10/05/2005(tiếp theo kỳ trước)
Thủ Thiêm Xóm Trên.
Từ xóm Cây Bàng qua cầu ông Cậy thì ở phía tay mặt của đầu cầu có một dãy phố lợp ngói, vách tường (gạch). Cuối dãy phố là căn nhà của Ông Mười Vàng. Ông Mười cũng bị Tây bắt rồi đem xử bắn trên cầu ông Cậy xô xuống rạch, xác chìm trôi mất đi nhưng mấy ngày sau xác của ông lại nổi lên nằm sấp trên mặt nước và trôi trở về tắp vô bên bờ rạch sát căn nhà của mình. Trước đó, gia đình của ông đã mướn người lặn hụp khắp nơi hoặc dùng móc câu sắt rà lên ra xuống bờ sông Sài Sài Gòn và bên trong rạch ông Cậy để tìm xác nhưng không vớt ông lên được. Người ta đồn ông Mười bị chết oan thành "thằng chỏng chết trôi" nhớ nhà nên trở về đoàn tụ với vợ con : người bị chết chìm, sau vài ngày xác chết nổi lên mặt nước trôi lên trôi xuống và người dân miền Nam gọi xác chết trôi sông nầy là thằng chỏng, bởi vì cái xác nằm úp, đầu và mặt chìm dưới mặt nước, còn cái mông thì chỏng cao nhô lên khỏi mặt nước. Người ta còn đồn rằng đàn ông chết trôi khi xác nổi lên thì nằm úp còn xác đàn bà khi nổi lên thì nằm ngửa không biết có đúng hay không. Người viết đứng trên cầu ông Cậy đã tận mắt trông thấy người nhà vớt xác của ông Mười lên, máu trong miệng, trong mũi, trong lỗ tai của ông trào ra khi ông được đặt nằm ngửa trên bờ rạch, trên ngực của ông lỗ chỗ nhiều vết đạn xuyên thấu.
Gia đình ông Mười Vàng có một cậu em trai tên là cậu Hai Bàn. Hai Bàn người mập mạp cao lớn nhưng ít học, làm nghề y tá chích dạo đầu trên xóm dưới và được dân tình Thủ Thiêm xem như là thầy thuốc lưu động những lúc bị cảm cúm, nhức đầu, nóng lạnh, ho hen. Hai Bàn còn có một nghề khác: nuôi cá lia thia, loại cá Xiêm (có thể là du nhập từ nước Xiêm) để đá độ ăn tiền. Giống cá lia thia nầy rất hiếu chiến và gan lì khác với loại cá lia thia của ta được vợt xúc từ trong các đồng ruộng, tuy màu mè đẹp đẽ nhưng nhỏ thó hơn và khi đụng trận thì không hung bạo gan lì như giống cá Xiêm. Cá lia thia ta so với cá lia thia Xiêm cũng giống như so sánh gà trống "Tàu" lớn con với gà trống Tre óm yếu tong teo. Cá lia thia Xiêm của Hai Bàn nổi tiếng là cá hạng nhất và được những dân đá cá ăn tiền vùng Thủ Thiêm chọn mua đem về nuôi nấng, tập luyện để đưa ra đấu trường cáp độ. Con nít ở thủ Thiêm cắt ca cắt củm, nhịn kẹo, nhịn bánh để giành tiền chạy xuống cậu nhà Hai Bàn mua cá Xiêm. Hai Bàn cũng nuôi gà nòi để cáp độ. Gà nòi được Hai Bàn tẩm nghệ vàng khắp mình mẫy để cho da thịt được rắn chắc và đôi cựa được chuốc gọt nhọn lễu để có thể đăm sâu ngập vào da thịt của gà đối thủ. Gà nòi đá nhau rất hăng và trận đấu kéo dài có khi cả giờ đồng hồ cho tới khi có một con chịu thua bỏ chạy. Trong những trận cáp độ ăn thua lớn, chủ gà hai bên cột ghép thêm hai lưỡi dao nhọn sắc bén vào đôi cựa của con gà nòi rồi cho lâm trận: gà bị thua thường nằm gụt chết tại đấu trưòng vì những vết đăm chém tuôn máu khắp lòng ngục, đầu cổ trông thật dã man rùng rợn còn con gà thắng trận thì cũng máu me đầy mình nằm một chỗ thoi thóp đợi chủ gà mang về trụng nước sôi nấu cà ri.
Đối diện với nhà ông Mười Vàng, ngang qua con lộ, là nhà của bà Năm Vang, chồng Bắc Kỳ vợ Nam Kỳ. Bà Năm là bà mụ chuyên môn hộ sanh cho cả vùng trên, xóm dưới của Thủ Thiêm. Trước nhà bà Năm có treo một bản "Nhà bảo sanh Thủ Thiêm" để mấy bà bầu biết mà chạy tới khi đau bụng. Một trong 2 người con trai của bà Năm tên Toàn là bạn chí thiết của người viết. Vào lúc tập kết, Toàn rủ rê người viết qua Sài Gòn để xuống tàu tập kết ra Bắc mặc dù cả 2 đứa không biết tại sao đi tập kết và tại sao lại bỏ cha, bỏ mẹ ra đó để làm chi. Cuối cùng chỉ có một mình Toàn ra đi, hai đứa hai nơi, bất đắc dĩ bạn hóa địch thù thật đau đớn !
Phía sau nhà bà Năm Vang là lò heo tức là chỗ để giết bò giết heo cung cấp thịt thà cho chợ Thủ Thiêm và chợ nhỏ ở xóm Cây Bàng. Tại lò nầy, con heo bị cột bốn cẳng chụm vào nhau rồi khiên đật nằm nghiên trên mộc cái bệ cao ngang tầm bụng của đồ tể, đồ tể cầm một lưỡi dao dài nhọn thọc huyết con heo từ lớp nọng dầy dưới cổ thấu đến tim; con heo rống lên thảm thiết, máu phun có vòi và được một người khác cầm sẵn thau, chậu hứng lấy, bỏ thêm muối vào chậu huyết heo để khi huyết đông đặt thì không bị cứng quá. Người ta khiên con heo nhún vào một chảo đụn nước sôi rồi cạo lông, mổ bụng, xả thịt, lấy đồ lòng ....
Cạnh nhà bà Năm Vang là dinh thự nhỏ của cậu Chín Ngọt, chủ nhân của dãy phố 18 căn dưới xóm Cây Bàng. Cậu Chín là người có đạo gia tô và là một trong những ông trùm xướng lễ đọc kinh của nhà thờ Thủ Thiêm. Mấy người con gái của cậu Chín là những giọng ca nhạc lễ nổi tiếng ở Thủ Thiêm. Cậu Chín là vai em bạn bạn dì với mẹ cho nên tôi gọi là cậu . Sở dĩ gọi căn nhà ở của cậu Chín là dinh thự vì nó lớn, đồ sộ và uy nghi nhất nhì vùng Thủ Thiêm. Dinh thự được cất theo kiểu 3 căn mặt tiền và một chái phía sau. Ba căn mặt tiền, tường gạch, máy ngói, nền lát gạch bông, cột dinh bằng gỏ mun, đồ đạt chưng dọn đều bằng loại gỗ quý hồng cẩm. Căn bên mặt đặt một bộ đi văn gỏ đỏ ngang 1m80 mét, dài 2m, dày 20cm, bằng cây gỏ đánh vẹt ni lán bóng. Phía cuối đi văn (divan) là một tủ kiến cẩn óc xà cừ bên trong chưng bày nhiều loại bình, chén, đĩa hiếm quý. Căn giữa là một bộ bàn ghế cũng cẩn óc xà cừ, mặt bàn tròn làm bằng đá cẩm thạch với những lằng gân xám chia nhánh bò ngang bò dọc giống như các mạch máu trong cơ thể con người. Cách một khoảng tróng ở phía đầu bàn là một tủ thờ cẩn xà cừ theo kiểu mai, lan, trúc, cúc và trên đầu tủ là một khung thờ lọng kiến, bên trong đặt tượng ảnh của Giê Su Ki Tô; hai bên tượng ảnh là 2 chân đèn bằng bạc chạm trỗ tinh vi. Phía sau tủ thờ được ngăn cách bằng một tấm vách ván đánh vẹt ni là phòng riêng của cậu, mợ Chín. Căn bên mặt cũng có một tủ thờ cẩn xà cừ khác nhưng nhỏ hơn dùng để đặt tượng ảnh của bà Maria và ông Giu Se, phía trước tủ thờ là khoảng tróng nhưng trên vách của căn nầy thì treo nhiều hình ảnh thiên đàng, địa ngục, thiên thần, quỷ sa tan, Phê Rô, Phao Lồ, Tê Rê Xa (còn gọi là Tê Rê Xa Hài Đồng, khác với nữ tu Tê Rê Xa bác ái ở Ấn Độ) và hình của giáo hoàng Piô X. Không có ảnh của tổ tiên ông bà được treo chung tại căn nầy. Phía sau tủ thờ là phòng nghỉ ngơi của khách khứa tới viếng thăm và ngủ lại.
Cái chái được xây cất chạy theo chiều ngang của ba căn mặt tiền, cũng lợp ngói, cột cũng bằng gỏ mun nhưng nền thì lót gạch miếng màu đỏ da cam (ngày trước thường được gọi là gạch tàu) loại mắc tiền. Căn chái nầy là nơi ăn, ngủ, sinh hoạt thường nhật của mọi người trong gia đình và cũng là nơi để tiếp đón các họ hàng thân thích tới thăm.
Nhà cậu Chín kín cổng cao tường, bất cứ ai tới đều phải giựt chuông đứng đợi ngoài cổng để chờ có người ra tiếp đón. Căn cơ cùng nếp sống của gia đình cậu Chín Ngọt có thể được coi như là hình ảnh mẫu mực của giới địa chủ giàu tiền lắm của trong thời Pháp thuộc.
Cạnh nhà cậu Chín Ngọt là một khoảng đất trống rồi đến nhà bà Năm Linh với vòng hàng rào bằng những dàn cây bông giấy gai gốc nhọn bén và những cụm hoa màu đỏ nở rộ phủ che lên tới nóc nhà. Người viết ít có dịp vào dòm ngó bên trong căn nhà nầy. Phía sau nhà bà Năm Linh là nhà cậu Tư Dần và dì Hai Của. Hai người nầy là chị em và cũng là em bạn dì của me. Cậu Tư Dần đi làm ở Sài Gòn nhưng chiều nào cũng say mèm khi quay về Thủ Thiêm. Dì Hai Của thì lãng tai cho nên khi nói chuyện với dì thì phải nói thật lớn dì mới hiểu ý để trả lời. Cậu Tư và dì Hai rất nghèo nhưng ăn ở rất hiền lành và được lòng với làng xóm
Nơi cư trú của gia đình chúng tôi lúc đó là một căn phố cuối ở xóm trên, gần mé sông Sài Gòn, đối diện chếch xéo với nhà thờ Thủ Thiêm. Phía sau dãy phố nầy là một con đường đất đỏ chạy dài từ đầu cầu Ông Cậy, đánh vòng ngang xưởng tàu CARIC rồi nối đầu với con hương lộ phía trước mặt dãy phố. Phía đối diện với chúng tôi cũng là một dãy phố chạy song song với con hương lộ, và được tiếp nối bởi một kiến trúc 2 tầng dùng làm nhà xứ của linh mục họ đạo Thủ Thiêm. Lui về phía trong là nhà thờ Thủ Thiêm, cột tròn bằng cây gỏ mun đen, nóc lợp ngói đỏ, nền lót gạch tàu. Phần chu vi cung hành lễ được lát gạch bông. Hai bên là hai dãy ghế dài bằng cây có bệ quỳ cho tín đồ. Sát cung hành lễ có trải chiếu lác trên nền gạch cho học trò ngồi, quỳ trong những giờ đọc kinh hay hành lễ. Trước nhà thờ, phía tay mặt là lầu chuông và nhà bếp nấu ăn cho linh mục chính xứ.
Sát bên hong nhà thờ, đối diện với cổng vào xưởng CARIC là một con hẻm rộng chạy dài ngang qua khỏi con rạch Ông Cậy và dẫn đến "đất thánh", nơi chôn cất những tín đồ Gia tô ở Thủ Thiêm. (Nhà thờ nầy hiện nay vẫn còn nhưng khu đất thánh hình như đã bị "người đời nay" xâm lấn gần hết để cất nhà ở).
Ngày đó, hai bên lề con hương lộ của xóm trên, bắt đầu từ đầu cầu Ông Cậy, chạy ngang qua nhà thờ, lên đến chợ Thủ Thiêm có rất nhiều cầy bàng và cây mù u. Hột trái cây bàng lấy đá đập ra, ruột ăn cũng bùi như ăn hột điều. Hột mù u dầy võ, tròn giống như viên bi, có thể ép lấy dầu để đốt đèn gọi là đèn dầu mù u.
Đặc biệt nhất là ngay bên ngoài vòng tường rào nhà xứ đạo có một cây thị to lớn rậm rạp, rễ dài mọc thòng từ các nhánh trên cao rũ xuống chấm sát mặt đất trong giống như một người đàn bà bỏ tóc xỏa đứng chận ngang lối đi của con lộ. Trái thị khi chín võ màu vàng, vị ngọt nhưng mùi thì thum thủm hơi khó ngữi với những người chưa quen ăn.
Ở phía sau nhà chúng tôi, là một bãi đất bồi sìn lầy, um tùm cỏ lác và cây bình bát, mọc xen lẫn với những cây bần đước.
Một cầu vệ sinh công cộng bằng gỗ 4 chỗ ngồi được dựng lên, chạy từ bờ con lộ đất đỏ ra xa ngoài bờ sông bằng một chiếc cầu ván đóng đinh vá víu tạm bợ. Sát cạnh cầu vệ sinh lộ thiên nầy là bến gỗ của hàng CARIC với những thân cây danh mộc ngâm nửa mình dưới lớp bùn đen xám xịt. Những khi nước ròng xuống thấp, lớp bùn dưới gầm cầu vệ sinh lộ lên tạo thành một vùng tiếp tế cho những con cá thòi lòi tung tăng, trường bò khắp nơi để tìm lương thực.
Trái cây bình bát giống như quả mãn cầu xiêm và khi chính thì trở thành màu da cam, bên trong ruột lợ lợ, không chua, không ngọt.
Thân cây bần đước dùng làm than nấu ăn rất tốt, gọi là than đước. Quả bần đước da màu xanh hình dạng giống như hai cái dĩa nhỏ úp mặt vào nhau, rất chua cho nên khi ăn thì phải ăn với muối bọt thật mặn.
Hảng CARIC chiếm một diện tích bờ sông rộng lớn từ đầu nhà thờ chạy suốt lên đến bến đò trên, sát cạnh chợ Thủ Thiêm.
Lúc nầy, phong trào kháng chiến chống Pháp nổi lên khắp nơi. Một đơn vị lính Lê Dương của Pháp được giao cho trấn nhậm vùng Thủ Thiêm. Chỉ huy của đơn vị nầy là một viên đội Pháp, được dân chúng Thủ Thiêm gọi là "ông đội Sáu." Sáu ở đây không phải là cái tên nhưng có thể là cấp bậc của kẻ chỉ huy. Đội Sáu trưng dụng nhà linh mục cai quan họ đạo Thủ Thiêm (thường được các tín đồ Gia Tô gọi là cha chính xứ) để làm tổng hành dinh. Không đầy một tuần lễ sau khi đến trấn nhậm, đội Sáu đã áp dụng cứng rắn lệnh giới nghiêm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng và đã đến gỏ cửa nhà ba mẹ để khám xét điều tra. Dù biết rằng trong nhà nầy có ba và chị Ba Thơ làm việc cho người Pháp ở Kho Bạc Sài Gòn, nhưng đội Sáu vẫn lục soát thẳng tay và sau đó thì hăm he dằn mặt để thị uy.
(còn tiếp)