, đào ngũ, lưu lạc vào Sài Gòn. Lúc đầu gặp gỡ, có lẽ anh Bảy Rớt đứng bán hàng tại một nhà thuốc Tây (Pharmacie) nào đó ở Sài Gòn, theo một người bạn vào trường bà mụ (École de Maternité) Từ Dũ để thăm vợ đang tập sự nội trú ở đó và nhờ vậy anh Bảy Rớt được giới thiệu với chị Hai Đào. Chị Hai Đào không đẹp lắm nhưng anh Bảy lại thương và theo chị sát nút .Cả nhà không ai hay biết về chuyện chị Hai Đào có người để mắt ở bên Sài Gòn. Khi ba đưa mẹ và cả nhà tản cư lên Tân Quy-Lái Thiêu thì chị Hai Đào vẫn còn tiếp tục tập sự bà mụ ở Sài Gòn còn thì ba vẫn tiếp tục làm việc ở Kho Bạc trên đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) để cuối tuần đạp xe đạp lên Tân Quy thăm và tiếp tế cho vợ con

Không hiểu vì sao chị Hai Đào bỏ ngang chương trình tập sự làm "bà mụ" mà chỉ ở nhà phụ giúp mẹ lo việc nội trợ và đi chích dạo quanh xóm. Rồi anh Bảy Rớt qua gặp Ba Mẹ ở Thủ Thiêm xin hỏi thẳng để cưới chị Hai, không có mai mối trung gian, không có đình đám rình ran phô diễn. Cưới xong, vợ chồng chị Hai Đào ra riêng, mướn một căn phố nằm trên con hẽm lát gạch dẫn vào tu viện dòng mến thánh giá của các dì phước và trường nữ tiểu học của họ đạo Thủ Thiêm. Anh Bảy Rớt thương yêu vợ rất mực và ngoan đạo một cách kỳ lạ mặc dù anh theo đạo của vợ. Anh lại rất hiếu thảo với Ba Mẹ và chìu chuộng các đứa em vợ. Gặp thời buổi khó khăn, trong giai đọan khởi đầu cuộc Nam Bộ kháng chiến, anh Bảy Rớt bổng nhiên trở thành cột trụ của gia đình chúng tôi.


Chị Ba Thơ cũng xin được vào làm việc ở Kho Bạc Sài Gòn. Chị Tư Thi hình như lúc đó ở nhà tự học thêu còn anh Năm Tâm không biết lúc đó đang làm gì, ở đâu?.


*
Thủ Thiêm Xóm Dưới

Thủ Thiêm chỉ cách thành phố Sài Gòn có một con sông rộng khoảng một ngàn mét, tưởng gần nhưng hoá ra lại xa. Thủ Thiêm từ bao nhiêu đời đã bị sách vở bỏ quên không thèm ngó tới.

Sinh ra ở miền Tây nhưng lại được nuôi dưỡng lớn lên ở đất Thủ Thiêm, từ lúc nhỏ tới tuổi đi học đánh vần ABC, qua thời Kháng Chiến Nam Bộ dưới thời Pháp tái chiếm Đông Dương, lớn lên ở chung với cha mẹ, thời gian thật khá dài để người viết thấy Thủ Thiêm ì ạch thay đổi theo thời gian và Sài Gòn rung chuyển biến thái theo bom đạn.

Ngày đó, từ thời người viết mới đi học lớp đồng ấu ở trường họ đạo Thủ Thiêm do các dì phước dòng tu Mến Thánh Giá làm cô giáo dạy dỗ, Thủ Thiêm phải kể là bắt đầu từ giòng Ông Tố, xuống Bến Đò Trên, qua cầu Ông Cậy, tới Xóm Dưới – thường được gọi là Xóm Cây Bàng- và tiếp tục đi xuống nữa để tới đồn phòng thủ thời của các ông vua đầu đời nhà Nguyễn mà trong lịch sử gọi là đồn "Giác Ngư" còn gọi là đồn Cá Trê (Về sau, thời Pháp thuộc vi trí của đồn nầy có thể là nơi xây cất những bồn chứa xăng dầu thường được gọi là kho xăng Nhà Bè. Kho xăng nầy có lần bị cháy lớn, khói đen bốc lên cao cả ngày chưa dứt, không biết có phải vì bị kháng chiến đột kích hay không. Xin giới hạn đến đồn nầy vì thuở nhỏ người viết "sợ ma" không dám đi xa hơn và sẽ nói thêm về đồn Cá Trê và kho xăng Nhà Bè ở phần dưới .

Thủ Thiêm thời Gia Long là vùng đất của nhóm ghe cướp gọi là Tàu Ô mà phần đông là hạng người tứ chiến giang hồ từ nước Trung Hoa chạy vào miền Nam và được họ Nguyễn dung nạp cho qua tập trung và trú cư ở Thủ ThiêmTừ bến đò dưới cuối đại lộ de La Somme (sau gọi là đại lộ Hàm Nghi) tức là từ cột cờ Thủ Ngữ, mà thời Pháp người thường dân gọi là Point des Blagueurs ở phía Sài Gòn, (xin tạm dịch là: Địa điểm dành cho những người tán gẫu, (không biết địa điểm nầy ngày nay đã thay đổi ra sao), phải xuống các bậc thềm đá xanh để xuống đò chèo qua sông Sài Gòn rồi lên bến đò dưới ở xóm Cây Bàng, Thủ Thiêm .

Bến đò dưới thời đó là một nhà sàn lợp lá dừa nước cất lấn ra bờ sông và một chiếc cầu ván vừa đủ một người đi chạy dài ra ngoài sông khoản 60 mét gọi là cầu đò xóm dưới. Chiếc cầu nầy càng ra xa thì càng hẹp đi cứ mỗi khi nước "ròng " (tức là khi mực nước sông xuống thấp) thì hành khách qua đò bước lên cầu nầy phải thật cẩn thận nếu không sẽ bị trượt chân té xuồng "sình" (tức đất bùn trơn trợt). Những con đò đưa khách sang sông Sài Gòn đóng theo kiểu trong Nam, hai người chèo, người chèo phía sau dùng chân để điều khiển cần tay lái, có một sạp lót ván cho vài người ngồi còn bao nhiêu đều phải đứng. Số người chuyên chở cho mỗi chuyến đò không nhất định nhưng ít nhất phải được khoảng 10-15 người khách thì đò mới chịu tách bến; đông khách nhất là buổi sáng giờ đi làm và buổi chiều giờ tan sở: có lúc vì tham lam ghe đò chở quá khẳm đến độ bờ ghe chỉ cách mực nước khoảng 20 phân tây (xin nói rõ 20 phân Tây= 20 cm !): sóng yên gió lặng thì tạ ơn trời phật, gặp lúc mưa gió lớn thì phú dâng hồn xác cho hà bá! Trong thời thơ ấu, đã chứng kiến biết bao nhiêu lần tai nạn chìm đò thảm thương nhất là những vụ chìm đò vì bị các chiếc tàu buôn ngoại quốc khi quay mũi tàu trên sông Sài gòn xả hết tốc lực quạt chân vịt nổi sóng xô đẩy chiếc ghe đò nhỏ bé đầy ập hành khách lật bổ giữa lòng sông trong khi những tên thuỷ thủ ngoại quốc trên bon tàu đứng chống tay nhìn xuống miệng cười hô hố vui thích! Đó là đò chèo của bến đò dưới Thủ Thiêm .

Từ bến đò dưới ở phía Thủ Thiêm, dọc theo bờ sông là những dãy nhà sàn lụp sụp lợp lá dừa nước chạy suốt dọc dài xuống phía dưới nữa, đối diện ngang với kho 10, kho 5 (kho hàng của bến tàu "Thương Cảng" Sài Gòn). Phần lớn những nhà nầy đều có một chiếc ghe nhỏ "tam bản" đóng bằng 3 miếng ván để chèo ra khơi cập hong tàu buôn ngoại quốc vào sông Sài Gòn, đu dây lên tàu để mua hàng lậu thuế rồi tuột xuống quay trở vào bờ Thủ Thiêm .

Lên đò, quẹo về phía tay mặt khoảng 50 mét là chợ nhóm ngoài trời của ấp Cây Bàng, mặt hàng buôn bán ở chợ thường là cá, tôm, tép lưới câu từ sông Sài Gòn hoặc đi xúc, đi câu treo từ trong ruộng đưa ra. Một vài hàng tạp phô mắm, muối, đồ gia vị, tuy không dồi dào nhưng cũng đủ cung ứng cho cả ấp. Cũng có nhà ở bờ sông đặt vài bàn bi da loại có lỗ, 12 trái banh (khác với loại bi da 3 trái banh). Từ chợ đi thẳng sâu vào bên trong là vùng đất ruộng mà ngày trước người viết thường hay xách rỗ và chai đựng từ xóm trên xuống đi vào trong đó để hớt cá lia thia. Sau lưng chợ Cây Bàng là một dãy phố 18 căn mới cất so với dãy phố cũ 10 căn cùng một hướng.

Con hương lộ từ bến đò chạy song song với sông Sài Gòn đi dài xuống đến kho 5, kho 10: dọc sát bờ sông là những trụ sắt chôn xuống đất với xi măng (Cement) trộn đá sỏi chèn cứng dùng cho các tàu buôn ngoại quốc cột giữ tàu để đợi tới phiên lên hàng ở các nhà kho phía Sài Gòn. Càng đi xuống xa về hướng đồn Giác Ngư thì nhà ở càng thưa thớt, quang cảnh có vẻ âm u vắng lạnh. Người viết ngày nay còn một ấm ức trong lòng là chưa tới được đồn Giác Ngư vì hồi đó sợ ma, lúc đã lớn lên thì không còn dịp nào để tới chỗ đó, cho nên bây giờ cứ tiếc hoài!

Từ bến đò bước lên thì gặp ngay nhà của cha mẹ người viết bài nầy, sát với lề đường (Ở River Side! Ở ngoại quốc chỉ có dân triệu phú mới dám cất nhà sát bờ sông). Trước đó thời Nam Bộ Kháng chiến, nhà cũ của cha mẹ người viết ở Xóm Trên. Căn nhà Xóm Dưới Cây Bàng chỉ được cất sau ngày Tây gần thất trận rút lui khỏi Việt Nam.

Cũng xin nói qua sơ sơ về vùng kháng chiến Thủ Thiêm. Vào thời nầy, vùng kháng chiến Thủ Thiêm do hai ông Bảy Môn, Mười Lực của Bình Xuyên làm chỉ huy lực lượng đánh Tây. Hai ông nầy người viết chưa bao giờ được gặp mặt nhưng mẹ già 98 tuổi (Bây giờ đã được 100 tuổi) hiện còn sống ở bên Mỹ biết rất rành rọt về hai ông Bảy Môn, Mười Lực. Tuy nhiên có một chuyện mà người viết còn nhớ hoài cho đến ngày nay về tổ đánh Tây của Xóm Dưới: đó là việc tổ kháng chiến lấy cây giả làm ụ súng cà nong (Cannon) đặt dưới gầm cầu ông Cậy nhắm qua hướng các tàu chiến của Tây đậu dọc bờ sông Sài Gòn ở cuối đường Catinat để thị uy, (trước khách sạn Majestic; đường nầy sau đổi là đường Tự Do); hậu quả là súng đại liên trên tàu chiến của Tây bắn qua như mưa khiến bà con chạy lăn cù lăn chiên trong số đó có cha của người viết bài nầy. Dù là đồ giả để chống lại đồ thiệt, nhưng cũng làm cho giặc Tây e dè vùng kháng chiến Thủ Thiêm nhất là vùng Xóm Dưới Cây Bàng.

Từ bến đò dưới Thủ Thiêm quẹo về phía trái khoảng 10 mét là cầu ông Cậy. Chiếc cầu nầy là một di tích lịch sử đáng được bảo tồn. Từ Sài Gòn, cuối đường Charner (Nguyễn Huệ), nhìn thẳng qua Thủ Thiêm chúng ta có thể nhìn thấy chiếc cầu nhỏ lịch sử đó. Cầu làm bằng xi măng cốt sắt vừa đủ rộng cho một chiếc xe chở hàng cỡ nhỏ chạy qua, hai bên có hai bậc thềm thấp dành riêng cho người đi bộ có bờ lan can an toàn suốt dọc chiếc cầu nhỏ bé. Chiếc cầu có thể ngày xưa do một viên quan võ triều đình nhà Nguyễn cai trị vùng Thủ Thiêm đứng chỉ huy xây cất cùng một lúc với con đường hương lộ cho nên dân chúng trong vùng gọi là cầu ông Cai (tức cầu do ông quan Cai trị xây cất) nhưng lâu ngày có thể đọc trại đi là cầu ông Cậy (nếu bạn nào biết rõ xin làm ơn bổ túc cho tên gọi của chiếc cầu nầy). Con rạch chảy ngang dưới chiếc cầu là một nhánh thật nhỏ của sông Sài Gòn cũng gọi là Rạch Ông Cậy. Sở dĩ chúng tôi gọi là "một di tích lịch sử bởi vì nó là nơi mà lính Tây dùng làm pháp trường để bắn chết thả trôi sông những người đánh Tây ở vùng Thủ Thiêm bị họ bắt được sau những cuộc bố ráp, đốt phá mà dân Thủ Thiêm gọi là "bao bố nhìn mặt": Tây mua chuộc người địa phương, cho trùm bao bố lên đầu để dấu tung tích rồi cho ra nhìn mặt những người bị Tây bắt trong những cuộc lùng xét: người nào bị bao bố gật đầu thì kể như đi tắm sông ở cầu ông Cậy.

(Còn tiếp)


Liêu thái thái
#13 Posted : Friday, April 15, 2005 10:36:01 PM(UTC)
Liêu thái thái

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,677
Points: 786
Woman
Location: thôn bọ ngựa

Thanks: 8 times
Was thanked: 38 time(s) in 38 post(s)
Lâu ghê mới lại được đọc nVQ. Merci anh

cho phép em út xía dô chút nha ông anh ! Smile
- Trường bà mụ tiếng tây là École des Sages femmes, Maternité là Nhà Bảo sanh có lúc VC kiu là Xưởng Đẻ đó !
- Point des Blagueurs ở phía Sài Gòn, (xin tạm dịch là: Địa điểm dành cho những người tán gẫu )
tán gẫu : confabuler, pantoufler, parloter..., bavardages, balivernes,...
blagueurs (động từ blaguer) chỉ người hay giỡn cợt, kể chuyện đùa để chọc ghẹo thiên hạ , dân ba xạo đó !

Kì sau anh VQ có kể thêm cái khúc "Khi ba đưa mẹ và cả nhà tản cư lên Tân Quy-Lái Thiêu..." hông vậy? floating

em dâu PK, Ltt
chờ chờ chờ
Vũ Thị Thiên Thư
#14 Posted : Saturday, April 16, 2005 9:27:43 AM(UTC)
Vũ Thị Thiên Thư

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,033
Points: 2,430
Woman
Location: Thung Lũng Lá Rơi

Thanks: 231 times
Was thanked: 87 time(s) in 84 post(s)
Kính anh Văn Quân
Cảm ơn anh chia sẻ những kỷ niệm tuyệt vời. Mong anh tiếp tục kể lại thường xuyên
Trong trí nhớ cuả TT lần đầu về Saigon theo Nội sang bên Khánh Hội , xuống bến Bạch Đằng, nhìn bến đò Thủ Thiêm....
Nếu được sự đồng ý cuả anh , Xin anh cho TT mang Hồi Ký nầy vaò Phòng Văn để chia sẻ cùng các bạn
Thân kính
VTTT
Văn Quân
#15 Posted : Friday, April 29, 2005 11:29:30 AM(UTC)
Văn Quân

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 57
Points: 15

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)

quote:
Gởi bởi Liêu Thái Thái

Kì sau anh VQ có kể thêm cái khúc "Khi ba đưa mẹ và cả nhà tản cư lên Tân Quy-Lái Thiêu..." hông vậy? ]


[quote]Gởi bởi Vũ Thị Thiên Thư

Kính anh Văn Quân
......
Nếu được sự đồng ý cuả anh , Xin anh cho TT mang Hồi Ký nầy vaò Phòng Văn để chia sẻ cùng các bạn
Thân kính
VTTT




Thân kính chi LTT.


Sẽ tới đoạn cả nhà tản cư lên Tân Quy/ Lái Thiệu

Xin đón đoc.

Thân mến;

VQ.



Kính chị VTTT,

Cám ơn chị quan tâm!

Chị thấy xếp đặt thế nào cho đúng chỗ thì xin chị cứ thực hiện dùm VQ,.
Đồng ý với ý kiến của chị.

Thân kính,

VQ.
Văn Quân
#16 Posted : Saturday, April 30, 2005 10:44:20 PM(UTC)
Văn Quân

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 57
Points: 15

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
01/05/2005

Hồi Ký của Tư Lé (tiếp theo kỳ trước)

Đúng ra ngày xưa, chắc là lâu lắm, con rạch ông Cậy có tới 2 cái cầu: một cái sát bờ sông Sài Gòn chỗ miệng cửa con rạch và một cái nữa tức là cái cầu thứ 2 cũng bắt ngang qua con rạch nhưng hơi xế về phía trong một chút, cách cái cầu thứ nhứt chừng 50 mét. Cái cầu thứ 2 nầy nối con hương lộ thứ nhì tới dãy phố 18 căn ở xóm Cây Bàng bây giờ biệt tâm biệt tích không còn dấu vết nào và chỉ còn cái cầu sát với bờ sông Sài Gòn ngày nay mà người Sài Gòn có thể đứng ở đầu đường Charner (Nguyễn Huệ) ở bên nầy bờ sông nhìn thẳng qua Thủ Thiêm để nhìn thấy nó.

Nghe đồn bây giờ đang có chương trình phát triển vùng Thủ Thiêm, các vùng gần bờ sông Sài Gòn, kể cái cái cầu ông Cậy lịch sử cũng sẽ bị san bằng ủi sập và nếu như vậy thì kẻ nầy chỉ còn biết dụi mắt khóc thầm tiếc nuối cho một di tích lịch sử bị mai một! Bạn nào có dịp về thăm quê nhà, hãy đi đò qua Thủ Thiêm, hỏi thăm dân tình ở đó chỉ cho biết rồi đến đứng trên chiếc cầu ông Cậy nhỏ bé nầy nhìn qua phía bên kia sông Sài Gòn nguy nga sáng lạng rồi ngó xuống lòng nước để bùi ngùi tưởng niệm cho những người kháng chiến vô danh đã từng bị kẻ ngoại quốc xử tử bắn chết trên chiếc cầu nầy rồi quăng xác xuống rạch.

Cũng xin nói thêm, hồi đó, có lần người viết cũng bấm gan làm liều phiêu lưu đi dọ thám sâu xuống miệt dưới với ý định tới thăm đồn Cá Trê một chuyến bởi vì nghe mẹ già kể lại rằng đồn nầy đã từng đụng độ hết quân Tây Sơn rồi lại đụng độ với quân Pháp khi họ đưa tàu binh vào sông Nhà Bè để đánh chiếm Sài Gòn. Đi dọc trên con lộ trải nhựa nứt nẻ đầy ổ gà, khi hết ranh giới của xóm Cây Bàng thì sẽ gặp một chiếc cầu bằng xi măng bắt ngang một con rạch nhỏ. Lấy can đảm đi một đỗi nữa thì tới một cái cầu nhỏ khác rồi tới một cái cầu lớn hơn bắt ngang một con rạch khá lớn gọi là rạch Ba Chia. Sở dĩ gọi là rạch Ba Chia vì khi đi sâu vào miệt ruộng, con rạch nầy chia ra thành 2 nhánh, một nhánh nước chảy về hướng đông bắc, còn nhánh nhỏ kia chảy xuống hướng đông nam. Trước khi tới cầu rạch Ba Chia thì thấy phế tích của một ụ đồn bót nằm chơi vơi sâu về phía bên trong đồng ruộng. Tới đây thì kẻ thám hiểm bắt đầu bụng đói và sợ ma, muốn quay về vì thấy mình bị chơi vơi đơn độc quạnh quẽ quá mức nhưng không hiểu tại sao đôi chân cứ tiếp tục cuộc hành trình. Rồi lại tới một cái cầu nữa bắt ngang qua một con rạch nhỏ. Kẻ thám hiểm đứng trên cầu nầy ngó quanh ngó quẩn nhưng vẫn không thấy tăm dạng của đồn Cá Trê nó nằm ở đâu trong khi trời đã về chiều, hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Thôi, tới đây thì đành bỏ cuộc, kíp mau quay về kẻo bị ma trơi, ma gáo bắt dấu nhét đất vào miệng! Sau nầy mới biết rằng chỉ cần tiến bước thêm chừng vài cây số nữa thì sẽ gặp được đồn Cá Trê, tiếc ơi là tiếc !

Khi lớn lên và theo ba mẹ dọn qua ở Sài Gòn, có một chuyện thời sự đáng chú ý: kho xăng dầu Nhà Bè bị cháy khói đen bóc lên cao gần 2 ngày trời mà đội lính chữa lửa của đô thành Sài Gòn không thể đàn áp được sự tàn phá của thần hỏa. Dân Sài Gòn ngày đó khi nói tới 2 chữ Nhà Bè thì thường nghĩ đây là vùng đất bên kia đầu cầu Tân Thuận, đinh ninh rằng kho dầu xăng nầy nằm ở về đoạn cuối hửu ngạn của sông Sài Gòn bây giờ tức là nằm đối diện với phía Thủ Thiêm. Trên thực tế, địa điểm của kho xăng Nhà Bè nằm trên lãnh vực của Thủ Thiêm đối diện với Sài Gòn và vị trí xây cất của nó có thể là vị trí đồn Cá Trê ngày xưa nằm trên tả ngạn của khúc sông Nhà Bè.

Đọc lại sử cũ thì sông Sài Gòn có tên là sông Tân Bình và hai bên bờ sông Tân Bình, ở khúc sông ngày nay gọi là sông Nhà Bè, triều đình nhà Nguyễn ở Gia Định có đặt 2 tiền đồn phòng thủ: một ở bờ sông vùng Tân Thuận đi xuống gọi đồn Hửu Bình và một ở phía Thủ Thiêm gọi là đồn Tả Bình. Hửu Bình tức là thuộc hửu ngạn sông Tân Bình và còn có tên khác là đồn Nam hoặc đồn Thảo Câu. Tả Bình tức là tả ngạn sông Tân Bình cũng có tên khác là đồn Bắc (nằm lấn về hướng Bắc nếu so chiếu với đồn Nam ở Tân Thuận) hoặc đồn Cá Trê. Ngày nay, vết tích 2 tiền đồn lịch sử nầy của miền Nam Việt Nam có lẽ đã bị xóa mất hết rồi!

Chiếc cầu và con rạch Ông Cậy phân chia Thủ Thiêm thành 2 xóm: Xóm Trên và Xóm Dưới. Xóm dưới chúng ta đa đi qua; bây gờ chúng ta đi lên Xóm Trên sau khi bước ngang qua cầu ông Cậy.

Thủ Thiêm Xóm Trên.

(còn tiếp)

Việt Dương Nhân
#17 Posted : Wednesday, May 4, 2005 7:33:03 AM(UTC)
Việt Dương Nhân

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 1,837
Points: 0


Chào Anh Văn Quân !

Ở Sàigòn hơn 10 năm, mà VDN được đi đò qua Thủ Thiêm 2 lần - Đò gần bên nhà hàng "Mỹ Cảnh" và nhà hàng "Ngân Đình" - Vì VDN ở ngay góc Cầu Quây bên kia bến Vân Đồn & Trịnh Minh Thế, Quận Tư.
Anh là Tư Lé phải hưmmmm?
Vài lời cùng Anh. Chúc Anh an vui hạnh phúc
beerchugbeerchug
VDN
Văn Quân
#18 Posted : Monday, May 9, 2005 3:54:45 PM(UTC)
Văn Quân

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 57
Points: 15

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
10/05/2005(tiếp theo kỳ trước)

Thủ Thiêm Xóm Trên.

Từ xóm Cây Bàng qua cầu ông Cậy thì ở phía tay mặt của đầu cầu có một dãy phố lợp ngói, vách tường (gạch). Cuối dãy phố là căn nhà của Ông Mười Vàng. Ông Mười cũng bị Tây bắt rồi đem xử bắn trên cầu ông Cậy xô xuống rạch, xác chìm trôi mất đi nhưng mấy ngày sau xác của ông lại nổi lên nằm sấp trên mặt nước và trôi trở về tắp vô bên bờ rạch sát căn nhà của mình. Trước đó, gia đình của ông đã mướn người lặn hụp khắp nơi hoặc dùng móc câu sắt rà lên ra xuống bờ sông Sài Sài Gòn và bên trong rạch ông Cậy để tìm xác nhưng không vớt ông lên được. Người ta đồn ông Mười bị chết oan thành "thằng chỏng chết trôi" nhớ nhà nên trở về đoàn tụ với vợ con : người bị chết chìm, sau vài ngày xác chết nổi lên mặt nước trôi lên trôi xuống và người dân miền Nam gọi xác chết trôi sông nầy là thằng chỏng, bởi vì cái xác nằm úp, đầu và mặt chìm dưới mặt nước, còn cái mông thì chỏng cao nhô lên khỏi mặt nước. Người ta còn đồn rằng đàn ông chết trôi khi xác nổi lên thì nằm úp còn xác đàn bà khi nổi lên thì nằm ngửa không biết có đúng hay không. Người viết đứng trên cầu ông Cậy đã tận mắt trông thấy người nhà vớt xác của ông Mười lên, máu trong miệng, trong mũi, trong lỗ tai của ông trào ra khi ông được đặt nằm ngửa trên bờ rạch, trên ngực của ông lỗ chỗ nhiều vết đạn xuyên thấu.

Gia đình ông Mười Vàng có một cậu em trai tên là cậu Hai Bàn. Hai Bàn người mập mạp cao lớn nhưng ít học, làm nghề y tá chích dạo đầu trên xóm dưới và được dân tình Thủ Thiêm xem như là thầy thuốc lưu động những lúc bị cảm cúm, nhức đầu, nóng lạnh, ho hen. Hai Bàn còn có một nghề khác: nuôi cá lia thia, loại cá Xiêm (có thể là du nhập từ nước Xiêm) để đá độ ăn tiền. Giống cá lia thia nầy rất hiếu chiến và gan lì khác với loại cá lia thia của ta được vợt xúc từ trong các đồng ruộng, tuy màu mè đẹp đẽ nhưng nhỏ thó hơn và khi đụng trận thì không hung bạo gan lì như giống cá Xiêm. Cá lia thia ta so với cá lia thia Xiêm cũng giống như so sánh gà trống "Tàu" lớn con với gà trống Tre óm yếu tong teo. Cá lia thia Xiêm của Hai Bàn nổi tiếng là cá hạng nhất và được những dân đá cá ăn tiền vùng Thủ Thiêm chọn mua đem về nuôi nấng, tập luyện để đưa ra đấu trường cáp độ. Con nít ở thủ Thiêm cắt ca cắt củm, nhịn kẹo, nhịn bánh để giành tiền chạy xuống cậu nhà Hai Bàn mua cá Xiêm. Hai Bàn cũng nuôi gà nòi để cáp độ. Gà nòi được Hai Bàn tẩm nghệ vàng khắp mình mẫy để cho da thịt được rắn chắc và đôi cựa được chuốc gọt nhọn lễu để có thể đăm sâu ngập vào da thịt của gà đối thủ. Gà nòi đá nhau rất hăng và trận đấu kéo dài có khi cả giờ đồng hồ cho tới khi có một con chịu thua bỏ chạy. Trong những trận cáp độ ăn thua lớn, chủ gà hai bên cột ghép thêm hai lưỡi dao nhọn sắc bén vào đôi cựa của con gà nòi rồi cho lâm trận: gà bị thua thường nằm gụt chết tại đấu trưòng vì những vết đăm chém tuôn máu khắp lòng ngục, đầu cổ trông thật dã man rùng rợn còn con gà thắng trận thì cũng máu me đầy mình nằm một chỗ thoi thóp đợi chủ gà mang về trụng nước sôi nấu cà ri.


Đối diện với nhà ông Mười Vàng, ngang qua con lộ, là nhà của bà Năm Vang, chồng Bắc Kỳ vợ Nam Kỳ. Bà Năm là bà mụ chuyên môn hộ sanh cho cả vùng trên, xóm dưới của Thủ Thiêm. Trước nhà bà Năm có treo một bản "Nhà bảo sanh Thủ Thiêm" để mấy bà bầu biết mà chạy tới khi đau bụng. Một trong 2 người con trai của bà Năm tên Toàn là bạn chí thiết của người viết. Vào lúc tập kết, Toàn rủ rê người viết qua Sài Gòn để xuống tàu tập kết ra Bắc mặc dù cả 2 đứa không biết tại sao đi tập kết và tại sao lại bỏ cha, bỏ mẹ ra đó để làm chi. Cuối cùng chỉ có một mình Toàn ra đi, hai đứa hai nơi, bất đắc dĩ bạn hóa địch thù thật đau đớn !

Phía sau nhà bà Năm Vang là lò heo tức là chỗ để giết bò giết heo cung cấp thịt thà cho chợ Thủ Thiêm và chợ nhỏ ở xóm Cây Bàng. Tại lò nầy, con heo bị cột bốn cẳng chụm vào nhau rồi khiên đật nằm nghiên trên mộc cái bệ cao ngang tầm bụng của đồ tể, đồ tể cầm một lưỡi dao dài nhọn thọc huyết con heo từ lớp nọng dầy dưới cổ thấu đến tim; con heo rống lên thảm thiết, máu phun có vòi và được một người khác cầm sẵn thau, chậu hứng lấy, bỏ thêm muối vào chậu huyết heo để khi huyết đông đặt thì không bị cứng quá. Người ta khiên con heo nhún vào một chảo đụn nước sôi rồi cạo lông, mổ bụng, xả thịt, lấy đồ lòng ....

Cạnh nhà bà Năm Vang là dinh thự nhỏ của cậu Chín Ngọt, chủ nhân của dãy phố 18 căn dưới xóm Cây Bàng. Cậu Chín là người có đạo gia tô và là một trong những ông trùm xướng lễ đọc kinh của nhà thờ Thủ Thiêm. Mấy người con gái của cậu Chín là những giọng ca nhạc lễ nổi tiếng ở Thủ Thiêm. Cậu Chín là vai em bạn bạn dì với mẹ cho nên tôi gọi là cậu . Sở dĩ gọi căn nhà ở của cậu Chín là dinh thự vì nó lớn, đồ sộ và uy nghi nhất nhì vùng Thủ Thiêm. Dinh thự được cất theo kiểu 3 căn mặt tiền và một chái phía sau. Ba căn mặt tiền, tường gạch, máy ngói, nền lát gạch bông, cột dinh bằng gỏ mun, đồ đạt chưng dọn đều bằng loại gỗ quý hồng cẩm. Căn bên mặt đặt một bộ đi văn gỏ đỏ ngang 1m80 mét, dài 2m, dày 20cm, bằng cây gỏ đánh vẹt ni lán bóng. Phía cuối đi văn (divan) là một tủ kiến cẩn óc xà cừ bên trong chưng bày nhiều loại bình, chén, đĩa hiếm quý. Căn giữa là một bộ bàn ghế cũng cẩn óc xà cừ, mặt bàn tròn làm bằng đá cẩm thạch với những lằng gân xám chia nhánh bò ngang bò dọc giống như các mạch máu trong cơ thể con người. Cách một khoảng tróng ở phía đầu bàn là một tủ thờ cẩn xà cừ theo kiểu mai, lan, trúc, cúc và trên đầu tủ là một khung thờ lọng kiến, bên trong đặt tượng ảnh của Giê Su Ki Tô; hai bên tượng ảnh là 2 chân đèn bằng bạc chạm trỗ tinh vi. Phía sau tủ thờ được ngăn cách bằng một tấm vách ván đánh vẹt ni là phòng riêng của cậu, mợ Chín. Căn bên mặt cũng có một tủ thờ cẩn xà cừ khác nhưng nhỏ hơn dùng để đặt tượng ảnh của bà Maria và ông Giu Se, phía trước tủ thờ là khoảng tróng nhưng trên vách của căn nầy thì treo nhiều hình ảnh thiên đàng, địa ngục, thiên thần, quỷ sa tan, Phê Rô, Phao Lồ, Tê Rê Xa (còn gọi là Tê Rê Xa Hài Đồng, khác với nữ tu Tê Rê Xa bác ái ở Ấn Độ) và hình của giáo hoàng Piô X. Không có ảnh của tổ tiên ông bà được treo chung tại căn nầy. Phía sau tủ thờ là phòng nghỉ ngơi của khách khứa tới viếng thăm và ngủ lại.

Cái chái được xây cất chạy theo chiều ngang của ba căn mặt tiền, cũng lợp ngói, cột cũng bằng gỏ mun nhưng nền thì lót gạch miếng màu đỏ da cam (ngày trước thường được gọi là gạch tàu) loại mắc tiền. Căn chái nầy là nơi ăn, ngủ, sinh hoạt thường nhật của mọi người trong gia đình và cũng là nơi để tiếp đón các họ hàng thân thích tới thăm.

Nhà cậu Chín kín cổng cao tường, bất cứ ai tới đều phải giựt chuông đứng đợi ngoài cổng để chờ có người ra tiếp đón. Căn cơ cùng nếp sống của gia đình cậu Chín Ngọt có thể được coi như là hình ảnh mẫu mực của giới địa chủ giàu tiền lắm của trong thời Pháp thuộc.

Cạnh nhà cậu Chín Ngọt là một khoảng đất trống rồi đến nhà bà Năm Linh với vòng hàng rào bằng những dàn cây bông giấy gai gốc nhọn bén và những cụm hoa màu đỏ nở rộ phủ che lên tới nóc nhà. Người viết ít có dịp vào dòm ngó bên trong căn nhà nầy. Phía sau nhà bà Năm Linh là nhà cậu Tư Dần và dì Hai Của. Hai người nầy là chị em và cũng là em bạn dì của me. Cậu Tư Dần đi làm ở Sài Gòn nhưng chiều nào cũng say mèm khi quay về Thủ Thiêm. Dì Hai Của thì lãng tai cho nên khi nói chuyện với dì thì phải nói thật lớn dì mới hiểu ý để trả lời. Cậu Tư và dì Hai rất nghèo nhưng ăn ở rất hiền lành và được lòng với làng xóm

Nơi cư trú của gia đình chúng tôi lúc đó là một căn phố cuối ở xóm trên, gần mé sông Sài Gòn, đối diện chếch xéo với nhà thờ Thủ Thiêm. Phía sau dãy phố nầy là một con đường đất đỏ chạy dài từ đầu cầu Ông Cậy, đánh vòng ngang xưởng tàu CARIC rồi nối đầu với con hương lộ phía trước mặt dãy phố. Phía đối diện với chúng tôi cũng là một dãy phố chạy song song với con hương lộ, và được tiếp nối bởi một kiến trúc 2 tầng dùng làm nhà xứ của linh mục họ đạo Thủ Thiêm. Lui về phía trong là nhà thờ Thủ Thiêm, cột tròn bằng cây gỏ mun đen, nóc lợp ngói đỏ, nền lót gạch tàu. Phần chu vi cung hành lễ được lát gạch bông. Hai bên là hai dãy ghế dài bằng cây có bệ quỳ cho tín đồ. Sát cung hành lễ có trải chiếu lác trên nền gạch cho học trò ngồi, quỳ trong những giờ đọc kinh hay hành lễ. Trước nhà thờ, phía tay mặt là lầu chuông và nhà bếp nấu ăn cho linh mục chính xứ.

Sát bên hong nhà thờ, đối diện với cổng vào xưởng CARIC là một con hẻm rộng chạy dài ngang qua khỏi con rạch Ông Cậy và dẫn đến "đất thánh", nơi chôn cất những tín đồ Gia tô ở Thủ Thiêm. (Nhà thờ nầy hiện nay vẫn còn nhưng khu đất thánh hình như đã bị "người đời nay" xâm lấn gần hết để cất nhà ở).

Ngày đó, hai bên lề con hương lộ của xóm trên, bắt đầu từ đầu cầu Ông Cậy, chạy ngang qua nhà thờ, lên đến chợ Thủ Thiêm có rất nhiều cầy bàng và cây mù u. Hột trái cây bàng lấy đá đập ra, ruột ăn cũng bùi như ăn hột điều. Hột mù u dầy võ, tròn giống như viên bi, có thể ép lấy dầu để đốt đèn gọi là đèn dầu mù u.

Đặc biệt nhất là ngay bên ngoài vòng tường rào nhà xứ đạo có một cây thị to lớn rậm rạp, rễ dài mọc thòng từ các nhánh trên cao rũ xuống chấm sát mặt đất trong giống như một người đàn bà bỏ tóc xỏa đứng chận ngang lối đi của con lộ. Trái thị khi chín võ màu vàng, vị ngọt nhưng mùi thì thum thủm hơi khó ngữi với những người chưa quen ăn.

Ở phía sau nhà chúng tôi, là một bãi đất bồi sìn lầy, um tùm cỏ lác và cây bình bát, mọc xen lẫn với những cây bần đước.

Một cầu vệ sinh công cộng bằng gỗ 4 chỗ ngồi được dựng lên, chạy từ bờ con lộ đất đỏ ra xa ngoài bờ sông bằng một chiếc cầu ván đóng đinh vá víu tạm bợ. Sát cạnh cầu vệ sinh lộ thiên nầy là bến gỗ của hàng CARIC với những thân cây danh mộc ngâm nửa mình dưới lớp bùn đen xám xịt. Những khi nước ròng xuống thấp, lớp bùn dưới gầm cầu vệ sinh lộ lên tạo thành một vùng tiếp tế cho những con cá thòi lòi tung tăng, trường bò khắp nơi để tìm lương thực.

Trái cây bình bát giống như quả mãn cầu xiêm và khi chính thì trở thành màu da cam, bên trong ruột lợ lợ, không chua, không ngọt.

Thân cây bần đước dùng làm than nấu ăn rất tốt, gọi là than đước. Quả bần đước da màu xanh hình dạng giống như hai cái dĩa nhỏ úp mặt vào nhau, rất chua cho nên khi ăn thì phải ăn với muối bọt thật mặn.

Hảng CARIC chiếm một diện tích bờ sông rộng lớn từ đầu nhà thờ chạy suốt lên đến bến đò trên, sát cạnh chợ Thủ Thiêm.

Lúc nầy, phong trào kháng chiến chống Pháp nổi lên khắp nơi. Một đơn vị lính Lê Dương của Pháp được giao cho trấn nhậm vùng Thủ Thiêm. Chỉ huy của đơn vị nầy là một viên đội Pháp, được dân chúng Thủ Thiêm gọi là "ông đội Sáu." Sáu ở đây không phải là cái tên nhưng có thể là cấp bậc của kẻ chỉ huy. Đội Sáu trưng dụng nhà linh mục cai quan họ đạo Thủ Thiêm (thường được các tín đồ Gia Tô gọi là cha chính xứ) để làm tổng hành dinh. Không đầy một tuần lễ sau khi đến trấn nhậm, đội Sáu đã áp dụng cứng rắn lệnh giới nghiêm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng và đã đến gỏ cửa nhà ba mẹ để khám xét điều tra. Dù biết rằng trong nhà nầy có ba và chị Ba Thơ làm việc cho người Pháp ở Kho Bạc Sài Gòn, nhưng đội Sáu vẫn lục soát thẳng tay và sau đó thì hăm he dằn mặt để thị uy.


(còn tiếp)
Liêu thái thái
#19 Posted : Wednesday, May 25, 2005 10:01:18 PM(UTC)
Liêu thái thái

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,677
Points: 786
Woman
Location: thôn bọ ngựa

Thanks: 8 times
Was thanked: 38 time(s) in 38 post(s)

VQ huynh tả nội thất nhà giàu xưa thiệt là giống á, tm còn ngửi được cả cái mùi và cảm thấy không khí ngồ ngộ đó nữa Smile

Tê Rê Xa Hài Đồng là bà thánh ở Lisieux vùng Normandie bên này đó anh !

Lttm
chờ xem tiếp Wink
Văn Quân
#20 Posted : Friday, November 11, 2005 4:35:25 PM(UTC)
Văn Quân

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 57
Points: 15

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
12112005

(tiếp theo kỳ trước)

Những ngày tháng kế tiếp sau đó là những ngày bố ráp, tìm bắt, bao bố nhìn mặt rồi bắn bỏ, thả trôi sông những người Việt chống Pháp mà không cần có toà án phán xét phân xử. Người Pháp có tiếng là văn minh và tôn trọng luật Pháp, nhưng là chỉ áp dụng cho riêng với kiều dân của họ và những người hợp tác trung thành với họ; đối "Việt Minh" thì cứ a lê hấp bắn bỏ khiến biết bao nhiêu thường dân vô tội bị xử bắn hoặc treo cỗ oan ức vì những tên trùm bao bố che mặt có hận thù cá nhân riêng tư với các nạn nhân.

Người viết cho tới nay vẫn còn bị ám ảnh bởi một hành vi thảm sát tập thể người dân vô tội của đám lính đánh thuê lê dương thuộc quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương: hôm đó là chiều cuối tuần, chuyến phà sắt chót trong ngày ở bếnđò tên đưa những người làm thuê làm mướn kể cả những người làm việc nơi các công sở của Pháp ở Sài Gòn vừa mới cặp bến phía chợ Thủ Thiêm sát với hàng CARIC trong khi một ghe đò nhỏ cũng đưa khách về Thủ Thiêm đang chèo chống với sóng nước vừa mới qua được quá nữa sông Sài Gòn. Nước ròng hay nước xuống chảy khá mạnh, mực nước sát bờ sông rút xuống thật thấp khiến cho những thân cây dầu ngâm bùn dùng để đóng tàu của hãng CARIC nằm nhô lên hàng hàng lớp trơ ra như một đoàn cá voi bơi lạc vào bờ bị mắc cạn. Trên những thân cây ngâm bùn đó đứng lố nhố những tay súng lê dương miệng đang hò hét chỉ chõ về phía chiếc đò chèo: họ không cho chiếc đò vào gần bờ Thủ Thiêm vì đã quá giờ giới nghiêm ghe thuyền không còn được phép lai vảng trên sông. Chiếc đò chèo quay đầu ghe trở ra giữa dòng sông thì có tiếng súng đại liên từ một trong các tàu chiến Pháp từ bên bờ sông Sài Gòn bắn ra chận đầu không cho trở qua. Chiếc ghe hoãng hốt quay đầu chèo xấn vào bên bờ sông phía Thủ Thiêm thì lại một tràng đạn trung liên đã bắn xối xả vào chiếc ghe, chiếc ghe quay vòng vòng theo dòng nước chảy nhanh vì không còn người giữ tay lái rồi lật úp: ít nhất có hơn 20 hành khách rớt xuống sông để tiếp tục được nhận lãnh nhửng viên đạn càn quét của đám lính lê dương đứng trên các thân cây ngâm bùn phía sau hãng CARIC. Không biết có bao nhiêu người chết và mất xác trong cuộc thảm sát nầy.

(còn tiếp)

Users browsing this topic
Guest
3 Pages123>
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.